BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

NHỚ BỐ - Thơ Quách Như Nguyệt


   
                              Nhà thơ Quách Như Nguyệt

 
NHỚ BỐ
 
Lần đầu tiên con làm thơ về bố
Vì bố ơi, con bố cảm nhận rằng
Chẳng có ngôn từ nào diễn tả,
được hết ý tình, tình bố thương con
 
Được bố thương, bố hiểu nhất trong nhà
Được bố cưng từ thuở vừa mở mắt
Bố giải bầy hầu hết điều thắc mắc
Bố mất đi… đời sống buồn hiu hắt
Khi mất bố là mất gần tất cả
Mất tình bố tròn đầy, tình bố bao la
 
Gặp cảnh khổ, bố chẳng hề kêu ca
Sống đơn giản, thích bố thí, để đức cho con cái
Bố dễ chịu, tính tình thoải mái
Luôn điềm đạm, luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn
Bố hiền lành, là người biết tri ân
Là người con chí hiếu, người bạn ân cần
Người chồng tốt, luôn nhường nhịn, chìu chuộng mẹ
 
Bố mất đi, con chơ vơ trên đời
Khi mất bố là mất cả bầu trời
Đâu nào biết tử biệt buồn đến thế
Fathers Day, nhớ bố quá bố ơi!
 
Bố mất đi, đời ảm đạm, mưa rơi!
Con hụt hẩng, đời sống này trống vắng
Không còn bố, ai khuyên răn, ai trách mắng?
Ai hãnh diện về con, ai trợ giúp, vỗ về …
Khi con hư, ai dễ dãi cười hề hề
Ai làm vơi nỗi buồn, ai thêm thắt niềm vui?
Ai luôn ở gần con, lo lắng, thương yêu …
… nâng con lên…  mỗi khi con vấp ngã
 
Bố nhắc con vui sống cõi ta bà
Không nói nhiều, không than vãn, phiền hà
Cùng sở thích... thơ, xi nê, âm nhạc
Con hạnh phúc vì được thương và hiểu
Thấy bình an vô vàn, thấy yên chí, an tâm
 
Mất bố rồi, ai tâm đắc truyện trò?
Ai dậy con biết khiêm nhường, lễ độ?
Ai tri kỷ, tri âm; cùng nghe chung âm nhạc
Ai dậy con biết thông cảm, xẻ chia
Ai nhìn con với cặp mắt dịu dàng
Ai hiền từ khuyến khích con đọc sách
Loại sách “học làm người”, con đọc để bố vui
 
Chưa bao giờ con làm thơ về bố
Để trong lòng nhiều khi thấy hay hơn
“Người đàn ông quan trọng nhất đời tôi”
Vâng, người đàn ông đó chính là bố đó
Bố của con ơi, con nhớ bố vô chừng!
 
                           Quách Như Nguyệt
 

CHA GÁNH CẢ THẾ GIAN TRÊN ĐÔI VAI - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


 
 

CHA GÁNH CẢ THẾ TRẦN TRÊN ĐÔI VAI
 
CHA đã hy sinh cả cuộc đời
GÁNH từng khó nhọc cảnh đầy vơi
CẢ nguồn sự sống tình không vợi
THẾ sự bão bùng mộng chẳng rơi
TRẦN trọng Lễ Cha ngời thế giới
TRÊN khai giáo huấn đượm muôn thời
ĐÔI dòng cảm tạ ân Nguồn Cội...
VAI vác sơn hà thắm biển khơi!
 
Đức Hạnh
19 06 2022
 
 
THƠ HOẠ:
 
 
TÌNH CHA
 
Cha sống vì con trọn đủ đời
Gánh từng nghĩa đẹp chẳng hề vơi
Cả ngàn bản ngã luôn tình vợi
Thế sự hường thêm vẫn khó dời
Trần những gian truân buồn dạ mỏi
Trên lần khổ cực nẫu lòng khơi
Đôi dòng xúc cảm tin về cội
Vai khảm gầy thân rõ tuyệt vời.
 
Xưa Hường
18.06.2022
 

SAU MÙA CHINH CHIẾN – Thơ Thùy Châu


   


SAU MÙA CHINH CHIẾN
 
Thánh giá cho em kết bằng cọng cỏ
Kỷ niệm đầu đời ngày mới biết yêu
Có nhớ không em cũng một buổi chiều
Đôi lá xanh trao ngày đầu hò hẹn
 
Thương biết bao nhiêu dáng em bẻn lẻn
Buổi đầu trốn học ta đến tìm nhau
Phố nhỏ chiều đi theo tiếng con tàu
Ga vắng thưa người nhìn em xao xuyến
 
Quê hương mình nghèo nơi vùng hỏa tuyến
Cuộc sống từng ngày bom đạn nghe quen
Căn nhà cuối thôn leo lét ánh đèn
Từng đêm anh quá nhìn em ngồi học
 
Khuôn mặt thân quên phủ dài mái tóc
Hình ảnh muôn đời ghi đậm trong anh
Xót xa con tim khi phải song hành
Tình em đong đầy... mong manh cuộc sống
 
Ngày tháng trôi đi với nhiều biến động
Từ giã mái trường khoác áo chinh nhân
Đời anh gian nan lắm nỗi phong trần
May có tình em niềm tin cuộc sống
 
Bước chân hành quân những ngày gió lộng
Những đêm đắm chìm trong tiếng đạn reo
Những ngày mưa rơi gối súng lưng đèo
Hình bóng em yêu mãi hoài ấp ủ
 
Có những chiều lên sương mù mây phủ
Tìm chút ấm lòng trong khói thuốc quen
Nhà sàn chênh vênh leo lét ánh đèn
Khơi dậy trong anh muôn vàn nỗi nhớ
 
Vận nước nổi trôi theo từng nhịp thở
Trong biến động buồn ta lạc mất nhau
Anh có ngờ đâu đôi ngã con tàu
Ta đã xa nhau thời gian biền biệt
 
Người yêu dấu ơi một đời nuối tiếc
Lặng lẽ phương trời ta mãi chia xa
Những chiều lang thang trong nắng nhạt nhòa
Anh gọi tên em người yêu xa vắng
 
Có những ngày đi đêm về vắng lặng
Anh ước bây giờ mình được gặp nhau
Sống mãi bên em cho đến bạc đầu
Làm trọn lời thề ngày xưa hai đứa.
 
                                   Thùy Châu
                                  (16/12/2014)
 

LẠC NHẠN CHIÊU QUÂN - Thơ Chu Vương Miện


   


LẠC NHẠN CHIÊU QUÂN
 
Nước yếu quân thua phải cống Hồ
đời phiền hơn những miếng cau khô
mấy mái lầu cong thềm cung lạnh
tàn đời theo hạ nắng thu mưa
 
ai biết hồng nhan thường bạc mệnh
giai nhân đỏng đảnh kiếp tài nhân
lãnh cung vĩnh viễn thua láng hết
oan nghiệt đeo theo đũng hồng quần
 
một gái ra đi ngút bãi xa
gò hoang nắm đất mấy sơn hà
nửa trước đóng xong vai tù tội
nửa sau dạt cánh nhạn sang Hồ
 
cố quận mẹ cha tóc trắng mây
phận con viễn xứ nửa vàng phai
lá phong đỏ xẩm chiều biên tái
phiên bang nghe toát lạnh hơi người
 
tảng đá chập chùng cao vời vợi
Hắc thủy một dòng đứng ngó ngây
thênh thang lạc giữa bờ biên giới
nuốt hận vơi đầy theo gió bay
 
                        Chu Vương Miện
 

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

CA SĨ KHÁNH LY BẤT BÌNH VÌ NHIỀU ĐOẠN TRONG PHIM “EM VÀ TRỊNH” - Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn:
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61861650

Các thành viên gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh". Ảnh: ĐPCC.

Khánh Ly nói “Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta”
Như tên gọi, Em và Trịnh kể lại chuyện đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thông qua các bóng hồng trong đời ông. Đây được xem là một hướng tiếp cận an toàn, hứa hẹn ăn khách. Nhưng bộ phim ra rạp khiến không ít khán giả thất vọng vì cho rằng phim khắc họa một Trịnh Công Sơn si tình, có phần lăng nhăng, để rồi nhận quả đắng cuối đời…
 
Đó chính là những gì đoàn làm phim muốn nói? Họ chỉ mượn thần tượng của nhiều người để dựng lên câu chuyện của riêng mình? Giả thiết này càng trở nên vững chắc khi Khánh Ly- xuất hiện trong phim như một trong những "em" của Trịnh lên tiếng phủ nhận những chi tiết về bà trong phim.
 

VỀ LẠI CÁNH ĐỒNG, DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ - Thơ Tịnh Bình


    
                     Nhà thơ Tịnh Bình


VỀ LẠI CÁNH ĐỒNG
 
Về lại cánh đồng chân trời lụn nắng
Cọng khói lãng đãng bay vờn
Con bù nhìn dang tay ôm gió
Xước hoàng hôn đôi giọt mưa chiều
 
Giọt giọt mồ hôi khảm xanh mùa vụ
Đắng đót mùa khoai sắn
Nứt nẻ chân cha tất tả ngày giáp hạt
Áo tơi ngửa mặt nhìn trời
 
Những hoàng hôn tiếp nối hoàng hôn
Đường chân trời vời vợi
Mải miết bầy thiên di vẽ đường bay trong tâm tưởng
Biết đâu là nguồn cội
Mẹ ngồi khâu áo cha trên bậu cửa đầy nắng
Chiếc áo thâm kim vá chằng vá đụp
Nồng giọt nắng mưa
 
Về lại cánh đồng ngày lúa trĩu bông
Quyện bàn chân hương mùa vấn vít
Ùa vào tôi ban mai rạo rực
Nụ cười quê hương tỏa nắng ngọt lành...
 

VĨNH BIỆT NHỮNG NỤ HÔN – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc & hòa âm Đỗ Hải, ca sĩ Ánh Nguyệt trình bày


  

VĨNH BIỆT NHỮNG NỤ HÔN
 
Khi mới quen anh gọi tôi bằng chị
Dần dà rồi bỏ “chị” gọi bằng tên
Anh và em từ lúc nào thế nhỉ?
Nhắm tim tôi anh bắn thẳng mũi tên
 
Gửi hoa hồng, anh tặng tôi đều đặn
Những đóa hồng đỏ thắm tình anh nặng
Tôi vụng về chưa kinh nghiệm yêu đương
Đã cầu khẩn tình thiên đường vĩnh cửu
 
Lâu lắm rồi… tôi không nhớ đến anh
Một mối tình mong manh hơn sương khói
Tối hôm nay tự nhiên tôi lại nhớ
Môi anh mềm, những nụ hôn bốc khói…
 
Sáng hôm nay bỗng nhớ về dĩ vãng
Nhớ lại ngày anh làm tôi khóc ngất
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế
Tình đắm lụy nên tình buồn quá thể
 
Khóc một lần… vĩnh biệt những nụ hôn!
 
                                  Quách Như Nguyệt
 

     

Thơ: Quách Như Nguyệt.
Nhạc & hòa âm: Đỗ Hải.
Ca sĩ Ánh Nguyệt trình bày

KHÔNG THỂ LÀ PHÁN QUYẾT – Thơ Khaly Chàm

   
   


không thể là phán quyết
 
chẳng dám khoe, cỏ luôn hồn nhiên trần trụi
tự uốn thân bám vào nhau xoắn xuýt tuyệt vời
cùng thinh lặng ngắm mặt trời nhú lên từ đất
với nắng mưa hè độ lượng sóng âm rơi
 
giấc mộng an lành thì thầm trong giọng nói người ơi
đặc tính luôn tỏa hương thơm mùi diệp lục
dìu dắt mẹ ta đi khập khiễng qua truông lầy ký ức
phù sa đen mù mắt khóc đất nhiễm mặn thật rồi!
 
những linh hồn rung chuông chờ thánh lễ lên ngôi
vị ngữ sáo mòn trong lời kinh cầu siêu độ…
này em, ta nhấm nháp những con tò he từng ngày khát đói
ám tượng cứ vây quanh ảo giác bóng vô thường
 
đời ta mãi nhảy múa trên vòng mắc xích tai ương
chuyện ái tình bùng nhùng có phải là chướng nghiệp
thơ của ta những con chữ khùng điên lộn kiếp
thương lũ chim thiên di nhặt nhạnh tạm no lòng
 
thôi thì hãy rợn xanh theo mùa như cỏ
lay lắt khiêm nhường nào nghĩ chuyện phục sinh
sao không thể hôn nhau rồi thổn thức lời tình
dù mềm nhũn héo khô cũng chỉ là hư ảnh
 
                                                        khaly chàm
                                                       ttcuchi 6/2022
 

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

QUÁ KHỨ - Thơ Đặng Xuân Xuyến


   
             Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến
 

QUÁ KHỨ
 
Quá khứ buồn cứ để ngủ yên
Đừng ném vào nhau nỗi đau hiện tại
Đừng gầm ghè nhau ánh nhìn thương hại
“Mây của trời hãy để gió cuốn trôi.”
 
Oán hờn gì câu nói đầu môi
Có yêu đâu mà biện môi với lưỡi
Ghé qua nhau chỉ giải nghiền cơn khát
Đắng đót làm gì vị mặn mồ hôi.
 
Quá khứ buồn cứ để lạc trôi
Trăng với sao không đắp nền hạnh phúc
Thuyền với biển không nối cầu nguyện ước
Mây gió buồn cứ để dật dờ trôi.
 
Hà Nội, 27 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
 

VIẾT HOA VIẾT THƯỜNG CÁC DẤU TRONG CÂU - Nguyên Lạc


Tác giả bài viết Nguyên Lạc
 

VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG?
 
Viết hoa (upper case), viết thường (lower case) là một vấn đề tế nhị, cần bàn thảo kỹ lưỡng. Thấy một số bạn, nhất là các bạn trẻ ở VN viết hoa các chữ/từ một cách tùy tiện, tôi xin ghi ra đây vài ý riêng chủ quan mời các bạn cùng thảo luận.
 
1.
Hãy xét bài ca dao:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"
                  (Công Cha Nghĩa Mẹ)
 
Theo tôi, hai chữ “thái sơn” trong bài ca dao trên nên viết thường (lower case), Thái Sơn viết hoa (upper case) không chính xác.
Chắc các bạn sẽ hỏi tại sao?
 
Giải thích:
Vì nếu hai chữ thái sơn viết hoa, chúng ta sẽ đem hữu hạn thế cho vô hạn:
– “thái sơn” (viết thường, danh từ chung) là núi rất lớn, vô hạn (thái= rất bự, rất lớn; sơn= núi). Còn “THÁI SƠN” (viết hoa, danh từ riêng) là một ngọn núi bên Tàu, chỉ cao khoảng 1450m (đo được, hữu hạn). Vậy nếu viết hoa: THÁI SƠN thì không phải là hữu hạn thay cho vô hạn sao?
– Nghĩa mẹ= “nguồn nước chảy ra vô tận, không dứt”, đối với “THÁI SƠN” (viết hoa: danh từ riêng) đo được chỉ khoảng ngàn mét. So sánh ra thì công cha như số không. Sao bội bạc với cha quá thế?
– Còn nếu viết “thái sơn (viết thường: danh từ chung) = lớn, bự vô hạn”, công cha sẽ gần như bằng công mẹ.
Do điều này, ta phải dùng thái sơn danh từ chung (viết thường). Hai câu đó tôi nghĩ nên viết như vầy:
Công cha như núi... thái sơn (to vô cùng)
Nghĩa mẹ như nước… trong nguồn chảy ra (luôn không dừng).
– Xin nói thêm: Thái sơn, sơn hà (viết thường, danh từ chung) tượng trưng đất nước, tổ quốc; nếu chúng viết hoa (trở thành danh từ riêng) thì sẽ không còn nghĩa này nữa, mà thành tên ngọn núi Tàu, tên riêng vùng nào đó…
 

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

NHÂN NGÀY “FATHER’S DAY” TÌM HIỂU “CÔNG CHA” VÀ CHỮ HIẾU TRONG TRUYỀN THỐNG DÂN VIỆT – Giáo sư Nguyễn Châu




PHẦN I
 
“FATHER'S DAY” CÓ TỪ BAO GIỜ?
 
Phong tục Hoa Kỳ và Bắc Mỹ có hai ngày trong năm dành để vinh danh hai đấng sinh thành đó là người Mẹ và người Cha trong gia đình.
Ngày vinh danh Mẹ vào tháng Năm và ngày vinh danh người Cha vào tháng Sáu.
 
FATHER'S DAY là ngày gì?
 
Trong truyền thống và phong tục Hoa Kỳ thì Father's Day là một ngày trong đó những người con của gia đình bày tỏ lòng biết ơn và yêu kính đối với người cha bằng một số nghi lễ như: cầu nguyện, thăm viếng và tặng quà. (Trường hợp khó khăn và ở quá xa thì gửi thiếp và quà đến cho Cha).
Tạm gọi là “Ngày vinh danh Cha.”
Tập tục này đã được nhiều quốc gia thực hiện. Tại Hoa Kỳ và Canada, Ngày vinh danh Cha được ấn định vào Chủ Nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng Sáu.
Do đó, Father's Day năm nay nhằm ngày Chủ Nhật 20-6-2021
 

NGƯỜI CHA NHÂN ÁI – Đức Hạnh cùng quý thi hữu

Tôn vinh - Mừng Ngày Lễ Của Cha [Father’s Day -19 06 2022]

   


NGƯỜI CHA NHÂN ÁI
 
Rừng núi Sơn Hà quyện bóng Cha [1]
Ngựa hùng vượt suối, vượt đèo xa
Hành nghề chữa bệnh ngời thiên chức
Dạy học giúp dân thắm hải hà [2]
Ký ức nồng nàn quay trở lại
Thời giờ thấm thoắt ngỡ vừa qua
Trọn đời y đức tâm ngời sáng [3]
Non nước thì thầm vọng tiếng ca.
 
Tiếng lòng thánh thót trải ngàn sau
Chân lý nghiệp y đạo đức giàu
Sơn Tịnh thuở xưa ngời dấu ấn
Bình Sơn thời mới đượm tinh cầu
Cứu người hoạn nạn tình tươi sắc
Giúp cảnh trần gian nghĩa thắm màu
Bản tính trọn đời yêu chính nghĩa
Tấm gương bác ái giữ làm đầu.
 
Đức Hạnh
17 06 2022
 
[1] Cha tôi cưỡi ngựa đi chữa bệnh cho đồng bào Kinh & Thượng, tại quận Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi
[2] Dạy học miễn phí cho dân chúng, tại quận Sơn Hà
[3] Trong các thời kỳ đều phục vụ trong Ngành y, tại Chi y tế: quận Sơn Hà - quận Sơn Tịnh- quận Bình Sơn và Bệnh viện Bình Sơn - thuộc Ty y tế Quảng Ngãi.

TÌM – Thơ Thùy Châu


   


TÌM
 
Miên man một cõi đi tìm
Soi cây bội bạc để tìm yêu thương
Tìm hoa thấy đóa vô thường
Thấy giòng suối lệ mù sương cuộc tình
Miệt mài theo dấu chân chim
Cây treo ảo vọng nhận chìm cơn mơ
Khổ đau hạnh phúc đôi bờ
Dạt dào cơn sóng dật dờ bến yêu
Ngẩn ngơ tìm giữa trời chiều
Trắng cây thề hẹn nặng nhiều nhánh đau
Một vùng cây hứa mai sau
Rụng rơi trái đắng ngập sầu nhân gian
Nẩy mầm theo bước ly tan
Chồi xanh gian dối phai tàn giấc mơ
Tìm đâu cây hẹn cây chờ
Tỏa che bóng mát phủ bờ sân si
Tìm hoài mòn gót chân di
Mênh mông đời lạnh thấy gì quanh ta
Từ bình minh đến chiều tà
Ngẩn ngơ tìm mãi chỉ là hư không
Nhủ lòng sao quá mênh mông
Cây thề trái hẹn trong vòng nhân gian
Hương xưa rồi cũng phai tàn
Quanh ta còn lại ngút ngàn khói sương
Tìm đâu bến đổ yêu thương
Tìm đâu bóng dấu con đường sóng đôi
Ừ thôi lòng nhủ lòng thôi
Trầu cay rồi đắng vì vôi nhạt màu ! 
                            
                                      Thùy Châu
 

XÃ HỘI ƯU VIỆT - Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

Tràm Cà Mau, một cái tên đặc sệt miền Nam nhưng tác giả với tên thật Nguyễn Thiệp, lại sinh ra ở Quảng Trị, lớn lên ở vùng địa đầu giới tuyến từ cuộc phân chia Nam Bắc. Tràm Cà Mau đã từng xẻ chia những trằn trọc chung của những thế hệ bất hạnh vì chiến tranh.

Từ miền Nam ra Bắc, năm 1945 ông Tý đang miệt mài đèn sách tại đại học Hà Nội, hy vọng ra trường được bổ dụng làm quan tham tá, thì xếp bút nghiên theo tiếng gọi của sông núi. Cầm súng đánh đuổi giặc Tây đang trở lại, để giành độc lập cho quê hương. Năm 1954 nước Việt Nam chia cắt ra hai miền, ông đi tập kết ra Bắc. Năm 1975, sau khi miền Bắc chiến thắng trong cuộc nội chiến tương tàn do súng đạn ngoại bang cung cấp và thúc dục, ông hân hoan trở về. Trong trí tưởng tượng của nhiều người bà con dòng họ, thì ông là một kẻ anh hùng oai phong lẫm liệt, cưỡi ngựa chiến, mang chiến bào, cầm gươm báu sáng ngời chỉ vào thiên địa hiên ngang. Nhưng họ thất vọng, vì thấy ông, mặt mày bủng beo hốc hác, tiều tụy, chân mang dép râu, đầu đội nón cối sờn mục và áo quần nhàu nát lụng thụng màu phân ngựa.
 

GIO LINH THOÁNG MỜ TRONG KÝ ỨC TÔI - Đinh Hoa Lư




Nhi đồng tương kiến bất tương thức            
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?...
                              (Hạ Tri Chương)
 
           
MỜ PHAI KỶ NIỆM GIO LINH
 
Trí nhớ của tôi còn ghi mãi những kỷ niệm đầu đời lúc tôi khoảng bốn, năm tuổi đã theo chân mẹ tôi ra tận Gio Linh. Vào năm đó mẹ và dì tôi mở một cái quán hàng ăn ngoài đó.
 

GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG - Thơ Hoàng Chẩm


   
               Nhà thơ Hoàng Chẩm


GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG
 
Em giấu hạt mưa trong mắt
Mong manh lòng nhớ hương xưa
Người xa... Bao lần hiu hắt
Buồn ơi biết mấy cho vừa
 
Em giấu chiều vàng trong áo
Sớm chiều sóng lụa thênh thang
Tóc chưa phai hồn dã thảo
Yêu thương ngày đã muộn màng
 
Giấu ngày xưa vào chốn cũ
Thời yêu nung nấu giấc mơ
Em qua từng mùa lá đổ
Tương tư về tới... ngẩn ngơ
 
Giấu giọt đông về qua ngõ
Bình yên nghe tiếng tình ru
Lời thương thơm lừng hương cỏ
Dường như em biết ngơ ngu.
 
                        Hoàng Chẩm

CUNG TIẾN, ĐỜI LẬP TỪ NHỮNG ĐÊM HOANG SƠ - Nguyễn Đức Tùng



Chị em của thơ thì có nhiều: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, báo chí, phim ảnh, kịch nghệ, nhưng đối với tôi, người thân nhất, người chị em ruột của thơ, chính là ca khúc.