BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

LÊ DUY ĐOÀN - TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG KÝ ỨC

    Hoạ sĩ Lê Duy Đoàn vừa gửi email đến chúng tôi, về một chùm bài của thân hữu viết về anh. Xin mời đọc:

                 

      Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

…. Thơ của Apollinaire, nhạc của Phạm Duy, và một thời khó quên mà tôi cũng đã từng sống: Một bài hát,  vang lên vào một ngày, một giờ nào đó, khi đã đi vào tâm thức của người nghe, về sau sẽ mãi mãi gợi lại tất cả mặt đất, bầu trời và cảm xúc sâu thẳm trong lòng người vào ngày hôm ấy.    

Những năm đầu của thập kỷ 70, khi bài hát này ra đời và phổ biến trong giới trẻ, ông anh Lê Duy Đoàn của tôi đang còn là một sinh viên Huế. Anh vào trường Sư phạm trước,  tôi vào sau anh mấy năm. Lúc ấy cuộc chiến giữa hai miền đã khốc liệt lắm rồi, nhưng ngoài những trăn trở âu lo, trên ghế nhà trường sinh viên cũng còn chút không gian yên tĩnh để giữ cho mình một nhành thạch thảo ép trong trang vở. Mỗi người có một thứ “hoa thạch thảo” không giống nhau…Có lẽ vì vậy mà sau hơn năm mươi năm , anh Đoàn phải cất công đi tìm hoa thạch thảo thứ thiệt, cũng vì đó mà có cái tên của tập văn này.
Anh Đoàn rời trường Sư Phạm,  đi dạy xa từ năm 1970. Đến 1983 thì anh dời hẳn vào lập nghiệp ở Sài Gòn. Ai xa quê cũng nhớ, mà với người Huế thì lòng hoài nhớ quê hương càng da diết vô cùng. Cho nên những bài báo hay truyện, ký trong tập phần lớn được viết từ nỗi nhớ. Bởi viết theo cái thương cái nhớ, nên nội dung rất phong phú và khá tản mạn, tản mạn như chính cuộc đời nhiều hình tướng này vậy. Anh viết về câu chuyện của người cựu binh Đại Hàn hối lỗi để dẫn dắt người đọc một chuyến “ hành phương nam” và kết lại bằng một hình ảnh nhân văn trong bài Chục mười tám; viết về ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất châu Á đang được xây dựng ở Ninh Bình…Nhưng được anh dành cho nhiều trang, nhiều dòng nhất vẫn là ký ức một thời ở Huế.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã đặt hai bài lên đầu tập: thú chơi xăm hường và đọi bún bò ở Huế. Hai thứ đó, một là món ăn vật chất, một là món ăn tinh thần, đã thấm sâu vào tâm tư nhiều thế hệ từ ngày xưa cho đến bây giờ. Như tôi, khi đọc đến những dòng anh Đoàn viết thì cứ tưởng như đang cảm thấy mùi thơm phức của tô bún bò nóng hổi những ngày đầu đông, đang nghe tiếng sáu con xúc xắc xăm hường kêu leng keng trong lòng chiếc bát sứ, hòa trong tiếng cười reo cướp trạng – cái âm hưởng khó quên của không khí đoàn tụ trong ngày Tết quê nhà.
Rồi câu chuyện cu Đoàn hai tuổi được mẹ bồng qua đò Kẻ Vạn; Chuyện cậu học trò thơ ngây của trường Tiểu học Vạn Xuân, chuyện phiên hội chợ Huế xưa, trò chơi chuột bạch và món quà trúng thưởng…Lại đến cái thời nam sinh Quốc học, với ký ức về những khuôn mặt vang bóng một thời: Thầy Văn Đình Hy, cô Đặng Tống Tịnh Nhơn, anh Cao Hữu Điền, chị Diệm My…Đọc những kỷ niệm của anh mà những người Huế khác, như tôi chẳng hạn, cũng tưởng như mình được ké vào đó một chút, sẻ chia cùng anh những cảnh, những người …
Và sâu sắc nhất , đằm thắm nhất trong toàn mảng ký ức đó hẳn là chuyện những người con gái, đã đi qua đời tác giả. Có thật hay không, bằng xương bằng thịt hay đã được khoác một lớp màn hư ảo của tưởng tượng, tác giả đã dành cho họ cái từ ngữ  lắt léo trong ca dao: Người dưng

               Đây người dưng, đó cũng người dưng,
               Mà sao trong dạ rưng rưng nhớ hoài.

Người dưng khác họ không phải chỉ là câu chuyện của mối tình đầu, mà còn là bức tranh về một thời chiến tranh tao loạn, tuy đã lùi về quá khứ gần nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn còn ám ảnh không nguôi với hình ảnh xác người phơi ven lộ, trại tạm cư nhao nhác, những chuyến tị nạn xa Huế đã tạo điều kiện cho nam nữ gặp nhau, quen hơi bén tiếng rồi lại chia xa. Thơ vận vào người là câu chuyện bí ẩn về linh hồn, xảy ra giữa không khí buổi giao thời với những người Huế xa quê lập nghiệp, sống chết thịnh suy ở mảnh đất phương Nam. Sư phạm- Một con đường là hồi ức tươi đẹp về quãng đời học làm thầy giáo, với rất nhiều tình cảm dành cho Thầy Cô, bạn hữu và niềm tự hào đã được học Đạo làm Thầy, để sau này qua những thăng trầm phù thế vẫn không hổ thẹn với hai chữ thầy giáo, danh xưng cao quý mà cuộc đời trao tặng.
Tìm một nhành hoa thạch thảo, phải chăng là đi tìm cái đẹp mong manh giữa cuộc đời bề bộn này. Trong dâu bể đổi thay, nổi chìm thế sự, vẫn luôn còn lại bao điều trân quý không thể nào quên. Hoa thạch thảo không đến nỗi quá chập chờn khó kiếm như cái lá diêu bông của Hoàng Cầm, bởi cuối cùng thì anh Đoàn cũng đã xác định được một loài thạch thảo chính hiệu, có tên khoa học là Calluna Vulgaris. Nhưng có hề chi đâu nếu những người trẻ tuổi năm xưa cứ giữ cho mình một hình ảnh thạch thảo riêng trong tâm tưởng, bởi như tác giả đã viết, chính cái hình ảnh ấy mới là cái đã “động đến tầng vi tế rung động của con tim”. Và tôi nghĩ, chẳng phải tìm đâu xa, trong từng trang từng chữ của tập văn này luôn thấp thoáng bóng hình loài hoa đẹp ấy – Một nhành hoa thạch thảo luôn có mặt trong nỗi hoài nhớ trong veo về những ngày tháng thiên đường. Một thiên đường không bao giờ mất.                                                                                                                                         Tháng 4 – 2014
                                                                                 Trần Thùy Mai


                   Phòng triển lãm đầu tiên của họa sỹ Lê Duy Đoàn


Đoạn đường đến với…

   Tôi nhớ không lầm thì tôi đã biết Lê Duy Đoàn ngay từ thời còn rất nhỏ, khi mới 8,9 tuổi ,  Đoàn ở Phú Thạnh, gần cửa Hữu, (có tên chữ là Tây Nam môn nằm ở phía Tây Nam của Kinh Thành Huế, được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu được xây dựng năm 1829 thời Minh Mạng.  Đêm mồng 5.7.1885, vua Hàm Nghi đã xuất bôn từ cửa này ra khỏi Kinh Thành đi Tân Sở, ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp).  Đoàn học trường Tiểu học Vạn Xuận, một trường công lập. Muốn đến trường,  ngày hai buổi Đoàn chỉ cần băng qua đường, leo lên  đò Kẻ Vạn chỉ mấy phút là đến. Còn tôi ở giữa đoạn đường từ  dốc cầu Bạch Hổ và trường tiểu học Vạn Xuân. Tôi không học  cùng trường với  Đoàn  mà tôi học trường Sainte Marie, một trường tư thục do các nữ tu Thiên Chúa giáo thành lập trên đường đi lên chùa Linh Mụ, cách cầu Bạch Hổ khoảng 200 mét, nằm giữa Tiểu chủng viện và dòng nữ tu Carmelo.  
    Dưới mắt Đoàn, đám học sinh của trường tôi (Sainte Marie) không mấy được thiện cảm, lý do Đoàn bị một đám học sinh lớn tuổi của trường tôi bắt nạt, thậm chí mở banh cặp và ném tất cả sách vở bút mực của Đoàn xuống biền. Thỉnh thoảng tôi và Đoàn có gặp nhau, nhưng hình như chưa có duyên số, nên chúng tôi chưa trở thành là bạn của nhau. Bẳng đi một thời gian dài, năm tôi được nhận vào học đệ tam thì Đoàn học lớp đệ tứ  cùng trường Quốc Học. Tôi đã bôn ba qua các trường Saint Denis ( Phường Đúc), rồi Pellerin và cuối cùng là Providence trước khi vào Quốc Học. Trong suốt thời gian học  Quốc Học ,chỉ thỉnh thoảng gặp nhau chào hỏi  trên đường đi về, nên chúng tôi vẫn chưa  thân thiết với  nhau.
 Sau niên khóa 1962-1963 tôi rời  khỏi trường Quốc Học,từ giã Huế vào thẳng Sàigon vừa đi học vừa làm báo như  tôi đã từng  mơ ước ngay từ những ngày còn bé thơ  và coi đó như  là nghiệp dĩ. Còn Đoàn học Sư phạm Vạn vật ở Viện Đại Học Huế  và ra trường  đi dạy từ năm 1970. Từ năm 1969, tôi về làm việc tại Bộ Giáo dục, tôi tình cờ  gặp lại Đoàn vài lần, khi Đoàn dạy ở Trường Trung học Đại Lộc, Quảng Nam.  Có lần Đoàn cho tôi biết đang có ý định xin thuyên chuyển về Huế. Tôi đã cố gắng trong điều kiện có thể để giúp  Đoàn thực hiện được  mong ước của mình. Sau đó Đoàn được chuyển về dạy ở trường Quốc Học, Huế. Tới lúc đó, hình như vẫn tôi và Đoàn vẫn  chưa có được cái  duyên hạnh ngộ.
Đến sau 30.4.1975 khi đang dạy ở trường Đại Học  Mỹ Thuật  tôi có dịp ra Huế tìm lại căn nhà cũ của gia đình tôi, một vài lần tôi cũng có gặp lại Đoàn, khi đó Đoàn đang dạy trường Trung học Nguyễn Du, Huế. Tình cảm đối với nhau trước kia vốn không mấy thân thiết, nhưng cũng là tình làng nghĩa xóm, nay gặp lại trong hoàn cảnh đổi dời của lịch sử,  tâm trạng đứa nào cũng đều  nặng gánh lo âu… Có thể vì vậy mà cảm thấy gần gũi với nhau hơn, muốn cùng được chia sẻ. Tự nhiên lần đó, tôi buột miệng  gợi ý Đoàn nên đưa gia đình vào Sàigon sống biết đâu lại có thể tìm thấy cơ may nào khác hoặc hổ trợ nhau làm một việc gì đó hữu ích. Đoàn tán đồng ý kiến của tôi, và chuẩn bị mọi chuyện để thực hiện điều mong ước của mình. Cuối năm 1983, Đoàn và gia đình có mặt ở Sàigon.
Đúng như tôi dự đoán, rời khỏi Huế, Đoàn không còn là một nhà giáo sống một cuộc đời khiêm tốn mà đã  trở thành một một người với nhiều tham vọng, hoạt động trên rất nhiều lãnh vực. Đoàn đã làm việc cho nhiều công ty ngoại quốc, đã làm nhiều công việc khác nhau.. Có thể chưa thành công lắm, nhưng ít ra Đoàn cũng đã sống với những gì mình muốn và  yêu thích… Nhưng có lẽ điều làm cho chúng tôi gần gũi nhau hơn , chia sẻ với nhau nhiều hơn vì chúng tôi cùng có nhiều điều tâm đắc. Đoàn của ngày hôm nay đã có thể mô tả thế giới sinh động chung quanh mình, hay thế giới tâm hồn mình bằng màu sắc sinh động của hội họa và hơn nữa, Đoàn cũng có khả năng thể hiện những suy nghĩ, những mơ ước của mình bằng ngòi bút, với sự khởi đầu là tác phẩm đầu tay:  Đi tìm nhánh hoa thạch thảo.
Tôi có thể khẳng định Đoàn không ngừng lại đó…
                                                                                        Sâm Thương


                              


                                          LÊ DUY ĐOÀN
                     TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG KÝ ỨC   
                          
Ngồi chờ chuyến bay chuyển tiếp ở phi trường O’Hare từ Chicago đến Jamaica, tôi viết ít dòng cho bạn Lê Duy Đoàn với chút tâm sự háo hức nhưng bình an khi tưởng tượng bạn mình đang chờ tác phẩm “con so” ra đời: “Bạn, trên đường bay bốn tiếng rưởi sắp tới mình sẽ viết vài dòng cảm nghĩ về tác phẩm đang đợi ở nhà in của bạn…” Thế nhưng khi ngồi trên máy bay nhìn những cụm mây xa thẳm dưới kia và vầng trăng bán nguyệt sau khung cửa máy bay, tôi có cảm tưởng như đêm ngày trộn lẫn. Tôi mở cái lap-top ra nhưng thay vì viết, tôi lại đọc. Đọc lại 23 bài viết trong tác phẩm đầu tay sắp in của Lê Duy Đoàn đã lưu trong bộ nhớ với một cảm giác lạ lẫm vì sự tươi mát, hồn nhiên nhưng cũng nhiều gút mắc gai góc có khi đầy trói buộc mà cũng lắm lúc phóng khoáng không ngờ.
Thiều Giả Đảo có một lần mách miệng văn chương rằng: “Đọc truyện Tam Quốc thời tuổi trẻ để thích Khổng Minh, thời trung niên để cảm thông Lưu Bị và thời cao niên để tiếc một Vân Trường.” Cái thú văn chương là thế. Nó đẹp và linh động vì long lanh biến ảo như một vầng trăng: Trăng mọc, trăng tà, trăng lặn chỉ là cảm nhận đong đưa từ góc nhìn tương quan vật thể chứ thật sự muôn đời trăng cũng chỉ là trăng. Thế đó, tôi ngồi trên chiếc võng máy bay đong đưa tạm bợ giữa trời để nhìn trăng và đọc văn của Lê Duy Đoàn trong trạng thái buông thư như gặp bạn quý lai rai uống rượu nếp làng Chuồn bên quán gió Sông Hương ngồi nói chuyện Tam Quốc.
Tác phẩm đầu tay của Lê Duy Đoàn là một tập “phóng bút” bao gồm cả bút ký, bút luận, bút khảo, bút đàm… của một tay thuộc nòi văn bút tài tử có nhiều trải nghiệm thực tế, kiến thức học thuật nghiêm túc và tinh thần dí dỏm, ngẵng ngầm, rim rím mà đậm đà kiểu Huế.
Chương gieo duyên mở đầu Đi tìm nhành hoa Thạch Thảo là một bức minh họa chân dung của tác giả: Một thầy giáo vạn vật nghiêm trang nói về dòng sinh thái của một loài hoa. Kế đó là cách kiểu ngắm hoa và tạo hình bằng những màu sắc và đường nét mang tính độc sáng của người họa sĩ. Và đậm hương văn nghệ hơn cả khi phối cảnh loài hoa thạch thảo trong nhạc và thơ. Mà hiện thực ngoài đời thì Lê Duy Đoàn cũng là giáo sư môn vạn vật; là họa sĩ từng có các cuộc triển lãm tranh; là một cây bút viết tản văn và làm thơ để bây giờ xuất bản thật. Có thể nói nội dung tác phẩm văn chương của Lê Duy Đoàn là một ống kính vạn hoa nhiều màu sắc vì không có một “gam màu” chủ đạo rõ nét. Nhưng đó là một sự tập hợp nhiểu thể loại văn học, nhiều nội dung và đề tài trong cái khung thời gian và xã hội khắp đó, khắp đây. Suốt gần hai chục chương kế tiếp, Lê Duy Đoản viết và để cho ký ức, cảm xúc, suy luận, đam mê nghệ thuật đầy sôi động “giáng cơ” lên bàn gõ chữ như một cầu thủ chạy bao sân.
Đêm Montego Bay thơm mùi cây cỏ miền nhiệt đới và gió ấm Đại Tây Dương, khi tôi đang hứng chí ngồi gõ máy trong đêm để điểm xuyết những phút “xuất thần” sáng tác của Lê Duy Đoàn mà tôi đã yên chí là nắm bắt được phần nào thì nghe tin chàng… biết sợ! Đó là việc bỏ chương cuối với nhan đề mang hài tính “cấm đàn bà và trẻ em 18 tuổi” rất thơ mộng và bản lĩnh có nhan đề làm tôi tỉnh ngủ là: Thơ ngẵng hoàng gia!
 Ôi, danh văn Tô Vũ ngày xưa bị vua đày đi chăn dê mà buổi sáng thường nhắm mắt vì muốn làm người tử tế. Đời sau cho rằng đấy là hay vì… biết sợ. Chẳng hay âu đó cũng là thân phận của Duy Đoàn, của đám bạn già như chúng tôi đang luống cà,  luống cuống. Một  bên nầy thì thích làm“Lão Ngoan Đồng”kiểu kiếm hiệp Kim Dung theo Tô Vũ chăn dê mà mắt trần thao láo. Nhưng bên kia lại không chịu buông thả một ly cái thiết bảng “khiết trinh” của những cụ giáo già đang lên hàng ôn mệ; ông bà.
Như thế mới cảm thông sự chọn lựa nào cũng có nỗi băn khoăn riêng của người cầm bút: Sống cho mình đã khó; chuyển tải điều mình suy nghĩ cho người lại càng khó hơn.
Có lần, Lê Duy Đoàn hỏi ý tôi rằng: “Mình viết cho vui với chính mình và chia sẻ trong vòng bạn bè, không biết có nên tập hợp in thành sách và xuất bản hay không?” Tôi đã không một chút ngần ngại và nhiệt thành cổ vũ: “Nên, rất nên in ra thành sách vì nghệ thuật cũng như đời sống, có quyết đoán đủ để dang tay chia sẻ, chấp nhận sự khen chê nhẹ nhàng như chơi trò cút bắt mới có cơ hội nhìn lại thấy mình. Lại nữa, bài viết, hay bài thơ được in thành sách trên giấy trắng mực đen mà danh từ thời thượng gọi là ‘bản cứng’ (hard copy) thường đọc thấy ‘đã chí’ hơn là ‘bản mềm’ (soft copy) nằm trong máy vi tính. Ví như một cầu thủ có ra sân giao đấu mới thấy mình là ai hay chẳng là ai cả trên cầu trường thực tế đầy sôi động.”
Tôi viết tiếp những dòng nầy trên bãi biển Montego Bay, xứ Jamaica đầy cây xanh và nắng vàng miền nhiệt đới vào buổi sáng từ giã. Viết khi vừa nghĩ đến lời nhắn mới nhất của Lê Duy Đoàn: “Dẫu chỉ vài dòng cũng   ráng viết những cảm nghĩ của bạn về tập sách của mình đang chờ trong nhà in. Lý do đơn giản vì tụi mình biết nhau từ thời đi học và bạn hiểu mình như hiểu rõ những đường chỉ trên bàn tay của bạn…” Cái nghịch lý của đời này là khi dán mắt sát quá sẽ không nhìn thấy. Phải chăng vì thế mà tôi ngại sẽ đánh mất tính khách quan khi nhận định về một khía cạnh khác – khía cạnh tài năng nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật – của bạn mình. Văn chương nghệ thuật không có một góc khuất nào dung dưỡng sự may rủi cho ai. Trong cả hai thế giới nghệ thuật Đông và Tây đều có trường hợp những nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ… chưa hề xuất bản một tác phẩm nào mà vẫn thành danh, vẫn nổi tiếng trong lòng người và văn học sử. Và cũng có những trường hợp ngược lại là tác phẩm chồng chất số đếm theo đơn vị mà vẫn vô danh như vắng bóng giữa đời.
Lê Duy Đoàn và bằng hữu chúng tôi vẫn thường bàn luận đến nếp trung dung và lối trung đạo trong hành xử để tránh những ảo tưởng thành bại, chìm nổi không đâu. Tôi tin là những tác phẩm văn chương và hội họa của Lê Duy Đoàn mãi mãi không chếch về lề phải hay lề trái của sân khấu nghệ thuật nhất thời mà luôn luôn ở giữa đường bay sáng tạo của nghệ thuật.
Tôi tin là Lê Duy Đoàn sẽ rất thành công với tác phẩm đầu tay nầy, nếu sự thành công là một cái gì đơn giản như tác giảNgàn Cánh Hạc, Kawabata đã viết: “Sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật phải được đánh giá theo cường độ nguồn hạnh phúc mang đến cho tác giả.” Có thể nói đây chính là chiếc chìa khóa của hạnh phúc dành riêng cho giới bút nghiên và nghệ sĩ. Sáng tạo nghệ thuật không phải là một phép lạ để mê hoặc con người. Khi anh chưa rung động ngất ngây với niềm suy tư, dòng văn bút của chính mình thì lấy gì để chuyển tải sức mạnh và linh hồn của nghệ thuật cho người thưởng ngoạn. Nếu vậy, thì Lê Duy Đoàn đã thành công ngay khi ngồi viết, bởi vì sau đó anh luôn luôn có niềm hứng khởi đem văn chương và nghệ thuật mà mình đã sáng tác để chia sẻ với bạn bè như một món quà quý tặng khi chính anh đã cảm nhận được nguồn hạnh phúc trong sáng tạo. Sự thành công càng có khả năng tiến xa hơn khi chàng “giáo-văn-họa” nhà ta đem dòng tâm sự trên những chặng đường ký ức để chia sẻ với nhân gian.
                                              Jamaica, Montego Bay – Mùa Phục Sinh 2014
                                                                               Trần Kiêm Đoàn


                               


                  ĐỌC VĂN VÀ XEM TRANH LÊ DUY ĐOÀN

Từ năm 2006, khi trang mạng art2all.net đang còn non nớt, tôi nhận được tranh của Lê Duy Đoàn đều đặn . Mấy chục bức tranh, phần lớn là tranh trừu tượng, với những tựa đề cũng … “trừu tượng” không kém : Đồng Vọng, Quần Sanh, Gót Danh Lợi, Không Gian Rỗng … làm cho tôi, người xem tranh, chóng mặt vì phải nghiêng đầu, nghẹo cổ tìm xem Không Gian Rỗng tại sao lại không rỗng,  âm thanh “đồng vọng” đang vọng về hướng nào, “gót danh lợi” đang đếm bước vào đâu , “giai điệu” đang ngân lên nơi nào giữa những dây màu sắc đan vào nhau chằng chịt ấy , thì bỗng nhiên, một ngày vào dịp đầu năm Đinh Hợi, tôi nhận bài “Xăm hường” của bạn . Tết làm bạn nhớ nhà chăng ? Hay là thấy không khí nơi chốn xa nhà thiếu vắng tiếng leng keng của những con xúc xắc thời vui cũ, bạn cân vực dậy những kỹ niệm xưa, đốt cho ấm những ngày lễ Tết ? Bạn viết tỉ mỉ về những thẻ chơi và cách chơi, như thể bạn đang dùng một chiếc cọ nho nhỏ, vẽ tỉ mỉ từng nét khắc trên suốt 32 thẻ bài . Tôi đọc và cười một mình . Anh chàng này hẳn nhớ nhà kinh khủng lắm đây .
Tôi yên chí đó chỉ là nhất thời, Duy Đoàn chỉ hứng bất tử thôi, lúc buồn tình không muốn cầm cọ và ngắm màu . Chẳng ngờ sau đó, chàng liên tục viết, từ những mẩu vụn ký ức với gia đình, học đường, với cha mẹ, với bạn bè, thầy cô ( như phần lớn những người bắt đầu viết văn !) , chàng bắt qua những nghiên cứu thú vị như “Đi tìm nhành hoa thạch thảo “, “Đinh Đính Đỉnh Đình Định” dựa trên những chuyến du khảo, “Selfie – Narcissus – Facebook – Ego “ hay “Khóc người da đen xa nhưng không lạ “ dựa trên thời sự . Đọc bài nào của chàng cũng tìm ra được những điều mới mẻ . Ngay cả những truyện ngắn cũng đưa ra những chi tiết thú vị về nơi chốn và con người . Hình như càng viết, mạch ký ức càng mở rộng , những tìm tòi cho hội họa bây giờ bổ túc cho văn chương khiến chàng tìm ra được những ngõ ngách mới để đào sâu, trồng vào đó những hạt giống cho chữ nghĩa nẩy mầm thành những bài viết ngộ nghĩnh, không giống ai .
Mong sao Lê Duy Đoàn tiếp tục cách viết ấy, viết những đề tài là lạ, với văn phong chẳng cần bóng bẩy, rất thật, cọng thêm chút hóm hỉnh khiến khi đọc, người đọc như tôi cứ mỉm cười một mình hoài .
Đọc Lê Duy Đoàn gần gũi như đang ngồi trước mặt bạn, vừa nghe bạn kể chuyện, vừa cười vui . Thật khác xa lúc nhận tranh của Lê Duy Đoàn, có bức thấy là cảm liền như “Vàng Rơi Mấy Độ “ , “Dòng nước”, có bức cảm ngược như “ Cõi Xa Xăm” mà sao thấy gần gũi quá, hoặc “Mặt Trời Vuông” mà mình cứ thầy tròn . Dĩ nhiên đó không phải lỗi ở tác giả. Hoàn toàn là lỗi ở người thưởng ngoạn đã có những kinh nghiệm sống và cái nhìn về mọi vấn đề khác hẳn tác giả đấy thôi .
Chúc bạn bằng lòng với những gì bạn sáng tạo . Có như thế mình mới có đủ lửa để đi tiếp con đường đã chọn, phải vậy không ?

                                                                                       Đặng Lệ Khánh

                                                                                 
                   

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

PHỐ NÚI - Nguyễn Khôi


       


                          PHỐ NÚI
             
              Từ buổi ra đi biệt tháng ngày
              Ngày về Phố cũ đỉnh đèo mây
              Đường Yêu như thể đầy gai góc
              Mỗi bước chân vấp một dấu giầy.
                   
              Anh về Phố Núi không em
              Lại ra lội suối để thèm tuổi xuân
              Bến xưa da thịt trắng ngần
              Khuya xưa ánh mắt trăng rằm đằm yêu.
              Phố xưa mưa ít nắng nhiều
              Núi xưa nghiêng một bóng chiều thướt tha
              Rừng xưa ủ bóng đôi ta
              Vui nghe chim hót, bẻ hoa tặng tình.
              Anh về Phố Núi một mình
              Đứng trên CẦU TRẮNG mơ hình dáng xưa
              Từ em xa biệt đến giờ
              Trở về Phố Núi làm thơ dâng Đời.
              Phố xưa đã khác xưa rồi
              Tình xưa còn để một người quên Yêu.
                           Thành phố Sơn La 1-5-2014
                                   NGUYỄN KHÔI

              * Mời xem chùm hình ảnh tác giả Nguyễn Khôi ở Sơn La:


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

NGÀY MẸ THEO CHỒNG - Thơ Kha Tiệm Ly

Anh Kha Tiệm Ly vừa gửi bài thơ đến chúng tôi qua email, nhân NGÀY CỦA MẸ. Xin mời quý bạn cùng đọc!

   
                                   Nhà thơ Kha Tiệm Ly


NGÀY MẸ THEO CHỒNG
            (Theo lời mẹ)

Nắng hừng lên chưa tan sắc cầu vồng,
Mà mẹ theo chồng từ năm mười sáu!
Cây sầu đâu thương cành trơ áo não,
Mà ngoại lo chi cây cải có ngồng!

Tóc mẹ ngắn, ngoại phải bới đi, bới lại.
Áo vải ta còn một cái sáng màu.
Đôi guốc vông ngượng ngùng chân con gái,
Chút dầu dừa trang điểm tóc cô dâu.

Thương đàn em – đứa chăn vịt cho người.
Đứa bắt cá để ngày mai đổi gạo.
Tuổi thơ kiếm ăn như con sành con sáo,
Đứa út tồng ngồng lấp ló đứng coi!

Qua bờ kia, giã từ thời con gái,
Thương các em còn lăn lóc trong đời
Lau nước mắt, mẹ đau lòng ngoảnh lại,
Chợt thấy dòng sông bên lở bên bồi!

Tại con bướm vàng đậu nhánh mù u.
Mà một bầy con kéo theo đời lận đận.
Chiếc võng đứt tao xót cho thân phận
Như đời mẹ buồn hơn những lời ru!

Ngoại nhai trầu không giập niềm thương nhớ,
Tóc hoa râm nay sợi trắng nhiều hơn.
Con bìm bịp sớm chiều kêu nước lớn,
Bông lục bình chợt tím cả hoàng hôn!

                                      Kha Tiệm Ly
................

Kha Tiệm Ly tên thật Thái Quốc Tế
Địa chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 2, TP Mỹ Tho, Tiền Giang.
Điện thoại: 098 770 1952

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

HOÀNG YÊN LYNH VÀ THI TẬP "CHUYỆN BÊN ĐỜI" - Nguyễn Thanh Hương

Chúng tôi vừa nhận tập thơ CHUYỆN BÊN ĐỜI (tác giả Hoàng Yên Lynh - Hội Nhà Văn xuất bản, 2014) do nhà thơ Hoàng Yên Lynh gửi tặng. Chân thành cám ơn tác giả, đồng thời xin giới thiệu cùng quý bạn tập thơ trên, qua bài viết của  nhà thơ Nguyễn Thanh Hương



                 

HOÀNG  YÊN LYNH VÀ THI TẬP CHUYỆN  BÊN  ĐỜI

                                                                     Nguyễn Thanh Hương

       Khi cầm trên tay tập thơ Chuyện Bên Đời của Hoàng Yên Lynh, hình ảnh của hơn hai mươi năm trước, lần đầu tôi gặp Hoàng Yên Lynh lại trở về trong tôi. Ngày đó, tôi đi thực tế để viết bài về công nhân ở mỏ đá Bảo Lộc. Buổi chiều sương lành lạnh, tôi bắt gặp hình ảnh của một người, với dáng dấp mảnh khảnh đang ngồi cặm cụi đập đá dưới mái tranh che mưa nắng. Bất chợt tôi nghĩ, sao lại có một con người mà dáng vẻ trông chẳng giống người lao động... và tôi, có lẽ do tò mò nghề nghiệp, đến bắt chuyện nhưng anh lại rất kiệm lời... Và từ đó, tôi quen kết bạn với Hoàng Yên Lynh và cũng đã trên hai mươi năm. Sau này, qua tiếp xúc, đọc thơ văn của anh tôi nhận ra mình đã không nhầm khi nghĩ về anh. Mới đây, cô Bích Hà TBT/Truongdongha.com và những người bạn cố quê tìm đến thăm Hoàng Yên Lynh nơi vùng đất cao nguyên này. Qua câu chuyện, tôi càng ngỡ ngàng khi được các bạn anh nói về anh, về gia đình, về quê hương mà anh đã xa cách gần 1/2 thế kỷ... Đúng là quen biết nhau hơn hai mươi năm mà chưa một lần nghe anh nói chuyện xưa, nói về cuộc đời gập ghềnh nếu không nói là lắm truân chuyên.         

TINH THẦN BẤT KHUẤT - Nguyễn Thanh Bá và các thi hữu



             

                              XƯỚNG 

              TINH THẦN BẤT KHUẤT
              Đất của ta và biển của ta
              Đấy là di sản tự ông cha
              Máu xương tô thắm hồn dân tộc
              Công sức lưu danh nghiệp cửa nhà
              Đánh giặc xưa – tìền nhân xuất trận
              Đuổi tàu nay – tuổi trẻ xông pha
              Tinh thần thủy chiến Trần Hưng Đạo
              Thúc dục vùng lên trẻ chí già .
                             Nguyễn Thanh Bá


                                 HOẠ


              Bài họa 1

              QUYẾT GIỮ ĐẾN CÙNG
              Đây vùng biển của Việt Nam ta
              Sóng nước ru hời tiếng mẹ cha
              Lịch sử còn tô hồng mạch chữ
              Mồ hôi vẫn đổ rát vai nhà
              Luồng, khơi mấy nẽo từng đau trộn
              Muối, máu bao đời đã mặn pha
              Quyết giữ thiêng liêng thềm tổ quốc
              Quên thân đâu kể trẻ hay già .

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

LỐI XƯA TÂY TIẾN - Nguyễn Khôi

  
               
                            Sông Mã, Sơn La



                       LỐI XƯA TÂY TIẾN

                      (Tặng nhạc sĩ Đoàn Bổng)
                                    ------
                 "Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói..."
                                         Thơ Quang Dũng


                 Khởi đầu từ dốc Xuân Mai
                 "Một mình một ngựa" , chẳng ai đi cùng
                 Trông lên Tây Bắc trập trùng
                 Nhấn ga, xe vượt mấy từng núi mây


Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

SAU NHỮNG CUỘC CUỒNG SAY - Tâm Nhiên

     
         Ảnh: "Giang Hồ Lãng Tử" Tâm Nhiên


   SAU NHỮNG CUỘC CUỒNG SAY

   Vì nể bạn bè ta uống rượu
   Tưởng đâu vui vẻ hóa giải sầu
   Nhưng sao càng uống càng thêm quấy
   Thêm lắm điên rồ lắm… khổ đau ?

   Có lúc ta say gần suýt chết
   Rã rời quằn quại ói mật gan
   Mửa ra cả máu cuồng lảo đảo
   Vung tay chửi rủa múa xiêu quàng

   Ngất xỉu nhiều phen nơi xứ lạ
   Sao cứ u mê chẳng chịu dừng ?
   Đã biết bao lần gây lầm lỗi
   Thôi chừ dứt tuyệt quyết lòng ngưng

   Thức tỉnh giật mình nghe ớn lạnh
   Thề không lỡ dại tái phạm này
   Tuy nhiên chút đỉnh thì… cũng được
   Đừng quá lu bù ngu xuẩn say


                               Tâm Nhiên

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

ĐỌC PHỐ BIỂN LA GI - Trần Duy Lý


 

      ĐỌC PHỐ BIỂN LA GI


      Một tập thơ đầy đặn ngót 200 trang chào mừng 39 năm giải phóng quê hương và 16 năm thành lập câu lạc bộ thơ ca La Gi là một ấn phẩm đẹp về hình thức, hay về nội dung.

       Sự góp mặt của những cây bút thơ qua các thế hệ ở một vùng biển giàu truyền thống thơ ca như La Gi để làm nên một cuốn sách thơ có thể không khó, nhưng cái khó là việc tổ chức thực hiện, rồi kinh phí in ấn là chuyện không đơn giản! 


Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Ừ, EM ĐI - Nguyễn Khôi

Nhã My, chưa gặp mà qua Thơ đã để lại một trời thương nhớ đồng cảm cho bạn thơ Trai Đình Bảng ? Hồn thơ Nhã My thì đang lãng đãng mây khói trên dòng Tiêu Tương bên Hồ Nam - Trung Hoa xa xôi kia, thân thì  ở xứ Hoa kỳ đang mùa hoa Anh Đào bên kia bờ Thái Bình  Dương sóng gió... còn Trai Đình Bảng thì đang ngồi trên thuyền Quan Họ trên dòng Tiêu Tương ngâm bài thơ "Em đi"... ngắm bờ hoa Gạo đỏ ở quê hương Kinh Bắc.
Chao ôi, tình thơ là hồn gặp hồn... xin Hưởng Ứng thơ Nhã My

     

     Ừ, EM ĐI
     Thơ gửi: Nhã My,
     (Tặng: Nhà thơ La Thụy)

     Em đi, mộng đã vào Thơ
     Cất cao cánh gió cập bờ viễn du
     Bâng khuâng mây khói sa mù
     Tiêu Tương rớt lệ dòng thu tuyệt mờ
     Ban mai tỉnh giấc vẩn vơ
     Nhớ ai hờn dỗi bên  bờ cô liêu.

     Góc thành nam Hà Nội, 27-4-2014
                            Nguyễn Khôi

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

HẢO HÁN - Kha Tiệm Ly


              
                                 Nhà thơ Kha Tiệm Ly

                               
                            HẢO HÁN

                 Chọc trời coi thử mấy tầng cao,
                 Khuấy nước xem chừng biển cạn, sâu.
                 Mặc lũ kình ngư chao đảo sóng,
                 Mặc cho sấm sét nổ trên đầu!
                                         Kha Tiệm Ly
                                          25/ 4/ 2014

                                     HOẠ:

                Bài hoạ 1

                          SỨC MẠNH

                Đại bàng, sát thủ tận trời cao
                Cá sấu, hung thần đáy vũng sâu
                Mà vẫn có ngày người bắt gọn
                Mới hay sức mạnh ở trong đầu.
                                            Phương Hà                            

            

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

THĂM CỔ LOA - Nguyễn Khôi


       
              Đền Thượng thờ An Dương Vương 



                         THĂM CỔ LOA
              
              Cổ loa - thành cổ còn đôi đoạn
              Cây cối um tùm dấu tích xưa
              Sông Hoàng gợn sóng hừng vầng Nhật
              Hồ rộng nên thơ ánh  Nguyệt mờ...

              Cung điện một tòa Triều chính mở
              Văn võ bách quan rộn một thời
              Nỏ thần Cao Lỗ : Triệu Đà sợ
              Thành cao, hào vững : Chúa yên ngơi...

              Đất nước tan rơi bởi cuộc tình
              "Trái tim lầm chỗ" nghĩ mà kinh
              Mỵ Châu : lông ngỗng  đưa đường giặc
              Vua ta vỡ trận bỏ cả thành !

             Chao ôi, đền miếu dân thờ cúng
             Hương khói không quên chuyện mất còn
             Trông lên Ải Bắc mà cảnh giới
             Công tội ngàn đời An Dương Vương.
              
                                           Nguyễn Khôi
                                      Cổ Loa , xuân 2014

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN III - Hoàng Đằng

Thầy Nguyễn Văn Thị, người cầm hoa

       ĐI TÌM NGUỒN VUI - PHẦN III
     (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị)

Sáng 13/4/2014, tôi cho in ĐI TÌM NGUỒN VUI phần 1 và phần 2. Con trai tôi chở tôi đem lên giao cho anh đọc. Anh không xài vi tính nối mạng. Mắt anh mờ, đọc chữ được chữ mất. Anh bảo tôi đọc cho anh nghe. Anh lắng nghe chăm chú, gặp đoạn nào tâm đắc, anh cười.  

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

TÌNH NGỠ NHƯ MƠ - Hoàng Yên Lynh



                
               Tác giả Hoàng Yên Lynh


                TÌNH NGỠ NHƯ MƠ 

                Bao lâu rồi tình đã ngủ quên
                Trăng gác đầu non,
úa bên thềm
                Có nhớ về nhau tình lặng lẽ
                Người nặng lòng tôi chỉ buồn thêm .

                Bao lâu rồi biền biệt cách xa
                Đời hai ta phận đã định mà...
                Giấu trong tim như người xa lạ
                Bên đường đời bão tố phong ba .

                Ánh mắt thôi biển tình dậy sóng
                Tự dặn lòng lừa dối con tim
                Và như thế  -  yêu là giấc mộng
                Còn cho nhau giây phút chạnh lòng .

                Bâng khuâng mãi  -  tình yêu là thế
                Tôi và em trong cuộc trốn tìm
                Chuyện tình yêu bao lời ước thệ
                Vẫn ngọt ngào sâu lắng đam mê .
                                     Hoàng Yên Lynh


Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN II - Hoàng Đằng


       
                Thầy Nguyễn Văn Thị người cầm hoa


               ĐI TÌM NGUỒN VUI
                                Hoàng Đằng 
       (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị - Phần 2)

- Ngày ni anh em mình đi chơi nữa hi?
Anh cả gọi về khi tôi đang “nằm gắng” trên giường; lúc đó khoảng 6 giờ sáng 10/3/Giáp Ngọ (09/4/2014). Hàng đêm, anh chỉ ngủ nhiều lắm là từ 21 giờ đến 02 giờ. Anh dậy thắp hương cho chị, rồi đi lui đi tới trong nhà; chân yếu, độ bật của cơ không có, kéo lệt bệt hai bàn giữa sàn nhà, tiếng sột soạt làm cho con cháu không ngon giấc. Rõ khổ ông già nầy!
 Tôi hỏi:
- Đi bằng phương tiện gì rứa anh?
- Đi ô-tô chứ còn gì nữa. Anh tự hào trả lời.
Biết anh không làm gì có thu nhập từ lâu, trong tình anh em, tôi thật thà hỏi:
- Rứa tiền mô mà mới thuê xe đi bữa kia hôm nay lại thuê nữa? 

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

ANH CHỊ CAO HUY THUẦN VỀ THĂM LA GI


      Sau nhiều năm xa cách, từ nước Pháp, anh chị Cao Huy Thuần trở về Việt Nam thăm lại cố hương Huế. Trước khi lên phi cơ quay lại nước Pháp, ngày 20/2/2012 anh chị đã ghé thị xã La Gi, Bình Thuận thăm O Sáo (tức là mẹ mình) và toàn thể gia đình mình. Cùng đi với anh chị Cao Huy Thuần có anh chị Cao Huy Tấn, anh chị Cao Huy Hóa (các em trai và em dâu anh Thuần). Là một trí thức nổi tiếng, nhưng anh Thuần vẫn tỏ ra giản dị, gần gũi với thân tộc. Không khí các buổi họp mặt ấm cúng, thân ái. 
     Các anh chị đã ở lại La Gi nghỉ dưỡng 4 ngày. Trong thời gian này, anh Đỗ Hồng Ngọc vốn là người "bản địa" đã liên lạc qua điện thoại di động. Do phải chăm sóc vợ đang điều trị bệnh ở Sài Gòn, nên bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc dù nhiệt tình, cũng chỉ giới thiệu các thắng cảnh ở La Gi, không trực tiếp về La Gi  được. Sau đây là vài hình ảnh chụp lưu niệm với các anh chị Thuần, Tấn, Hóa. Nhiều hình ảnh lưu niệm có đầy đủ các thành viên gia đình mình được chụp từ máy ảnh của chú Vững (em trai út của mình), chưa thấy chú Vững gửi 

                   
                                Anh Cao Huy Thuần và La Thụy
                      
                   Chị Thuần, Mẹ La Thụy, La Thụy, a Hóa, a Tấn, a Thuần, chú Lợi

                       
                    Mẹ La Thụy, La Thụy, anh Hóa, anh Tấn, anh Thuần, chú Lợi (em trai La Thụy) 
                     
                     Mẹ La Thụy, chú Lợi (em trai La Thụy), anh Hóa, anh Tấn
                     
                          Anh Hóa, anh Tấn, anh Thuần, chú Lợi (em trai La Thụy)
                    
                    Bốn chị em dâu: chị Tấn, chị Hóa, chị Thuần, thím Lợi
                   
                  Bốn chị em dâu (Chị Cẩm Tú, Chị Dung, Chị Liên, Thím Sữu)
                  
                    Anh Cao HuyThuần, Đoàn Minh Lợi (em trai La Thụy)
                  
                                Anh Thuần, chú Lợi ( em trai La Thụy)