BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỀ KHẨU NGỮ "MA MỊ" - Nguyễn Khôi


    

   Thân gửi : Các Bạn thơ...

  TRAO ĐỔI VỀ KHẨU NGỮ "MA MỊ"
             
  Theo Từ điển Hoàng Phê thì "Ma mị" là khẩu ngữ, tương tự như "ma giáo"...mà "Ma giáo = gian giảo , bịp bợm. Đó là thời điểm Tiếng Việt năm 1987, cách nay đã 30 năm  (thời kỳ CHXHCN Việt Nam đang bị "cấm vận"/ và cũng tự "đóng cửa" ; bị cô lập & tự cô lập mình ! ?). Đến nay công cuộc "đổi mới" - mở cửa cũng đã ngót 30 năm (1 thế hệ đời người) Tiếng Việt là "sinh ngữ" được Người Việt "vượt biên"/ xuất khẩu lao động / đi học ở nước ngoài giao lưu/ sử dụng khá rộng rãi nên nhiều "từ"/ thuật ngữ  cũng thay đổi ngữ nghĩa không còn  như "từ gốc "ban đầu nữa . Riêng từ "ma mị", hiện đang được các Nhà Báo, Nhà văn dùng trong nhiều trường hợp với ý nghĩa "đẹp/ huyền diệu"...xin ví dụ :
*1- Người đẹp Lâm Thùy Anh (1m75) với vẻ đẹp ma mị quyến rũ sắc đỏ : với bộ sưu tập sắc đỏ phù hợp với ý tưởng Đạo diễn đề ra, tôn lên sắc vóc đẹp xứng tầm siêu mẫu thế hệ mới Lâm Thùy Anh... Khán giả sẽ bị thôi miên từng thước hình sắc đẹp rực rỡ chiều hoàng hôn mà Lâm Thùy Anh biến hóa ma mị xứng tầm 1 tài năng siêu mẫu thế hệ mới. Nguồn : http://Ngôi sao.vn
*2- Ma mị là điều huyền  bí
*3- Sửng sốt bộ ảnh ma mị mà ám ảnh của Nhiếp ảnh gia tài năng gây ấn tượng cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên ( huyền diệu / siêu nhiên)
*4- Ma mị = sức hút làm mê đắm.
*5- Ma mị : làm mê muội, quyến rũ.
*6- Nói về cô Phượng Hàng Ngang: nàng là "Tây Thi phố cổ" mang vẻ đẹp ma mị (xem Truyện "mồ cô Phượng ")
*7- Ma mị : bí ẩn, nhiều tầng nghĩa sâu sắc.
*8- Film "có yêu nhau" kể chuyện tình ma mị, ám ảnh
*9- Thung lũng Ma Thiên Lãnh ở Tây Ninh: đẹp ma mị và hoang sơ.
*10- Qua vùng Thủy Tiên- một thoáng ma mị trong lòng xứ Huế mộng mơ.
*11- BST tung MV ma mị : nhạc chất chẳng kém gì USA- UK !
*12- Say đắm trước vẻ đẹp từ đáng yêu đến ma mị của nàng "Sam Sam" Triệu Lệ Đĩnh (Film Hoa ngữ)
*13- Vẻ đẹp ma mị nơi tận cùng thế giới : nơi đây cuốn hút bởi vẻ đẹp ma mị đày bí ẩn khó lòng giải thích được ở Chi lê và Argentina.
*14- Vẻ đẹp ma mị kiêu sa của hot girl trường Đại học Điện ảnh. V.v...
  Sơ bộ kết luận : "từ"(ngữ) MA MỊ dùng theo "thì hiện tại" nó có thể giải nghĩa là :
       1/huyền bí, quyến rũ, ám ảnh
       2/ sức hút làm mê đắm
                     
 Kính các Bác, các anh, các chị xem xét... có điều  gì bất cập, xin được chỉ giáo nhằm  hoàn chỉnh giải nghĩa từ "ma mị" ?

                                       Làng Mọc Quan Nhân (Hà Nội) 24-2-2017
                                                      Kính bút: Nguyễn Khôi

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỀ CÁC TỪ 'XÁCH MÉ", "MA MỊ" - Phiếm luận của Chu Vương Miện


         
               Nhà thơ Chu Vương Miện


                 TRAO ĐỔI VỀ CÁC TỪ 'XÁCH MÉ", "MA MỊ"
                                                                       Chu Vương Miện

Cùng các niên trưởng Nguyễn Bàng, Nguyễn Khôi, các thân hữu Châu Thạch, Phạm Đức  Nhì, nhà thơ Lê Mai, tiến sĩ ngữ học Nguyễn Ngọc Kiên... Toàn là những người quen cả.
Trong thời gian vừa qua,Chu Vương Miện phần thì tang gia bối rối, phần đau, máy vi tính thì bị " Sự ông Cố ", muốn lên tiếng minh họa nhưng không được. Nay tạm ổn nên có đôi dòng viết huề vốn là không khen ai, và cũng không chê ai, mà chỉ xin được giải nghĩa hai từ  :
1. Xách mé
2. Ma mị
Đầu đuôi cũng do hai từ này mà ra!
1. Xách mé :
- Là danh từ cũ cùng thời với từ cái trống Cổ, con vịt Cồ, Cổ và Cồ đều có nghĩa là Lớn, y như con Trâu Mộng vậy, ngoài ra còn chữ Kếch Xù nữa .
Ví dụ như chúng ta VÁC trên vai "ba lô, gùi, bó mía, bó rơm. Hai tay BƯNG nồi cơm, hai tay bưng chiếc mâm (dùng 2 tay). Nhưng XÁCH thì chỉ dùng 1 tay mà thôi (tay phải hay tay trái tay nào thuận) như xách va ly, cặp táp, xách đèn (đi câu ếch).
Nhưng dùng 1 tay để XÁCH đồ vật có chứa nước thì thường là nước chảy ra lênh láng, như xách cái nồi có nước, hay xách cái chảo có nước, ý nói là không hoàn chỉnh "không hoàn hảo"
2 Ma Mị :
Ma có nhiều nghĩa, nhưng giải cho nó đúng theo cái nghĩa của tác giả Lê Mai thì Ma có nghĩa là Con, chúng tôi ở miền Tây Nguyên bốn năm, có biết đôi chút về tiếng Rhade "Ede" và tiếng Chăm. Nguyên chữ ban đầu là A Mỉ Ma Thuột rồi chuyển đến là Buôn Thuột, rồi Buôn Ma Thuột, người Kinh Việt sửa lại thành là Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột là do người Việt sửa cho nó thống nhất, chứ thực ra không có ý nghĩa gì cả. A Mỉ Ma Thuột là quận nội thành, còn tên chính thức địa phương của tỉnh là DakLak, người Pháp cố sửa chữ Ê Đê có nguồn gốc giống người Pháp, là DacLac có nghĩa là cái nơi có Sông và Hồ
Bây giờ xin trở lại địa danh "A Mỉ, Ma Thuột" có nghĩa là " Bà Mẹ, Con Thuột". Bà mẹ thì rõ ràng là đàn bà, nhưng Ma Thuột chỉ có nghĩa là Người Con "không nam và không nữ " cũng như Người Tây Nguyên gọi :
- Ma Gà, Ma Chó có nghĩa là Con Gà, Con Chó không phân biệt gà lớn hay gà nhỏ, Gà Đực hay gà Mái, khi mang ra chợ bán,thì giá đồng hạng, gà trống nặng chừng 2-3 ký lô giá 1 đồng, gà mái nặng từ 1 đến 2 kí cũng 1 đồng và gà con bằng nắm tay cũng giá 1 đồng, và chỉ mua một con, trả tiền xong thì mua tiếp con thứ hai,
chứ mua một lúc hai con thì ngừơi Tây Nguyên không bán, lý do là trong số đếm họ chỉ có số duy nhất số Một (1) mà thôi.
MỊ : ngủ thì nằm mộng, nhưng thức thì hết mộng
          "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh 
           Giật mình mình lại thương mình xót xa"
                                                              (Kiều)
Còn Mơ thì có thể không cần phải ngủ, thức cũng được, như trường hợp cô Bê Rét trong truyện của La Fontaine, cô này đầu đội bình sữa bò ra chợ bán chừng 5 lít, cô vừa đi vừa nghĩ bán xong cô sẽ mua một bầy gà con, rồi gà lớn cô bán đi... nhiều tháng cô để dành mua một con Bê, con Bê lớn thành con Bò cho nhiều sữa, tha hồ mà sung sướng, nghĩ tới đó thì cô vui mừng quá bèn nhảy lên, làm bình sữa đổ mất .
MỊ theo học giả Phạm Quỳnh khi phê bình thơ của cụ Tản Đà thì như sau : "Những người mắc bệnh MỊ thì cứ có cảm tưởng mình là Trích Tiên, hay Lý Thái Bạch bị trời đầy xuống trần gian, cứ rượu vào là trăm lần y như một, giống như có nhiều Diễn Viên (kép hát) thủ diễn xong vai tuồng trên sân khấu, trở về đời thường có nhiều người còn nhập vai có khi vài tháng sau mới hết, có người thì nhập vai luôn"
Vậy Ma Mị có nghĩa là một người được xếp vào loại không là Nam  và không là Nữ, thuộc vào loại Ma như Ma Gà... và MỊ là bị bệnh tưởng  na ná giống bệnh Mộng Du vậy!
Ma Mị có nghĩa là : " Nó bị bệnh MỊ "
Đây chỉ là ý kiến của "Cá Nhân" ? Vậy còn ý kiến của "Thịt Nhân" như thế nào ? Kẻ viết bài này xin lắng tai được nghe được chỉ bảo.

                                                                                Chu Vương Miện

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH - Phạm Đức Nhì


             
                      Anh Phạm Đức Nhì 


   TRAO ĐỔI VỚI ANH CHÂU THẠCH

Về “sức ma mị” trong thơ Nguyễn Khôi.
Cả anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đều tra tự điển và đều cho rằng hai ông Lê Mai và Nguyễn Ngọc Kiên có ý xấu khi gán cụm từ “ma mị” cho thơ NK.
Đầu tiên là anh Châu Thạch:
Trước hết tôi tra tự điển hai chữ “ma mị” và thấy giải thích như sau: Ma mị (khẩu ngữ) như ma giáo. Sau đó tôi tra tiếp chữ “ma giáo” và thấy giả thích như sau: Ma giáo (khẩu ngữ) xảo trá bịp bợm.
Sau đó là bác Nguyễn Bàng:
Tôi có cảm giác đây là một lời khen đểu mà đểu nhất ở cái từ “ma mị” bởi ma mị không chỉ như từ điển diễn giải giống như “ma giáo” mà nó còn bao hàm 3 yếu tố: Kích thích nhẹ, quyến rũ nhẹ và kinh dị nhẹ….
Và nếu đúng thế thì, nhận định ấy không chỉ coi nhẹ thơ Nguyễn Khôi mà còn coi thường người đọc thơ Nguyễn Khôi và đặc là những người yêu thích thơ ông là những người không hiểu nhiều gì về nghệ thuật thi ca mà chỉ là những người rất tầm thường, bị cuốn hút bởi những tiếng thơ như tiếng hồn ma ấy chả khác gì những kẻ sợ ma nhưng thích nghe truyện ma,
Tôi cũng tra mấy cuốn tự điển rồi dạo internet vài vòng và tìm được khá nhiều cách dùng chữ “ma mị” không xấu như anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đã đưa ra để chỉ trích hai ông Lê Mai và Nguyễn Ngọc Kiên. Xin cử ra vài chỗ:
Chất ma mị trong giọng hát của Lana Del Rey
https://www.facebook.com/YeuNhacTiengAnh/posts/238446172974157
Nổi da gà trước giọng hát ma mị của Miu Lê
http://tiin.vn/chuyen-muc/nhac/noi-da-ga-truoc-giong-hat-ma-mi-cua-miu-le.html
Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ma mị của Krystal (f(x)) trong MV hợp tác với thành viên ban nhạc Indie
http://tinnhac.com/ngo-ngang-truoc-ve-dep-ma-mi-cua-krystal-f-x-trong-mv-hop-tac-voi-thanh-vien-ban-nhac-indie-94358.html
Theo tôi “giọng hát ma mị”, “vẻ đẹp ma mị”, “thơ NK có sức ma mị” là những lời khen “đắt giá”, ý nói giọng hát của Lana Del Rey, Miu Lê, vẻ đẹp của Krystal hay thơ Nguyễn Khôi có khả năng xâm nhập và (đôi khi) chiếm đoạt tâm hồn người nghe, người xem, người đọc một cách phi logic – không thể giải thích được.
Nếu sự tra cứu và giải thích của tôi đúng với tâm ý của hai ông NNK và Lê Mai (tôi hy vọng là như vậy) thì khi viết câu “nó có sức ma mị” (ông Lê Mai viết, ông NNK trích dẫn) cả hai ông đều nghĩ là đang trao tặng nhà thơ NK một bó hoa hồng tươi thắm, nhưng qua sự phân tích của anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng, bó hoa hồng đã biến thành một rổ cà chua trứng thối. Thật bẽ bàng cho cả người trao tặng lẫn người đưa tay đón nhận.
Dù có đúng như thế, tôi vẫn nghĩ đây là lỗi kỹ thuật trong sạch. Cả anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đều không có ác tâm, ác ý trong chuyện này.

ĐI TÌM BẾN MY LĂNG TRONG THƠ YẾN LAN - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


                       
                              Nhà thơ Yến Lan


       ĐI TÌM BẾN MY LĂNG TRONG THƠ YẾN LAN

Không biết tự bao giờ cái không gian mơ, thực đầy tình người của một bến sông tên là Bến My Lăng đến và lắng lại trong tôi...? Phải chăng một sáng nọ, khi tôi học lớp 10, thấy ông anh họ hí hoáy vẻ trên sổ tay cái tựa của một bài thơ là Bến My Lăng. Chữ Bến My Lăng anh viết bằng bút máy Trường Sơn, nét chữ thanh mảnh, mực xanh mờ dần rất nghệ thuật. Xa xa anh vẻ vài bụi cỏ có hoa nở đỏ li ti lã lướt …tôi thấy thinh thích; nhưng không biết mình thích nỗi gì?! chỉ nói: “Anh viết đẹp nhỉ!” Anh cười và hỏi: “Em biết bài thơ này của ai không?”. "Không"- tôi trả lời gọn lỏn. Vì lúc ấy bạn ơi, tôi không quan tâm đến công việc của cha mình - nhà thơ Yến Lan - đâu. Rồi sau đó, tôi lại được nghe chị cùng cơ quan - người Huế kể: "Bài thơ của ba em, trước đây, ở Huế, có một họa sĩ rất mê, anh ta đã thể hiện hình ảnh về cái Bến My Lăng bằng bức tranh vô cùng nên thơ, và lãng mạn! Bức tranh ấy hiện có thể ở đâu đó trong nhà của một gia đình thuộc dòng dõi quan lại ở Huế".  

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

MÊNH MANG XUÂN... - La Thụy cùng thi hữu


                                 

         
                  MÊNH MANG XUÂN...
                  Rằm giêng vằng vặc ánh tơ ngần
                  Lấp loáng đào mai óng sắc xuân
                  Suối nhạc du dương nâng cánh mộng
                  Sóng thơ dào dạt dậy thuyền trăng
                  Tình đời thao thiết ngân se sẽ
                  Hồn biển bâng khuâng vọng khẽ khàng
                  Thi tứ trào tuôn dần lắng đọng
                  Đất trời giao cảm đẫm mênh mang
                                                   LA THUỴ

                                     HOẠ:

                 Bài hoạ 1 

                           NGẪU HỨNG XUÂN 

                 Giữa tháng sương giăng sắc trắng ngần 
                 Nguyên tiêu ngẫu hứng họa bài xuân 
                 Thất ngôn ngữ cảnh toan tròn mộng 
                 Bát cú ngôn từ lại khuyết trăng
                 Đành bảo mây trời bay sẽ sẽ
                 Đủ ru sóng biển vỗ khàng khàng
                 Cho thơ kết tủa tình vương đọng
                 Gửi tặng xuân rằm chút ý mang
                                                     TỐ MỸ 

                  Bài hoạ 2 


                           XUÂN RẰM GIÊNG 

                  Hằng đó nhìn trong ngọc trắng ngần 
                  Muôn đời vẫn rạo rực lòng xuân 
                  Giận chồng biền biệt ham săn quạ 
                  Xót phận xa xăm thích kiếm trăng 
                  Khởi thủy xuân lai cựu tuế hảo 
                  Kết chung đông khứ tân niên khang 
                  Nguyên Tiêu ấm áp trời và đất 
                  Ý tưởng vọng toàn luôn cứ mang

                                               VÕ SĨ QUÝ 

                  

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

PHÚ ĐOÀN, LA THỤY & TRẦN MINH TẠC - Thơ Chu Vương Miện


 
                  Ảnh Phú Đoàn


        PHÚ ĐOÀN

       Ta ra đi, mười năm sau
       bạn vào lớp đệ thất

       ta năm nay 76 tuổi, cũng đang ngồi chờ chết
       nắm xương tàn xin gửi lại quê người
       chúng mình sinh ra giữa thế kỷ 20
       ngoảnh mặt lại ôi buồn da diết
       bạn xa quê nghèo định cư Phan Thiết
       quê vợ hụt cuả ta! Bình Thuận năm nao!
       bắt chước nhà thơ Bùi Quang Đoài
       ngó lên vòm trời đếm những vì sao
       bao nhiêu vì sao
       anh còn yêu em hơn thế nữa!
       chuyện vàng thau cám heo lòng chợ
       từ xưa chừ vẫn chuyện dở dang
       chuyện váy chuyện quần
       chuyện phấn chuyện son
       chuyện guốc dép mỗi ngườì mỗi nẻo
       ta đâu  phải Chế Mân chết ngoẻo
       thành quách tháp vàng thau dùng để gối đầu
       cùng voi ngựa hàng hàng xếp lớp
       chả còn gì /ngoài một cánh đồng lau
       tình với nghĩa đỏ đen nơi sòng bạc
       vào quá vui tay nhẵn lại quay về
       tình với tiền không mũ nón cũng ra đi
       ơi Bình Thuận, Bình Tuy cũng là Phan Thiết ?
       60 năm toàn ly toàn biệt

       bạn giáo viên giờ cũng về hưu
       sáng sáng, trưa trưa, rồi lại chiều chiều
       nhìn khói tàu xuyên Việt chạy qua Mương Máng
       đời chúng ta nơi nào cũng là cõi tạm
       sống ít năm khăn gói rồi dông
       bấy nhiêu năm vẫn chỉ ngọn gió nồm
       ngoảnh mặt lại chốn nào, quê hương nhỉ ?

                                        Chu Vương Miện


      
        Anh Trần Minh Tạc và La Thụy


        LA THỤY & TRẦN MINH TẠC

        Một ngườì cùng lớp đệ ngũ năm 56-57
        Một người sau mười năm mới vào lớp đệ thất
        Cũng cùng nhau nhìn một ánh trăng rằm
        Mà kẻ Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam
        La Gi, Bình Tuy, Hàm Tân 
        Trước cùng sau, chúng ta 
        đều đồng khói đồng môn
        cùng chung nhau trường trung học Nguyễn Hoàng
        thời loạn lạc mỗi người mỗi nẻo
        năm 1972 lửa bay, đạn réo
        chỉ một đường binh duy nhất
        Quảng Nam, Đà Nẵng, Sơn Chà
        Vùng cát vàng bờ bãi Tiên Sa
        dăm túp lều căng camp book
        qua chuỗi ngày chạy loạn
        sau năm 1973 chia ra từng đoàn từng nhóm
        lớp Vũng Tàu, Bà Rịa, lớp Đồng Nai
        lớp Phan Rang, Phan Thiết 
        Hướng Quảng, Đồng Xoài
        Dân mất đất biến thành dân tứ chiếng
        những bước đầu du canh du cư
        khai hoang lập ấp
        đời giáo viên, lại tiếp tục giáo hòn
        mắt rợp nhìn toàn những rừng buông
        dọc theo hai bên đường tàu xe hỏa
        thời loạn ly kẻ đi người ở
        nước non mình từ Quảng Trị vô đây
        theo gót Huyền Trân ngậm ngái tháng ngày
        bao loạn lạc rừng thiêng khí độc
        bao thương nhớ cả một đời Phan Thiết
        heo hắt buồn Hàn Mạc Tử nơi nao!
        Lầu Ông Hoàng, Ghềnh Ráng ở phương nào?
        Nhà thơ ở Quy Hoà rên xiết
        Bình Thuận, Bình Tuy vẫn quê nhà Phan Thiết
        nước non Chàm bỗng chốc lại phân hai
        chuyện anh em mình  
        vừa đồng hương đồng khói
        lại đồng môn đồng khoai...

                                       Chu Vương Miện

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

TẠP THI - Chu Vương Miện


          
            Chu Vương Miện


            TẠP THI

             tục và tu
             tu và tục
             tục đẻ ra tu
             tu cứu lại tục
             ôi hoạ cùng phúc ?

             đời nội ăn mặn
             đời cha khát nước
             đời con không còn nước
             mà uống

             độc lập
             rồi độc ruột
             kẻ chết
             kẻ chờ chết
             dở sống dở chết
             sống cũng bằng thừa
             sống cũng như không

             không biết sống để làm gì ?
             chả lẽ đây là con tiên cháu rồng
             chả lẽ đất nước này
             là của vua Hùng
             tổ tiên là Lạc Long Quân ?

                          Chu Vương Miện

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

CUỐI NĂM ÂM LỊCH - Thơ La Thụy


   


        CUỐI NĂM ÂM LỊCH
        (Cảm đề thơ Đá Ngây Ngô)

        Xuân về lâng lâng nào nhờ gió chở
        Đáy cốc vênh hay rượu ngấm ngã nghiêng
        Thèm trái cấm lòng vướng bận nghiệp duyên
        Loan phụng múa tình ai đang khép mở.

        Mắt xanh trắng tri âm còn níu mộng
        Bến xuân ơi lưu luyến cõi trời xưa
        Sương khói phủ bâng khuâng xuân không mùa
        Thầm nguyện ước cho nguồn yêu mở rộng.

        Ngọn nến ấy lung linh trời ảo diệu
        Hương xưa nào thoang thoảng ủ tình mơ
        Để ngây ngất tình tràn thơm men rượu
        Hào sảng cười đồng vọng đá ngây ngô.
                                             

        TÀN NIÊN CẢM TÁC
        I.
        Tơ xuân vương vấn đất trời
        Hồn xuân bảng lảng thoảng lời mê hoa
        Suốt đời mộng mị là ta
        Mắt xanh nhẹ chớp nhạt nhòa tri âm.

        II.
        Chưa say nhưng dáng dật dờ
        Hồn mê trí tỉnh mệt phờ xác thân
        Chào nhau nửa tiếng ân cần
        Khóe môi hé nụ bộn lần nhớ thương.

        III.
        Thôi xin đừng nói tỉnh mê
        Thế nhân mắt trắng mệt mề đớn đau
        Mơ say quên lấy nỗi sầu
        Rộn ràng thế sự dãi dầu lo toan.
        Cho ta ít phút thanh nhàn
        Câu thơ bất chợt xuất thần thăng hoa.

                                   
        RIÊNG NỤ HOA LÒNG 
        Gió thoảng nhành mai đùa lộc nõn
        Hoa lòng riêng nụ nép thềm ai
        Lặng lờ xuân ý dâng hồn mộng
        Ấm lạnh tâm thân dậy cảm hoài

                             
        ĐÊM TRỪ TỊCH
        Trừ tịch lắng hồn vọng cõi không
        Bánh chưng sắp chín bếp đang hồng
        Tân Hà sương khói mông lung quá
        Chếnh choánh tình ai rượu đượm nồng
                                       Chiến Vinh, 2002
                           
        BÁNH CHƯNG VÔ NGẠI
        Năm ngoái ngồi canh ấm hai người
        Năm nay hồng lửa lặng mình ai
        Lung linh diệu tuyệt sao chưa ngộ
        Vô Ngại chừ  tâm lại ngậm ngùi
                   Chiến Vinh 12/02/2002
        (Tức Mồng Một Tết Nhâm Ngọ )

CHÙM ẢNH HOA CÚC CỦA CHU VƯƠNG MIỆN








Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

CHÙM THƠ CUỐI NĂM CỦA LA THỤY





       TỰ CẢM CUỐI NĂM   

       Dặm trường rong ruổi ngựa phi
       Thời gian vút cánh xuân thì hanh hao
       Chồn chân dừng bước bên cầu
       Lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
       Cánh buồm lộng gió ước mơ
       Băng qua sông biển cập bờ nơi nao?
       Vọng âm sóng vỗ dạt dào
       Bên chiều đông tận nắng đào dần phai
       Hoa tóc sương muối đang cài              
       Tàn niên tự cảm thoảng bay tiếng lòng


       VÔ THƯỜNG   
       (Cảm khái khi đọc truyện thần thoại Hy lạp) 

       Một thời vang bóng còn đâu
       Khói sương chừ lại úa màu thời gian
       Một thời xuân sắc nhựa tràn
       Nhành xanh biếc lộc, hoa vàng thắm cây
       Nắng chiều xế bóng hao gầy
       Xiêu theo triền dốc ngấm say vị đời
       Tiếng lòng ngân vọng chơi vơi
       Âm xưa bóng cũ mù khơi dấu tìm


       DƯỜNG NHƯ

       Dường như bóng xế đường trần
       Dường như cuộc sống thanh bần rồi qua
       Dường như tóc muối sương pha
       Dường như phấn bảng đã là vọng âm
       Bên chiều một thoáng trầm ngâm...

 
       KHÔNG ĐỀ

       Hoàng hôn bảng lảng chơi vơi
       Vẳng ngân âm vọng một thời xanh rêu
       Ta xin lượm chút bóng chiều
       Nhen cho hoài niệm dáng kiều xa xăm
       Ờ sao thi tứ biệt tăm...

                                               LA THỤY

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (NGÀY 17-19.01.1974) - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba


               

                   

                                  Viết văn tế : Nguyễn Phúc Vĩnh Ba.
                                  Đọc văn tế: Nguyễn Văn Anh.
                                  Video: Dương Đình Hùng


GÁC CU LÀ NGU - Phiếm luận của Chu Vương Miện


             

                 GÁC CU LÀ NGU
                              Phiếm luận của Chu Vương Miện

Thế gian thường nói (thông minh nhưng chậm hiểu) kẻ viết bài phiếm luận này thì chỉ hoàn toàn chậm hiểu, hoàn tòan không có một chút thông minh nào! Tính ra nghe từ Gác cu này từ những năm 1956 –1957 chi lận, gần 45 năm đến bây giờ mà nói hiểu hẳn cũng chưa chắc là đúng (mà hiểu chưa đầy đủ có lẽ đúng hơn). Năm đệ lục về bộ môn quốc văn có hoc về tác phẩm lục súc tranh công, tác giả là vô danh thị, trong tác phẩm văn chương nay nói về con chó, con lợn, con dê, con gà, con ngựa, con trâu, ông thầy giảng qua loa va kết luận mơ hồ rằng: Bọn gia súc “animaux domestiques” là một bọn ngu độn, tranh hơi tranh hơn, y như ở đời có bốn cái ngu (mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu).
Ông thầy giảng giải thêm Gác cu là ngu có nghĩa là hàng ngày cầm cái lồng có nhốt một con cu mồi để nó gáy để bẫy chim cu khác, công việc này cứ kể là ngu. Mà thôi chương trình quốc văn năm đệ lục chỉ có chừng đó, thôi thì trâu, chó, heo, ngựa, gà…  thú vật đương nhiên là ngu rồi.  Tiếp theo đó là thêm bốn cái ngu nữa. Thiên hạ có ngu là việc của thiên hạ còn riêng phần mình có ngu hay không? ngu ít hay ngu nhiều là cái quyền của mình.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

CHẲNG DÁM ƯỚC MƠ - Thơ Kha Tiệm Ly


       
                  Nhà thơ Kha Tiệm Ly


        CHẲNG DÁM ƯỚC MƠ

        Tôi chỉ là người cơm rau áo vá,
        Chẳng dám ước mơ cho thắm chút cuộc đời.
        Bởi mơ ước là trăng sao vời vợi,
        Ngước cao nhìn chỉ là ảo ảnh mà thôi!

        Đường vạn dậm suốt đời là cô lữ,
        Phận cỏ cú, cỏ gà, đâu dám sánh cùng bóng cả cây to..
        Ngặt tôi là kẻ chuyên nghề bán văn, bán chữ,
        Lại gặp nhằm thời chữ nghĩa chỉ đem cho!

        Tôi là kẻ gặp trăm ngàn vận bỉ,
        Mà thích ba hoa viết Lý Ngạo Đời!
        Đâu dám ước mơ một hồng nhan tri kỷ,
        Nên chỉ âm thầm ôm ảo vọng mà thôi!

        Tôi là kẻ bán trời không cần văn tự,
        Bụng ấp rượu cồn, lép xẹp kinh luân,
        Giỡn mặt Diêm Vương, đùa cùng quỷ sứ,
        Nên dám mơ nào một bóng giai nhân!

        Tôi chỉ là kẻ giả khùng, giả điên qua ải.
        Là thằng say, thằng bán chữ, ngạo đời.
        Thì dám hỏi, trong muôn trùng hoa vườn, hoa dại,
        Hỏi ai là người dám nói yêu tôi?

                                                        Kha Tiệm Ly

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

NGUYỄN BẮC SƠN, NGOÀI CHIẾN TRANH - Nguyễn Đức Tùng


                
                                   Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn


          NGUYỄN BẮC SƠN, NGOÀI CHIẾN TRANH

                                                                             Nguyễn Đức Tùng

Bạn thử sống một ngày nhàn rỗi: thật khó.
Nếu đau khổ gây ra bởi chiến tranh là hiển nhiên, thì nỗi vô vị của hòa bình khó hiểu hơn, khó được chấp nhận, khó diễn tả. Thơ sau chiến tranh của Nguyễn Bắc Sơn không gợi lên sự sầu muộn, căm phẫn, chỉ mô tả trạng thái của đời sống. Một ngày. Trạng thái nhàn rỗi. Trong khi một số nhà thơ tìm cách làm mới ngôn ngữ thì có người thăm dò tiềm thức, sống tận cùng thực tại. Nguyễn Bắc Sơn cũng lãng mạn hơn trước, nhưng đó là lãng mạn mới, hướng tới sự thật mới.
Tôi nghĩ niềm bi quan được bộc lộ thường trực trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, trong tập Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi, một tập thơ độc nhất vô nhị, nên được hiểu là những tín hiệu, và chúng thật ra chưa được đọc đúng mức. Sự nghi ngờ, tính hài hước, thái độ ngang tàng, không chỉ che khuất một tấm lòng nhân hậu, mà chúng còn chính là hình thức biểu hiện của tấm lòng ấy.

Tóc ơi ngươi cứ tha hồ mọc
Xanh tốt như mùa xuân thảo nguyên

Trong thơ, thỉnh thoảng gặp chữ phụ đặt trúng đích:

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
                            Nguyễn Bính  


Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

TÔI NẰM XUỐNG - Thơ Xuân Ly Băng


       


         TÔI NẰM XUỐNG

         Tôi nằm xuống quả đất vẫn quay đều.
         Mặt trời lên xuống, mỗi sáng chiều.
         Trăng tròn trăng khuyết, theo ngày tháng.
         Lãng đãng mây trời gió đìu hiu.

         Tôi nằm xuống, hoa vẫn nở bốn mùa.
         Ngát tỏa hương trời, theo gió đưa.
         Rực rỡ bướm tiên, phô màu sắc.
         Sau trời đổ nắng, trời lại mưa.

         Tôi nằm xuống, vẫn tiếng hót chim trời.
         Nhí nhảnh trên cành, mỗi sáng mai.
         Sương đọng cành khuya, như giàn ngọc.
         Tí tách trong vườn, từng giọt rơi.

         Tôi nằm xuống, màu biển xanh cứ xanh.
         Trăm muôn đợt sóng, vẫn tung hoành.
         Thủy triều lên xuống, là con nước.
         Dã tràng xe cát, vẫn đều nhanh.

         Tôi nằm xuống Hòn Bà vẫn hiên ngang.
         Đội trời đạp nước, giữa đại dương.
         Núi Cú trầm hùng nhìn âu yếm.
         Một vùng Bình Thuận một Hàm Tân.

         Tôi nằm xuống, vẫn cuồn cuộn dòng sông.
         Dẫn nước bao la, tưới ruộng đồng.
         Núi rừng còn đó, cây xanh biếc.
         Quang cảnh thiên nhiên đẹp lạ lùng.

         Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành.
         Hết hòa bình thời lại đến chiến tranh.
         Ngai tòa sụp đổ, ngai tòa dựng.
         Lãnh thổ theo thời đổi lằn ranh.

         Tôi nằm xuống con trẻ cứ sinh ra.
         Đẩy về đất lạnh lớp người già.
         Hỗn loạn tiếng cười chen tiếng khóc.
         Xe tang đụng độ với xe hoa.

         Tôi nằm xuống vẫn chảy dòng sông Dinh.
         Bãi bến nhấp nhô lắm thuyền mành.
         Phố thị La Gi thừa tấp nập.
         Màu sắc âm thanh đủ loại hình.

         Tôi nằm xuống vẫn uốn khúc Li Li.
         Nối vùng Tân thiện với La Gi.
         Gió mát bốn mùa lâng lâng thổi.
         Đàn cò bay đến lại bay đi.

         Tôi nằm xuống chuông vẫn vọng thánh đường.
         Mỗi ngày hai buổi sáng chiều buông.
         Chuông chùa Quảng Đức thỉnh đêm lạnh.
         Gọi về cõi đạo, khách bốn phương.

          Tôi nằm xuống có ai khóc thương tôi ?
          Không khóc thì thiếu, khóc thừa thôi !
          Thương xót làm chi, lộ trình ấy.
          Mọi người sớm muộn phải qua rồi !

          Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi.
          Tôi có hay không ? chẳng hệ gì.
          Cái có của tôi: là Đức Mến .
          Về cõi Vĩnh Hằng dẫn tôi đi.

                               Xuân Ly Băng

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

"TỰ DIẾN BIẾN" ĐI - VĂN NGHỆ TA ƠI ! - Thơ Nguyễn Khôi


        
            Nhà thơ Nguyễn Khôi

Lời dẫn: Theo "trannhuong.com" thì Nhà thơ Hữu Thỉnh & BCH Hội nhà văn ta đã quyết định "từ sau tết Đinh Dậu- 2017 Hội sẽ không mua báo Văn Nghệ để phát không cho 1000 Hội viên nữa..." Báo muốn tồn tại thì phải "tự sống"  bằng kinh doanh văn thơ của mình...Nguyễn Khôi rất vui, có đôi vần chia sẻ:


       TỰ DIỄN BIẾN ĐI - VĂN NGHỆ TA ƠI      
                (Tặng Nhà thơ Trần Nhương)
                         
       Đã bao năm Nhà văn ta sống đời "bao cấp"
       Tiền thuế của dân nuôi "mập" các Nhà
       Viết "minh họa" chẳng ma nào đọc
       Báo ế, nợ nần, "hội nhập"... chào thua !
                         
       Thôi, nay đã hết thời "văn trại lính"
       là Nhà văn , không thể sống HÈN
       "mỗi cán bút làm đòn xoay chế độ
       Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền" (1)
                         
       "Chống tham nhũng", chống môi trường ô nhiễm.
       Hãy viết những vần thơ nóng bỏng tình đời
       Đau cái đau của Formosa, bauxit...
       Hãy ngẩng đầu lên, đứng thẳng làm người...
                         
       Dân đã nghèo: thôi đừng ăn bám mãi
       Hãy sống bằng ngòi bút Thiên lương
       "Tự diễn biến" vì tương lai Đất nước
       "Tự chuyển hóa" đi...Thế giới đã sang trang...

                                       Hà Nội 8-giêng-2017
                                         NGUYỄN KHÔI
       ---

       (1) Thơ Sóng Hồng

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

NGÀY EM ĐI - Kha Tiệm Ly, Trần Nhàn, Quốc Duy


                   

        

                Thơ: Kha Tiệm Ly.
                Nhạc và hòa âm: Trần Nhàn.
                Tiếng hát: Quốc Duy

       
                 NGÀY EM ĐI

                 Khi mây chiều rớt xuống chân em,
                 Cũng đủ tím hoàng hôn tê tái.
                 Gió đùa tóc em, vờn đôi vai man dại,
                 Cũng đủ lắm rồi, làm rối cuộc tơ duyên!

                 Ta lại đếm sầu từng bước lang thang,
                 Hay uống say mèm cho đêm dài không mộng mị,
                 Đã vĩnh biệt rồi, hỡi hồng nhan tri kỷ,
                 Thì mây vờn cây chi cho núi nhuộm màu tang?

                 Sóng vỗ về thêm ngậm ngùi lòng bể,
                 Định mệnh phũ phàng làm tắt lửa hương yêu.
                 Sương rơi chi cho lá hoa đẫm lệ,
                 Vắng em rồi, cát nhớ dấu hài thêu!

                 Tháp cổ nghìn năm gục đầu ủ rũ,
                 Lệ đá ngậm ngùi theo ngày tháng hanh hao.
                 Em đi, úa cả mùa trăng cũ,
                 Đâu đợi thu về hoa lá mới xanh xao!

                 Đã biết dở dang chuyện thế thường,
                 Mà sao lòng cứ thấy vương vương.
                 Chợt nghe xôn xốn trên đôi mắt,
               Mới biết lòng mang một vết thương!

                                                 Kha Tiệm Ly
   

CHÙM ẢNH BÔNG BỤP CỦA NHÀ THƠ CHU VƯƠNG MIỆN










Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện.


Bút hiệu :  LA THUỴ            
Tên thật :   Đoàn Minh Phú
Nghề nghiệp: Dạy học (vừa nghỉ hưu)
Hội viên Hội VHNT Bình Thuận.
Tác phẩm đã in Thơ Đời Ngân Vọng – NXB Văn Học 2014
Những tác phẩm đã in chung:
Tác Giả Thơ Việt Nam Đương Đại – NXB Thanh niên 2009 – Hoàng Hương Trang chủ biên
Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập II) –NXB Văn Nghệ 2009 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập III) –NXB Văn Nghệ 2010 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
Thơ Hay Ba Miền – NXB Văn Học 2008 do BBT Thơ Hay Ba Miền chủ biên
In chung trong nhiều tuyển tập thơ khác

           LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ 
           M.Loan Hoa Sử &Chu Vương Miện thực hiện.

Nói tới Quảng Trị là nói tới cái sự Kim Kiếm Điêu Linh vô cùng vĩ đại và gian khổ, sau cái Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì bà con ngoài Miềng ai còn sống sót thì lặng lẽ ra đi, kẻ tạm cư ở Sơn Chà (bãi biển Mỹ Khê trong Đà Nẵng) kế đến năm 1973 thì theo đoàn khai hoang lập ấp ở Hàm Tân Bình Tuy [ Phan Thiết Bình Thuận bây giờ ], người thì đi lên Di Linh Lâm Đồng Bảo Lộc, kẻ thì đi thẳng tới Phước Hải, Phước Tuy Bà Rịa , rồi Biên Hòa Đồng Nai, sau 1975  thì đi lên cả Buôn Mê Thuột, Gia Lai, Kon Tum, người thì đi Kinh Tế Mới Cà Tum, Đồng Ban, tỉnh Tây Ninh, y chang thơ của nhà thơ Vĩ Đại Hạc Thành Hoa :

          Năm ngón chân phía trước
          không ngón nào phía sau ?
          sao có người xuôi ngược
          suốt một đời lao đao ?

Ở chốn quê hương mới Lagi Hàm Tân này, có hai người là đồng môn đồng khoai (cùng trường), đồng hương đồng khói (cùng làng) với người viết bài này là Trần Minh Tạc cùng lớp, năm đệ ngũ niên khóa 1956-1957 tốt nghiệp ngành Sư Phạm Giáo Hòn, còn nhà thơ La Thụy thì sau 1975 tốt nghiệp thành Giáo Viên, bây giờ sống gọi là Thầy Giáo , mơi mốt thác thành Ma Giáo... Phan Thiết "Bình Thuận" tên cũ của đế quốc Champa là Panduranga thành lũy cuối cùng của dân tộc Chăm, nơi mà quy tụ tất cả các thân vương quý tộc của 4 dòng họ vua Ung Ma Trà Chế để chơi ván bài chót với người bạn kết nghĩa láng giềng là Đại Việt, ôi Lịch Sử cũng chả nên phê phán mà làm cái gì ?  cũng chỉ bắt chước nhà Nho Ngô Thời Nhiệm than lên rằng thì là :"gặp thời thế, thế thời, phải thế ?"
Và thơ của nhà thơ Đương Đại La Thụy viết cái gì ?

            Lâng lâng tình đang lên khơi
            Hồ xừ xang lòng chơi vơi canh dài
                                             (Hồ Cầm)

            Chồn chân dừng bước bên cầu
            lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
            cánh buồm lộng gió ước mơ
            băng qua sông biển cập bờ nơi nao?
                                    (Tự cảm cuối năm)

            Nghiêng chiều rót mãi thơ buồn rụng
            dốc nắng hứng hoài mộng đẹp qua
            chếnh choáng mạch sầu càng ứ đọng
            hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta.
                                            (Chạnh lòng)

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

MỘT TRƯƠNG - Tạp bút của Chu Vương Miện


                     

                   
                MỘT TRƯƠNG   
                                               "Trích trong Vĩ Văn"

Trong nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay, khi không xuất hiện một bài biên khảo ký tên là Phan Khắc Khoan, nội dung là tiên sinh phát hiện ra rằng hai câu Kiều của Nguyễn Du :
Cung thương lầu bậc ngũ âm (câu 29)
Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một chương (câu 30)
Theo ý của tiên sinh Phan Khắc Khoan san định Văn Học thỉ câu thứ ba mươi phải là "Một Trương", vì bên Trung Quốc có một vị nhạc sư tên là Trương (con thứ nhất) nên thiên hạ mến mộ tài năng thường gọi là Một Trương, người này chuyên trị Hồ Cầm, thuộc vào loại danh sư số một .
"kỳ sau đăng tiếp"
Rồi không thấy bài của tiên sinh đăng tiếp nữa, để xem Mr Một Trương là nhân vật như thế nào ? Sống vào thời nào ? mà chỉ thấy bài của học giả An Chi… đánh phủ đầu, sau đó thì tiên sinh Phan Khắc Khoan đương sống "chuyển qua từ trần", thành ra công trình phát hiện san định Văn Học đến đây là un point final. Cũng tưởng nhắc qua chút đỉnh về thi sĩ Phan Khắc Khoan, tiên sinh sinh vào khoảng juin 1916 ở làng Yên Lãng, Yên Thành (Nghệ An). Mồ côi mẹ từ thủa bé, năm 15 tuổi thì cha bị mù. Học trường Huyện, Trường Vinh có bằng Thành Chung, đã đăng thơ ở Phong Hóa (ký Chàng Trương), Thế Giới, Tri Tân thơ ký Hồng Chương, ngoài ra con vài vở kịch thơ nổi tiếng như Phạm Thái và Trần Can… (phần tiểu sử trích đoạn trong Thi Nhân Việt nam của Hoài Thanh và Hoài Chân) 

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



          Tác giả Chu Vương Miện


       ĐOẢN CÚ

       lọt lòng đã khổ rồi
       cùng một dòng sông
       bên lở bên bồi
       cùng một kiếp ngườì
       kẻ ăn cơm
       ngươì ăn xôi 

       Năm cùng và tháng tận
       Kiếp trâu bò lao đao
       kiếp con người lận đận
       ở tù bao nhiêu năm
       ở lính bấy nhiêu năm
       bèo dạt sáng trôi xuôi
       buổi chiều thì về ngược
       lê lết ven dòng đời

       Ôi tháng tận năm cùng
       hết mùa thì tới tết
       quanh năm thì thiếu ăn
       bốn muà thì lũ lụt
       Ôi làm cái kiếp người
       Sao mà càng thấm mệt ?