Tác giả còn được nhiều người biết đến tức là nhà thơ Hoàng xuân Sơn hiện đang định cư tại Montreal, Canada. Những điều mà Hoàng Xuân Sơn đề cập trong bài “Chạm Mặt Tử Thần” (được trích trong phóng bút “Cũng Cần Có Nhau – Những Kinh Nghiệm Hãi Hùng) hoàn toàn là sự thật 100%.
Kể từ ngày xảy ra sự việc nổ súng tại trường Đại Học
Văn Khoa Saigon vào đêm 20-12-1967 trong đêm văn nghệ Trịnh Công Sơn đến nay đã
51 năm trôi qua, những người biết và chứng kiến sự việc xảy ra, tuy đã có một số
người nay đã vĩnh viễn ra đi và vẫn còn rất nhiều người vẫn còn sống. Những người
này hiện sống im lặng ở quê nhà hay sống khắp nơi ở hải ngoại. Ngay tại San
Jose vẫn còn nhiều nhân chứng của câu chuyện mà tác giả Hoàng Xuân Sơn đề cập trong bài viết “Chạm
Mặt Tử Thần” như Phạm Tài Tấn tức nhà báo Thư Sinh, Phạm Bằng Tường… và hai
nhân vật chính trong bài viết của tác giả Hoàng Xuân Sơn là Ngô VươngToại tự
Lùn và Nguyễn Văn Tấn tự Mốc hiện vẫn còn sống và đang định cư tại Hoa Kỳ.
Nhân vật Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc mà tác giả đề cập trong bài viết, một trong hai người bị bắn trong đêm 20-12-1967 hiện là ký giả Cao Sơn, Chủ Biên Tuần Báo Tin Việt News.
Nhân vật Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc mà tác giả đề cập trong bài viết, một trong hai người bị bắn trong đêm 20-12-1967 hiện là ký giả Cao Sơn, Chủ Biên Tuần Báo Tin Việt News.
Trở lại câu chuyện ám sát trong đêm 20-12-1967, sau vụ nổ súng đồng loạt cả hai
Đài Phát Thanh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam và Hà Nội đưa tin đại
ý: “Sinh viên Saigon thành công trong việc chào đón bảy năm ngày thành lập Mặt
Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Trong cuộc meeting tại Đại Học Văn Khoa, hai
tên Việt gian tay sai Mỹ Ngụy là Ngô Vương Toại và Nguyễn Văn Tấn, đội lốt Sinh
viên để tìm cách quấy phá cuộc meeting. Trước sự phẩn nộ của hàng ngàn sinh
viên tham dự cuộc meeting, theo yêu cầu của giới sinh viên Saigon, đơn vị Biệt
Động Thành đã phải trừng trị bắn trọng thương cả hai tên Việt gian này để ổn định
buổi metting”. Đài MTGPMNVN và Đài Hà Nội đã loan bản tin lên án tử hình Ngô
Vương Toại và Nguyễn Văn Tấn liên tục cả tháng.
Về phía chính phủ VNCH, sau đó đã tuyên dương hành dụng dũng cảm của Ngô vương Toại – Nguyễn văn Tấn và chính phủ quyết định xét hành động dũng cảm này đã ngăn chận không cho cán bộ Việt cộng tuyên truyền trước họng súng của Việt cộng, dù cả hai là dân sự, nên đã trao tặng mỗi người một Anh Dũng Bội Tinh với ngành Dương Liểu. Việc gắn huy chương được thực hiện tại Bệnh Viện Bình Dân, nằm trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3 Saigon do Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, đại diện Tổng Thống VNCH và Đại Tướng Cao Văn Viên, với toán Quốc Quân Kỳ của Bộ Tổng Tham Mưu đại diện QLVNCH.
Trong suốt thời gian từ năm 1963 – 1975 đã xảy biết bao nhiêu vụ ám sát nhắm vào các TNSVHS quốc gia.
Điển hình là những vụ:
Vụ SV Lê Khắc Sinh Nhật, Chủ Tịch Ban Chấp Hành Sinh Viên Đoàn Luật Khoa Saigon, em vợ cố Chuẩn Tướng Nguyễn Bá Liên.
Vụ sinh viên Văn Khoa Saigon Bùi Hồng Sĩ, Phó Chủ Tịch Liên Minh Thanh Niên Thế Giới Chống Cộng.
Bên cạnh đó, còn những vụ hành hung, đập phá trụ sở của Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng tại 14 Phân Khoa, Cao Đẳng Học Viện thuộc Viện Đại Học Saigon.
Xin mời quý độc giả đọc bài viết “Chạm Mặt TửThần” của tác giả Hoàng Xuân Sơn, một nhân chứng trong vụ ám sát tại Trường Đại Học Văn Khoa Saigon đêm 20-12-1967 dưới đây.
Chu long Hoa
*
CHẠM MẶT TỬ THẦN
Hồi ký của Hoàng Xuân Sơn
Ở đời, không có kinh nghiệm nào mà không phải trả giá. Nhưng kinh nghiệm mà phải trả bằng ngần tính mạng của mình thì quả là đắt giá. Và hãi hùng: kinh nghiệm Ngô Vương Toại và viên đạn thù phía bên kia.
Cuối hè, đầu thu 1967, nối tiếp sự thành công rực rỡ từ Quán Văn; Trịnh Công Sơn/Khánh Ly (TCS/KL) tái xuất hiện. Địa điểm lần này là Đại học Văn khoa Saigon (trường mới, ở đường Cường Để). Bằng vào sự thiết trí hệ thống âm thanh cực kỳ to lớn của những người bạn văn nghệ Đan Mạch, Đêm TCS/KL tại Đại học Văn khoa hứa hẹn nhiều pha hấp dẫn và sôi nổi. Sôi nổi là vì đêm sinh hoạt này nhằm hỗ trợ cho mùa tranh cử Ban đại diện Sinh viên Văn Khoa niên học mới. Bạn Ngô Vương Toại nhà ta ứng cử vào chức vụ Phó chủ tịch Nội vụ của một liên danh có nhiều khuôn mặt quen thuộc ở Văn khoa như Phạm Tài Tấn, Phạm Đông Bách… Toại kiêm luôn phát ngôn viên và người điều khiển chương trình tối hôm đó. Không khí thật là nhộn nhịp người lui kẻ tới, pha lẫn chút gì căng thẳng. Khán thính giả ngồi kín Giảng đường 1 (lớn nhất ở trường mới), đông ken lan cả ra ngoài hành lang chung quanh. Thậm chí tràn cả dưới sân, nhấp nhô đầu người, tiếng nói cười lao xao. Bầu không khí yên lặng trở lại khi các bạn người Đan Mạch đồng ca một bài hát bằng tiếng nước mình. Nghe cũng kỳ thú. Và rồi TCS/KL tiếp nối. Lại say sưa hát, say sưa thưởng ngoạn. Lại những tràng pháo tay nổ ran. Và đêm trường, một lần nữa chứng kiến sự hòa nhập cao đỉnh của tuổi trẻ và triệu con tim mang cùng nhịp điệu.
Sau một chuỗi ca khúc TCS/KL lóng lánh sáng, trước giờ nghỉ giải lao, anh TCS mời Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang và tôi lên sân khấu cùng hát bài Đi Tìm Quê Hương. Dù đã xuất hiện trước đám đông nhiều lần, lần này tôi vẫn cảm thấy run en như thường trước một lượng khán thính giả quá đông đảo. Tất cả ánh sáng đều được giảm xuống độ mờ tối đa. Chỉ còn những hình nhân nến, lung linh, chao đảo theo từng lời ca.
“Người nô lệ da vàng ngủ quên,ngủ quên trong căn nhà nhỏ,đèn thắp thì mờNgủ quên, quên đã bao nămNgủ quên, không thấy quê hươngBao giờ đập tan gông cùm xiềng xích nô lệtrói buộc hờn căm…Người nô lệ bước đi, đi tìm giòng sôngNgười nô lệ bước đi, đi về đồi non…Đi cho thấy quê hương…”
Mở bừng mắt. Quê hương vẫn đấy – người vẫn đây. Mà hồn chìm khuất tận cõi mơ hồ nào. Linh cảm một điều gì không hay sẽ đến? Người nô lệ – những giọt máu tuôn trên da vàng?
Khánh Ly hát. Trịnh Công Sơn hát. Hát mãi. Như những mũi tên lao vút. Cho đến khi đèn bật sáng. Đã hết chưa cuộc bể dâu? Chưa hết đâu. Chỉ là trần gian nửa cuộc về. (Giây phút hãi hùng ấy sẽ đến. Sẽ đến? Sẽ đi về đâu? – “Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời/ chợt hãi hùng hoàng hôn trờ tới” – Trầm Tử Thiêng).
Giờ giải lao, xuất hiện một đôi nam nữ ăn bận khá lịch sự từ từ tiến lên diễn đàn. Nam: quần màu sậm, sơ mi trắng, tay thọc túi quần. Nữ: áo dài xanh lá mạ, đeo kính gọng xếch mắt mèo, tay ôm một chiếc cặp lớn, căng phồng. Ngô Vương Toại đang ở trên sân khấu nói qua về công việc bầu bán ban đại diện sinh viên văn khoa sắp tới.
Nam ngỏ ý xin được góp lời. Nữ đứng sát bên kéo khóa mở cặp. Và rồi trờ tới. Trờ tới nguyên văn: “Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi – Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm 7 năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam...”. Cái gì Mặt trận!? Nam nói chưa dứt câu, Toại phản ứng lẹ như chớp; nhanh tay giật lại micro: “Ẩu nà, câm mồm!...”. Quát: “Đứng im!”. Và “đoàng đoàng”, hai phát súng nổ liên tiếp. Tôi hoa mắt thấy thân hình Toại văng bật vào tường dưới bảng đen. Nhiều phát súng nổ liên tiếp sau đó. Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn. Và rồi cũng ăn đạn vào chân, té quỵ xuống bục sau đó.
Một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy trong đời! Những thân người chen lấn. Đẩy xô núp đạn hòa trong tiếng la hét, khóc lóc rợn người. Đôi nam, nữ bình thản bước xuống bục sân khấu, rẽ đám đông. Và đi mất hút.
Thoát được ra ngoài. Run như cầy sấy! Giang đâu rồi? Toại ơi! Chết? Chắc chết! Làm sao chịu thấu hai cú "đìa-rếch" vào người. Không dám nhìn. Chỉ còn nghe tiếng còi hụ xe cứu thương chở bạn mình đi khuất.
Trật tự tạm vãn hồi. Những kẻ chạy thoát ra ngoài, nhốn nháo nhìn vào bên trong giảng đường. Chao ôi là la liệt giày dép, nón áo, giấy tờ, sách báo. Ngổn ngang gò đống hệt một bãi chiến trường. Những người bạn Đan Mạch thu dọn đồ đạc, tháo gỡ hệ thống âm thanh, mặt mày ngơ ngác như vừa được xem xong một vở bi kịch lớn. Một vở kịch với nhiều diễn viên sống động...
Leo lên yên sau xe gắn máy của một bạn nào không nhớ. Đèo nhau về trạm Quán Văn bình yên. Đã thấy Trần Hiếu Lai đứng thở hổn hển. Hóa ra cu cậu chạy bộ từ Văn khoa về nhà. Cái sợ đã làm động cơ thúc đẩy một kẻ bình thường trở thành lực sĩ vô địch điền kinh chạy việt dã!
Khuya tối hôm đó, TCS phải đi lánh nạn nơi khác. Bọn tôi nằm chờ sáng trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Cái gì sẽ xảy ra tiếp? Nhưng ngày mai rồi thấy lại mặt trời. “Mặt trời mặt trời đã lên – Còn nhìn còn nhìn thấy con người”. Xế trưa, tin lành cũng đưa đến: Ngô Vương Toại không việc gì nguy hiểm tới tính mạng. Dù viên đạn quái ác đã xuyên qua năm bảy tầng tạng phủ. Đúng là mạng quá lớn bạn ơi. Bạn còn phải nằm viện điều trị lâu dài.
Để kiểm chứng một khúc rẽ quan trọng. Và để rà soát lại trí nhớ tồi tệ của mình, tôi đã liên lạc với bạn Toại để cả hai cùng quay lại khúc phim thời sự gay cấn hãi hùng ấy.
Khi tôi viết những dòng chữ này, Ngô Vương Toại vừa mới hồi phục sau một cơn tai biến mạch máu não. Bạn ta còn phải tịnh dưỡng, tập tành nhiều để trở lại tình trạng sức khỏe bình thường như trước. Cầu xin mọi điều an lành đến với bạn mình, người đã gánh chịu muôn ngàn khó khăn mà vẫn luôn luôn yêu đời, yêu người.
Trong một thư riêng, chữ viết của Toại có hơi run rẩy, nhưng trí nhớ vẫn còn tốt. Sau đây là trích đoạn về nguyên nhân đưa đến cái giây phút hãi hùng để đời ấy của nạn nhân trực tiếp:
… “Sau khi bị ba lần stroke cuối năm ngoái, trí nhớ mình rất tồi, cái được cái quên, lẫn lộn và mấy ngón tay phải vẫn còn tê nên viết khó khăn, chữ xấu. Sẽ tập viết lại.
Một liên danh gồm các sinh viên quốc gia được thành lập và để tạo cảm tình với sinh viên Văn khoa, mình mời TCS và KL hát. Có hai lý do, vào thời kỳ này TCS và KL là hai nghệ sĩ được yêu mến nhất và mình muốn cho thiên hạ thấy rõ Miền Nam tự do nếu có phải can dự trong chiến tranh là vì tự vệ chứ không phải là phía cổ súy chiến tranh và có lý do để không ngại một loại nhạc chống chiến tranh”…
“Nhân danh ai anh đến đây bắn vào ngườiLũ dơi trời đêm nay vùng biết nóiNhân danh ai? anh đến đây bắn vào ngườiTrong mắt anh, trong mắt em, hãi hùng đầyXin nhân loại một ngày, nhủ lòng thương mến nhau thôiNhân danh ai, anh đến đây bắn vào người…Trong tim anh, mẹ Việt nằmTrên nôi chung một màu vàngMột niềm tin, một giận hờn…”
Bài “Nhân Danh Ai” chứng tỏ TCS không hề là người của một phe phái nào. Anh lên án sự xiển dương cho bạo lực dù hành động bắn giết hành hạ đồng loại đến từ bất cứ phía nào.
Toại còn nằm viện dài dài cho đến lúc bình phục hẳn (cũng kéo dài khoảng vài tháng). Hễ rảnh rỗi là bọn tôi đại Cái Bang Mai/Giang (Nhuệ Giang và Hoàng Xuân Giang)/ Tuấn/Tự/Sơn/Lai/Tấn… vào Bệnh viện Bình Dân thăm viếng ủy lạo bạn ta, dìu chàng đi làm công tác vệ sinh, thay áo quần, đổ bô… và hát cho chàng nghe như buổi nào chúng mình vẫn ca hát với nhau. Ôi tình bạn thắm thiết dường bao!
Tưởng cũng nên nhắc lại, người điền khuyết chức vụ tranh cử trong liên danh của Ngô Vương Toại không ai xa lạ, chính là Nguyễn Ngọc Ngạn - một tên tuổi văn nghệ quen thuộc về sau tại hải ngoại.
Kể từ khi Ngô Vương Toại bị lãnh kẹo đồng của phía bên kia, tình hình chính trị trong các khuôn viên đại học có mòi căng thẳng, trầm trọng hơn. Chiến tranh nóng, lạnh giữa sinh viên quốc gia và VC nằm vùng đã thò hẳn bộ mặt hung tợn ra bên ngoài: những vụ bắn giết, thanh toán nhau như cơm bữa đã lần lượt lên khuôn nóng các bản tin thời sự…
https://huongduongtxd.com/chammattuthan.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét