BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

KRISHNAMURTI NÓI VỀ CHIẾN TRANH


Chân dung Krishnamurti
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.

Krishnamurti; Tự do đầu tiên và cuối cùng.
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân.
 Phạm Công Thiện dịch.


Trong tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Krishnamurti nói về nhiều đề tài cốt yếu như:
 
Chúng ta đang đi tìm gì?
Cá nhân và xã hội
Tự tri
Ý tưởng và hành động
Bản ngã là gì?
Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta không?
Nói về cuộc khủng hoảng hiện tại
Về sự tương giao
Về chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp
Tại sao phải cần những bậc đạo sư?
Về sự sợ hãi
Về nỗi cô đơn
Về sự đau khổ
Về tình dục
Về tình yêu
Về sự chết
Về sự chỉ trích, phẩm bình
Về tín ngưỡng nơi Thượng đế
Về sự đốn ngộ
Về hành động không ý tưởng
Về ý nghĩa cuộc đời
Về sự chuyển hóa tâm thức
Về chiến tranh...
(Và còn nhiều đề tài quan trọng về cuộc sống nữa...)

Chiến tranh là gì mà suốt trong lịch sử nhân loại, nhất là lịch sử Việt Nam, hơn bốn nghìn năm nay cứ hoài chiến tranh mãi? Hầu như chưa một ai trả lời cho rốt ráo được.
Ở đây, chúng ta hãy lắng lòng nghe Krishnamurti nói về chiến tranh:
 
“...Những gì tạo ra chiến tranh, trên phương diện tôn giáo, chính trị hoặc kinh tế?
Cố nhiên những nguyên nhân của chiến tranh là tín ngưỡng. Tín ngưỡng vào chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, vào một ý thức hệ hoặc vào một tín điều đặc thù nào đó.
Nếu chúng ta không có tín ngưỡng mà chỉ có thiện chí, tình thương và kính trọng lẫn nhau, thì lúc ấy không thể nào có chiến tranh xảy ra.
Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng những tín ngưỡng, những ý tưởng, những tín điều. Do đó, chúng ta chỉ nuôi dưỡng mối bất hòa, nỗi thù hận, sự mâu thuẫn, xung đột triền miên...
Cố nhiên, nguyên nhân của chiến tranh là lòng khát vọng quyền hành, địa vị, uy tín, tiền bạc...
Nguyên nhân của chiến tranh cũng là chứng bệnh mang tên là chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, sùng bái một lá cờ, chứng bệnh của tôn giáo tổ chức, sự sùng bái một chủ nghĩa, tín điều, sùng bái một vị anh hùng, lãnh tụ, thủ lãnh hay đấng tối cao, giáo chủ nào đó...
Tất cả những thứ này đều là nguyên nhân của chiến tranh.
Nếu đứng trên cương vị một cá thể, ngài lại thuộc vào bất cứ một tôn giáo tổ chức nào, nếu ngài tham quyền cố vị, nếu ngài ghen ghét, đố kỵ, nhất định ngài sẽ tạo ra một xã hội đi đến sự phá hoại, diệt vong, lòng sục sôi quyết chiến, quyết đánh, thanh toán đẫm máu giữa phe này với phe kia...
Vì thế, mọi sự là tùy thuộc vào các ngài, chứ không phải tùy thuộc vào các lãnh tụ, không phải tùy thuộc vào những kẻ gọi là chính khách hay những hạng người đại loại như vậy.
Mọi sự đều tùy thuộc vào ngài và tôi, nhưng dường như chúng ta không ý thức được điều này.
Nếu chúng ta chỉ thực sự một lần cảm thấy được trách nhiệm của những hành động mình, thì chúng ta có thể chấm dứt tất cả chiến tranh, tất cả thống khổ kinh hoàng, chấm dứt một cách nhanh chong biết bao!...
Các ngài và tôi có thể nói về hòa bình, hội nghị, hội thảo chung quanh bàn tròn để luận bàn mọi sự, nhưng trong tâm thức, đứng về mặt tâm lý, chúng ta lại thèm muốn quyền hành, địa vị, chúng ta bị thôi thúc bởi lòng gian xảo, tham lam...
Chúng ta gây sự, gây chiến, chúng ta chạy theo lòng ái quốc hạn hẹp.
Chứng ta bị trói buộc vào những danh từ, khái niệm, trong những phe phái, những ý thức hệ, những tín ngưỡng, giáo điều, những lập trường, quan điểm và chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mạng, sẵn sàng tàn sát, chém giết lẫn nhau một cách vô nhân đạo...
Các ngài có nghĩ rằng, những hạng người như vậy, có thể nào đem đến hòa bình trên thế giới?
Muốn có hòa bình, chúng ta phải hòa bình nơi tâm thức.
Sống một cách hòa bình, thanh bình, có nghĩa là không tạo ra sự chống đối, hiềm khích, sự thù hằn, ghét bỏ, sự công kích, giận dữ, mắng nhiếc, chửi rủa thậm tệ lẫn nhau.
Hòa bình không phải là một lý tưởng. Đối với tôi, một lý tưởng chỉ là một lối thoát ly, trốn tránh hiện thể, mâu thuẫn với hiện thể.
Muốn có hòa bình, chúng ta phải thương yêu, hiểu biết.
Chúng ta không phải sống một cuộc đời lý tưởng mà phải nhìn sự thể như là sự thể. Sự thực như là thế và tác động trên sự thể, chuyển hóa sự thể.
Muốn đem đến hòa bình trên thế giới, muốn chấm dứt chiến tranh, mình phải thực hiện cuộc cách mạng ngay trong tâm thức, trong mỗi cá thể, trong các ngài và tôi.
Cuộc cách mạng kinh tế sẽ vô nghĩa, nếu cuộc cách mạng kinh tế đó thiếu mất cuộc cách mạng nội tâm.
Vì sự đói kém là kết quả của sự bất tương ưng giữa những điều kiện kinh tế và sự bất tương ưng của những điều kiện kinh tế này, phát sinh từ những trạng thái tâm lý của chúng ta như lòng tham si, đố kỵ, ganh ghét, chiếm hữu, thiếu đi sự cởi mở, thiện chí...
Muốn chấm dứt đau đớn, thống khổ, đói kém, chiến tranh thì mình phải làm một cuộc cách mạng tâm thức, nhưng rất ít người đối mặt với sự thực này.
Chúng ta vẫn tiếp tục bàn cãi về hòa bình, đặt kế hoạch lập pháp, tạo ra những liên minh mới, Liện Hiệp Quốc, vân vân và vân vân...
Dầu vậy, chúng ta cũng không bao giờ đạt được hòa bình, bởi vì chúng ta không chịu bỏ địa vị, quyền thế, tiền bạc, tài sản và đời sống vị kỷ, vô minh, ngu xuẩn của chính mình.
Chúng ta chỉ biết nương cậy vào những kẻ khác là một việc hoàn toàn phù phiếm.
Những kẻ khác không thể nào đem đến hòa bình cho chúng ta. Không có vị lãnh tụ nào sắp mang hòa bình tới cho chúng ta.
Tuyệt nhiên, không có nhân vật thần thánh nào, không có chính quyền nào, không có quân đội nào, không có quốc gia nào có thể làm được việc ấy được cả.
Chỉ có một điều khả dĩ mang đến hòa bình là sự chuyển hóa nội tâm.
Chính sự chuyển hóa nội tại này sẽ đưa đến hành động ở ngoại giới.
Sự chuyển hóa nội tâm không phải là sự cô lập, không phải là lùi tránh hành động ngoại giới.
Trái lại, chỉ có hành động chánh đáng khi nào có suy tư chánh đáng và chỉ có suy tư chánh đáng là khi nào có sự tự tri.
Không thể nào có hòa bình được, nếu mình không tự hiểu mình.
Muốn chấm dứt chiến tranh bên ngoài, các ngài phải bắt đầu chấm dứt chiến tranh bên trong tâm hồn các ngài...
Chỉ có thể chấm dứt được mọi nỗi thống khổ, đao binh này, khi nào các ngài ý thức được nỗi hiểm họa, khi nào các ngài ý thức được trách nhiệm của các ngài.
Nếu các ngài ý thức được nỗi đau đớn hiện nay, nếu các ngài thấy được sự đòi hỏi cấp bách, hành động trực tiếp, không trì hoãn, thì lúc ấy, các ngài sẽ tự chuyển hóa bản thân.
Hòa bình chỉ có thể xuất hiện khi nào chính các ngài đã hòa bình trong bản thân, trong nội tâm mình.
Khi nào chính các ngài có thái độ bao dung, biết sống hòa thuận, biết thực sự yêu thương, biết nhường nhịn, giúp đỡ, biết mỉm cười thân thiện với kẻ láng giềng bên cạnh nhà mình...”
 
(Trích trong Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti. Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản 1970, sách dày 700 trang)
 

Không có nhận xét nào: