Họa sĩ trong quân ngũ

Những ngày cuối năm đó, trên biển Trường Sa những con sóng lớn luôn như muốn “vồ” lấy con thuyền, và gió luôn giật cấp 7 - cấp 8 khiến con thuyền chao đảo dữ dội. Điều này dường như không làm ông Lương Minh Vũ nản lòng. Nhà văn Lương Minh Vũ (SN 1957, quê Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), đang sinh sống tại TX.Lagi, tỉnh Bình Thuận. Đến nay đã xuất bản hai tác phẩm gồm 1 tập truyện ngắn và 1 tập thơ. Ông là một trong hai người lớn tuổi nhất chuyến đi, nhưng cũng là người có nhiều khát khao và mong muốn trong chuyến đi Trường Sa lần này. 


Cả chuyến đi, ngoài cán bộ thủy thủ đoàn, ông Vũ là người duy nhất luôn tỉnh táo. Ông khá thâm trầm, và chúng tôi thường để ý thấy ông hay đứng ở phía hành lang tàu, suy nghĩ rất lâu đến nỗi điếu thuốc lá kẹp ở kẽ hai ngón tay đã cháy khét tự bao giờ.

Không muốn làm đứt mạch suy nghĩ của ông, chúng tôi phải đợi tới cơ hội khi ông nằm nghỉ ngơi bên chiếc võng được vắt ngang giường để có được cuộc trao đổi với ông. Ông Vũ chia sẻ mục đích chuyến đi này: Được ra thăm các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa là mong ước thường xuyên của tôi, bây giờ tuổi tôi đã lớn, gia đình con cái đã đề huề thì những năm tháng này là cơ hội cho tôi được thỏa mãn mong ước này - ông Vũ chia sẻ. 

Từng là một người lính biển, ông Vũ tìm về với biển Trường Sa cũng là tìm về với ký ức một thời lênh đênh trên biển, để chiêm nghiệm, chắt lọc, chuẩn bị cho ra đời tập bút ký mang tên “Diệu vợi Trường Sa”. Ông cắt nghĩa: “Diệu vợi” ở đây là tôi muốn nói tới mảnh đất ruột thịt Trường Sa cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng quá gần gũi và thân thuộc, xa là vậy nhưng Trường Sa luôn ở trong suy nghĩ của mọi người Việt - Đó là điều tôi cảm nhận được khi ở đất liền và ở ngay đây - trên chuyến tàu HQ 571 này - ông Vũ nhấn mạnh.


Họa sĩ Lương Minh Vũ đang ký họa chân dung cho chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài B.

Ra Trường Sa là để tìm cái “hồn” cho tác phẩm bút ký của mình, nhưng việc chính của ông không phải vì mục đích cá nhân, ông Vũ ra với một mong muốn được đóng góp một phần công sức của mình để tạo thêm niềm vui, động lực cho các cán bộ chiến sĩ sinh sống tại Trường Sa. 

Cách ông đóng góp cũng đúng với nghề nghiệp của mình - ông vẽ tranh ký họa miễn phí cho các lính đảo. Ông Vũ chia sẻ: Tôi là người có chút năng khiếu nghệ thuật, nhưng không hề được học vẽ qua bất kỳ trường lớp nào, những kỹ năng hội họa mà tôi có được hiện nay là đều nhờ sự học hỏi trong suốt 6 năm tôi trong quân ngũ, được các anh hướng dẫn và tôi cứ thế tự mày mò học hỏi thêm.


“Món quà nhỏ” nơi đảo xa

Ở mỗi hòn đảo được đặt chân đến, việc đầu tiên ông Vũ làm là tìm tới các chiến sĩ trên đảo, để hỏi thăm sức khỏe và sau đó là đặt vấn đề muốn được vẽ ký họa chân dung miễn phí cho những người lính đảo còn khá trẻ tuổi này. “Ban đầu, các chiến sĩ rất bất ngờ với lời đề nghị của tôi, vì chưa ai làm như thế cả, nhưng sau khi tôi thực hiện bức ký họa xong thì họ đều rất xúc động và cám ơn tôi!” - ông Vũ chia sẻ.

Chỉ với một cây viết mực, một xấp giấy A4, ông Vũ đã vẽ cả trăm bức ký họa chân dung cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa, sau mỗi bức được vẽ ra, ông đều chụp hình lại để làm kỷ niệm, viết vài dòng ký tặng dưới mỗi bức họa đó. Vì vậy, sau khi vẽ ký họa cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa, nhiều chiến sĩ khác ở trên tàu HQ 571 cũng xin được họa sĩ Vũ “cho một bức họa” để làm kỷ niệm cho chuyến đi Trường Sa. 

Đối với những chiến sĩ, đó thực sự là một món quà ý nghĩa. Chiến sĩ Nguyễn Văn Chiều - đảo Thuyền Chài B - cho biết: Với bức ký họa chân dung vẽ tôi rất có “thần khí” như thế này, tôi sẽ ép khung và làm quà gửi con gái ở quê nhà.

Ở mỗi đảo chúng tôi đặt chân đến, họa sĩ Vũ đều tập trung thực hiện mục đích của mình - vẽ ký họa cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên mỗi đảo. Điều này khiến nhiều chiến sĩ cảm thấy khá bất ngờ và vui vẻ. “Tôi muốn được vẽ ký họa cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ ở nơi tôi đặt chân đến. Mong muốn của tôi là muốn góp một chút khả năng của mình để tạo thêm động lực và tinh thần cho các cháu xả thân hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tại cụm đảo phía nam của quần đảo Trường Sa, từ Trường Sa Đông, Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông, An Bang, Thuyền Chài… họa sĩ Vũ đều vẽ chân dung cho các lính đảo khi có điều kiện. Nhiều lúc để tranh thủ thời gian, khi cả đoàn công tác đang tranh thủ nghỉ trưa để chiều về lại tàu thì họa sĩ Vũ lại tìm tới các chiến sĩ để tâm tình và để vẽ ký họa. 


            
             
                    
   Lương Minh Vũ (bìa phải) đang ký họa
      Chiến sĩ hải quân bên người bạn - chim cu gáy giữa biển khơi.(bìa trái)
                                                                           Ảnh: Tuấn Nguyễn 


Tuy nhiên, để vẽ được một bức ký họa chân dung cũng không phải chuyện dễ dàng. Để lên được một hòn đảo chìm, chúng tôi phải xuống thuyền, lên một ca-nô để sang đảo. “Từ đảo Đá Lát, chiếc ca-nô cứ lao vào giữa cơn sóng dữ, nước hắt thẳng vào mặt, vào người. 


Trời lại đang mưa. Mọi người cứ ôm đầu chịu trận. Khi lên đảo tất cả đều ướt sũng. Cũng không cần thay đổi vì chỉ vài giờ, lại xuống ca-nô ra lại tàu nên cánh phóng viên để nguyên quần áo ướt mà tác nghiệp. Phần tôi, có ý định làm vài cái ký họa trên đảo mà tay chân cứ tê cóng, lạnh run. Cuối cùng, khi sắp tới đảo, tôi thấy một cậu lính trẻ, ngồi bên cửa sổ, nâng niu lồng chim cu gáy. Một hình ảnh quá đẹp, tôi vội vàng ký họa. Vậy mà cũng không đạt yêu cầu” - ông Vũ cười nói.

Đối với ông Vũ, do điều kiện thời gian ngắn ngủi, không vẽ hết được chân dung các chiến sĩ, nhưng ông cũng kịp ghi lại trong đầu những bức “ký họa” đẹp về các chiến sĩ. Đó là 2 tân binh Nguyễn Hữu Hoàng (quê Bình Thuận) và Vũ Ân Chi Bảo (quê TPHCM) trên cùng chuyến tàu HQ 571 để ra đảo. 


                   Bức ký họa chân dung chiến sĩ tân binh của họa sĩ Lương Minh Vũ Ảnh: Tuấn Nguyễn
           Bức ký hoạ chân dung chiến sĩ tân binh của hoạ sĩ Lương Minh Vũ.
                                                                  Ảnh : Tuấn Nguyễn


Đó là trung tá Đỗ Xuân Vạn - trợ lý cán bộ Lữ đoàn 146, quê tận Diễn Châu, Nghệ An - có 50 tuổi đời nhưng đã có hơn 30 tuổi quân. Đó là “anh nuôi”, bếp trưởng - đại úy Vũ Xuân Thuân và bếp phó - trung úy Hoàng Như Thảo, lúc nào cũng phải lo hàng trăm suất ăn cho cả tàu. Đó là khuôn mặt của hơn 70 bức ký họa chân dung mà ông Vũ vẽ được trong cuộc hành trình bằng một niềm hứng khởi và hạnh phúc miên man - ông Vũ cho biết.
Nhưng hơi ấm từ đất liền tới Trường Sa chưa dừng ở đó, trung tá Đỗ Xuân Vạn - người dẫn chúng tôi trong suốt hải trình - chia sẻ: Ở mỗi hòn đảo nơi ông Vũ đến, hay trên chuyến tàu HQ 571, tất cả chúng tôi đều cảm thấy được sự gần gũi của người họa sĩ già này, ông không chỉ ký họa cho các chiến sĩ trên đảo, mà cả các chiến sĩ trên tàu, nhà báo, nghệ sĩ nào có nhu cầu, ông Vũ đều rất nhiệt tình. 

Thiếu tá Đỗ Mạnh Quỳnh - Đảo trưởng đảo Đá Tây - chia sẻ: Chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm từ đất liền, mỗi người đều có cách thể hiện khác nhau, có người thì mua lưới, lưỡi câu để các chiến sĩ đánh bắt cá cải thiện bữa ăn, nhưng cách cổ vũ tinh thần chiến sĩ của họa sĩ Vũ thì rất đặc biệt là tạo được sự ảnh hưởng. Đó thực sự là một món quà tinh thần ý nghĩa giúp các chiến sĩ có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.