(Câu chuyện về thời gian học tại ĐH Princeton và Columbia trên đất Mỹ của thầy Thích Nhất Hạnh, 1961-1963)
Năm 1961, Thầy được chương trình Fulbright Fellowship
cấp học bổng sang Hoa Kỳ học nghành Tôn Giáo Tỷ Giáo tại trường đại học
Princeton từ năm 1961 đến năm 1962. Trước khi đi, Thầy thăm Phương Bối lần cuối
cùng để chia tay với Thầy Thanh Từ, người cuối cùng còn lưu lại Phương Bối.
Tại Princeton, Thầy theo các khóa học về Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và đạo Bụt Trung Quốc. Thời gian ở Princeton đã đem đến cho Thầy rất nhiều cảm hứng, sự chiêm nghiệm và trị liệu bởi vì không khí bình an trong khuôn viên của trường không khác gì trong một tu viện.
Tại Princeton, Thầy theo các khóa học về Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và đạo Bụt Trung Quốc. Thời gian ở Princeton đã đem đến cho Thầy rất nhiều cảm hứng, sự chiêm nghiệm và trị liệu bởi vì không khí bình an trong khuôn viên của trường không khác gì trong một tu viện.
Thầy có nhiều thời gian để thực tập thiền hành trên những con đường trong khuôn viên trường. Chính tại Princeton, lần đầu tiên trong đời Thầy được thưởng thức mùa thu, được thấy tuyết rơi và tận hưởng vẻ đẹp tinh khôi của mùa xuân tiếp nối mùa đông. Trong sự bình an và tĩnh lặng, tuệ giác của Thầy đã có cơ hội được chín mùi. Cũng chính tại nơi đây, lần đầu tiên Thầy đã thực sự nếm được sự an lạc của hiện pháp lạc trú. Thầy đã về đã tới một cách đích thực trong giây phút hiện tại và tiếp xúc được với tinh thần vô nguyện.
Mùa hè 1962, tại trại hè Ockanickon ở Medford, New Jersy, Thầy đã ghi lại những “hoa trái tuệ giác đầu tiên” đó trong tác phẩm Bông hồng cài áo. Đó là một quyển sách nhỏ thật giản dị, đầy chất thơ vinh danh tình mẹ và gây cảm hứng để người đọc trân quý những gì mà họ có ngay trong giây phút hiện tại (dṛṣṭadharmasukhavihāra). Đây cũng là quyển sách đầu tiên thể hiện hướng đi mới trên con đường tu tập và hoằng pháp mà Thầy sẽ triển khai trong những năm kế tiếp.
Thầy đã chuyển quyển sách này về Việt Nam theo hình thức một lá thư gửi cho một sinh viên của Thầy trong nhóm “Những cây tùng”. Vị này đã sắp xếp để xuất bản quyển sách ngay lập tức. Đây là quyển sách bằng tiếng Việt đầu tiên đưa chánh niệm trở thành một sự thực tập tâm linh trong đời sống hàng ngày, và nó đã nhanh chóng trở thành một quyển sách được ưa chuộng nhất.
Quyển sách được viết với ngôn ngữ đầy thi ca nhưng cũng rất đỗi tự nhiên và giản dị mà thậm chí trẻ con cũng có thể hiểu được. Bông hồng cài áo không mang hình thức giáo lý đạo Bụt, nhưng về bản chất, nó là một bài thiền hướng dẫn, giúp người đọc tiếp xúc với sự có mặt mầu nhiệm của mẹ trong giây phút hiện tại. Lần đầu tiên một thầy tu đạo Bụt đã chỉ ra rằng năng lượng tỉnh thức của thiền tập có thể là một năng lượng tươi sáng, nhẹ nhàng – một người bạn đồng hành soi sáng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Người đọc có thể tiếp xúc với hoa trái của thiền quán mà không cần phải biến thân tâm họ thành một bãi chiến trường để chống lại những phiền não của tham dục, giận hờn và si mê. Cuốn sách này được xuất bản đã làm cho Thầy bắt đầu được biết đến như một vị thầy có khả năng diễn đạt giáo lý đạo Bụt một cách sâu sắc và dễ hiểu, bởi vì cho đến thời điểm đó Thầy chủ yếu được biết đến như là một nhà thơ và chủ bút.
Vu Lan năm ấy, đoàn sinh viên Phật tử mà Thầy từng hướng dẫn đã tổ chức lễ Bông hồng cài áo để vinh danh tình mẹ dựa trên bài viết Bông hồng cài áo. Từ đó trở đi, lễ Bông hồng cài áo hàng năm này đã trở thành một phần quen thuộc của văn hóa Phật giáo Việt nam. Quyển sách đã được phát hành trên một triệu bản và có mặt trong tủ sách của mọi gia đình Phật tử. Phong cách viết chân tình, gần gũi nhưng cũng đầy thi vị và chứa đựng tuệ giác thâm sâu của Thầy đã mở ra một hướng đi mới cho văn chương Phật giáo và gây ảnh hưởng lớn không những ở Việt Nam mà còn ở Tây phương.
Sau này khi nhìn lại những năm tháng ở Mỹ, Thầy thấy: “Tôi lớn lên và xuất gia tại Việt Nam. Tôi đã học hỏi và tu tập theo đạo Bụt ở Việt Nam. Trước khi tới Tây phương, tôi đã giảng dạy cho nhiều thế hệ tăng sinh ở Việt Nam. Nhưng giờ đây, tôi có thể nói rằng tôi đã chứng đạo ở Tây phương”.
Sau khi hoàn tất năm học tại Princeton, Thầy ở lại Hoa Kỳ tiếp tục công việc nghiên cứu tại Chủng viện Thần học (Union Theological Seminary) trực thuộc đại học Columbia (1962-1963), theo một chương trình liên kết giữa hai trường đại học Princeton và Columbia. Ở đó, Thầy đã tận dụng kho tư liệu về đạo Bụt rất giàu có được lưu giữ tại thư viện Butler.
Thiền
Sư Thích Nhất Hạnh trong danh sách Sinh Viên học Master tại ĐH Columbia
Tháng 11 và 12 năm 1962, Thầy có được những cái thấy rất sâu về tâm linh. Những bài viết của Dietrich Bonhoeffer đã đánh động Thầy một cách sâu sắc. Bonhoeffer là nhà thần học và là một mục sư người Đức. Ông đã can đảm lên tiếng công khai phản đối chế độ độc tài của phát xít Đức nên đã bị cầm tù và bị xử tử vào năm 1945. Sự bình an, từ bi và dũng cảm của Bonhoeffer trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ông đã làm cho Thầy rất xúc động:
"… Đầu hôm tôi thức để đọc Bonhoeffer, và giai đoạn chót của đời chàng đã giúp tôi làm bừng tỉnh dậy cái bầu trời đầy sao sáng sẵn có trong tâm linh mỗi người. Tôi bỗng thấy sung sướng lạ kỳ và có cảm nghĩ rõ rệt rằng tôi có thể chịu đựng được những đau khổ lớn lao nhất mà thường ngày tôi không thể hoặc chưa thể chịu đựng nổi […] Bonhoeffer chỉ là một giọt nước cuối cùng làm tách nước tràn đầy, một nhân duyên cuối cùng, một làn gió nhẹ thổi tới cho trái cây chín muồi rụng xuống. Được sống trọn một đêm như thế thì ta không nên than trách chi hết nữa về cuộc đời. […] Can đảm và nghị lực dâng tràn, ta thấy óc và tim ta là những đóa hoa; những cảm xúc, những rung động, những đau khổ của chúng ta đều hiện hữu một cách rất mầu nhiệm, tuy ta biết rằng hình hài ta vẫn là hình hài của chính ta. Nguyên Hưng chớ cho rằng đó là một trạng thái tôn giáo, đạo đức hay thánh thiện của tâm hồn, khơi động do một nguồn cảm thông hay một ân huệ thiêng liêng nào. Trạng thái tâm linh ấy hoàn toàn nhân bản. Tôi biết, ngay trong giờ phút đó, không có thần thánh, không có giác ngộ ngoài tim tôi, phổi tôi, những hạch tiết tuyến, những tế bào của cơ thể tôi. Sự sống đã mầu nhiệm mà khổ đau cũng mầu nhiệm. Cuộc đời sẽ xấu xí sẽ đen tối và sẽ không thể có, nếu không có khổ đau."
Trước đức độ và sự dũng cảm phi thường của Bonhoeffer, Thầy nhận ra sự có mặt của các vị Bồ tát “ngay trên trái đất này”. Thầy thoát khỏi ý niệm cho rằng các vị Bồ tát là những thần linh xa cách con người, và Thầy đã bỏ ra rất nhiều tuần sau đó để quán chiếu về các vị Bồ tát trong kinh Pháp Hoa. Thầy thấy rằng các vị Bồ tát “là những người bạn quý mà ta có thể gặp ngay trong cuộc sống này”, ngay cả trong những người trẻ ở Việt Nam. Bạn bè và học trò của Thầy vẫn thường xuyên viết thư kể cho Thầy nghe về những gì đang diễn ra ở quê nhà, về những nỗ lực và hành động của họ giúp giảm thiểu khổ đau đang diễn ra xung quanh mình. Thầy đã phát khởi hạnh nguyện nuôi dưỡng những người trẻ và Thầy bắt đầu dự tính về những giáo pháp và chương trình phù hợp để yểm trợ họ khi về lại Việt Nam.
Vào năm 1963, trong thời gian diễn ra lễ Phật đản, sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm càng trở nên nghiêm trọng. Bổn sư của Thầy, Thiền sư Thích Chân Thật, đã tham gia cuộc biểu tình để phản đối hành động đàn áp này. Tại Hoa Kỳ, Thầy trở thành phát ngôn viên tích cực của phong trào Phật Giáo Hòa Bình đang diễn ra ở Việt Nam. Thầy đã có nhiều buổi diễn thuyết và trả lời phỏng vấn của giới truyền thông cũng như trình lên Liên Hiệp Quốc một báo cáo về vấn đề vi phạm nhân quyền.
Tháng Sáu năm 1963, Thầy biết tin Hòa thượng Thích Quảng Đức, 66 tuổi, tự thiêu qua tờ New York Times. Thầy quen biết thân tình với Hòa thượng và đã từng sống với Ngài ở Nha Trang và Sài Gòn. Sau này Thầy giải thích: “Khi bạn tự tử, đó là vì bạn tuyệt vọng, bạn không còn muốn sống nữa. Nhưng Hòa thượng Quảng Đức không phải như thế. Ngài vẫn muốn sống. Ngài muốn mọi người, mọi loài được sống, Ngài yêu cuộc sống. Nhưng Ngài có đủ tự do để hiến tặng nhục thân của mình nhằm gửi một thông điệp tới mọi người rằng chúng tôi – những người dân Việt – đang khổ đau và chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn”. Sau đó không lâu, Thầy lại nhận được tin tự thiêu của nhiều thầy và sư cô khác. Bài thơ "Lửa đốt em tôi" đã ghi lại nỗi đau và quyết tâm tiếp tục sự nghiệp hoạt động cho hòa bình của Thầy.
Vào tháng 8 năm đó, hơn 1000 tăng ni đã bị bắt và hàng trăm vị đã “mất tích”. Thầy trình lên Liên Hiệp Quốc một bản tài liệu liên quan đến sự đàn áp ấy. Thầy tổ chức họp báo và tuyệt thực để kêu gọi Liên Hiệp Quốc nhanh chóng gửi một phái đoàn đến Việt Nam tìm hiểu sự thật.
Mùa hè năm 1963, Thầy hoàn tất chương trình Thạc sĩ về Tôn giáo của Chủng viện Thần học trực thuộc trường Đại học Columbia. Bản luận án của Thầy lấy đề tài về tâm lý học Phật giáo. Giáo sư Horace L. Friess, một nhà Đạo đức học mời Thầy ở lại trường trong vai trò của một phụ tá giảng dạy và nghiên cứu trong phân khoa Triết học và Tôn giáo của trường.
Nhưng sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ vào tháng 11 năm 1963, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ mời Thầy về lại quê hương, và sau đó là lời mời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Trong khi đó, Giáo sư Cerbu cố gắng thuyết phục Thầy ở lại Hoa Kỳ để cùng với ông thành lập một phân khoa về Việt Nam tại trường đại học Columbia. Không lâu sau, Thầy lại nhận được một bức điện tín từ Hòa thượng Trí Quang – một trong những bậc tôn túc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, kêu gọi Thầy trở về Sài gòn để một lần nữa góp sức vào công cuộc cải cách Phật giáo. Đó là thời kỳ có nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều bất ổn và chia rẽ tại Việt Nam. Trong khi vẫn chưa nhận lời trở về thì Thầy nhận được một bức điện tín báo rằng vé máy bay đã được đặt sẵn và đang chờ Thầy tại sân bay. Cuối cùng, Thầy chấp nhận trở về, dù trong lòng còn nhiều lo ngại. Tâm trạng này, Thầy đã diễn tả trong bài thơ "Xin cúi đầu đưa về".
(Trích " Tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh", Làng Mai.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét