BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

NHỮNG BÀI THƠ VỀ MÙA THU CỦA NGUYÊN LẠC


         
                         Nhà thơ Nguyên Lạc


I. ĐÊM THU

Trăng ở nơi này em ở đâu?
Đến chi thu hỡi để tôi sầu?
Rượu đây. sao chẳng làm vơi nhớ?
Phương đó. muôn trùng!
Tinh vẫn sâu?

Trăng ở nơi này em mãi đâu?
Lay chi tôi hỡi bóng nguyệt sầu?
Mù sương ngút mắt người có nhớ?
Biết tìm đâu hở?
Kiếp đời sau?

Tôi ở nơi này đêm trắng thu
Trăng thu sáng quá dáng ai ngời
Tôi uống ánh thu từng giọt đắng
Cho say
say để cố quên người

Chẳng say
tôi biết làm sao hở?
Trăng vẫn trêu tôi dáng nguyệt cười
Trong tôi vẫn mãi
Em có rõ?
Cô lữ. Đêm thu. Một bóng người

GÓP Ý VỀ TRANG ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG DO BẢO LÂM PHỤ TRÁCH - Võ Văn Cẩm


           
             Anh Bảo Lâm phụ trách trang facebook Đồng Môn Nguyễn Hoàng


GÓP Ý VỀ TRANG ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG DO BẢO LÂM PHỤ TRÁCH
                                                                             Võ Văn Cẩm

Từ lâu có một cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị tâm huyết, đem hết tài năng, trí tuệ thời gian sưu tập nhiều thông tin, bài vở, hình ảnh có giá trị, về một ngôi trường của một tỉnh địa đầu giới tuyến. Anh có ước vọng làm "Kỷ yếu NH" trên trang mạng như một kỷ vật của trường.
Ngôi trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị chỉ tồn tại 25 năm. Một thời gian không dài so với đời người, nhưng ngôi trường ấy đã đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, đóng góp nhiều nhân lực cho tỉnh nhà Quảng Trị nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

ĐỌC “NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ” TẬP THƠ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM - Châu Thạch


                
                           Nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam


ĐỌC “NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ” TẬP THƠ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM
                                                                                      Châu Thạch

Nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam còn là một nhà giáo, một nhạc sĩ, một nghệ nhân tranh đá Bảy Núi,  một tay thư pháp, một quản trị trang  web Bông Tràm - An Giang.
Trước khi gởi sách tặng, Phan Võ Hoàng Nam nhắn tin cho tôi như sau: “Thơ em chân chất thường thường thôi anh ơi, không có gì sâu sắc, gửi anh chia sẻ niềm vui với em.”

CHÙM THƠ TỨ TUYỆT THÁNG 10-2019 CỦA NGUYỄN KHÔI


        
                   Nhà thơ Nguyễn Khôi


        CHÙM THƠ TỨ TUYỆT THÁNG 10-2019 
                         
"Mùa thu vàng sáng trời mây
Áo em giặt suối hong đầy nắng trưa"
                           
*1- Mừng Hà Nội 65 năm Giải Phóng:
- Ô nhiễm không khí thứ nhất loài người
-"Đường sắt trên cao như con Trăn quằn quại
-Nhà xây vô lối ...ùn tắc kêu trời !
                          
*2- "Lò Bác Trọng" vẫn chưa thôi rực cháy
Cái buồn đau : tòan Củi Gộc đầu ngành
- Tham nhũng vặt : lắp "Camêra bảo vệ"
Bao đặc quyền "đầy tớ" đớp rất nhanh.
                         
*3- Sài Gòn ngập vì những cáí đầu Duy ý chí
Cứ xây Đô thị chặn lối nước ra khơi
Dân tứ xứ ào đổ về Đất hứa
Thành phố đang chìm... Xe máy thỏa mà bơi...
                          
*4- Mấy Nhà văn đi đo mộ Tướng Quang:
- 5 héc ta rưỡi giữa đồng làng
Ngô Quyền, Công Uẩn thua "Vua Cộng" trẻ
Lê Duẩn, Trường Chinh... 6 mét vuông ?!?
                           
*5- Tàu Cộng hung hăng vào "Tư Chính"
Dọa nạt gì đây, quấy rối chăng?
"Đốt nhà hàng xóm" đòi chung sống
Ôi ả thay "16 chữ vàng" !  (1)

                               Nguyễn Khôi
                           Hà Nội 7-10-2019

---------
 (1) Quan hệ Việt- Trung : như lãnh đạo 2 bên đã ký kết theo Phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai" và Tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt ".

VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ” CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM - Đặng Xuân Xuyến




VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ” CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM

Chiều 30 tháng 09 năm 2019, nhận được tập thơ “Nhà Không Có Đàn Bà” của nhà thơ, họa sĩ Phan Võ Hoàng Nam gửi tặng, tôi háo hức ngồi đọc. Sách dày 96 trang, khổ 13x21cm, gồm 46 bài thơ, chủ yếu được viết ở thể thơ tự do, là những hồi ức, những cảm xúc về quê hương, cha mẹ, bạn bè, người xưa cũ...

HẠNH PHÚC, NHỮNG NGÀY KHÔNG EM - Thơ Tịnh Đàm


         
                         Nhà thơ Tịnh Đàm


HẠNH PHÚC

Mở lòng ra với yêu thương
Sẽ làm thêm đẹp sắc hương cuộc đời.
Tình yêu đâu chỉ bằng lời
Nụ cười hạnh phúc rạng ngời nét duyên 

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

THƯ GỬI NGƯỜI CHỒNG CŨ - Ngô Hương Thủy


                 
                                   Tác giả Ngô Hương Thủy


                   THƯ GỬI NGƯỜI CHỒNG CŨ
                          (Tự truyện của một cô giáo) 

Mình biết nhau từ thời mới lớn, cùng đi trên một con đường đến trường, chỉ khác lớp. Gặp nhau có cười - cùng xóm mà - nhưng không thân. Tuổi dậy thì có nhiều rung động nhưng không cùng tần số. Bên ni biết bên tê “bồ” ai.

TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ

Anh Bảo Lâm tổng hợp các bài đã đăng trong "Kỷ Yếu Nguyễn Hoàng" và trong đặc san "Quảng Trị - Nguyễn Hoàng Ngày Xưa Thân Ái", chuyển đổi thành file word


        
                 
    TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP 
    TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HÒANG QUẢNG TRỊ
                                                              
Vào đầu thập niên 1930, tại tỉnh Quảng Trị, các quận huyện như Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và ngay thị xã đã thành lập các trường tiểu học (Ecole Primaire) dạy chữ quốc ngữ là chính, tiếng Pháp là sinh ngữ kèm theo từ lớp tư, ba, nhì, nhất và đi thi Tiểu học (bằng Primaire). Học hết cấp tiểu học muốn lên trung học (Đệ thất, lục ngũ, tứ) phải vào Huế, hay ra Hà Nội học các ngành chuyên nghiệp. Hết cấp trung học lại phải vào Sài Gòn hay ra Hà Nội học bậc đại học, trường hợp này chỉ các gia đình khá giả cũng chỉ là thiểu số, còn tuyệt đại đa số dân nghèo không đủ sức thì phải ra đời kiếm sống. Tiêu biểu cho thời kỳ này có bác sĩ Phan Văn Hy người Nhan Biều, sinh năm 1890 là thành đạt cao nhất lúc bấy giờ. Một số khác tiến thân vào Huế sau khi đỗ trung học ra làm các nghề về hành chánh tại các cơ quan nhà nước Nam Triều, hay thông ngôn, thầy phán, hay vào Sư phạm đi dạy học như: Lê Đình Khởi, Hoàng Văn Trâm, Phan Quang Đãi, Phạm Tri, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Triển, Lê Đình Kham, Hồ Ứng Lẫn... (quý thầy thường được gọi kèm “Trợ” chỉ ngạch Trợ giáo). Một số xuất ngoại du học tại Pháp và thành đạt như:

• Bác Sĩ Lê Thị Hoàng, sinh 1910 tại Thạch Hãn, du học từ 1928 đến 1937, Bác Sĩ Y Khoa.
• Kỹ Sư Lê Sĩ Ngạc, sinh 1911, Thạch Hãn, du học từ 1927 đến 1936, kỹ sư kiều lộ.
• Tiến Sĩ Phan Văn Thính, v.v.

TƯ LIỆU: ĐỔNG VĂN THÀNH NỔ ĐẠI BÁC VÀO TƯỢNG ĐÀI VĂN HOÁ NGUYỄN DU NHƯ THẾ NÀO ? - Lê Nghị



                                                 Đại thi hào Nguyễn Du


TƯ LIỆU: ĐỔNG VĂN THÀNH NỔ ĐẠI BÁC VÀO TƯỢNG ĐÀI VĂN HOÁ NGUYỄN DU NHƯ THẾ NÀO ?

Trong tranh luận với một người tự xưng là học thuật tay dọc gọi tôi là học thuật Tay Ngang, mà tôi đặt tên là Tín Đồ kéo dài một tuần. Hơn thua là do bạn đọc làm trọng tài, mà vì không có trọng tài chính thức, chỉ có người ủng hộ hai bên, tôi không lạm bàn. Nhưng vì vị này đề nghị vì vị ấy không có thời gian, mỗi bên cứ giữ lập trường nhưng “đừng gọi đến tên nhau”. Đề nghị này tôi chấp nhận, nên chỉ tự xưng là Tay Ngang và gọi vị ấy là Tín Đồ thôi.
Sau đây tôi xin trích bài dịch của Tiến Sĩ Hán Nôm Phạm Tú Châu, một người tôi không quen biết đã khuất nhưng tôi luôn tỏ lòng kính trọng. Vì tôi có một ý nghĩ bà Phạm Tú Châu trên văn đàn cũng đơn độc như bà Phạm Chi Lan trên chính trường. Tôi đăng bài này như là một lần nữa biết ơn bà Phạm Tú Châu, một người phụ nữ đã giúp tôi biết được sự thật.

Sau đây là văn bản của “giáo sĩ” Đổng Văn Thành rao giảng cho các tín đồ Thanh Tâm Tài Nhân. Phần 1 tôi chỉ trích đoạn. Phần 2 nguyên văn. Phần 3 hẹn lần sau. Quý vị nào thấy cần thiết nên lưu suy ngẫm, xem có phải tôi mắc chứng thần kinh yêu nước cực đoan không? Hoặc là dùng làm tư liệu để chỉ cho con cháu cảnh giác trước âm mưu xâm lược văn hoá. Bài dài, các vị có thể đọc từng phần.

Đổng Văn Thành: So Sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

TẠ ƠN - Phan Quỳ


                
                                    Tác giả Phan Quỳ

TẠ ƠN

Tôi đi qua thời gian, với bao là chìm nổi. Chắc rằng bạn sẽ hỏi, ai chẳng qua thời gian, có gì mà phải nói? Nhưng thời gian của tôi, có điều gì thật khác, với bao nỗi bồi hồi, với biết mấy buồn vui.
Tôi đi qua đời tôi, ai cũng bảo đó là đời tôi chọn lựa, tôi có gì thở than, trong gặp gỡ trái ngang, vẫn có nhiều thuận lợi. Tôi lặng im không nói, thôi biết nói năng chi!
Tôi đi qua đời em, ngỡ ngàng như trong mơ, một ngày vàng rực rỡ. Thôi hết rồi bơ vơ, giữa dòng đời xuôi ngược. Tôi nhìn tôi ca hát, tôi ngắm tôi ngẩn ngơ. Tôi nghe hồn trôi dạt, giữa muôn trùng ý thơ.
Tôi đi qua hạnh phúc, điều mà tôi chưa biết. Tôi cứ ngỡ trần gian, chẳng có gì diễm tuyệt. Chỉ là sáng mai lên, chỉ là chiều rơi xuống. Trong dòng miên man ấy, tôi thấy mình trôi mau.
Tôi đi qua niềm đau, niềm đau không tên gọi. Tôi thao thiết từng ngày, những ngày không có nhau. Tôi chờ đợi ngày sau, tôi tiếc mong ngày trước. Tôi nâng niu hẹn ước, tôi hoài vọng bước chân.
Tôi đi qua một đời, quãng đời em với tôi. Líu lo lần gặp gỡ, hờn dỗi với chia phôi.
Tôi nhìn tôi thật lạ, tôi thấy đời thân quen, tôi có em bên đời, tôi như nắng mới lên.
Tạ ơn đời bên em, tạ ơn ngày ấm êm, tạ ơn mái tóc mềm, bay trong trời bình yên...

                                                                                            Phan Quỳ

KÝ ỨC VỀ NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG THỜI TIỂU HỌC Ở MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975 - Phan Văn Phước

Nguồn:
https://trithucvn.net/van-hoa/ky-uc-ve-nhung-bai-hoc-thuoc-long-thoi-tieu-hoc.html


        Bài học thuộc lòng “Chiếc áo ấm” trong sách giáo khoa trước 1975 ở miền Nam

KÝ ỨC VỀ NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG THỜI TIỂU HỌC Ở MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975

Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các thầy cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách.
Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.


                              Một lớp học cấp tiểu học của miền Nam trước 1975

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

THUYỀN KHÔNG QUAY LẠI - Thơ Lê Văn Trung


        


THUYỀN KHÔNG QUAY LẠI

Thuyền tách bến, không một lần quay lại
Sông đời tôi bồi lở suốt trăm năm
Lòng cũng trắng bạc phơ hồn lau sậy
Xót xa hoài theo từng nỗi long đong

Mây du mục rừng xanh chia mấy ngã
Hồn thảo nguyên cỏ nhớ bước chân người
Ôi vó ngựa mịt mù trong cõi tạm
Áo phù hoa tơi tả cuộc trần ai

Người đã đến như quán đời ghé tạm
Một đêm buồn ngồi kể chuyện nhân gian
Tôi nhuốm lửa soi lòng chưa đủ ấm
Và người đi khi bếp lạnh chưa tàn

Thuyền tách bến không ngoái đầu quay lại
Mái chèo khua xé vỡ một vành trăng
Sông đời tôi sóng buồn ven bến bãi
Vỗ trăm năm chưa hết cuộc thăng trầm.

                                        Lê Văn Trung


    

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

VẾT THƯƠNG... - Thơ Trần Mai Ngân


   
                            Nhà thơ Trần Mai Ngân


VẾT THƯƠNG...

Có vết thương nửa đêm thức dậy
Nhức nhối đau quá vãng khôn nguôi
Ám ảnh tôi môi mắt đã cười
Cũng đã nói dấu yêu bất tận!

Có khát khao nửa đêm lận đận
Trở mình trên thao thức nhân gian
Dấu vết tình cào xước miên man
In lại sẹo nghìn năm không nhạt...

Có chia xa thốt lên ngột ngạt
Là đêm, là ngày... còn dấu ngón tay
Giục giã nhau cũng phải phôi phai
Buông rời rã... hôm này đêm vắng...

Có nằm nghe vị đêm thật đắng
Như đang qua cửa sổ mộng du
Đặt tên người nỗi nhớ thiên thu
Rồi chắp cánh... rồi bay xa mãi!

Đêm nồng nàn... sao tôi bươn chải
Có vết thương nhiều năm trở lại
Nhức nhối tôi ôm mặt cố quên
Đau buốt tôi... ôm mặt khóc rên!

                          Trần Mai Ngân

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

MỘT VỤ ÁN NGOẠI TÌNH CHỐN HOÀNG CUNG VÀO TRIỀU HẬU LÊ


                      Cổng Đoan Môn khu di tích Hoàng thành Thăng Long


MỘT VỤ ÁN NGOẠI TÌNH CHỐN HOÀNG CUNG VÀO TRIỀU HẬU LÊ 

Vụ ngoại tình xảy ra thời Lê Trung Hưng (1533-1789) trong hoàng tộc nhà Lê, được Jean-Baptiste (J.B) Tavernier người Pháp kể lại qua Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin (Tập Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài) in trong "Nouvelle relation de L'intérieur du Sérail du Grand Seigneur" với tiêu đề "Về hôn nhân của người Đàng Ngoài và sự nghiêm khắc của họ đối với tội ngoại tình".

CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN” (Bài 2) – Lê Nghị


              
                                  Tác giả Lê Nghị

Bài 2:

  CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN”

(Tiếp theo của bài: MỘT CÁCH NHÌN VỀ HỌC THUẬT CỦA MỘT “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN CHỦ NGHĨA”)

Phần 1:

Tiếp chuyện Kim Vân Kiều truyện ở Nhật của Đoàn Lê Giang.

Trong bài 1, nói về nguồn gốc Truyện Kiều tôi chỉ phê phán những “tín đồ của Thanh Tâm Tài Nhân giáo chủ” mà thôi. Những người vô tình tin theo “học thuật tay dọc” hoặc họ đã từng tin mà đang lắng nghe thì không thuộc diện tay dọc đó.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

NGẠO SAY - Thơ Ái Nhân


           
                                                    Nhà thơ Ái Nhân


NGẠO SAY

“Anh là Nhà thơ có phải?”
Ta cười “Biệt thự - từ lâu”
Cơn say phong mình Vua Mộng
Rượu tràn… ngơ ngất canh thâu

Như là em thường vẫn thấy
Nông dân chăm chỉ ruộng đồng
Tảo tần trăm sương, ngàn nắng
Người đời cũng gọi “Nhà nông”

Ta làm thơ yêu nhiều lắm
Tình mơ chất đống đầy nhà
Tặng ai cũng nhìn rõ mặt
Mà đời nó bảo “thẩn thơ”

Người đời khoe nhau tiền bạc
Ta khoe Thơ nửa bầu trời
Ngân hàng không cho cầm cố
Giang hồ cõi mộng… rong chơi

Em ơi! ngàn đời vẫn vậy
Sinh ra làm kiếp con người
Kiếm ăn, sinh con đẻ cái
Vô thường mấy khắc… mây trôi

Thơ giàu kiêu sang lắm chứ
“Lời vàng, ý ngọc” đấy thôi
Khác xa những phường ô trọc
Vì tiền… tình bạc như vôi

Người đời ham danh, hám lợi
Bon chen, toan tính, lọc lừa
Thơ chưng đời lên mật ngọt
Thương người nhỏ lệ đêm mưa

Như ai chong đêm vò võ
Năm canh bấm đốt vẫn thừa
Hồng nhan lỡ thì phận bạc
Thơ tình ngả ngớn sang “cưa”

Biết là thu đi ngang cửa
Tóc xanh gần nửa bạc tình
Tim yêu thập thình vỗ sóng
Lửa lòng đuốc sáng lung linh

                               Ái Nhân

TÌNH ÚA VÀNG NHƯ CHIẾC LÁ MÙA THU - Thơ Quách Như Nguyệt, ca sĩ Hoàng Kim



       
                        Nhà thơ Như Nguyệt


TÌNH ÚA VÀNG NHƯ CHIẾC LÁ MÙA THU

Em vẽ gì ư?  Vẽ chiếc lá vàng
Mùa thu đến em nhớ chàng quá đỗi
Chiếc lá vàng tặng chàng ngày xưa đó
Không biết giờ chàng còn giữ hay không?

Chiếc lá vàng có tình em mênh mông
Có mây thu bàng bạc, có trăng vàng
Có cả trái tim mơ mộng quy hàng
Tình dâng hiến giờ đây tình mất biến

Em vẽ gì… một trái tim đẫm máu
Thêm mũi tên xuyên qua thật đớn đau
Tim buồn phiền vì người đã xa xăm
Mới thu trước tình ta còn đằm thắm…

Tình úa vàng như chiếc lá mùa thu
Lá đỏ, tím… cuối cùng rồi tan vỡ
Em hiểu mà, tình hiếm khi muôn thuở
Nên tìm vui qua lời nhạc, câu thơ

Mùa thu về… ôi mùa thu mơ mộng
Em ngồi thiền để đầu óc rổng không
Quán vô thường để hiểu tình cũng thế
Cũng là… không, tình mất chẳng quay về…

                                   Quách Như Nguyệt


       

Thơ: Như Nguyệt
Nhạc: Mai Đang
Trình bày: Hoàng Kim

SỐNG BUÔNG THẢ VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ - Vũ Thị Hương Mai


          


        SỐNG BUÔNG THẢ VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Bất kỳ cái gì cũng có giá của nó, và quả thật hầu hết các "cậu ấm cô chiêu" có lối sống chơi bời trác táng, sa đoạ đều có những kết cục "bi tráng". Dẫu biết là vậy, nhưng vẫn có nhiều kẻ như thế. Phải chăng họ đang muốn sống theo kiểu "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt...?" xã hội đã lên án nhiều và chính họ cũng trở nên lạc lõng trong xã hội đời thường. Nhưng cái hậu quả lớn nhất thì vẫn chính bản thân và gia đình họ phải gánh chịu. Không biết họ có nghĩ rằng đằng sau mỗi cuộc chơi, mỗi thú tiêu khiển chẳng giống ai ấy đang ẩn chứa những kết cục chẳng  hề tốt đẹp gì, thậm chí là tàn khốc? Không biết gia đình, bố mẹ của các "cậu ấm cô chiêu" đang tỏ ra mình là bậc sành đời trong thiên hạ ấy nghĩ gì, có lo lắng gì và đang làm gì để ngăn chặn nó?

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

MỘT CÁCH NHÌN VỀ HỌC THUẬT CỦA MỘT "TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN CHỦ NGHĨA" (Bài 1) – Lê Nghị


               
                                  Tác giả Lê Nghị

Bài 1: 

MỘT CÁCH NHÌN VỀ HỌC THUẬT CỦA MỘT “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN CHỦ NGHĨA”

(Nhân đọc 2 bài : “Học Thuật Tay Ngang” và “Cái họa của học thuật tay ngang” của giáo sư tiến sĩ Đoàn Lê Giang)

Phần 1 : Đôi điều về học thuật.

Tôi đọc 2 bài này trên fb của ông cách đây 2 ngày. Trong đó “người học thuật tay ngang” mà giáo sư nói đến đó là tôi với nick fb: Li Li Nghệ. Cũng xin thưa rằng tên thật của tôi là Lê Nghị, chẳng qua trên fb để nick nữ tính cho vui, chứ tôi không việc gì giấu tên, ai từng kết bạn với tôi đều biết tên thật và ảnh mặt thật của tôi. Các bạn trẻ còn tặng tôi cái tên: ông già lẩm cẩm!

Rất thú vị lần đầu tiên nghe hai khái niệm tay dọc tay ngang trong học thuật do giáo sư ngôn ngữ học Đoàn Lê Giang đặt ra. Thú vị hơn nữa khi giáo sư nâng tôi lên hàng học thuật mặc dù là tầm tay ngang.

SỢ ĐÊM... - Trần Mai Ngân


   


SỢ ĐÊM... 

Em sợ đêm về...
Sợ nghe tiếng uềnh oang của chú Ễnh Ương
Tiếng kêu hay tiếng khóc tình vương
Em sợ... sợ mình còn thương!

Em sợ đêm về
Cánh cửa sổ nơi phòng ngủ mở toang
Em tìm vầng mây... mây vô tình bay
Vuốt mái tóc còn xanh - đây mộng cũ...

Em sợ đêm về
Không có nắng hoa Tường Vi ủ rũ
Màu nhạt nhoà trong ánh sáng của trăng
Em sợ tro tàn nguội lạnh vắng tanh...

Ôi! Đêm loanh quanh, loanh quanh quá
Chú Ễnh Ương ru ngủ
Một điệu buồn
Nhắc tình xanh đã qua nhanh, qua nhanh...
... Phải rồi
Cuộc đời vốn mong manh!

                                           Trần Mai Ngân

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

AI ĂN TRỨNG LỘN ! - Đinh Hoa Lư


           
                                      Tác giả Đinh Hoa Lư


               AI ĂN TRỨNG LỘN !

Nói về ăn hàng về đêm, chúng ta hay nhớ về hàng chè gánh như người viết vừa kể. Cũng ban đêm, nhưng có một thứ hàng hay nách một bên thôi, đó là TRỨNG LỘN. Trứng lộn là thứ hàng ăn không nhiều đến nỗi O đi bán phải gánh. Tuy là cái thúng nách một bên hông, nhưng loại hàng ăn này không phải là rẻ tiền, dễ mua.

GÓC NHỎ... - Thơ Quang Tuyết


    
                       Nhà thơ Quang Tuyết


GÓC NHỎ...

Chiều nay mưa vội đi qua
Ướt mềm góc nhỏ hồn ta dịu dàng
Hạt rơi mong giọt nắng vàng
Khẻ rung trong gió tiếng đàn tri âm

Thả duyên se sợi tình câm
Nối sao đẹp khúc giang cầm hư hao
Dư âm xưa bạt phương nao?
Ta về gom hết ngọt ngào, đắng cay

Dấu than lơ lửng vơi, đầy
Dù tình là gió cuốn mây xa mờ
Lần tay gác chuyện, làm thơ
Bên đời se sắt đợi chờ nắng lên

                            Quang Tuyết

TÌNH ÚA VÀNG NHƯ CHIẾC LÁ MÙA THU - Thơ Quách Như Nguyệt, ca sĩ Duyên Quỳnh


        


TÌNH ÚA VÀNG NHƯ CHIẾC LÁ MÙA THU

Em vẽ gì ư?  Vẽ chiếc lá vàng
Mùa thu đến em nhớ chàng quá đỗi
Chiếc lá vàng tặng chàng ngày xưa đó
Không biết giờ chàng còn giữ hay không?

Chiếc lá vàng có tình em mênh mông
Có mây thu bàng bạc, có trăng vàng
Có cả trái tim mơ mộng quy hàng
Tình dâng hiến giờ đây tình mất biến

Em vẽ gì… một trái tim đẫm máu
Thêm mũi tên xuyên qua thật đớn đau
Tim buồn phiền vì người đã xa xăm
Mới thu trước tình ta còn đằm thắm…

Tình úa vàng như chiếc lá mùa thu
Lá đỏ, tím… cuối cùng rồi tan vỡ
Em hiểu mà, tình hiếm khi muôn thuở
Nên tìm vui qua lời nhạc, câu thơ 

Mùa thu về… ôi mùa thu mơ mộng
Em ngồi thiền để đầu óc rổng không
Quán vô thường để hiểu tình cũng thế
Cũng là… không, tình mất chẳng quay về…

                                   Quách Như Nguyệt


      

     Nhạc: Nguyễn Bá Dũng
     Ca sĩ: Nguyễn Duyên Quỳnh
     Thơ: Quách Như Nguyệt