1. Đọc mỗi lần một chữ
Khi tôi học lớp Năm, có lần được thầy gọi lên bảng đọc cho cả lớp chép một đoạn trích từ cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch Hà Mai Anh, nguyên tác Edmond De Amicis. Đó là sách dạy chính thức trong nhà trường miền Nam thời ấy. Giờ ám tả, học trò lắng nghe, chép lên giấy. Năm cuối bậc tiểu học, chuẩn bị thi vào trung học, nên bài cũng khó hơn. Phải đọc từng câu, dấu phẩy dừng ngắn, dấu chấm dừng dài, các chữ tiếng nước ngoài phải đọc chậm. Khi thấy tôi luống cuống, chữ nọ xọ chữ kia, thầy bắt dừng lại, đọc chậm, với lời khuyên: em hãy đọc mỗi lần một chữ. Tôi đọc lại.
Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn – tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy, học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.
Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.
Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :
– Ai ném lọ mực ?
Chẳng ai hé răng.