BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

ĐÃ CÓ TOÀN TẬP, VẪN CÒN NHỮNG BÀI THƠ LƯU LẠC CÓ NGUY CƠ MẤT HẲN! – Lại Nguyên Ân

Bài viết từ 3 năm trước, chả báo nào dám đăng. Chỉ có bài thơ NGUYỄN BÍNH còn ít người biết thôi. Thì đưa lên đây vậy.


 Ngồi nhà những ngày phong tỏa vì đại dịch, lật giở đôi trang sách cũ, có lúc chợt nhận ra được đôi chỗ khuyết thiếu mà từ ngày nào đã không thấy!
 
 Dừng lại ở thơ của Nguyễn Bính (1918-1966), tôi nhớ đã từng có ý định soạn một tập gồm những bài thơ có vẻ như chưa từng được đưa vào tập sách nào, nhất là những bài từng đăng các báo Hà Nội ngay những tháng ngày mới tiếp quản, đầu năm 1955.
 
Nhưng rồi lại nghĩ đến những tập thơ mà Nguyễn Bính đưa in từ đó về sau như “Đồng Tháp Mười” (1955), “Trả ta về” (1955), “Đêm sao sáng” (1962), biết đâu chính tác giả đã đưa những bài thơ lẻ này vô đó rồi? Muốn làm rõ, ắt phải đối chiếu! Mà để tìm lại đủ các tập thơ ấy tại các thư viện, đâu phải chuyện dễ?
 

THƠ VỀ TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


   


THẾ 3 QUỐC
 
Tào thế mạnh
người đông
muốn đánh ai thì đánh
đánh không được
rút
Quyền một vùng Giang Nam
sông nước trùng trùng
giữ cũng được
mà công cũng xong
Bị hãm vào tử địa
duy nhất một con đường
Nam dựa Quyền
Bắc cự Tào
 
mưu tại người
thành cũng tại người
tướng ít quân ít
lương thực thiếu
quân trang quân dụng không đủ
phòng thủ nổi là may
công nỗi gì?
27 năm thế chia ba thiên hạ
giữ được cũng là khá?
 
đặt các nhân vật Ba Thục lên bàn cân
so với Ngô Ngụy
bất cứ diện nào cũng không
bằng
may nhờ đại văn hào La Quán Trung
đời Thanh
thiên vị
viết sai sự thật

GỬI LẠI MÙA XUÂN – Thơ Trần Mai Ngân


    

 
GỬI LẠI MÙA XUÂN
(Tặng MH)
 
Gửi lại khóm Cúc vàng - nụ cười
Gửi lại nhánh Mai còn đầy hoa - mùi hương
Gửi lại mùa Xuân chỗ ngồi thân thương
Ngày mai ta phải quay về phố thị…
 
Mẹ tiễn với giỏ đồ ăn đầy ăm ắp
Tình yêu, tình thương luôn ngọt luôn bùi
Gian nhà rồi lại vắng tiếng cười
Cho mẹ nhớ, mẹ mong dáng con ngoài cổng…
 
Mùa Xuân những nhành xanh biếc lộc
Con trưởng thành theo tóc mẹ pha mây
Chuyện vui buồn như thoáng qua đây
Chỉ giữ lại ơn người mang nặng
 
Cảm ơn, cảm ơn cuộc đời ban tặng
Hẹn mùa Xuân, mùa Xuân đến lại về!
 
                                  Trần Mai Ngân
                                Ngày mùng 3 Tết

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

NGỌA HỔ TÀNG LONG - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện


Thủy Kính tiên sinh tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị
 
Phân ngôi chủ khách đâu vào đó, thì tiểu đồng bưng lên một cái khay trên khay là hai ly hồng trà. Tư Mã Thủy Kính đưa tay cầm ly trà kính mời Lưu Huyền Đức. Lưu Bị cầm ly trà chưa uống ngay, thì tiểu đồng lát sau bưng lên một khay nữa có hai tô phà nhì, một tô chứa Lục tàu xá và một tô chứa Chí mà phù. Tiểu đồng để ngay trên bàn và đứng ra phía sau chắp hai tay đứng hầu. Lão tiên sinh nói:
 
- Xin mời sứ quân bồi dưỡng hai thứ chè xong, lấy lại sức rồi chúng ta cùng trao đổi chia sẻ. Vốn đã đói sẵn, Lưu Dự Châu cũng không khách sáo, xử lý ngay một lúc vừa trà vừa chè. Tiểu đồng toan dọn dẹp thì một lão thư sinh râu tóc bạc phơ cưỡi lừa từ từ tiến vào trang. Tư Mã tiên sinh vội vã ra đón chào và mời vào. Tiểu đồng dẫn lừa ra phía sau, còn Tư Mã Thủy Kính thì chỉ vào Lưu Bị và khách mới tới giới thiệu:
 
- Đây là sứ quân Lưu Huyền Đức, người từng đánh thắng giặc Khăn Vàng trước đây, còn đây là lão bằng hữu của Tư Mã mỗ có biệt danh là Hoàng Đức Công.
 

TẠI SAO GỌI LÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN? – Nguyễn Lân Dũng



Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam được tính vào đầu năm Âm lịch, thường có nhiều tên gọi khác nhau, như: Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền.
Theo phiên âm Hán - Việt thì "Tết" theo chữ Hán là tiết, "nguyên" là sự khởi đầu và "đán" là buổi sáng sớm. Do đó, theo âm Hán Việt là Tết Nguyên đán.
 

“LỤC BÁT BA CÂU” THƠ NGUYỄN TÔN NHAN – Mai Ninh và Hoài Nguyễn sưu tầm



Nguyễn Tôn Nhan, tên thật Nguyễn Hữu Thành (01/02/1948 - 31/01/2011) là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, sinh ra tại Hải Dương, di cư vào Nam năm 1954. Ông là tác giả một số văn tịch giá trị liên quan đến Hán học và văn học Trung Quốc.
 
Thơ của Nguyễn Tôn Nhan khi viết theo thể lục bát có “phong cách rất riêng” chỉ với ba câu: Câu 6 – Câu 8 – Câu 6
Nói về thơ lục bát là một thể thơ thuần Việt thì không có quy định nào về độ dài ngắn của bài thơ nhưng tối thiểu phải là hai câu (mới gọi là lục bát), còn đã gọi là tứ tuyệt thì ít nhất phải là bốn câu, bát cú là tám câu…Còn trường ca thì vô số câu…
 
Thực ra khi làm thơ và được đánh giá là một bài “thơ hay” thì không đòi hỏi bài thơ đó phải dài hay ngắn!
Ví dụ như trường phái thơ Haiku của Nhật rất cô đọng, thế nhưng rất khó làm vì có khi người đọc không hiểu ý tưởng của tác giả trong bài thơ… quá ngắn này!
Với bài thơ ngắn chỉ với ba câu thì người đọc có cảm giác như ray rứt, bị hẫng hụt, như là bài thơ còn thiếu thiếu cái gì đó và không biết phải thêm gì và ngừng lại khi nào! Tuy nhiên vì bài thơ quá ngắn nên khiến người đọc thích đọc và dễ nhớ!
 
Sau đây, tôi sưu tầm được một số bài thơ thuộc dạng “Lục - Bát - Ba - Câu” trích từ tác phẩm của Nguyễn Tôn Nhan, xin giới thiệu với các bạn đọc cho vui trong những ngày cận Tết này…
                                                                                
                                                                                         Mai Ninh

NAM QUẬN, CHU DU, TRIỆU VÂN – Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện


Chu Du (phải) và Gia Cát Lượng (trái).
 
Theo cẩm nang của quân sư Gia Cát Khổng Minh, Thường Sơn Triệu Tử Long tướng trấn thành Nam Quận và Di Lăng tự động thi hành giải quyết rồi báo cáo sau. Ngài cho mời tướng Trần Kiểu cuả Nhà Nguỵ Tào Tháo từ dưới địa lao lên, cho tắm rửa sạch sẽ, ăn uống no nê rồi vào làm việc với ngài. Chừng một canh giờ thì đâu vào đó, kể cả hớt tóc và cạo râu. Triệu Tử Long mời Trần Kiểu  an toạ rồi nói:
 
- Thôi chuyện chiến tranh chiến trường nó có nhiều cái lôi thôi vô luân vô đạo đức lắm, kính mong tướng quân đại xá bỏ qua cho. Hôm nay bổn tướng có một vấn đề thiết thực gan ruột, muốn trao đổi với tướng quân. Kính mong tướng quân hợp tác cho thuận chèo xuôi mái.
 

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

XUÂN VỀ THƯƠNG NHỚ VỚI AI ĐÂY – Thơ Tạ Ký

Tạ Ký (1928-1979) là giáo viên Trường Trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Giữa thập niên 1950, ông được biết đến khi thơ được đăng trên các tờ Đời Mới, Văn Nghệ Tiền Phong...                 
Tập thơ "Sầu ở lại" của ông đã đoạt giải nhất bộ môn Thơ của giải Văn học Nghệ thuật năm 1970 do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trao.

Ông là người viết nhiều thơ tặng bạn, như một truyền thống phương Đông từ thời thơ Đường, như các bài "Dâng", "Ngõ lạc" tặng Cao Thế Dung; "Viết trang tình sử" tặng Thế Viên; "Anh cho em mùa xuân" tặng Phạm Công Thiện; "Dáng xưa" tặng Bùi Giáng; "Đếm sao" tặng Cam Duy Lễ; "Bài thơ cuối mùa" tặng Huy Trâm; "Buồn như", "Em chỉ trả lời" tặng Tôn Thất Trung Nghĩa; "Thư gửi mẹ" tặng Tạ Hồng Nguyện, "Giao thừa giữa phố" tặng Hoài Khanh; "Thế hệ bốn lăm" tặng Nguyễn Liệu; "Lại một bài thơ tâm tình" tặng Lê Sử; "Hẹn một ngày mai" tặng Phổ Đức; "Xuân về thương nhớ với ai đây?" tặng Trương Đình Ngữ,... 

Ông có các tập thơ là “Sầu ở lại” (1970) và “Cô đơn còn mãi” (1973), riêng một tập thơ khác là “Giòng mắt em xanh” được kiểm duyệt năm 1961 nhưng không thấy xuất bản. Tập “Sầu ở lại” tựa như một tiên cảm về cuộc đời, về một tương lai gập ghềnh, buồn thương, cay đắng. Tập thơ có lời tựa là câu thơ của Huy Cận: "Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài". Ngày 19 tháng 1 năm 1971, trong buổi trao giải Văn học Nghệ thuật năm 1970 diễn ra ở dinh Độc Lập, tập thơ “Sầu ở lại” của ông đoạt giải nhất bộ môn Thơ.

Năm 1961, Tạ Ký có quyển sách giáo khoa Việt Nam thi văn trích giảng (Văn học cận đại: 1765-1921), được NXB Khoa Học ấn hành. Năm 1974, ông đồng biên soạn sách Quốc văn lớp 12 với các thầy khác tại trường Pétrus Ký, được NXB Trí Đăng ấn hành.

Bài thơ "Buồn như" tặng Tôn Thất Trung Nghĩa, sau năm 1975 được nhạc sĩ Y Vân lấy ý để sáng tác nhạc phẩm "Buồn".


     
  
   XUÂN VỀ THƯƠNG NHỚ VỚI AI ĐÂY

   Tết đến rồi đây, Xuân đến đây
   Xuân Xuân, Tết Tết được bao ngày?
   Cười nghiêng núi thẳm, Xuân gian khổ
   Khóc đứng quê xa, Tết dạn dày.
 
   Có những con người không biết Tết
   Cầm bằng năm tháng một cơn say
   Có những con người không biết chết
   Hẹn cùng trời đất một ngày mai.
 
   Có những con người không nói hết
   Căm căm thế sự nhíu đôi mày.
   Tết đến, Xuân về băm mấy bận
   Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay
 
   Lòng riêng nào biết Xuân hay Tết
   Tóc đã pha sương kể những ngày
   Câu chuyện tâm tình không tỏ được
   Hoa đào hàng xóm lả lơi bay
 
   Xót thương thân thế toàn dang dở
   Khói thuốc làm cay đôi mắt cay!
   Chợt thấy bên hiên hoa lại nở
   Và Xuân lại đến ở đâu đây.
 
   Nhưng hoa đã tỏ đường ong bướm
   Xuân vẫn còn Xuân với đọa đày
   Xuân vẫn còn Xuân trong máu lửa
   Còn Xuân nên vẫn trắng đôi tay!
 
   Nhấm mứt gừng suông ba bữa Tết
   Giở chồng thư cũ mấy năm nay
   Đâu đây nhạc rót mừng Xuân mới
   Không hiểu thương ai nước mắt đầy!
 
   Nhà trống tha hồ mơ mộng đến
   Tiền đâu mua lấy nửa cơn say?
   Thơ chẳng yêu ai, rồi cũng vẫn
   Đêm đêm nằm tính chuyện tương lai
 
   Cố tri dăm đứa, nghèo xơ xác
  Ăn chực nằm chờ khắp đó đây
   Tán gẫu, cười suông, ngâm lạc giọng:
   "Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây"
 
   Thuốc chưa hết điếu mà cay mắt
   Tình chủng muôn đời vẫn đắng cay!
   Xuân bỗng tưng bừng trên má thắm
   Xuân về thương nhớ với ai đây?
 
                                                TẠ KÝ

 (Đăng trên báo Đời Mới, số báo Xuân 1955)



                         

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

“LÝ THẾ GIÃ, THIÊN GIÔ, TAM QUỐC CHÍ NGOẠI TRUYỆN – Chu Vương Miện



Phục Hoàng hậu (tức Lữ Hậu) vừa dứt lời thì Điều hợp viên Khổng Minh Gia Cát Lượng tiếp theo:
 
- Xin trân trọng hoan hỉ kính mời các vị hào kiệt lên phát biểu cảm tưởng tiếp, nếu trong một phút không có vị nào lên diễn đàn, thì hoạt náo viên là tại hạ sẽ có đôi lời, vì hiện giờ có quá dư thì giờ mà giờ ăn trưa chưa tới, nếu trong các vị có ai lên nói thì tại hạ sẽ nhường ngay micro. Bây giờ để trám chỗ trống tại hạ xin được phép bày tỏ đôi lời “cái Thế và Cơ trong trời đất lúc nào cũng có, kẻ bắt đúng thời cơ là kẻ tuấn kiệt. Bắt hụt, hoặc thời cơ tới, gà mờ để thời cơ xổng vó đi qua mất, thì đúng là chỉ còn có cơ húp “cháo rùa”. 

PHIẾM LUẬN VỀ CON MÈO – Kha Tiệm Ly



Chưa ai dám khẳng định con mèo đã hiện diện trên trái đất nầy bao lâu. Có tài liệu thì nói khoảng một vạn năm, nhưng mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm được bộ xương mèo hóa thạch cách nay khoảng… 3,7 triệu năm! Vì thế việc chúng đã “sống chung hòa bình” với loài người từ khi nào vẫn còn là một ẩn số! Chỉ biết ngày nay, với người Tây Phương, mèo là thú cưng của hầu hết gia đình.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

LƯU BỊ TAM CỐ THẢO LƯ – Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện



Theo như lời dặn dò cuả Từ Thứ Đan Phúc lúc từ biệt ra đi và lời khuyên bảo của Tư Mã Thuỷ Kính tiên sinh, Lưu Dự Châu cùng hai em kết nghiã là Quan Vân Trường và Trương Dục Đức ba người, ba ngựa lên đồi Long Trung để cầu Khổng Minh Gia cát Lượng. Trời muà đông, gió thổi như cắt thịt, tuyết bay lả tả trên vòm trời như những chiếc lông ngỗng, mây xám xịt. Ba vị Lưu Quan Trương hỏi thăm nhà. Tới nơi thì trước sau cửa đóng then cài, ngay cái quả nắm mở cửa thì treo một miếng bìa cứng đề vỏn vẹn hai chữ “đi vắng”.
 

NỤ CƯỜI MÙA XUÂN – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Nguyễn Tuấn, ca sĩ Hà Huệ Mẫn trình bày


  
                             Nhà thơ Quách Như Nguyệt 

NỤ CƯỜI MÙA XUÂN
 
Mùa Xuân tưng bừng vạn vật đổi mới
Dấu yêu mĩm cười hàm tiếu nụ hoa
Sáng nay đẹp trời nắng ấm chan hòa
Thắm tươi ngọt ngào đẹp quá tình ta
 
Vào xuân chúc nhau gặp nhiều may mắn
Khắp nơi an vui thuận hòa mưa nắng
Nồng say trao nhau nụ hôn thiên đàng
Ngập ngừng, ngây ngất tình đến như mơ
 
Có em tươi cười, nụ cười rạng rỡ
Có em trong đời, đời bỗng nở hoa
Tối nay ta cùng ngắm anh trăng ngà
Phúc ơn ngập tràn tuyệt quá tình ta

Này em dấu yêu vui vầy hạnh phúc
Cám ơn nụ cười tươi thắm, thắm tươi
Ngất ngây anh nhìn, anh ngắm em cười
Nụ cười của em, nụ cười mùa Xuân                            

                         Quách Như Nguyệt


     

Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Ca sĩ: Hà Huệ Mẫn

ĐÊM GIAO THỪA – Thơ Nguyên Lạc




ĐÊM GIAO THỪA
 
Có được gì đời lưu vong đất khách?
Ngoài vết thương sâu kín giấu trong lòng
Năm mới về nhức nhối lắm biết không?
Bao năm nữa? Quê hương bao năm nữa!
 
Bông tuyết trắng rơi rơi ngoài song cửa
Đêm giao thừa gió luồn lạnh qua khe
Rượu lữ thứ tay nâng mừng năm mới
Sao đắng môi? Lại lỗi hẹn câu thề!
 
Đã bao năm kể từ ngày dâu bể
Người xa người bỏ lại mảnh tình quê
Đời luân lạc đêm ba mươi nâng chén
Ta chúc ta sao lòng bỗng não nề!
 
Đêm đất khách giao thừa trời tuyết lệ!
Nhớ nắng xưa hồng thắm Tết quê nhà
Cố nhân ơi! Đón xuân nơi xứ lạ
Người phương nào? Lệ tuyết trắng thiết thê!
 
Dòng đời đó biết khi nao quay lại?
Cố hương ơi! Chờ ta nhé... ngày về!
 
                                   Nguyên Lạc
 

LỤC XUẤT KỲ SƠN, NGỤY DIÊN –Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện



Tư Mã Ý là nguyên soái cuả quân Tào Ngụy, đón sứ giả của Thục quốc rất là trọng thể. Sứ giả đưa thư và một gói đồ của Gia cát Khổng Minh. Trọng Đạt mở thư và đồ ra coi. Thư thì có ý coi thường không dám xuất quân nghinh chiến, còn đồ là một bộ quần áo đàn bà và các vật gia dụng guốc dép son phấn. Tư Mã Ý khen ngợi thừa tướng Khổng Minh không hết lời rồi nói với sứ giả:

- Ba cha con cuả Tư Mã Ý này, mà Gia Cát thừa tướng chỉ ban cho có một bộ quần áo, thì ai mặc ai đừng? Kỳ sau tôn sứ có qua, xin cho thêm hai bộ đồ mới nữa.
 

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

CHÙM TỨ TUYỆT TẾT QUÝ MÃO – Thơ Nguyễn Khôi


    
                Nhà thơ Nguyễn Khôi


CHÙM TỨ TUYỆT - TẾT QUÝ MÃO
 
“Đất có thời, phe có vận”
                       (Tục ngữ)
 
-1, Giáp Tết động Trời truy “trùm cuối”
Hương nhang xứ Quảng bốc mùi “toang”
Bình Minh vụt tắt, Đam mê vứt
Tiên lão đánh bài, xe pháo đi đêm…
 
-2, “ Xuân vận” chen nhau về ăn Tết
Ba năm Covid kẹt tàu xe
Mở cửa thông biên Hoa quả xuất
Cúm Tàu được dịp thả nguy cơ…
 
-3, Xuân này NATO - Nga quyết chiến
Xem ra chỉ khổ dân Ukraina (U cà)
Bắc Kinh- Bình Nhưỡng lăm le “diễn”
Nhật - Hàn - Đài nơm nớp cũng gân đua…
 
-4, Tết này giảm mua, lo khủng hoảng
Chìm xuồng Chứng khoán, Đất đóng băng
“Cắt lỗ” bao thằng thành tay trắng
Buôn bán theo bầy chết nhăn răng …
 
-5, Tết này nằm nhà chơi TikTok
Thơ văn / hàng giả loạn thị trường
Vui nhất Xóm Thơ Câu lạc bộ
Tự khen / tự sướng rượu bia tràn…
 
                        Hà Nội 18/1/2023
                            Nguyễn Khôi

VẼ XUÂN – Thơ Trần Mai Ngân


   
 

VẼ XUÂN
 
Ai vẽ mùa Xuân trong mắt em
Để hương thêm ngát, ngày thêm ngoan
Để tôi quay gót đường lữ thứ
Về lại quê nhà Xuân ấm êm
 
Ai vẽ Xuân hồng trên môi xinh
Nụ cười hoa nắng tỏa lung linh
Để tôi mê mãi lòng bất tận
Yêu đến mây trời như ngưng trôi...
 
Tôi vẽ mùa Xuân còn xa xôi
Cho gần thêm chặt gắn đôi môi
Ngậm lấy cả Xuân và mật ngọt
Xuân gần... ở mãi lại bên tôi...
 
                       Trần Mai Ngân

NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ: TỨ ĐẠI MỸ NAM 四大美男 – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


Học giả Đỗ Chiêu Đức
                                                 
Trở lại với đề tài Tứ Đại Mỹ Nhân hay TỨ ĐẠI MỸ NỮ 四大美女. Thường người ta chỉ biết đến Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi 西施、王昭君、貂蟬、楊貴妃 với các mỹ hiệu là Trầm ngư, Lạc nhạn, Bế nguyệt, Tu hoa 沉魚、落雁、閉月、羞花 , mà ta thường nói là các vẻ đẹp Cá lặn, Chim sa, Nguyệt thẹn, Hoa nhường

TỨ ĐẠI MỸ NỮ 四大美女
Trầm ngư, Lạc nhạn, Bế nguyệt, Tu hoa 沉魚、落雁、閉月、羞花 ,
(Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi)    

Nhưng ít ai biết đến TỨ ĐẠI MỸ NAM 四大美男 thời cổ đại là ai, hay có biết thì cũng chỉ biết có hai người là Tống Ngọc  宋玉 và Phan An 潘安 mà thôi, còn Lan Lăng Vương Cao Trường Cung 蘭陵王高長恭 và Vệ Giới 衛玠 thì rất ít người biết tới, thậm chí chưa từng nghe tới!

四大美男 TỨ ĐẠI MỸ NAM

Chuyện kể...       
Vào năm Hồng Võ triều Minh, có một khai quốc công thần về trí sĩ ở phủ Khai Phong tên là Lưu Nghĩa Nhân 劉義仁. Mặc dù có rất nhiều thê thiếp nhưng dưới trướng chỉ có một gái là Lưu Vũ Khê 劉雨溪, thông minh dĩnh ngộ, giỏi cả cầm kỳ thi họa, nên Lưu Nghĩa Nhân rất cưng chìu, vì thế mặc dù không có con trai, ông cũng rất hãnh diện về cô con gái giỏi giang nầy, và thầm mong là sẽ tìm được một chàng rể quý cho xứng đáng với con gái mình.

ĐÔI MẮT MÙA XUÂN – Thơ Đan Thụy


   

 
ĐÔI MẮT MÙA XUÂN
 
Em yêu núi Bà Đen*
Tinh mơ mờ mây phủ
Hoàng hôn sương huyền ảo
Quyện hương trầm, chuông ngân
 
Quê em ở Tây Ninh
Miền Đông không có biển
Chỉ có núi và sông
Cảnh đẹp như trong tranh
 
Rừng cao su bạt ngàn
Dâng cho đời nhựa trắng
Bàn tay em nho nhỏ
Ôm giấc mơ rất đầy
 
Gió sớm vương hương chanh
Lung linh từng sợi tóc
Yêu mình nhé bé ơi!
Thanh xuân chẳng hai lần
 
Em níu xanh tim tôi
Dấu vào trong đôi mắt
Câu thơ tình góp nhặt
Chẳng bao giờ nhạt phai
 
Nắng mùa xuân như hát
Reo trên tầng lá xanh
Đôi mắt huyền long lanh
Chứa nồng nàn nắng quái
 
Khoảng trời xanh như lá
Vương vương nỗi nhớ người
Ước mình thành hạt nắng
Cho ngày…
đời thênh thang…

                                   Đan Thụy

P/S: Núi Bà Đen* có độ cao 986 mét, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ.
 
*
 
Bút danh: Đan Thụy      
Tên thật: Đàm Thị Hải