BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

LIÊU TRAI CẢM TÁC - Thơ La Thụy






LIÊU TRAI CẢM TÁC
"Cô vọng ngôn chi, cô thính chi"
          VƯƠNG NGƯ DƯƠNG

Chiêu niệm hồn hoa chờ hiển linh
Hay là em hát khúc vong tình
Trăng xưa tròn khuyết trời còn thắm ?
Hạc cũ tụ tan đất có xinh !
Một phút tâm đầu mơ dáng bướm
Ngàn năm ý hợp mộng hình tinh
Sao khuya chếch bóng soi hoài vọng
Lãng đãng vàng gieo rợn nét trinh

                           La Thụy         

14 nhận xét:

Phuợng Tím nói...

Món thơ Đường nầy biết là hay nhưng mà PT chịu thua. Tượng thanh, tượng hình và ý tứ gom vào trong tám câu lại còn phải đối nữa!.Đọc bài thơ có cảm giác rờn rợn thì tác giả đã thành công lắm rồi.
Sau nầy có một bài thơ Đường nổi tiếng của Vũ Hòang Chương không có đối mà rất lãng mạn, không còn hình thức ước lệ gò bó PT Chép ra cho thầy đọc nha:Bài thơ NGHE HÁT.

Phách ngọc, đàn say nệm gối êm
Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm
Canh khuya đưa khách lời reo ngọc.
Mơ gái tầm dương thỏang áo xiêm
Ai lạ ngàn thu xa tám cõi
Sen vàng như động phía châu liêm
Nao nao khói biếc hài thương nữ
Trở gối hoa lê rụng trắng thềm.

Bâng Khuâng nói...

Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng là những thi sĩ làm những bài thơ thất ngôn bát cú nhưng không phải là thơ Đường luật thì tuyệt cú mèo rồi!
Chúc vui nhé!

[img]http://hipish.free.fr/category/good_night/good_night_26.gif[/img]

Unknown nói...

Anhduc sang thăm thay do đây chúc một ngày mới thật vui anh nhé

Bâng Khuâng nói...

Rất vui khi bạn ghé thăm. Uống cà phê và đàm đạo nhé!

[img]http://img.photo.yume.vn/wall/20130415/thaydo09/thumbnail/381x302/1366002827_cphhoanhc.gif[/img]

Clover nói...

Thơ Đường hay quá Thầy ạ...Kính chúc Thầy nghỉ lễ thật vui!:)

Clover nói...

ẢO VỌNG
--------------
Ước nguyện tình duyên chẳng hiển linh
Người đi còn đó những chân tình
Dư âm vẫn đấy vờn hương thắm
Kí ức hoài vương giấc mơ xinh
Đoản khúc tình ngân sầu bến vắng
Đôi dòng lắng đọng mộng hình tinh
Đêm côi tĩnh lặng hồn giá lạnh
Ảo vọng môi nồng nét đoan trinh.
---------
Nương vần thơ của Thầy, Clover làm bài thơ này tặng cho entrry :Người Mẹ Ảo của anh SONGDAIDUONG.HVT, thầy xem giúp Clover có ổn không Thầy nhé...:)

Bâng Khuâng nói...

Thơ Clover khá hay! Thơ Đường luật khó nhất là đối cho chỉnh, khi họa vận không lặp lại các chữ đứng trước vần của bài xướng (chẳng hạn HIỂN linh, HÌNH tinh). Đang bận, rảnh mình sẽ bàn bạc với Clover sau nhé. Chúc vui!

Bâng Khuâng nói...

Chúc Clover ngày cuối tuần vui tràn trề nhé!

Clover nói...

Cám ơn Thầy đã giúp em hiểu thêm một số kiến thức nữa về thơ Đường luật, thật lòng thì em thấy thích vần điệu Thầy gieo nên nương vần làm theo thôi ạ...Kính chúc Thầy tuần mới vui nhiều và công tác tốt ạ!:)

Bâng Khuâng nói...

Mình chép đoạn văn này trên Wipedia để clover xem nhé:

Thơ Đường luật hay Thơ luật Đường là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ đời nhà Đường, Trung Quốc. Thơ Đường luật gọi là thơ cận thể để đối lập với thơ cổ thể, không theo cách luật ấy.
Vì giáo dục, thi cử... đều bằng tiếng Hán, nên từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng tiếng Hán, trong đó có thơ theo luật Đường.
Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, là sự kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc Việt.
Thể loại thơ này của Việt Nam kéo dài từ thời nhà Trần cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Kể từ phong trào Thơ Mới trở đi, số người trong nước làm luật thi đã bị giảm đi đáng kể.
Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp được thể hiện ở 5 điều nghiêm khắc sau: Luật, niêm, vần, đối và bố cục. Về hình thức, thơ Đường luật có các dạng "thất ngôn bát cú" (tám câu, mỗi câu bảy chữ) được xem là dạng chuẩn, biến thể có các dạng: "thất ngôn tứ tuyệt" (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), "ngũ ngôn tứ tuyệt" (bốn câu, mỗi câu năm chữ), "ngũ ngôn bát cú" (tám câu, mỗi câu năm chữ) cũng như các dạng ít phổ biến khác. Người Việt Nam cũng tuân thủ hoàn toàn các quy tắc này.

ĐỐI ÂM (Luật bằng trắc):
Luật thơ Đường căn cứ trên thanh bằng và thanh trắc, và dùng các chữ thứ 2-4-6 và 7 trong một câu thơ để xây dựng luật. Thanh bằng gồm các chữ có dấu huyền hay không dấu; thanh trắc gồm các dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng.
Nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có "luật bằng"; nếu chữ thứ 2 câu đầu dùng thanh trắc thì gọi là bài có "luật trắc". Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, và chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Ví dụ, nếu chữ thứ 2 và 6 là thanh bằng thì chữ thứ 4 phải dùng thanh trắc, hay ngược lại. Nếu một câu thơ Đường mà không theo quy định này thì được gọi "thất luật"

ĐỐI Ý:
Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải "đối" nhau và hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) nhưng bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Đối chữ; danh từ đối danh từ, động từ đối động từ. Đối cảnh; trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh... Nếu một bài thơ Đường mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì bị gọi "thất đối".

NIÊM:
Các câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật thì được gọi là "những câu niêm với nhau" (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ suất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là "thất niêm".
Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau:
câu 1 niêm với câu 8
câu 2 niêm với câu 3
câu 4 niêm với câu 5
câu 6 niêm với câu 7


VẦN:
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là "vần với nhau". Nếu một bài thơ Đường mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi "thất vận".
Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông". Hầu hết thơ Đường dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ.

Bâng Khuâng nói...

BỐ CỤC:
Bố cục một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật theo truyền thống thường được chia gồm 4 phần: Đề, Thực (hoặc Trạng), Luận, Kết. "Đề" gồm 2 câu đầu trong đó câu đầu tiên gọi là câu phá đề, câu thứ 2 gọi là câu thừa đề, chuyển tiếp ý để đi vào phần sau. "Thực" gồm 2 câu tiếp theo, giải thích rõ ý đầu bài. "Luận" gồm 2 câu tiếp theo nữa, bình luận 2 câu thực. "Kết" là 2 câu cuối, kết thúc ý toàn bài, trong đó câu số 7 là câu "thúc" (hay "chuyển") và câu cuối là "hợp".
Có người cho rằng Hai câu đề giới thiệu về thời gian, không gian, sự vật, sviệc. Hai câu thực trình bày, mô tả sự vật, sự việc. Hai câu luận diễn tả suy nghĩ, thái độ, cảm xúc về sự vật, hiện tượng. Hai câu kết khải quát toàn bộ nội dung bài theo hướng mở rộng và nâng cao
Thơ thất Ngôn Bát Cú có luật lệ gò bó khó làm nhất nhưng chính điều đó lại được người xưa ưa thích nhất, thường dùng để bày tỏ tình cảm ý chí, ngâm vịnh, xướng họa... Và trong tất cả các kỳ thi xưa đều bắt thí sinh phải làm.

MỘT SỐ DẠNG THƠ ĐƯỜNG LUẬT:

Thất ngôn bát cú
Đó là thơ Đường chuẩn luật, gồm có 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Hai câu đầu là 2 câu đề (đặt vấn đề mà bài thơ đó nói tới). Hai câu tiếp theo là hai câu thực (tả hoặc nói thực về vấn đề đó). Hai câu sau đó là 2 câu luận (bàn luận về vấn đề đó). Cuối cùng là 2 câu kết (kết luận vấn đề)
Nếu tách ra từng cặp một thì chúng có thể thành những cặp câu đối riêng biệt.
Ngoài dạng thơ Đường chuẩn luật là "thất ngôn bát cú" còn có các biến thể sau:

Thất ngôn tứ tuyệt
Thực chất là một bài "thất ngôn bát cú" đem bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối. Luật bằng trắc và niêm, vần... vẫn giữ nguyên, có thể bỏ luật đối ở hai câu 3, 4 hoặc 5, 6. Lúc này nó sẽ thành một bài thơ "bốn câu ba vần" mà Nguyễn Du đã nhắc trong truyện Kiều.

Ngũ ngôn tứ tuyệt
Thực chất là bài thất ngôn tứ tuyệt đem bỏ đi hai chữ đầu ở mỗi câu; các chữ còn lại vẫn giữ nguyên luật bằng trắc, niêm và vần.

Ngũ ngôn bát cú
Cũng là từ bài thất ngôn bát cú bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu mà thành, luật bằng trắc, niêm và vần ở các chữ còn lại vẫn giữ nguyên.

Yết hậu
Yết Hậu (yết: nghỉ; hậu: sau) là lối thơ có ba câu trên đủ chữ, còn câu cuối cùng chỉ có một chữ.

Ví dụ:

Lươn
Cứ nghĩ rằng mình ngắn,
Ai ngờ cũng dài đường.
Thế mà còn chê trạch:
Lươn!
Vô Danh

Clover nói...

Clover cám ơn Thầy thật nhiều, Clover sẽ nghiên cứu để hiểu sâu hơn về thơ Đường luật ạ. Kính chúc Thầy những ngày nghỉ lễ thật vui bên người thân Thầy nhé!:)

Clover nói...

ẢO VỌNG
--------------
Ước nguyện chung đường chẳng ứng linh
Người đi còn đó những chân tình
Dư âm vẫn đấy vờn hương thắm
Kí ức hoài vương giấc mơ xinh
Đoản khúc tình ngân sầu bến vắng
Đôi dòng lắng đọng mộng thành tinh
Đêm côi tĩnh lặng hồn giá lạnh
Ảo vọng môi nồng nét đoan trinh.
------
Clover đã sửa lại để chữ đứng trước vần không lặp lại với bài xướng của Thầy, còn đối cho chỉnh thì quả là thật khó với Clover Thầy ạ...:)

Bâng Khuâng nói...

Clover xem có nên chỉnh lại để không bị thất niêm, thất luật và đối được chuẩn hơn không nhỉ?


Ước nguyện chung đường chẳng ứng linh
Người đi còn đó những chân tình
Dư âm đồng vọng vờn hương thắm
Ký ức hoài vương ủ mộng xinh
Đoản khúc tình ngân sầu bến vắng
Trường đình liễu rũ rợn hồ tinh
Đêm côi tĩnh lặng hồn hoang lạnh
Ảo vọng môi hồng nét diễm trinh

* Trường đình : Trạm, quán tiễn đưa