BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TRĂNG TRỐI - Việt Phương

   
   


CHẾT CŨNG CHỈ NHƯ GIẤC NGỦ
 
Không than vãn, lòng chẳng hề hối tiếc
Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong!
Cũng chỉ như giấc ngủ mơ màng
Đời sống vậy, đủ rồi! Em yêu mến.
 
Nghiệp đã làm xong, chẳng còn chi vương vấn
Tình cũng tàn, năm tháng kiếp phôi pha
Thì em ơi! Ta nằm xuống dưới mồ
Thanh thản chết, có gì đâu phải nghĩ.
 
Hồn thi sĩ, xin mang thơ gửi đời làm tri kỷ
Chốn trần gian sẽ ngợp áng thơ ta
Chỉ chia tay có thân xác thôi mà
Tình yêu ta còn muôn đời bất tử!
 
Cõi thế gian: Âu cũng kiếp đoạ đày phận số
Tiếc làm chi? Sống mãi chỉ mệt thân
Mãn nguyện rồi, cần chi nữa phân vân
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh”!
 
Ta đã yêu em suốt đời trong hư ảnh
Dù có thời cũng sung sướng, đê mê
Nhưng tình em khác gì những chiếc lá bay kia?
Để năm tháng dài, hoang ru ta nơi bến lạnh.
 
"Tình và tiền"!
Tiếng nói đó làm trái tim đàn bà hưng phấn
Phụ nữ cả thế giới này, họ quí như nhau
Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu
Giọt lệ thi nhân,
           anh rỏ lên những trang thơ đời, làm liều thuốc ngủ.
                               
                                                                 Phạm Ngọc Thái
 *

   


       PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TRĂNG TRỐI
                                                                            Việt Phương   
 
Trước khi từ giã cõi đời ở Gành Ráng (Qui Nhơn), thi nhân Hàn Mặc Tử đã để lại những lời trăng trối:
              
Ta trút linh hồn giữa lúc đây              
Gió sầu vô hạn nuối trong cây              
Còn em sao chẳng hay chi cả              
Xin để tang anh đến vạn ngày                                
                      (Trút linh hồn)

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

NHỚ VỀ BAN NHẠC TRÀO PHÚNG AVT MỘT THỜI LỪNG LẪY – Đông Kha (Nhạc xưa)

Nguồn:
https://nhacxua.vn/nho-ve-ban-nhac-trao-phung-avt-mot-thoi-lung-lay/
 

Những người yêu nhạc ở Sài Gòn trước năm 1975 vẫn luôn nhớ về Ban kích động nhạc AVT (sau đó thành Ban tam ca trào phúng AVT) có lối trình diễn độc đáo và gần như là duy nhất ở Miền Nam xưa, với những bản nhạc có lời ca dí dỏm, châm biếm tại Sài Gòn trước năm 1975. Ban nhạc AVT xuất hiện lần đầu vào năm 1958, gồm ba nghệ sĩ còn rất trẻ đều là tân binh của Tiểu đoàn 1 CTCT, tên là Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng, chuyên trình bày những bản nhạc vui tươi, lối trình diễn rộn ràng và khuấy động sân khấu. Họ lấy 3 chữ đầu của tên 3 thành viên trong ban nhạc để ghép lại thành tên ban nhạc AVT.
 

ĐÊM ĐỘC ẨM – Thơ Nguyên Lạc


  

 
ĐÊM ĐỘC ẨM
 
Đêm đất khách tìm đâu tri kỷ
Say cùng ta thất chí hồ trường
Bao năm cuộc đó tang thương
Trăng chìm đáy chén tha hương uống sầu!
Cố nhân sương khói về đâu?
Nghiêng sầu chếnh choáng trăng màu phôi phai
 
Rượu sầu ta uống với ai?
Nhạt nhòa sương lệ ánh trăng phai
Thiên hạ ai người lòng lớn rộng?
Nâng chén sơn hà cùng ta say
 
Mình ta say, mình ta say
Mình ta cùng với nỗi tình hoài
Sầu tràn ta uống sầu không cạn
Rượu uống mình ên chẳng chịu say!
 
Chẳng chiụ say, chẳng chịu say!
"Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?" *
 
Say với ai, say với ai?
Thất chí hoa niên vội bạc đầu!
 
Bạc đầu thật, bạc đầu sao?
Thanh xuân khát vọng còn đâu!
Cuối đời nát mộng còn sầu lưu vong!
 
                                      Nguyên Lạc
 
..................
 
* Câu thơ Vũ Hoàng Chương
 

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

VUI CA XANG - Phạm Xuân Đài

Tác giả xin cám ơn Giáo sư Trần Huy Bích đã giúp nhiều tài liệu cần thiết cho bài viết này.


Gần đây tôi có dịp xem video của Thúy Nga Paris trình diễn ba bài Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 của Lê Thương. Sự dàn dựng cảnh trí, các màn phụ diễn đều công phu, tạo nên một không khí chinh chiến ngày xưa, và nhất là giọng hát của các ca sĩ đều hay, diễn tả thành công chủ đề mà mình trình diễn.

NHÀ THƠ XUÂN DIỆU “MA VỚI NHAU” - Minh Diện.


Nhà thơ Xuân Diệu

Cuối năm 1983, Công ty cao su Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị tổng kết cuối năm. Năm ấy phân u-re được Liên Xô cấp, mủ cao su được Liên Xô bao tiêu, công ty này trở thành điển hình tiên tiến toàn ngành, nên tổ chức Hội nghị tổng kết to. Trưởng phòng thi đua - tuyên truyền Nguyễn Hữu Bằng lên Sài Gòn mời nhà báo, miệng bô bô: “Ngoài đánh chén, còn có một sấp vải  Seviot  may quần, một sấp vải KT may áo, một kg bột ngọt và một phong bì 50 đồng  nghe!”.  Món quà đó ngày ấy bằng hai tháng lương chuyên viên một của tôi, hơn nữa có tiền chưa chắc đã mua được vải Seviot, KT, bột ngọt theo tiêu chuẩn phân phối.
 

MÂY TRÔI – Thơ Trần Mai Ngân


 


MÂY TRÔI
 
Mây thành thiên cổ bay đi
Mộng trần gian đã ôm ghì bấy lâu
Lần mò leo mãi vách sầu *
Người từng là những nhiệm mầu của ta!
 
Chân trời cuối tít thật xa
Ôm tình đi mãi tin là gặp nhau
Hôm nay trời thắm hoa đào
Mỉm cười năm cũ lời chào… thì thôi!
 
Mây trôi mây vẫn mây trôi
Nghe tràn hương tết xa xôi vọng về!
 
                                 Trần Mai Ngân
 
* Giống ý bài hát Đời Đá Vàng của nhạc sĩ Vũ Thành An

NGƯỜI CHỒNG NHU NHƯỢC - Vũ Thị Hương Mai



Có rất nhiều bà vợ đã than phiền về sự nhu nhược của chồng mình và cho rằng chồng là người không bản lĩnh. Đó hẳn đã trở thành một trong những nguyên nhân gây nên đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ông chồng không thể tự mình quyết đoán để định đoạt một vấn đề gì dù không mấy khó khăn. Tự mình không tìm ra lối thoát để giải quyết vấn đề mà cứ luẩn quẩn, vòng vo giữa hai bên. Đương nhiên họ đã trở thành một người tội nghiệp, đáng thương và cũng thật đáng trách.
 

THƠ XUÂN CỦA VUA THÀNH THÁI – Đỗ Chiêu Đức


Vua Thành Thái
 
Tập thơ “Canh Tý Thi Tập” của vua Thành Thái, hiện chỉ tìm thấy một bản sao chép tay không ghi tên người và thời gian chép, do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm và giới thiệu lần đầu trên Tạp chí Hán Nôm số 1(18) năm 1994. Dưới đây là bài thơ NGUYÊN ĐÁN, một trong 17 bài thơ “Kim thể thập thất thủ” (17 bài làm theo thể thơ Đường) trong “Canh Tý Thi Tập” nói trên:
 
 元旦                           NGUYÊN ĐÁN
元正佳節值晴曛,    Nguyên chinh giai tiết trực tình huân,
旭日暉煌景色新。    Húc nhật huy hoàng cảnh sắc tân.
滿殿調風冠帶集,    Mãn điện điều phong quan đái tập,
盈庭瑞氣羽旄陳。    Doanh đình thoại khí vũ mao trần.
年豐海靜期天況,    Niên phong hải tịnh kỳ thiên huống,
內治外寧仰帝恩。    Nội trị ngoại ninh ngưỡng đế ân.
首是溫和人物遂,    Thủ thị ôn hòa nhân vật toại,
含沾雨露萬方春。    Hàm triêm vũ lộ vạn phương xuân !
              
          成泰                                            Thành Thái

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

NHỚ THI SĨ ĐẠI CA NGUYỄN BẮC SƠN – Ngô Đình Miên

Hôm nay là sinh nhật anh Nguyễn Bắc Sơn thân thương.
Nhớ anh, xin được đăng lại bài viết cho số kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận nhiều năm trước.



Thời những năm 70 – 75, lũ học sinh, sinh viên chúng tôi ở “trong này”, nhất là con trai, không hiểu sao lại thuộc lòng, nhiều thì cả bài, ít thì vài câu thơ của những nhà thơ ở “ngoài kia” lúc bấy giờ như: Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Tây Tiến”, Phùng Quán với “Lời mẹ dặn”, Yên Thao với “Nhà tôi”, Hoàng Cầm với “Bên kia sông Đuống”.v.v… Bên cạnh đó, đặc biệt hơn là những câu thơ nghênh ngang “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng lại hào sảng và hồn nhiên hết mực của nhà thơ “trong này” quê Bình Thuận - thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, thì hầu như trong chúng tôi khá nhiều người biết và thuộc lòng cho tới tận bây giờ vẫn còn nhớ:
 
“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…
 
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay”
         (Mật khu Lê Hồng Phong)
 

TỦ SÁCH TUỔI HOA, BẦU TRỜI KÝ ỨC CỦA CẢ MỘT THẾ HỆ MỚI LỚN Ở MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975 - Mẫn Nhi



Hoa Đỏ, Hoa Tím, Hoa Xanh đều là những từ ngữ rất dung dị và đời thường, nó không đơn thuần điểm danh một loài hoa nào cả mà nó là một tủ sách, một bầu trời tuổi thơ mà chỉ cần nhắc đến thì bao nhiêu hồi ức về một thế hệ mới lớn ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 lại ùa về. Tủ sách Tuổi Hoa được thành lập từ trước năm 1975 mà khởi nguồn là do những cây bút chuyên viết cho các tạp chí nổi tiếng như Tuổi Hoa, Thằng Bờm, Thiếu Nhi cộng tác.
 

MAI VÀNG VÀ MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT QUÊ TÔI - Phạm Quang Tân



Khách phương xa lần đầu đến du xuân An Giang quê tôi nói riêng, Tây Nam bộ nói chung, chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước màu vàng rực rỡ và mùi hương nhè nhẹ, khắp từ đầu làng đến cuối xóm, khắp phố chợ náo nhiệt đến thôn quê hẻo lánh, khắp ngài sân, trong nhà. Đó là sắc hương của mai vàng. Sắc hương đặc trưng của Tết Nguyên Đán nơi này.
 

VỀ CÂU CHÚC MỪNG CÔ DÂU CHÚ RỂ “SẮT CẦM HẢO HỢP” - La Thụy


                                           BÁCH NIÊN HẢO HỢP

  VỀ CÂU CHÚC MỪNG CÔ DÂU CHÚ RỂ “SẮT CẦM HẢO HỢP”
                                                                                            La Thụy

Trong một lần ngồi ở một quán ăn (vừa mở cửa lại sau khi tổ chức đám cưới cho con họ), chợt thấy trên vách trang trí câu “Sắt cầm hảo hợp”, một người bạn của tôi buột miệng: “phải là SẮC cầm… mới đúng chứ”. Bạn ấy cho phải là “sắc”, trong từ “nhan sắc”. Có lẽ bạn ấy nghĩ rằng SẮC cầm hảo hợp có ý nghĩa tương tự với tài sắc song toànTôi thử giải thích nhưng xem ra bạn ấy không đồng ý.

Hôm nay, khá rảnh nên tôi ghi lại ít dòng bàn qua về câu chúc tụng bằng chữ Hán (hoặc âm Hán Việt) này

 Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc có câu:
 “Sắt cầm gượng gảy tiếng đàn,
Dây uyên kinh dứt phím loan ngại chùng”

Đoạn trường tân thanh có câu:  
“Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm”

“Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì”

Truyện Hoa tiên có câu:
“Chưa cầm sắt cũng tao khang”

VÀI DÒNG LAN MAN VỀ TỪ GHI TRÊN THIỆP CƯỚI - La Thụy sưu tầm và biên tập

Theo thiển ý của tôi, tại sao chúng ta không dùng hoàn toàn từ ngữ Thuần Việt trong những trường hợp ghi trên thiệp cưới để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chẳng hạn như:
Con trai út (út trai), con gái út (út gái), con trai đầu, con gái đầu, ....


    
Vào mùa đám cưới, tôi thường nhận được thiệp mời. Xin nêu vài trường hợp về cách ghi trên thiệp. Khi chú rể là con trai út thì thiệp mời ghi là ÚT NAM, khi cô dâu là con gái út thì thiệp mời ghi là ÚT NỮ. Nếu chú rể là con trai một trong gia đình (con trai duy nhất hoặc chỉ có chị em gái), thì thường được cha mẹ ghi trong thiệp là QUÝ NAM. Tương tự như thế, khi cô dâu là con gái duy nhất (không có anh chị em) thì thiệp mời ghi là QUÝ NỮCách ghi như vậy trên thiệp mời là không chính xác. 

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

TÌNH XA - Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Đỗ Hải, ca sĩ Hà Thanh

     
   


TÌNH XA
 
Thư anh
Em đợi mỗi ngày
 
Thơ anh
Em đọc mê say, quên đời!
 
Tình anh tình quá xa vời
Với tay chợt mất!
Ra là chiêm bao
 
Biết tình ảo ảnh, lao xao
Mà sao vẫn thấy mình yêu, lạ kỳ!?
 
Yêu chi thi sĩ, dại gì?
Lý trí cãi vã
Con tim đầu hàng
 
Tình yêu
tưởng tượng, hoang đàng
Tình xa xôi quá!
Tình đành qua mau
 
Lỡ yêu thi sĩ, vẽ vời!
Si mê cũng bởi
Thơ tình
Tình si!
 
Quách Như Nguyệt
 

     

Thơ: Quách Như Nguyệt.
Nhạc: Đỗ Hải.
Ca sĩ Hà Thanh.

NHẠC SĨ VĂN GIẢNG VÀ “AI VỀ SÔNG TƯƠNG” – Cù Mai Công


Nhạc sĩ Văn Giảng
 

Nhạc sĩ Văn Giảng (tức Thông Đạt, Nguyên Thông, Nguyên Đàm & Tiến Tài, Anh Phương & Nguyên Diệu) của “Ai về sông Tương”, “Hoa cài mái tóc”, “Lục quân Việt Nam”, “Mừng ngày Đản sanh”… tên là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924, kém ba tôi bốn tuổi. Nhưng không chỉ nhà tôi, cả xóm đều kính trọng gọi là “bác Giảng” dù khi cả nhà dọn về ở cạnh nhà tôi từ năm 1969, bác mới 45 tuổi. Ba tôi quý mến, thỉnh thoảng nói mẹ tôi sang mời bác dùng cơm trưa. Bác cười nhẹ nhàng nhận lời và ăn uống chừng mực, rất thanh nhã, điềm đạm.
 

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

LỜI DẠM NGÕ - Thơ Phan Quỳ


 

 
LỜI DẠM NGÕ
 
Bước xuống vườn trầu
Tìm chút vôi son
Ra hái trái cau
Tìm trong tròn trịa.
 
Một cánh môi thơm
Tia nắng cuối vườn
Long lanh mắt biếc.
Một chú chim non
 
Bên cành ríu rít
Mừng đón yêu thương
Trái ổi chín vàng
Đong đưa nhè nhẹ
 
Một làn hương bay
Ngỡ chừng rất khẽ
Dáng người quanh đây.
Tiếng cười dòn tan
 
Một chiều rất trẻ
Đất trời miên man
Ngập trong mộng mị.
Tình ơi mênh mang
 
Về trong một cõi
Biết tuổi đá vàng
Biết đâu nguồn cội.
Vương mang, vương mang.
 
Thênh thang, thênh thang
Mơn man mơn man
Lá hoa tình tự.
Là lời dạm ngõ
Một cánh trầu cay.
 
Một ống vôi đầy
Một trái cau ngoan.
Đất trời hân hoan.
Làm nên đính ước.
 
            Phan Quỳ

MƯỜI KHÚC THI MƠ – Thơ Ái Nhân



  Nhà thơ: ÁI NHÂN
  ĐT: 0984470914
  Hội viên Hội VHNT - HY
  Hội viên Hội nhà văn Hà nội
  Đã in riêng 10 tập thơ tình
  Ngọc Lâm – Long Biên – HN





 
 
Tung tăng lên giấc phiêu bồng
Giơ tay hứng giọt trăng lồng vào thơ
Chân trần nhón gót lên mơ
Hồn nhiên em hát vu vơ lời tình
 
Hoa hồng nở giữa bình minh
Long lanh sương giọt lung linh hoặc huyền
Cô tiên xinh thật dịu hiền
Ta mơ sánh bước sang miền mộng yêu
 
Kiếp người dài ngắn bao nhiêu
Trái tim nhân ái, nhiễu điều phủ gương
Gia tài nặng trĩu yêu thương
Trăm năm còn mãi tơ vương bóng tình
 

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

CHÙM THƠ SÀI GÒN - Thơ Châu Thạch



 

NHỚ EM SÀI GÒN
(Cảm tác “Sài Gòn Trong Tôi” thơ Lê Giao Văn)
 
Sài Gòn trong tôi nhớ mãi chiếc áo đầm
Em đi học trường Tây thuở ấy
Tôi đi theo và yêu em biết mấy
Em ghé bên đường ăn chè Sâm bổ lượng
 
Nhìn dáng em thương quá là thương
Tôi mua bánh mỳ về nhà ngồi gặm
Vừa ăn bánh vừa nhớ đôi má thắm
Đôi môi hồng như thể một đoá hoa
 
Tôi thằng học sinh đi học xa nhà
Đâu với tới em, thượng lưu đài các
Thôi cứ yêu, vấn làm thơ viết nhạc
Không có dịp nào gởi tới em xem
 
Một mình tôi ôm mộng mãi ngày đêm
Tình yêu trẻ gởi vào hai bờ giấy
Nhìn trăng treo sông Sài Gòn nước chảy
Yêu đơn phương đẹp mãi đến hôm nay
 
Rồi một ngày áo thư sinh vất đấy
Tôi phải thay bộ đồ lính quân trường
Từ đó cuộc đời đối diện tang thương
Quên em mất, thơ nhạc tình cháy hết
 
Hôm nay Sài Gòn đang đau đang mệt
Nhớ Sài Gòn tôi lại nhớ em xưa
Nhớ Sài Gòn ngày ấy nắng và mưa
Nắng cũng nhớ mà mưa thì cũng nhớ!
 

HÒA HỢP – Thơ Ngô Đình Miên


   
                         Nhà thơ Ngô Đình Miên


HÒA HỢP
 
Những gã giang hồ tự phong
Không đeo kiếm chỉ mang lòng huynh đệ
Hận thù chi kẻ chiến binh ngày trước
Cũng biến thành bầu rượu ấm tình thân
Nhớ năm xưa trên đồi Nora
Mày canh 105 ly bắn tao chết dí
Phải núp lại hầm trong ấp Bình Lâm
Nhờ vậy mà tao có một mối tình bí mật...
Ngày tao dẫn quân về đánh đoàn công voa dưới chân núi Tà Dôn
Một chuẩn úy nhà văn tử trận (¹)
Mày cũng suýt nữa là đi tong
Có những đêm mày rọi đèn pha
Sáng cả núi Xả Thô, thấy cả núi Bà
Mày nói xạo rằng thấy bóng tao đang xuống núi
Tao vội trốn chui vào lùm bụi
Mày không cho canon khai hỏa
Vì biết đâu có thể là anh em ruột của mình...
 
Hai thằng ngồi nhậu nhớ chuyện xưa
Những địa danh hằn sâu trong kí ức
Tam Giác, Nora, Tà Dôn, Thiện Giáo,
Ma Lâm, Sông Quao, Cây Táo, Khu Lê... (²)
Xác những đồng đội của tao và mày
Giờ đã hoàn toàn trả về cát bụi
Tao với mày còn may mắn ngồi đây
Tay không súng chỉ cầm ly rượu
Tao sẽ chiến đấu với mày tới cùng
Nếu có lỡ "hy sinh" cũng không để lại
Lịch sử chính trị đen cho cháu con tao
Đến nhiều đời sau làm người thua thiệt ...
Tao với mày chơi theo luật giang hồ
Cưa đều chia đôi cho hai bên chiến tuyến
Không có hàng rào kẽm gai gắn mìn
Chỉ có mấy con mực khô phơi mình ở giữa
Và chai đế 45 độ cồn như mồi lửa chiến tranh
Tao nhìn thấy mày bắt đầu nghiêng ngã
Mày vịn tao rồi hai đứa lăn quay
Cuộc hòa hợp dân tộc đã thành công mỹ mãn... (³)
 
                                               Ngô Đình Miên
 

   
                           Hình mang tính cách minh họa

*

Chú thích:
 
(¹): Nhà văn Y Uyên tên thật là Nguyễn Văn Uy, sinh 1940 (khai sanh 1943). Quê quán: huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội). Gia đình di cư vào Nam. Ông học trường Sư phạm Sài Gòn, ra trường được phân về dạy tại Tuy Hòa.
Sau đó bị động viên, học sĩ quan Thủ Đức. Đơn vị ông đóng tại đồi Nora (nay thuộc xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Nhà văn Y Uyên tử trận trong trận đánh dưới chân núi Tà Dôn (cách đồi Nora chừng 8 km) năm 1969.
Ông là nhà văn miền Nam chuyên viết truyện ngắn, đã để lại nhiều tác phẩm khá nổi tiếng trên văn đàn miền Nam VN trước 1975.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10391&rb=06
https://vietmessenger.com/idevice/?title=coloaichimla

(²): Những địa danh nổi tiếng ác liệt ở Bình Thuận trong chiến tranh, trước 1975.

(³): "mày" và "tao" trong bài thơ là 2 người bạn của tác giả. Trước 1975, 2 người ở 2 bên chiến tuyến, đã không ít lần chạm súng nhau. Sau 1975, tình cờ gặp nhau, hiểu nhau, nhậu với nhau thường xuyên nên trở nên thân thiết. Cả 2 người đã mất. Anh sĩ quan pháo binh 105 ly mất trước anh bộ đội 4 năm.