BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

THƠ HẠC THÀNH HOA

      Thi sĩ Hạc Thành Hoa được người yêu thơ biết đến trước đây khá lâu . Từ đầu thập niên 1960 , trên tạp chí Bách Khoa , nhà văn Tam Ích đã trang trọng giới thiệu  ông cùng thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn  như là những cây bút tài hoa trẻ  của thi đàn Miền Nam VN.  Hôm nay, La Thụy hân hạnh được chính tác giả gửi thơ văn qua email . Được sự đồng ý của tác giả, xin post lên cho chúng ta cùng thưởng lãm 

 Thi sĩ Hạc Thành Hoa tên thật là: Nguyễn Đường Thai .
Sinh quán tại Xuân Phổ, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Hạc Thành Hoa làm thơ từ năm 1961, đã đăng thơ trên các báo, các tạp chí văn học trước năm 1975 tại Miền Nam Việt Nam. 
Tác phẩm đã xuất bản:
   + Trong nỗi buồn vàng (Nguyễn Đình Vượng, tạp chí Văn Sài Gòn – XB – 1971). + Một mình như cánh lá (Giao điểm Sài Gòn xuất bản – 1973), tái bản (Thư ấn quán Hoa Kỳ xuất bản) 2006

 
  + Phía sau một vầng trăng (NXB Thanh niên – Hà Nội – 1955).
 
  + Khói tóc (NXB Lao động – Hà Nội – 1996).





                        KHÔNG ĐỀ
                   Suốt đêm cùng thức với tàu 
                   Sáng ra núi cũng nhuốm màu tà huy
                   Rồi người với núi chia ly
                   Trời bao la quá lấy gì để che !
                        
                         TIẾC ĐỜI SAO BĂNG
                   Em còn bóng mát đầu sông
                   Nắng đi trải lụa nằm hong tơ chiều
                   Bụi mờ lạc nẻo chân xiêu
                   Hàng cây lượn khói tiêu điều chưa tan
                   Em còn tươi búp ngọc lan
                   Hương bay từ cõi thiên đàng nào xa
                   Kiếp trần trơ một hồn hoa
                   Thương mây trắng những ngày qua biển sầu
                   Em còn vầng nguyệt đêm thâu
                   Từ nao nao ánh hỏa châu cuối trời
                   Chim qua trăng sáng tuyệt vời 
                   Chợt bâng khuâng tiếc thương đời sao băng.  
                                                          Hạc Thành Hoa  
                                                                  (1972)                                                                                        







TRÊN BỜ ĐÁ TÌNH NGƯỜI
Chồi vui chưa trổ cành không
Mù mưa giăng một nhánh sông âm thầm
Tình người bờ đá trăm năm
Sóng tình tôi cuộn trên dòng nước xuôi
Hang sâu chim ngủ phần người
Trơ vơ cột khói thở trời mây đen
Nẻo đời mai có còn em
Nhìn cây rủ bóng hồn im nắng tà
Ngại mây gió đuổi phương xa
Trời xanh sợi khói giăng qua bãi nào
Những ngày gió đợi trên cao
Trong mưa phố vắng bước sầu ngựa ô
Xe nào mai ngọn gió đưa
Chim quên tiếng hót nghe thu xuống cành.
                                          Hạc Thành Hoa


NHỮNG CHIỀU CỦA NGƯỜI CÔ ĐỘC
1.
 Anh còn lại những buổi chiều
Những buổi chiều dáo dác kiếm tìm
Những buổi chiều nghển cổ nhón gót
Những buổi chiều đưa vào quán nước cho thở
Mồi thuốc cho hút, dìu lên xe và đỡ đầu bằng cánh tay êm ái nhất.
Buổi chiều đưa về con đường ký ức ngắn nhất để cùng một lượt
vừa gặp gia đình vừa gặp lại bạn bè.
2.
Anh còn lại những buổi chiều
Những buổi chiều ve vuốt lá xanh xao
Những buổi chiều nghe chuông reo lần cuối
Áo vàng hoàng yến, áo tím hoàng hôn,
lòng tắt nắng trở về.
Ôi những buổi chiều bình minh
Sau một ngày ra công vỡ đất
Sau một ngày tự giam cầm trong vỏ cứng khô
Sau một ngày vác mỏi lu tượng đồng tiếng nói không ngừng
Sau một ngày những  cặp mắt bồ câu mỗi lúc một xa
Những  bước chân người càng đến gần vực sâu lịch sử
Sau một ngày càng lặng câm lủi thủi càng giống người tiền sử bơ vơ.
3.
Anh còn những buổi chiều
Những buổi chiều mang đến từng cơn gió mát hồi sinh mầu nhiệm
Từng khoảnh khắc ngày tàn để thở ra kỳ hết nỗi buồn
Anh ngây ngất trong em mùi thơm mát dịu của Jasmine
Ôi những chiều vàng đơn độc lang thang trên phố không người
Ta thắp lên đôi ngọn nắng nhớ nhung
Trong mắt tròn ngơ ngác.
                                                            HẠC THÀNH HOA
                                                          



Không có nhận xét nào: