BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

THAY LỜI KẾT TẬP SÁCH "HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO" - Đoàn Đức


          


 THAY LỜI KẾT TẬP SÁCH "HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO"
                                                                               Đoàn Đức

Thầy cô trường Nguyễn Hoàng rất có tình cảm và quan tâm đến học sinh, không phải chỉ ở trong nhà trường khi còn học, mà ngay cả sau này khi ra đời; gặp nhau trong quân trường, ra đơn vị quân đội, tại nhiệm sở công tác, cùng dạy tại một trường hay khi gặp khó khăn trong cuộc sống và trái lại học trò đối với thầy cô cũ cũng thế. Quý thầy cô đã thực hiện sứ mệnh cao cả của một người cầm phấn. Người xưa nói gặp gỡ nhau là có sẵn duyên, được làm thầy trò với nhau lại là cái duyên lớn của nhiều kiếp trước. Chính vì vậy những người học trò chúng tôi luôn tri ân thầy cô đã truyền thụ những kiến thức, dạy dỗ nên người và luôn cố gắng sống xứng đáng là người có học, có giáo dục để kế tục sự nghiệp của thầy cô bằng cách sống đạo đức, chân thật, có hiểu biết; đồng thời truyền thụ những gì mình học được cho thế hệ sau.
 
Với ý nghĩ đó, thoạt đầu Lê Mậu Minh khi chuẩn bị ra đặc san khóa 1967-1970 định đặt tên là Nguyễn Hoàng - Hoa Bất Tử. Đây là muốn nói đến tính truyền thừa và kế tục, là muốn nói những gì thầy cô dạy, không bao giờ mất, cũng bất tử như hình ảnh hoa Immortel, như nhân quả tiếp nối. Nhiều thầy cô không biết có thiên vị không khi nhận xét: “Học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị có tình cảm nồng ấm đối với thầy cô cũ hơn các học sinh trường khác ở Huế hay Đà Nẵng”. Tôi nghĩ ở những thành phố lớn học sinh cũng tôn sư trọng đạo, có điều nơi đó đầy đủ phương tiện học tập, từ sách vở trường lớp cho đến thầy cô, nên họ cảm thấy bình thường, họ như con nhà giàu cái gì cũng có đủ cả. Còn Quảng Trị thì điều kiện học tập trường lớp, sách vở, thầy cô lại thiếu thốn đủ bề, các học sinh chúng tôi như con nhà nghèo vậy; mà con nhà nghèo lúc nào cũng nghĩ nhiều đến công ơn cha mẹ. Lại nữa quý thầy cô khi ra trường, liền dạy ở Quảng Trị một thời gian, sau đó mới đổi đi tỉnh khác, nên tình cảm đầu đời luôn là đẹp nhất, giống như trong tình yêu, mối tình đầu có gì đâu nhưng bao giờ cũng đẹp hơn cả. Hơn thế nữa, ngày nay không còn ngôi trường cũ trên mảnh đất xưa, mất cả trường lẫn mất cả tên, có chăng chỉ còn lại trong ký ức hình ảnh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Chính điều này đã thôi thúc học sinh cũ dành hết tình cảm thân thương đến quý thầy cô cũ. Cho nên tình thầy trò vốn đã thắm thiết lại càng tha thiết hơn. Thôi thì, nói như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu: “Có Thầy ấy, thì có Trò ấy” (Hữu thị Sư, hữu thị Đệ). Học trò Nguyễn Hoàng đối với thầy cô cũ thân thiết và quý mến, như các anh chị ở nước ngoài đã hai lần mời các thầy cô cũ đến dự họp mặt liên trường ở Mỹ. Lần thứ nhất mời thầy Tuấn, thầy Hòa, thầy Sét, thầy Duyên…đích thân chị Nguyễn Thị Điều, dù bị tai nạn mất một cánh tay, đã hộ tống quý thầy đi bằng xe lăn, vừa dễ quán xuyến, vừa làm thủ tục nhanh. Khi đến nước Mỹ, các cựu học sinh Nguyễn Hoàng ra sân bay đón quý thầy đều ngỡ ngàng lo lắng trước một đoàn xe lăn: “Sao mà quý thầy sức khỏe ốm yếu đến thế, đến nỗi phải ngồi xe lăn”. Được chị Điều giải thích, ai cũng cười và khen là thông minh. Lần thứ hai họp cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Bắc Cali. Chị Điều mời cô Nhã, cô Thanh còn cựu học sinh khác mời cô Hoắc Hương. Cô Thanh ốm không đi được. Lúc phỏng vấn visa nhập cảnh, cô Nhã bị rớt vì họ thấy cô già yếu. Chị Điều ở Oklahoma, người lần trước mời thầy Tuấn, thầy Sét và đưa quý thầy đi, nóng ruột khi nghe tin này. Từ Mỹ gọi về, chị yêu cầu phải “make up” cho cô trẻ hơn và nhờ con cô cùng đi phỏng vấn lần hai để được chấp thuận, yêu cầu để cô ngồi xe lăn cho kịp “check in” tại phi trường quá cảnh và dễ dàng khi nhập cảnh tại Mỹ. Tôi gặp được quý thầy cô ở Huế sau hai chuyến đi, ai cũng cảm động đối với tấm lòng của các cựu HS Nguyễn Hoàng cả. Còn thêm chuyện vui nữa là khi chị Điều từ Mỹ về tái giá tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế, Thầy Hòa cô Tường Vy là chủ hôn chính thức đại diện cha mẹ. Thầy Tuấn, thầy Sét, thầy Tiêu, thầy Duyên, cô Nhã, cô Sa Đa là chú bác cô dì của nhà 73 gái, các bạn Thanh Nhàn, chị Xuân, chị Liên, chị Phú, Võ Thị Thúy, Soeur Để… cùng với Nguyễn Đăng Am, Đoàn Văn Tầm, Tuyết Mai+Phái, Nguyễn Nuôi là anh chị em họ nhà gái. Có đám cưới nào của học sinh Nguyễn Hoàng có nhiều ý nghĩa và vui như vậy không? Viết lại những kỷ niệm này, tôi không nhớ hết nguyên vẹn thời ấy. Nguyễn Hiến Lê có nói: “Ký tính của con người dù mạnh nhất, cũng không bằng nét mực nhạt nhất”. Ngày đó, tôi có giữ lại sách vở, bài tập đầy đủ. Nhưng phần lớn thất lạc trong chiến tranh, còn ngày nay dù trí nhớ còn tốt, nhưng cũng đã quên nhiều. Đỗ Tư Nghĩa trong bài viết “Nhớ nhớ, quên quên” là để tự tha thứ cho mình; nhưng Nguyễn Đình Hạnh thì khác, y bắt buộc dẫn chứng phải chính xác, câu chuyện phải có thật trừ những điều tế nhị không nên nói ra, vì người đọc thông qua tập sách để đánh giá kỷ niệm thực hay bịa chuyện. Tôi, vì vậy cố gắng hỏi lại bạn cũ bằng điện thoại khi các câu chuyện có liên quan đến họ để được xác nhận, tìm trên mạng các bài dịch, hay nguyên tác để so sánh với những bài đã học, đã được nghe giảng. Nhưng không vì thế mà những điều kể lại không sai sót, chỉ có điều chắc chắn đó là những sự kiện có thực “không có lửa sao có khói”. Những sự kiện dù mới xảy ra hôm qua, nay dù tường thuật hay dựng lại hiện trường giả cũng không chắc chính xác một trăm phần trăm như thu âm hay ghi hình ở thời điểm xảy ra. Kính mong quý thầy cô và các bạn thông cảm cười xòa.

                                                                                  Đoàn Đức

Không có nhận xét nào: