BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

NHỚ ĐỤN RƠM – Đinh Hoa Lư




Chắc sẽ có bạn đọc mỉm cười "lạ gì cái đụn rơm mà viết!" nhưng do cái xóm Cửa Hậu tiếng ở thành phố lại giáp ranh với những đám ruộng hai thôn Hạnh Hoa cùng Trí Bưu nên tôi mới nhớ mãi chuyện cái đụn rơm rồi kể lại ít nhiều cho bạn đọc nghe chơi:
 
Thuở đó khoảng trước 1960 xóm tôi ở có vườn nhà Ông Lâm tức là ông thân của võ sĩ Bách Tùng Lâm. Nhà ông kế cận nhà ngoại tôi. (sau này khoảng sau 1961 (?) ông bán nương vườn này lại cho ông thân sinh của bạn Hà Thị Bích Hường và dời nhà ra phía ruộng). Ông Lâm làm nông. Cái nhà rường của Ông nằm giữa mấy bụi tre và vườn chuối rậm rạp. Dù xóm tôi ở trước Cửa Hậu, nhưng qua vườn nhà Ông thì rõ ràng đây chẳng khác cái cảnh thôn quê chút nào. Nào cảnh gặt lúa xa xong gánh về nhà, phơi đập, cuối cùng là chuyện xây cái đụn rơm.  Hình ảnh "về làng" là cái đụn rơm, làn khói lam chiều sau vườn nhà Ông, hay con bò về chuồng sau buổi cày chăm chỉ.
 
Tôi cho rằng, đụn rơm có thể biểu hiện cho sự sung túc no đủ của người làm nông. Lúa nhiều thì đụn rơm càng to, tôi tin vậy. Xây đụn rơm là cả một quá trình công phu, đâu phải đem bỏ lồm xồm cho mau đầy đống. Tiếng roi "tron trót" thúc chú bò vừa rủng rỉnh đi quanh cái trụ, những lớp rơm bỏ vào chắc nịch, cuộn xen với nhau cao dần lên, không bao giờ rời rạc. Con bò của nhà ông Lâm quan trọng đến thế. Cứ mỗi vòng đi là Ông lấy cái đòn "sảy" móc rơm thảy vào cho con bò tiếp tục dẫm lên. Đó là cái "nền, móng" cho đụn rơm, trí nhớ tôi không thể nhớ hết khi làm sao đụn rơm có thể lên cao chót vót trên kia? Nhưng cuối cùng, sẽ là cây tre bắt chéo từ trên phủ xuống để giữ cho đụn rơm khỏi gió.
 
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào.
Khói bay đến tận Thiên tào
Thượng hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?
                                                        [ca dao] 
  


Tôi nhớ mùi rơm, một thuở 'hương đồng cỏ nội' khi chơi đuổi bắt cùng mấy đứa bạn quanh nó. Tiếng bầy sẻ trên cành tre bìa vườn, giáp giới cánh đồng  mênh mông chạy về  bờ sông Vĩnh Định ngang qua làng An Tiêm. Những lần chị Dao, con ông Lâm, rủ đi nhặt ốc bươu, bắt đam ngoài ruộng. Sau này người ta lấy đất cày đắp thêm, mở mang xóm Hậu. Thế là có thêm nhà ông Nguyễn Tri Duyến, ông thân của chị Đoàn, chị Liễu... xóm  lấn dần ra ruộng.




Mỗi khi ông thân chú Tùng vác cày từ ruộng về, dáng ông mạnh khỏe, chắc nịch. Bên trong con người điềm đạm, hiền lành kia có ai ngờ ông là một nhà võ? Thứ võ Ta này ông truyền lại  cho hai con trai là chú Bách, chú Tùng. Chú Tùng sau này lấy biệt hiệu là Võ Sĩ Bách Tùng Lâm. Người phường Đệ Tứ Quảng Trị trước đây còn nhớ đến chú Tùng nhiều. Tôi xin viết riêng một ít để giải thích tại sao chú Tùng lại lấy biệt hiệu này?  Đó là cái tên ghép của ba người trong nhà: Bách là anh đầu. (Chú Bách là bạn của cậu Võ tự Phương tôi. Sau này cả hai đều là Thiếu Sinh Quân AET sau là TQLC). Chú Bách sau này lấy vợ người quê Bình Định. Câu "ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền" vậy mà thật a! chú Bách là con trưởng của Ông Lâm, võ Ta chân truyền đâu phải là vừa? Thế mà khi gia đình ông Lâm dời nhà ra phía ruộng, cô dâu Bình Định có chuyện xích mích với chồng trỏ ngón gia truyền "thắng luôn" chú Bách?!
 
Người kể cũng xin bắc qua em trai kế chú Bách tức là chú Tùng. Chú Tùng sau này là 'sếp' của lính "Xi Ti" (có thể tiếng gọi CITY (thành phố) cũng nên?) của Mỹ tại Quảng Trị. Hồi này tuy còn nhỏ, người viết còn nhớ những buổi văn nghệ tại Ty Thanh Niên hay nhà Đại Hội (sau lưng tòa Hành Chánh QT). Làm sao quên được sự háo hức và tự hào khi nghe tiếng loa vang giới thiệu:
- Đây!  Võ Sĩ Bách Tùng Lâm...
 Chú Tùng ra biểu diễn những đường võ Ta. Bắp thịt nổi cuồn cuộn - trông chú chẳng khác chi hai lực sĩ Nguyễn Công Án hay Nguyễn Thành Nhơn vào thập niên 1950 những lực sĩ thần tượng cho cậu Võ Hoa tôi hay chưng hình ảnh họ trong nhà.
 
            Lực sĩ Nguyễn Công Án 1956 VNCH đoạt giải Nhất Lực Sĩ Đẹp thế giới.

 
Thật là "đã con mắt" và cũng sung sướng tự hào cho người trong xóm Hậu cũng như chung cho Phường Đệ Tứ năm xưa biết chừng nào!
 
Thôi tôi lại miên man lạc đề mất!
Giờ xin trở lại về chuyện cái đụn rơm ra sao? Chuyện cái đụn rơm này còn một thứ để kể về một lần đoàn làm phim từ trung ương Sài Gòn ra đây đóng một cuốn phim trong cái thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Cái ngày đó những thanh niên trong phường đều được "trưng dụng", không có tôi do tôi là con nít. Người viết còn nhớ rõ, chú Bích (em đại tá Nguyễn Bé), chú Trương Đá, chú Liệu, Chú Thuận (em ông Cai Hy) thời này còn học sinh "độc thân vui tính", tất cả đều sốt sắng đóng vai Thanh Niên Chiến Đấu. Trong màn đêm tất cả đều cầm đuốc tự chế, bận đồ đen chạy quanh đụn rơm. Ồn ào huyên náo khi tiếng kẻng tiếng mõ gỏ dồn dập, liên hồi...

Tất cả hình ảnh đều tập trung vào cái máy quay phim trắng - đen chạy nghe "xè xè". Chiếc máy điện đặt chính giữa sân nhà chạy nghe "xình xình". Bà con lối xóm phường Đệ Tứ có một đêm vui lạ nhớ mãi trong đời. Đoàn làm phim trú lại xóm, đèn 'măng sông' thắp lên làm việc, trông thật rộn ràng mà cũng chẳng kém phần "hệ trọng". Người viết nay còn nhớ, nhưng các bậc đàn chú, đàn anh như các chú Trương Đá, Nguyễn Bích, Bách Tùng Lâm... chắc gì còn nhớ? mà lớp tiền bối này chắc hẳn còn lại bao nhiêu người.

 


Cái đụn rơm trong hình trên, là cái đụn rơm tại nhà cậu họ tôi tên là Võ Thế Hòa, làng Nại Cửu. Năm này là năm 1997, ruộng đồng Nại Cữu đã vào hợp tác xã. Lúa chia theo "công điểm", rơm cũng chia theo "công điểm". Đụn rơm nhỏ bé, hỏn hon kia là hình ảnh rõ nét nhất cho đói nghèo, thiếu gạo thiếu lúa. Vậy là đụn rơm to của nhà ông Lâm như tôi vừa kể là những gì ấm no mà thời bé bỏng tôi còn nhớ lại.
 
Đụn rơm tuy cao, nhưng khi rút rơm thì lại rút từ dưới. Lâu ngày hỏng chân, thấy cả khoảng trống nhưng lại không bao giờ sụp đổ thế mới hay. Có đụn rơm, người nông phu thấy vững tâm, không lo thiếu củi. Mẹ già lui hui nấu bếp rơm sau vườn. Mẹ dùng cái que nè xăm xoi cho rơm bừng cháy. Cái nồi thật lớn thế mà vẫn sôi vẫn chín. Tro rơm để đó làm phân chẳng bỏ thứ gì. Con heo nái chuyển bụng, cái chuồng trống trải cần lót cũng cần có rơm. Cái thúng đựng máy cặp đường đen cất cho nồi chè mồng Năm Đoan Ngọ, không có rơm vình chắc là đường ướt. Con nhà nông coi đụn rơm như người bạn "chí cốt, chí tình" không thể rời xa.
 
 
                                                                Khói lam chiều
 
Có được nồi cơm, ấm nước, bới cho bác nông phu đang cày ngoài ruộng, người ở nhà phải chắt chiu, góp nhặt từng cành tre gãy, từng cọng rơm khô. Đụn rơm kia là nguồn lửa cho chén cơm thơm, miếng canh ngọt ngào, nuôi sống cho con nhà nông trong những lúc làm lụng vất vả. Đụn rơm bên hông nhà là hình ảnh không thể thiếu trong con mắt con nhà nông. Mỗi khi vác cày về lại nhà, đụn rơm như 'núi của' đứng 'sừng sững' bên hông nhà làm bác nông phu ngắm hoài không chán mắt. Nó "càng lớn - càng to" thì bác càng vui, càng bớt lo toan về triêng cũi gánh than. Trường Sơn phía xa, trên thượng nguồn Thạch Hãn. Cây rừng lắm củi, thế mà người nông dân miệt ruộng làm sao có những chuyến "viễn hành" như thế?
 
"Hết gạo thì có Đồng Nai, hết củi thì có Tân Sài chở vô", Tân Sài ở mô trên đó khi núi rừng trùng trùng điệp điệp ? Bác nông phu miệt ruộng quần quật suốt ngày, đi sớm về tối chẳng có khi nào "vác búa tiều phu" lên được cái dãi núi xanh lam trên kia?  Nơi đó, thiên nhiên thật hào phóng về chuyện gỗ củi, nhưng phép mầu nào chuyển về trước hiên nhà nông để thay cho được cái đụn rơm "chơn chất và thực tế" kia?
 
Tôi nhớ người cậu trong làng ngoại tên là Võ Thế Hoà; cậu ấy có kể cho tôi nghe rằng: năm xưa lúc còn an bình một lần làng rủ nhau lên lấy củi Trường Sơn thì quả là một việc 'trọng đại': nào thuê đò, nào người chèo tức là thanh niên trai tráng trong làng. Chèo lên quá An Đôn Như Lệ và xa hơn nữa tức là qua khỏi Trấm (Trái). Cơm nước mang theo ở lại trong rừng một hai ngày sau mới chèo đò về. Chia nhau củi một nhà chẳng được bao nhiêu củi? Do đò chở cả người lẫn củi thì quá ít, về làng còn chia ra nữa. Nhưng đó là chuyện xa xưa sau này thời chiến tranh tức khoảng trước 1975 có ai nhớ đến chuyện này?
 
Đụn rơm là hình ảnh thân thiết, lấp ló sau lũy tre xanh. Rơm ấp yêu mái tranh nghèo, đơn sơ bình dị như hơi ấm mẹ hiền mãi mãi thuơng con. Người đi xa về nôn nao chân bước, khi vừa thấy đụn rơm bến mái hiên nhà. Khói lam chiều nhè nhẹ tơ vương, êm ả tiễn đưa từng buổi chiều vàng. Rơm và khói, huơng quê bất tử nao lòng người xa xứ, đụn rơm làng là những gì mãi mãi hằn ghi!


Năm 1997 mẹ tôi được một lần về thăm quê Ngoại Nại Cửu (từ Hàm Tân, Bình Thuận ra Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị)


Hôm nay ngắm lại hình ảnh mẹ tôi cười tươi bên đụn rơm quê Ngoại, thế mà gần ngấp nghé hai mươi lăm năm! Mẹ tôi về lại Cam Bình, Bình Thuận với thân già còm cõi, rồi dần dà trí não lu mờ. Cho đến hôm nay, 2021, lúc tạ từ dương thế, mẹ tôi không ngờ lần về đó là lần cuối cùng trong đời, vĩnh viễn không còn cơ hội về thăm quê hương thêm lần nào nữa.  Dầu sao, lúc ngắm lại tấm hình này, tôi cảm nhận được mẹ tôi ngày đó đã có phần an ủi. Một chuyến về Ngoại, được cười vui bên một đụn rơm ấm áp tình quê.

 


Một lúc nào đó trong tương lai, các đạo diễn sẽ khó khăn tạo dựng mái nhà tranh để đóng phim, phải lắm công phu làm thêm một đụn rơm nữa mới đúng hình ảnh lịch sử. Cảnh 'cày sâu cuốc bẫm' sẽ biến mất trong cái nghề làm ra "hột ngọc của Trời".  Hình ảnh "lấy rơm đun bếp" chỉ là chuyện ngày xưa hay là "huyền thoại". Hay sao, chúng ta ít nhiều gì cũng đã một lần nhận ra hình ảnh đụn rơm trong một lần về thăm quê mẹ. Xa xa bên lũy tre làng, vài làn khói cơm chiều nhẹ tỏa làm lữ khách nhanh chân bước mà nghe cõi lòng ấm lạ cùng thương mãi thương hoài một thuở hồn quê.
 
                                                                           3/6/2014
                                                                         Đinh Hoa Lư
                                                             Chỉnh bản lần cuối 23/2/2021

4 nhận xét:

HẰNG NGA nói...

Chuyện vè hình ảnh cái đụn rơm thật hay nhưng HN rất tiếc là ko đc chiêm nghiễm một lần nào vì từ bé tới giờ toàn ở thành phố anh ạ.
HN sang thăm chúc anh chiều nắng đẹp thật vui nhé anh!

http://d4.violet.vn/uploads/blogs/730648/hong2.gif

Bâng Khuâng nói...

Đầu tuần vui khỏe Hằng Nga nhé!

https://1.bp.blogspot.com/-J6tehvxHGSw/YDykvxkxnNI/AAAAAAAAA6s/iGualbWaIjkIVJEx2d2AfdxllyAIh4P5wCLcBGAsYHQ/w400-h400/monday%2B%25283%2529.gif

tieng thoi gian nói...

Trước tiên Tác Giả cám ơn bạn đọc đã ghé trang này. Thật sự tiếc giùm cho HN không có cơ hội để chiêm nghiệm một hình ảnh rất riêng cho vùng thôn dã. Mai này mốt nọ chắc sẽ không còn nữa do thời đại nông tang tối tân hiện đại. Hi vọng đâu đó trên quê hương chúng ta chắc hẳn vẫn CÒN. Bạn cố gắng đi về vùng quê và nhìn Đụn Rơm chụp một tấm hình cạnh nó
Chúc bạn vui khỏe
ĐHL

Bâng Khuâng nói...

Rất vui khi tác giả bài viết ghé thăm và ghi cảm nhận. Chủ nhật thanh thản bác Đinh Hoa Lư nhé!

http://4.bp.blogspot.com/-2rjHEWQwNbg/U38kV45ayeI/AAAAAAAAApo/esi-sKBenG4/s1600/1148195805lj7_zpsf0879608.gif