BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

THƯƠNG LẮM QUÊ MÌNH – Chùm thơ mùa lũ của Nhóm Sông Quê


   


Tháng Mười mưa ướt lời thơ
Sông Quê ngồi khóc bên bờ sông quê

THƯƠNG LẮM QUÊ NHÀ

Quảng Trị miền Trung là quê tôi đó
Cả tuần ni lụt bão cứ tràn về
Nước dâng cao mà trời thì mưa gió
Nhà đổ, người trôi…lắm cảnh não nề
Nơi phương Nam dòng đời đi chậm lại
Theo dõi từng giây, tin sớm, tin chiều
Bao con tim ngóng về quê xa ngái
Bóng ngã, chiều nghiêng, đầu óc liêu xiêu
Làng ngoại tôi ngập chìm trong biển nước
Cây cối oằn mình nhà cửa bấp bênh
Hình ảnh tang thương khiến lòng đau buốt
Đâu vườn quê hoa nở thắm bên thềm
Gọi cho cậu mấy lần không kết nối
Điện cắt rồi (chắc máy đã hết pin)
Gọi cho em, nói dăm câu vội vã
Em bận kê giường nước ngập chị ơi
Gọi cho anh, trong làn gió hú
Anh vội vàng: Anh vẫn bình an
Điện thoại để dành khi cần cứu hộ
Bốn ngày rồi anh ở gác trên
Gọi cho bạn, tiếng thở dài não nuột
"VP ơi, H bị gãy tay nằm một chỗ- nước vô nhà"
Trời ơi thảm cảnh nào hơn
Nước mắt tràn mặn đắng
Lòng nhói đau - lời cầu nguyện nghẹn bờ môi
Đã qua một thời
Chiến tranh khói lửa
Thành xây máu xương
Sao trời không thương
Thiên nhiên khắc nghiệt
Hè rồi hạn hán cằn khô
Gió Lào cháy tóc. Ao hồ cạn queo
Cơn mưa vừa mới lao xao
Mừng chưa kịp, nước đã ào ào tuôn
Lại thêm bão tố luông tuồng
Số 6 vừa tan. Số 7 lại đến
Dập dồn
Đói
Lạnh
Của cải chắt chiu chừ theo dòng nước bạc
Tính mạng người phó mặc trời cao
Thương quê không biết làm sao
Chút lòng thơm thảo góp vào sẻ chia
Câu ca dao cũ còn kia
“Người trong một nước…”
… Huống chi quê mình…

                 Nguyễn Thị Vĩnh Phước

BA BÀI THƠ DÙNG PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ - Trương Thúc

“Bạn là người Việt Nam, qua bài thơ có nhiều phương ngữ của vùng quê Quảng Trị này, bạn hiểu được bao nhiêu % ?”




VỀ ĐI EENG

Eng về Quảng Trị chưa eng?
Lâu ni tui cứ để đèng riệu ngon.
Rào miềng cá mú nỏ còn
Dái thì cũng ít huống con ếc bà
Tắn ngoài roọng tìm khôông ra
Nên chi muốn dậu phải qua chợ tìm.
Còn mô kỳ lúc mùa chim
Ui chao dớ lại tréc rim tréc xào!
Dắc lại béng sắn năm nao
Eng tam miềng khổ lao đao giêng về.
Thương đứt rọt mạ ở làng quê
Cứ dắc eng mãi "hắn về chưa bây"?
Rứa răng đoạn tháng đoạn ngày
Bỏ làng, bỏ nác, chim bay bời bời!
Dịp cầu côi troóng chơi vơi
Chờ chi chờ mãi chưn người đi xa
Thương làng thương nác thì ra
Eng tam gặp mặt mạ tra một lần
Quê hương cắt đún tình thân
Mần răng cũng gắng một lần nghe eng!


THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG - Thơ Ái Nhân


   


THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG

Nhà đài báo đêm có mưa dồn dập
Khắp dải Miền Trung nước ngập trắng trời
Ngoài biển động, mây ùn ùn kéo tới
Bão đang về thê thảm quá người ơi!

Nước cưỡi mái nhà, mây xà xuống thấp
Sóng vỗ cổng làng chết đuối ngọn tre
Chắc thiên giới nước sông trời vỡ đập
Dòng êm đềm bỗng hóa biển gớm ghê

Rồi lại Miền Trung lúa thối tứ bề
Rồi lại tả tơi nhà xiêu vách đổ
Lợn gà trôi, dân đã nghèo thêm khổ
Miền trung ơi, muôn khúc ruột rối bời!

Lũ tiếp lũ sóng trào ngang mặt
Mưa bão bất thường, cuồn cuộn gió giông
Khắp bốn bề trắng nước ngập mênh mông
Những làng mạc xác xơ cơn đói khát

Dải đất Miền Trung, gió Lào bão cát
Vết chân đi dài mãi chẳng thành đường
Cha gánh cực đổ lên non một kiếp
Vẫn cơ hàn lam lũ bám theo sau

Gian khổ miền Trung tảo tần dáng mẹ
Tấm lưng gầy còm cõi vóc cha
Lòng rộng mở bao dung như biển cả
Lầm lũi đi trong gió cát mưa gào

Xin dừng lại, trời ơi xin đừng bão!
Cứ mãi thiên tai lam lũ đến bao giờ?
Tan cửa nát nhà tang tóc bơ vơ
Người đã chết chưa được về với đất

Gian khó Miền Trung tầng tầng chất ngất
Xơ xác quê nghèo gian khổ mãi theo
Mưa bão, gió Lào, mịt mù cát trắng
Hoa xương rồng đội nắng cõng gieo leo

Thương lắm Miền Trung cứ mãi khó nghèo
Mùa bão lũ bốn bề như biển cả
Bão dội lòng người mưa rơi tầm tã
Lũ trên nguồn sóng cả cuối Sông La

Thương lắm miền Trung se sắt lệ nhòa
Kết nối vòng tay yêu thương bạn nhé!
Muôn trái tim hướng lòng về phía mẹ
Khúc ruột nghĩa tình… dằng dặc Miền Trung!

                                                           Ái Nhân

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

EM ĐI – Thơ Đặng Xuân Xuyến


   
                     Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến

 
EM ĐI
(Với TTQT)

Em đi
bóng đổ đèn mờ
Phố xưa nhạt tiếng bao giờ lại quen
Anh về ướp mật ủ men
Đã mười năm
phố vẫn chen gió lùa.

Hà Nội, ngày 09 tháng 10-2020
Đặng Xuân Xuyến

THA THỨ, KHÔNG LẼ, THƠ 1–2–3 / Trần Mai Ngân


 
 
  
THA THỨ

Mười yêu, mười thương , trăm nhung nghìn nhớ
Anh nợ em...
Thật thà hết lòng đàn bà trao gửi
Anh nợ em...
Dòng sông lặng im chở lời dối gian chiều nay ra biển
Em tha thứ...
Trăng hoa đong đưa loài bướm ong tìm đường lạ quên về
Em tha thứ...

Nhưng ...
Trái tim người đàn bà đã chết
Không cách gì quay lại của ngày xưa...

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 6) – Nguyên Lạc


CÁCH TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN TRÀ

 1. Cách trồng:

Cây Trà có tên khoa học là Camelia Sinensis, là một trong những thực vật thuộc Họ Theacae, lá xanh tốt quanh năm và hoa thì màu trắng. Sau năm năm, cây Trà được coi là trưởng thành và cho hoa lợi liên tiếp trong hai mưoi lăm năm hay lâu hơn nữa tuỳ theo sự chăm sóc và tưới bón của nhà nông. Thông thường cây trà có độ cao tới hàng chục thước nhưng để tiện dụng cho phu hái trà, người ta hãm chỉ để cho cây đạt độ cao tối đa chừng 1-1,50m. Riêng những cây già thì cắt ngang thân để mầm non nẩy chồi mới và theo phương pháp này, trà đạt tuổi thọ hơn một thế kỷ là sự thường. 

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

ĐÔNG VỀ - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


    


ĐÔNG VỀ !
[Thtk]
Bão nổi ngang tàng thuyền sóng vọng
Đông về lặng lẽ tiếng lòng rơi
BÃO bùng lạnh giá trải trùng khơ
NỖI nước buồn tênh lạc ngã đờ
NGANG ngược lưỡi lò tham những lối [1]
TÀNG tàng bọn Hán chiếm vài nơi [2]
THUYỀN dân thảng thốt nguồn quân giới
SÓNG biển trào dâng cảnh thế thời…
VỌNG ước quê nhà tình chẳng vợi
ĐÔNG VỀ LẶNG LẼ TIẾNG LÒNG RƠI..!

Đức Hạnh
10 10 2020

[1] TTO - Ngày 19/4/2020 Bộ Dân chính Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược khi tự tiện công bố cái gọi là 'danh xưng tiêu chuẩn' của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. (nguồn báo TUỔI TRẺ)
[2] Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp


BÀI HỌA:


TRỪ QUÂN XÂM LƯỢC
(Nđt)
Bão tố quay cuồng tận biển khơi
Hoàng Sa… lãnh hải thắm bao đời
Tham tàn chiếm đoạt làm cơ sở
Hiểm ác mưu đồ vọng những nơi
Chiến sĩ kiên cường tiêu bọn phỉ
Toàn dân quyết liệt giữ muôn thời
Anh hùng dũng cảm trừ xâm lượ
Lũ giặc tan tành thủ cấp rơi…

Anh Hân
California, 10/10/2020


Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” – Hoàng Hương Trang

Năm 2012, La Thụy được chị Hoàng Hương Trang tặng TUYỂN TẬP THƠ VĂN XUÔI HOÀNG HƯƠNG TRANG, trong đó có in những bài thơ cuối cùng, là “di cảo do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao cho chị Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời”. Những bài thơ này được in từ trang 398 đến trang 407 trong tuyển tập nêu trên. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.




NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA”
                                                                           Hoàng Hương Trang

Di cảo của Vũ Hoàng Chương (1975 – 1976), do Vũ Hoàng Chương trao cho Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời, đây là công bố đầu tiên di cảo này, gồm 14 bài, trong đó có 1 bài thơ Tết vịnh Tranh Gà Lợn, 12 bài cùng 1 nhan đề “Đọc lại người xưa”, còn 1 bài ông làm trong tù gồm 12 câu, phải làm 6 lần, mỗi lần bà Đinh Thục Oanh vợ ông vào thăm nuôi, ông chỉ viết 2 câu trên mảnh giấy gói đồ, 6 lần vào thăm nuôi ghép lại mới hoàn chỉnh bài thơ, tuy nhiên bài ấy do bà Đinh Thục Oanh giữ và nay đã thất lạc, Hoàng Hương Trang chỉ nhớ vỏn vẹn 1 câu: “Tối về Khánh Hội sáng vô Chí Hòa” để chỉ những cuộc thăm nuôi của bà Đinh Thục Oanh vào thăm ở Chí Hòa, lặn lội cuốc bộ về tới Khánh Hội ở đậu nhà bà Đinh Hùng thì trời đã chiều tối. Nhưng bài thơ này cũng là ngoài 12 bài liền mạch “Đọc lại người xưa”.
Hoàng Hương Trang nay cũng ở gần cái tuổi 80 rồi, sợ không giữ được, nên xin công bố, in vào tuyển tập sau này để lưu giữ được lâu dài, làm tài liệu cho văn học sau này.

BẾP LỬA BÀ TÔI, LÒNG BIỂN, BÀ ƠI...! - Thơ Tịnh Bình


   
                Nhà thơ Tịnh Bình


BẾP LỬA BÀ TÔI

Lần giở năm tháng cũ
Xa lắc mùa ấu thơ
Cơn mưa chiều chấp chới
Gieo thương nhớ vô bờ

Hiên tranh mưa tí tách
Giọt giọt chiều tái tê
Dáng bà bên bếp lửa
Cơm nghèo đậm vị quê

Phên tre đùa khói mỏng
Bà nấu canh tập tàng
Lời ngây ngô cháu nói
Chuyện trò cười râm ran

Bên hiên bà nhặt thóc
Mái tranh quê chiều vàng
Ngây thơ bầy trẻ nhỏ
Nhảy chân sáo hiền ngoan

Tôi về cời bếp lửa
Sợi khói bay lên trời
Mơ hồ bên vách lá
Ngỡ dáng bà... Bà ơi...!

PHẬT GIÁO VỚI QUAN NIỆM PHÙ HỘ ĐỘ TRÌ - Đặng Xuân Xuyến

 


Việt Nam là một dân tộc lấy đạo hiếu làm đầu nên tín ngưỡng thờ cúng, nhất là thờ cúng gia tiên được dân gian tín trọng.

Với người Việt, cái chết chỉ chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của thể xác con người còn linh hồn người chết sẽ luôn hiện hữu và có “mối liên hệ vô hình” với các thành viên trong gia đình, theo dõi và bảo trợ cho người thân tránh rủi ro, bất trắc, gặp được điều may mắn. Vì quan niệm như thế nên người Việt lập bàn thờ để cúng lễ tổ tiên, làm nơi trú ngụ cho linh hồn người chết, đồng thời cũng cầu mong sự phù hộ độ trì của người đã chết cho những người còn sống; coi đấy như là thước đo về đức hiếu - nghĩa của con người. 

VẦN QUẨN TRONG TRUYỆN KIỀU – Phạm Đức Nhì


                 

                                 Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Đọc kỹ Truyện Kiều vài lần tôi ghi nhận được 121 đoạn vần quẩn. Đoạn ngắn nhất 7 câu, đoạn dài nhất 15 câu. Tổng Cộng 937 câu.

Vậy vần quẩn là gì?

Mở Đầu Bằng Một Đoạn Kiều Có Vần Quẩn

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

Lựa chi những bậc tiêu tao

Dột lòng mình cũng nao nao lòng người

Rằng: Quen mất nết đi rồi

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

Lời vàng vâng lĩnh ý cao,

Họa dần dần bớt chút nào được không!   

                                (Câu 490 đến 496) 

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

XÓT XA - Thơ Phan Thạch Nhân


   


XÓT XA

Tôi lại xót xa
Nhìn quê nhà lụt lội
Hình ảnh gửi về nước phủ kín miền quê
Quê hương tôi đã làm chi nên tội?
Mà trời hành...
Mưa suốt mấy ngày đêm
Nước xuống nước lên
Nước còn dâng lên nữa
Lũ chồng nhau
Chèo chống đến bao giờ?
Có thằng cháu
Thức sáng đêm chạy lũ
Dọn đồ lên cao nước tiếp tục dâng theo
Ngọn đèn cầy, cheo leo tàn đêm lạnh
Hai hôm rồi!
Đây cúp điện
Cậu ơi!

                                Phan Thạch Nhân
                                     09/10/2020

CHIỀU - Thơ La Thụy


   


CHIỀU

       Chiều buông nhè nhẹ thoảng hồn say
       Chiều gợn bâng khuâng toả mộng này
       Chiều đến ươm xanh tình hạ ấy
       Chiều đi dệt biếc ý thu đây
       Chiều gieo nỗi nhớ tràn ly đắng
       Chiều rót niềm thương đẫm chén cay
       Chiều xuống - hồn hoa rưng giọt lệ
       Chiều về chếnh choáng rượu nồng say

                                                      La Thuỵ

CHIỀU TƯỞNG NHỚ- Thơ Hoàng Hương Trang, nhạc Lan Đài, ca sĩ Minh Châu, ca sĩ Lệ Thu trình bày


   


CHIỀU TƯỞNG NHỚ

Chiều đi lặng lẽ
Thương nhớ muôn bề
Khi người yêu đã chết
Nhạc thu chưa thấy về
Chiều buông mờ sương
Quạnh vắng phố phường
Khi người yêu đã chết
Nhạc tình sao luyến thương
Bàn tay đâu tìm không thấy nữa!
Bờ môi đâu, mắt đâu ôi tìm đâu!
Dấu chân anh xa vời vợi
Nghìn muôn xưa quên lãng rồi
Hồn chìm tưởng nhớ
Dòng thư xanh mờ
Hôn tình thư anh viết
Gửi em xưa đến giờ
Chiều đi lặng lẽ
Mộ chí hoa tàn
Ôi màu hoa tang trắng
Liệm tình em nát tan

Hoàng Hương Trang


VIDEO CLIP

1/
https://www.youtube.com/watch?v=bc06_Hs4p5E


       

            Thơ Hoàng Hương Trang - nhạc Lan Đài
            Tiếng hát: Minh Châu - nhạc đệm: Đinh Sinh Long


2/
https://www.youtube.com/watch?v=d-lrFP_CKrk&feature=emb_logo


      

              Thơ Hoàng Hương Trang - nhạc Lan Đài
              Tiếng hát: Lệ Thu

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

CHÙM THƠ "BÓNG..." CỦA LÊ VĂN TRUNG


   


BÓNG CHIM HUYỀN THOẠI

Có con chim lạ bay về
Làm rơi hạt lệ bên bờ chiêm bao
Gọi ngàn xưa, tìm ngàn sau
Tàn phai theo những sắc màu thời gian

Có con chim lạ xa đàn
Bay hoài vô định chưa tàn giấc mơ
Lệ người úa một câu thơ
Buồn rơi lên nấm hoang mồ tình xưa

Bay về đâu giữa hư vô
Tiếng kêu buốt nghẹn phút giờ tử sinh
Tóc người chảy một dòng sông
Có nghe sóng động chập chùng nỗi đau

Chim về đâu? Tôi về đâu?
Nghìn xưa nối với nghìn sau mịt mờ
Lệ người rụng một tiếng kêu
Còn nguyên tôi với niềm đau cuối cùng.
                                                                              

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

ĐỌC “ÂN TÌNH XỨ HUẾ” THƠ BÍCH TRẦN - Châu Thạch


      
                Nhà thơ Bích Trần


ÂN TÌNH XỨ HUẾ

Em mắc nợ Anh
một chiều mưa,
Xin trả lại Anh
buổi nắng trưa,
Giọt nắng hong khô chiều ướt lạnh
Truyền Anh hơi ấm, nhớ hương xưa.

Em mắc nợ Anh
một tình yêu,
Xin trả lại Anh
một buổi chiều,
Tay Anh nắm chặt bàn tay ngọc,
Cõi lòng ấm áp biết bao nhiêu.

Em mắc nợ Anh
một trái tim,
Xin trả lại Anh
ngàn cánh chim,
Gió lộng, trời cao, anh bay mãi
Rong ruỗi khắp nơi thỏa chí trai !

Em mắc nợ Anh
một vòng tay,
Cười vui trả nợ phút giây này,
Có ai biết được ngày sau gặp,
Mây trời theo gió một lần bay.

Ta mắc nợ nhau
một kiếp đau,
Hãy lấy bình an trả khổ sầu,
Trầm tư - Buồn bã không còn nữa
Mây bay, nước chảy, gió qua cầu !

                                      Bích Trần

ĐẾN VÀ ĐI - Trần Mai Ngân

   

      


Có những người đến với ta và rời đi chỉ vô tình như đám mây bay qua bầu trời.

Cho dẫu cách đến và đi như thế nào thì ít nhiều cũng để lại lòng ta những điều quên nhớ...

Ta nhớ một người cũ bằng cả sự quý thương. Vì hoàn cảnh người và ta phải đôi đường. Những điều người để lại cho ta là kỉ niệm đẹp.  Ta nhớ người bằng sự tiếc nuối và giọt nước mắt...

Ta hay nhớ một người khi ùa đến bên ta luôn đem lại cho ta nụ cười, niềm vui . Ta yêu mến biết chừng bao. Bây giờ xa rồi mà nghĩ lại, nhớ lại nụ cười vẫn còn vương đọng trên đôi môi. Ta gọi tên người và nói lời cảm ơn...

Cũng có người chỉ đem lại phiền muộn nước mắt cho ta. Ta bỏ quên người và tha thứ. Cuộc đời muôn màu, con người cũng lắm mặt, lắm lòng! Thôi ta không trách...

Cũng có khi ta hết một lòng nhưng người toan tính từng một bước chân. Cuối cùng ta cũng hiểu ra. Rời xa là đương nhiên. Thỉnh thoảng người ấy cũng đi ngang trí nhớ của ta.

Ta chỉ mỉm cười cho sự không xứng đáng...

Và đến lúc nào đó... như bây giờ đây. Trong ta không còn điều chi quan trọng giữa đối xử và nhớ quên với người.

Ta chỉ ơn ai đã thật lòng bên cạnh và chia sẻ. Ta xin trân trọng để trong một ngăn tim dù người ở xa hay gần gũi...

Và với những người như đám mây đen bay qua bầu trời , ta cũng mỉm cười khi nhớ lại... Rồi họ cũng qua đi với sự giả dối và trả lại cho ta một màu trời trong xanh thật đẹp!

Cảm ơn cuộc đời những đến và đi!

                                                                             Trần Mai Ngân

CHÙA XƯA KỲ VIÊN TỰ, XÃ TÂN THÀNH, HUYỆN HÀM THUẬN NAM, TỈNH BÌNH THUẬN – Phan Chính

          

            

Theo lịch sử địa phương xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) đây là vùng đất hình thành vào khoảng thập niên 70- 80 thế kỷ 18. Cư dân ban đầu là những người dân phiêu tán từ miền Trung vào trong thời kỳ Gia Long thống lĩnh quyền lực đánh trả nhà Tây Sơn. Đất Tân Thành được coi là nơi ẩn chứa nhiều dấu tích xưa với những câu chuyện huyền thoại khá ly kỳ. 

MẪU ĐÀO NƯƠNG: VỊ SƯ TỔ CỦA MÔN HÁT CHÈO - Đặng Xuân Xuyến

 

                                       Lễ hội Đào Nương

Đền Mẫu hay còn gọi là đền Đào Nương, nằm bên đường 39B, thuộc địa phận xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, nay là làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên.

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 5) – Nguyên Lạc

 


LOẠI TRÀ – DANH TRÀ (tt)

III. Các loại trà khác

1. Việt nam

Trước khi nói đến trà Việt, tôi xin nhắc lại sơ lược quan niệm về nguồn gốc trà.

Theo Đỗ Ngọc Quỹ: “Từ tài liệu khảo cứu của Uỷ ban Khoa học Xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời kỳ đồ đá Sơn Vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn-Nghĩa Lộ-Yên Bái), trên độ cao 1.000 mét so với mặt biển, có một vùng chè hoang khoảng 40.000 cây chè dại, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể.” (Webside Đặc Trưng). Một chứng cứ tư liệu khác: Thiền Uyển Tập Anh, mục Tăng thống Huệ Sinh (?-1064) có nói đến một địa danh gọi là Núi Trà ở Bắc Ninh, như sau: “Năm 19 tuổi, Sư bỏ đời, cùng Pháp Thông chùa Hạc Lâm thờ Định Huệ chùa Quang Hưng làm thầy. Học thiền mỗi ngày một tiến. Định Huệ vỗ về mến chuộng. Từ đó, Sư dạo khắp tòng lâm, hỏi hết thiền chỉ rồi đến đỉnh Bồ Đề núi Trà trác tích. Mỗi lần vào định, trải qua năm ngày mới dậy. Người bấy giờ gọi Sư là Đại sĩ nhục thân”. Tiến sĩ Lê Mạnh Thát chú thêm: Núi Trà “Tức núi Nguyệt Thường hay núi Bạch Sắc ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn xuyên nói: “Núi Nguyệt Thường, tại phía tây nam huyện Tiên Du ba dặm, một tên là núi Bạch Sắc, cũng gọi là núi Trà. Tương truyền Lý Thánh Tôn đến chơi núi đó và cho tên Nguyệt Thường. Núi hơi cao, đá đất lẫn lộn. Trên núi có liu, dưới núi có đền Cao Sơn. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) triều ta liệt vào hạng danh sơn, chép vào sách cúng. Núi này hiện có đỉnh Bồ Đề không, chưa thể biết được.” Khả năng núi này là núi có cây trà hoang mọc nhiều là điều không phải không thể tin. Lê Quý Đôn dẫn Trà Kinh của Trung Hoa viết: “Trà là một loại cây quý ở phương Nam, cây như cây qua lô, lá như lá chi tử, hoa như hoa tường vi trắng, quả như quả tinh biền lư, nhị như nhị đinh hương, vị rất hàn” (Vân Đài Loại Ngữ – Phẩm Vật). Vậy cây trà lúc đó người Việt gọi là qua lô, giống như cư dân vùng Vân Nam gọi là đồ (sau người Trung Hoa thêm một vạch ngang và đọc là trà). Sách Trung Hoa cũng thừa nhận cây trà vốn có trong tự nhiên tại Việt Nam, cuốn Nghiêm Bác Tạp Chí, Đào Hoằng Cảnh, người san định lại Thần Nông Bản Thảo, mượn lời Lý Trọng Tân viết: “Trà ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay gắt gọi là trà đắng”. Như vậy trà là cây bản địa Việt Nam được người Trung Hoa đánh giá cao, nên việc tiến cống trà thời Đinh là điều không phải là khó hiểu”.