BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

LÀNG TÔI - Bút ký của Nguyễn Quang Khiêm


     
            Tác giả Nguyễn Quang Khiêm


             LÀNG TÔI
         
Nằm về phía đông nam cách thị xã Quảng Trị 5Km bên dòng sông Vĩnh Định: Là ngôi làng Ngô Xá thuộc xã Triệu Trung huyện Triệu Phong

SƠ LƯỢC VÀI NÉT TIỂU SỬ LÀNG

Sau đám cưới lịch sử của Huyền Trân Công Chúa với vua Chiêm Thành là Chế Mân năm Bính Ngọ (1306) dãi đất 2 huyện Triệu Phong và Hãi Lăng đã trở về Việt Nam, trong đó có miền đất làng Ngô Xá, mặc dầu đã thuộc bản đồ Việt Nam mấy trăm năm nhưng vùng đất này vẫn còn là vùng đất rộng, người thưa. Làng được hình thành vào cuối thế kỷ XV khi Mạc Đăng Dung tiếm quyền vua Lê - các ngài ở làng Hoa Duệ thuộc Hoan Châu ( Nghệ Tĩnh ngày nay) phụng mệnh vua Lê Cung Hoàng vào Thuận Hóa – Tân Bình đánh dẹp Chiêm Thành, chiêu mộ lưu dân, khai khẩn ruộng hoang, thành lập Tổng xã ( theo di cảo của làng) năm 1537 đời vua Lê Thánh Tôn Niên hiệu Hồng Đức các ngài Thủy Tổ làng, theo tiến trình đi mở đất, thiết lập thôn trang xưa có tên là làng Ngu Xá ( Ngu: quần tụ; Xá: xã hay có nghĩa làng lớn, làng đại xã ). Năm 1670 đời vua Lê Huyền Tông ( niên hiệu Cảnh Trị ) kiến tu Châu bộ tên làng được đổi là Phước Xá . Năm 1811 (đời vua Gia Long năm thứ 10) Toản tu địa bộ toàn công (tu chỉnh lại sổ bộ địa chính ) do chữ Phước trùng tên với dòng họ vua Triều Nguyễn( theo luật của Triều đình gọi là phạm húy) nên được đổi lại là Ngô Xá

(Ngô lấy tích từ chữ Ngu bỏ tên đầu thành chữ Ngô) thuộc Tổng An Lưu, phủ Thuận Xương tức là Triệu Phong , tên làng được lưu giữ đến ngày hôm nay. Năm 1822 (Minh Mạng năm thứ 2) do có sự phân chia lại địa giới hành chính, làng Ngô Xá được chia thành hai làng: Ngô Xá Tây và Ngô Xá Đông ( làng Ngô Xá Tây chạy dài từ cầu Triệu Tài, xưa gọi là cầu Chợ Cống đến cầu Sông Mới; Làng Ngô Xá Đông từ cầu Sông Mới đến cầu Xuân Dương ) tuy đã chia địa giới nhưng dân hai làng vẫn chung sống với nhau liên canh liên cư nên gọi là Đông Tây gián tạp; lúc đó làng có 121 hộ gia đình nên công điền, công thổ được chia theo tỷ lệ hộ ; cứ làng Tây 44 phần thì làng Đông 77 phần cho đến ngày nay vẫn còn giữ vị trí xen kẻ nhau như tại Xóm Đồng ( Cây số 5 ), xóm mít, đất tại các xứ đồng như : Thứ 7 nay là Trường Cấp 3 Vĩnh Định, đất Thượng, Hạ đoạn, Tảo mộ, Cồn Giàng.V…v. Làng có 20 xứ đồng:Đạc Hói, Cồn Cát, Cồn Lừa, Mộ Súng, Cồn Hói, Cồn Lệch, Cồn Bội, Khúc Đá, Đồng Gò, Đồng Cựa, Đạc Bàu, Cồn Miếu, Cồn Kiềng, Cồn Cương, Cồn Dương, Bàu Quân, Mộ Địa 8 khoảnh, Trích Thủy đầu Bàu. Về sau các ngài đồng canh lên trung du lập thêm 2 xứ đồng là Khe Trâu và Bến Huyện. Làng có 14 họ tộc: làng Ngô Xá Tây có 10 họ gồm:1.Họ Nguyễn Quang Tộc vào trước nên gọi là chính tiền khai khẩn, 2.Họ Hoàng Tộc, 3..Họ Hồ Văn Tộc vào sau gọi là Khai khẩn, 4..Họ Hồ Văn Tộc(B) 5. Họ Nguyễn Công Tộc, 6.Họ Nguyễn Đình Tộc, 7.Họ Nguyễn Hữu Tộc, 8.Họ Nguyễn Tham Tộc, 9. Họ Phạm Tộc, 10. Họ Nguyễn Văn Tộc, Làng Ngô Xá Đông có 4 họ gồm: Họ Lê Văn Tộc, 2. Họ Nguyễn Văn Tộc, 3.Họ Nguyễn Chơn Tộc, Họ Trần Tộc.
Năm 1914 ( Đời vua Duy Tân Năm thứ 7) Triều đình ban sắc chiếu cho các ngài Nguyễn Quang Đại Lang Chính Tiền khai khẩn, Hồ Đại Lang Khai Khẩn, Hoàng Đại Lang khai khẩn- Năm 1925 ( Khải Định thứ 9 ) Vua ban sắc tặng các ngài có công trạng Ngài Nguyễn Công Đặng Quốc Tướng Quân Đô Chỉ huy Ai Lao Quân Tài Hầu , Ngài Cai Trị Phó Tướng Hoàng Trung Hầu , Ngài Chưởng nội Thái giam Đốc Quận Công, Ngài Tham Nghi Hựu thừa chính nghị, các ngài Võ Lâm Dinh nội cát chính sự triều Nguyễn, Các sắc tặng được bảo tồn và lưu lại hiện nay được thờ tại nhà thờ họ Nguyễn Quang.
Vào thế kỷ thứ 19 , đạo Thiên Chúa được truyền vào Việt Nam, một số dân họ Nguyễn Văn theo đạo Gia Tô lập nên nhà thờ Thiên Chúa Giáo, năm 1967 ngôi nhà thờ bị chiến tranh tàn phá nặng nề chỉ còn lại tháp chuông và hang đá, nay đã được trùng tu tọa lạc tại làng Ngô Xá Đông, Từ xưa đến nay đã có cha xứ tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện cho giáo dân trong vùng, trong khuôn viên nhà thờ xưa có ngôi nhà phúc là lớp vỡ lòng đầu tiên của bao thế hệ học trò trong làng.
Là một ngôi làng Việt có từ rất sớm ở Miền Trung Việt Nam cách đây 500 năm, lúc đầu đến đây dân cư của làng sống bằng nghề nông lam lũ, bằng ruộng vườn khoai sắn nên từ đó có câu: Vừa đi vừa đấy, lấy vợ Ngô Xá / cái áo thước hai/ cái quần mũ khoai bốn mùa. Dần dần chợ làng được hình thành và cũng mang tên của làng có vị trí thuận lợi: trên bến dưới đò, Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, làng có đủ 3 yếu tố phong lưu thu hút nhiều thương nhân tụ về ngụ cư buôn bán (Xóm chợ) và cũng từ đó làng có thêm một tên phụ nữa : Ngô Xá Chợ đã góp một phần lớn vào sự phát triển kinh tế của làng.

VĂN HÓA LÀNG:

Vào thời kỳ đầu mới lập làng, tuy cuộc sống có nhiều khó khăn cực nhọc nhưng dân làng đã cùng nhau đóng góp chung sức chung lòng xây dựng đình làng. Để con dân trong làng được bình tâm yên ổn, các ngài xưa đã giữ lại một dãi cây rừng nguyên sinh về hướng bắc đình ( đa số là cây mã, cây bời lời, cây thị…) giáp với làng Thanh Lê có đắp một con đập gọi là đập dài để che chắn gió bắc ( gió lạnh ) nay con đập ấy không còn nữa. Trước mặt đình làng hướng Nam lấy Sông Vĩnh Định làm án, đập dài nằm ngoài, đập cụt nằm trong làm hậu chẩm tạo nên thế quần tụ, uy nghi. Năm 1670 xây chùa lập miếu để thờ thần, Năm 1811 tái lâp đình chùa và xây lăng thờ các ngài có công khai khẩn, được sắc vua ban. Năm 1888, đình làng và các di tích lịch sử được trùng tu, Năm 1961 ( Tân Sửu ) trùng tu đình làng lần nữa ,lần trùng tu sữa chũa đình làng gần đây được khởi công vào ngày 10/7/2010 ( 29.6 Canh Dần) và hoàn tất khánh thành ngày 09-10/5/2011 ( 07-08/4/Tân Mão) theo nguyên bản củ 4 mái 5 gian, phần Miếu thờ Ngài Dương Cảnh Thần Hoàng Duệ Đạt Đại Vương, căn chính diện thờ: Chư Thần Hội Diện, căn Tả thờ: Thiên Khai Tiền Hậu Thánh Thánh Vật Tiên Sư, Căn Hữu thờ : Thổ Công Táo Quân. Hiện nay 2 làng Tây, Đông đều có lập đình, chùa riêng.
Ngôi chùa Ngô Xá được xây dựng năm 1812 (Đời vua Gia Long năm thứ 11) được thiết kế thờ Tiền Chánh diện Ba vị Tam Bảo, cấp hạ chánh điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tả Nam Tào Hữu Bắc Đẩu, gian tả thờ Quan Thánh Quan Châu, gian hữu thờ: Ngài Lương Võ Đế, Ngài Chí Công Sư, tiền điện thờ Ngài Hộ Pháp, hậu điện thờ: Chư Vị Thỉ Tổ, Tiên Tổ, Tứ Thân Phụ Mẫu, Thất Thế Phụ Mẫu, Lục Thân Quyến Thuộc. Lúc đó có Thầy Trụ Trì Thích Thiện Nhân được sự chứng minh thọ giới vị Hòa Thượng Hãi Đức đặt tên chùa là Phước Xá Tự, thêm nhiều lần Chư Vị Sắc Tứ Quảng Trị Đạo Quang Hoằng Dương Đạo Pháp cho tín đồ trong vùng. Năm Vua Đồng Khánh Thứ 3 tín đồ Phật Tử và nhân dân đã đóng góp trùng tu lại ngôi chùa bằng chùa vuông, thờ tự như cũ, Thầy Trụ Trì Thích Chánh Thuật, giáo hữu được thọ giới quy y vị Hòa Thượng Thích Giác Diên. Năm 1945 ( Bảo Đại thứ 20 ) ngôi chùa bị tàn phá do chiến tranh chống Pháp. Năm 1961 ( thời Ngô Đình Diệm) dân làng đóng góp xây dựng lại ngôi chùa Tiền chính diện thờ: Ngài Bổn Sư, bên tả thờ Ngài Quan Thế Âm, bên hữu thờ Ngài Địa Tạng, mái hậu thờ Chư gia Thỉ Tổ, Tiền Đường thờ Hai Ngài Hộ Pháp Tiêu Diện.. Lần trùng tu gần đây vào năm 2003 ( Quý Mùi ) Sư Cô Thích Nữ Từ Tâm được Tỉnh Giáo hội Quảng Trị bổ nhiệm Trụ Trì. Giữa khuôn viên đình và chùa có miếu thờ ngài Khai khẩn xây năm 1888 và đền âm hồn lộ thiên, dân làng có hội Xuân Thu nhị kỳ. Ngày 17.2 âm lịch hàng năm húy kỵ ngài khai khẩn, dân làng đi tảo mộ, ngày 09.10 tháng Tư âm lịch hàng năm dân làng tổ chức giổ Ngài Quốc Tướng Quân Đô Chỉ Huy Ai Lao Quan Tài Hầu ( tương đương cấp Tướng tư lệnh ngày nay ) tại Miếu Ông và lễ cầu an tại đình làng, năm nào lễ lớn thì có vật bò tế lễ tại đình, miếu ông và đền ngài khai khẩn, làng lo con heo, xôi, bánh trái, hương hoa, trầm trà, vàng bạc, giấy tiền…lễ tế đều có trống chiêng đánh thổi. Truyền thống văn hóa ấy được dân làng lưu truyền đến ngày nay. Hằng năm việc làng, việc họ đều theo sự phân công của biện làng, biện họ, dân tráng trong làng thay phiên nhau mà gánh vác không suy bì tỵ nạnh, ganh đua hơn thiệt, Ngày lễ tảo mộ hàng năm vào 16-17 tháng 2 al bô lão, trưởng tộc tập trung tại đình theo lệnh làng ( 3 hồi 9 tiếng thanh la) đi tảo mộ làng, mộ loạn ( mộ vô tự).Các họ con cháu nội ngoại tập trung tại nhà thờ họ theo lệnh họ ( 3 hồi trống) đi tảo mộ ngài đầu họ rồi đến phái, chi, gia đình…Hương ước xưa của làng nay vẫn còn nguyên giá trị: khuyến khích đạo học lễ nghĩa, thờ cúng tổ tiên, ông bà, tri ân các bậc tiền nhân, tiên liệt, anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân. Đến ngày húy kỵ các bậc tiền nhân, khai khẩn, biện làng phân công theo dân đinh làm cộ ( mâm xôi ) dâng tế. Trước đây, dưới thời phong kiến đến thời cận kim làng có lệ khi gia đình có con lớn xuất riêng thì làm mâm cau, trầu, rượu trình làng để xin thổ cư dựng nhà, sau khi làng trưởng thông qua, được dân làng chấp thuận thì được cấp 1 sào tục ( 1000 m2) thổ cư và vườn ( lệ này nay không còn) , Hương ước xưa được lưu truyền trong tiềm thức của con dân làng và truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác, không kể sang hèn, giàu nghèo dù quan to chức lớn hay dân ba hạng khi về dự hội làng đều phải khăn đóng áo dài, kính nhường các bậc cao niên, có tôn ti trật tự, hệ thống gia đình từ xưa của làng được tính 10 thế hệ: Vãi, cố, ông nội, cha , tôi , con, cháu, chắt, chiu, chút… do đó có câu: Mười đời chưa rời cánh tay Cho đến bây giờ truyền thống gia đình vẫn thích sống “ Đại gia đình” với 3,4 thế hệ trong cùng một hộ ( tam, tứ đại đồng đường ) quan hệ huyết thống trong gia tộc có tôn ti trật tự từ trên xuống dưới (nước mắt chảy xuống) “ có trên có dưới” “Có lớn có nhỏ “Có già có trẻ”, hệ tôn ty trực tiếp, gián tiếp đều được coi trọng. Các ngài cao hơn vãi được thờ tại nhà thờ họ, các ngài cố được thờ nhà thờ phái đến nhà chi, từ đường tư gia… cho đến ngày nay quan hệ huyết thống của làng vẫn được tính trong phạm vi một họ (trai gái cùng họ không được lấy nhau) Trong đạo anh em dòng tộc phải phục tùng gia trưởng (Trưởng Tộc, Trưởng phái, Trưởng chi, Trưởng Nam, Trưởng Nữ…) Đạo hiếu làm người là mối đầu của đạo đức, bất cứ ai theo tôn giáo nào, nhờ có tôn ti trật tự như vậy mà mọi người đối xử với nhau trên thuận dười hòa, trên nhường dưới nhịn, Từ khi lập làng đến nay đã có 24 thế hệ sinh ra vẫn an cư lạc nghiệp, không có cạnh tranh, tất cả đều cầu mong cho dân làng bình yên vô sự, từ xưa đã có câu rất nặng tình đoàn kết như : “ Sọm người hơn sọm của” , mọi mâu thuẫn giữa dân làng thì trình làng giải quyết, người không chấp hành hương ước thì bị phạt 1 mâm cau trầu rượu vạ làng, dân trong họ nếu có hiềm khích bất bằng thì trình họ giải quyết, Trưởng họ họp hội đồng gia tộc và các bô lão họ phái để tự xữ với nhau không kiện cáo đến chính quyền. Con dân họ vi phạm đều bị phạt vạ mâm cau trầu rượu (Thiết nghĩ cách hòa giải này ông cha đã làm từ lâu để giáo dục trật tự gia đình, dòng họ, hương thôn cũng là điều hay rất đáng trân trọng và duy trì nhưng lệ này ngày nay đã bị bỏ quên nhiều, mọi việc đều do xã hội giải quyết).
Làng Ngô xá đươc coi là trung tâm văn hóa chính trị của xã Triệu Trung do có sự giao thông thuận tiện, con đường 68 chạy qua làng song song với sông Vĩnh Định, Trụ sở chính quyền xã, trường học, trạm xá, đều năm trên địa bàn của làng. Ngày nay con em trong làng được học hành đỗ đạt khá đông, Làng có nhiều học vị Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ, giáo sư, sau đại học… Ngày xưa làng có miếu thờ ông Nghè (người đậu Tiến sĩ ngày xưa của làng) tại Hồ Sen, truyền thống hiếu học được duy trì đến nay, trong thi ca thời tiền chiến tên làng đã có trong các bài hát như : Bình Trị Thiên khói lữa, Cô hàng nước.v…v. Làng Ngô Xá Tây có 3 cái giếng đất cổ sâu khoảng 15-20 mét rộng khoảng 20 mét, các giếng có từ lúc nào chưa ai biết, Ngày xưa dân làng ăn uống, tắm giặt chủ yếu lấy nước sông Vĩnh Định, còn 3 cái giếng nằm thẳng hàng: 1 ở voòng thượng (ngoài khu dân cư) 1 cái xóm trong và 1 cái xóm trên, hàng năm vào mùa hè nước cạn giếng xóm nào thì tập trung dân xóm nạo vét, bắt cá, bắt lươn vui như ngày hội. Theo các cụ xưa kể lại đây là vùng đất phát quan, phát tướng nên các thầy địa Tàu cho đào giếng để yểm long mạch không cho phát, Năm 1966 tai địa phương có dự án xây giếng lấy nước sạch nhưng đa số đều bị phèn không dùng được, giếng xóm ngoài cũng được xây vào thời kỳ này, trước ngã tư miếu xóm: đây là nơi tập trung của trẻ con trong làng vào những trưa hè nóng bức (hồi đó có quan niệm không làm được giếng này thì trong làng sẽ bị hỏa hoạn, sau khi làm xong giếng bỏ không dùng được nên ông thôn trưởng Nguyễn Quang Thu có đề bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt như sau:

“Công đức tiền nhân tựa bể đông
Vun quén tô bồi há uổng công
Đạo đời gìn giữ sao cho trọn
Đẹp đẽ tìm ra nước giữa dòng”

Bài thơ này lớp trẻ trong làng hồi đó ai cũng thuộc cả..
Ngày nay con dân làng Ngô Xá đi làm ăn sinh sống khắp nơi trong và ngoài nước nhưng đều mang một truyền thống đặc trưng “ ly hương bất ly tổ” đã ăn sâu vào mạch sống của con dân làng, hiện nay ở miền Nam có 03 hội đồng hương của làng Ngô xá: Hội đồng hương làng Ngô xá đông ở Cù Bị và Bầu Lâm, hội đồng hương của làng Ngô Xá Tây ở Ngãi Giao, Châu Đức BRVT, hàng năm cứ đến ngày 10-11 tháng tư Âlịch các hội đồng hương đều tổ chức tế lễ truyền thống để tưởng nhớ công đức tổ tiên ông bà, đây là dịp tụ họp những con dân xa xứ của làng tại Miền Nam vừa thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương trợ, khi dân làng có người đau ốm, qua đời hội đều có tổ chức thăm viếng, động viên duy trì tình làng nghĩa xóm , truyền thống quý báu của dân làng có từ xưa.

VỀ ẨM THỰC:

Nằm ở vị trí giao thông thuận tiện, ngư dân đánh cá thuộc xã Triệu Lăng, Gia Đẳng, Phương Lang, Chợ Cạn muốn đem hải sản lên thị xã đều đi qua trục lộ 68, từng đoàn rổi gánh cá chạy bộ cho kịp chợ ( hồi đó thường tập trung tại cây số 5 mới có xe lôi lên tỉnh) dân làng chỉ ra đầu ngỏ là có thể đón mua đủ loại hải sản của biển Đông quê hương , Bàu làng, đồng ruộng, hói sông Mới và dòng Vĩnh Định là kho chứa nhiều tôm, cá, lươn, ếch nguồn thực phẩm dồi dào cho dân làng qua bao đời, khi mùa lụt về người ta hân hoan đi cất rớ, giăng lưới, khi nước rút thì rũ nhau từng đoàn người đi chơm, đi rập bắt được nhiệu cá gáy, cá mương, cá lúi đầy trứng, đến tháng 10 âl thì cất tủ bắt cá nố, cái ăn, cái bán, cái làm mắm, cái phơi khô. Mắm cua đồng hay mắm đam kho lên với ớt cay mà chắm với đọt khoai lang thì ngon đáo để, nồi canh hến nấu với mít non thêm chút lá lốt thơm phức sau buổi trưa hè đi làm ngoài ruộng về khó ai quên được hay nồi canh mướp ngọt mẹ mực nấu mực ống là những món đặc sản mà dân làng dù đi đâu đều không quên những hương vị của quê nhà…( Ngày nay sông Vĩnh Định đã chặn lại ở Ba Bến, nguồn phù sa và lượng tôm cá hàng năm không về nữa, dòng sông hiền hòa, trong mát chỉ còn lại trong ký ức nhường chổ cho dòng chảy của kênh cấp 1, cấp 2 công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hản tưới cho cánh đồng 2 huyện Triêu Phong và Hải Lăng ), cánh đồng đất khô xóm đồng, Bầu Quân, Khe Trâu, Bến Huyện mang lại nhiều lương thực, thực phẩm cho dân làng như: Bắp khoai, sắn, đậu mè, dưa hấu, mía , thuốc lá… là những nguồn thu đáng kể ( hiện nay diện tích trồng màu của làng bị thu hẹp do hoán đổi với đất làng Văn Vận, các công trình trường học, đất trung du thì đã ngập trong lòng hồ Đập Trấm ).Từ xưa đến nay đa số dân làng sống bằng nghề làm ruộng, thường những ruộng tốt gọi là nhứt đẳng như: Đạc Bàu, Đạc Cựa, Đạc Rôộc để dành trồng nếp, có hai loại nếp bầu và nếp thơm, nếp bầu là giống nếp địa phương rất thơm và rất dẽo là đặc sản để gói bánh tét, bánh chưng hoặc nấu xôi cộ cúng tổ tiên ông bà trong những ngày tết, giỗ, còn nếp lai cây thấp năng suất cao nhưng nếu chín chưa kịp gặt mà gặp mưa thì mọc mộng trên cây. Hàng năm dù nhà khó khăn nhất cũng phải chừa ít lắm là một thúng tư (15 Kg) để gói bánh, nấu xôi cúng ông bà đầu năm hay khi có kỵ giỗ, cứ vào khoảng 26, 27 âl tháng chạp nhà nhà đều rục rịch rọc lá chuối để gói bánh tét, cả nhà thường có thú quây quần bên bếp lửa hồng của nồi bánh để kịp cúng giao thừa, đầu năm…

CẢM XÚC NGÀY TRỞ LẠI

Gần 30 năm , trở lại thăm làng , tóc đã bạc một phần nhưng tình quê hương thì vẫn xanh như củ, với con đường, bến nước, dòng sông và cánh đồng thân quen, người làng quê chơn chất, mộc mạc, đã quen chịu đựng giá rét của đêm đông, cái nóng bức của ngày hè và gió Lào rát mặt… Làng ! cái tổ ấm, nơi đoàn tụ, nơi đậu lại, nơi cư trú của cha ông người Việt Nam ta có từ ngàn xưa, nơi in sâu đậm tình người, tình đất với nắng, mưa, sương, gió, mùa màng đã in đậm trong tâm thức con dân của làng “Đá trôi nhưng làng không trôi”. Trong cuộc sống về đói no , lẽ sinh tồn khắc khoải, nghĩa trời cao đất rộng, mỗi thửa ruộng, góc vườn, ao chuôm, tăm cá, bến nước, dòng sông đều se sắt lòng người.
Những người con xa xứ, khi về đến đầu làng ai trong chúng ta cũng động lòng trắc ẩn, ai cũng thấy bâng khuâng xao xuyến như sống lại những thời khắc của tuổi ấu thơ .Nhớ những ngày xưa với cảnh sắc bình dị của làng quê khi mùa đông về mang gió lạnh thổi qua mái tranh nghèo lụp xụp, những cảm giác đói lạnh, bữa cơm tối chan mắm đam mộc mạc sao ngon quá ! chợt nhớ, chợt thèm những bước chân lang thang khi chiều về trên con đường làng sau một ngày chăn trâu, cắt cỏ, bắt cá , bắt cua , bao nhiêu năm vẫn nặng lòng với nổi buồn chia xa, da diết, mong chờ ngày trở lại thăm quê hương tổ ấm, nơi ông cha đã bao đời xây dựng.
Khi tết đến xuân về người xa quê không khỏi nao lòng nhớ cái lạnh nồng ấm tình người nơi quê nhà để được quây quần bên gia đình trong những ngày tết quê hương, không có gì thay thế được cái tình thân, quê hương và làng xóm….
Mùa đông ngày về lại mẹ đã ra đi !
Qua bao thăng trầm của lịch sử, cuộc sống và cảnh vật của làng bây giờ đã hoàn toàn thay đổi, nhà cửa được xây dựng khang trang kiên cố, thay cho những mái tranh nghèo khi xưa, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, văn minh, đình chùa miếu vũ , cơ quan, trường học được trùng tu xây mới, bên đồng ruộng ấy, bên dòng sông ấy và bên con đường ấy đang vun đắp từng ngày cho cuộc sống trên mảnh đất làng Ngô xá trăm mến nghìn thương… những gốc cội xưa, những lũy tre làng đã che chở cho dân làng bền bỉ như đất đai nuôi dưỡng cuộc sống của dân làng

                           (Bà Rịa Vũng Tàu, Quý Đông Canh Dần 2010)
                                    Kẻ tha hương Nguyễn Quang Khiêm

1 nhận xét:

Unknown nói...

Chùa nói trên là Chùa Ngô Xá Đông hay Ngô Xá Tây vậy?