BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

XUÂN VỀ THƯƠNG NHỚ VỚI AI ĐÂY – Thơ Tạ Ký

Tạ Ký (1928-1979) là giáo viên Trường Trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Giữa thập niên 1950, ông được biết đến khi thơ được đăng trên các tờ Đời Mới, Văn Nghệ Tiền Phong...                 
Tập thơ "Sầu ở lại" của ông đã đoạt giải nhất bộ môn Thơ của giải Văn học Nghệ thuật năm 1970 do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trao.

Ông là người viết nhiều thơ tặng bạn, như một truyền thống phương Đông từ thời thơ Đường, như các bài "Dâng", "Ngõ lạc" tặng Cao Thế Dung; "Viết trang tình sử" tặng Thế Viên; "Anh cho em mùa xuân" tặng Phạm Công Thiện; "Dáng xưa" tặng Bùi Giáng; "Đếm sao" tặng Cam Duy Lễ; "Bài thơ cuối mùa" tặng Huy Trâm; "Buồn như", "Em chỉ trả lời" tặng Tôn Thất Trung Nghĩa; "Thư gửi mẹ" tặng Tạ Hồng Nguyện, "Giao thừa giữa phố" tặng Hoài Khanh; "Thế hệ bốn lăm" tặng Nguyễn Liệu; "Lại một bài thơ tâm tình" tặng Lê Sử; "Hẹn một ngày mai" tặng Phổ Đức; "Xuân về thương nhớ với ai đây?" tặng Trương Đình Ngữ,... 

Ông có các tập thơ là “Sầu ở lại” (1970) và “Cô đơn còn mãi” (1973), riêng một tập thơ khác là “Giòng mắt em xanh” được kiểm duyệt năm 1961 nhưng không thấy xuất bản. Tập “Sầu ở lại” tựa như một tiên cảm về cuộc đời, về một tương lai gập ghềnh, buồn thương, cay đắng. Tập thơ có lời tựa là câu thơ của Huy Cận: "Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài". Ngày 19 tháng 1 năm 1971, trong buổi trao giải Văn học Nghệ thuật năm 1970 diễn ra ở dinh Độc Lập, tập thơ “Sầu ở lại” của ông đoạt giải nhất bộ môn Thơ.

Năm 1961, Tạ Ký có quyển sách giáo khoa Việt Nam thi văn trích giảng (Văn học cận đại: 1765-1921), được NXB Khoa Học ấn hành. Năm 1974, ông đồng biên soạn sách Quốc văn lớp 12 với các thầy khác tại trường Pétrus Ký, được NXB Trí Đăng ấn hành.

Bài thơ "Buồn như" tặng Tôn Thất Trung Nghĩa, sau năm 1975 được nhạc sĩ Y Vân lấy ý để sáng tác nhạc phẩm "Buồn".


     
  
   XUÂN VỀ THƯƠNG NHỚ VỚI AI ĐÂY

   Tết đến rồi đây, Xuân đến đây
   Xuân Xuân, Tết Tết được bao ngày?
   Cười nghiêng núi thẳm, Xuân gian khổ
   Khóc đứng quê xa, Tết dạn dày.
 
   Có những con người không biết Tết
   Cầm bằng năm tháng một cơn say
   Có những con người không biết chết
   Hẹn cùng trời đất một ngày mai.
 
   Có những con người không nói hết
   Căm căm thế sự nhíu đôi mày.
   Tết đến, Xuân về băm mấy bận
   Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay
 
   Lòng riêng nào biết Xuân hay Tết
   Tóc đã pha sương kể những ngày
   Câu chuyện tâm tình không tỏ được
   Hoa đào hàng xóm lả lơi bay
 
   Xót thương thân thế toàn dang dở
   Khói thuốc làm cay đôi mắt cay!
   Chợt thấy bên hiên hoa lại nở
   Và Xuân lại đến ở đâu đây.
 
   Nhưng hoa đã tỏ đường ong bướm
   Xuân vẫn còn Xuân với đọa đày
   Xuân vẫn còn Xuân trong máu lửa
   Còn Xuân nên vẫn trắng đôi tay!
 
   Nhấm mứt gừng suông ba bữa Tết
   Giở chồng thư cũ mấy năm nay
   Đâu đây nhạc rót mừng Xuân mới
   Không hiểu thương ai nước mắt đầy!
 
   Nhà trống tha hồ mơ mộng đến
   Tiền đâu mua lấy nửa cơn say?
   Thơ chẳng yêu ai, rồi cũng vẫn
   Đêm đêm nằm tính chuyện tương lai
 
   Cố tri dăm đứa, nghèo xơ xác
  Ăn chực nằm chờ khắp đó đây
   Tán gẫu, cười suông, ngâm lạc giọng:
   "Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây"
 
   Thuốc chưa hết điếu mà cay mắt
   Tình chủng muôn đời vẫn đắng cay!
   Xuân bỗng tưng bừng trên má thắm
   Xuân về thương nhớ với ai đây?
 
                                                TẠ KÝ

 (Đăng trên báo Đời Mới, số báo Xuân 1955)



                         

2 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

xuân của một thời !

http://2.bp.blogspot.com/-UOK46U7Egdc/UtgPEgtYTQI/AAAAAAAAFWo/9x8q_hFYPqU/s1600/hinh-anh-dong-cau-doi-do-cau-doi--ngay-tet-3.gif

Bâng Khuâng nói...

Theo Wikipedia:

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Tạ Ký bị bắt đi học tập cải tạo với tội danh "giáo chức biệt phái" trong hai năm tại trại Long Giao, trong khu căn cứ cũ của Sư đoàn 18 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại tỉnh Đồng Nai. Trong tù ông vẫn không ngừng sáng tác thơ nhưng hầu như không còn lưu lại.

Tháng 9 năm 1978, sau khi vợ con bỏ ông đi vượt biên trước, ông bèn bán hết đồ đạc còn lại rồi lần về Tây Nam Bộ, trú ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trong nhà một người đồng hương, rồi tiếp tục bị bắt giam chỉ ba tháng sau đó vào ngày 25 tháng 12 năm 1978 vì tội cư trú bất hợp pháp, không có hộ khẩu.
Ngày 19 tháng 3 năm 1979, sau vài tháng căn bệnh gan tái phát, ông được cho ra khỏi nhà tù nhưng qua đời trên đường đi, được chôn ở cạnh một gốc cây. Sau này, nhà thơ Đinh Trầm Ca tìm ra phần mộ chôn ở Chợ Mới; đến ngày 5 tháng 4 năm 2001 thì thân hữu và gia quyến dời cốt về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, an táng cạnh mộ phần thi sĩ Bùi Giáng.