BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

NHẬN XÉT VÀ GÓP Ý CÁC BÀI VIẾT VỀ "ĐỒ LONG NỮ TỬ" CỦA CHU VƯƠNG MIỆN – Đỗ Chiêu Đức


Thầy đồ Đỗ Chiêu Đức

Khoảng thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước, hễ chiều chiều là người ta lại đón báo mới phát hành, để xem tin tức thời sự thì ít, mà để đọc truyện võ hiệp của Kim Dung thì nhiều hơn. Già trẻ lớn bé gì đều say mê theo dõi các tình tiết gay cấn, hấp dẫn, khúc chiết và có đượm chút gì đó như truyện trinh thám của sherlock home. Không phải chỉ có người Việt ở Sài Gòn mà người Hoa ở trong Chợ Lớn cũng thế; và không phải chỉ có dân Sài gòn Chợ lớn mới mê truyện võ hiệp của Kim Dung mà dân Lục tỉnh cũng như thế luôn!

Tôi nhớ, khoảng đầu thập niên bảy mươi, trên tờ báo Tia Sáng có đăng bài phỏng vấn dịch giả truyện Kim Dung là Hàn Giang Nhạn, đại khái có đoạn như sau:
     
Ký giả báo hỏi dịch giả Hàn Giang Nhạn rằng: Truyện "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" dịch là "Anh Hùng Xạ Điêu" thì đúng rồi, vì xem truyện ai cũng biết, người được ám chỉ là Anh Hùng Xạ Điêu thì ai cũng biết đó là Quách Tĩnh; "Thần Điêu Hiệp Lữ" dịch là "Thần Điêu Đại Hiệp" thì ai cũng biết đó là để ám chỉ Dương Qúa và Tiểu Long Nữ; Nhưng, "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記" mà dịch là "Cô Gái Đồ Long" thì đọc giả hoang mang và thắc mắc vô cùng. Sao lại là "Cô Gái Đồ Long" ? và Cô Gái Đồ Long là để ám chỉ AI ? Quách Tương, Ân Tố Tố, Chu Chỉ Nhược hay Triệu Mẫn?! Ai là Cô Gái Đồ Long ??!! Lúc đó, dịch giả Hàn Giang Nhạn mới cười và giải thích rằng : Không có ai là "Cô Gái Đồ Long" cả ! Vì truyện dịch từ Minh Báo của Hồng Kông gởi qua từng ngày, dịch ngày nào hay ngày nấy, đâu có ai biết truyện sẽ diễn tiến ra sao. Thấy tựa là "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" thì dịch là "Anh Hùng Xạ Điêu", Thấy "Thần Điêu hiệp Lữ" thì cũng dịch gọn là "Thần Điêu Đại Hiệp", nhưng "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記" lúc mở đầu truyện, đâu có ai biết được Kim Dung sẽ viết về CÁI GÌ ? Cái tựa "Ỷ Thiên" "Đồ Long" lại rất mơ hồ; Đâu có ai biết đó là "Ỷ Thiên Kiếm" và "Đồ Long Đao" đâu? Còn theo nghĩa thì "Ỷ Thiên" là "Dựa vào trời" có vẻ cao siêu quá; còn "Đồ Long" là "Giết Rồng" nghe hấp dẫn hơn; Đã có "Anh Hùng Xạ Điêu" và "Thần Điêu Đại Hiệp" rồi, thì bây giờ đổi giới tính là nữ cho thành "Cô Gái Đồ Long" đi, nghe vừa lạ tai vừa hấp dẫn vừa gợi tính tò mò của đọc giả nữa. Vì thế mà mới có cái tựa "CÔ GÁI ĐỒ LONG" ra đời. Lúc đó, các bạn người miền Bắc cũng hay nói đùa rằng: Có cô gái nào mà "Đồ" không có "Lông" đâu ?!
     
Bây giờ, hơn 50 năm sau, nhà văn Chu Vương Miên đem bốn chữ "CÔ GÁI ĐỒ LONG" dịch ngược lại thành "ĐỒ LONG NỮ TỬ 屠龍女子" để châm biếm, mỉa mai hay xỏ xiên nhà văn Kim Dung chăng? Bản thân Kim Dung cũng đâu có biết "Đồ Long Nữ Tử" là ai đâu !?
      
Nhà văn nhà thơ Chu Vương Miện có trình độ Hán văn thật giỏi, có kiến thức hiểu biết thật rộng về mọi mặt, chỉ tiếc là chỉ nhận định sự việc thiếu nghiêm túc, và theo cảm tính riêng của mình, nên có vẻ như bới lông tìm vết và như có vẻ đố kỵ đối với sự thành công nổi tiếng của nhà văn Kim Dung. Ta hãy đọc đoạn Chu Vương Miện viết trong bài "NƠI VẠN AN TỰ - Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện" được trích dưới đây thì sẽ rõ:
     
"... Qua vài giây suy nghĩ ngắn ngủi giáo chủ Minh Giáo Trương Vô Kỵ trân trọng trả lời:
- Khải bẩm quận chuá kể ra thì cũng hơi dài dòng, chả là xíng xáng Kim Dung [tức Trà Lương Dung tức Louis Cấm Dùng] là một trong 10 vị tài chủ giầu có nứt đó đổ vách nhất Hương Cảng, tiên sinh có nhà in riêng kiêm luôn nhà xuất bản và phát hành sách báo, lại làm chủ một lúc nào là Hồng Kông Minh Báo  [nhật báo] rồi Tuần báo rồi Nguyệt báo, lại kiêm nhiệm luôn cả hãng phim Minh Thị, công việc đa đoan bề bộn như vậy nên cái chuyện  Kiếm Hiệp Kỳ Tình “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” tiên sinh chỉ có thì giờ viết phác hoạ dàn bài, phần còn lại toàn là thuê thợ công nhân nhà văn viết thế vào. Kẻ viết ít thì mươi trang, kẻ nhiều thì vài chục vài trăm trang, viết feiulleton cho báo ngày, Viết xong là hết, có ai ngờ đâu lại ăn khách, lại quay thành phim cinema, rồi lại in ấn thành tác phẩm dầy cộm đồ sộ, bộ nào bộ nấy cũng tròm trèm từ sáu đến tám đến mười tập...
      
Xin được góp ý:
 
    * Thứ Nhất: KIM DUNG họ TRA , không phải họ TRÀ. Tra Lương Dung 查良鏞, chữ DUNG có nghĩa là cái Chuông lớn; Ông đã tách chữ DUNG nầy ra thành 2 chữ KIM DUNG 金庸; Chữ DUNG nầy có nghĩa là Tầm thường, như ta thường nói là DUNG TỤC 庸俗: là Tầm Thường không có gì đặc biệt.     
Cố ý đọc sai tên họ người khác là có ý khinh khi ngạo mạn đùa bỡn.
 
   * Thứ Hai: Kim Dung không phải là "... một trong 10 vị tài chủ giầu có nứt đó đổ vách nhất Hương Cảng" như Chu Vương Miện đã nói. Trong tạp chí Tư Bản xuất bản năm 1991, có bài viết "Những tấm gương người Hoa triệu phú của Hồng Kông trong thập niện 90" KIM DUNG chỉ được xếp hàng thứ 64 mà thôi; và ông cũng đã được lấy làm ví dụ để vinh danh là tấm gương điển hình của một nhà văn trở nên giàu có. 1991年的《资本杂志》的《九十年代香港华人亿万富豪榜》名列中排第64位,他亦被誉为文人致富的典型例子.    
Cố ý nói thêm bớt để gièm xiễm châm biếm người khác, ganh tị chăng!?
 
   * Thứ Ba: Kim Dung được sanh ra trong thời loạn (1924) lúc Dân Quốc sơ khai. Quốc Cộng tranh giành đấu đá nhau, nên học hành không ổn định. Năm 1929 học Tiểu học ở huyện Hải Ninh nơi quê nhà của ông; 1946 phải xa nhà học ở Trung học Gia Hưng, 1937 nổ ra toàn quốc kháng chiến chống Nhật, phải di dời vì loạn lạc phải theo trường về các nơi Lâm An, Lệ Thủy... 1938 chuyển đến học ở trường Liên Hiệp Cao Sơ Trung của tỉnh Chiết Giang. 1939 mới tốt nghiệp Sơ Trung (Trung học đệ nhất cấp = Cấp 2). Ông đã cùng các bạn soạn quyểnCấp Đầu Khảo Sơ Trung Giả 给投考初中者》là sách "Hướng đẫn cho những người mới bắt đấu học Trung học. Sách bán rấy chạy. 1941 trong một bài bích báo trong trường, Kim Dung đã viết bài châm biếm cho cái tư tưởng đầu hàng của ông Tổng giám thị trường nên bị đuổi học. Nên lại chuyển qua học ở Đệ Nhất Trung Học ở Cù Châu và 1942 mới tốt nghiệp Cao trung (Tú Tài = Cấp 3). 1944 ông thi vào trường Đại học Chính Trị Trung Ương Trùng Khánh khoa ngoại giao. Vì phản đối một số học sinh là Đảng viên nên bị đuổi học. 1945 Kháng chiến chống Nhật thành công, ông về lại quê nhà, vừa học vừa làm ký giả ngoài giờ choĐông nam Nhật Báo 东南日报. 1946 xin vào học ngoại khóa Luật khoa của Đông Ngô Đại Học Thượng Hải, khoa Luật Quốc tế, vừa làm ký giả cho Đại Công Báo của Thượng Hải. 1948 thì tốt nghiệp và được tòa báo điều qua làm phiên dịch cho chi nhánh ở Hồng Kông. 1952 ông được điều phụ trách Phụ trang củaTân Vãn Báo 新晚报》trong thời gian nầy ông đã viết 2 kịch bản cho Điện ảnh làTuyệt Đại Giai Nhân 绝代佳人》Lan Hoa Hoa 兰花花》Cũng trong thời gian nầy ông quen biết và làm bạn với Lương Vũ Sinh 梁羽生. 1954, do "Ngô Thị Thái Cực Quyền 吴氏太极拳" và "Bạch Hạc Phái 鹤派" quảng cáo rầm rộ mở võ đài thi đấu ở Áo Môn (Ma-Cao). Để hưởng ứng phong trào, Tổng biên tập Đại Công báo giao cho Tra Lương Dung và Lương Vũ Sinh viết truyện võ hiệp kỳ tình đăng trên phụ trang của báo để câu khách. Lương Vũ Sinh viết truyệnLong Hổ Đấu Kinh Hoa 龙虎斗京华》còn Tra Lương Dung lấy bút hiệu là KIM DUNG viết truyệnThư Kiếm Ân Cừu Lục 书剑恩仇录》Cả hai đều nổi tiếng vang dội lúc bấy giờ, đưa tiểu thuyết võ hiệp lên đỉnh cao trào. 1956 ông viết "Bích Huyết Kiếm", 1957 viết "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" đều đăng suốt năm trênHương Cảng Thương Báo 香港商报》đầu năm 1959 viết "Tuyết Sơn Phi Hồ" đăng trênTân Vãn Báo 新晚报》.    
Cuối năm 1959 Kim Dung mới cùng các bạn đứng ra thành lập MINH BÁO《明报》và ông làm việc rất cật lực. Tự mình viết bình luân, xã luận suốt hai mươi mấy năm, được báo giới và bạn bè khen tặng là “Tả thủ tả xã bình, hửu thủ tả tiểu thuyết 左手写社评,右手写小说. Có nghĩa: "Tay trái viết xã luận, tay phải viết tiểu thuyết"... (Qúy vị nào giỏi chữ Nho cứ dán hai chữ "金庸" nầy vào google thì sẽ đọc được tất cả về cuộc đời sự nghiệp.... của nhà văn Kim Dung).
    
Sở dĩ tôi phải viết dài dòng như trên để cho thấy là nhà văn Kim Dung tự bản thân mình từ học tập đến lập nghiệp đều do tự mình cố gắng phấn đấu mà có được. Không phải như Chu Vương Miện đã viết:
    
"... tiên sinh chỉ có thì giờ viết phác hoạ dàn bài, phần còn lại toàn là thuê thợ công nhân nhà văn viết thế vào. Kẻ viết ít thì mươi trang, kẻ nhiều thì vài chục vài trăm trang, viết feiulleton cho báo ngày, Viết xong là hết, có ai ngờ đâu lại ăn khách, lại quay thành phim cinema..."
    
Viết vô lý như thế mà cũng viết được. Thuê mỗi người viết vài chục trang thì làm sao ráp cho ăn khớp được, không ăn khớp thì làm sao ăn khách và quay thành phim được ?!
      
Nếu không thích Kim Dung thì thôi, đâu có ai bắt mình phải thích đâu ? Kim Dung cũng không cần Chu Vương Miện phải khen mình, vì cả thế giới đã có qúa nhiều người khen kim Dung rồi ! Nhưng sao lại phải nói những lời châm biếm mát mẻ ganh tị làm chi?      
Thì thôi, có bới lông tìm vết để xỏ xiên chê bai Kim Dung thì cũng là thường tình thôi; Nhưng sao lại phải mất lịch sự đến đỗi đụng chạm cả một dân tộc vậy? Có cần phải như thế không!? Mời đọc tiếp bài viết rất vô ý thức và thiếu lịch sự của Chu Vương Miện trong bài "PHỤC VIÊN (VỀ VƯỜN) – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” – Chu Vương Miện" sau đây:  
"... Trong lán trại của Minh Giáo an toạ trong khu rừng phía sau của Thiếu Lâm Tự  giáo chủ Trương Vô Kỵ ngồi chủ trì đại cuộc, bên cạnh là Triệu Mẫn quận chúa có hai vị Tiêu Dao nhị tiên [tức hai vị sứ giả Dương Tiêu và Phạm Dao], Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu, cùng nhị sư bá Dư Liên Châu phái Võ Đang, cuộc họp nội bộ này dùng tiếng Mông Cổ là chính, để khỏi lọt bí mật ra ngoài tiếng Háng chỉ là phụ..."       
Lúc đầu tôi cứ tưởng là đánh máy lầm hay sai lỗi Chính tả, nhưng càng đọc về sau thì càng thấy đó là CHỦ Ý muốn LÀM NHỤC DÂN TỘC KHÁC của Chu Vương Miện. Mời đọc các phần trích tiếp của bài viết trên như sau:  
"... Phần còn lại là nhà Đại Tống thì do một phần Mông Cổ gọi là Nguyên cai trị, hầu như đa số người Mông Cổ đã bị Háng đồng hóa hết trọi. Hiện giờ trong tình cảnh này, không cần dân Háng vùng dậy đòi tự trị thì quân Mông Cổ từ từ cũng sẽ tan!..." 
"... Dân số từ đầu nhà Tống dân hai miền Nam Bắc tính chung là 100 triệu dân, qua 300 năm đô hộ của Đại Liêu, Đại Kim, dân số chỉ có chết mà chỉ giữ ở khoảng khiêm nhượng này. Đến 90 năm đô hộ của Mông Cổ, thì tàn sát giết chết hơn nửa, bây giờ dân Háng chỉ còn có 46 triệu dân mà thôi ! Quân lính Mông Cổ tuỳ tiện muốn giết dân Háng lúc nào cũng được, kể như cơm bữa, nếu là họ Triệu, họ Trương, họ Lý... thì muốn giết cứ giết không cần tra vấn tội vạ gì cả, nhà quan binh rất rộng rãi, tuy nhiên muốn chiếm nhà đất của dân Háng thì cũng rất là giản đơn giản kép, bằng cách chỉ cần bắn một mũi tên lửa sang nhà láng giềng, nhà láng giềng bốc cháy, bà con dân chúng phải hiểu là di tản chiến thuật ngay tức thời..." 
"...  Để tỏ ra quân Mông Cổ là thứ quân thiện chiến, có một không hai đánh đâu thắng đó, Hốt Tất Liệt lấy oai với người Mông Cổ, với ngươì Háng cũng có, ra lệnh một lúc cho mấy đạo quân tinh nhuệ, đạo thì xâm lăng Đài Loan, đạo thì uýnh Nhật bản, đạo thì đánh Cao Ly [Triều Tiên], đạo thì qua dậy cho An Nam một hai bài học, đạo thì đánh Chiêm Thành, cũng may là đạo quân nào cũng thua cả! Có một vấn đề thắc mắc nêu ra ở đây, các nước nhỏ này, đều đánh bại toàn quân Thát Đát Hồ Lỗ mà sao quan binh Trung Nguyên cuả người Háng Tộc lại thua dài dài ? ..."    
Nhìn lên bảng đồ thế giới thì nước Ta ở dưới nước Tàu, và ông bà ta ngày xưa đều học chữ HÁN và đều chịu ảnh hưởng của văn hóa HÁN TỘC; Ngay cả hiện nay tuy chữ Quốc Ngữ đã thông dụng rồi, nhưng vẫn còn cần phải sử dụng rất nhiều từ HÁN VIỆT, Ta lại có Bô môn HÁN NÔM, Từ điển HÁN NÔM, Viện HÁN NÔM... Nếu tất cả chữ HÁN nêu trên đều viết là HÁNG thì Chu Vương Miện nghĩ sao ?!   
Trong sách "Minh Tâm Bửu Giám" của ta có câu : "Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu 含血噴人,先污自口". Có nghĩa: "Ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước". Mong rằng nhà văn, nhà thơ Chu Vương Miện viết lách, làm thơ... cũng nên giữ phong cách đạo đức của người cầm bút để khỏi thẹn với tiền nhân! Mạt sát một người là đã không nên rồi, huống hồ lại mạt sát cả một dân tộc!   
Trung ngôn tự nhiên nghịch nhĩ, lời thật dễ mất lòng, mong bạn tam tư châm chước!
 
                                                                                     杜紹德
                                                                               Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào: