BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

HOA MẬN – Thơ Trần Mai Ngân


   


HOA MẬN
 
Em đi về vườn cũ
Dấu chân mình còn đây
In đậm chỗ đứng này
Hoa Mận trắng bay bay…
 
Chúng mình đã đổi thay
Anh bây giờ có hay
Em bây giờ chẳng hay
Chúng mình đã đổi thay
 
Hoa Mận cứ vô tình
Trắng xoá… trắng xoá… bay!
 
                      Trần Mai Ngân

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

HOÀI NGHI, HOAN CA MÙA THU, HOANG VẮNG, HOANG VẮNG ĐÌU HIU GIỮA THẾ GIAN, HOANG VU – Thơ Lê Văn Trung


   


HOÀI NGHI
 
Gió thổi về đâu? Em biết không?
Mây bay về đâu? Em biết không?
Về đâu trong tận cõi vô cùng
Mà trăng thiên cổ còn vô định
Mà trăng nghìn phương còn chưa rằm
Lá rụng về đâu? Rơi về đâu?
Tóc xưa lụa chảy bến giang đầu
Ai ướp phù vân vào nhan sắc?
Ai đắm hồng nhan chìm bể dâu?
Sông chảy về đâu? Em biết không?
Rong rêu đời sóng giạt trăm dòng
Có ai còn thấy từng con nước
Đã chảy trôi qua vạn tấm lòng?
Ta chảy về đâu? Trôi về đâu?
Ta tan vào đâu? Chìm vào đâu?
Em ơi ta chỉ là tro bụi
Hạt bụi tàn trong bể khổ đau.
 
 (Viết trong mùa dịch Covid)
 

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

MONG BÁO LAO ĐỘNG TỪ NAY CẦN CÓ NHỮNG BÀI VIẾT TỬ TẾ HƠN – Nghệ sĩ Thành Lộc



Mấy ngày qua trên Báo Lao Động có bài viết với tiêu đề: “Thực khách HN xì xụp bát phở, dân Sài gòn… “thèm”. Tiêu đề này đã có nhiều người phản ảnh không đồng ý về cách chạy “tít” của Báo Lao Động dễ gây sự ngộ nhận, đặc biệt có nhiều người dân Sài Gòn.
Dưới đây là lá thư của Nghệ sĩ Thành Lộc là một trong những người phản ảnh gửi Bộ trưởng Bộ Thông Tin & Truyền thông và Tổng Biên tập tòa soạn báo Lao Động.
Thành Lộc cũng là một trong số ít nghệ sĩ có chính kiến rất rõ ràng về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng trong tình hình hiện tại.
Những lời chia sẻ của anh dưới đây cho thấy anh là một người trí thức đúng nghĩa và rất đáng trân trọng.
 

BỎ YÊU – Thơ Đặng Xuân Xuyến


  
                     Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến


BỎ YÊU
(Với PTT)
 
Em nhắn gửi ta mấy ý yêu
Nào mây lãng đãng quắt quay chiều
Nào hanh hao nắng se se lạnh
Nào mấy bữa nay lá rụng nhiều.
 
Ta có cần đâu mấy ý yêu
Đừng than nắng nhạt với mưa nhiều
Đã quen kiêu hãnh đêm lạnh vắng
Đừng díu gian ta ánh trăng thề.
 
Ta đã quên rồi những đam mê
Tơ giăng ngáng lối nghẽn đường về
Nhịp yêu sai lỡ ta bỏ hết
Thôi đừng rủ nguyệt níu gió mây.
 
Thì cứ về đây hóng gió tây
Giỡn trăng sóng soãi vắt ngang đồi
Hồn ta từ bữa đi hoang ấy
Đã chết từ lâu tiếng yêu rồi.
 
Hà Nội, ngày 25 tháng 10-2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG – Thơ Tịnh Bình


 
                                     Nhà thơ Tịnh Bình
 

MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG
 
Đêm ngâu rỉ rả mưa thầm
Thương con tép bạc lạc lầm bến quê
Cái cò cõng lạnh tái tê
Cơn mưa đi đón chưa về cò ơi!
 
Thong dong phận khói lên trời
Nắng còn ở lại hong phơi sân vàng
Mẹ còn bận bịu thúng quang
Sớm hôm vất vả nuôi đàn con thơ
 
Tiếng gà eo óc tinh mơ
Con chim chèo bẻo đậu bờ tre cong
Lặng thầm đôi cánh bầy ong
Ban trưa tìm mật trên bông mướp vàng
 
Bâng khuâng khúc gió tình tang
Đường về quê mẹ rộn ràng cõi tim
Bến chiều khỏa nước lặng im
Vui chi con cá lìm kìm cắn tay...?
 
                            TỊNH BÌNH
                             (Tây Ninh)

HIỆN THỰC THỞ RA NỖI BUỒN – Thơ Khaly Chàm


 


hiện thực thở ra nỗi buồn
 
thẫm đen khái niệm mùa thu
hoa bách hợp trong khung tranh treo tường đã chuyển màu vàng úa
rũ cánh dần cạn kiệt sự sống chờ ngày được đào thải
hư ảnh một dạng thức lặng lẽ không tồn tại
 
tháng mười
không gian xõa tóc che mặt niềm đau
sau cái chớp mắt từng ngày cố quên đi nỗi sợ hãi
người ta bắt đầu nhìn thấy chiếc lưỡi của bóng tối mọc đầy gai nhám
sự giao động tinh thần dường như tìm lỗ thủng chui ra hòa tan vào vòng thủy não
làm sao để níu kéo hồn phách đừng giẫm chân lên cái bóng chính mình
 
hôm nay, tất cả mọi người
không còn nghe thấy tiếng kèn bầu hòa nhạc khi đám lễ tang vì đang lui dần vào cổ tích
lời điếu văn thương cảm mọc cánh nên không cần chiêm nghiệm những ngữ điệu không mùi
 
tháng mười, đã gần cuối mùa thu
thản nhiên chăng, thời gian vốn dĩ luôn khởi sinh hiển lộ niềm hy vọng
nhưng chẳng ai chưng cất thời tiết để lan tỏa hương thơm từ diệp lục trắng
đừng giấu trong mắt hơi thở buồn xa xứ nghe em
hiện thực từng đoàn người lữ hành thinh lặng
ngậm nắng màu chì tìm về nơi chốn đã chôn xuống đất cuống nhau thai
                                                                                       khaly chàm
                                                                                  cuchisg 10/2021
 

RƯỢU MỜI, TÌM LẠI DÒNG SÔNG, THỜI GIAN – Thơ Nguyên Lạc


  


RƯỢU MỜI
 
Bạn ở xa và ta cũng xa
Rót về tây rót thế nào ta?
Thì cứ rót như từng đã rót
Rót lòng quê sớm lẫn chiều tà
 
Ta ở phố này bạn phố kia
Hai nơi đất khách một quê nhà
Nâng ly mời bạn ta cùng uống
Cùng uống đắng cay nỗi sơn hà!
 
Uống đi! Ta uống quên trần thế
Trần thế phù trầm vốn khổ đau
Uống thôi! Tình ở trong lòng chén
Say thôi! Đừng nhớ cuộc ba đào!
 
Quên đi! Đừng nhớ cuộc bể dâu
Bao năm rồi đó vết thương nào
Lời thề ngày cũ theo năm tháng
Cùng nỗi phôi pha sương trắng màu

BÃO, LŨ, LỤT – Thơ Lê Phước Sinh


  


BÃO - LŨ - LỤT
 
Đá lăn triền Núi xuống
Nước ọc tràn Nguồn ra
Miền Trung tựa Đòn Gánh
Rạn rã nứt giữa Đường.
 
Rừng đâu cho Chim hót
Muông thú chạy tả tơi
Nhân họa kèm Thiên họa
MẸ khóc đứng khóc ngồi.
 
Cảm cảnh Ti Vi chiếu
Buồn, xót tê tái người...
 
LÊ PHƯỚC SINH
Saigon 18.10.21
 

PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ VIẾT THEO THUYẾT BẢN MỆNH CỦA KINH THÁNH - Đào Viết Minh


  

                                                                                        
LÀM MA EM VỢ              
(Viết theo quan điểm Phật giáo trong Kiều của Nguyễn Du)
 
Em kết liễu. Tự giải thoát mình khỏi "kiếp"!
Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi
Anh thắp cho em một nén nhang đời
Và lễ tạ: Nam-mô-di-phật
 
Người sống đưa chân người chết đây
Đầu bạc làm ma mái xanh này
Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ
Em nhởn thanh xuân lại vội quay.
 
Em ơi: Chữ “kiếp” trước chữ “người”!
Sống cần cố gắng, chết rồi thôi
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ... (*)
Anh ở vì chưng trả nợ đời.
 
PHẠM NGỌC THÁI
 
(*) Nàng Kiều trẫm mình trên dòng sông Tiền Đường muốn quyên sinh... nhưng lại được Giác Duyên vớt cứu - Theo thuyết bản mệnh ở kinh thánh, trong Kiều của cụ Nguyễn Du: Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời!
-   Câu thơ ý muốn vấn an linh hồn em: "Em đi, coi như đã hết nợ đời rồi đó em".
 

THỞ DÀI – Lê Kim Thượng


  
                Nhà thơ Lê Kim Thượng

 
THỞ DÀI
 
Yêu nhau từ thuở trăng tròn
Bây giờ trăng khuyết... em còn nhớ tôi?
Vầng trăng thề hẹn đâu rồi
Nửa vầng trăng khuyết... đơn côi hao mòn...
Nhớ em đôi mắt đen giòn
Nắng rơi trên ngực căng tròn nguyên trinh
Nắng rơi, rơi giọt vô tình
Cho thơm da trắng, dáng hình đôi mươi
Vườn yêu chúm chím hoa cười
Xuân thì vừa chín, thắm tươi nõn nà
Mùi hương con gái thoảng qua
Rất gần hơi thở như là... nụ hôn...
Tóc thề đen mượt dài suôn
Sợi tình quấn quít... Tôi luồn tay đan
Em về sương sớm vừa tan
Chân quen lối cỏ, ươm vàng nắng mai
“Một mai, ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim
Tìm em như thể tìm chim...”
Tôi đi mê mãi... Đi tìm bóng ai
Tôi – Em… Chung tiếng thở dài
Lời yêu chát đắng… u hoài chơi vơi
Trách nhau... thì cũng thế thôi
Làm sao níu lại một thời... chung đôi...
                     
Nối tình em với tình tôi
Dây Tơ Hồng đứt... Tình trôi cánh bèo
Em xa, dõi mắt trông theo
Bóng qua sông lạnh, lưng đèo hắt hiu
Ai ngồi bến đợi buồn thiu
Đếm mùa lá rụng... đìu hiu một đời
Em xa mất biệt tăm hơi
Đầy trời hoa nắng... Vàng rơi gió cuồng
Nhớ em... Nhớ nụ hôn buồn
Mỏng manh kỷ niệm... cánh chuồn ủ ê
Giấu vào đâu nỗi tái tê
Giấu vào đâu những lê thê ngày dài
Canh khuya chờ tiếng chân ai
Trăng in gối chiếc... Trăng cài mùi hương
Mùa trăng tình cũ còn vương
Bóng trăng lịm tắt… thê lương im lìm
Tìm em tăm cá, bóng chim
Hồn thơ lưu lạc... đi tìm ý thơ
Thuyền em lạc bến, lạc bờ
Tặng em một nửa câu thơ... làm chèo?
 
              Nha Trang, tháng 10. 2021
                   LÊ KIM THƯỢNG
.......
 
“...” Ca Dao

VÌ SAO VUA ĐƯỢC GỌI LÀ “BỆ HẠ” - Lê Tiên Long

Xem phim, đọc sách thời xưa ở Trung Quốc và nước ta, đều thấy quần thần gọi vua là “bệ hạ”. Vậy “bệ hạ” có nghĩa là gì?
 
Vua Lê Thánh Tông (Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Trẻ).
 
Từ “bệ hạ” được ghi trong sử sách Trung Quốc từ thời Tần. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, phần “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” đã viết “Từ thời thượng cổ không có ai uy đức bằng bệ hạ”.
 
Trong sách “Thuyết văn giải tự”, học giả Hứa Thận thời nhà Hán giải thích: Bệ là bậc cấp đi lên cao. “Bệ hạ” là phía dưới của bậc thềm, có ý nghĩa là về việc quần thần khi nói với hoàng đế, không dám nói trực tiếp mà phải nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý.
 

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

CHÙM THƠ CHÂU THẠCH TẶNG NỮ SĨ TRẦN MAI NGÂN


   
             Nhà thơ Châu Thạch 


BẮT ĐẦU - KẾT THÚC
(Cảm tác một bài thơ)
 
Bắt đầu ở đâu? Dễ hiểu
Khi tôi gặp ẹm là bắt đầu tất cả
Kết thúc ở đâu? Dễ hiểu
Khi em quay lưng đi về một ngã
 
Tôi nhìn theo với nỗi niềm khôn tả
Và nghìn năm con tim vẫn hoài mong
Canh Mạnh Bà không uống bao nhiêu bận
Để mơ về một đoàn tụ trăm năm!
 
Hóa con bướm bay về nơi xanh thẳm
Đường đi lên quyến luyến ánh ngân hà
Sao trên trời vì sáng một nụ hoa
Cổng thiên thượng cắt dây chuông, bịt lối
 
Tôi trở về mang linh hồn tội lỗi
Xuống hoàng tuyền ghé vạn bến âm ty
Linh hồn ma lớp lớp nối chân di
Tôi níu hỏi họ lặng người rơi lệ
 
Hồn thương nhớ tôi khóc than kể lể
Quay trở về trần thế, tỉnh miên trường
Nhắm mắt trần thấy em hiện trong gương
Mở đôi mắt nhìn quanh toàn tục lụy
 
Tôi mới hiểu tình còn trăm thế kỷ
Dẫu gặp nhau một phút rồi chia ly
Chốn vĩnh hằng là chốn của tình si
Yêu một phút rồi nhớ nhau vĩnh viễn!   
 

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : “QUẢ, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG” – Đỗ Chiêu Đức


                                                   Học giả Đỗ Chiêu Đức


QUẢ MAI ba bảy đương vừa                                         
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
                
                                                                            
Đó là hai câu thơ mà Thúy Vân đã nói trước cả nhà, khi đã "Cùng nhau sum họp một nhà, Đoàn viên lại mở tiệc hoa vui vầy" để tác hợp lại cho Thúy Kiều và Kim Trọng nối lại mối duyên xưa. Từ "QUẢ MAI" có xuất xứ như sau :
                
Trong chương Thiệu Nam 召南 của Kinh Thi 詩經, có bài thơ PHIẾU HỮU MAI 摽有梅 (tả mai rụng); nói về sự hôn nhân của các cô gái phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì. Bài thơ gồm ba phần như sau:
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai                             
其實七兮    Kỳ thực thất hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其吉兮    Đãi kỳ cát hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai             
其實三兮    Kỳ thực tam hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ             
迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai            
頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其謂之    Đãi kỳ vị chi. 
 
Có nghĩa:     
- Trái mai (ta đọc trại đi thành MƠ) kia đà rơi rụng, trên cây còn lại bảy phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy chọn đi đừng để lỡ ngày lành.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, trên cành còn lại ba phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy kíp lên ngay hôm nay đừng chờ đợi nữa.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, phải nghiêng giỏ mà hốt lấy, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy mở miệng ra cầu hôn đi đừng chờ đợi nữa !
                     

* Diễn Nôm:
                   
Trái mơ rụng, trái mơ rơi,                   
Trên cành còn lại bảy thôi, hỡi chàng.                    
Ngày lành kíp chọn đưa sang,                   
Đừng để trễ nãi lỡ làng duyên tơ !
                   
Trái mơ rụng, rụng trái mơ,                  
Trên cành rụng bảy bây giờ còn ba.                   
Hỡi chàng nếu có yêu ta,                   
Thì hôm nay kíp sang nhà cầu thân !
                  
Trái mơ rụng, rụng đầy sân,                   
Nghiêng vành giỏ hốt tần ngần riêng ta.                  
Hỡi chàng còn có yêu ta,                   
Ngỏ lời cùng với mẹ cha tức thì !
                                                  
                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

HỊCH TƯỚNG SĨ THẾ KỶ 21

Nguồn:
https://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/hich-tuong-si-the-ky-21.html




HỊCH TƯỚNG SĨ THẾ KỶ 21
(Sách văn học không cần dày, in bài này là đủ.)
 
Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.

Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Scôtlen dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.
 

MÙA THU BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC Ở ĐÂU – Thơ Trần Mai Ngân


   
 
 
MÙA THU BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC Ở ĐÂU
 
Mùa Thu bắt đầu và kết thúc ở đâu
Em không nhìn thấy cũng không hay biết
Em nhặt chiếc lá vàng luyến tiếc
Đi tìm anh và nói đây là bằng chứng!
 
Tháng Mười bắt đầu và ra đi như thế nào
Em mơ hồ chợt tỉnh chợt mê
Ôm tình yêu cũ trên đôi tay gầy guộc
Đi tìm anh - hỏi có còn không…
 
Bình minh bắt đầu từ con sông
Có nụ cười của chúng mình trên khung ảnh
Em nâng niu, anh vô tình
Em biết nhưng lặng thinh…
 
Hoàng hôn tắt, ráng chiều cũng vội
Em không níu kéo làm gì
Tơ duyên mỏng nhẹ như áng mây bay đi
Phải rồi - thời gian là cơn mộng…
 
Em và anh bắt đầu từ đâu
Dấu chân sâu bên chiếc cầu dĩ vãng
Nhưng nước sông cứ trôi mãi
Không quay về - ta kết thúc rồi sao?
 
                                Trần Mai Ngân

HOA MỘNG VỀ ĐÂU, HOA NẮNG, HOA TÍM VƯỜN TRĂNG, HÓA THÂN – Thơ Lê Văn Trung


  


HOA MỘNG VỀ ĐÂU
 
Em có về không mà sáng nay
Gió đưa sương xuống nụ hoa gầy
Hoa rung trong gió hương xanh ngát
Hoa chạm vào thơ thành rượu cay
 
Em giấu tình tôi trong ngực biếc
Em thắp tình tôi trong tim hồng
Đêm tôi sáng một màu trăng lạ
Trăng thuở mười ba, em biết không ?
 
Em có về không mà nắng lụa
Rực vàng theo nỗi nhớ nhung bay
Vàng bay từng cánh vàng hoa bướm
Vàng cả mùa xưa mà không hay
 
Tôi ngồi vẽ lại cơn mơ cũ
Thuở áo vàng ươm nắng lụa vàng
Thuở mây như tóc mềm vai nhỏ
Mỗi bước chân hồng một bước xuân
 
Tôi ngồi vẽ lại cơn mơ cũ
Vẽ mãi mà tranh nhuốm một màu
Màu của vàng hoa từ dạo ấy
Tóc cài hoa thắm, mộng về đâu.
 
                                  23.02.20