BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

MÁU LOÀI ĐỘNG VẬT CÓ GIÁ ĐẮT ĐỎ NHẤT THẾ GIỚI - Nguyễn Thanh Điệp

Có giá lên tới gần 20.000 USD/lít, đây là loài động vật có máu đắt đỏ nhất trên thế giới hiện nay. Nuôi con vật này lấy máu là một trong những ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia.




MÁU LOÀI ĐỘNG VẬT CÓ GIÁ ĐẮT ĐỎ NHẤT THẾ GIỚI

Có giá lên tới gần 20.000 USD/lít, sam là loài động vật có máu đắt đỏ nhất trên thế giới hiện nay. Nuôi sam lấy máu là một trong những ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia.


Các nhà khoa học phát hiện máu của loài sam có tác dụng vô hiệu hóa vi khuẩn độc hại. Sam biển không có hệ miễn dịch nhưng có một cơ chế phòng vệ đặc biệt để chống vi khuẩn. Khi đối mặt vi khuẩn độc hại, tế bào amip trong máu sam phát hiện và làm tê liệt, không cho chúng lây lan.


Khác với nhiều loài động vật sống trên cạn, máu sam biển có màu xanh, do thành phần hóa học trong máu quy định. Người ta chỉ khai thác mỗi con sam khoảng 30% máu trong cơ thể. Sau khi lấy máu, sam được đưa lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi.


Theo "Sách đỏ IUCN", loài sam đã xuất hiện trên Trái Đất từ khoảng 450 triệu năm trước. Đây là một trong những sinh vật cổ xưa nhất từng xuất hiện trên Trái Đất vẫn còn tồn tại, được các nhà khoa học gọi là “hóa thạch sống”. Dù đã xuất hiện từ thời tiền sử, hình hài của chúng, đến nay, không có sự thay đổi so với hàng trăm triệu năm trước.


Thức ăn của sam rất đa dạng, từ loài sinh vật nhỏ bé như cua, ốc, động vật thân mềm đến những loài tảo biển và sinh vật bị thối rữa. Chân của sam có gai lồi ra dùng để nghiền và xé thức ăn, đưa vào miệng.


Sam là loài vật đẻ trứng. Con mới nở chưa có đuôi, vỏ rất mềm. Kích cỡ trung bình của sam biển trưởng thành từ 30-60 cm. Trong quá trình lớn lên, sam lột xác khoảng 20 lần.


                                                                          Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn:
https://zingnews.vn/loai-dong-vat-co-4-mat-moi-lit-mau-gia-gan-20000-usd-post1002018.html



THÁNG TƯ... XA MÃI !!! - Thơ Lý Hạ Liên


     
                       Nhà thơ Lý Hạ Liên


THÁNG TƯ... XA MÃI !!!

Tháng Tư Hạ đến lay rèm
Gọi mùa điệp nở vườn thêm nhớ người

Giọt buồn mòn mỏi con ngươi
Cho mưa ngâu tới cho vơi khóc thầm

Mưa về ướt bụi lá răm
Nhớ thương bữa ấy đêm nằm nỉ non

Ví dầu tình Bậu sắt son
Trăm năm biển cạn trăng mòn sá chi

Ta về buông mảnh tình si
Vườn xưa bóng cũ xuân thì rã tan

Nhìn vầng trăng khuyết đa mang
Nhìn ta trên vách dã tràng ngày vui

Tháng Tư về có ngậm ngùi ?
Bậu xa ta nhớ ngủ vùi cho quên

Lệ buồn ta một mình ên
Cố quên lại nhớ gọi tên Bậu à !!!

                             Lý Hạ Liên
                              28.4.2020

CHUYỆN THÁNG TƯ QUÊ TÔI - Thơ Nguyên Lạc


      
                  Nhà thơ Nguyên Lạc



         CHUYỆN THÁNG TƯ QUÊ TÔI
        (Gởi Trần Phù Thế - Hậu Thạnh, Đại Ngãi, Hậu Giang)

"Ai muốn chép công ta chép oán,
Công riêng ai đó oán ta chung"
                       (Vô danh thị)

I. MỘT THỜI EM TÔI

"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê"
                                                   (Ca dao)

Nhánh lục bình trổ chùm bông tím biếc
Vướng bãi bùn khóc dòng xiết trôi xa!
Con thòi lòi trố mắt nhìn thương tiếc
Bỗng giật mình trái bần rụng chiều tà

Người về đâu lệ lưng tròng rưng rức
Bỏ lại sau bờ bến khói sương và...
Xuôi về đâu chiều bóng ngả bờ xa?
Buồn con nước bìm bịp kêu đôi tiếng!

Người năm cũ đâu còn áo lụa!
Trên dòng kinh bờ lở bờ bồi
Đôi mái chèo cùng đứa con côi
Vạt tóc khét lưng còng đời cô phụ!

Người năm cũ đâu còn cười nụ
Bên dòng đời khóc nỗi tàn phai!
Người "chinh phu" trên ngàn đẵn gỗ [*]
Ngày khổ sai lệ đổ đêm dài!

Ai gây chi oan khiên dâu bể?
Để em tôi cơ khổ phận người!
Để héo hon tuổi mộng đôi mươi
Trang đài cũ tả tơi cùng năm tháng!

Tháng Tư chi?
Nhân sinh đầy khổ nạn
Ký ức ơi!
Chứng tích đến khi nào?
Làm cách gì?
Biết làm sao?
Ai níu được mây trắng bay... bay...
Mãi...!

.........

[*] Trại "cải tạo"

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai?!
(Ba năm trấn thủ lưu đồn - Khuyết danh)

GIỚI THIỆU TẬP THƠ “CHA KHÓC CON” CỦA PHẠM NGỌC THÁI



Trong nỗi đau tột cùng một người cha về cái chết của đứa con trai bị đột quị mới 27 tuổi đầu! Những ngày tháng đó, tôi cứ miên man viết những dòng thơ khóc xót xa con đầy máu và nước mắt ! Rồi xuất bản riêng cho con một thi phẩm - Đó chính là tập thơ “Cha khóc con”, Nxb Hồng Đức 2020.

HOÀNG TRÚC LY (1933-1983): HÀNH TRÌNH PHIÊU BẠT CỦA MỘT THIÊN TÀI THI CA - Phan Bá Thụy Dương

Nguồn:
https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn1ntnqn4n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

              


HOÀNG TRÚC LY (1933-1983): HÀNH TRÌNH PHIÊU BẠT CỦA MỘT THIÊN TÀI THI CA
                                                              Phan Bá Thụy Dương

Nhiều người chỉ biết Hoàng Trúc Ly qua những bài thơ đăng trên các báo, các tạp chí từ 1955 và về sau là thi tập duy nhất: Trong Cơn Yêu Dấu của anh, do nhà xuất bản Hướng Dương trên đương Lê Lợi ấn hành năm 1963, do họa sĩ Trịnh Cung vẽ bìa. Tác phẩm thi ca này còn khiêm nhường hơn nhiều so với số trang trong tập thơ Bi Ca của Hoài Thương – người phụ trách trang thơ của bán nguyệt san Thời Nay phát hành một năm trước TCYD chỉ vỏn vẹn có 38 trang với 22 bài thơ in trên khổ giấy lớn 21×25.
Còn về sách, theo tôi, chỉ riêng trong năm 1967 anh đã cho ấn hành – ít nhất, 2 tác phẩm văn là Tiếng Hát Lang ThangHuyền Sử Một Kiếp Hoa. Ở hải ngoại tôi còn biết một tác phẩm khác của anh là cuốn Trạng Quỳnh cũng đã được một nhà xuất bản ở Houston – TX in lại vào năm 1984. Chưa kể những tập truyện cổ tích, truyền kỳ, sách thiếu nhi… hấp dẫn, luôn lối cuốn đọc giả do các chủ nhà in người Tàu cho phát hành từng kỳ hàng tuần trong thập niên 60 và đầu 70.

             

MỪNG NGÀNH Y TẾ TIÊU TRỪ DỊCH BỆNH - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


     


CHÚC MỪNG CHIẾN SĨ TIÊU TRỪ DỊCH
CẢM TẠ NGÀNH Y CHỮA KHỎI NGƯỜI
                           (Thtk)

CHÚC tụng đoàn quân quá tuyệt vời !
MỪNG ngày thắng trận, thắng nhiều nơi
CHIẾN trường quyết liệt tan dòng Vít…[1]
SĨ bác kiên tâm trị những thời…[2]
TIÊU cảnh vi trùng gây đại dịch
TRỪ 'ma' Vũ Hán hại nhân loài
DỊCH tàn cả nước bình yên khỏe!
CẢM TẠ NGÀNH Y CHỮA KHỎI NGƯỜI.[3]

Đức Hạnh
20 04 2020

[1] Codid- 19
[2] Những giai đoạn bệnh trở nặng…
[3] Cập nhật lúc 13h00 ngày 20-4-2020:
Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19.
Đến 11h ngày 20/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 207 người đã được chữa khỏi.


BÀI HỌA:


CHÚC MỪNG CHIẾN SĨ TIÊU TRỪ DỊCH
CẢM GƯƠNG TỪ MẪU CỨU MUÔN NGƯỜI
                   (Dĩ đề vi thủ)

CHÚC nhau đừng để nghĩa xa rời
MỪNG sớm vơi sầu tủi khắp nơi
CHIẾN trận can trường, nhân mẫn thế
SĨ trung dũng liệt, đạo ưu thời
TIÊU trùng cô vít - nòi ma mị
TRỪ khuẩn rô na - giống lạc loài
DỊCH nạn triệt tan, bừng sự sống
CẢM GƯƠNG TỪ MẪU CỨU MUÔN NGƯỜI!

Nguyễn Huy Khôi
20 04 2020

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

VỀ NHÀ - Đinh Hoa Lư


                  
                                 Tác giả Đinh Hoa Lư
         

        VỀ NHÀ

         (Phần cuối “Hồi Ký Ra Trại” của Đinh Hoa Lư)

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về
                                          (Ngày Trở Về / Phạm Duy)


Chiếc xe chạy khá nhanh, nó kiếm thêm một số khách kha khá trên đường vào. Hành lang giữa xe chật cứng. Cũng may tôi ngồi cuối cùng chỉ chờ lơ xe kêu xuống Ngã Ba Bốn Sáu chặng Rừng Lá thôi nên chẳng di chuyển làm gì. Người ngồi ép vào nhau, cổ nghểnh cao tìm khoảng trống để thở. Tôi cảm thấy thoải mái khi 'an phận' và nhờ lên xe trước. 


Phụ lái xe lấy 'ngon ơ' của tôi đúng một trăm đồng xong bỏ vào túi, tôi chẳng thắc mắc gì thêm. Chuyện tiền nong của anh ta với tài xế không liên quan gì tôi. Tôi lại âm thầm 'cám ơn' cái ghế 'súp' hiếm hoi do anh ta dành cho tôi lúc xe vừa rời Bến Nguyễn Hoàng.

Chiếc xe khách chạy nắp theo bờ biển. Hình như ngang bờ biển Ninh Chữ? Hoang sơ với làn nước xanh mấp mé theo quốc lộ. Bao hòn đá chập chùng, những vũng nước biển rong leo lẻo. Xa xa sóng đánh vào đá nước tung lên trắng xoá. Ngoài khơi hoang vu không thấy bóng thuyền.

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

MƯA THÁNG TƯ - Thơ Đoàn Giang Đông


    


MƯA THÁNG TƯ

Trời tháng tư sao mà mưa lạnh thế.!
Hạ đã về vẫn cứ thấy âm u
Cơn mưa đến làm phiền bao đồng lúa
Đợi một ngày quang tạnh hết mây mù

Đầu Hạ rồi đang ngồi chờ giọt nắng
Nắng ban mai rọi xuống má em hồng
Như ngày đó bên thềm ngày xa vắng
Ta nhớ em tìm giọt nắng Mùa Đông

Đêm nằm nghe ngoài vườn mưa rả rích
Ta chạnh lòng một thuở áo thư sinh
Và nghe mãi tiếng ai luồn trong gió.?
Bỗng giật mình ngày ấy tuổi băng trinh

Em phương ấy có nghe mưa không nhỉ.?
Có nghe cơn gió lạnh tháng tư về.?
Thôi cứ thế cứ nằm nghe mưa đổ
Tháng tư qua sẽ có ánh trăng thề
Ánh trăng thề một chiều đôi ta đã
Biển lặng yên ngồi đợi bóng hoàng hôn

                                    Sáng 26/4/2020
                                  Đoàn Giang Đông

DẤU XƯA: BÌNH THUẬN - ĐÀ LẠT VÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG / Phan Chính


             


        BÌNH THUẬN - ĐÀ LẠT VÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
                                                                                  Phan Chính

Đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn mới nối tiếp con đường cái quan (thiên lý, quan lộ, quan báo) đã có, bắt đầu từ Quảng Nam vào tỉnh Bình Thuận và giáp địa giới Biên Hòa. Các con đường sơn lộ tuy có nhưng không mấy thuận lợi do bị cắt khúc, địa hình núi sông hiểm trở, thú dữ hoành hành. Cho nên đường quan lộ được mở rộng theo hướng ven biển và thời này đã hình thành nhiều xóm làng từ những đợt lưu dân phiêu tán bằng đường biển dọc dài từ bắc vào nam. Điểm đặt các dịch trạm cũng là nơi có làng chài, cửa sông và dân cư sống bằng nghề nông ổn định. Đến năm 1822 dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huỳnh Đức mới tiếp tục con đường quan lộ từ kinh đô Huế vào, trong đó trên phần đất trấn Biên Hòa có 6 trạm dịch theo hướng mở ngược ra miền ngoài từ Bình Trước (Biên Hòa) qua ngã ba Vũng Tàu.

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ CHUYẾN KINH LÝ CỦA VUA BẢO ĐẠI ĐẾN BÌNH THUẬN - Lê Huân


                               Bảo Đại thăm ngôi chùa trong dinh Tuần vũ Bình Thuận


CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ CHUYẾN KINH LÝ CỦA VUA BẢO ĐẠI ĐẾN BÌNH THUẬN
                                                                                          Lê Huân

HOÀNG ĐẾ ĐẠI NAM

Năm 1925 vua Khải Định mất, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy khi mới 12 tuổi từ Pháp về nước thọ tang cha rồi được tôn lên kế vị hoàng đế, lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Sau 10 năm học tại Pháp, tháng 9 năm 1932, Bảo Đại về nước, ra đạo dụ số 1 tuyên cáo tự chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam Hoàng Triều. Sau khi chấp chính, Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính, cải tổ nội các và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực. Đồng thời vua đã thực hiện kinh lý các tỉnh từ Bắc vào Nam.

NHỮNG BÀI THƠ THÁNG TƯ CỦA BÚT NHÓM SÔNG QUÊ - Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Nguyễn Thị Liên Hưng


    


TUỲ BÚT

Ngày Tháng Tư nỗi niềm đau vô tận
Thương tháng ngày lệ đá đẫm bờ mi
Đá cũng khóc thương kiếp người lận đận
Bước chân trần vội bỏ xứ ra đi

Phố chết buồn tênh hàng me rũ bóng
Có nỗi đau nào thấm cảnh chia ly
Ai có chờ ai? Chiều buông đứng ngóng
Đêm đen nào tàu lặng lẽ ra đi

Ngày Tháng Tư nghĩ về nơi xa ngái
Có ai chờ nơi đất tổ quê cha
Con chim nhỏ lạc đàn bay, bay mãi
Chập chững vào đời tuổi mới mười ba

Bỏ sách đèn, bỏ ngày xưa thân ái
Xa trường xưa, xa phố nhỏ thân yêu
Thành phố lớn bước chân về ái ngại
Đêm nằm nghe phố thị ấy tiêu điều

Ngày tháng tư độc hành qua cuối phố
Phương Nam buồn lặng gió giữa ban trưa
Ta đếm ngược thời gian từng con số
Nắng đổ muôn chiều, em đã về chưa?

Phố vắng hắt hiu chiều nay thứ bảy
Vỉa hè buồn chẳng muốn bước chân đi
Thôi thì thế! Thôi thì em cứ hãy
Giới nghiêm rồi, thành phố đã cách ly

Ngày Tháng Tư đạp xe qua góc nhỏ
Công viên chiều ve nức nở lời ru
Hạ về chưa? Mà phượng hồng thắm đỏ
Điệp khúc buồn ray rứt kẻ lãng du

Nhìn phượng thắm mắt nhòa đôi kiếng cận
Cố nhân ơi! Tìm lại bóng hình xưa
Nỗi niềm ấy, nên dòng thơ về chậm
Tháng Tư rồi chờ đợi một cơn mưa.

                           Phan Thạch Nhân 

NỐI MỘT TRANG THƠ - Thơ Đỗ Huy Sanh


    


NỐI MỘT TRANG THƠ

1
Quảng Trị ơi tôi đã về đây
Nghe máu chảy trong tim mình xao xuyến
Nhớ thuở ấy ra đi mà bịn rịn
Lửa - Đỏ- Mùa - Hè cháy cả tuổi thơ tôi !

Lửa đỏ mùa hè thiêu rụi những niềm vui
Những bài học dở dang và những lời hẹn ước. . .
Trước sân nhà ai lòng tôi rạo rực
Gần bên em - bỗng hóa mộng tao phùng !

Gần bên em mà xa cách muôn trùng
Làn hương ấy tóc bay còn gửi lại
Ngày cứ trôi ai hững hờ nhớ mãi
Một cái bắt tay, một bức tường ngăn ?

Tôi nhìn đêm và cứ mãi ăn năn
Em suýt ngã khi vội vàng xuống phố
Nhà tôi nhà em là hai con ngõ
Cạnh bên nhau chưa kịp nói câu gì !

Chạy dọc mùa hè là những phân ly
Không phải phượng đâu mà chỉ là hoa lửa
Một - chín - bảy - hai hàng nghìn hoa nhỏ
Vội úa tàn không kịp nở thành hoa !

2
Quảng Trị ơi, tôi đã về qua
Trần Hưng Đạo con phố dài thương nhớ
Lương Giang, Tùng Sơn, Tao Đàn mở cửa (1)
Mỗi buổi chiều tan học ghé vào xem.

Sách vở thuở nào giờ lũng đoạn con tim
Chữ nghĩa bước ra lủng cà lủng củng
Lời tôi nói có con đường làm chứng
Lạ lẫm rồi những góc phố thân quen !

Tôi bước đi mắt vẫn cứ trông tìm
Hình bóng cũ của một thời áo trắng
Nhưng tất cả quanh tôi là im vắng
Em về đâu tha thướt của năm nào ?

Quay một vòng quá khứ đuổi theo sau
Số nhà Mười Hai con đường Lê Thái Tổ
Nhà hàng xóm đâu rồi tôi lần chần đứng ngó
“Cô hàng xóm ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong” (2)

Hiện tại ném vào tôi con mắt lạnh lùng
Của kín cổng cao tường - bốn mươi năm cách biệt
Có gì đâu, chỉ nỗi buồn da diết
Tôi bây giờ là khách - lạ - quê - hương !

3
Bạn bè tôi cũng mỗi đứa một phương
Sông Thạch Hãn chảy hoài trong huyết quản
Ly cà phê nhìn sông xanh tản mạn
Cứ trôi - đi - chảy - mãi những tâm tình !

Ôi một thời Quảng Trị quá lung linh
Lay động mãi trong hồn tôi nỗi nhớ
Tôi lại đi trên đường Lê Thái Tổ
Đến Nguyễn Hoàng để nối một trang thơ !

                                            Đỗ Huy Sanh

…..


(1) Tên các hiệu sách ở thị xã Quảng Trị, đều nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
(2) Thơ Nguyễn Bính :
“Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”.
             (Trích trong bài Xuân Về)

TIẾNG VE SẦU MÙA COVID - Hoàng Văn Ân


                 
                                             Tác giả Hoàng Văn Ân


TIẾNG VE SẦU MÙA COVID

Một cảm giác từ xa xưa, tưởng chừng như đã đi vào quên lãng, nhưng bất chợt nó trở về, êm dịu giữa khung trời đầy nắng bên ngoài cửa sổ. Và lòng ta rộn ràng lên những nỗi nhớ nhung về những ngày tháng thanh xuân giữa làng quê yêu dấu.

LOA KÈN, DÂNG LÁ, THỨC MÙA - Thơ Ái Nhân


   


LOA KÈN

Loa kèn nghiêng nụ tháng ba
Long lanh mắt biếc, kiêu sa nụ cười
Thơ yêu chớp mắt ngỏ lời
Hân hoan con chữ mơ vời vợi bay

Tưng bừng nắng gió ru cây
Tóc đen, môi thắm.
Thơ say em rồi
Sông Tương Tư sóng lở bồi
Trái tim mơ mộng đêm bồi hồi mong

Mơ hồ khúc nhớ long đong
Bâng khuâng tiếc thuở trắng trong loa kèn

ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” CỦA KHA TIỆM LY - Ngã Du Tử


      
            Tập truyện ngắn “Xóm Cô Hồn” của nhà văn Kha Tiệm Ly


  ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN “XÓM CÔ HỒN” CỦA KHA TIỆM LY
                                                                                                     Ngã Du Tử


Trung tuần tháng 4 /2016 nhà thơ, nhà văn Kha Tiệm Ly vừa hoàn thành tác phẩm XÓM CÔ HỒN do NXB Hội nhà văn ấn hành với quyết định xuất bản số 158/QĐ-NXBHNV ngày 01/2/2016 nộp lưu chiểu tháng 4/2016. Khi biết thông tin nầy hầu như những anh em văn nghệ tự do rất vui vì sự nổ lực của anh được đền bù xứng đáng, (1000 quyển đặt mua trong vòng 15 ngày).

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

THUỲ HIÊN - Thơ: La Thuỵ / Nhạc : Bùi Tuấn Anh

Bài thơ bình thanh THUỲ HIÊN, mình làm từ thời tuổi đôi mươi, được nhạc sĩ Bùi Tuấn Anh phổ nhạc, nhạc sĩ Trần Nhàn phối âm, ca sĩ Châu Thuỳ Dương trình bày.





     THÙY HIÊN

     Chiều tàn sương lung linh
     Vườn hồng mơ chim xanh
     Thùy Hiên, em trong vườn
     Bừng lòng bao là thương.

     Môi hồng gieo buồn vương
     Mơ hồ chờ anh hôn
     Lâng lâng và chơi vơi
     Yêu em không còn lời.

     Hồn chiều in lên mi
     Thuyền tình xuôi mây đi
     Ồ nàng hay sao trời
     Thiên hà hay trùng khơi ?

     Hồn anh dâng bâng khuâng
     Đàn lòng sao ngân vang
     Cung trầm rung miên man
     Lời trên môi thì thầm.

     Lời chiều muôn năm xưa
     Òa tràn trăm sông thơ
     Mênh mang tà huy bay
     Thùy Hiên vàng trăng gầy

                                La Thuỵ


    

Thơ: La Thụy.
Nhạc: Bùi Tuấn Anh.
Ca sĩ trình bày: Châu Thùy Dương.


     

KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ - Hoàng Đằng


                   
                              Tác giả Hoàng Đằng


                 KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ
    (Bài viết này xem như lời thăm hỏi của tôi gởi vào trong ấy)

Tháng 4/1974, tôi là nhà giáo thuộc sở học chánh Quảng Trị “theo đoàn lưu dân” vào khẩn hoang lập ấp ở khu Láng Gòn tỉnh Bình Tuy.
Tôi trình diện Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy để mong được bố trí dạy ở một trường nào đó thuận tiện.

VỀ MẬT MÃ THƠ, BẢN NĂNG THƠ... CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VŨ TIỀM - Nguyên Lạc


            
                               Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm


VỀ MẬT MÃ THƠ, BẢN NĂNG THƠ... CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VŨ TIỀM

                
                           Tác giả bài viết Nguyên Lạc

VÀI HÀNG VỀ NHÀ THƠ, NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VŨ TIỀM

1. Trước khi "học tập" những lời "vàng ngọc" của nhà nghiên cứu, nhà bình luận, nhà thơ "có tiếng" trong "hội nhà văn Việt Nam" - xin ghi thêm cho rõ: Việt Nam XHCN, vì văn học miền nam Việt Nam "đồi trụy" nên đã bị "xóa sổ" - tôi xin ghi ra đây sự "nổi tiếng" của ông Nguyễn Vũ Tiềm:
- Trong giới văn chương Việt hiện đại, Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ là nhà thơ có những tìm tòi sáng tạo, đổi mới thi pháp mà khi viết phê bình, khảo luận, ông lại là cây bút nghiêm cẩn với những nghiên cứu đào sâu và dẫn liệu khoa học, có tính thuyết phục… Viết văn hay nghiên cứu - phê bình, tâm thế nào ông cũng nhập cuộc tốt, đầy hứng khởi trên từng trang viết...
Với Nguyễn Vũ Tiềm, thơ luôn là ngôi đền thiêng. "Mở ra thế giới bí ẩn của bài thơ còn mang nội hàm nhà thơ cảm nhận và viết ra điều mà người khác không thấy, ở đó cái đẹp và sự thật ngời lên một giá trị mới mẻ" - Lời của nhà phê bình Ý Mai.
- Ông từng dạy học: Năm 1975, ông thuộc những nhà giáo thế hệ đầu vào Sài Gòn, chi viện cho miền Nam khi đất nước thống nhất.
- Ông làm báo Giáo Dục & Thời Đại, và là người sáng lập tạp chí Tài Hoa Trẻ.
- Ngoài sở trường sáng tác thơ, Nguyễn Vũ Tiềm còn nghiên cứu lý luận phê bình văn học, viết bút ký và tiểu thuyết.
- Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM với tập thơ "Minh triết đất đai", năm 2015
- Nguyễn Vũ Tiềm xếp hạng nổi tiếng thứ 74397 trên thế giới và thứ 782 trong danh sách Nhà thơ nổi tiếng - (Theo Người nổi tiếng)
- Các tác phẩm "nổi tiếng" của ông  đang được giới trẻ hâm mộ là:
 Đi tìm mật mã thơ (tiểu luận, 2015)
 Tiếp cận mật mã thơ (nghiên cứu phê bình, 2019).
Nghệ Thuật Thơ (nghiên cứu phê bình, 2020).