BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

LA GI, LAI LỊCH MỘT VÙNG ĐẤT - Phan Chính


              


     LA GI, LAI LỊCH MỘT VÙNG ĐẤT

       La Gi ngày xưa là phần đất nằm dọc bờ sông Dinh có dịch trạm Thuận Phước ở làng Phước Lộc, nằm trong hệ thống dịch trạm dưới triều Nguyễn trung hưng. Địa giới La Gi thời ấy bao trùm phần đất của các phường xã Phước Hội, Phước Lộc, Tân Thiện, Tân Phước, Tân An, Tân Bình, BìnhTân bây giờ… Khi thành lập huyện Hàm Tân (1916) do trụ sở huyện đặt tại làng Hàm Tân (trước đó thuộc tổng Đức Thắng, thổ huyện Tuy Lý- sau sáp nhập và đổi sang phủ Hàm Thuận thống hạt, tỉnh Bình Thuận) nên trở thành tên huyện. Cũng từ đó, lỵ sở huyện Hàm Tân nằm trên địa bàn làng Hàm Tân, tổng Phước Thắng, huyện Hàm Tân (từ năm 1910 đơn vị hành chánh Phủ và Huyện ngang nhau). Huyện Hàm Tân được thành lập gồm 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng không còn trực thuộc phủ Hàm Thuận. Tổng Phong Điền có địa giới từ phía tả ngạn sông Dinh kéo dài lên các làng Tam Tân, Hiệp Nghĩa, Phong Điền và Thạnh Mỹ,Văn Kê. Tổng Phước Thắng từ hữu ngạn sông Dinh, gồm các làng Hàm Tân, Phước Lộc (địa bàn La Gi) đến Cù My, Thắng Hải giáp với Xuyên Mộc.

       Quá trình hình thành dân cư ở La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, địa thế hẻo lánh, La Gi là nơi thu hút nhiều người dân miền Trung phiêu tán, tha phương cầu thực và không ít những người bất mãn chống đối nhà cầm quyền phong kiến địa phương về đây nương náu, khai phá, định cư lập nghiệp. Thuở đầu triều Nguyễn trung hưng, những xóm làng lần lượt mọc lên ở các cửa sông Tam Tân, La Gi nơi có đặt các dịch trạm như trạm Thuận Phước ở Phước Lộc, trạm Thuận Trình ở Tam Tân và trạm Thuận Lâm ở Khe Cả. Một nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Raglai, Châu Ro... từ phía Đông Di Linh di cư xuống vùng Suối Kiết, Bà Giêng, Sông Phan. Trước đó, đã có một nhóm người Chăm lánh nạn chiến tranh dạt về phía Nam, lập làng định cư ở Hiệp Nghĩa, Phò Trì. Năm 1867, khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, nhiều nhóm nghĩa binh, thường dân Nam bộ "tị địa" ra Bình Thuận đã dừng chân sinh sống tại La Gi.
        Năm 1877, doanh điền sứ Nguyễn Thông đã thân chinh về vùng đất hoang dã phía nam của tỉnh Bình Thuận rồi trình bức “nghĩ thỉnh thượng du khẩn sự nghi sớ” (Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du) có nhắc đến: “…thuyền đi lúc rạng đông từ cửa tấn LaDi nếu thuận gió xuôi buồm thì đến cửa biển Phan Thiết phủ Hàm Thuận vào giờ ngọ hoặc giờ mùi. Xin chọn đất ở xóm Hàm Tân dựng tạm một kho đồn điền khai khẩn, tính toán số gạo muối tiền thóc cần thiết rồi đem thuyền chở nộp cho tỉnh, thì chở đến kho tạm ở Hàm Tân rồi dùng thuyền đến đó chở đi cũng tiện”. Từ đó, với sức khai phá và tính cần cù, những người tứ xứ nói trên đã biến vùng đất màu mỡ này thành các làng mạc sầm uất.Có thể coi địa danh La Gi và Hàm Tân đã đồng hành suốt chiều dài lịch sử hình thành một vùng đất giàu sự tích cho đến hôm nay.
        Địa hình La Gi được thiên nhiên cấu tạo đa dạng gồm nhiều mỏm đồi thoai thoải, lượn sóng thấp dần theo hướng bắc nam tạo ra mạng lưới sông suối rải khắp đồng bằng ven biển. Sông lớn có sông Phan tên xưa là Ma Ly phát nguồn từ núi Tiên Tỉnh có phụ lưu từ núi Tà Cú nhập vào tại Cây Cốc - còn gọi là sông Đợt chảy ra cửa Ba Đăng (Tân Hải). Sông Dinh còn gọi là sông La Di từ nguồn Núi Ông chảy ra cửa biển La Gi và các con sông lưu lượng nhỏ như sông Kô Kiều, sông Trạm, sông Chùa ở Tân Thắng- Thắng Hải. Núi tương đối cao có núi Bể (874m) và núi Nhọn (570m). Ngày trước vốn rừng tự nhiên ở Hàm Tân (cũ) rất lớn, hầu như bao bọc cả huyện, tiếp giáp tận bờ biển và nối liền với rừng miền Đông Nam bộ. Ngày nay rừng La Gi/ Hàm Tân không còn các loại gỗ quí như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, bằng lăng, sao, dầu... và lâm sản dầu rái, lá buông, song mây là nguồn nguyên liệu phổ biến trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và cung ứng nhu cầu sửa chữa ghe thuyền.
         Sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, dưới chế độ VNCH có các đợt di dân lập ấp cư dân phát triển và khai thác bừa bãi, nên rừng bị đẩy lùi cạn kiệt, độ che phủ rất thấp. Động vật rừng ngày xưa có nhiều như voi, cọp, beo, nai, đỏ, khỉ và các loại chim, bò sát nhưng nay trở nên hiếm hoi. Đồng ruộng La Gi không rộng, địa hình lại bị chia cắt bởi những quả đồi lượn sóng có độ cao từ 50-190m, tạo ra những lòng chảo cục bộ, độ phì nghèo, khả năng bị rửa trôi lớn. Sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung ở hạ lưu các sông, suối xen kẽ theo chân núi, sườn đồi theo thời vụ, lệ thuộc nguồn nước mưa. Về hệ thống thủy lợi, những đập thời vụ có từ trước: Suối Dứa, Láng Đá với khoảng 6.500m kênh; nhưng kinh tế chủ yếu vẫn là thủy sản và dịch vụ du lịch. Ven biển La Gi/ Hàm Tân có Hồ Tôm (Tân Phước), Ba Đăng (Tân Hải), Hà Lãng (Tân Thắng) và nhiều ao, mặt nước có những điều kiện sinh thái tự nhiên rất thuận lợi cho việc khai thác nuôi tôm nước lợ và sản xuất muối với quy mô lớn. Đây cũng là tiềm năng kinh tế đáng kể của La Gi. Khoáng sản đa dạng về chủng loại như Ilmenit, ziacon, sỏi đỏ, cát trắng, than bùn, đá ốp lát (Núi Nhọn)... với trữ lượng tập trung, là nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xây dựng.
        La Gi có đặc điểm khí hậu, thủy văn khá điển hình, trữ lượng nước mặt cũng như nước ngầm không lớn, nên nông nghiệp chậm phát triển. Nhưng với bờ biển dài 28 km kéo dài từ Động Trắng -Tân Hải đến Cam Bình-Tân Phước, chiếm một phần ba chu vi toàn thị xã và lãnh hải rộng 13.000 km2. La Gi được coi có ưu thế về khai thác hải sản. Biển La Gi nằm trong khu vực thềm lục địa bằng phẳng thuộc hệ nhiệt đới, hội tụ bởi hai dòng nước chảy nóng lạnh, được tiếp nhận nhiều nguồn phù sa từ sông suối đổ ra tạo nên môi trường sinh sản phong phú cho các loài hải sản; ngư trường La Gi có nhiều bãi cá tôm, mật độ dày, đa dạng. Họ cá nục, cá cơm, cá chỉ, cá mối, cá thiều, cá ngừ chiếm tỷ lệ lớn trong sản lượng khai thác. Đặc biệt trữ lượng hải sản có giá trị kinh tế và chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như nục, tôm, sò, điệp, ốc hương phân bố dày ở độ sâu 6- 14 m, tạo nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Duy các loài cá có tính đặc trưng và sinh sản nhiều trước đây như cá mòi, cá bẹ, cá đỏ dạ, cá nục... dần dần không còn nữa.Từ các phương tiện đánh bắt thô sơ: Lưới bén, lưới rùng, câu tay, mành giã... ngư dân La Gi đã phát triển các thuyền nghề mành chà, lưới cảng, giã cào, vây rút chì quy mô lớn và năng suất cao.Quá trình xây dựng và phát triển, La Gi đã biết khai thác lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng biển, rừng, đất đai, khoáng sản, tạo nên những bước chuyển biến đáng kể, trong đó việc xác định đúng đắn ưu thế hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn đã mang lại những hiệu quả cao trong công nghiệp chế biến xuất khẩu.
         Những năm gần đây, diện mạo mới của La Gi về hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, văn hóa bắt đầu phát triển rõ rệt. Nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ sản xuất đời sống như thủy lợi, đường sá, lưới điện quốc gia, đài truyền thanh, trạm tiếp phát truyền hình, các khu văn hóa, công viên, trường học, bệnh viện... được đầu tư xây dựng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, đặc biệt từ nguồn đầu tư đa dạng từ doanh nghiệp tư nhân đã hòa nhập với nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Bình Thuận.
      Sau cách mạng tháng Tám 1945, La Gi/ Hàm Tân bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trở thành căn cứ địa của tỉnh Bình Thuận, mở ra một vùng chiến lược quan trọng có lúc kéo dài từ Hàm Kiệm, Tiến Lợi, Tân Thành đến Bình Châu, Thắng Hải. Đến năm 1954 được coi là thời kỳ khá ổn định của một địa bàn hậu phương, Hàm Tân (cũ) có 6 xã là Tân Phước, Bình Tân, Bà Giêng, Tân Hiệp, Hiệp Hòa, Văn Mỹ. Sau ngày ký kết Hiệp định Genève tháng 7/1954 và đến khi có sắc lệnh số 143 ngày 26/10/1956 của chế độ VNCH thành lập tỉnh Bình Tuy, lấy Hàm Tân-La Gi làm trung tâm bộ máy chính quyền gồm có 3 quận Hàm Tân, Hoài Đức và Tánh Linh. Quận Hàm Tân với hiện trạng như ngày nay gồm các xã Phước Hội, Bình Tân, Bà Giêng, Hiệp Hòa, Tân Hiệp, Văn Mỹ có dân số 68.422 người. Dưới chế độ cũ chưa bao giờ có đơn vị hành chính thị xã La Gi, chợ Cũ chợ Mới (tức Phước Lộc, Phước Hội) được gọi là thị trấn La Gi vì chiếm vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Bình Tuy và nằm trên địa bàn xã châu thành Phước Hội. Điều này thường gặp dưới chế độ VNCH, đơn vị hành chánh cấp Tỉnh, Quận là quận Châu thành, xã Châu thành.
         Trong kháng chiến chống Mỹ, do yêu cầu chỉ đạo phong trào cách mạng, về tổ chức cũng có sự thay đổi để phù hợp với tình hình của vùng bị tạm chiếm. Khi công cuộc giải phóng dân tộc miền Nam phát triển nhanh chóng đã đẩy đối phương vào thế co cụm và tiếp theo là làn sóng dồn dân từ các tỉnh miền Trung- Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị vào các khu khẩn hoang lập ấp với tên mới Nghĩa Tân, Bình Ngãi (Tân Nghĩa), Phúc Âm (Tân Minh), Đông Hà (Tân Hà), Động Đền (Tân Thiện, Sơn Mỹ)… Lúc này lực lượng cách mạng địa phương đã kiểm soát được địa bàn hành lang quốc lộ 1A từ Tà Mon đến Rừng Lá (Tân Minh) và tuyến đường tỉnh lộ 2 nên Tỉnh ủy Bình Tuy thành lập huyện Nghĩa Lộ (tháng 11/1973) gồm xã Bà Giêng và các khu định cư mới này. Huyện Nghĩa Lộ và thị uỷ La Gi chỉ kéo dài đến tháng 11/1975 thì chấm dứt, nhập thành huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải.
       Trong bối cảnh đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược qua các đợt di dân, di cư, La Gi lần lượt tiếp nhận hàng vạn người tứ xứ đến sinh sống làm ăn: 6.000 đồng bào công giáo miền Bắc di cư năm 1955, 5.000 Việt kiều từ Campuchia hồi hương năm 1970, khoảng 25.000 đồng bào Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam di dân năm 1973 theo kế hoạch lấn đất của chính quyền Sài Gòn, làm cho dân số La Gi tăng nhanh; năm 1975 đã có 68.422 người.
        Đến tháng 6/1982, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập huyện Hàm Thuận Nam, tách 3 xã Tân Lập, Tân Thuận, Tân Thành của huyện Hàm Tân và Hàm Tân còn lại 10 xã và thị trấn La Gi. Đầu năm 2004, chia tách thêm 3 xã Tân Phúc, Tân Đức, Sông Phan và thị trấn Tân Minh. Nghị định 114 (9.2005) của Thủ tướng Chính phủ thành lập thị xã La Gi với diện tích tự nhiên 18.282,64 ha và 112.558 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chánh trực thuộc là các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân Thiện, Tân An, Bình Tân và các xã Tân Phước, Tân Tiến, Tân Hải, Tân Bình. Như vậy huyện Hàm Tân còn lại có 72.952 ha và 70.515 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính là các xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Hà, Tân Nghĩa (nay là Thị trấn), Sông Phan, Tân Đức, Tân Phúc và thị trấn Tân Minh.
         Địa danh La Gi ngày nay có chiều dài lịch sử của một vùng đất giàu tiềm năng và truyền thống đấu tranh của dân tộc cùng với quá trình phát triển trong thời kỳ đổi mới xứng tầm với một thị xã mới là điều tất yếu. Những tên xã, tên làng ngày xưa qua các thời kỳ được đặt tên cho các xã, phường mới như một bước tiếp nối có ý nghĩa sâu sắc đối với các thế hệ sống trên vùng đất rất đỗi tự hào và cũng không ít thăng trầm ở đây.
         Cuối năm 2005, thị trấn La Gi và một số xã lân cận chính thức tách ra khỏi huyện Hàm Tân (cũ) trở thành thị xã trực thuộc tỉnh. Một đô thị mới ra đời với nhiều triển vọng mới.
                                                                                      Phan Chính

Không có nhận xét nào: