BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

TÌNH THƠ THÁNG CHÍN - Thơ Tịnh Bình


    


TÌNH THƠ THÁNG CHÍN

Mùa hạ khuất tiếng ve sầu câm lặng
Lá mơ phai reo đón gió thu về
Anh ngồi viết bài tình thơ dang dở
Tháng Chín dỗi hờn như tỉnh như mê

Trên lối vắng tràn lên loài hoa dại
Con đường thu biêng biếc sớm mai trong
Tha cọng nắng đàn chim về xây tổ
Ta vẩn vơ ngồi hát khúc bềnh bồng

Gieo yêu thương bầy ong đi làm mật
Tháng Chín mùa thu quyến rũ đóa hoa yêu
Ta trộm ngắm nàng thu đang say ngủ
Áo hoàng hoa hờ khoác vẻ yêu kiều

Nhòa góc phố gọi tên mình quên lãng
Ngỡ bước ai về dáng nhỏ liêu xiêu
Đành ngưng viết bài tình thơ dang dở
Tháng Chín mưa đàn giọt nhớ xanh rêu...

                                             Tịnh Bình
                                            (Tây Ninh)

CHÙA LÁNG (HÀ NỘI) THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH


                                 Cổng tam quan ngoài của chùa Láng

Chùa Láng, hay còn gọi là Chiêu Thiền tự, thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tọa lạc ở cuối phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

CHÙM THƠ "BÊN..." CỦA LÊ VĂN TRUNG


       


BÊN BỜ SINH TỬ

Thôi bỏ lại bên này bờ sinh tử
Phận đời ta rơm rạ có ra gì
Bỏ lại hết cả nghìn sầu thiên cổ
Xót thương chi bèo giạt bến sông này
Lòng nhân thế, lòng mịt mù mưa nắng
Còn gì nhau mà muối mặn gừng cay
Khi đã biết đời nhau là hữu hạn
Còn gì nhau mà nghĩa trả tình vay
Ta đứng giữa trần gian mà bật khóc
Thương phận người tro bụi chảy về đâu
Ai thấy được thiên đường trong địa ngục
Ai thấy màu xanh qua cuộc bể dâu
Khi bỏ lại đời ta không tiếc nuối
Ta thắp câu thơ truy niệm kiếp người
Ta thắp câu thơ xưng lời thú tội
Cuộc tình người niệm khúc của chia phôi
Lòng dâu bể - tình em là dâu bể
Ta bỏ đi, tàn tạ, xác thơ buồn
Ai biết được ánh hào quang sự chết
Vẫn rực ngời trong sóng gió tang thương.
                                    

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

TRANH VẼ CỦA HỌA SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG (4)


       
                              Thiếu nữ và hoa (lụa)


       
                                    Múa đèn (lụa)


       
                                   Chim ơi bay đi (lụa)


       
                                      Tắm ao (lụa)


      
                                    Tiếng đàn (lụa)


   
                                 Chiều (1960, sơn dầu)


    
                 Đường Cường Để - Hội An 1958 (sơn dầu)



                               Sách và hoa (sơn dầu khổ 100x100)



                                           Ngọ môn Huế (lụa)



                                          Múa cung đình (lụa)



                                               Ca trù (lụa)



                                      Tranh gà (màu nước)

NGƯỜI ĐÀN BÀ THÁNG CHÍN - Thơ Trần Mai Ngân


   


NGƯỜI ĐÀN BÀ THÁNG CHÍN

Chào tháng Chín nồng nàn hương biển
Người đàn bà đi về phía không anh
Không gian lạ và những âm thanh
Trong gió, trong tiếng sóng và trong tận cùng tuyệt vọng...

Ở đâu, tìm đâu những ngày hoa mộng
Chẳng để làm gì chỉ để cố quên đi
Người đàn bà tháng Chín khép đôi mi
Giọt nước mắt lăn tràn lên má thắm

Tháng Chín về mà sao xa thăm thẳm
Một nghìn trùng một ngăn cách ngày xưa
Miên man nào... miên man mãi nụ hôn trưa
Người đàn bà khuỵu xuống... dấu chân trần bấu sâu vào cát...

Tháng Chín biển vỡ oà trong cơn khát
Áo mỏng khăn voan tất cả lạnh lùng
Người đàn bà cố níu kéo tương phùng
Nhưng như nước... trôi qua bàn tay lạnh

Tháng Chín ơi... về đâu không bất hạnh
Một cuộc tình cứ thế mãi mong manh
Biển nghìn năm con sóng khát an lành
Sao thương quá người đàn bà tháng Chín!

                                         Trần Mai Ngân

MƠ MÙA XA LẮC - Phạm Thoa cùng quý thi hữu


   


MƠ MÙA XA LẮC
(Xa luân nhị bộ, Lưu thủy đối)

Rồi đến bao giờ ta có nhau
Trăng khuya vườn mộng lá lay sầu
Ai khơi trầm tích đùn lên mắt
Cho mảnh trăng hờn lặn biển sâu
Tình đã hoài thai chưa hóa kiếp
Nên đành ốm nghén vạn ngày sau
Ta nâng niu miết mùa xa lắc
Dù ải nhân gian có chuyển màu…

Dù ải nhân gian có chuyển màu
Cạn dòng lệ đá chạnh ngàn sau
Cho hồn thơ ấm tràn xuân mộng
Và gió heo may ấm vực sâu
Không lẽ đêm về khuya khoắt đợi
Chờ ngày mai thức giũ cơn sầu
Lá thu mình lại chơ vơ để…
Gói cả ngàn sao rọi bóng nhau

Thoa Phạm
(27/8/2020)


BÀI HỌA:


VŨ ĐIỆU TÌNH YÊU
[Nhị khúc, Ngũ độ thanh]

Phong trần bão tố chẳng rời nhau
Rạng rỡ tình duyên hết khổ sầu
Bến đổ dòng khai nào đã cạn
Hoa cười mộng trổ mãi còn sâu
Thuyền yêu cập bến ngời muôn ngã
Biển hát vờn trăng đẹp những màu
Yểu điệu đêm hồng Thu kết nghĩa
Chan hòa hạnh phúc tỏa nghìn sau

Chan hòa hạnh phúc tỏa nghìn sau
Biển mộng thuyền hoa mãi thắm màu
Lẽ sống ân cần thương nghĩa trọng
Tâm hồn sáng tỏ đọng nguồn sâu
Tình yêu thiết thực hoài tươi trẻ
Quý bạn thành tâm hổng rũ sầu
Phấn khởi nàng Thu mời vũ hội
Tưng bừng nhảy múa hợp lòng nhau…

Đức Hạnh
28 08 2020

CHUYỆN TÌNH CỦA BIỂN ! - Thơ Võ Bích Phượng


   


CHUYỆN TÌNH CỦA BIỂN !

Sóng khơi xa thì thầm với Biển
Chuyển hộ lời yêu đến Cát vàng
Như nỗi lòng đứa con xa xứ
Khát khao Bờ... Sóng vỗ miên man !

Biển thương tình, nhận lời Sóng cậy
Gọi Gió về đẩy Sóng thênh thang
Nước đồng điệu hiểu lòng Sóng cuộn
Ào ạt dâng mà rất dịu dàng!

Sóng chạm Bờ lần nào cũng vội
Chưa đủ gần để nói lời thương
Nên cứ mãi ngàn năm khao khát
Người xa quê nhớ lắm cội nguồn!

                    Biển Lagi, 31.8.2020
                       Võ Bích Phượng

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

ĐỌC SÁU BÀI THƠ THƠM HƯƠNG THIỀN THỜI TRAI TRẺ CỦA THI SĨ TRẦN THOẠI NGUYÊN - Châu Thạch


           
                              Nhà thơ Trần Thoại Nguyên

    Trước khi bàn đến những bài thơ thơm hương thiền của Thi sĩ Trần Thoại Nguyên, xin hãy nghe tác giả tâm sự:

  “Tiểu luận về tổ sư thiền tông Bồ Đề Đạt Ma”, một cuốn sách nhỏ mỏng manh của chàng trai trẻ tóc xanh Phạm Công Thiện, xuất bản năm 1964, nhưng có sức nặng nghìn cân, có sức khai mở rộng khắp ghê gớm cho người học Phật tâm tịnh thiền tông Việt Nam thời hiện đại, làm thay đổi hồn thơ tôi năm 18, 20 tuổi! 

Hàng loạt 5 bài thơ thơm hương Thiền của Thi sĩ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên đăng trên tạp Chí Tư Tưởng của ĐH Vạn Hạnh năm 1970, 1971 trong đó có bài thơ Đêm Trăng Leo Lên Mái Chùa” được rất nhiều bạn yêu thơ yêu thích thuộc lòng!"

NHẬN XÉT VỀ LUẬT VÀ VẦN TRONG BÀI THƠ “BIỂN ĐÊM” CỦA NGUYÊN LẠC - Phạm Đức Nhì


      


BIỂN ĐÊM

Biệt ly từ cuộc bể dâu
Mất nhau từ thưở ba đào quê hương
Người về tìm lại mùi hương
Người về tìm lại thân thương đã rồi...

Biết rằng sương khói mà thôi
Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu
Biển chiều trời vội trốn mau
Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời

Biển xưa bãi cũ tôi ngồi
Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào
Tay ôm thân ngất quyện nhau
Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu

Đêm nay biển vắng người đâu?
Vầng trăng khuyết tật trên đầu đưa tang
Rì rào lớp sóng kêu than
Gió ngàn thông réo gọi oan khiên về

Cát luồn tuôn sợi tay mơ
Tình luồn ngăn nhớ hương mê thân nào
Thịt da nhung mượt đêm nao
Hằn trong ký ức biết làm sao đây?

Biển ơi có biết tình tôi?
Sóng ơi sao xóa dấu người tôi yêu?
Bãi xưa còn lại gì đâu?
Về chi nghe tiếng khóc gào sóng đau?

Vời kia một bóng trăng sầu
Nghìn trùng xa cách biết đâu dõi tìm?

                                        Nguyên Lạc


          Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


NHẬN XÉT VỀ LUẬT VÀ VẦN TRONG BÀI THƠ “BIỂN ĐÊM” CỦA NGUYÊN LẠC

Đây không phải là bài bình thơ mà chỉ là vài nhận xét về “kỹ thuật” được thi sĩ áp dụng trong lúc sáng tác bài thơ. Mà trong phần “kỹ thuật” cũng chỉ bó gọn trong 2 điểm: Luật (bằng trắc) và vần.

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

ĐỀN CỜN - NGÔI ĐỀN LINH THIÊNG BẬC NHẤT ĐẤT NGHỆ AN - Đặng Xuân Xuyến


                                 Toàn cảnh đền Cờn. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Đền Cờn được dân gian truyền tụng là một ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở đất Nghệ An. Đền tọa lạc tại làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 75km.

LỜI RU MẸ, CHUYẾN ĐÒ CHIỀU THU - Thơ Nguyên Lạc


   


LỜI RU MẸ

"Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm"
                          (Hát ru Nam bộ)

À ơi mẹ hỡi mùa thu
Mùa thu năm đó biệt mù con đi
Đem theo tàn mộng xuân thì
Bao năm chờ đợi... còn gì nữa đâu?!

Ngày về trông trước nhìn sau
Tìm đâu bóng mẹ? ... "Trên đầu mây bay"
Bao năm "cải tạo" đủ dài
Đủ cho mắt mẹ khóc ai hóa mù!

À ơi con hỡi mùa thu
Những lời ru mẹ nghìn thu vẫn còn
Bao năm mẹ đã ru con
Giờ con ru lại... lời buồn mẹ ru

À ơi con hỡi mùa thu
À ơi mẹ hỡi... Tìm đâu bóng hình?!

THÊM MỘT TƯ LIỆU CHO CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG - Hoàng Hương Trang


                      
                                   Tác giả Hoàng Hương Trang

Từ trước đã có nhiều nhà nghiên cứu sử học đưa ra nhiều giả thuyết về nơi chôn cất vị anh hùng vĩ đại Nguyễn Huệ Quang Trung, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được cụ thể nơi nào là lăng tẩm của Người. Vừa rồi, nhân đọc một số tư liệu văn học xứ Thanh, tôi tình cờ bắt gặp một bài thơ lạ từ trước đến nay ít người đọc đến, chưa ai lưu tâm đến bài thơ này, nhưng lại là một bài thơ đặc biệt có nhắc đến nơi chôn cất vua Quang Trung. Tác giả bài thơ đã từng thấy linh cữu vị anh hùng áo vải cờ đào này một cách cụ thể, suy ra là chính tác giả đã từng tham dự trong đám tang này nên mới có bài thơ như thế.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

VU LAN, MẸ LÀ HƯƠNG TRẦM - Trần Mai Ngân



Mẹ là nén nhang trầm vừa tỏa hương vừa rụi tàn !

*** Khi mang con...
Mẹ ve vuốt, vỗ về con hãy ngoan nào, hãy để nỗi buồn mẹ nguôi dịu, để mẹ quên đi mà chỉ nghĩ đến con. Một hình hài trọn vẹn đang lớn dần theo mẹ từng ngà... từng ngày!

*** Khi con ra đời...
Mẹ đón con với nụ cười và cả giọt nước mắt khi nghe tiếng con khóc khỏe mạnh vang lớn nhất phòng sanh. Mẹ mỉm cười cảm ơn cuộc đời.

Năm tháng trôi qua từ con ấu thơ đến trưởng thành mẹ chỉ biết sống vui, buồn và thở theo con. Mẹ đã không nghĩ và nhớ đến mình là ai nữa, chẳng cần chi vui buồn... Mọi thứ trên đời như không có gì quan trọng với mẹ hơn là con. Con đã là tất cả.
Rồi con vu qui, rồi con trai sẽ lấy vợ. Con ra đời làm việc.
Mẹ hạnh phúc vì nhiệm vụ đã hoàn thành. Con của mẹ đã nên người, một người rất đàng hoàng tử tế !

*** Góc của Mẹ
Bây giờ thì mẹ sẽ thu về bóng mình, thu về góc của mẹ.
Làm sao khỏi đến lúc mẹ chậm chạp nhớ, chậm chạp đi đứng , chậm chạp trả lời... Ôi... lúc ấy có lẽ mẹ cần con thương yêu biết chừng nào.
Con hãy kiên nhẫn đợi mẹ nhớ, đợi mẹ một chút thôi con nhé ! Để mẹ từ từ nhớ... như thuở nhỏ mẹ đợi con cố nhớ tên gọi một đồ vật mà mẹ mới vừa dạy con. Hoặc có lúc mẹ sẽ ngớ ngẫn hỏi mãi một điều nhiều lần... xin con hãy đừng giận dỗi mà hãy nhớ lại ngày xưa mẹ đã dịu dàng trả lời mươi lần hơn chỉ một câu hỏi của con. Và còn nhiều nhiều điều nữa con ạ, kể sao cho hết...

Tà huy nhuộm vàng cuối Thu. Rồi cũng đến lúc mẹ nói lời chia tay con. Bao nhiêu năm tháng mẹ con mình có nhau con nhỉ... Con có nhớ và đã có nhìn kỹ gương mặt của mẹ, màu mắt của mẹ, môi cười tươi hay héo hắt của mẹ... như mẹ đã thuộc từng đường nét trên người của con...
Hãy ngắm nhìn kỹ con nhé, khi còn có thể và hãy nói lời yêu thương nhất khi còn có thể... Chắc chắn rồi tất cả sẽ mất đi , vĩnh viễn không còn quay lại cùng con lần nào nữa. Là một ngày mẹ phải buông tay con ra và bỏ con đi mãi dù lòng mẹ không nguôi yêu thương, không muốn xa lìa...

Vu Lan đến mọi người chúc tụng nhau về MẸ.
Mẹ thì lại muốn chúc con của mẹ luôn khỏe mạnh, an lành và hạnh phúc trong cuộc đời này.
Còn mẹ, riêng mẹ... mẹ chỉ xin mãi là nén nhang trầm vừa tỏa hương vừa rụi tàn theo năm tháng đã dành hết cho con.

                                                                                   Trần Mai Ngân

GIAI THOẠI VỀ TÊN GỌI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT - Quốc Lê

Y Thuột là con của một tù trưởng và cái tên "Thuột" từ đó trở thành một phần tên làng, mà ngày nay là tên thành phố Buôn Ma Thuột?

Là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên và cũng là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Rất ít người biết rằng tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột có một nguồn gốc rất lý thú.

                              Ảnh: Quang cảnh ở Ngã Sáu Buôn Ma Thuột.

Trước năm 1975, Buôn Ma Thuột được gọi là Ban Mê Thuột. Theo một bài trả lời hỏi đáp trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hai tên gọi này đều là cách định danh bằng tiếng Việt để chỉ một ngôi làng từng nằm ở nơi này nay là thành phố Buôn Ma Thuột. 

                   Ảnh: Thác Dray Sap, thắng cánh nổi tiếng gần Ban Mê Thuột.

Ban Mê Thuột là cách đọc từ "bản Mế Thuột" nghĩa là "làng của mẹ Y Thuột", còn Buôn Ma Thuột được đọc từ "buôn Ama Thuột" nghĩa là "làng của cha Y Thuột". Vậy "Y Thuột" là ai?

          Ảnh: Nhà sàn ở buôn Cô Thôn (buôn Ako Dhong), thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo một số tài liệu của Pháp thì Ama Thuột - “cha Y Thuột” - là một tù trưởng có tên khai sinh là Y Mun H'Dơk. Vợ ông là con gái của tù trưởng Ama Blơi, một người có thanh thế rất lớn trong vùng khi người Pháp chưa hiện diện ở Đăk Lăk.

                                  Ảnh: Dựng nhà sàn ở buôn Cô Thôn.

Hai vợ chồng Y Mun không có con, không có người nối dõi, vì thế, họ đã nhận cháu mình là Y Thuột và H'tế thuộc làm con nuôi, và Y Thuột trở thành trưởng nam của người đứng đầu làng.

              Ảnh: Cây kơ nia phía sau sau Nhà Văn hóa Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Theo phong tục bản địa, người ta không gọi vợ chồng tù trưởng bằng tên cúng cơm mà bằng tên trưởng nam. Và tù trưởng Y Mun H'Dơk được gọi là "ama Thuột" – tức “bố Y Thuột” và vợ ông là "mế Thuột" – “mẹ Y Thuột”.

                                   Ảnh: Làng Cà phê ở Buôn Ma Thuột.

Y Thuột là con trai cả của ông tù trưởng mà cái tên "Thuột" trở thành một phần tên làng, và ngày nay là tên thành phố lớn nhất Tây Nguyên.

                               Ảnh: Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột.  

                                                                                              Quốc Lê
                                                                          
Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-thoai-ve-ten-goi-thanh-pho-buon-ma-thuot-1419290.html

BA TRĂM NĂM NỮA, BÃO HỒN TÔI CUỒN CUỘN BẾN SÔNG NGƯỜI, BẤT LỰC, BAY VỀ ĐÂY NHÉ CHIM ƠI - Thơ Lê Văn Trung


        


BA TRĂM NĂM NỮA
“Bất tri tam bách dư niên hậu”
                             Nguyễn Du

ba trăm năm nữa quay về
cố hương lân lý bạn bè còn ai
ba trăm năm sẽ đầu thai
suối xưa rừng cũ sương mai gió chiều
làm con chim đứng quạnh hiu
bên mồ thiên cổ tiếng kêu đoạn trường

ba trăm năm còn một phương trời?
hay là lạc giữa vô thường phù du”
hay là lạc giữa thiên thu
cuối vòng sinh diệt tìm đâu cõi người?

trăm năm tàn cuộc đầy vơi
tàn cơn huyễn mộng cạn đời tài hoa
ráng chiều nhạt cuối trời xa
ba trăm năm gởi sầu qua vạn trùng

thuyền ai đậu bến vô cùng
mái chèo khua nhẹ nỗi buồn Tố Như
ba trăm năm nữa – bây giờ
giọt đàn vỡ xuống đôi bờ có – không.

TIỄN ĐƯA GS PHAN NGỌC - Thơ Nguyễn Lâm Cẩn


      
                  Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn


TIỄN ĐƯA GS PHAN NGỌC 

Ông còn dùng dắng không đi
Nhẫn tâm rẻ rúng còn gì nữa đâu
Thân ông giữ được cái đầu
Chữ mài mặt giấy từng câu nuôi mình

Sao ông vẫn cứ lặng thinh
Mùa thu lá rụng cạn tình còn chi
Hồn thiêng xin hãy đi đi
Cái tiên, cõi phật chắc gì
Trời ơi

Hiền nhân trụ lại với đời
Cứ như bèo bọt đầy vơi giữa dòng
Thân ở đợ, kiếp ăn đong
Quỷ ma roi quất vào lòng xác xơ

Khói hưong nghĩ ngút bạn thờ.
Bày giờ mới biết bây giờ là đáy
Nhân sinh là chốn đoạ đầy
Tài tỉnh rồi cũng đến ngày tàn nhang

Cứ tin có chốn thiên đàng
Xin đừng nấn ná thu vàng rồi thôi
Nhắn văn còn giọt mồ hôi
Tiễn ông người cuối
Than ôi
Ngậm sầu

                        Hà Nội, 29 - 8-2020
                          Nguyễn Lâm Cẩn