BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

GÁC CU LÀ NGU - Phiếm luận của Chu Vương Miện


             

                 GÁC CU LÀ NGU
                              Phiếm luận của Chu Vương Miện

Thế gian thường nói (thông minh nhưng chậm hiểu) kẻ viết bài phiếm luận này thì chỉ hoàn toàn chậm hiểu, hoàn tòan không có một chút thông minh nào! Tính ra nghe từ Gác cu này từ những năm 1956 –1957 chi lận, gần 45 năm đến bây giờ mà nói hiểu hẳn cũng chưa chắc là đúng (mà hiểu chưa đầy đủ có lẽ đúng hơn). Năm đệ lục về bộ môn quốc văn có hoc về tác phẩm lục súc tranh công, tác giả là vô danh thị, trong tác phẩm văn chương nay nói về con chó, con lợn, con dê, con gà, con ngựa, con trâu, ông thầy giảng qua loa va kết luận mơ hồ rằng: Bọn gia súc “animaux domestiques” là một bọn ngu độn, tranh hơi tranh hơn, y như ở đời có bốn cái ngu (mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu).
Ông thầy giảng giải thêm Gác cu là ngu có nghĩa là hàng ngày cầm cái lồng có nhốt một con cu mồi để nó gáy để bẫy chim cu khác, công việc này cứ kể là ngu. Mà thôi chương trình quốc văn năm đệ lục chỉ có chừng đó, thôi thì trâu, chó, heo, ngựa, gà…  thú vật đương nhiên là ngu rồi.  Tiếp theo đó là thêm bốn cái ngu nữa. Thiên hạ có ngu là việc của thiên hạ còn riêng phần mình có ngu hay không? ngu ít hay ngu nhiều là cái quyền của mình.

Sau 1975, gần hai chục năm sau nữa, do hoàn cảnh ngẫu nhiên gia đình chúngtôi lai được ở gần nhà ông thầy cũ, ngày trước ông dạy trung học, sau học hành đỗ đạt ông được mời dạy Đại học văn khoa, sau năm 1975 tôi với ông thầy cũ làm cùng một nghề là mua bán sách cũ để sống. Ông thường qua nhà tôi và tôi cũng thường qua nhà ông, có khi còn ngủ lại trên gác nhà ông nữa. Có lần tôi nhắc lại chuyện gác cu thì ông thầy thong thả giảng như vầy:

           Ở đời có bốn cái ngu
    Mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu.

1/ Mai dong: là làm cái nghề mai mối, nhưng làm amateur, không có tíncách chuyên nghiệp, không ăn tiền ăn bạc của ai, làm chuyện khơi khơi, họ lấy được nhau, sống hạnh phúc thì không nói làm gì, chứ lâu lâu uýnh lộn, uýnh lạo chửi bới nhau thì họ đào mồ cuốc mả ông bà mai lên mà chửi.
2/ Nhận nợ: là hai bên bên vay và bên cho vay chỉ quen nhau sơ sơ thôi, nhưng không ai tin ai, nhưng hai bên lại là chỗ quen thân với bản thân mình, nhờ mình đứng ra bảo lãnh (chịu trách nhiệm) nếu người vay không trả (quịt) thì mình dơ lưng ra má nhận món nợ đó.
3/ Gác cu: là một con chim cu nhốt trong lồng gù gáy làm sao cho đồng loại mình bị lừa bị bắt thì làm vui lòng chủ, mà gáy mồi để đồng lọai bị bắt thì không nỡ hối hận .
4/ Cầm chầu: trong bốn thứ, thứ này phải kể lòng dòng lâu lắm đại khái nhiều làng xã ở Việt Nam, gần Tết hay có giỗ đình vào đám chi đó, các viên chức trong làng xã thường hay mời đoàn hát chèo đến làng mình hát một hay hai đêm để mua vui cho bà con lối xóm mấy ngày xuân, tuy nhiên cái ngặt là cai (cầm chầu) tiền quĩ của làng đưa cho vị chức sắc một số tiền cố định. Ví dụ là 10 đồng để làm tiền thưởng cho đoàn hát, số tiền này được đổi thành 100 cái quạt (nan). Những cái quạt nan này được đặt trong một cái mâm gỗ hay một chậu thau, hay caí mẹt, khi mở màn đào kép diễn tuồng tích. Lúc nào đào hay kép ca hay thì vị chức sắc cầm chầu đánh khen, kèm theo tiếng trống đánh khen thì có một cháu nhỏ khoảng  13 (14 tuổi) cầm một cái quạt nan ném lên sân khấu. Tuy nhiên khen ít thì không nói làm gì, mà khen nhiều quá, quăng lên sân khấu quá 100 cái quạt nan, thì khi mãn tuồng, vị cầm chầu móc tiền túi ra mà thưởng cho đào kép. Nếu cầm chầu mà kẹo quá (không khen hoặc khen ít quá)  thì những diễn viên đào kép hát kiếm cớ để chửi.
Tóm lại: 
- Bốn cái nghề này là đòn kê, trung gian hoàn tòan không dính dáng chi đến bản thân của chính mình mà chỉ mang thiệt hại vào thân. Nói chung là bốn cái nghề đều NGU cả .
- Sau nhiều năm thì tôi nghĩ câu thứ ba (gác cu) hoàn toàn không đúng, vì gác cu là chỉ con người làm nghề gác cu, chớ không phải là con chim cu, người thường ngày đi mồi chim cu để thỏa thích với hương đồng cỏ nội, hay độ nhật kiếm ăn, thì thấy cũng chả có gì làm nghề này mà ngu cả, chỉ có hơi vất vả chút đỉnh.
- Thế rồi nhiều năm sau, tình cờ trong một buổi nhậu, tôi cố tình gợi ra bốn cái ngu này, thì có một vị cao niên bàn góp: ngoài xứ tôi thịnh hành câu ca dao này:
trong đời có bốn cái ngu
mai dong, nhận nợ, gác cu, cầm chầu
Một vị cao niên nữa bác ngay :
mai dong, gác cu, cầm chầu có thể coi là công phu được, chớ nhận nợ dùm thì có đáng gì là công phu?
Câu chuyện đến đó tạm dẹp.
Năm 1995 cũng do tình cờ làm thợ nhà in (in sách và in báo) nơi đây tình cờ tôi lại lại hân hạnh được gặp anh của một nhà văn, nhà văn này với tôi khi xưa cũng có một chút thân tình. Lúc ăn trưa tôi đưa ý kiến này ra để hỏi anh nhà văn, thì được giải nghĩa như sau:
- Ăn cơm nhà vác ngà voi.
- Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng
- Gác cu.
đều mang một ý nghĩa giống nhau, ngày xưa thời phong kiến, phái bộ đi sứ, mà chuyến đi này phải mang theo mấy cặp ngà voi cùng sừng tê giác (hay bạc vàng) thì phái đoàn sứ thần này đi qua địa phương nào thì dân chúng địa phương ấy phải thay nhau mà vác chùa. Khi phái đoàn qua Trấn Nam Quan thì dân chúng địa phương Quảng Tây vác tiếp.
- Có nhiều tỉnh miền Bắc như tỉnh Hải Dương, tỉnh Kiến An, tỉnh Quảng Yên…  hay bị cái nạn giặc Tàu Ô tràn vào cướp bóc, nên làng xã giao công tác cho một số thanhniên có nhiệm vụ canh gác và thổi tù và báo động cho bà con lối xóm cảnh giác khi có giặc cướp tới, nhiệm vụ này hoàn tòan free.
- Ở vùng trung châu Bắc Việt như vùng Nam Định,  Thái Bình Kiến An, cứ đến tháng mười mùa lúa chín, thì chức sắc của làng thường chỉ định một số người  (đa số là thanh niên) hoặc có người tự nguyện làm cái nghề gác cu, chim cu này là cu ngói, gác đây là động tự canh gác (chớ không phai là gác cái lồng cu lên cành cây) khi thấy xa xa đàn chim vài chục con vài trăm con thì người gác cu phải la lớn lên. Để người giăng bây bắt chim cu, giật dây sập bẫy bắt hết. Nếu lo chơi, để chim sà xuống ăn lúa ăn xong chim bay đi mới hô hoán thì bị chửi, câu thứ ba (gác cu) là nói về việc làm không mang lại cho người làm một sự lợi ích nào cả, làm tốt không ai khen mà làm không tốt thì bị chửi, sau 45 năm nghiền ngẫm từ gác cu tôi mới tạm hiểu là như thế, có vị độc giả nào có cao kiến gì xin chỉ giáo

                                                                           Chu Vương Miện

1 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...


http://i216.photobucket.com/albums/cc273/HuynhHue_bucket/Happy%20New%20Year/Happy%2021_zpsppx02eg1.gif