BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

THỞ DÀI – Lê Kim Thượng


  
                Nhà thơ Lê Kim Thượng

 
THỞ DÀI
 
Yêu nhau từ thuở trăng tròn
Bây giờ trăng khuyết... em còn nhớ tôi?
Vầng trăng thề hẹn đâu rồi
Nửa vầng trăng khuyết... đơn côi hao mòn...
Nhớ em đôi mắt đen giòn
Nắng rơi trên ngực căng tròn nguyên trinh
Nắng rơi, rơi giọt vô tình
Cho thơm da trắng, dáng hình đôi mươi
Vườn yêu chúm chím hoa cười
Xuân thì vừa chín, thắm tươi nõn nà
Mùi hương con gái thoảng qua
Rất gần hơi thở như là... nụ hôn...
Tóc thề đen mượt dài suôn
Sợi tình quấn quít... Tôi luồn tay đan
Em về sương sớm vừa tan
Chân quen lối cỏ, ươm vàng nắng mai
“Một mai, ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim
Tìm em như thể tìm chim...”
Tôi đi mê mãi... Đi tìm bóng ai
Tôi – Em… Chung tiếng thở dài
Lời yêu chát đắng… u hoài chơi vơi
Trách nhau... thì cũng thế thôi
Làm sao níu lại một thời... chung đôi...
                     
Nối tình em với tình tôi
Dây Tơ Hồng đứt... Tình trôi cánh bèo
Em xa, dõi mắt trông theo
Bóng qua sông lạnh, lưng đèo hắt hiu
Ai ngồi bến đợi buồn thiu
Đếm mùa lá rụng... đìu hiu một đời
Em xa mất biệt tăm hơi
Đầy trời hoa nắng... Vàng rơi gió cuồng
Nhớ em... Nhớ nụ hôn buồn
Mỏng manh kỷ niệm... cánh chuồn ủ ê
Giấu vào đâu nỗi tái tê
Giấu vào đâu những lê thê ngày dài
Canh khuya chờ tiếng chân ai
Trăng in gối chiếc... Trăng cài mùi hương
Mùa trăng tình cũ còn vương
Bóng trăng lịm tắt… thê lương im lìm
Tìm em tăm cá, bóng chim
Hồn thơ lưu lạc... đi tìm ý thơ
Thuyền em lạc bến, lạc bờ
Tặng em một nửa câu thơ... làm chèo?
 
              Nha Trang, tháng 10. 2021
                   LÊ KIM THƯỢNG
.......
 
“...” Ca Dao

VÌ SAO VUA ĐƯỢC GỌI LÀ “BỆ HẠ” - Lê Tiên Long

Xem phim, đọc sách thời xưa ở Trung Quốc và nước ta, đều thấy quần thần gọi vua là “bệ hạ”. Vậy “bệ hạ” có nghĩa là gì?
 
Vua Lê Thánh Tông (Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Trẻ).
 
Từ “bệ hạ” được ghi trong sử sách Trung Quốc từ thời Tần. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, phần “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” đã viết “Từ thời thượng cổ không có ai uy đức bằng bệ hạ”.
 
Trong sách “Thuyết văn giải tự”, học giả Hứa Thận thời nhà Hán giải thích: Bệ là bậc cấp đi lên cao. “Bệ hạ” là phía dưới của bậc thềm, có ý nghĩa là về việc quần thần khi nói với hoàng đế, không dám nói trực tiếp mà phải nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý.
 

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

CHÙM THƠ CHÂU THẠCH TẶNG NỮ SĨ TRẦN MAI NGÂN


   
             Nhà thơ Châu Thạch 


BẮT ĐẦU - KẾT THÚC
(Cảm tác một bài thơ)
 
Bắt đầu ở đâu? Dễ hiểu
Khi tôi gặp ẹm là bắt đầu tất cả
Kết thúc ở đâu? Dễ hiểu
Khi em quay lưng đi về một ngã
 
Tôi nhìn theo với nỗi niềm khôn tả
Và nghìn năm con tim vẫn hoài mong
Canh Mạnh Bà không uống bao nhiêu bận
Để mơ về một đoàn tụ trăm năm!
 
Hóa con bướm bay về nơi xanh thẳm
Đường đi lên quyến luyến ánh ngân hà
Sao trên trời vì sáng một nụ hoa
Cổng thiên thượng cắt dây chuông, bịt lối
 
Tôi trở về mang linh hồn tội lỗi
Xuống hoàng tuyền ghé vạn bến âm ty
Linh hồn ma lớp lớp nối chân di
Tôi níu hỏi họ lặng người rơi lệ
 
Hồn thương nhớ tôi khóc than kể lể
Quay trở về trần thế, tỉnh miên trường
Nhắm mắt trần thấy em hiện trong gương
Mở đôi mắt nhìn quanh toàn tục lụy
 
Tôi mới hiểu tình còn trăm thế kỷ
Dẫu gặp nhau một phút rồi chia ly
Chốn vĩnh hằng là chốn của tình si
Yêu một phút rồi nhớ nhau vĩnh viễn!   
 

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : “QUẢ, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG” – Đỗ Chiêu Đức


                                                   Học giả Đỗ Chiêu Đức


QUẢ MAI ba bảy đương vừa                                         
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
                
                                                                            
Đó là hai câu thơ mà Thúy Vân đã nói trước cả nhà, khi đã "Cùng nhau sum họp một nhà, Đoàn viên lại mở tiệc hoa vui vầy" để tác hợp lại cho Thúy Kiều và Kim Trọng nối lại mối duyên xưa. Từ "QUẢ MAI" có xuất xứ như sau :
                
Trong chương Thiệu Nam 召南 của Kinh Thi 詩經, có bài thơ PHIẾU HỮU MAI 摽有梅 (tả mai rụng); nói về sự hôn nhân của các cô gái phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì. Bài thơ gồm ba phần như sau:
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai                             
其實七兮    Kỳ thực thất hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其吉兮    Đãi kỳ cát hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai             
其實三兮    Kỳ thực tam hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ             
迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai            
頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其謂之    Đãi kỳ vị chi. 
 
Có nghĩa:     
- Trái mai (ta đọc trại đi thành MƠ) kia đà rơi rụng, trên cây còn lại bảy phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy chọn đi đừng để lỡ ngày lành.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, trên cành còn lại ba phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy kíp lên ngay hôm nay đừng chờ đợi nữa.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, phải nghiêng giỏ mà hốt lấy, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy mở miệng ra cầu hôn đi đừng chờ đợi nữa !
                     

* Diễn Nôm:
                   
Trái mơ rụng, trái mơ rơi,                   
Trên cành còn lại bảy thôi, hỡi chàng.                    
Ngày lành kíp chọn đưa sang,                   
Đừng để trễ nãi lỡ làng duyên tơ !
                   
Trái mơ rụng, rụng trái mơ,                  
Trên cành rụng bảy bây giờ còn ba.                   
Hỡi chàng nếu có yêu ta,                   
Thì hôm nay kíp sang nhà cầu thân !
                  
Trái mơ rụng, rụng đầy sân,                   
Nghiêng vành giỏ hốt tần ngần riêng ta.                  
Hỡi chàng còn có yêu ta,                   
Ngỏ lời cùng với mẹ cha tức thì !
                                                  
                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

HỊCH TƯỚNG SĨ THẾ KỶ 21

Nguồn:
https://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/hich-tuong-si-the-ky-21.html




HỊCH TƯỚNG SĨ THẾ KỶ 21
(Sách văn học không cần dày, in bài này là đủ.)
 
Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.

Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Scôtlen dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.
 

MÙA THU BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC Ở ĐÂU – Thơ Trần Mai Ngân


   
 
 
MÙA THU BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC Ở ĐÂU
 
Mùa Thu bắt đầu và kết thúc ở đâu
Em không nhìn thấy cũng không hay biết
Em nhặt chiếc lá vàng luyến tiếc
Đi tìm anh và nói đây là bằng chứng!
 
Tháng Mười bắt đầu và ra đi như thế nào
Em mơ hồ chợt tỉnh chợt mê
Ôm tình yêu cũ trên đôi tay gầy guộc
Đi tìm anh - hỏi có còn không…
 
Bình minh bắt đầu từ con sông
Có nụ cười của chúng mình trên khung ảnh
Em nâng niu, anh vô tình
Em biết nhưng lặng thinh…
 
Hoàng hôn tắt, ráng chiều cũng vội
Em không níu kéo làm gì
Tơ duyên mỏng nhẹ như áng mây bay đi
Phải rồi - thời gian là cơn mộng…
 
Em và anh bắt đầu từ đâu
Dấu chân sâu bên chiếc cầu dĩ vãng
Nhưng nước sông cứ trôi mãi
Không quay về - ta kết thúc rồi sao?
 
                                Trần Mai Ngân

HOA MỘNG VỀ ĐÂU, HOA NẮNG, HOA TÍM VƯỜN TRĂNG, HÓA THÂN – Thơ Lê Văn Trung


  


HOA MỘNG VỀ ĐÂU
 
Em có về không mà sáng nay
Gió đưa sương xuống nụ hoa gầy
Hoa rung trong gió hương xanh ngát
Hoa chạm vào thơ thành rượu cay
 
Em giấu tình tôi trong ngực biếc
Em thắp tình tôi trong tim hồng
Đêm tôi sáng một màu trăng lạ
Trăng thuở mười ba, em biết không ?
 
Em có về không mà nắng lụa
Rực vàng theo nỗi nhớ nhung bay
Vàng bay từng cánh vàng hoa bướm
Vàng cả mùa xưa mà không hay
 
Tôi ngồi vẽ lại cơn mơ cũ
Thuở áo vàng ươm nắng lụa vàng
Thuở mây như tóc mềm vai nhỏ
Mỗi bước chân hồng một bước xuân
 
Tôi ngồi vẽ lại cơn mơ cũ
Vẽ mãi mà tranh nhuốm một màu
Màu của vàng hoa từ dạo ấy
Tóc cài hoa thắm, mộng về đâu.
 
                                  23.02.20
 

KHÁI NIỆM ĐÊM # 4 – Thơ Khaly Chàm


 
              Nhà thơ Khaly Chàm


khái niệm đêm #4
 
con chữ nằm ngửa mặt
nhìn xuyên thấu cuống họng quả chuông
lơ lửng kinh cầu siêu độ
những ngọn núi dòng sông bị mất tích
trở về khóc vì nỗi cô đơn và lạnh
 
khắp cùng loài quỷ dữ
trừng mắt nhìn
những bộ mặt với bao ngày thống khổ
mang độc tố của lời phỉnh dụ ra đi
trong hộp sọ được thắp sáng niềm trắc ẩn
giấc mơ hiện hình
biển thơm lừng mùi hương gió nắng
 
đã nhiều năm
nỗi sợ hãi luôn co rúm
cùng mầm gai của trí tưởng
ngậm chặt lời dự đoán
khi nhiệt độ hơi thở đang thắt cổ mặt trời
từ thị giác nhỏ ra từng giọt máu
báo hiệu ngày phục sinh những văn tự
giọng nói quá khứ dần trỗi cao âm vực
 
trôi dạt mùa tị nạn
hồi ức truy điệu những linh hồn
tôi hình dung trong bóng đêm
ánh sáng nụ cười rực rỡ
 
                                    khaly chàm
                               cc-saigon 6/2015

PHƯỢNG ƠI... – Thơ Đặng Xuân Xuyến


   

 
PHƯỢNG ƠI...
(Với Nguyễn Minh Phượng)
 
“Đợi ngâu” chả thấy “ngâu về”
“Bùa yêu” “cháy” dạt cả “chiều” mưa bay
Thẫn thờ nâng chén “rượu say”
Thắt “tim đau” nỗi “chia tay” “dại” “khờ”.
 
“Ừ thì” “biết” tại ngù ngờ
“Dại yêu” nên mới “hoang mơ” “đường dài”...
 
                         Hà Nội, chiều 09.10.2017
                          ĐẶNG XUÂN XUYẾN

-----------
 
“…”: Tên bài thơ của Đặng Xuân Xuyến
 

BOLERO PHỐ - Thơ Tịnh Bình


  
                Nhà thơ Tịnh Bình


BOLERO PHỐ
 
Người ngân điệu Bolero trầm khàn nức nở
Chợt nghe phố buồn lịm tím hoàng hôn
Nhớ phố hôm nào thơ ngây đỏng đảnh
Nắng chưa kịp tan đã vội mưa sầu
 
Thì có gì vui đâu...
Từng đoàn Covid hè nhau bát phố
Người nhường khoảng trời để chúng rong chơi
Những ngôi nhà tập quây quần bếp ấm
Đã lâu rồi nhen nhóm chút tình thân
 
Thì có gì buồn đâu...
Sao nghêu ngao hoài điệu dài xa vắng
Những con người chung trái tim trầm ấm
Sắc phục xanh
Blouse trắng
Những bàn tay nhân ái đêm ngày
 
Phố mỉm cười đôn hậu bao dung
Xoa dịu niềm đau những mảnh đời cơ nhỡ
Đại dịch sẽ qua câu ca thắm lại
Bolero tình người thương biết mấy
Đất Phương Nam nhân nghĩa hào hùng...
 
                                         TỊNH BÌNH
                                           (Tây Ninh)

SÀI GÒN SAU ĐẠI DỊCH – Thơ Vĩnh Hoàng


   
                           Nhà thơ Vĩnh Hoàng

 
SÀI GÒN SAU ĐẠI DỊCH     
Những Bước Chân Không Mỏi
 
Hãy nhìn lại việc làm trong đại dịch
Để mà thương, mà cảm cảnh khốn cùng
Cho hoa lòng nở thêm nụ bao dung
Với đồng loại, với bao người bất hạnh
 
Nỗi khiếp sợ ....? Đói no không thể tránh
Nên phải đành xa lánh chốn phồn hoa
Điểm cuối cùng mơ ước sống quê nhà
Dù xa cách cả hàng ngàn cây số
 
Không phương tiện rủ nhau cùng đi bộ
Ôm con thơ, có đứa mới chào đời
Với quyết tâm, không biết có về nơi:
Bao nguy hiểm đang chực chờ trước mặt
 
Con đường sống, vì ai....? đã khóa chặt
Để lòng người tan nát hết niềm tin
Tính sinh tồn...? mình phải tự cứu mình
Khi có thể, như đàn ong vỡ tổ
 
Triệu... triệu người lặng im không thổ lộ
Cứ ra đi, vì đến bước đường cùng
Không còn gì...? giữa cái có và không
Được hay mất ...? chẳng còn chi ý nghỉa
 
Một bài học, với nỗi đau thấm thía
Hai vạn người bỏ cuộc vôi vàng đi
Lỗi tại ai ??? Lòng trắc ẩn điều gì...?
Làm vơi bót nỗi đau người ở lại
 
Con Cô Vít, tên giặc thật hiện đại:
Chẳng sợ gì ..?  súng pháo với xe tăng:
Dẫu bao vây, tìm ra hết F0
Nó vẫn sống... Ta nên dùng hóa chất
 
Điều có được là nhìn ra sự thật
Đã phơi bày, trần trụi nỗi hoài nghi
Quyết tiên lên mạnh mẽ, bước ta đi
Thề tiêu diệt, kẻ thù đang dấu mặt.
                        
                                   Vĩnh Hoàng                           
                                   14-10-2021

VỀ PHỐ XƯA – Thơ Lê Phước Sinh


   
               Nhà thơ Lê Phước Sinh


VỀ PHỐ XƯA 
 
Chập chững bước đi
qua mưa nắng ngượng ngùng
tháng năm do dự.
Con nước đưa về sau lũ
phủ mới lớp phù sa
đường cứ kẹt hơn xưa, để cho không khí nở òa
chân lấn chân,
nói cười không kịp thở...
 
                                                  Lê Phước Sinh

Ý NGHĨ CHIỀU TÀ – Thơ Nguyên Lạc

 
 


Ý NGHĨ CHIỀU TÀ
 
Hắt hiu chiều cổ độ
Trời nước thẳm một màu
Hạt bụi đời tụ tán
Rồi sẽ bay về đâu?
 
“Một bàn tay sao vỗ”?
Thinh lặng nào âm ba?
Cũng chỉ là ảo ảnh
Tan nhòa hạt sương sa!
 
Quán trọ. là quán trọ!
Đời người một sát na
Có gì đâu danh lợi?
Thôi. vui cõi yên hà
 
Quán trọ. là quán trọ!
Một lần người ghé qua
Thời gian người hiện hữu
Có chi đâu… khói nhòa
 
Nhan sắc từ vạn cổ
Hệ lụy người trăm năm
Em ơi đêm tình đó
Tìm đâu hương nguyệt rằm?
 
Quạnh hiu chiều cổ độ
Trời nước thẫm một màu
Phù trầm người lữ thứ
Về đây hong đời nhau!
 
                Nguyên Lạc

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

TUYỂN TẬP NHỮNG BÀI HỌC HAY CHO THIẾU NHI MIỀN NAM TRƯỚC 1975 - Nguyễn Trương Thu Quỳnh



Trước 1975, ở miền Nam các thầy cô dạy trung học được gọi là "Giáo sư" (dịch từ chữ "Professeur" của Pháp), và tôi nghĩ họ xứng đáng với danh xưng đó. Có những giáo sư trung học thời đó, tuy không có bằng cấp cao cỡ tiến sĩ, nhưng những công trình nghiên cứu của họ và những sách giáo khoa họ soạn đều là những công trình để đời. Trong giảng dạy, các giáo sư trung học được quyền tự do chọn chủ đề và cách dạy, mà không có thế lực chánh trị nào can thiệp.

“BÍ ẨN” BỨC TRANH RỒNG BỊ CHE KHUẤT TRÊN CỔNG CHÙA THIÊN MỤ Ở CỐ ĐÔ HUẾ - Đại Dương

Nguồn:
https://dantri.com.vn/van-hoa/bi-an-buc-tranh-rong-bi-che-khuat-tren-cong-chua-thien-mu-o-co-do-hue-20211012172158163.htm
 
Bức tranh tuyệt đẹp phía trên cổng tam quan dẫn vào chùa Thiên Mụ (thành phố Huế) từ lâu không ai biết, là một "bí ẩn" mới được khám phá.


Cổng tam quan chùa Thiên Mụ xưa với bức tranh rồng độc đáo phía trên (Ảnh: CTV).
 
Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận phường Hương Long, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố 5km.
 

VĨNH BIỆT CÔ THÁI THỊ MINH NGUYỆT, CÔ GIÁO ĐẦU ĐỜI CỦA TÔI – Bành Phi Lân



Cô giáo Thái Thị Minh Nguyệt là cô giáo đầu đời của tôi khi tôi bắt đầu đi học vào lớp Năm (lớp Một bây giờ), nk 1957-1958 trường Tiểu học am Lộ, tỉnh Quảng Trị, cách đây 64 năm! Cô là em ruột của thầy Thái Mộng Hùng, cố Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Cô đã mất tại Lagi, Bình Thuận lúc 20.25’ ngày 13/10/2021, hưởng thọ 90 tuổi.
 
Để tưởng nhớ đến cô, tôi xin phép trích đăng một phần bài viết của tôi nhan đề Trường cũ thầy xưa trong Đặc san Nguyễn Hoàng Xuân Canh Dần 2010 Bắc California- USA và xin cầu nguyện hương linh cô sớm về cõi Phật. Xin chia buồn cùng tang quyến!
 
. . . “Riêng chị Thái Thị Ngọc Tuyết, Thái Thị Minh Nguyệt là hai người em gái của thầy Thái Mộng Hùng (cố Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị), cả hai cô là cô giáo của tôi khi tôi học lớp Năm và lớp Tư trường làng (lớp 1, lớp 2 bây giờ). Cô Nguyệt dạy lớp Năm niên khóa 1957-1958 và cô Tuyết dạy lớp Tư niên khóa 1958-1959!
Làm sao quên được những tháng ngày chập chững làm quen với những con số, những câu đánh vần ngô nghê như ‘Tí đi xe bò, Tí ca Tí hò’, ‘Nọ có trò đi học trễ’ . . .
Những giờ tập viết tôi cố nắn nót chữ mình viết cho đẹp như cô! nhưng sao xấu xí đển nỗi cô Nguyệt thường nói: ‘Răng chữ viết của em như gà mẹ rứa?’
 
. . . Hình ảnh hai cô giáo đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi. Đó là những cô giáo tận tâm, dịu dàng, hiền hoà như người mẹ, người chị. Tôi không hiểu vì sao ngày xưa chúng tôi xưng hô với cô giáo của mình là chị, phải chăng hai chị là chị của chúng tôi từ bao giờ!
 
. . . Xin gửi đến hai chị lời cảm ơn sâu xa của một người học trò nhỏ dại ngày nào . . .”
 
Cô Ngọc Tuyết (là mẹ của Lê Thị Thu Trang) đã ra đi từ lâu và đến nay là cô Minh Nguyệt!
 
Xin cầu nguyện cho hương linh của hai cô thong dong nơi cõi vĩnh hẳng!  Kính bái biệt!
 
                                                                                   Bành Phi Lân
                                                                                    14/10/2021