Qua
sự đánh giá của nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ cũng như khán, thính giả trong
và ngoài nước, Thu Vàng là một giọng hát hiếm quý trong nền tân nhạc Việt Nam
hiện nay, tiếp nối những giọng ca tài danh Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Duy
Trác…
Cuộc
trò chuyện này sẽ giúp cho những người hâm mộ cô biết thêm một số điều về con
người cũng như quá trình ca hát của cô trong thời gian qua.
Ca
sĩ Thu Vàng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
CA SĨ THU VÀNG
THÍCH VÀ CHỌN NHẠC CÓ CHỦ ĐỀ QUÊ HƯƠNG
THÍCH VÀ CHỌN NHẠC CÓ CHỦ ĐỀ QUÊ HƯƠNG
Trần Doãn Nho
Tác
giả bài viết Trần Doãn Nho
Thu hát “Thu Vàng”
*Trần Doãn Nho:
Trước hết, tôi hơi tò mò một chút. Sao cô lấy tên là Thu Vàng?
-Thu Vàng: Tôi tên thật là Thu. Tên “Thu Vàng” được bạn
bè trong lớp Đệ Tứ trường Nữ Trung Học Quảng Tín đặt cho, nhân Thu hát bản “Thu
Vàng” của Cung Tiến để phân biệt với hai bạn cũng tên Thu trong lớp. Có người
cho rằng tên Thu đã không vui, còn thêm chữ Vàng làm chi cho não nuột và bảo
Thu nên đổi cho đời sáng láng ra bớt, nhưng tôi nghĩ cái tên cũng đã có tiền
duyên gắn bó với người.
*Trần Doãn Nho:
Trên Facebook, các thính giả nghe Thu Vàng hát thường hỏi nhau về gốc gác của
Thu Vàng. Người thì nói gốc Huế, kẻ thì nói Quảng Nam, hay Quảng Ngãi, có người
nói là gốc Bắc. Vậy thì thực sự quê quán của Thu Vàng ở đâu?
-Thu Vàng: Thưa anh, tôi gốc Tam Kỳ, Quảng Nam. Trước
năm 1975, tôi di chuyển nhiều nơi, nơi cuối cùng định cư là Quảng Ngãi. Có người
nghĩ tôi gốc Huế vì khi ba tôi ra Quảng Trị làm việc, tôi theo ra học, tôi biết
nhiều từ ngữ địa phương, sử dụng được như người dân vùng này. Câu hỏi gần như
thường xuyên của khán, thính giả (và có phần rất thú vị đối với người Bắc xưa)
với tôi là, “Sao cô nói giọng Quảng mà hát y như giọng Hà Nội xưa vậy?,” tôi trả
lời: “Có lẽ vì tôi nghe nhạc từ lúc còn bé mãi đến giờ nên quen cách phát âm của
những ca sĩ mình yêu thích mà chính mình cũng không biết, khi nghe hỏi mới để
ý.”
*Trần Doãn Nho:
Cũng trên Facebook, một số các bạn học của Thu Vàng ở nhiều nơi kể lại là Thu
Vàng đã thường hát cho bạn bè nghe khi còn đi học. Hồi đó, Thu Vàng thường hay
hát nhạc loại gì?
-Thu Vàng: Thuở ấy tôi hát trong trường, trong các
chương trình đi tiền đồn của trường, hay các chương trình thăm viếng thương bệnh
binh. Có khi hát trong đài phát thanh, đài truyền hình vào dịp này hoặc dịp kia
và vì tôi là con nhà lính, đi nhiều nơi nên cái tên Thu Vàng và tiếng hát cũng
được dịp “tung cánh chim.”
Thời
tiểu học, khi hát cho trường thì ba tôi thường chọn và tập cho tôi những bản nhạc
thiếu nhi của Lê Thương, Phạm Duy… Sáng sớm nào ba tôi cũng mở nghe chương
trình nhạc bình minh của đài Sài Gòn. Hằng tuần, chương trình Nhạc Thiếu Nhi của
đài Sài Gòn cũng rất hấp dẫn tôi. Về sau, hôm nào thức khuya thì nghe chương
trình Dạ Lan hay chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Đình Toàn.
Tôi
còn nhớ những năm đầu Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi thích nghe nhạc của chương
trình thương mại, thích thú hát theo những bản Bolero. Sau đó ba tôi hướng tôi
nghe những bản nhạc xưa do những ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc,
Duy Trác… hát, nghe quen rồi dần dần yêu thích. Thời điểm này, tôi được sinh hoạt
trong ban nhạc “Tuổi Thơ” ở Hội An do anh Thái Tú Hòa thành lập.
Anh
Hòa và thầy Lê Khuê, hiệu trưởng trường Nam Tiểu Học, cùng một số anh văn nghệ
trong phố đã tập cho ban “Tuổi Thơ” hát những trường ca quan trọng như “Mẹ Việt
Nam,” “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, những bản hùng ca, nhạc thiếu nhi của
Hùng Lân, Lê Thương, Phạm Duy… và nhiều tác phẩm giá trị khác. Giai đoạn này thực
sự định hình thể loại nhạc tôi theo đuổi đến giờ. Tôi có may mắn được học hát rất
nhiều từ những người thầy rất có tâm này.