BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

NGƯỜI MIỀN NAM ĐƯA ÔNG TÁO KHÔNG THẢ CÁ CHÉP SỐNG, KHÔNG THÒNG THÊM “ÔNG CÔNG” - Nguyễn Gia Việt


Táo quân Việt Nam, hình vẽ thế kỷ 19
 
Đưa cái tựa như vậy để nhắc các bạn, tại thấy có vài bạn Nam Kỳ cúng cá chép, rồi kêu Tết Ông Công Ông Táo, bạn làm lộn phong tục là không đặng
Đất lề quê thói. Miền Nam có tập tục của Miền Nam
 
"Hôm nay tháng chạp hăm ba
Tiễn đưa Ông Táo thăng la chầu trời"
 
Tết Ông Táo ngày 23 là cái lễ đầu tiên trong mùa Tết, là tri ơn cái bếp và ngọn lửa ấm áp trong nhà. Ngày 23 đưa thì ngày 30 lại đón, đón Ông Táo cùng đợt với đón ông bà tổ tiên. Cái bếp lò luôn cháy là cái nhà có người đàn bà siêng năng tần tảo, cái nhà ngon lành. Bếp lửa cuối năm sum hợp hạnh phúc
 

Bình-nguyên Lộc tả:

"Đêm cuối năm gió lạnh lắm, mà quây quần quanh bếp lửa, ấm ghê đi. Nhà có nhúm lửa, nghe như là sung túc, mà nhúm những bếp lửa lớn, nghe càng sung túc hơn
Đó rồi thì ngày mai lại, lửa cháy trong bếp suốt ba ngày ba đêm, không được hạ ngọn phút nào hết, cho nó vui
Ở làng, người ta cất nhà lớn, nhưng cả nhà đều ở sau bếp, không phải sợ nhà trên mòn mà không dám ở, mà vì nhà bếp vui hơn, mà vui hơn là nhờ lửa"
 
Dân Nam Kỳ chỉ con cháu dạy rằng Ông Táo là cái cà ràng chụm lửa nấu cơm hàng ngày, tức là có ba cục gạch chụm lại, có ba cái mấu để bắt nồi cơm lên cà ràng mà nấu
Táo là cái bếp lò đó. Cái bếp lò phải có ba cục gạch chụm lại mới đỡ cái nồi trên lửa được, kêu là là ba ông đầu rau
Còn tại sao người Nam Kỳ kêu là “Ông Táo”, còn Bắc Kỳ lại “Ông Công, ông Táo”?

Trong văn hóa của người Việt, cứ đến 23 tháng chạp hằng năm là mọi nhà đều làm lễ cúng ông Táo để tiễn Táo Quân lên chầu trời
Táo Quân là một thần của Lão giáo, là ba thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, ba thần nam, chính là ba ông đầu rau
 
Tuy nhiên người Việt đặt ra truyền thuyết hai ông một bà, một bà Táo có hai chồng, một cũ một mới
 
“Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà”
 
Bắc Kỳ cũng mặc định một bà hai ông. Ba vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ tức thần Bếp, thần Đất, thần Chợ Búa
Nam Kỳ kêu là cúng ông Táo gọn gàng, hàm ý Táo Quân là bếp núc, luôn có ba vị
Nhưng chẳng hiểu vì sao Bắc Kỳ ngày 23 tháng chạp là “Tết ông Công ông Táo” lại gọi thêm Thổ Công (Thần Bếp) vô nữa là dư thừa lặp lại, mặc dù lúc nào cũng cúng đủ ba vị
Ghi chú là nhà người Bắc không có bàn thờ ông Địa, ông Thổ sát đất như Nam Kỳ nên 23 tháng chạp họ cúng luôn.
Còn Nam Kỳ thì 23 cúng ông Táo, mùng 10 cúng Tết nhà, cúng cá lóc nướng trui chú Thổ, tức là Thổ Địa (Hàm ý là đất chú Thổ, tức người Miên)
Người Nam Kỳ hay chụm bằng cái cà ràng (kran) vốn của người Khmer cũng có 3 ông Táo
Trong ngày 23 tháng chạp dân Nam Kỳ hay quăng bếp lò, cà ràng sứt mẻ vô lùm tre là có thiệt. Bụi tre thường dày, đầy gai và rộng, có đất lúp xúp cao
Bếp lò dù cũ, sứt mẻ nhưng là thiêng nên không ai dám đập bể nó quăng tùm lum sợ ông Táo quở nghèo mạt. Thành ra quăng vô bụi tre gai là an toàn, không ai đạp được. Để mưa nắng làm bếp lò mục ra thành đất luôn
Hoặc là quăng bếp lò kế bên cái miếu cô hồn, miếu ông tà cũng không ai dám đạp. Tại Tân Hiệp Châu Thành Tiền Giang có Ấp Ông Táo là nơi toạ lạc cái ga xe lửa Ông Táo của đường xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho xưa. Kêu là Ấp Ông Táo vì xưa có một đống cà ràng cũ bị dân đem ra bỏ lại
 
Bắc Kỳ đưa ông Táo bằng cá chép vì nghĩ cá chép hóa rồng
Còn Nam Kỳ gốc Tàu thì cúng cây mía, Nam Kỳ Việt rặt thông thường đốt bộ cò bay ngựa chạy là xong
Cùng là dân tộc Việt, nói một tiếng, viết một chữ, song phong tục Nam-Bắc trong ngày Tết khác nhau hoàn toàn
Người Miền Nam xưa hay cúng Ông Táo thèo lèo, cứt chuột
Thèo lèo là một loại kẹo mạch nha và đậu phông trắng nõn, còn cứt chuột là kẹo mè đen. Nó rất cứng và ngọt ngay ngọt ngất
 
Tại sao thường cúng ông Táo chầu trời bằng kẹo thèo lèo cứt chuột?
Là vì ngày 23 chưa có nhà nào ở Lục Tỉnh mua sắm đồ Tết, mua mứt Tết. Chạy ra tiệm tạp hóa của mấy ông Chệt mua vội bịch thèo lèo cứt chuột rẻ tiền là cách tối ưu nhứt
Táo mà, ngồi hửi khói bếp riết muốn ghiền thì ăn đồ cũng bình dân thôi
Thèo lèo được cho là từ chữ 茶料 (Trà liệu) nghĩa là thứ nguyên liệu dùng để ăn cho vui khi uống trà. Dân Tiều đọc là tề liếu/tề léo nên phiên thành thèo lèo
Còn cứt chuột là từ Nôm, nó đen thui như cục cứt chuột
Có một món nữa cũng chị em với thèo lèo cứt chuột, món mè láo (Mè thửng)
Cái bếp khói sặc sụa nhưng nó là một chốn êm đềm của những người con xa xứ, bếp và ông bà, cha mẹ, bếp muôn đời Việt Nam
 
Các bạn Miền Nam phải nhìn rõ, phân biệt đúng phong tục vùng miền mà làm cho trúng ngày 23 Tết.
  
                                                                               Nguyễn Gia Việt

Không có nhận xét nào: