BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

XUÂN NÀY CHÙA HƯƠNG KHÔNG LỄ HỘI - Thơ Nguyễn Khôi


       
                          Nhà thơ Nguyễn Khôi     


XUÂN NÀY CHÙA HƯƠNG KHÔNG LỄ HỘI                              (Tặng : Nhà văn Lại Như Bằng - Paris) (*)
                           
Đang khấp khởi đi Chùa Hương, Yên Tử
Thì phát ho - cảm lạnh cái "cúm Tàu"
Ngọn gió độc thổi từ sông Dương Tử
Corona bủa kín Hoàng Hạc Lâu.
                            
Vũ Hán "chết"... đến Nhật, Hàn đóng cửa
Qua Iran "lưỡi hái" tới Roma
Rồi Âu, Mỹ... cả đất trời phong tỏa
"Dịch Cúm Tàu" vượt Thế chiến thứ ba ?
                            
Buồn ngồi nhà... Chùa Hương không lễ hội
Thế giới lên ngôi là cái "khẩu trang"
Mừng Hà Nội vẫn an toàn (đang gồng mình) chống Dịch
Chim Việt bốn phương bay về đậu Cành Nam.

                                                            Hà Nội 18-3-2020
                                                            NGUYỄN KHÔI
---------
(*) Chủ bút Tạp chí " Chim Việt cành Nam"
                 

GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ - Đặng Xuân Xuyến


         


            GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ

(Trích trong MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG của Đặng Xuân Xuyến, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản lần đầu năm 1998, Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2000 và 2002)

Điều tiếp theo tôi muốn lưu ý bạn là đừng bao giờ bực tức, đố kỵ trước thành đạt của người khác. Thói xấu ấy sẽ làm cho bạn trở thành nhỏ mọn, tầm thường và sẽ nảy sinh những thói xấu khác biến bạn thành kẻ lố bịch trước con mắt của người đời.
Mỗi người có một khả năng để tự khẳng định mình, tạo dựng sự nghiệp cho mình và người ta chỉ làm được điều đó khi cố gắng, mang hết khả năng, sức lực và trí tuệ dồn cho công việc.

TÔI KHÓC EM TÔI - Thơ Phạm Ngọc Thái




TÔI KHÓC EM TÔI

Tặng Đỗ Thị Ánh Tuyết
 (Tôi viết bài thơ này khi em nói với tôi rằng: Em sắp đi...)

Rồi một ngày
Em mang tình anh về nơi khuất núi
Có hoa thơm cùng bướm vờn, gió thổi
Hai linh hồn mưa nắng quấn bên nhau
Quên hết nỗi đau đời. Chỉ biết thương yêu !

Hỡi con phà với sông nước trắng phau
Có nhớ bóng dáng người thôn nữ
Ngày hai buổi đến trường qua đó
Cõi hồn thơm ngát hương hoa

Anh đã cùng em ngày tháng đón đưa
Dẫu không thể lấy em làm vợ
Nhưng lòng thương thì giàu tựa bể
Lệ nhân tình rơi đẫm cả trang thơ...

Đau xé tim anh. Trời đổ sập gió mưa.
Cầu thượng đế hãy giữ em tôi lại
Em còn trẻ vẫn đang mùa tình ái
Cuộc đời vừa mới được yêu thôi !

Anh bế em lên... trong phút cuối cuộc đời...
Như nhân thế từng ẵm chàng Hăm Lét (*)
Bởi em là hoa, là chim, những gì đẹp nhất... của non sông nước Việt
Người thiếu phụ hiền lành, khắc mãi tên em !

Hỡi Xứ Sở thiêng liêng và Đất Mẹ nghìn năm
Đừng nỡ cho em xa cõi người sớm thế !?
Bài thơ này muốn sưởi ấm lòng em đó
Anh không viết tiễn em đi...

Hoa nở bốn mùa... Ai nỡ lại chia ly ?
Tình quê hương, người thân còn bên em sớm tối
Con chim chích ríu rít trời xanh: Em ơi, đừng đi vội !
Anh run rẩy trong lòng, chạy đến để... hôn em...

                                                       12.6.2019
                                               PHẠM NGỌC THÁI

(Trích " TUYỂN THƠ CHỌN LỌC Phạm Ngọc Thái ", Nxb Hồng Đức 2019)

(*) Hoàng tử Hăm Lét trong vở kịch của Sếch-xpia vĩ đại.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

VỀ CÂU CHÚC MỪNG CÔ DÂU CHÚ RỂ “SẮT CẦM HẢO HỢP” 瑟琴好合 – La Thụy sưu tầm và biên tập


                                           BÁCH NIÊN HẢO HỢP

  VỀ CÂU CHÚC MỪNG CÔ DÂU CHÚ RỂ “SẮT CẦM HẢO HỢP”
                                                                                            La Thụy

Trong một lần ngồi ở một quán ăn (vừa mở cửa lại sau khi tổ chức đám cưới cho con họ), chợt thấy trên vách trang trí câu “Sắt cầm hảo hợp”, một người bạn của tôi buột miệng: “phải là SẮC cầm… mới đúng chứ”. Bạn ấy cho phải là “sắc”, trong từ “nhan sắc”. Có lẽ bạn ấy nghĩ rằng SẮC cầm hảo hợp có ý nghĩa tương tự với tài sắc song toànTôi thử giải thích nhưng xem ra bạn ấy không đồng ý.

Hôm nay, khá rảnh nên tôi ghi lại ít dòng bàn qua về câu chúc tụng bằng chữ Hán (hoặc âm Hán Việt) này

 Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc có câu:
 “Sắt cầm gượng gảy tiếng đàn,
Dây uyên kinh dứt phím loan ngại chùng”

Đoạn trường tân thanh có câu:  
“Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm”

“Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì”

Truyện Hoa tiên có câu:
“Chưa cầm sắt cũng tao khang”

CHẬP CHÙNG - Thơ Trần Mai Ngân


   
                           Nhà thơ Trần Mai Ngân


CHẬP CHÙNG

Chập chùng ôi là buồn
Nghe nhịp đời vỡ tuôn
Hoàng hôn vàng trên tóc
Ai khóc tiễn chiều đi

Chập chùng lối thiên di
Bập bềnh con sóng vỗ
Tha thiết chuyện ngày xưa
Lòng hỏi lòng quên chưa

Chập chùng đám rong rêu
Đang xếp hàng xưng tội
Lời kinh thánh bồi hồi
Tiếng chuông nào xa xôi

Chập chùng ôi chập chùng
Giam tôi vào bóng tối
Mộng cách nhau đôi bờ
Chìm khuất mờ hư không !

                  Trần Mai Ngân

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

TẠI SAO VUA NHÀ TRẦN TIN DÙNG TRẦN KHÁNH DƯ - Nguyễn Hưng

Trần Khánh Dư là tướng tài. Tuy nhiên, vị tướng này tài như thế nào không phải ai cũng tường tận. Điều quan trọng, nhiều tác giả nghiên cứu lịch sử nhận định Trần Khánh Dư lắm tài, nhiều tật. Trên thực tế, cần nhìn nhận lại tài của Trần Khánh Dư đến mức độ nào, tật của ông ra sao?

                                           Đền thờ Trần Khánh Dư tại Vân Đồn.


TẠI SAO VUA NHÀ TRẦN TIN DÙNG TRẦN KHÁNH DƯ

Thời đại nhà Trần có nhiều danh tướng, bên cạnh những vị vua anh minh, có thể kể: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Trong số những người vừa kể, Trần Khánh Dư là người được bàn cãi nhiều nhất; đường công danh, sự nghiệp của ông cũng gập nghềnh, chông gai hơn cả. Đặc biệt, sách sử nhắc đến ông với khen, chê đan cài, không giống như với trường hợp của Trần Quang Khải, người được ca tụng từ tài năng đến đức độ.

ĐỘC LẠ 2 “ĐẠI LÃO” VẢI THIỀU GIỮA RỪNG THẤT SƠN - Lục Tùng

Theo lưu truyền từ nhiều đời, hai “đại lão” vải thiều nằm trong khuôn viên chùa Svây Ta Hôn (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang) có tuổi đời hơn 300 năm. Đây là điều độc lạ vì tuổi đời của hai cây vải thiều này cao hơn cả cây “vải thiều tổ” ở Hải Dương.



ĐỘC LẠ 2 “ĐẠI LÃO” VẢI THIỀU GIỮA RỪNG THẤT SƠN
                                                                                        Lục Tùng

Nằm trên tuyến đường từ trung tâm thị trấn Tri Tôn dẫn vào Di tích quốc gia Đồi Tức Dụp – “trung tâm” của vùng rừng núi Thất Sơn, hay còn gọi là Bảy Núi (gồm 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), nhưng chùa Svây Ta Hôn gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi “hàng rào” xanh của những rừng cây cổ thụ.


HUYỀN SỬ VỀ VUA THỤC PHÁN AN DƯƠNG VƯƠNG - Sơn Tùng

Năm 1963, khi các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền thuyết cổ của người Tày vùng Cao Bằng có tên "Cẩu chủa cheng Vùa" (dịch là "Chín chúa tranh vua") có nội dung quan trọng liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương. Cũng từ đây, những nghi vấn về nguồn gốc An Dương Vương là ở tỉnh Cao Bằng đã dần sáng tỏ...

                                              Di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)


     HUYỀN SỬ VỀ VUA THỤC PHÁN AN DƯƠNG VƯƠNG
                                                                                          Sơn Tùng 

Truyền thuyết "Cẩu chủa cheng Vùa” của người Tày Cao Bằng

Năm 1963, khi các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền thuyết "Cẩu chủa cheng Vùa" (dịch là "Chín chúa tranh vua") một câu truyện cổ rất phổ biến trong vùng đồng bào Tày, Cao Bằng. Theo Ngày xưa, vào thời vua Thục của nước người Tày, Thục Chế là ông vua đầu tiên đã lập ra nước Nam Cương giáp nước Văn Lang, xưng là An Tự Vương đóng đô ở Nam Bình (vùng Cao Bình, huyện Hòa An, Cao Bằng ngày nay).

CÂY DỪA LẠ CHO RƯỢU NHƯ SÂM BANH MÀ GIÁ “RẺ NHƯ CHO” CỦA NGƯỜI CƠ TU, QUẢNG NAM - Hương Nguyễn



Đến bản làng của người Cơ Tu, Quảng Nam, du khách được dân làng tiếp đón rất nồng hậu và không thể thiếu chén rượu tavak (tavak giống như cây dừa, người Kinh gọi là “dừa núi” hay cây đoác).
Rượu này có vị thơm ngọt, tê tê đầu lưỡi. Nước rượu màu trắng đục, sủi tăm trong ly, nhìn rất giống rượu sâm panh.


Rượu tavak được lấy từ các buồng trái tavak. Để dung dịch cây tavak lên men và tạo vị đắng. Người Cơ Tu dùng vỏ cây chuồn (một loại cây chắc, nặng và có vị  đắng), đập mềm rồi bỏ vào can rượu. Muốn rượu có nồng độ cao hơn, vị đắng, thì cho vỏ chuồn nhiều và ngược lại.


Tavak ra hoa, có trái liên tục nên rượu tavak có thể sản xuất quanh năm, nhưng rượu có chất lượng tốt nhất vào mùa hè.
Một cây tavak trưởng thành có thể cho từ 10 đến 15 lít rượu mỗi ngày. Cây có thể cho rượu trong 2-3 tháng, với số lượng khoảng 300 lít.


Khách hàng sau khi uống thỏa thuê, có thể mua với giá 20.000 đồng/lít mang về làm quà cho người thân như một loại đặc sản của người Cơ Tu.
Tuy nhiên, mặt hàng này lại rất khó tìm mua trên thị trường.

                                    Theo Hương Nguyễn (Tổng hợp) (Dân Việt)

SẼ CÓ LÚC, SINH NHẬT CUỘC TÌNH, L' ADIEU - Thơ Lê Văn Trung


        


SẼ CÓ LÚC

sẽ có lúc em quên điều đáng nhớ
một đôi khi ta nhớ cái nên quên
trần gian hởi trăm năm là bé nhỏ
chuyện nhớ quên sao lẫn lộn vô chừng

sẽ có lúc em đi là đi mãi
ta ngu ngơ lẩn thẩn chạy vòng vòng
ôi kim cổ qua muôn ngàn giông bão
ta bạc đầu tơi tả áo thanh xuân

sẽ có lúc nơi bến bờ xa lạ
cuộc buồn vui không vướng bận trong đời
chiếc thuyền nhỏ đưa em về muôn ngã
không dòng sông nào là của riêng tôi

sẽ có lúc đêm tàn trăng thiếu phụ
câu thơ xưa chừng nhạt ý phai lời
ta khờ dại gọi tên người dưới mộ
tiếng dội vào đá núi lạnh sương rơi

sẽ có lúc nơi cuối đường sinh diệt
nợ phù hoa em trả lại muôn trùng
ta những tưởng trong phút giờ ly biệt
em mang theo chút kỹ niệm sau cùng

ôi trọn kiếp cứ mơ hồ ảo tưởng
cuộc trần gian phù phiếm có ra gì
khi ôm chặt biết bao là ước vọng
bỗng một chiều gió cuộn khói sương đi

điều đẹp nhất chẳng còn ai giữ lại
nến bi thương tôi thắp lệ hai hàng
đã đến lúc ra đi là đi mãi
ai vá giùm cho kín áo tang thuơng

thôi dẫu nhớ dẫu quên đừng vướng bận
cõi trăm năm hiu hắt bóng con người
em với ta như muôn ngàn số phận
lạc thiên thu giữa hệ luỵ đầy vơi

                             Lê Văn Trung
(Thơ Tình Miền Nam, Thư Ấn Quán 2008)

QUÊN - Thơ Châu Thanh Thủy


       
                          Tác giả Châu Thanh Thủy


QUÊN

Quên đi chuyện của một thời
Nhớ chi hình bóng một người đa đoan.
Hãy ngăn giọt lệ đang tràn
Hãy thôi nuối tiếc một bàn tay suông

Hãy nhìn phía trước con đường
Đừng quay đầu lại, đừng vương vấn chờ.
Tình không là một giấc mơ
Đời không là một áng thơ phiêu bồng.

Quên đi ngày tháng hư không
Quên đi song cửa mây bồng bềnh trôi
Quên đi một kẻ như tôi
Không câu an ủi, không lời nhớ thương

Quên đi đôi ngả con đường
Bao la giữa cõi vô thường - hãy quên!

                               Châu Thanh Thủy

TIÊU TƯƠNG, TỪ TRONG TRUYỀN THUYẾT - Nguyễn Trung Hiếu

Có lẽ quá nhiều người biết chuyện tình bi lụy Trương Chi – Mỵ Nương trên dòng Tiêu Tương. Vậy sông Tiêu Tương ở đâu tại Việt Nam?


Thủy đình, Đền Đô, Bắc Ninh ngày nay tương truyền được xây dựng trên dấu vết dòng Tiêu Tương. Ảnh: nguồn internet

       TIÊU TƯƠNG, TỪ TRONG TRUYỀN THUYẾT
                                                                     Nguyễn Trung Hiếu

1. Một lần có dịp đến Trung Quốc dự cuộc tọa đàm nhỏ về hoạt động du lịch, tôi được ban tổ chức thu xếp nghỉ ở một khách sạn lớn ở khu vực phía nam thành phố Bắc Kinh. Từ sân bay về nơi nghỉ, băng qua vùng Thập Tam Lăng có khu rừng ngô đồng đang mùa rụng lá đầy cảm khái. Bất chợt nhớ câu thơ “Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu” trong văn chương Trung Hoa. Và càng ngẩn ngơ hơn khi khách sạn, nơi đoàn Việt Nam ở mang tên Tiêu Tương - một cái tên gợi nhớ mối tình lãng mạn của chàng nghệ sĩ xấu xí Trương Chi với nàng Mỵ Nương của đất Việt.

MÙA XUÂN CỦA TÝ !!! - Thơ Lý Hạ Liên


    


MÙA XUÂN CỦA TÝ !!!

Sè Gòn có gì lạ không ta ???
Hẹn...
Ra giêng dìa trỏng thăm anh
Ai dè đại dịch phải đành nhớ xa
Co ro na Co ro na
Không mời mà đến rày rà oái ăm

Hôm qua anh nói dìa thăm
Em mừng em sợ đêm nằm em lo
Lo trời lo đất co ro
Dương gian mắc dịch giả đò ngó lơ

Mong sao Cô Vít ngay đơ *
Sớm tan ôn dịch dật dờ hổm nay
Anh ơi em đợi vòng tay
Mùa xuân của TÝ... buồn hầy...
TÝ ơi !!!

                          Lý Hạ Liên
            12.02.2020 (Xuân Canh Tý)

….

* Cô Vít = Covid19 = Corona virut desease 2019

ĐÊM Ở QUÊ - Thơ Đặng Xuân Xuyến


        


ĐÊM Ở QUÊ

Gió buồn gẩy sợi mưa gầy
Đẩy vầng trăng khuyết lạc đầy ngõ xưa

La đà gió quẩn màn thưa
Lá đa ngoài ngõ như vừa chợt buông.

            Làng Đá, 13 tháng 03.2020
             ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

EM THEO ĐOÀN LƯU DÂN - Thơ Phạm Hòa Việt, nhạc Trần Quang Lộc, tiếng hát Khánh Ly, Hương Lan, Hoài Nam

Tưởng niệm nhà thơ Phạm Hòa Việt vừa đi về cõi miên viễn. Xin giới thiệu với bạn bè bài thơ EM THEO ĐOÀN LƯU DÂN rút ra từ tập thơ DÁNG HOA RỪNG của anh đã xuất bản. Bài thơ được làm từ năm 1973 trong chuyến đi thăm Bình Tuy và đã được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên và Trần Quang Lộc phổ nhạc!


   
                          Nhà thơ Phạm Hòa Việt


EM THEO ĐOÀN LƯU DÂN

I.

Ta theo đoàn lưu dân
Khi mùa xuân vừa ngủ
Khi mùa mưa lại về
Trên môi người góa phụ

Ta ngóng đợi tiều phu
Như niềm khao khát nhỏ
Chân em vẫn ngập ngừng
Trên miền hoang đá cỏ
Trên miền hoang Động Đền
Trên miền hoang biển cả
Ngả bóng chiều không quên
Giữa hai bờ sông Thạch
Ta còn lại sau lưng
Mùi hương quen của đất…

Em theo đoàn lưu dân
Vai son sờn cẩm tú
Ôi tiếng hát xa xưa
Môi thơm bông bí nụ
Ta bên trờ tuổi nhỏ
Lá đông vàng biệt ly…

Em theo đoàn lưu dân
Tóc nghiêng nghiêng sợi đổ
Bàn tay gầy ngón khổ
Ngập ngừng chân bước chân

Em theo đoàn lưu dân
Ta bên trời sóng dạt
Đường chông gai cách mặt
Rừng mưa lạnh đá ghềnh

Em theo đoàn lưu dân
Bỏ ruộng nương hương lúa
Sắn khoai ngày nghèo khó
Cà xanh rau lá đỏ
Miếng ngọt chiều phai hương
Miếng chua chiều lá cọ…

II.

Lưu dân! Đoàn lưu dân!
Mưa vẫn nằm đất lạ
Hai bàn tay trống không
Bới gì trong sỏi đá
Cho ngày tháng đom bông
Cho môi em thêm hồng…

Em theo đoàn lưu dân
Cũng nhọc nhằn tuổi mộng
Bới gì trong đất xanh
Uống gì trong thác xanh
Tay em còn mềm mại
Làm sao ươm trái xanh…

Ta cầu xin, cầu xin
Buổi mai và Đá Dựng
Chuông giáo đường vẫn rung
Có em tìm đất đứng!

Tiếng hát vẫn nhọc nhằn
Đôi làn môi bé nhỏ
Trái rừng là lương khô
Cho những ngày khai phá

Hoa rừng là tinh hương
Cho tuổi hoang Động Đền
Cây rừng là sườn chái
Ta kết lá kè tươi
Trong ngôi vườn trú ngụ
Còn em và biển khơi
Tụ về cơn bão tố…

Mưa rừng là mắt em
Khi đàn chim xa mẹ
Cỏ rừng là tên cha
Khi bỏ quên đồi lá
Giữa bầu trời bao la…

III.

Bàn tay em đã lì
Củi tươi từng đống một
Đốt gì cho chuyến đi!
Bàn tay em đã gầy

Đoàn lưu dân còn đó
Ta cũng nghe sầu cay…
Nhớ quê hương tuổi nhỏ
Nhớ Huế và mưa râm

Ta nhớ cả hoa tràm
Thương con đường nắng mới
Nhớ cát mùa Gio Linh
Sim phơi rừng Cam Lộ

Bàu Đá và Đông Xuân
Giếng trong mùa lá đổ…
Xin góp cả hai tay
Tóc úp đều cổ áo
Đốt lửa cho vườn cây…

Xin hôn em một lần
Để ngày mai còn thấy
Nụ cười em rất xinh
Nụ cười em rất tình…

       Phạm Hòa Việt

VỊ VUA ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM LẤY VỢ PHƯƠNG TÂY - Đỗ Hợp

Ông vua này là người duy nhất của nhà Hậu Lê lên ngôi hai lần, người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lấy vợ phương Tây.

         
                                       Tượng vua Lê Thần Tông


VỊ VUA ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM LẤY VỢ PHƯƠNG TÂY
                                                                                             Đỗ Hợp

Vị vua nhà Hậu Lê lên ngôi hai lần

Lê Thần Tông (1607-1662) có tên húy Lê Duy Kỳ, là vị vua thứ 17 của nhà Hậu Lê. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh - con thứ của chúa Trịnh Tùng. Lúc ông sinh ra, vua nhà Lê chỉ còn trên danh nghĩa, mọi quyền hành ở Đàng ngoài đều thuộc họ Trịnh, còn Đàng trong thì chúa Nguyễn cát cứ. Năm 1619, vua Lê Kính Tông bị Trịnh Tùng ép thắt cổ chết. Duy Kỳ lúc này mới 12 tuổi - được đánh giá là vị vua có tướng mạo đế vương với sống mũi cao, mặt rồng - được đưa lên làm vua lấy hiệu là Lê Thần Tông. Ông cũng được nhận định là người thông minh, học rộng, mưu lược sâu sắc và giỏi văn chương. Làm vua được 25 năm, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trai 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) và trở thành Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, ở ngôi chỉ được sáu năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời. Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua lần thứ hai. Lần này, ông giữ ngôi đến khi lâm bệnh và qua đời. Thời gian giữ ngôi thêm 13 năm. Đến năm 1662, Lê Thần Tông qua đời, táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Dương Lôi (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ tên Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông) cũng ở ngôi 9 năm thì ốm, chết. Kế vị cũng là một con trai nữa của Thần Tông tên Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông) nhưng ông cũng không qua được bạo bệnh sau 4 năm sở hữu ngôi báu. Tiếp đó, con út của Lê Thần Tông tên Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông) nối ngôi.

Ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ là mỗi bà thuộc một dân tộc.

MÊ NGỘ - Truyện ngắn của Trần Vũ Minh


                 
                                     Nhà văn Trần Vũ Minh


               MÊ NGỘ
 (Truyện ngắn đã đăng trên VNQĐ tháng 4 /2011 số 724)

Dinh quan phó đô tướng Vân Đồn mùa thu năm 1287.

Nhân Huệ Vương - Trần Khánh Dư cùng các quan ngự nơi “Lầu thưởng nguyệt ” ngắm hoa. Cả tháng nay, đám gia nhân tỏa đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ. Những vò “Hoàng hoa mỹ tửu” đã hạ thổ bách niên, “mứt sen Dương Châu” đựng trong dĩa sứ men nâu chạm rồng đời Hán, trà “Ngọc Tĩnh” núi tuyết pha với sương đêm hứng bằng lá sen được đưa về từ Kinh Bắc. Món mặn có “Chim trời vỗ cánh”, “cháo Bát trân hầm tay gấu”, “nem công Tây Tạng”, “chả phượng Sơn Đông”, “óc khỉ đảo Hải Nam”… Cái giống hoa quỳnh đất Châu Hoan sao mà đài các cao sang đến thế, kiêu sa như thiếu nữ đến tuổi cập kê, nồng nàn mà e ấp, thanh cao quyến rũ đến lạ kỳ. Về khuya, cả khóm hoa khẽ lay động, rồi từng cánh, từng cánh cứ nhè nhẹ xòe ra đón nhận tinh túy của đất trời. Phút chốc, những cánh hoa trắng muốt ngự trên đài hoa phớt hồng từ từ cong lại, mềm mại như dải lụa, tỏa hương, ướp vào không gian dưới trời đêm se lạnh. Loài hoa này cũng lạ, cứ từ từ dâng hiến rồi vội vã lụi tàn, để lại sự tiếc nuối cho người thưởng lãm.

BÌNH THUẬN, MỘT THỜI CÁC LÁI GHE BẦU ! - Phan Chính





       BÌNH THUẬN, MỘT THỜI CÁC LÁI GHE BẦU !
                                                                                   Phan Chính

        Đất nước ta có lợi thế bờ biển dọc dài từ Bắc vào Nam. Trong đó Bình Thuận cũng có chiều dài 192km. Lịch sử hình thành cư dân, khai khẩn đất hoang cũng khởi đầu từ đầu thế kỷ 18 với những chiếc ghe bầu đưa lưu dân xuôi nam làm nên xóm làng và ngược lại cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho đất kinh đô. Nhưng được biết đến vai trò ghe bầu đắc dụng hơn là dưới thời Nguyễn Ánh đã có trong tay 235 ghe bầu và khoảng 500 chiến thuyền, lập ra những đội “trường đà” hùng hậu có mặt trên biển đông giáp với Hoàng Sa, Trường Sa và hoạt động chài lưới xa bờ dài ngày. Không những riêng cho khả năng quân sự mà trong thương mại ghe bầu còn là phương tiện vận chuyển, chuyên chở hàng hóa, lương thực hiệu quả nhất. Ghe bầu ở nước ta có lai lịch của thuyền buồm gốc Chăm- Mã Lai, cách đọc do biến âm từ “gay” (ghe thuyền) và “prau” (thuyền buồm), rồi người Việt đọc từ pràu thành bầu. Người dân miền Trung thiết kế ghe bầu theo kiểu dáng ghe prau với loại lâm đặc sản thích hợp và nguyên liệu mủ chai, dầu rái… khá phổ biến ở địa phương. Bởi ảnh hưởng đó mà dễ phân biệt thuyền miền Bắc khác với ghe phía Nam qua cánh buồm.