BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

VÀNG VỌT – Thơ Lê Phước Sinh


   
                          Nhà thơ Lê Phước Sinh


VÀNG VỌT
 
từ “Con Nai ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô...” (*)
đất hờ hững, ơ thờ
nắng chết màu hổ phách.
 
               Lê Phước Sinh
 
(*) Thơ Lưu Trọng Lư

MỘT TRĂM NĂM, MIỀNG VỚI TA –Thơ Chu Vương Miện


   


MỘT TRĂM NĂM
 
chỉ là phút chốc
đâu khác gì hồng hộc đầu non
thế gian còn mất mất còn?
cái thân đãng tử mỏi mòn dậm xa
ồ thì người cũng là ta?
quanh năm váng nước chà là vậy thôi?
 
trời sinh voi đất sinh cỏ
núi với đèo chả bỏ được nhau
tằm nào mà chả kén dâu
chó nào chả sủa gâu gâu rộn nhà
xa quê cũ càng xa càng nhớ
sống quê người cơm chợ nhà thuê
tuy rằng hai bữa phủ phê
cái thân khách trú càng tê tái lòng
người xa xứ ngày mong đêm đợi
thương núi sông vời vợi từng ngày
bao năm vất vả còn đây
máu xương còn đổ còn quay quắt hoài?
quê hương đó mỗi ngày mỗi khổ
đất nước này nghèo khó kinh niên
trước sau cũng chỉ đồng tiền
hết không lại có màn đêm mấy mùa
đồng hoang còn sót cỏ khô
sinh voi voi vẫn nhởn nhơ ở rừng?
 

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

THẠCH HÃN GIANG – Thơ Nguyễn Khuyến

Chép lại bài anh Tam Ngng đăng trên trang facebook Đồng Môn NguyễnHoàng.

Mời mọi người đọc một bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến viết về dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị.
 
Sông Thạch Hãn (Ảnh trên internet)
 

THẠCH HÃN GIANG
石澣江
 
石澣江流一棹橫,
夕霞晻曖遠山明。
西風何處吹塵起,
不以年前徹底清。
阮勸
 
Âm Hán Việt:
 
THẠCH HÃN GIANG
 
Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành,
Tịch hà yểm ái viễn sơn minh.
Tây phong hà xứ xuy trần khởi,
Bất dĩ niên tiền triệt để thanh.
                    Nguyễn Khuyến.
 
NGHĨA:
 
SÔNG THẠCH HÃN
 
Trên dòng Thạch Hãn một chiếc đò đang sang ngang,
Ráng chiều lấp lóa làm sáng dãy núi xa.
Gió tây từ đâu thổi tới làm bụi bay lên,
Không còn nữa [dòng nước] trong tới đáy như lúc trước nữa.
 
Nguyễn Khuyến đỗ tam nguyên năm 1871, lúc 36 tuổi, khi Pháp đã chiếm xong 6 tỉnh miền tây, chuẩn bị thôn tính Bắc Hà. Năm 1882 Hà thành thất thủ, năm 1883 Nam Định tiếp tục rơi vào tay Pháp. Năm 1884, Nguyễn Khuyến cáo lão từ quan về sống ẩn dật nơi quê nhà. Bấy giờ ông mới 49 tuổi.
Bài thơ hẳn được viết lúc ông còn làm quan, nhân một lần trên đường từ kinh về quê qua đò ngang trên sông Thạch Hãn. Bài thơ nặng trĩu tâm sự của ông đối với thời cuộc.

TẠM DỊCH:
 
Một chuyến đò ngang Thạch Hãn giang,
Non xa lấp lóa ráng chiều vàng.
Bỗng đâu ngọn gió tây mù bụi,
Hết một dòng sông tận đáy trong.
 
Ghi chú:
 
- 石澣: tên con sông ở Quảng Trị. Trong nhiều tài liệu chữ Hán xưa, tên sông thường được ghi là 石捍Thạch Hãn. Dân gian thì thường hiểu thạch hãn = mồ hôi đá, tức “hãn” là chữ hãn này . Chữ trong nhan đề đúng ra đọc là cán/hoán/hoãn (胡玩切). Bản chữ Hán chép lại từ trang thivien.net, ở đó có ghi chú:

Nguồn: Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến, Trần Văn Nhĩ, NXB Văn nghệ, 2005

- 一棹 nhất trạo: một mái chèo, một chuyến đò. Trạo (như trạo ) = mái chèo, cũng mượn chỉ chuyến đò. còn đọc là "trác" = cái bàn nhỏ (như chữ trác ).
- 晻曖 yểm ải: nhiều, mù mịt; lúc bị che lúc lộ ra.
- 西風 tây phong: gió tây, tức gió tây nam, gió Lào.
- 年前 niên tiền: năm trước, thời gian trước.
- 徹底 triệt để: [nước trong] đến tận đáy.
 

CHIẾC ĐINH THUYỀN - Truyện ngắn của Nguyễn Bàng


Nhà văn Nguyễn Bàng


Khi hai người đã ngồi bên bộ ghế mây bóng màu nâu vàng, cụ giáo Nhâm mới khoan thai nhìn người khách trẻ để tìm lại dấu vết tuổi mười ba mười bốn của người hoc trò cũ. Lòng già xôn xao một niềm vui khó tả. Mười lăm năm trước, khi Vũ Hưng chào thầy, theo gia đình vào Nam, thầy Nhâm cũng thôi cầm phấn lên bục giảng, dời thanh phố về nghỉ hưu ở quê nhà. Ai ngờ lại có hôm nay, từ đầu kia cách trở tới 2000 cây số, người học trò cũ lặn lội lần tìm về tận cái làng quê hẻo lánh này thăm cụ.
- Em ra Bắc có việc gì thế? Cụ giáo Nhâm đầm ấm hỏi.
- Dạ thưa thầy - Vũ Hưng lễ phép trả lời, vẫn chăm chú nhìn cụ giáo, lòng vui mừng vì thấy bóng dáng tuổi già mới in trên mái tóc bạc phơ còn mọi dáng vẻ thầy vẫn như xưa: mảnh khảnh, tinh anh và phúc hậu - Con được ra Thủ đô họp mặt các nhà doanh nghiệp trẻ tài năng. Họp xong, mọi người lên Sapa nghỉ mát, con con xuôi xuống biển về lại thành phố tuổi thơ của con với mong muốn chính là đươc gặp lại thầy. Con thật xúc động vì đã ngần ấy năm mà thoạt nhìn, thầy đã nhân ngay ra con, cái thằng “Hưng Đinh thuyền” đã làm thầy nhọc lòng dạy dỗ.
 
Nghe Vũ Hưng tự gọi mình bằng biệt danh “Hưng Đinh thuyền”, cụ giáo Nhâm mỉm cười, vụt nhớ lại lần đầu tiên cụ nghe thấy cái tên đó.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

“THÁI LIÊN KHÚC” THƠ LÝ BẠCH – Đỗ Chiêu Đức

                                    THÁI LIÊN KHÚC
                                     (Khúc Hát Hái Sen)  

          
 
      採蓮曲                        THÁI LIÊN KHÚC
 
若耶溪邊採蓮女    Nhược Da khê biên thái liên nữ,
笑隔荷花共人語。    Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ.
日照新妝水底明,    Nhật chiếu tân trang thủy để minh,
風飄香袂空中舉。    Phong phiêu hương duệ không trung cử.
岸上誰家遊冶郎,    Ngạn thượng thùy gia du dã lang,
三三五五映垂楊。    Tam tam ngũ ngũ ánh thùy dương.
紫騮嘶入落花去,    Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ,
見此踟躕空斷腸。    Kiến thử trì trù không đoạn trường!
                    李白                                                   Lý Bạch
 

* Chú thích:
 
    - THÁI LIÊN KHÚC 採蓮曲 là Khúc hát hái sen, là tên của một khúc hát xưa do cha con của Lương Võ Đế (464549) khởi xướng, người đời sau mô phỏng làm theo rất nhiều. Thi Tiên Lý Bạch làm bài nầy khi đang mạn du ở đất Cối Kê thuộc TP Tô Châu của tỉnh Giang Tô ngày nay. THÁI LIÊN KHÚC nầy là bài thơ Thất ngôn Cổ phong; bốn câu đầu gieo vần trắc và bốn câu sau gieo vần bằng.
    - Nhược Da Khê 若耶溪 : Khe suối Nhược Da từ Nhược Da Sơn chảy thành sông về hướng bắc đổ vào sông Vận Hà. Bên bờ sông có một bãi đá nổi tiếng là Hoán Sa Thạch 浣紗石, tương truyền đây là nơi ngày xưa người đẹp Tây Thi và các cô gái nước Việt giặt tơ giặt lụa.
    - Hà Hoa 荷花 : tức Hoa sen; còn gọi là Liên Hoa 蓮花, Thủy Phù Dung 水芙蓉, và được xưng tụng với chức danh là Phù Cừ Vương Phi 芙蕖王妃.
    - Hương Duệ 香袂 : DUỆ có bộ Y là Áo ở bên trái, nên DUỆ có nghĩa là Tay áo; HƯƠNG DUỆ là tay áo thơm, chỉ tay áo của các người đẹp.(Ai bảo các cụ ngày xưa không biết "ga-lăng" đâu ? Này nhé, khuê phòng của người đẹp thì gọi là HƯƠNG KHUÊ 香閨; Xe của người đẹp đi thì gọi là HƯƠNG XA 香車; đến "mồ hôi" của người đẹp cũng được gọi là HƯƠNG HẠN 香汗 là Mồ Hôi thơm đó !)
   - Cử : CỬ có bộ Thủ ở bên dưới, nên CỬ có nghĩa là "Đưa tay lên"; nghĩa phát sinh là ĐƯA LÊN cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như CỬ THỦ là đưa tay lên; ĐỀ CỬ là giới thiệu hay đưa người nào đó lên cho chọn lựa... Trong bài thơ là : Các cô gái hái sen vui đùa đưa tay áo thơm tho lên trong gió.
   - Du Dã Lang 遊冶郎 : Các chàng thanh niên phong lưu rong chơi lãng tử.
   - Tử Lưu 紫騮 : Tên một giống ngựa mạnh, qúy,  có bộ lông màu đỏ.
   - Trì Trù 踟躕 : là Dùng dằng, chần chừ, do dự, ngẩn ngơ.
   - Đoạn Trường 斷腸 : là Đứt ruột, chỉ Đau lòng, đau thương xúc động đến cùng cực. KHÔNG ĐOẠN TRƯỜNG 空斷腸 là Đau lòng khơi khơi, là nỗi buồn vu vơ vì chuyện gì đó không thể giải quyết được.
 

GIỚI THIỆU THƠ DẠ THẢO PHƯƠNG - Nguyễn Đức Tùng

Đôi khi, một người như Dạ Thảo Phương làm cho tôi yêu Hà Nội.
đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội
ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng
cho lòng lại được bình yên
Đó là một Hà Nội thanh bình, trang nhã.
Đó cũng là một Hà Nội mục nát, tan hoang.
ước
một ngày thức dậy
ban công ngập rác thối
lá non rữa nát
những hoa hồng teo quắt
con chim bên chùa Bà Đá thôi hót
tốt nhất - đã chết
bình nước trên bàn cũng cạn
chuông Nhà Thờ Lớn
câm

Nhà thơ Dạ Thảo Phương

Thơ chị khởi đi từ tự truyện và mơ màng (memoir and reveries). Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu một khoảnh khắc trong hiện tại bằng nguồn cảm xúc và suy tư từ những năm tháng bạn đã sống qua. Thơ xuất hiện trước sự viết. Trước khi chúng ta đọc một bài thơ như văn bản trên giấy, hay trên màn hình, thơ đến như một âm thanh. Chữ viết có tính cố định, khi bạn trở lại chúng vẫn nằm ở đó. Việc đọc lớn lên, làm cho bài thơ xuất hiện như âm nhạc, không cố định như vậy, chúng thay đổi theo thời gian. Thơ của Dạ Thảo Phương vang lên một thứ nhạc điệu riêng.
 
anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào
anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh
em đã là sen, từ trong bùn tối
 

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 8) - Nguyễn Thanh Ty


Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty


Sơn rít một hơi dài ống vố, ngửa mặt lên trần nhà từ từ nhả khói, chấm dứt câu chuyện. Tôi nghe tiếng ống vố gõ nhè nhẹ xuống mặt bàn cọc...cọc...cọc...đều đều, buồn như tiếng thạch sùng tắc lưỡi trong đêm.
 
Địa điểm ngôi trường Bảo An ngày xưa,
nơi Trịnh Công Sơn từng dạy học, nay là sân vận động.
 
Ca Sĩ Kim Vui - Người Mẫu Có Hàm Răng Đẹp Quảng Cáo Hãng Kem Đánh Răng Leyna Kem Trắng Chỉ Hồng:
 
Sơn không chịu kể gì về mối liên hệ giữa mình với cô ca sĩ Kim Vui. Gặng hỏi, cũng chỉ cười và nói - Bạn thôi- Tôi không tin. Tôi nghĩ là Sơn không muốn tiết lộ vì một lý do nào đó.

CHỐN CŨ, KHOẢNG TRỜI YÊU THƯƠNG – Thơ Tịnh Bình


   
           Nhà thơ Tịnh Bình

 
CHỐN CŨ
 
Nghìn cánh gió bay về đâu xa thẳm
Biển lặng im và sóng cũng lặng im
Xóa dấu vết bàn chân trên cát mỏng
Bụi tàn tro cất điệu hát vô phiền
 
Sớm nay trở gót về chốn cũ
Mọc bên đường loài hoa dại vô hương
Mờ nhân ảnh soi hình gương vỡ
Chợt cười khan ngạo khúc vô thường
 
Thảng thốt chim kêu bờ lau lách
Bình minh thôi cũng đã về chiều
Người về bạn cùng mây thiên cổ
Thắp bóng trăng tà cõi tịch liêu...

ĐƯA EM VỀ LẦN CUỐI – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc, ca sĩ Hùng Phú trình bày


   
                                Nhà thơ Quách Như Nguyệt
 


ĐƯA EM VỀ LẦN CUỐI
 
Em về nhé, dẫu trời mưa nặng hột
Muốn giữ em, níu kéo chẳng cho về
Chiều hôm nay, ngàn đời không mai một
Đưa em về, anh gìn giữ cho em
 
Em về nhé mặc dầu anh chẳng muốn
Còn gì bằng cùng nghe tiếng mưa rơi
Mưa lớn quá, mỗi lúc mưa một lớn
Cơ hội này mấy thuở có em ơi
 
Tuổi mười bốn, em ngây thơ trong trắng
Tình yêu đầu, em ngơ ngác thương anh
Anh trưởng thành, hơn hai mươi mốt tuổi
Tuy yêu bé nhưng không là tình cuối
 
Yêu bé nhiều nhưng cố không mê muội
Bé ngoan hiền, dễ thương quá bé ơi!
Chẳng dám nói… dẫu yêu thương quá đỗi
Bé yêu à, ta ngừng lại ngay thôi!
 
Bé về nhé… dẫu trời mưa tầm tả
Sau lần này, ta tránh gặp, bé nha
Còn nhỏ quá, làm sao mà bé hiểu?
Tình cảm anh rắc rối, lắm phong ba…
 
Không muốn cột đời anh vào đời bé
Không muốn em phải khổ sở, đoạn trường
Đưa em về lần cuối, thấy đau thương!
Hiểu cho anh, sau này em sẽ hiểu...
 
                                   Quách Như Nguyệt

      

                         Nhạc: Nguyễn Tuấn
                         Thơ: Như Nguyệt
                         Ca sĩ: Hùng Phú

THĂM BẠN QUA MẠNG - Hoàng Đằng

Hình dưới đây tôi vừa xin Nguyễn Văn Trị. Tôi nghe tin bạn tôi - Đoàn Đức - không khỏe đã mấy tháng nay. Nóng lòng. Tôi muốn mặt gặp mặt bạn. Nhưng đường sá xa xôi, chuyện ấy đối với tôi bất khả. Giờ thì thấy bạn qua bức ảnh cũng cho tôi hình dung sức khỏe của bạn như thế nào rồi.


*
Tôi quen biết Đoàn Đức đúng 50 năm.
Mùa thu 1972, tại liên trại tạm cư Hòa Khánh, phục hoạt trường trung học Triệu Phong, tôi được thuyên chuyển về đó, gặp Đức là thầy dạy Anh văn chủ lực đã mấy năm.
Qua đầu hè năm 1974, Đức và tôi cùng theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào khu Láng Gòn (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), tại đây, trường Nguyễn Phúc Chu mở, chúng tôi cùng công tác ở trường này, rồi tháng 7 năm 1975, cùng nhau nhập trại, "đồng lao cộng khổ".

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

HÀI KU ĐẦU - Thơ Chu Vương Miện


    


HÀI KU ĐẦU

“dừa làm tức thời”
 
Chim Việt đậu cành Nam
Ngựa Hồ hý gió Bấc
Bơ sữa ngập mặt
Ngựa chim quên hết
 
Hôm qua vợ chồng người cháu tới thăm
Xin bác cây hoa Mãn Đình Hồng
Mầu tím nhạt
Cuối tuần bác xuống thăm
Hỏi hai cháu cây hoa còn hay mất
Vợ chồng cháu nhìn lẫn nhau
Lắc đầu không biết?
 
Chết là chín suối mười thác
Nằm ngáo ngoài nhị tỳ
Nghèo xơ nghèo xác
Được choàng vào cần cổ vòng hoa lục bình
Thiên chức nhà giáo
 
Nghèo cạp đất thó mà nhai
Quyền rơm vạ đá
Thiên chức nhà văn
“xỏ lá”
 
Danh khởi văn chương trứ
Quan ưng lão bệnh hưu
So với animaux domestiques nuôi trong sân
Thua cả chó mèo?
 
Sách thiên hạ bốn bồ
Một mình Quát chiếm ba
Chả làm nên cơm cháo gì?
Thác lãng nhách
Bị một viên đội suất
Bắn cho một phát súng điểu thương
Quát tan xác
?
Phù danh và danh hão
Theo bèo cuốn phăng phăng đi
Văn bia cùng văn miếu
Chả tích sự chó gì?
 
Con cóc nằm trong hang thì còn
Rồi đứng đó một chặp
Nhẩy đi
Chả trở dìa
 
                     Chu Vương Miện

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

“THÁI LIÊN KHÚC” THƠ BẠCH CƯ DỊ – Đỗ Chiêu Đức




THÁI LIÊN KHÚC                                          
(Khúc Hát Hái Sen) 
   
Cũng là Thái Liên Khúc, cũng là "khúc hát hái sen", nhưng không phải của giới qúy tộc, mà là của một thôn nữ vừa đến tuổi cài trâm, được Thi Bá Bạch Cư Dị diễn tả lại một cách rất thực tế sống động sau đây:                 
    
採蓮曲                    THÁI LIÊN KHÚC           
白居易                                   Bạch Cư Dị
 
菱葉縈波荷颭風,   Lăng diệp oanh ba hà chiếm phong,
荷花深處小船通。   Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông.
逢郎欲語低頭笑,   Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu,
碧玉搔頭落水中。   Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung.
 

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

NÓI VỚI EM... – Thơ Đặng Xuân Xuyến


   
                       Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến


NÓI VỚI EM...
 
Anh chẳng dại ví em là biển
Lặn chừng nào mới chạm đáy biển khơi
Sóng tụ về lại tỏa muôn nơi
Thì tội lắm! Khổ tình ai vò võ....
 
Anh cũng chẳng ví em là gió
Mênh mang trời lãng đãng trăng sao
Gió rì rào gió quấn trên cao
Thì em hỡi! Chỉ nối dài nỗi nhớ.
 
Ừ, anh chẳng ví em là Thỏ
Là trăng non, hoa nở, ngọc ngà...
Em cứ là "nhõng nhẽo" của ngày qua
Lúc mệt mỏi cứ vịn anh mà dựa.
 
Ừ, anh hứa sẽ ngàn lần không lựa
Những thề non hẹn biển của mây trời
Câu thơ tình anh viết gửi trăm nơi
Trái tim anh chỉ mình em trú ngụ!
 
Trái tim anh chỉ mình em là đủ!
Em cứ là "nhõng nhẽo" của ngày qua!
 
          Hà Nội, sáng 08 tháng 08-2022
                ĐẶNG XUÂN XUYẾN