Giống như khi chào cờ thì phải hát quốc ca, mỗi khi đến
độ Xuân về, trong các cuộc họp mặt đầu năm, văn nghệ ngày Tết, Ly rượu mừng vẫn
là ca khúc không thể thiếu được. Mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ 40 tuổi
trở lên, có lẽ ai cũng thuộc lời bài hát nổi tiếng này của cố nhạc sĩ Phạm Đình
Chương, ít ra thì cũng được vài câu đầu : «Ngày
xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/Người thương
gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó…..»
Trước khi nói tiếp về ca khúc Ly rượu mừng, chúng tôi xin được nói qua về tác giả của bài hát
này. Sinh năm 1929 ở Hà Nội, Phạm Đình Chương xuất thân từ một gia đình truyền
thống âm nhạc. Bắt đầu sáng tác từ năm 1947, có thể nói ông là nhạc sĩ tiêu biểu
cho dòng nhạc tiền chiến và nói chung là một trong những tên tuổi lớn của nền
tân nhạc Việt Nam. Ông cũng là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc, nhưng về giọng
hát thì trong gia đình Phạm Đình Chương, nổi tiếng hơn vẫn là cô em Thái Thanh
và người chị Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy.
Sau khi vào trong Nam vào năm 1951, ông và người anh
cùng cha khác mẹ là Hoài Trung cùng với Thái Thanh, Thái Hằng tái lập ban hợp
ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng
của miền Bắc như thể là ông muốn nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng
dân chài... Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi
hơn: Xóm đêm, Đợi chờ, Đón xuân… Ca khúc
Ly rượu mừng cũng ra đời vào thời kỳ này.
Sau khi hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt
đầu sáng tác những khúc tình ca, đưa tâm trạng đau thương của ông vào những bản
tình ca nổi tiếng: Đêm cuối cùng, Thuở
ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ
phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những ca khúc bất
hủ, như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ
Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh
Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh
Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn
(thơ Du Tử Lê)...
Sau 1975, nhạc sĩ Phạm Đình Chương định cư tại bang
California, Hoa Kỳ và mất tại đây năm 1991, theo tài liệu của Wikipedia. Theo một
số tài liệu khác thì ông mất năm 1993.
Ngoài Ly rượu mừng,
có một ca khúc khác về mùa Xuân của Phạm Đình Chương cũng rất được thường được
trình diễn vào những dịp Tết, đó là bài Đón
Xuân.
Trở lại nói về Ly
rượu mừng. Ca khúc này có thể được dùng thay cho lời chúc Tết đến mọi giới:
công nhân, nông gia, thương gia…, hay lời chúc dành cho người mẹ già mong tin
con, cho đôi uyên ương vừa xây tổ ấm.... Không chỉ là bài hát về mùa xuân, Ly rượu mừng còn là một ca khúc nói lên
những ước mơ của người dân Việt Nam vào thời thập niên 1950 về một nền hòa
bình, về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc: “Bạn
hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hòa bình, hòa bình. Ngày máu
xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy
vơi...”.
Chính ban hợp ca Thăng Long đã trình bày ca khúc Ly rượu mừng lần đầu tiên ở Sài Gòn. Bài
hát được ghi âm lúc đó bắt đầu với lời chúc Tết của ban hợp ca Thăng Long, tiếp
đến là những âm thanh được mô tả gồm «tiếng
pháo nổ tại phòng trà Đêm Mầu Hồng; tiếng trống của đội lân Nhân Nghĩa Đường Chợ
Lớn; tiếng Đại Hồng Chung của Viện Hóa Đạo; tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà...»,
trước khi ban hợp ca bắt đầu cất giọng hát.
Ly
rượu mừng đã ra đời vào lúc nào?
Có tài liệu thì nói là bài hát đã được nhạc sĩ Phạm
Đình Chương sáng tác vào năm 1952, nhưng có tài liệu thì ghi là ca khúc này đã
được ông Phạm Đình Chương viết tại Sài Gòn vào năm 1955 và cho đăng trên số Tết
báo Đời Mới. Bản in đầu tiên của ca khúc này thì được xuất bản vào năm 1966. Một
điều chắc chắn là Ly rượu mừng đã ra
đời vào thời điểm mà đất nước Việt Nam của chúng ta còn trong vòng khói lửa,
cho nên tác giả mới gởi gắm vào đó khát vọng hòa bình cho dân tộc.
Cho dù là ra đời từ năm nào thì Ly rượu mừng ngay sau khi được phổ biến đã được công chúng đón nhận
nồng nhiệt. Cho đến năm 1975 và cho tới nay ở hải ngoại, ai cũng xem nó như nhạc
hiệu của ngày Tết.
Cho dù khá nhiều nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Đình
Chương đã được trình diễn ở Việt Nam, nhưng trong hơn 40 năm Ly rượu mừng vẫn bị cấm đoán, có lẽ vì
bài hát có thoáng nhắc đến người lính Việt Nam Cộng hoà («Chúc người binh sĩ
lên đàng Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân
mình»).
Mãi đến tháng Giêng 2016, ca khúc Ly rượu mừng mới được Bộ Văn hóa Việt Nam cấp giấy phép phổ biến
toàn quốc, tức là được hát công khai. Hãng Phương Nam Phim đã được phép lưu
hành ca khúc Ly rượu mừng nằm trong CD Xuân 2016. Bài hát này do hai ca sĩ
Quang Dũng, Phạm Thu Hà thể hiện.
Sau nhiều năm bị cấm đoán, nay được hát công khai ở Việt
Nam, Ly rượu mừng chắc chắn sẽ tiếp tục
chinh phục hàng triệu con tim trong giới trẻ bây giờ. Hơn 60 năm sau kể từ khi
ra đời, Ly rượu mừng vẫn bất tử. Âm
điệu vừa du dương, vừa rộn ràng của ca khúc này sẽ vẫn thôi thúc mọi người hãy
tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, cho dù đó là một viễn cảnh còn xa vời.
Lời
bài hát Ly rượu mừng
Ngày
xuân nâng chén ta chúc nơi nơi /Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người
thương gia lợi tức / Người công nhân ấm no
Thoát
ly đời gian lao nghèo khó
á
a a a /Nhấp chén đầy vơi
á
a a a /Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót
thêm tràn đầy chén quan san/Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến
đấu công thành /Sáng cuộc đời lành
Mừng
người vì Nước quên thân mình
Kìa
nơi xa xa có bà mẹ già
Từ
lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc
bà một sớm quê hương
Bước
con về hòa nỗi yêu thương
á
a a a /Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á
a a a /Chúc mẹ hiền dứt u tình
Rượu
hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào
cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng
thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Bạn
hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng
Chúc
non sông hoà bình, hoà bình
Ngày
máu xương thôi tuôn rơi
Ngày
ấy quê hương yên vui
đợi
anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc
cao ly này /Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước
non thanh bình /Muôn người hạnh phúc chan hoà
Hương
thanh bình dâng phơi phới
Thanh Phương
*
Nguồn:
https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20160208-%C2%AB-ly-ruou-mung-%C2%BB-van-bat-tu-moi-do-xuan-ve
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét