BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ: HẠNH, HÀNH, HÃNG, ĐỨC, NHIÊN – Tạp ghi và phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


HẠNH      HÀNG     HÃNG

                                         
Chim chích mà đậu cành tre...
            
Đó là một vế trong CHỮ NHO... DỄ HỌC nói về bộ Xích, theo thứ tự trong 214 Bộ Thủ của chữ Nho như sau:
 
XÍCH: là Bước Chân Trái. Cũng có nghĩa là Bước Chậm rãi. XÍCH vừa là Bộ vừa là Chữ. Khi là Bộ, thường đứng bên trái và được gọi là "Song Nhân Bàng 雙人旁". Có nghĩa là Bộ gồm có 2 chữ Nhân chồng lên nhau . Những chữ được ghép bởi Bộ XÍCH thường chỉ về Đi Đứng, Đường xá, Hành vi của con người.
Ta còn có một biến dạng của bộ XÍCH là chữ SÁCH (còn đọc là XÚC) là Bước chân phải, nên XÍCH SÁCH 彳亍 : Bước chân trái một cái, bước chân phải một cái là đi Tản bộ, là đi Bách bộ, đi chầm chậm, như trong bai câu thơ của Lý Chí đời Minh:
 
踟蹰横渡口,    Trì trù hoành độ khẩu,            
彳亍上灘舟。 XÍCH SÁCH thướng than chu.
 
Có nghĩa:                   
 
Chần chừ trước bến đò ngang,             
NGẦN NGỪ bước xuống thuyền sang bến bờ.


Chim chích mà đậu cành tre...
 
Ghép XÍCH (bước chân trái) với SÁCH (bước chân phải) lại với nhau, ta có chữ HÀNH là ĐI, như Hành Tẩu Giang Hồ 行走江湖 (là Đi Lại trên chốn giang hồ). Nghĩa phát sinh của HÀNH là LÀM, như Hành Động 行動; Đi đứng, ăn nói, cử chỉ là HÀNH VI 行為, mà Hành Vi là cái thể hiện phẩm chất đạo đức của con người, nên HÀNH còn được đọc là...

HẠNH là PHẨM HẠNH 品行 như câu nói của ông bà thường dạy: Nhân sanh bách HẠNH hiếu vi tiên 人生百行孝為先. Có nghĩa: Đời sống con người có cả trăm phẩm hạnh, hiếu là Phẩm hạnh đầu tiên nhất. Cũng chữ HÀNH khi đọc là...
    
HÃNG thì có nghĩa là Nơi sản xuất, là cửa hàng; như TỬU HÃNG 酒行 là Hãng rượu (Nơi chế biến và bán rượu). Nhớ trước năm 1975, các báo tiếng Hoa trong Chợ Lớn có đăng quảng cáo cho một Công ty xuất nhập khẩu ở Hồng Kông có tên là 行行行 thu hút không ít khách hàng muốn tìm hiểu xem Công Ty nầy kinh doanh cái gì và tên của công ty phải đọc như thế nào, làm cho business của công ty cũng trở nên vô cùng bận rộn và phát triển  .... Thì ra công ty đó đang chơi trò Giả Tá, 3 chữ đọc là : HẠNH HÀNH HÃNG, tức là cái Hãng có tên là Hạnh Hành , thế thôi ! Vì HÃNG cũng là cửa hàng, nên chữ HÀNH còn được đọc là...
   
HÀNG như NGÂN HÀNG 銀行 là Cửa hàng chuyên môn kinh doanh về tiền bạc.
    
HÀNG còn là HÀNG NGŨ 行伍 như 2 câu đầu trong bài Tuyệt Cú 絕句 của Thi Thánh Đỗ Phủ 杜甫 là:
                
兩個黃鸝鳴翠柳,   Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu,                
一行白鷺上青天。   NHẤT HÀNG bạch lộ thướng thanh thiên.
 
Có nghĩa:
                
Hai cái oanh vàng ca liễu biếc,                
MỘT HÀNG cò trắng vút trời xanh.
 
      

HÀNG còn có nghĩa là Ngành Nghề. Như "Cải HÀNG 改行" là Đổi Nghề. Ta có thành ngữ: HÀNG HÀNG XUẤT TRẠNG NGUYÊN 行行出狀元 : Có nghĩa là Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có Trạng Nguyên của ngành nghề đó cả. Ý muốn nói : Bất cứ nghề nào cũng có thể phát triển đến đỉnh điểm và làm giàu lớn được cả !
     
HÀNH : còn là một thể loại Văn Học chỉ tất cả các bài thơ có thể phổ nhạc và hát được kể cả thơ trường thiên, như : TÌ BÀ HÀNH 琵琶行 của Bạch Cư Dị, TÒNG QUÂN HÀNH 從軍行 của LÝ Cần, LỆ NHÂN HÀNH 麗人行 của Đỗ Phủ...
     
HÀNH là chữ tiêu biểu cho câu nói của ông bà ta xưa kia thường nhắn nhủ là: Nhất tự lục nghì 一字六義 (Một chữ mà có tới 6 nghĩa !).
           
Trở lại với câu thiệu mở đầu bài viết nầy với đầy đủ cặp Lục Bát như sau:
                   
Chim chích mà đậu cành tre,               
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm !
     
"Chim chích mà đậu cành tre" là bộ XÍCH mà chúng ta đã biết ở trên. Câu tám "THẬP trên TỨ dưới NHẤT đè chữ TÂM " là chỉ nói theo tự dạng mà thôi; Lẽ ra phải là "THẬP trên MỤC dưới NHẤT đè chữ TÂM " mới đúng. Vì đó là chiết tự của chữ ĐỨC với nghĩa Hội Ý của 5 bộ lại như sau:
     
- Bộ XÍCH bên trái chỉ Bước chân với ý hiểu rộng ra là ĐI ĐỨNG, THẬP MỤC 十目 (chữ MỤC được đặt nằm ngang) là Mười con mắt, Ý chỉ THẤY NHIỀU. NHẤT TÂM 一心 là Một Tấm Lòng. Vậy ĐỨC là gì ?! Xin thưa theo phép Hội Ý là:

"ĐI NHIỀU, THẤY NHIỀU, mà làm việc gì hay xét đoán điều gì đó biết thông qua MỘT TẤM LÒNG để xét nét rồi mới nói mới làm, thì đó chính là lời nói và hành động có ĐỨC đó !"
     
Một hình thức khác nữa của chữ Đức là Đức (hay Đức) nầy đây. Bỏ hẵn bộ XÍCH bên trái, và bộ Mục được viết thẳng đứng hẵn hoi, hợp với chữ Thập thành chữ TRỰC là Ngay thẳng. Chiết tự chữ ĐỨC nầy gồm có TRỰC trên, TÂM dưới. Có nghĩa: Một tấm lòng ngay thẳng ! Vâng, MỘT TẤM LÒNG NGAY THẲNG đã là ĐỨC rồi !

       Diễn tiến và hình thành của chữ ĐỨC
      
Ông bà ta thường nói "Có ĐỨC mặc sức mà ăn" cho thấy "Cái ĐỨC" của con người nó quan trọng biết chừng nào ! Không dám lạm bàn, chỉ nói theo "chiết tự" của chữ viết: ĐỨC là lời nói và việc làm ngay thẳng đúng với lương tâm của con người đang sống trong một xã hội nào đó !     
 
Còn một chữ nữa cũng khá thú vị đối với các thư sinh học chữ Nho ngày xưa, đó là chữ NHIÊN : là Nấu, là Đốt... theo câu thiệu chiết tự của các Cụ Đồ Nho ngày xưa như sau:
                         
Canh khuya NGUYỆT xế tà tà,                 
Bỗng nghe CHÓ cắn canh đà điểm TƯ !
 
Ta thấy:
    
Chữ NHIÊN phần trên bên trái có chữ NGUYỆT được viết xiên xiên tà tà, bên phải là chữ KHUYỂN là con chó đang Sủa (cắn) trăng, và tận cùng phía dưới là bộ HOẢ biến thể bằng 4 chấm (canh đà điểm tư !). Chữ NGUYỆT còn là một hình thức biến dạng của bộ NHỤC , mà NHỤC với KHUYỂN ghép lại cũng là chữ NHIÊN có nghĩa là THịT CHÓ. Nên hai câu thiệu bằng Lục Bát nói trên có thể lý giải theo phép Hội Ý lý thú như sau:
    
... Đêm trăng thanh gió mát, cùng tụ tập dưới ánh trăng nghiêng nghiêng, ngâm thơ uống rượu và "nhâm nhi" với thịt chó đang bốc khói trên lò lửa, thì còn gì khoái trá cho bằng ?! Nên ...
   
NHIÊN là Động từ có nghĩa gốc là Đốt, là nấu, nhưng thường được sử dụng làm Trợ từ có nghĩa là : Đúng vậy ! là Hiển Nhiên là thế ! là Tự Nhiên ! là Naturellement ! là Naturally ! Khi dùng để chuyển tiếp thì có nghĩa là : Rồi Sau Đó .... là Nhiên Hậu 然後... Còn...
 
NHIÊN(Chung Đĩnh văn)       Kim văn      Tiểu Triện         Khải Thư
 
Chữ NHIÊN bây giờ chỉ có nghĩa là NẤU, là ĐỐT khi được gia thêm một bộ HỎA ở bên trái nữa như sau , như trong từ NHIÊN LIỆU 燃料 là Chất Đốt vậy ....
 
       
- NHIÊN PHÁO HOA 燃炮花 là Đốt pháo bông, là bắn pháo hoa.
- NHIÊN ĐĂNG 燃燈 là Đốt đèn, là thắp đèn lên.
- NHIÊN ĐĂNG CỔ PHẬT 燃燈古佛 là một vị Phật (tiếng Phạn là Dipankara hay Dipanikara) là vị Phật thứ tư trong danh sách 28 vị Phật. Nhiên nghĩa là đốt cháy, Đăng là cây đèn. Nhiên Đăng Cổ Phật cũng có khi được gọi là Nhiên Đăng Phật (燃燈仏), Đính Quang Phật 錠光佛, "Đính " là cái chân đèn.
    
Trong Đại trí độ luận, đức Nhiên Đăng Cổ Phật khi đản sinh, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên gọi là Nhiên Đăng Thái tử. Khi thành Phật cũng gọi là Nhiên Đăng, xưa gọi tên là Đính Quang Phật. Ở các chùa Việt Nam và Trung Quốc, Nhiên Đăng Cổ Phật thường được thờ chung với Phật Thích-ca Mâu-ni và Phật Di-lặc trong bộ tượng Tam thế Phật, nghĩa là các vị Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai (trong đó Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích-ca là vị Phật thời hiện tại và Phật Di-lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai).
 

Hẹn bài viết tới !
 
                                                                                      杜紹德
                                                                               Đỗ Chiêu Đức
 

2 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Bài thú vị!
Cám ơn tác giả Đỗ Chiêu Đức!
Xin phép chủ trang và tác giả đưa về trang cá nhân cho nhiều người đọc!

Bâng Khuâng nói...

Bác Vũ Nho cứ tự nhiên chia sẻ nhé!