BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

THƯƠNG NHỚ TRÁI RỪNG BÌNH TUY – Ngô Văn Tuấn


Tác giả bài viết Ngô Văn Tuấn

Ở La Gi (Bình Thuận) vào những năm 70, 80 rừng với biển nằm sát bên nhau. Rừng trù phú núi Nhọn, rừng bạt ngàn núi Bể. Đứng ở biển nghe cả tiếng thở của rừng. Ấy vậy nên dân gian mới có câu : “Ai muốn nghỉ mát lên Đà Lạt/Ai muốn hốt bạc về Bình Tuy”. (Bình Tuy là tên tỉnh trước Giải Phóng, sau Giải Phóng nhập 3 tỉnh thành một, gồm Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận gọi chung là tỉnh Thuận Hải. Thời gian sau thấy Thuận Hải nó dài, nó rộng quá lại tách ra thành hai tỉnh, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. La Gi là một Thị xã của tỉnh Bình Thuận.) Tôi nghĩ người ta nói “Muốn hốt bạc về Bình Tuy” chắc là muốn nói đến sự giàu có tài nguyên của rừng, của biển ở vùng đất này.
 
Làng tôi ở, cách con sông Dinh hơn hơn hai cây số đã đến rừng. Rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm. Rừng cho quê hương màu xanh sự sống, cho đất đai trù phú không bị xói lở, cho cuộc sống không khí trong lành, cho dòng sông con suối nước mát quanh năm, cho dân làng gỗ, củi, chim muôn hoang thú...
Với bọn trẻ chúng tôi hồi ấy, những ngày nghỉ học là theo dân làng kéo nhau vào rừng đi đào chai, đi hái trái rừng. Trái cây rừng núi Nhọn rất nhiều loại, ăn ngon không thua gì trái cây vườn. Là dân rừng rú nên trai gái đứa nào cũng biết leo trèo. Đi hái trái rừng hối ấy đông vui lắm, gà vừa gáy là nghe đầu trên xóm dưới hú gọi nhau í ới. Thường những ngày tôi được theo bạn bè đi hái trái, mọi thứ đều được mẹ với chị lo cho đâu vào đó, lon gô cơm ép chặt, gói muối mè vài con cá khô, canh nước uống, rồi bao bị, dao rựa. Tôi chỉ việc thức dậy đánh răng, rửa mặt cho tỉnh ngủ, xong ôm đồ phóng tuốt theo lũ bạn. Đường đi chuyện trò râm ran mãi nên thấy không xa chút nào, đến bìa rừng trời còn tờ mờ sáng. Cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi, cơm nước, đợi mặt trời lên, sương ráo, mới chia nhau đi tìm trái.
 
Trái gùi rừng

Mùa hái trái gùi phải lội vào sâu trong rừng, quan sát những cây lớn, cây lùm để tìm. Gùi thuộc loại dây leo, dây gùi to hơn cổ tay người lớn, sống bám vào thân cây. Trái gùi có nhiều mủ, trái chưa chín có màu xanh, trái chín màu vàng ửng, to hơn quả quýt, vỏ dày, cơm dày bao quanh hạt trong từng múi. Gùi có vị chua chua ngọt ngọt, ăn rất ngon nhưng khó lừa bỏ hạt. Leo hái trái gùi không khó, người leo chỉ việc bám theo dây, sợ nhất là lũ kiến vàng, đàn kiến cao chân này bị động ổ tràn ra bám vào áo quần mà cắn, chỉ còn đường phóng lẹ xuống đất cởi hết áo quần ra mà bắt kiến, mà la, mà gãi. Gùi ăn ngon, nhưng ăn nhiều quá, ăn luôn cả hạt thì bụng dạ mấy ngày sau chưa xở hết. Tôi cũng đã mấy lần nện cho đầy bụng, về nhà báo mẹ phải đi mua thuốc tiêu, thuốc xổ.
 
Cây viết rừng

Trong các loài trái rừng, tôi thích nhất trái Viết, trái Xay. Viết và xay là loài cây cổ thụ, thân to nhiều nhánh. Viết sống ở rừng bằng, gỗ viết thớ dọc dễ nứt. Trái viết khi chín có màu xanh lục, mùi rất thơm, vị ngọt. Trái viết lớn cỡ ngón tay cái, bầu ở giữa, nhọn hai đầu giống cái ngòi viết rông chấm mực ngày xưa học trò tiểu học hay dùng, hạt viết na ná hạt mãn cầu tây. Một vài lần được ăn trái viết là nhớ mãi không thôi.
 
Trái xay rừng

Trái xay lớn chỉ bằng đầu ngón tay út, hình bầu dục hơi dẹp, vỏ xốp, có lớp lông tơ  màu đen xám, mịn như nhung, bóc lớp vỏ ra, phần nhân bên trong có màu vàng đậm, xốp và mềm. Khi ăn mới đầu có cảm giác chát chát, chua chua, nhưng sau lại nghe ngọt thanh. Trái xay rất được tuổi học trò ưa thích. Người ta còn chế biến món xay rim đường để bán.
 
Trái xay rừng

Đi hái viết, hái xay tương đối vất vả, người hái phải leo lên cây cao, rồi bu ra các cành nhánh, dùng rựa mé từng nhánh nhỏ rơi xuống đất, người dưới đất gom lại và hái. Viết thì lặt từng trái, xay bẻ từng chùm.
 
Trái thanh trà rừng

Bọn trẻ làng tôi đi hái trái rừng chủ yếu về ăn chơi chứ không bán mua gì. Hái được bao nhiêu, tối về trải chiếu ra sân rồi rủ bạn bè cùng xóm đến ăn, ngồi tán dóc, đặc biệt phần ưu tiên trái ngon, quả ngon bao giờ cũng dành cho các bạn nữ. Cứ thế, quanh năm mùa nào có trái gì đi hái trái đó. Không gùi, không viết, không xay, thì có trái thanh trà, trái trường... Nói chung rừng hồi ấy trái cây nhiều loại lắm. Khi rừng vắng trái lại rủ nhau vào mấy láng mua, láng sim để được tím môi, tím lưỡi.
 
Trái trường rừng

Sau này trái cây rừng có giá, người hái chuyên nghiệp về bán, họ dùng cưa hạ nguyên cả cây. Nên trái rừng cứ thế ngày càng hiếm đi.
 
Bây giờ thì rừng quê tôi không còn nữa. Núi non chỉ còn trơ lại đất và đá. Sim, mua cũng “biền biệt” lâu rồi. Hương vị những trái rừng chỉ còn là hoài niệm về một thời xa lơ xa lắc!
 
                                                                                   Ngô Văn Tuấn

Không có nhận xét nào: