BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

VỀ XUÔI MƯA NGUỒN – Thơ Tịnh Bình


    
               Nhà thơ Tịnh Bình

 
VỀ XUÔI MƯA NGUỒN
 
Loanh quanh mấy bận trầm luân
Gương xưa đã vướng bụi trần mấy khi
Dùng dằng lúc ở khi đi
Bèo mây sum họp chia ly lại buồn
 
Ái hà càng buộc càng vương
Người thương kẻ ghét chung đường sánh vai
Mờ mờ nhân ảnh tỉnh say
Cùng chung một giấc mộng dài vô minh
 
Nghiệp đeo như bóng theo hình
Xuôi tay nhắm mắt giật mình tỉnh ra
Đâu là bản thể hỡi ta
Trời xanh hoa lá giao hòa nước mây
 
Bồ Đề nào thấy bóng cây
Gương trong đâu nhọc bởi tay người chùi
Bận lòng chi để ngậm ngùi
Không sinh chẳng diệt về xuôi mưa nguồn...
 
                                            Tịnh Bình
                                            (Tây Ninh)

BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH – Thơ Khê Kinh Kha


  
              Nhà thơ Khê Kinh Kha
 

BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH
 
này bé hỡi, chiều nay trời lành lạnh
ở phương này anh nhớ một quê hương
bé đừng quên, chiều nay mình đã hẹn
anh sẽ ngồi kể hết chuyện quê anh
 
khi bé đến, nhớ mặc áo dài xanh
như mầu xanh của lúa mạ lên mầm
như mầu xanh của rừng thông Đà Lạt
áo bay mềm như dòng nước Cửu-Long
 
khi bé đến, nhớ để tóc xoã dài
xõa dịu dàng như liễu rủ ngang vai
xõa trong anh bóng tre già quê ngoại
xoã hương tình của ruộng lúa Đồng-nai
 
khi bé đến, nhớ đừng thoa son nhé
để nắng chiều ửng đỏ nét môi thơm
để chiều nay mặt trời không ngủ sớm
như những chiều nắng phủ dãy Trường-sơn
 
khi bé đến, nhớ đừng thoa hương phấn
để hương trinh ngào ngạt ngập hồn anh
như cúc vàng bên thềm xưa Vỹ-dạ
ngát hương nồng bên dòng nước sông Hương
 
khi bé đến, nhớ đừng mang kính mát
để trời xanh rơi rớt vào mắt trong
để anh thấy biển Hội-An, Đà-Nẵng
bãi cát dài sóng vỗ đến Nha-trang
 
khi bé đến, nhớ bước đi nhè nhẹ
để lòng anh không xao động nỗi hờn
vì anh vẫn thấy hoài trong giấc mộng
phố Sài-gòn, Hà-nội, Huế buồn tênh
 
khi bé đến, đừng hôn anh bé nhé
hãy để dành hôn mẹ Việt Nam ta
mẹ Việt Nam bàn tay còn chai đá
nụ hôn nào sẽ xóa dịu lòng me
 
khi bé đến, nhớ cười vui bé nhé
để lòng anh như pháo nổ đầu xuân
anh sẽ ngắt cánh mai vàng vừa nở
tạ ơn đời và tổ quốc mến thương
 
                                   khekinhkha

BUỒN NGHE TIẾNG GỌI HAI ĐẦU TỬ SINH – Thơ Lê Văn Trung


   

 
BUỒN NGHE TIẾNG GỌI
HAI ĐẦU TỬ SINH
 
Ta là bến
Người là thuyền
Thuyền trôi theo cuộc nợ duyên khuyết tròn
Mù xa lau lách bãi cồn
Lao xao sóng vỗ
Mỏi mòn bến khuya
Cầu xưa gãy nhịp
Chia lìa
Nguồn cao thác đổ
Cuối bờ ghềnh sâu
Sân ga
Và những con tàu
Nghìn xưa hú vọng
Nghìn sau biệt mù
Con đường
Và những chuyến xe
Vết lăn
Đá sỏi
Còn se sắt chờ
Ta về đâu?
Người về đâu?
Buồn nghe tiếng gọi
Hai đầu
Tử
Sinh
 
Lê Văn Trung
2023

YÊU MỘT CHIỀU - Thơ Quách Như Nguyệt, Nhạc Mộc Thiêng, Ca sĩ: Duyên Quỳnh trình bày

   
      


YÊU MỘT CHIỀU
 
Anh yêu em vất vả
Anh yêu em một chiều
Tim óc anh cải vả
Tự dối lòng... không yêu
 
Nhất định là không yêu!
Bao lần cố quên em
Nhủ lòng bao nhiêu bận
Vẫn cứ yêu, yêu nhiều!
 
Một tình yêu vô vọng
Một tình yêu dại khờ
Anh yêu em lóng cóng
Anh yêu em lầm than
 
Tình anh không mù quáng,
mà chan chứa mênh mang
Anh như con mèo hoang
Đi tìm nơi ấm cúng
 
Mỗi lần gặp, lúng túng
Anh ấp a, ấp úng
Vì “thỏ đế” đó mà
Chẳng biết nói chi cả,
với người anh thầm yêu
 
Ôi, tình yêu một chiều
Là mối tình tội nghiệp!
Cả tỉ tỉ, vạn người
Sao anh không phải lòng?
Lại mê mẩn yêu em?
 
Chưa nắm tay mà sao yêu say mê?
Chưa được hôn mà sao yêu đến thế?
 
Quách Như Nguyệt

THU VỀ PHỐ, GIAN BẾP MẸ, LÒNG TA TỪ ẤY – Thơ Tịnh Bình


   
              Nhà thơ Tịnh Bình

 
THU VỀ PHỐ
 
Hàng cây cởi vạt áo xanh mùa hạ
Phố ban mai khe khẽ lời ca sương
Em nghe không chút tình thu e ấp
Thánh thót cung đàn huyễn hoặc phím âm trôi
 
Chiều khép hờ vạt nắng muộn trên mi
Loanh quanh phố những vòng xe trầm mặc
Chòm mây trắng bay cuối trời phiêu lãng
Tình hư vô nên đâu mặc cả nỗi niềm
 
Quán chơ vơ dăm câu thơ ngồi đợi
Cây bàng già cũng vờ trút lá thu
Phố buồn thiu tìm cơn mưa đi lạc
Cuối con đường hành khất một mùa thu
 
Vay phiến nắng trải mơ hồ lối cũ
Phố chợt trầm một nốt âm thu
Luồn ngực gió tìm heo may sót lại
Bầy cỏ hoang mọc thương nhớ xanh bờ...

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

QUAN VŨ KHÔNG THỂ SO SÁNH VỚI HƯNG ĐẠO VƯƠNG

Đã có những bài viết gây tranh cãi đến từ việc so sánh Quan Vũ với Trần Hưng Đạo. Những người này cho rằng Quan Vũ tài giỏi hơn Trần Hưng Đạo nên được thờ cúng nhiều hơn, người Việt thờ Quan Vũ nhiều hơn, coi trọng sức ảnh hưởng của Quan Vũ hơn.

Tượng Quan Vũ (trái) và tượng đài Hưng Đạo Vương (phải).
 
Quan Vũ là vị tướng cao nhất của nhà Thục Hán, được tôn là “Võ Thánh”, là người nhà trời, khi chết còn quay lại báo thù, là vị tướng duy nhất được thờ riêng trong Đế Vương Miếu tại Cố cung Bắc Kinh, hơn cả Nhạc Phi, Địch Công, Lưu Bá Ôn…Tại Việt Nam, Quan Vũ có sức ảnh hưởng nhất định, cả về mặt văn hóa, tín ngưỡng của một bộ phận nhỏ người dân Việt Nam, đến phim ảnh, trò chơi điện tử… Việc thờ phụng Quan Vũ, cơ bản là không sai. Tuy nhiên, nhiều người đem so Quan Vũ với Đức Thánh Trần, tôn vinh Quan Vũ thái quá và hạ thấp Đức Thánh là một việc rất sai, nếu không muốn là đi vào “vết xe xét lại lịch sử”.
 
Tuy nhiên, phàm là người Việt mà lại đánh giá Quan Vũ cao hơn Đức Thánh Trần là những người không hề có kiến thức về lịch sử, thiếu tự tôn dân tộc, chỉ nghiên cứu lịch sử bằng dã sử dưới con mắt thần thánh hóa của La Quán Trung.

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

KIM DUNG: KỶ HIỂU PHÙ NGA MI LIỆT NỮ - Đỗ Trung Quân



Nhân vật nữ chỉ là vai phụ thấp thoáng tưởng như có vẻ mờ nhạt thua xa Chu Chỉ Nhược đồng môn vừa nhan sắc hơn người, vừa xảo quyệt tham vọng…

Nhưng không hẳn.
Xuất hiện ít, chết sớm nhưng để lại một mối tình bất hủ là Kỷ Hiểu Phù [Ỷ Thiên Đồ Long Ký]

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

THÀNH MÊ LINH KHÔNG THỂ LÀ KINH ĐÔ THỜI HAI BÀ TRƯNG ! - Vũ Bình Lục


Nhà văn Vũ Bình Lục 

HAI BÀ TRƯNG ĐÓNG ĐÔ Ở ĐÂU?
 
ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA của các tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, được sáng tác vào thời nhà Nguyễn, khi viết về sự nghiệp giành lại quyền độc lập tự chủ của HAI BÀ TRƯNG, có câu:

“Đô thành đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”!

Trước đây, tôi chưa có nhiều thời gian để đọc sâu vào sách vở. Là vì áo cơm ghì sát đất, cho nên cũng chỉ lôm nhôm chỗ này chỗ kia, sách này sách khác, “cưỡi ngựa xem hoa” như bao người khác. Mà cũng hoàn toàn tin tưởng vào những tài liệu đã có, như thể một anh học trò học vẹt, ăn theo nói leo” vậy thôi. Cái ấy cũng thường tình.

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

NGƯỜI TÌNH (L'AMANT) SA ĐÉC… - Nguyễn Gia Việt


Cảnh trong phim người tình

Năm 1992 khi chiếu bộ phim “Người tình” (L'Amant) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud ở Việt Nam thiệt tình làm nhiều người Miền Nam choáng váng vì tình cảm sau những năm bao cấp vùi dập đã bị đánh thức.
Phim có hai nhân vật chánh, một cô gái trẻ người Pháp mặc cái áo đầm cũ và một “Người đàn ông Hoa kiều”.
Người đàn ông gốc Hoa đó đang từ Sa Đéc về Sài Gòn để thâu tiền nhà cho mướn, đang chung chuyến bắc Mỹ Thuận với cô gái và tiếng sét ái tình đã nổ ra.
Phim có nhân vật nam chánh là người Hoa ở Sa Đéc, vai do một diễn viên Hồng Kông đóng luôn và lấy nước mắt người Miền Nam suốt mấy chục năm ròng

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

THƠ ĐƯỜNG SÁU CHỮ - Biên khảo của Đỗ Chiêu Đức


          
LỤC NGÔN THI, thơ 6 chữ, cũng là một thể loại thi ca từ thời cổ đại của Trung Hoa. Mỗi câu thơ đều có 6 chữ, toàn bài thường là 4 câu trở lên, tuy không được lưu hành rộng rãi như thơ Ngũ ngôn (5 chữ) và thất ngôn (7 chữ), nhưng cũng là một thể thơ "Lục Ngôn" có nét độc đáo riêng, như bài "Điền Viên Lạc 田園樂" của Thi Phật Vương Duy đời Đường sau đây:
                
桃紅複含宿雨,   Đào hồng phục hàm túc vũ,               
柳綠更帶朝烟。   Liễu lục cánh đái triêu yên.               
花落家僮未掃,   Hoa lạc gia đồng vị tảo,                
鳥啼山客猶眠。   Điểu đề sơn khách do miên!
  
Có nghĩa:
                   
Hoa đào hồng vì mưa tối,                   
Sương sớm đưa cành liễu bay.                  
Hoa rụng gia đồng chưa quét,                   
Chim ca khách núi còn say

ĐỌC “CÁNH CÒ QUA SÔNG” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch


CÁNH CÒ QUA SÔNG
 
Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông
Nước lũ tràn về ngập đồng
Cánh Cò bay trong bão giông một mình…
 
Đôi cánh chao nghiêng tội tình
Chở lao đao nỗi buồn in bóng nước
Thân Cò lặn lội sau trước
Thương sáng chiều trăm vết xước đường bay…
 
À ơi… đôi cánh chẳng may
À ơi… chập chùng đường dài quạnh quẽ
Cánh Cò về - con chờ mẹ
Đường chông gai mẹ mạnh mẽ vượt qua…
 
 
Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông…

                                          Trần Mai Ngân

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

VIỄN DU TRÊN CHUYẾN TÀU MỘNG HUYỄN – Phan Quỳ




VIỄN DU TRÊN CHUYẾN TÀU MỘNG HUYỄN

Sân ga xa dần và chỉ còn lại một mình nàng trên chuyến tàu tình ái.
Đêm không trăng và ngày chẳng có hoa.
Tiếng còi lan lan trên những tàng cây, phiến lá.
Một cuộc viễn du về nơi xứ lạ, đưa người đi, đưa tình xa khuất, về những nơi mệt lả thân đau.
Đêm cúi đầu chào đón một ngày mau, và nàng cứ trôi đi, cứ bay đi cùng con tàu mộng huyễn.
Không ai trân trọng mời, chỉ là tự mình làm một cuộc khởi đầu và chia ly.
Nàng vuốt nhẹ những sợi tóc loà xoà trên trán, vầng trán đã hằn sâu những nếp suy tư.
Gió qua từng ô cửa sổ, lành lạnh sương đêm. Nàng thích cảm giác lành lạnh vốn đã quen. Gió mơn man trên khuôn mặt dần mất đi đường nét bởi thời gian.
Nàng nghe mình thở dài, tiếng thở dài cũng quen như cuộc đời vốn vậy với nàng.
 Dường như có tiếng người vẳng bên tai. Không sao em, có hề gì bước thời gian, nhan sắc hay phai tàn chỉ là phù du mộng ảo. Mọi thứ khổ đau hay hạnh phúc rồi cũng qua, chỉ còn mình là ở lại.
Nàng quay sang, thảng thốt. Nhưng không ai.
Im lặng đêm, chỉ có tiếng tàu xình xịch lăn bánh.
Nàng thích đêm, yên ắng, nghĩ suy.
Nàng đã trải qua quá nhiều những điều phi lý mà nàng không hay. Nụ cười rồi hết, nước mắt đã khô và những bâng quơ trần thế.
 Để qua.
Đôi khi nhiều điều mình không hiểu biết hết hoá ra lại làm mình bớt khổ đau hơn. Nàng nghe đêm thầm thì.
Một sợi tóc rơi xuống vai, và một sợi nữa nơi kẽ tay, nhìn đã phai màu. Hết rồi một làn nâu sáng tươi mềm mại nhiều người thích.
Tóc thưa dần như đời thưa vắng những cơn mơ.
Hình như tàu dừng lại. Vẫn đêm.
Có ai đó đứng tần ngần trông lên.  Vắng hoe.
Không người xuống.
Ai đó đã không về.
Con tàu lại trôi đi, dập dềnh như trên sóng.
Đầu nàng va nhẹ vào thành ghế.
Trời dần sáng.
Là một giấc mơ.
 
                                                                                      Phan Quỳ

THANH ĐIỆU TRONG TIẾNG VIỆT GHI BẰNG CHỮ CÁI LA TINH VÀ TRONG ÂM HÁN VIỆT – La Thụy



Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết.

Âm tiếng Hán hiện đại (tiếng Hán phổ thông, dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) chỉ có 4 thanh bậc: phù bình (tên thông dụng hiện nay là âm bình), trầm bình (tên thông dụng hiện nay là dương bình), thượng thanh và khứ thanh (không chia bậc).
Nhưng âm Hán-Việt lại quy về bốn thanh điệu và thêm hai bậc của tiếng Hán vì dựa vào phiên thiết của âm tiếng Hán.
Trong âm HánViệt trước đây có bốn thanh: bình , thượng , khứ , nhập ; mỗi thanh có hai bậc là phù và trầm (hoặc thanh /trộc ; thượng /hạ )
Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平), phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入).
*
Từ khi dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết, người Việt có thể diễn tả thanh điệu một tiếng bằng một ký tự nhất định. Tuy vậy, cũng chỉ được 6 thay vì 8, nghĩa là mất 2. Hai thanh phù-khứ, phù-trầm nhập lại thành một, hai thanh trầm-khứ, trầm-nhập cũng nhập lại thành một. Như vậy chỉ còn 2 thay vì 4.
Trong chữ Quốc ngữ, sáu thanh điệu được biểu thị bằng các dấu: sắc (´), hỏi (?), huyền (‘), ngã (~), nặng (.) và không dấu dành cho thanh ngang (phù-bình).
 

THƠ NGÀY 21/10 – Xuân Quỳnh

Nhớ và thật nhớ nhà thơ  Xuân Quỳnh.
Thương ơi một hạt bụi vô tình trên áo.

   


THƠ NGÀY 21-10
 

Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Vượt qua ô cửa cỏn con, văn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
Chính phục đại dương bằng các con tàu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
Biết bao điều quan trọng được đề ra
Những hiệp ước xoay vần thế giới
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày...
 
Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát...
 
Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên
 
Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
Loài rong rêu ai biết tới bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn.
 
Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày Xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.
 
                                                   Xuân Quỳnh

CẢM XÚC MÙA THU – Thơ Quang Tuyết


   


CẢM XÚC MÙA THU
 
Trời chợt mưa chợt nắng
Người đang vui lại buồn
Gió lay cành cuốn lá
Bỗng rừng cây lặng im
 
Em cuộn mình trong kén
Nằm nghe đời bao dung
Nhớ hay thương dâng cuộn
Ngược dòng hay mông lung
 
Rừng xanh rơi lá vàng
Thoáng thanh âm tiếng đàn
Chập chờn mơ về thuở
Tay rời tay ngỡ ngàng
 
Màu thu pha sắc nhớ
Tình thu sao chênh vênh
Nép vào vòng phận số
Nhớ khung trời mây xanh
 
                   Quang Tuyết

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI LÊ THÁNH TÔNG - Hồ Bạch Thảo



Tháng 3 năm Hồng Đức thứ 3 [8/4-7/5/1472] (Minh Thành Hóa thứ 8), cho các thư lại đỗ thi Hương, được thực thụ chức quan. Mở kỳ thi Hội, lấy đậu 26 người; qui định đề tài trong 4 kỳ thi:
 
“Tháng 3, hạ lệnh rằng, lại viên các nha môn nếu thi đỗ khoa thi hương thì được bổ lên chính quan…
 
 Thi hội chọn sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Lê Tuấn Ngạn 26 người. Phép thi:
 
 Kỳ thứ nhất ra 8 đề về Tứ Thư [Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung], người thi tự chọn lấy 4 đề, làm 4 bài văn, Luận Ngữ 4 đề, Mạnh Tử 4 đề. Ngũ Kinh [Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu]: mỗi kinh 3 đề, người thi tự chọn 1 đề mà làm. Duy kinh Xuân Thu thì 2 đế gộp làm 1 mà làm.
 
 Kỳ thứ hai thi chế, chiếu, biểu; mổi loại 3 đề.
 
 Kỳ thứ ba, thơ, phú, mỗi loại 2 đề; phú dùng thể Lý Bạch.
 
 Kỳ thứ tư, 1 bài văn sách, hỏi về chỗ dị đồng trong nghĩa lý của kinh truyện, điều hay dở trong chính sự của các đời.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 72a.
 

LIÊN KHÚC TÌNH NGƯỜI LƯU VONG 1- Nhạc Khê Kinh Kha, ca sĩ Thanh Thúy trình bày

                 
                

       

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

TIẾNG THU - Mai Vân Văn Thiên Tùng và quý thi hữu

Gồm quý thân thi hữu đồng họa bài TIẾNG THU: Viên Minh, Minh Thúy Thành Nội, Cao Bồi Già, Lý Đức Quỳnh, Sông Thu, Như Thu, Nguyễn Huy Khôi, Hồ Nguyễn, Đỗ Quang Vinh, Mỹ Nga, Liêu Xuyên, Mai Xuân Thanh, Duy Anh, Trần Văn Hạng, Thanh Hòa, Yên Hà, Hưng Quốc, Thái Huy, Mai Thắng, Thiên Lý, Cao Mỵ Nhân, Thanh Song ntkp, Phượng Hồng.

  
 

XƯỚNG:

TIẾNG THU
 
Hãy khép giùm tôi ngọn lửa ngời
Xua dần khoảng hạ nóng cuồng tơi
Lùa mây khắp nẻo vây quần cõi
Gọi gió ngàn phương chiếm lĩnh trời
Cảnh vật khát khao cành cội thắm
Nhân quần ước vọng sống đời thơi
Giao mùa rộn tiếng thu hòa nhịp
Vận thế nhường đang cảm tuyệt vời…
Mai Vân Văn Thiên Tùng
20/8/23
 

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

TIẾT TRÙNG CỬU - Phiếm Luận của Đỗ Chiêu Đức


                                                       Lễ ÔNG BÀ ngày xưa
        
Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghĩa là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu.