BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

ĐƯA EM VỀ MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG – Đinh Hoa Lư




Khi con đường mới từ Quảng Trị vô Huế hoàn thành có một thời gian thật ngắn chúng tôi thường gọi là "Xa Lộ Đại Hàn". Cái tên Đại Hàn do một số chúng tôi thấy có một đơn vị Đại Hàn có thực hiện công trình làm đường này mà gọi thế. Cái tên đó không có ai công nhận hay văn bản nào nói thế nên sau này không ai gọi nữa và chẳng ai nhớ.  Đầu tiên là con đường 'thử xe' cho những chiếc honda mới toanh cho "các cô, các cậu" từ thành phố Quảng Trị chiều chiều 'vù' ra vừa thử tốc độ xe lại vừa hóng mát.
 
Con đường này tạm coi từ múi Cầu Ga cho đến giáp Cầu Mỹ Chánh. Như thế độ dài của nó có thể đến hai mươi cây số. Có ngờ đâu một vài năm sau cũng trên con đường này lại trở thành một đoạn đường đau khổ?  Một đoạn đường hay một tiếng kêu đau thuơng mà ai là người QT không thể nào quên.
 



BẾN XE NGUYỄN HOÀNG
 
Chú tài xế vô số quẹo chiếc xe buýt Renault cũ kỹ, lọc cọc qua cây xăng Shell, cây xăng ngó qua cổng trường Nguyễn Hoàng.
 - Mi đem tiền vô mua thêm hai chục lít cho đầy mau Lép!
Thằng Lép,'ét' xe dạ xong, chạy lẹ vào trong.
 
Cứ mỗi lít xăng là cái chuông trong cái trụ xăng màu vàng chóe kêu cái 'keng' nghe cũng vui tai . Mấy người khách đang nóng ruột mong xong xe chạy mau cho rồi.
-  Đợi tui với ! đợi tui với!
Một ông già đang đẩy chiếc xe đạp giàng, hối hả chạy lại. Bên 'ghi- đông' chiếc xe đạp ông còn móc tòn ten cái dù đen, bó gọn , đầu cái dù nhọn hoắc.  Chiếc xe đang đổ lít xăng cuối cùng.
 - Xe vô Diên Sanh khôông rứa chú?
Thằng Lép chỉ ngúc cái đầu thay vì trả lời do miệng hắn còn ngậm một đầu dây cột. Hắn đang bận đóng cái nắp bình xăng:
- Ôông 'đợ' (đỡ) cho con một chút?
Thằng Lép giờ đã leo lên mui xe, hắn đứng hơi xoạc chân trên trần, khom hết người, cố kéo chiếc xe đạp giàng của ông già lên.  Cái bánh sau hơi đong đưa theo bàn tay gầy gò, đầy những đóm da đồi mồi của ông. Thằng Lép ét xe Quảng Trị - Huế đã lâu nên đã quen tay, chỉ nửa phút hắn ngoáy sợi dây dừa lại thêm một vòng buộc chặt chiếc xe đạp. Ông già cố sức dùng tay kéo thân mình lên, một chân bỏ vào cái bàn đạp sau, đầu gối ông run run. Một anh học trò ngồi ghế sau vội đứng dậy nhường chỗ cho ông. Mắt ông sáng lên, nét mừng rỡ:
- Rứa cháu cũng vô Diên Sanh à?
Giọng ông khào khào, chòm râu bạc rung rinh theo tiếng nói.
- Dạ cháu vô nhà, tuần sau ra lại, cháu học bên trường Nguyễn Hoàng đó ôông!
Vừa nói tay anh học trò chỉ qua chiếc cổng trường phía tay trái.
 
Chiếc xe rồ máy chạy đi. Mới qua  số hai thì chiếc xe buýt đã quẹo trái vô đường Lê Huấn. Con đường này có cái tên mới sau trận Hạ Lào. Quẹo hơi đổ dốc trước cổng Sân Vận Động rồi xuôi về một đổi qua Lò gạch ngói Trương Kế thì tới Ngã Ba Long Hưng.
 



Lệ thường xe hàng nào cũng dừng ở đây "xin tài". Xin tài có nghĩa là lấy giấy qua trạm khám xét trước khi vô Huế. Vô địa giới Huế tức là Phò Trạch có thể thêm một trạm nữa nhưng chuyện này không liên quan đến chuyện kể hôm nay.
 
Tiếng khách lao xao nói chuyện trong chiếc xe chật cứng tuy ai cũng mong xe đi mau. Hai hàng ghế trước dành cho khách đi thẳng tới Huế. Dáng họ yên tâm, chẳng nôn nóng gì chuyện xuống xe. Có người đang nghiêng đầu thiu thiu ngủ.
 
 
Tuổi thơ QT bên cầu Ga năm cũ 1969 - đằng sau các em nhỏ là ngưòi lính Mỹ từ trên xe đoàn công voa quân đội Mỹ đang dừng nghỉ đi xuống mua hàng mấy em nhỏ đang bán gồm kẹo cao su, và thuốc lá hay những thứ nào mà lính Mỹ thích
 

Cầu Ga song song Cầu Mới do công binh Mỹ xây khoảng 1970 cùng thời điểm với Xa Lộ Đại Hàn để giải quyết nạn chờ lâu tại Cầu Ga xưa chỉ 1 làn xe chạy nên phải đợi nhau. Năm 1972 Cầu Mới bị cháy trong và cầu Ga xưa thì bị sập
 
Hành khách ở băng ghế sau, họ sẽ xuống Cầu Dài, kẻ xuống  ngã ba về Diên Sanh... lao xao nói chuyện. Đủ hạng người, từ cậu học trò vô nhà, ông lão thăm làng, o đi buôn... những cái xách, những cái bao cát Mỹ đựng đầy đồ nhét dưới hai hàng ghế. Khách xuống giữa đường chịu khó níu tay đứng sát với nhau, mùi mồ hôi, mùi thuốc cẩm lệ, mùi mắm ruốc cá khô... đủ thứ bốc lên trong khí trời nóng nực.
 
Chú cảnh sát ra hiệu cho xe chạy. Tài xế liếc mắt nhìn bên phải đường sợ chiếc xe nhà binh Mỹ nào chạy vụt qua thì 'bỏ mạng'. Chiếc xe như run rẩy bò lên mép đường bắt đầu leo vào con đường mới.
Thật đúng với cái tên Xa Lộ!
 
Người Quảng Trị nhất là những ai năng đi xe hàng, chú tài xế, thằng ét xe cho đến nguòi buôn thúng bán bưng, cậu học trò tạm trú ngoài tỉnh vào lại làng, ông lão thăm làng hôm nay... đều ngầm biết ơn mấy ông lính công binh Đại Hàn năm trước. Họ lầm lì làm việc chăm chỉ mới có cái xa lộ thênh thang đổ nhựa "láng o".
 
Chú tài lắc lắc cần số ‘vô số’ bốn-số năm. Số cuối, chiếc xe nghe 'ngọt' vô cùng. Khác với mấy ông tài trong Nam, vừa lái là 'vô' câu vọng cổ nghe 'rất mùi', người Quảng Trị như chú tài hôm nay, nét mặt lúc nào cũng đượm vẻ lo lắng, suy nghĩ. Dân mình cực khổ quá nên nét mặt người lớn ít ai thấy vui vẻ hồn nhiên chăng?  Mắt chăm chú nhìn hướng trước, chú năng sai bảo thằng Lép. Có khi chú la mắng, gắt gỏng hắn nghe thiệt tội nghiệp?
- Ê Lép ra quay xe mi!




Đó là lệnh chú sai thằng Lép, hắn chạy lẹ ra trước xe. Xong, hắn  dùng cái tay quay bằng sắt, khom mình, nín thở quay cho chiếc xe nổ máy. Nhưng hắn cẩn thận, chiếc xe vừa nổ máy, hắn phải biết rút cái cần quay hình chữ Z ra ngay, nếu không, nó sẽ 'đánh trả' lại 'què' cả tay?
 
- Ê Lép đổ nước mi!
  Thằng Lép liền dạ và vội xách cái bình chạy mau xuống vạt ruộng vừa cấy múc nước chêm vào bình làm mát máy.
- Ơi  Lép và… ê Lép... mau lên mi!?
Dáng hắn lom khom, nhanh nhảu cột hàng trên trần, lại trèo xuống. Bổn phận phụ tài, hắn rất cẩn thận vừa rồi đồng nghiệp với hắn cũng ét xe bị tai nạn rớt từ trên trần xuống đường, chết oan uổng. "Sinh nghề tử nghiệp" nhưng những đứa ét xe như thằng Lép lanh lẹ khó lòng mà 'rủi' như bạn hắn. Hắn thương thằng bạn cùng làng nhưng không vì rứa mà sợ phải bỏ nghề? Bỏ nghề lấy chi ăn? còn nuôi mạ giúp bọ dưới làng nữa?
 
Công việc của Lép là 'ÉT xe"‘ét xe’ thì ít khi có dịp đứng trong thùng xe ngoại trừ lúc xe ế khách.
Một tay níu một tay hắn đập thình thình vào thành xe để chú tài  nghe mà dừng cho khách xuống. Miệng hắn phải biết ra giá mỗi khi khách kỳ kèo:
- Vô Diên Sanh 15 đồng có đi khôông?
- Mười đồng thôi, răng mà mắt rứa!
- Thôi! mười hai đồng o khôông đi thì đợi xe sau!
 
Xe chạy một chút chi là đến ngã ba hơi quẹo phải là tiếp tục xa Lộ Đại Hàn, chếch về bên trái là con đường Quốc Lộ cũ hướng vào Diên Sanh năm trước. Nay đoạn này trở thành hoang phế do không còn xe chạy. Nhánh đường giờ trông 'teo tóp', cỏ hai bên đường tiếp tục lấn sâu vào. Những người ở Diên Sanh thì họ thương con đường cũ này. Họ nhớ đoạn qua Cầu Nhồng rồi Cồn Dê trước khi xe leo lên con dốc tới Quận trên một dốc đồi, xe hơi đổ dốc xuống xã Hải Thọ rồi đến Chợ Diên Sanh. Có con đường mới ít ai ghé chợ Diên Sanh nữa ngoại trừ người ở đây...
 
 
Con đường rẽ vào làng trước mặt con đường quốc lộ 1 cũ đi vô Cầu Nhồng. Những mảng nhựa đường mỏng, lổ đổ những hố lỏm trồi trụt; giờ để dân Long Hưng phơi lúa hay khoai khô mỗi lúc đến mùa.
 
Múi đầu đoạn đường mới này sẽ giã từ mấy vạt dương liễu xanh um hai thôn Đại Nại Long Hưng sẽ đi qua khoảng cát trống, đầy cây dứa dại, những mồ mả hoang vu. Bên phải lác đác những rú càn thưa thớt. Vài lùm cây phía phải con đường, nhìn lên hướng núi. Ít ai kêu xuống đoạn này; ngoại trừ ngã ba Diên Sanh; vùng đất mới mở, một khu dân cư mới. Nơi này chiếc xe hàng phải dừng cho cậu học trò và ông lão xuống. Họ phải đón xe lam về chợ Diên Sanh hay có tiền thì đi xe ôm. Mấy chú xe ôm đang ngồi chờ vài ba người khách lác đác. Mấy chú đợi mấy chiếc xe hàng dừng lại xem có ai không?
 
 
Thương về Quảng Trị cái thời rau trái Gio Linh, Nam Đông cùng những chiếc xe hàng Đông Hà – Quảng Trị lộc cộc thô sơ -Đây là hình ảnh chiếc xe hàng Đông hà – Quảng Trị mới rời Đông Hà khoảng cây số thì ghé bót kiểm soát bên phải đường. Chúng ta thấy hình ảnh một ông già đang gánh 'cái gì' đó bươn bả đi tới... đó là hai bó 'hom' sắn để về trồng chứ không phải củi
 
Mỗi lần xe dừng, thằng Lép phải trông đằng sau, hối thúc xe xuống nhanh để chạy cho kịp. Cái luật bến xe Nguyễn Hoàng, luật của Nghiệp Đoàn là xe tài sau mà bắt kịp xe tài trước thì về bến Nguyễn Hoàng Huế sẽ bị ghi phạt. Đây là luật lệ nghiệp đoàn để tránh trình trạng xe đi trước, không chịu chạy, cứ sa đà, lo thu gom 'hết khách' xe sau - tức nhiên là 'cướp cơm' xe khác. Nghĩ kỹ, vừa công bằng, vừa bắt tài xế phải lái nhanh, kịp thì giờ, không trễ nải.
 
Xa Lộ Đại Hàn vô tận Mỹ Chánh. Hơn hai mươi cây số, người dân Quảng trị, một thời, có được cảm giác êm ái từ con đường nhựa đổ dày, rộng rãi. Hình ảnh những đoàn "công voa" (convoy) quân đội chạy rầm rập, nối dài mấy cây số theo con đường độc đạo. Những vệt khói trắng dài như bất tận trên nền trời xanh của những chiếc B52. Một thời chiến tranh, những âm thanh, hình ảnh như con tồn đọng vơ vẩn trong đầu người dân Quảng Trị.

 
Những vệt khói trắng dài như bất tận trên nền trời xanh của những chiếc B52. Một thời chiến tranh, những âm thanh, hình ảnh như con tồn đọng vơ vẩn trong đầu người dân Quảng Trị.

Có những chiếc xe trong Huế ra, ngược chiều, chú tài đưa bàn tay ra làm dấu hiệu. Có thể giới tài xế ra dấu cho nhau tin tức đoạn đường phía trước ? Khách hai dãy ghế trước vẫn thiu thiu ngủ. Khách xuống nửa đường thì nơm nớp ngó ra canh chừng...
Tiếng bà chủ xe ở trong:
- Ai xuống Mỹ Chánh cho tiền xe nghe?
Khách sẽ trả tiền cho bà chủ xe những lúc gần đến. Tiếng trả giá lại một lần nữa, ì xèo, tiếng cằn nhằn, tiếng rên rỉ than mắc...

 


Khách đi xe như cậu học trò ở trọ hay ông lão, hai người vừa xuống ở cái ngã ba vắng vẻ rẽ về Diên Sanh.  Những người buôn chuyến, mấy chiếc gióng móc tạm sau xe, đang đong đưa, những cái 'đòn triêng' (đòn gánh) thì đã chuồi sâu dưới sàn xe, tha hồ cho những bàn chân giẫm đạp. Người vào tận bến xe Huế, ít ồn ào; họ ngồi đang 'ngủ gà ngủ gật', chờ xe hết chạy thì xem như đến nơi. Những 'ổ gà, ổ vịt' từng làm 'đau xe, đau lòng' người tài xế cũng biến mất theo mấy mươi cây số đoạn đường mới Xa Lộ Đại Hàn. Mọi người, từ chú tài thằng ét cho đến hành khách trên xe ai cũng ngầm cám ơn cái xa lộ mới, có tên Đại Hàn.  Một cảm giác nhường như 'tận hưởng' cho một đoạn đường chạy êm, niềm vui sướng hiếm hoi trên con đường quốc lộ, đoạn Quảng Trị - Huế.
 
Trời nắng chang chang, chiếc xe hàng Renault vẫn kiên trì 'rít' bánh trên mặt con đường nhựa đen, mới, bóng loáng. Luồng gió nóng, cát bốc cao đằng xa, trên vài trảng đất hoang vu, cằn cỗi.. Không khí lung linh trong mùa hè oi ả, đang thổi về những luồng ‘gió lửa Hạ Lào’. Trên hai hàng ghế trước, khách đi suốt Quảng Trị - Huế, trong giấc ngủ chập chờn, họ mơ màng nghe tiếng lao xao của bến xe Huế:
- Mè xửng đây chú?
- Anh ơi mua mè xửng khôông?
Khách ngồi hai hàng ghế đầu chợt choàng tỉnh. Họ lật đật xuống xe. Ngót sáu mươi cây số, từ ngoài Quảng Trị vô, khách về Huế mơ màng nghe lao xao, bao tiếng nói của người Quảng Trị.
 
Trong lộ trình thân quen, có một đoạn đường non hai mươi cây số giúp chiếc xe hàng chạy êm. Và sau giấc ngủ chập chờn, mệt mỏi, khách vẫn còn vấn vương chút gì trong đầu? Tiếng người Quảng Trị và một cảm giác nôn nao nào đó gom lại cho người vô lại Huế một chuyến hành trình khác lạ? Một chặng đường, tuy gần mà tưởng như xa, do khách vừa rời vùng Hỏa Tuyến để về lại chốn Cố Đô.
 
                                                                                      Đinh Hoa Lư 

Không có nhận xét nào: