BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

CHẮC ANH KHÔNG HỀ BIẾT, VẦNG TRĂNG NÀO CÓ LỖI – Thơ Quách Như Nguyệt


   
CHẮC ANH KHÔNG HỀ BIẾT
 
Chắc anh không tin đâu
Nếu em nói anh là mối tình đầu
Yêu là gì?
Còn nhỏ quá
Làm sao mà em biết?
 
Mười bốn tuổi, tuổi đời ngây thơ quá!
Nếu có yêu, tình thơ dại thôi mà
 
Chắc anh không biết đâu,
mỗi khi mình gặp mặt…
Tim em đập
Rộn rã thêm một tí
Tí tị thôi
Đủ có chất yêu rồi!
Má em hồng. hồng thêm lên một tị
Môi đỏ, má hồng... em, cô bé ngày xưa
 
Chắc anh chả để ý đâu
Mỗi khi anh nhìn em,
Anh, anh ơi…
Hơi e thẹn, thẹn thùng
Nhưng ngoài mặt chẳng lộ nét ngại ngùng
Nên, làm sao mà anh biết?
 
Mỗi khi anh đàn
Mỗi khi anh hát…
cho em nghe
Ôi! Tím lịm tâm hồn!
Lao chao, tình mênh mông!
 
Anh chẳng biết đâu nhỉ
Chắc anh không hề biết
Rằng… em thương anh thật nhiều!
Em mơ mộng thật nhiều
Một cô bé ngày xưa…
 

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

MÂY BAY QUA TRỜI XƯA – Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

Nguồn:
https://vanhocsaigon.com/nguyen-thi-hoang-may-bay-qua-troi-xua/ 

 
                   
Nguyễn Thị Hoàng, năm 2007
(Ảnh của Thái Kim Lan)


Có lẽ nhiều người không biết rằng trước khi nổi tiếng là một nhà văn thì tác giả “Vòng tay học trò” làm xôn xao dư luận thời bấy giờ vốn là một nhà thơ với nhiều bài thơ hay đăng trên tạp chí Bách Khoa của nhóm Lê Ngộ Châu từ năm 1960.
Và sau bao thăng trầm, tác giả chỉ có thể gom góp gói gọn lại thành tuyển tập thơ duy nhứt được New Viets phát hành với tựa đề “Mây bay qua trời xưa”, với những “tiếng im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ”, “theo dòng thời gian từ ấy đến bây giờ, sáu mươi đến sắp sửa hai mươi, vẫn chỉ là chứng tích tan tành của những khúc đoạn thác ghềnh trôi chảy không êm đềm của vượt thoát.”

 


VHSG - Cùng với tập truyện ngắn “Trên thiên đường ký ức”, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cũng cho ra mắt tập thơ “Mây bay qua trời xưa” đều do New Viets phối hợp NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Đây xem như tuyển thơ bà sáng tác từ năm 1960 đến 2018. VHSG xin trân trọng giới thiệu lời tựa của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cho tập thơ này.
                                                                                     vanhocsaigon

 


Nói với…
 
Thơ là tiếng im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ. Là tiếng vọng thiết tha của yêu thương, bâng khuâng của tưởng tiếc những vẻ đẹp, nguồn vui đã đến rồi đi mất hút suốt đời. Đôi khi cũng là tiếng gào la thống hận, hay tiếng vang lừng ca ngợi hân hoan. Là tiếp điểm của cảm ứng giữa con người và thiên nhiên, mối nối êm đềm giữa nội tâm cùng ngoại giới. Là nguồn xúc động ngắn ngủi hay dài lâu của chủ thể và tha nhân, khi tình cờ bắt gặp hay tìm kiếm được đáp số trên hành trình thao thức chờ mong.
 

SỰ HI SINH THẦM LẶNG CỦA BA – Ngô Hương Thủy


Nhà văn Ngô Hương Thủy


Khi tôi viết những dòng chữ này thì ba tôi đã an nghỉ trong lòng đất. Ba tôi thọ 84 tuổi. Những người đến chia buồn đều cho ông cụ đã thuộc vào hạng “xưa nay hiếm”. Nhưng trong tôi, đó là một nỗi mất mát lớn lao không gì thay thế được.
 

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

CHÙM THƠ “GIỌT” CỦA LÊ VĂN TRUNG


  

 
GIỌT NẮNG
 
Thôi người ở lại
Tôi đi
Bóng chiều đã nhuộm sương đầy
Hoàng hôn
Một lần
Rồi đã qua sông
Trăm năm thôi nhé
Đục trong cũng đành
 
Tôi cầm giọt nắng vàng hanh
Thả rơi theo gió
Về bên xứ người
Biết đâu
Trong một góc đời
Người cầm giọt nắng
Ngậm ngùi tình xưa.
               
          Lê Văn Trung

MỘT CHÚT LAN MAN... VỀ ÔNG ĐINH LA THĂNG - Đặng Xuân Xuyến




Ngày 11 tháng 3 năm 2021, trong phiên xét xử vụ án liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng đã cay đắng trước tòa:
 
- “La, Thăng là tên nốt nhạc thật nhưng không phải bản nhạc nào cũng chỉ có La, Thăng. Cáo trạng chỗ nào cũng thấy Đinh La Thăng chỉ đạo.
Đây là bản cáo trạng chứ không phải bản nhạc! Các cụ nói rồi, lời nói đọi máu và cáo trạng mỗi từ mỗi câu đều là tù tội, là tiền bồi thường… !” (theo báo Thanh Niên).
 
Với tổng cộng 41 năm tù đã được tòa án tuyên trong ba vụ án trước đó thì vị cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng nếu không có gì thay đổi sẽ phải ngồi tù ít nhất là 30 năm.
 

VĂN TẾ TỬ SĨ GẠC MA – Kha Tiệm Ly

 


VĂN TẾ TỬ SĨ GẠC MA 
 
Thương ôi!
Ôm hận thù biển cao sóng hờn căm,
Phủ tang tóc mây che màu u uất.
Giọt máu hồng làm mặn nước biển đông,
Khăn sô trắng phủ đau trời tổ quốc!
Nhớ xưa,
Anh em ta cùng giống Tiên Rồng,
Bờ cõi nước trải liền Nam Bắc.
Từ Đồng Quan về Minh Hải, sông vạn ngàn sông
Từ Trường Sơn đến Hoàng Sa, đất muôn dặm đất.
Phơi gan mật thề bảo tồn một cõi biên cương,
Đổ xương máu quyết giữ vững ba miền xã tắc.
Ở sau bếp cũng gặp mặt nữ lưu,
Ra khỏi ngõ lại chạm người hào kiệt!
Điên tiết giặc, Nguyễn Biểu sang sảng lời thơ, thản nhiên ăn cỗ đầu người,
Điếc tai thù, Bình Trọng ngân ngất chí hùng, khinh mạn làm vua phương bắc.
Hỡi quân thù!
Sao mi giở thói cũ, chiếm đất xua quân,
Sao mi ỷ thế mạnh hiếp tàu cắt cáp?
Cậy tàu lớn, nghênh ngang cho chiếc bắn chiếc đâm,
Ỷ người đông, vô tư cứ chân chà chân đạp!
Tay đàng điếm nên mới vạch “lưỡi bò”,
Miệng quỉ ma còn nói câu “bốn tốt”.
Bởi tin “bốn tốt” mà Sinh Tồn chẳng đặng tồn sinh
Vì mạ “chữ vàng” mà Gạc Ma bị yêu ma gạt!
Cho mi hay!
Lời thề Hưng Đạo cuộn sóng nước Hóa Giang,
Câu thơ Thường Kiệt vỡ lòng sông Như Nguyệt.
Máu chánh khí tôi đỏ lửa căm thù,
Tim sắt thép thét khan lòng bất khuất.
Cỏ cây còn đổ lệ sụt sùi,
Sỏi đá khó nén lòng căm tức!
Cho nên,
Hoàng Liên Sơn vẫn vươn đỉnh chọc thủng mấy tầng mây,
Cửu Long Giang lại cựa mình hóa thành rồng chín khúc
Còn triệu trái tim chính khí thì còn tổ quốc Viêt Nam,
Còn một giọt máu anh hùng, thì còn giang sơn Hồng Lạc.
Đất ta không thiếu Chi Lăng, Hàm Tử , Ngọc Hồi,
Người ta không thiếu Ngô Quyền, Quang Trung, Hưng Đạo.
Súng mi càng nổ, biển ta càng dậy sóng căm hờn,
Máu ta càng rơi, đảo ta càng cao thềm bất khuất!
Đảo mang thương tích, đất mẹ trăm sông cùng dậy sóng Bạch Đằng,
Biển nổi ba đào, cả nước vạn dân không quên lời Sát Thát.
Cho nên,
Trần Văn Phương hứng bao viên đạn, còn một lòng giữ biển đảo quê hương,
Nguyễn Văn Lanh bị mấy nhát lê, vẫn nhất quyết ôm cán cờ tổ quốc!
Không chịu hàng trước họng súng thù,
Thà làm mồi ngay hàm cá mập!
Thây treo đầu súng, thây chất lên thây,
Máu nhuộm lòng sâu, máu hòa theo máu.
Nay một lời, sau vẫn một lời, bản sắc anh hùng đâu dễ nhẹ tênh,
Sống một lần, chết cũng một lần, xương máu anh linh không hề ô trọc!
Than ôi!
Xưa quên mình vì nước, sử ngàn đời kẻ tiếc người thương,
Nay giữ đảo quên thân, người bây giờ ai quên ai nhắc?
Mặc ai vô tình không nhớ, thì cây Trường Sơn ngàn thuở vẫn thêm xanh,
Mặc ai cố ý muốn quên, thì máu hào kiệt muôn thu còn tươi sắc.
Thương con thơ vợ dại, trở trăn cùng gối chiếc lạnh lùng,
Nhớ cha yếu mẹ già, thao thức bên đèn khuya hiu hắt!
Gió buồn ai mà gió thổi vi vu,
Mây buồn ai mà mây trôi man mác?
Hỡi anh linh!
Dù cho máu nhuộm màu mây,
Dù cho xương tan màu cát.
Máu anh hùng dù chết vẫn sục sôi,
Gươm chánh khí dẫu mòn không rỉ sét.
Sống làm tướng, thác làm thần, đời đời rạng ánh uy linh,
Sống làm người, thác làm phân, mãi mãi xanh cây tổ quốc
 
Hôm nay.
Sáu mươi bốn (64) hồn thiêng anh kiệt, triệu người ngưỡng mộ, mặc tình ai chẳng biết hiền, ngu.
Ba mươi hai năm thương hải tang điền, vạn sử lưu danh, vẫn còn kẻ tinh tường vinh, nhục!
Tâm hương ba nén, làm thơm trang sử vàng ghi,
Văn tế một bài, thay cho ngàn năm đá tạc.
Ô hô! Có linh xin hưởng!
 
                                                                          Kha Tiệm Ly kính bút
 
.........................
 
KHA TIỆM LY
99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho Tiền Giang
Tel: 0987  701  952   -   01229  880  130
Email: khatiemly@gmail.com

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

“MÂY BAY QUA TRỜI XƯA” THƠ NHƯ GIỌT MÁU ỨA - Nguyễn Hoàn

Nguồn:
https://tapchicuaviet.com.vn/van-hoa-thoi-dai/tho-nhu-giot-mau-ua-12601.html
 
Nguyễn Thị Hoàng là nhà văn nữ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975, tác phẩm “Vòng Tay Học Trò” của bà từng gây xôn xao dư luận. Bà sinh năm 1939 tại Huế, nhưng quê bà ở làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

 

CÁNH DIỀU QUÊ CŨ – Đinh Hoa Lư


Tác giả Đinh Hoa Lư

 
Nhớ các bạn xưa xóm Cửa Hậu đường Lê Văn Duyệt, Quảng Trị
 
Có những lần đi bộ, ngắm ánh chiều trên triền núi xa xa, bất chợt tôi nhớ về những buổi chiều vàng chậm buông trên quê nhà.
 
Hai tiếng quê nhà giờ trở nên trừu tượng. Có thể là ánh chiều của những ngày thơ dại hay trong nam sau những ngày ly loạn.
Chiều về! lúc còn nhỏ dại đó là những ngày tôi rong chơi đá dế, thả diều.
 

Trời trở nồm vài ngọn gió từ mạn biển thổi lên, khi ánh nắng nam lào bớt gay gắt là lúc những cánh diều bọn tôi tha hồ bay bổng trên cánh đồng còn trơ gốc rạ.
 

TIẾT KINH TRẬP – Thơ Tịnh Bình


   


TIẾT KINH TRẬP
 
Lay giấc an yên
Tiết Kinh Trập ngập ngừng kén lá
Tiếng sấm non ngái ngủ cựa mình...
 
Giấu thổn thức sau làn Vũ Thủy
Những non xanh lay động khẽ khàng
Mùa trở dạ loài sâu bé bỏng
Này sinh sôi
Và hãy cứ sinh sôi...
 
                                      TỊNH BÌNH
                                        (Tây Ninh)
*

Kinh trập là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 345° (kinh độ Mặt Trời bằng 345°). Đây là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Ý nghĩa của tiết khí này, đối với vùng Trung Hoa cổ đại, là Sâu nở.



CHO NGÀY SINH NHẬT THÁNG BA – Thơ Nhật Quang


   
                    Nhà thơ Nhật Quang


Cho ngày Sinh nhật tháng Ba
                                                
Những cánh mai rơi xuống vần thơ tháng Ba
đọng chút hương xuân
đi qua mùa hoa còn nồng thơm nắng
để nhớ một ngày áng mây hồng bay về
ngủ vùi bên niềm hạnh phúc của mẹ
ru con tiếng khóc chào đời
ngọt lịm ươm vào giấc mơ…
 
À ơi!... lời yêu thương thanh thót
thẫm đẫm tuổi thơ
gom đầy miên trường tháng năm mong đợi
những tháng Ba xanh…
giữa mùa bão giông vai mẹ ướt sũng mỏi mòn
tiếng ru... khắc khoải thâu canh
mong ban mai rực hồng ngọn nắng
đôi mắt ân cần cảm nghiệm niềm vui
dõi nhìn theo hành trình con bước
hái những ước mơ… trên đỉnh mùa xuân
 
Giọt ân tình hoài niệm…
tháng Ba về dịu ngát bâng khuâng
thắp những ngọn nến ru đời…
ru nhịp ngày trôi hong lên bao ước vọng
chắt chiu từ vòng tay mẹ yêu dấu
thắp vào tim con những mùa bình yên.
 
                        Sài Gòn tháng 3 - 2021
                                Nhật Quang

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

NỮ TÀI TỬ ĐIỆN ẢNH KIỀU CHINH VỚI GIẢI THƯỞNG BÁO TUYẾT VÀ SỰ NGHIỆP ĐỂ ĐỜI - Lê Hồng Lâm

Nguồn:
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56180605

Kiều Chinh, Hà Nội, 1953.

 
Liên hoan phim Thế giới Châu Á (The Asian World Film Festival) tại Mỹ vừa thông báo, nữ diễn viên huyền thoại người Mỹ gốc Việt Kiều Chinh sẽ được vinh danh với giải thưởng cao quý nhất tại LHP: Giải thành tựu trọn đời có tên là Snow Leopard (Báo Tuyết) tại Lễ Gala Đêm bế mạc vào ngày 15/3 tới.
 
Kiều Chinh được biết nhiều nhất tại Mỹ với vai chính trong bộ phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội) và bộ phim về cuộc sống của người Việt tại Mỹ sau chiến tranh có tên là Journey of the Fall, cũng như các thành tựu về hoạt động nhân đạo và từ thiện của bà. Nhưng trước 1975, bà đã có một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy tại Sài Gòn với nhiều bộ phim đáng nhớ.
 

 Bà Kiều Chinh tại Hoa Kỳ

Nhân cột mốc đặc biệt này, chúng tôi muốn điểm lại sự nghiệp điện ảnh kéo dài hơn 6 thập niên của nữ nghệ sĩ tài danh này, từ Hà Nội, Sài Gòn, Hollywood đến “cõi tôi” của Kiều Chinh.
 

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

GÁNH HÁT BỘI PHƯỜNG ĐỆ TỨ NĂM XƯA - Đinh Hoa Lư

"Những cảm nhận đáng thương cho những ai làm văn hóa mà cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, đáng lẽ họ phải được nâng đỡ và bảo trợ cho những công việc bảo tồn giềng mối đạo đức phong hóa cho dân tộc..."


Tác giả Đinh Hoa Lư

 
Tiếng là "Bốn Ngả Đường Thành", nhưng theo tôi con đường Lê văn Duyệt là vui nhất. Đó là tôi muốn nói đến đám HÁT BỘI tên là HOA MAI của ông ĐƯƠNG người 'đóng quân lâu dài' trước mặt nhà ông Đội Chức nơi cái bãi đất làm sân bóng cho Phường Đệ Tứ. Ông Đương họ là chi tôi chẳng biết chỉ biết? Ông và bầu đoàn thê tử cùng và gánh hát bội Hoa Mai rất nghèo. Họ nghèo đến nỗi cả đoàn không còn tiền để về lại quê hương xứ Quảng!


CHÙM THƠ "GIẤC MƠ" CỦA LÊ VĂN TRUNG

 
  


GIẤC MƠ CHIỀU
 
Vườn đời tôi xanh biếc
Em nhẹ vời như chim
Chiều giang tay mưa lụa
Âu yếm bờ vai ngoan
 
Cứ ngỡ lòng là tơ
Mượt như tình mới nở
Cứ ngỡ hồn là thơ
Trải vàng thu mấy độ
 
Em qua vườn hôm nao
Ngắt một cành hoa đỏ
Ôi bàn tay cứ ngỡ
Chạm vào thơ nhiệm mầu
 
Vườn chiều tôi chiều nay
Mưa hay chiều trải mỏng
Áo người bay, vờn bay
Áo hay chiều trải mộng
 
Em nhẹ vời như chim
Bay qua chiều nhẹ quá
Thơ nhiệm mầu bay lên
Giấc mơ chiều trắng xóa.
   

THÚY KIỀU ĐÀN 4 LẦN QUA THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA HỒ VĂN CHI - Châu Thạch




Xưa có câu “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Cụ Nguyễn Du đã lấy thơ tả nhạc, đã viết về tiếng đàn của Thuý Kiều với rất nhiều cung bậc cảm xúc, lay động lòng người. Trong truyện Thúy Kiều, thật sự Kiều phải gảy đàn tám lần tất cả. Thế nhưng có bốn lần tiếng đàn Kiều được mô tả kỷ, gây nhiều ấn tượng khi ta đọc thơ.
 

HOÁ THÀNH THƠ... – Trần Mai Ngân


   


HOÁ THÀNH THƠ...
 
Anh hoá thành thơ
Trong niềm trăn trở
Nét bút đàn bà
Lệ nhòa hương đêm...
 
Tình hoá thành mây
Ngày mỗi xa thêm
Mộng cũ êm đềm
Kết thành mưa giông
 
Thôi... trả hư không
Buổi trưa diễm lệ
Lóng ngóng đê mê
Theo suốt đường về...
 
Tình hoá thành mây
Anh hoá thành thơ
Em vẫn không hay
Cứ hoài dệt xây...
 
Trần Mai Ngân

VỀ CÂU KẾT 2 BÀI THƠ 'THĂM BẠN' VÀ 'ĐỒNG VỌNG' CỦA NHÀ THƠ ĐỒNG THỊ CHÚC – Đặng Xuân Xuyến


Nhà thơ Đồng Thị Chúc


Khi đọc cảm nhận của tôi về bài thơ "Thăm Bạn" của nhà thơ Đồng Thị Chúc, nhà thơ Khang Minh có chút băn khoăn về câu kết bài thơ: “Phải chi nữ sĩ Đồng Thị Chúc cho thêm hai câu kết nữa thì hay quá Đặng Xuân Xuyến, vì đọc tới câu "Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua" có cảm giác thiêu thiếu cái gì đó, bài thơ chưa thể khép lại ở câu này được! Tiêng tiếc là!”. Tôi lại nghĩ khác anh, câu kết bài thơ như thế là hợp lý, tròn trĩnh mà còn gợi rất nhiều sau khi đã đọc bài thơ. Nếu nhà thơ Đồng Thị Chúc thêm một vài câu thơ nữa sẽ làm bài thơ kém duyên, mất hay.
 

NHỮNG BÀI THƠ VỀ RƯỢU (3) CỦA NGUYÊN LẠC


   

 
THUỞ MÊ LẦM
 
Ta từng một thuở mê lầm
Cơn say lỡ đã uống nhầm giai nhân
Thế rồi đành phải trăm năm
Mơ em nhan sắc chết bầm tim ta
 
Còn không độc tửu ngày xưa?
Ta tên ghiền rượu hương mê mơ mòng
Giờ đâu người hỡi giai nhân?
Tìm đâu cái thuở mê lầm thanh xuân?
 
Ai rồi chắc cũng đã từng
Trút bình hết rượu... Mùi hương vẫn còn !
 

TẢNG BĂNG TRONG PHÂN TÂM HỌC CỦA SIGMUND FREUD – Đinh Hoa Lư



Sigmund Freud (1865-1939) là nhà thần kinh hoc cũng là nhà tâm lý học người Áo. Ông cũng là nhà khai sinh ra môn Phân Tâm Học (Psychoanalysis). VỚi tư cách là nhà tâm lý học, từ 1900 đến 1905, ông ứng dụng phương pháp địa vật (topographical) để giải thích Ý Tưởng, lý trí, hay tư tưởng con người, đó là một tảng băng đang nổi (iceberg)
 

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

THỬ NHÌN VÀO KHỦNG HOẢNG VĂN HỌC VIỆT NAM QUA KIỀU VÀ NIETZSCHE - TS Nguyễn Hữu Liêm

                        Gửi đến BBC từ San Jose, Hoa Kỳ (4 tháng 3 2021)
                                                                            Nguyễn Hữu Liêm
 *
"Bọn họ quá lạnh lùng. Mong cho sét đánh ngay vào thức ăn của họ để mồm miệng chúng biết ăn món lửa,
                                                                                           (Nietzsche)
 

Friedrich Nietzsche, qua đời năm 1900, được cho là một trong số các nhà tư tưởng lớn nhất của nhân loại thế kỷ 19
 

Cái tật của bọn học giả, nói như Friedrich Nietzsche 1844-1900), là không viết lên được gì nếu không dựa trên trích dẫn từ sách vở.

Thế còn nhà văn? Tính sáng tạo của nhà văn là khả năng nấu nướng những gì có sẵn thành một món ăn mới. Còn những thể loại văn chương thiếu chiều sâu thì chỉ biết đem những vật liệu còn sống, chưa được nấu, để như vậy và chỉ bày biện thành món ăn với thật nhiều gia vị.
 

THÁNG BA VỀ... – Thơ Đặng Xuân Xuyến


 
              Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến
 

THÁNG BA VỀ...
(Với V yêu)
 
Ừ tháng Ba về! Ừ, tháng Ba...
Hoa xoan tim tím rụng hiên nhà
Lạnh chiều cong cớn cơn gió lạ
Mưa bụi giăng dầy, ta nhớ ta.
 
Làng Tám, chiều 01.03.2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

TẢN BÚT NHA TRANG NGƯỜI VỀ CHO TÔI NHẮN VỚI ... – Từ Vũ


Tranh cắt của họa sĩ Phú Thảo (SàiGòn)

 
Thân tặng P. Thâm - Huỳnh Hưng; Ngô Mỹ Hương    
Các Bạn Đệ 4/4 Lê Quý Đôn và tất cả những người một thời xa xưa đã "mài đũng quần" ở Nha Trang.
 
Không còn nhớ rõ nguyên cớ nào tôi đến Lê Quý Đôn, ngôi trường bán công này cũng không xa nhà tôi lắm vì chỉ cần đứng trước mái hiên nhà trong ánh nắng chói chang của "miền quê hương cát trắng" là tôi đã nhìn được mé hông trường qua bãi phế thải quân xa , nơi tôi từng tập lái chiếc xe jeep nhà binh của cậu (ba) tôi - chỉ huy trưởng quân xa sư đoàn 5 BB, lúc này đã được dọn dẹp đó đây lưa thưa những cây hoa - một loại sâm cát - chỉ mọc ở những vùng cát Nha Trang, vùng đất này sau đó là trường Nữ Trung học Võ Tánh.
 

CÒN NGUYÊN MỘT ĐÓA HOA QUỲNH, CUỘC TÌM KIẾM VÔ MINH – Thơ Lê Văn Trung


   
 
 
CÒN NGUYÊN MỘT ĐÓA HOA QUỲNH
 
Ôi trăm năm một mùi hương
Còn nguyên trong xác trong hồn của hoa
Ngọt như mật rót từ thơ
Thơm như hương chảy tự hồ dạ lan
 
Ôi trăm năm đóa nguyệt vàng
Còn nguyên xiêm áo đài trang mỹ miều
Em về sáng một vì sao
Tay hồng mở lối xưa vào đào nguyên
 
Tạ trăm năm một cuộc tình
Tạ ơn em, đóa ngọc quỳnh ngát hương.
 
                                       Lê Văn Trung
 

TẤM ẢNH NGÀY XƯA – Đinh Hoa Lư




Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình
Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau
Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi ...  (Lyrics)
                                                               Lê Dinh
 
Bạn đọc mến,
 
Chuyện ngày xưa, chuyện của những tấm hình đen trắng giờ đây chúng ta mới thấy chúng trở thành quý báu làm sao? Lồng trong sự quý báu này nếu ai đó còn vương vấn một tình yêu lãng mạn trong quá khứ thì mấy tấm hình xưa đó còn có thêm bao nhiêu sức cuốn hút và rung động lạ thường. Thật vậy, nếu ai đó có một tấm hình khi kẻ đó từng yêu đơn phương chắc hẳn sẽ giữ mãi, nâng niu cho đến lúc cũ mèm, bạc phếch theo dấu thời gian.

Có những hình ảnh của người thân gia đình, những đấng khuất mặt thế hệ trước, xa xưa như cổ tích nhưng bất chợt ai đó khám phá ra lại càng có nhiều cảm nhận khác thường!