BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

BỮA CƠM VỚI HAI THẦY THÍCH ÂN CẦN VÀ THÍCH CHÁNH TRỰC – Đinh Hoa Lư

(Tưởng nhớ Pháp Linh nhị vị hòa thượng Thích Chánh Trực và Thích Ân Cần)
 
Hòa thượng Thích Chánh Trực 
(Lúc làm Chánh Đại diện Phật GHPGVNTN tỉnh Quảng Trị)
 
  
NHỚ VỀ CHÙA SẮC TỨ CUỐI NĂM 1975
 
Những ngày tàn cuộc chiến, hoàn cảnh đẩy đưa tôi về lại thăm chùa Sắc Tứ. Một ngày khoảng cuối năm 1975 khi tôi được phân công đi lấy kẽm gai về xây dựng Trại 4 - 'tù cải tạo' - cạnh Thôn Xuân Khê. (Thôn Xuân Khê là một thôn rất nhỏ không có tên trong bản đồ, cách Chùa khoảng vài cây số về hướng núi)
 
Đứng trước quang cảnh đìu hiu của chùa ngày đó làm lòng tôi se lại. Mái tượng Quán Thế Âm đổ nát ngó ra cái hồ sen xơ xác trong không gian vắng lặng làm tôi thêm cảm gíac bơ vơ như đang ở chốn không người.


Di ảnh Quan Âm Đài tại hồ sen Sắc Tứ Tịnh Quang Tự trước năm 1972
 
 
Quan Âm Đài hiện tại
 
Mặt tiền của chùa mấy năm trước đang xây dang dở đã thành hoang phế. Chánh điện hư nát. Sau hậu liêu cũ chùa may thay còn vững làm chỗ tá túc cho người về lại. Tượng Phật Như Lai lớn trong chánh điện năm đó cũng không còn? Giờ tạm thay bằng một tượng Phật đứng bằng đồng nhỏ hơn. Chùa đang xây thì biến cố 1972 ập đến, tất cả phải tản cư để lại chùa hứng chịu cảnh pháo kích bom bay đạn lạc. Hôm nay đã cuối 1975, thầy trò trở về trong hoàn cảnh đổ nát. Đạo hữu tứ tán mỗi người một phương trời. Thành phố Quảng Trị bên kia bờ sông, một nơi từng cúng dường cho chùa nay chỉ còn là đống gạch vụn không người. Con người thành phố nay tản mác khắp bốn phương trời, chịu cảnh lưu hương không ai ngờ được?
 
Tôi cất tiếng tìm Thầy. Một lúc sau mới có tiếng người. Có vài ba O bên thôn Ái tử qua làm công quả giúp chùa. Mấy O nói thầy Ân Cần đang cùng mấy chú "lao động" sau nương, khá xa. Tôi đi ra lại phía trước chùa thì gặp được thầy Chánh Trực đang làm cỏ sắn. Thầy không đội nón, đang chống cuốc nghỉ mệt. Tôi thấy rõ những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán thầy. Bộ áo lam của thầy bạc màu theo mồ hôi muối và cơn nắng ở đây. Hai thầy trò đứng bên vồng sắn, thầy vừa chống cuốc vừa hỏi chuyện với tôi.
 
Thầy Chánh Trực trước tiên là hỏi đến mệ ngoại tôi:
"O Bếp mô rồi con?"
"Dạ, mệ con vô đi di dân vô Bình Tuy với gia đình rồi thầy nờ."
 
Thầy mừng khi biết ngoại tôi vẫn còn. Mệ ngoại tôi tức là bà Bếp Thỏn người làng Hạnh Hoa làm dâu làng Nại Cửu. Mệ xuống tóc làm bà vãi và tu ở chùa lâu. Tôi nhớ bên Chùa Tỉnh Hội có bà Hai (bà nói giọng Quảng) cũng là bà vãi nấu nướng cho quý Thầy. Bên ni thì có ngoại tôi lo bếp núc và cai quản nhà phía hữu liêu tức là nhà trai (bếp núc ăn uống). Cả hai bà đều nấu chay rất khéo và ngon. Quý thầy ai cũng khen, đi mô cũng nhắc. Mệ tôi vắng chùa là chùa nhớ. Các thầy, các chú đều nhớ.
 
Trong thời gian hai thầy trò chuyện trò, thầy có phân biệt một đoạn về duy tâm, duy linh là gì... tại sao trong hoàn cảnh này chùa chiền nay bỗng khó khăn? chỉ ngần ấy thôi thầy không nói gì 'sâu' thêm nữa.
Sau khi hỏi han hoàn cảnh của tôi lúc này, Thầy liền đưa tôi vô lại nhà Trai và dặn tôi phải nán lại đợi Thầy Ân Cần và ăn cơm trưa với hai thầy xong về trại cho kịp. Vừa vào nhà Trai thì thầy Ân Cần cùng mấy chú vừa đi làm về. Mấy chú lớp tu sau này đều nhỏ tuổi. Ngang tuổi tôi có mấy chú Tăng, chú Đăng nay đà lưu lạc. (Sau này ra tù tôi nghe tin chú Đăng bị chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng còn chú Tăng thì mất tích đâu không còn ai biết)

 
Hình chú Tăng có tu tại chùa Sắc Tứ 
(qua thăm nhà ngoại tôi năm 1969 tại Cửa Hậu đường Lê Văn Duyệt)
 
 
Các chú đệ tử thầy Thích Ân Cần thời ngoại tôi tu tại chùa khoảng năm 1967. Các chú này là sư đệ của các chú Tăng - Đăng... phần nhiều người làng Trà Trì và Trà Lộc - Hải Lăng QT). (Hình lính Hoa Kỳ phổ biến trên Internet sau Chiến Tranh Việt Nam liên quan đến Chùa Sắc Tứ)
 
Thầy Ân Cần cũng vậy, trước tiên Thầy hỏi tin về ngoại tôi. Mệ tôi hoàn cảnh xa chùa từ 1972 khiến Thầy Ân Cần và các chú cũng vậy ai cũng nhớ thương sự vắng bóng bà vãi của Chùa.
 
Chiến tranh tao loạn tứ tán mỗi người một phương. Hai mái liêu Tả - Hữu hai bên chùa là những hình ảnh và nhiều kỷ niệm cho tôi. Có những ngày hè nghỉ học tôi hay qua chùa thăm ngoại. Những đám tang của người thân trong gia đình ngoại tôi cũng được chùa cho an táng ở đây. Có những lần lái xe honda qua chở ngoại về nhà 'có việc' hay qua lễ chùa, thăm mệ, thắp nhang cho mộ phần người thân.
 
Ngoài xa kia bên góc phải chùa, cạnh khóm trúc, cái giếng nước hình vuông nho nhỏ còn đó. Bụi tre la ngà vẫn còn nhưng xơ xác đìu hiu đang phất phơ theo cơn gió trưa hè. Tôi mường tượng hình ảnh ngoại tôi tháng ngày trước. Dáng Mệ lom khom ra cái giếng cạnh khóm trúc đó. Mệ rửa rau lo vô nấu cơm cho thầy. Hồ sen năm đó loáng thoáng mấy cánh sen hồng, vài ba bông súng cùng mấy con cá rô phi lượn lờ trước Đài Quan Âm vừa khánh thành. Đó là thời gian căn cứ Mỹ đóng quanh Chùa. Xa xa phía Quốc Lộ 1 hướng Chùa ngó ra là phi trường Ái Tử của Quân Đội Mỹ hàng ngày máy bay lên xuống. Nhưng thỉnh thoảng cũng có vài người lính Mỹ vào thăm chùa, thăm Quan Âm Đài trước hồ sen, xong họ vào chùa chiêm bái tượng phật trong chánh điện. Người Mỹ có khi còn giúp đỡ chùa một mớ ván ép cho chùa chi dụng. Cảnh chùa yên tĩnh cũng là nơi cho một số người Mỹ vào đây tĩnh dưỡng tâm hồn sau những lúc căng thẳng vì chiến tranh bên ngoài. Những bức hình người lính Hoa Kỳ về nước đăng tải lên Internet đó là những tấm hình người viết sưu tập đăng lên bài hồi ký này.
 
 
Hình lính Hoa Kỳ phổ biến trên Internet sau Chiến Tranh Việt Nam liên quan đến Chùa Sắc Tứ
 
Ngang đây người viết còn nhớ lại một dịp may là nhờ Việt Nam Quốc Tự không đồng ý cho quân đội Mỹ san bằng Chùa với giá đền bù một triệu đô la vì lý do an ninh cho căn cứ to lớn này. Cũng nhờ uy linh của các thiền sư trụ trì còn gia độ xui khiến cho vậy, nếu Việt Nam Quốc Tự tại Sài Gòn thời đó đồng ý thì xem như di tích quý báu của Sắc Tự Tịnh Quang Tự đến nay đâu còn ?
Giờ thì... mới đó mới đây chỉ còn là những đổi thay cùng thiếu vắng.
 
Một chút chi hai thầy bảo tôi ăn cơm với hai thầy để về lại trại. Từ chối cũng không đành, tôi phải nán lại ít lâu nữa. Om cơm nho nhỏ khoảng 2 lon gạo vài củ khoai tím ruột hấp lên trên. Tôi chỉ giành khoai ăn để nhường cơm lại cho 2 thầy. Thiệt tình đối với tôi vào lúc này ăn mấy củ khoai tím ruột trồng đất cát của chùa là ngon lắm rồi. Tôi không quên được hình ảnh ba Thầy trò cứ nhường qua nhường lại. Chén nước tương giờ này cũng loãng, miếng rau luộc cũng không đậm đà; giá như còn ngoại tôi ở lại với chùa, tôi nghĩ thầm trong bụng... Ngoại xa quê, mái liêu chùa trở nên trống vắng, cảnh chùa buồn làm lòng tôi thấy buồn hơn. Tôi làm sao quên đươc "chú Hợi" con heo đen chùa nuôi để lấy nguồn phân bón. Cái nanh của "chú Hợi" già tuổi quá cho đến lúc cả hai dài và cong vuốt lên. Tôi còn nhớ, ngoại tôi khoe rằng " chú Hợi cũng được Thầy cho quy y rồi".
 
Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ba thầy trò trở nên tương đắc. Hai thầy cũng cho biết bên hợp tác xã cũng bán cho chùa mỗi tháng mỗi thầy 8 ký gạo "tối thiết". Ba thầy trò vừa ăn vừa kể lại chuyện mấy năm trước khi Thành Phố vẫn còn... Kể về cái chợ Quảng Trị ngày xưa, chùa hay qua lại bán vài ba thứ do chùa trồng trọt như đậu mè khoai sắn chẳng có gì quý để mua vài ba món cần dùng. Ngày đó khách thập phương bên Tỉnh năng qua lại chùa viếng cảnh và lễ phật. Ai lễ xong đều ra hóng mát ngoài hồ sen và chụp ảnh dưới chân tượng đài Quán Thế Âm...
 
Nếu không có chuyện 1972 và 1975 thì giờ này thầy Chánh Trực còn trụ trì bên chùa Tỉnh Hội Quảng Trị chứ đâu ngồi đây?  Hoàn cảnh đổi thay đố ai biết được. Thầy Chánh Trực trước là đệ tử tại chùa Kim Tiên và sau này mệ ngoại tôi cũng được thọ giới đốt nhang và lãnh Y Bát Quan Trai nhằm mùa kiết hạ tại chùa Kim Tiên nên thấy Chánh Trực mới năng hỏi. Thầy Ân Cần thì không lạ gì ngoại tôi là bà vải ngày tháng bếp núc bên hữu liêu của chùa. Giờ (1975) mệ tôi ở tận trong Nam tình hình ra sao ba thầy trò làm sao biết được? Ba thầy trò vương vấn chưa được bao lâu thì tôi phải xin giã từ để về lại trại.
 
 


Sáng ngày 22 tháng 04 năm 2015 nhằm ngày 04 tháng 03 năm Ất Mùi tại Tổ đình Kim Tiên, phường Trường An, thành phố Huế; chư Tăng bổn tự đã trang nghiêm tổ chức Lễ Húy nhật cố Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931 - 1995).
Theo http://www.phatgiaohue.vn/Print.aspx?TinTucID=3547 
 
 
CHUYẾN RA TRUNG NĂM 1991 VÀ THĂM CHÙA SẮC TỨ
 
Không ngờ năm 1991 tôi từ Bình Tuy ra đến Đông Hà vì bôn ba theo chuyện giấy tờ đi Mỹ. Trên chuyến xe vô nam tôi lại có cơ duyên vô lại thăm chùa. Tôi không còn gặp được thầy Chánh Trực nữa. Thầy Thích Ân Cần đang đau. Thầy chống gậy dẫn tôi ra hậu liêu chỉ vào cái tháp của thầy Thích Nhật Lệ thầy nói:
"Con coi ngó rứa mà Thầy Nhật Lệ lại đi trước Ôn tề"

 
Cố Hòa Thượng Thích Nhật Lệ (1927 – 1987)
(Nguyên Trụ Trì Chùa Hải Quang)
 
 
Năm 1987, Thầy Nhật Lệ viên tịch tại Sài Gòn. Trước đó chỉ một năm, tức năm 1986 mệ ngoại tôi mất ở Xuân Sơn, Bà Rịa, Thầy Nhật Lệ từ chùa Hải Quang Sài Gòn có về chủ lễ cho ngoại tôi tại đó. Ngày Thầy Thích Nhật Lệ cùng các sư và chú của chùa Hải Quang về làm Lễ cho đám ngoại tôi, Thầy khỏe mạnh và bình thường ai ngờ đâu tiếp liền năm sau đó Thầy cũng ra đi về cõi phật!
 
Giờ Thầy Ân Cần lại chỉ vào bảo tháp xây sẵn cho thầy:
- Mai mốt Ôông viên tịch cũng đưa vào trong ni đó con...
Sau hậu liêu, hai bảo tháp của hai thầy xây gần nhau sát lưng của Chùa. Thầy nói xong còn ngắm nghía sinh phần một khoảnh thời gian nữa. Thầy đứng ngó cửa ngôi tháp còn trống và giải thích cách hạ huyệt vào bảo tháp ra sao...
 
Thời học sinh tôi năng qua Chùa. Có điều tôi nhớ từ trước Thầy cũng hay xưng Ôông với tôi. Mấy năm học Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy ngồi trước hiên nhà tăng, hiền từ cười hỏi chuyện tôi vài ba câu. Khi nào thầy cũng xưng Ôông như thế. Bà Ngoại làm bà vãi, mộ nhiều người thân trong nhà cũng được cho an táng tại đây. Lúc này Thầy còn khỏe mạnh. Ngày ngày cùng các chú đi trồng sắn khoai, trồng trọt sau đất của Chùa. Thời gian phôi pha mau quá! Dáng thầy nay run run chống gậy vừa chỉ vào bảo tháp sinh phần, tôi mới thấy dòng đời thấm thoắt, kẻ ở người đi chẳng mấy hồi? Thầy cũng sắp đi nhưng bình thản trước cảnh sinh tử trong cõi ta bà.
Trong Nam, ngoại tôi cũng chẳng còn tại thế. Mười mấy năm ngoại tôi tu tại chùa, tôi mường tượng hương hồn ngoại đã theo gió ngàn xuôi trung về lại chốn này.
 
Hôm đó thầy Ân Cần hình như bệnh nhiều. Thầy cố gượng ngồi ăn cơm với tôi. Tôi ái ngại nghĩ bụng làm sao thầy nuốt cho vô trong cơn bệnh hoạn này. Bữa cơm thầy buông đũa sớm vì thầy phải về nghỉ mệt.
 
Câu nói của Thầy như một lời trăn trối với tôi trước khi tôi từ biệt thầy ra lộ đón xe vô lại phương Nam:
"Thầy nhờ con nhắn nhủ đạo hữu phương xa, nhất là ai có gửi mộ phần người thân tại chùa, đi làm ăn mô năng nhớ về chùa nghe con?!"
 
Thầy còn gửi cho tôi bức ảnh của thầy nhờ trao cho dì tôi tên là Võ Thị Liễu để làm kỷ niệm.  Lúc còn buôn bán ở chợ Tỉnh Quảng trị, Dì tôi rất thường về chùa.
Ngàn cây ngọn cỏ cơ hồ xao xuyến khi nghe lời dặn của Thầy. Thầy ở lại, con phải vô nam bước chân viễn khách của con phải còn đi xa hơn nữa.
Vào Nam rồi, ít lâu sau thì tôi nghe tin thầy Thích Ân Cần viên tịch.
 
Thời gian phôi pha, hình bóng những người xưa cùng nhau về miền quá khứ. Hôm nay tôi viết ra đây những dòng ký ức từ tận đáy lòng. Nhất là lời hứa với Thầy, người kể chuyện không thể nào để "gió thoảng mây bay" rằng - Những ai đi xa dù ở phương nào nên nhớ về chùa Sắc Tứ Tịnh Quang Tự.
 
Đó là tình thương của Thầy Thích Ân Cần để lại cho Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang Tự, cho những ai đang tu hành tại đó trước khi thầy về cõi Phật. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
 
                                                                                 Đinh Hoa Lư
                                                                          Ngày cuối năm 2010
                                                                          Tu bút 7/6/2021 USA

Không có nhận xét nào: