BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

GỞI CHO NGÀY ĐÓ BÂY GIỜ - Thơ Hùng Vĩnh Phước


  
                         Nhà thơ Hùng Vĩnh Phước


GỞI CHO NGÀY ĐÓ BÂY GIỜ
 
Cuộc đời lấy hết nắng mưa ra khỏi tôi
chỉ để lại chút mây trời lãng đãng
buồn buồn bước vào khu vườn dĩ vãng
lòng ngập bao lá thu…
 
Tôi từng đi giữa sương mù
thấy đằng xa trái tim mình treo lủng lẳng
thấy cuộc đời gồm những nẻo đi/về hoang vắng
mà chỉ biết trông vời theo mộng ước trôi xa.
 
Có phải mùa thu là những chiếc lá bâng quơ
bay ngơ ngác giữa rừng kỷ niệm
những chiếc lá bay đi còn tôi đứng đếm
những vui buồn rũ rượi giữa tàn phai.
 
Và bây giờ tôi còn chút nắng mai
đã giấu được không để đời lấy hết
tôi không dại gì để mưa đi biệt
vẫn giữ lại cho mình chút ít mưa xuân.
 
Vẫn giữ cho mình những kỷ niệm thân thương
có những mối tình đến rồi đi thầm lặng
có những bạn bè anh em từng xẻ chia cay đắng
để thấy cuộc đời vẫn là một bài thơ.
 
                                             Hùng Vĩnh Phước
                                                    7/2013

TÌNH MÌNH RỨA ĐÓ, BÂNG KHUÂNG CHIỀU... NHỚ XƯA – Thơ Quang Tuyết


  
                                   Nhà thơ Quang Tuyết


TÌNH MÌNH RỨA ĐÓ
 
Tình yêu mình không có những cơn mưa
Nên khao khát giữa nắng hè cháy bỏng
Tình chợt đến theo đám mây thơ thẩn
Râm mát lòng cho khoảnh khắc bình yên
 
Tình không thắm nụ hồng mà đỏ máu từ tim
Từng vết cắt bởi chuyện đời dâu bể
Tay chai sần mong làm lành mảnh vỡ
Có vụng về...
Cũng vá víu đời nhau
 
Tình không trăng sao lấp lánh đêm thâu
Mà ngời sáng trong lòng ta khi nhớ
Tình vẫn đó rồi xa xôi muôn thuở
Tình trong tay lưu luyến một bàn tay
Tình của mình rứa đó biết răng đây?
 

TỪ ĐỘ - ... Thơ Hoàng Chẩm


 
                        Nhà thơ Hoàng Chẩm


TỪ ĐỘ
 
Từ em nâng cánh thiên di
Mộng về canh cánh người đi thật rồi
Xa nhau luống những bồi hồi
Lạc đường mới biết tình tôi muộn màng
 
Em quàng ngọn gió sang ngang
Ngày đi níu lại bẽ bàng mà thương
Dường như vỡ một giọt sương
Thầm thì giọt nắng lạ thường... bên nhau
 
                                            Hoàng Chẩm

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG TIẾNG VIỆT – Đỗ Chiêu Đức

Tác giả Đỗ Chiêu Đức viết bài này nhằm trả lời bài “"NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG TIẾNG VIỆT” của Hà Thủy Nguyên.

https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2015/08/08/nhung-tu-dung-sai-trong-tieng-viet-ha-thuy-nguyen/


Tác giả bài viết Đỗ Chiêu Đức

Dưới đây là những góp ý rất chân thành và khách quan của tôi, nhằm mục đích làm trong sáng và phong phú hơn tiếng Việt một cách thực tế, phù hợp với “tập quán ngôn ngữ” hằng ngày của cộng đồng người Việt nói tiếng Việt, chớ không lập dị hoặc bới lông tìm vết gì cả !  Trước tiên, xin đề cập đến từ “CHUNG CƯ hay CHÚNG CƯ” .
 
Trích bài viết:
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ CHUNG Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
 
Theo tôi nghĩ:
 
Từ CHUNG CƯ là từ được viết gọn lại của nhóm từ CÙNG CHUNG CƯ NGỤ, đã được quần chúng sử dụng từ trước đến nay, nghe đã quen tai, không cần thiết phải đổi lại thành CHÚNG CƯ, nghe vừa xa lạ vừa chói tai, vừa lập dị vừa không hợp với tập quán ngôn ngữ. Xin được giải thích…
 

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

BÀ MẸ NUÔI CỦA NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN – Nguyễn Bùi Vợi

Nguồn:
https://nhathonguyenbuivoi.wordpress.com/category/tac-pham/van-xuoi/nguyen-bui-voi-viet-ve-be-ban/

Nhà thơ Phùng Quán

Năm 1960, đi lao động thâm nhập thực tế ở Thái Bình cùng các nhà văn Tô Hoài, Hoàng Trung Thông…về, Phùng Quán bị nhiễm lao. Nằm điều trị ở bệnh viên lao trung ương khỏi bệnh rồi nhưng không biết về đâu vì phòng Văn nghệ quân đội không còn tên anh nữa, Hội nhà văn cũng đã khai trừ anh. Phùng Quán về thôn Nghi Tàm xã Quảng An huyện Từ Liêm (Hà Nội) đến nhà ông cả Hàm là trưởng xóm Đình xin ở nhờ ít lâu. Gia đình ông cả vui vẻ nhận lời vì biết anh là tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” nổi tiếng. Ông cả Hàm nói với vợ: Tôi cũng có biết anh này có “phốt”. Người ta đầu xanh tuổi trẻ lại có tài ắt là có tật, thôi giúp đỡ người ta, để phúc để đức cho con! Không có lương, Phùng Quán sắm cần câu, thỉnh thoảng ra hồ câu cá trộm! Một hôm, anh đi qua trước một túp nhà lá một gian hai chái. Thấy một bà cụ một mình đi ra đi vào, Phùng Quán tạt vào chơi.
 
Hỏi truyện cụ, anh mới biết cuộc đời cụ thật gian nan. Cụ ông uống rượu say, “đi” luôn đến mồng một Tết để lại cho cụ bà một mảnh vườn, một ngôi nhà gỗ 5 gian và 3 đứa con dại. Cô gái đầu lòng tiên là Húng mất năm 13 tuổi. Con thứ hai là Nguyễn Văn Thơm vào bộ đội, hy sinh vào năm 1947 ở mặt trận Hà Nội. Con gái út tên là cô Vỏ bị thiên đầu thống, lòa cả hai mắt, mất năm 30 tuổi, chưa kịp lấy chồng. Trước cụ cũng có một gian hàng bán cơm ở chợ hàng Da nhưng vì con bệnh nặng, gia tài khánh kiệt, cụ phải bán đi cả căn nhà gỗ 5 gian, cây que chụm lên túp này…
 

THƠ TẶNG MINH PHƯỢNG – Đặng Xuân Xuyến


  


HƯƠNG XƯA
(Tặng Phượng yêu)
 
Vội về hội để cầu may
Mà neo ngơ ngẩn kẻ say nụ cười.
Có còn trẻ dại non người
Để e tấp tểnh cái thời trăng non?
 
Hương xưa thì cứ tươi ròn
Và mưa cứ giọt giọt mòn giữa tim...
 
Hà Nội, ngày 12 tháng 06-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
 

ĐÊM LÀ HƯ VÔ – Thơ Trần Mai Ngân


  

 
ĐÊM LÀ HƯ VÔ
 
Đêm nay mặn đắng vị buồn
Ghì đêm ôm xiết rồi buông hững hờ
Vắt tim nhỏ giọt lệ thơ
Tại sao xa lạ lạnh bờ môi yêu
 
Đêm nay sâu lắng hắt hiu
Muôn trùng gõ nhịp tiêu điều gian nan
Hoá điên ở giữa trần gian
Đôi tay bám riết hoang mang ơi... Mình!
 
Đêm nay đêm của lặng thinh
Cuồng si thuở ấy bóng hình nơi đâu
Dấu tay vết bấu còn sầu
Ngát trên da thịt một mầu hư vô!
                                             
                           Trần Mai Ngân

NGÀY XẾ BÓNG – Thơ Đoàn Thuận


  
                          Nhà thơ Đoàn Thuận


NGÀY XẾ BÓNG
 
Ta đôi khi muốn thay chiếc răng mẻ
chợt nghĩ mình còn trụ được bao lâu
đêm thao thức vỗ về lòng an tịnh
mong gió thu thổi bạt vạn cổ sầu.
 
Chiếc răng giả cho thêm nụ cười đẹp
đâu xua tan hình dạng lệch môi hôn
đâu kéo lại màu xuân mái tóc bạc
cõi sắc không hư ảo cả tâm hồn
 
Răng lòi xỉ thâm căn trong cốt tuỷ
nụ hoa thơm chuyển dịch tự hạt mầm
hạt bụi nhỏ hoá thân qua bao kiếp
đời buồn vui kỳ hạn khoảng trăm năm.
 
Răng có thay, phận ta không thay được
trước hiện tồn vạn hữu tựa khói sương
đời trót đã cho ta làm lữ khách
trọ cõi người giây lác lại lên đường.
 
Răng chưa rụng có khi ta khuất bóng
chưa kịp cười bên hoa một sớm mai.
sao biết được hậu thân ta giả tạm
hay đâu chừng răng duyên giữa môi ai ?
 
                                   ĐOÀN THUẬN

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

DƯƠNG THU HƯƠNG, NGƯỜI ĐI GIỮA HAI LÀN ĐẠN – Đỗ Trường

Nhà văn Dương Thu Hương là nhà văn nổi tiếng nhất trong dòng văn học hiện thực tại Việt Nam những năm 80. Hầu như sách của bà in ra đều bán hết rất nhanh. Mặc dù những năm đó, chuyện mua sách là xa sỉ đối với đồng lương eo hẹp và cuộc sống thiếu đói của tầng lớp công nhân lao động. Bài viết của nhà văn Đỗ Trường và lời nhận xét của Giáo sư Huệ Chi dưới đây về những cuốn sách hiện thực chiến tranh đã đẩy bà vào chốn lao tù CS, đã cho ta thấy một Dương Thu Hương đáng kính nể thế nào.

Nhà văn Dương Thu Hương

Lời dẫn của GS Huệ Chi
 
Tôi có may mắn được con mắt xanh của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến để ý, mời làm giảng viên chính Trường viết văn Nguyễn Du ngay từ khóa I, khóa của những người viết văn xuất thân quân ngũ vừa rời chiến trường trở về được dăm năm, những người năng khiếu văn chương nẩy nở cùng với quá trình đem sinh mạng mình cọ xát với cái chết, nhìn ngắm và chiểm nghiệm nó ở cự ly gần, nên gần như cả một thế hệ – chỉ dám thu hẹp trong phạm vi một khóa học – đều trở thành những cây bút có bản lĩnh và bản sắc. Trong số đó, Dương Thu Hương là một người nổi bật và trường sức. Trớ trêu cho tôi, khi giảng bài có chị ngồi ở dưới, tôi chưa kịp nhận ra điều này. Vào năm 1983, khi Viện Văn học tổ chức một hội thảo khoa học được coi là quan trọng “35 năm văn học cách mạng miền Nam” (tính từ 1959), tôi được phân công làm người ghi âm những bài phát biểu miệng, trao đổi ý kiến trực tiếp trên diễn đàn. Tôi đã ghi không sót bất kỳ ai, kể cả những người nói những lời nhàm chán nhất. Thế nhưng khi đến lượt Dương Thu Hương giơ tay, không hiểu sao tôi lại tắt công tắc. Một tâm lý coi thường học trò nằm trong vô thức chăng? Có lẽ. Thì có ngờ đâu đấy lại là diễn ngôn ứng tác xuất sắc nhất trong cả cuộc hội thảo. Nó cũng bộc lộ một cá tính mạnh, dám phơi trần sự thật, của cây bút Dương Thu Hương sau này. Tôi nhớ đinh ninh, đó là lần đầu, trên một diễn đàn chính thống và công khai, có những điều cấm kỵ được nêu lên thẳng băng không chút dè dặt; như việc chị nói: “đưa một nhà thơ lên giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kinh tế thì tránh sao khỏi đất nước đói rã họng”... Sau cuộc họp tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ như người đánh mất một vật quý; tiếc vì bỏ qua đi một cơ hội để có được một bài nói xuất thần của người học trò mà đến lúc ấy mình vẫn chưa nhìn thấy hết tài năng. Nhân bài viết của Đỗ Trường đăng lại dưới đây, gọi là có mấy lời tạ lỗi với nhà văn.
 

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

CHÙM THƠ “MƯA...” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   


MƯA
 
Mưa đồi Tây ướt tóc người
Áo hay sương mỏng bên trời vàng thu
Có con chim lạ bay từ
Thiên thu về gọi sa mù đồi trăng
 
Mưa đồi trăng! Mưa đồi trăng!
Miền HIU QUẠNH với CÕI IM LẶNG người
Mưa còn rơi! Mưa còn rơi!
Là tôi giọt lệ trên môi rượu nồng
 
Mưa đồi KHÔNG ướt lòng KHÔNG
Người từ IM LẶNG về hong tóc buồn
Mưa trăm năm mưa nghìn năm
Mưa từ thiên cổ lạnh căm cõi người.
                           

MỘT ĐỐM LỬA – Thơ Nguyên Lạc


  


MỘT ĐỐM LỬA
 
Ta chợt ngộ môi em là rượu độc
Nhắp một lần say khướt cả trăm năm
Hồn chếnh choáng đi tìm tim đánh mất
Thấy hư không lạnh buốt một dòng
 
Em đã đến đã đi như định mệnh!
Một người ngồi tiếc nuối tuổi thời gian
Chiều cổ độ mây trắng bay thăm thẳm
Môi son nồng rượu độc nỗi hoài mong
 
Cuộc trăm năm chỉ là giấc mộng
Ta còn chi ngoài em phiến môi hồng?
Một đốm lửa có đủ soi hy vọng?
Cuối đường hầm đủ hong ấm đời không?!
 
                                               Nguyên Lạc

HÀNG DỪA TRƯỚC NGÕ – Thơ Tịnh Bình


    

                       
HÀNG DỪA TRƯỚC NGÕ
 
Bâng khuâng về lại quê nhà
Hàng dừa trước ngõ la đà đong đưa
Thẹn thùng nắng ngả vào trưa
Gió đùa xao xuyến bóng mưa qua thềm
 
Trăng vàng rót mật vào đêm
Thoảng hương dạ lý nghe mềm nhớ thương
Bờ tre bụi chuối sau vườn
Tiếng con dế gáy ngân vương nao lòng
 
Hương đồng gió nội còn không
Dập dờn sóng lúa cánh đồng ngâm nga
Lục bình man mác trôi xa
Thầm thương nón lá áo bà ba xưa
 
Bao năm về lại nhà xưa
Nhớ ngày thơ bé như vừa hôm qua
Lung linh sợi nắng reo ca
Mướt xanh tóc gió thướt tha bóng dừa...
 
                                        TỊNH BÌNH
                                          (Tây Ninh)

XÂY DỰNG Ý THỨC ĐẠO ĐỨC CHO CON TRẺ - Vũ Thị Hương Mai



Xã hội càng phức tạp, nhiễu nhương, cha mẹ càng phải quan tâm bồi dưỡng ý thức đạo đức cho con cái. Có ý thức đạo đức vững mạnh, con trẻ mới có đầy đủ sức mạnh nội tâm để chống lại mọi ảnh hưởng xấu trong xã hội. Không nên chờ đến khi con cái đã lớn khôn, để tự nó ý thức, đến tận khi đã mươi - mười lăm tuổi, cha mẹ mới quan tâm đến việc giúp đỡ con cái tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì những yếu tố cơ bản của nhân cách đã hình thành từ khi mới lọt lòng, mà giai đoạn khoảng 5 - 6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng. Chính vì vậy, ngay ở tuổi tiểu học, cha mẹ cần hết sức chú ý bồi dưỡng ý thức đạo đức cho con, vì ở tuổi này trẻ đã có khả năng nhận biết và phân biệt đúng sai, lẽ phải và những điều trái mắt ngoài xã hội cũng như ngay trong bài học.
 

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

“THÁNG NGÀY QUA ”, HỒI ỨC CỦA NGUYỄN TƯỜNG NHUNG, TRƯỞNG NỮ CỦA NHÀ VĂN THẠCH LAM, PHU NHÂN TRUNG TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG - Trần Thị Nguyệt Mai.



Sách in màu, bìa cứng, dày 412 trang
Thạch Ngữ xuất bản 2021
 
Biên tập: Nguyễn Tường Giang
Đọc bản thảo: Trần Thị Nguyệt Mai & Nguyễn Tường Giang
Thiết kế hình ảnh: Nguyễn Tường Tâm
Thiết kế bìa: Đinh Trường Chinh
Chân dung tác giả trang bìa: Họa sĩ Thanh Trí
Trình bầy và Dàn trang: Nguyễn Đồng
 
Chân thành cảm ơn Nhà văn Nguyễn Tường Nhung
và Bác sĩ / Nhà thơ Nguyễn Tường Giang cùng Nhà xuất bản Thạch Ngữ.
 
Độc giả có thể mua sách trên mạng qua link này:
https://www.barnesandnoble.com/w/thang-ngay-qua-nhung-nguyen-tuong/1140528038?ean=9798765508541
 
oOo
 
Trích giới thiệu từ bìa sau
 
Thạch Lam, nhà văn tài hoa trong Tự Lực Văn Đoàn, ông sống một cuộc đời giản dị và thanh bạch. Ông mất đi khi còn trẻ, để lại một vợ và ba con thơ. Tác giả Nguyễn Tường Nhung là con gái đầu của ông, lúc đó mới sáu tuổi, đã phải phụ giúp mẹ trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đọc những trang hồi ức của tác giả để thấy lại sức phấn đấu, nhẫn nại của phụ nữ Việt Nam trong thời nhiễu nhương những năm tháng chiến tranh…
Tướng Ngô Quang Trưởng là một vị tướng nổi danh trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được coi là trong sạch, liêm khiết và đức độ. Người ta chỉ biết đến tài chỉ huy quân sự của ông, nhưng ít ai biết về đời sống gia đình thường ngày và nhất là cuộc sống của ông khi lưu vong nơi xứ người. Hồi ức Tháng Ngày Qua đã soi tỏ một đời sống có thể nói là quá bình thường của vị tướng lãnh quyền lực nhưng đầy lòng nhân hậu, đồng cảm thương xót quân nhân thuộc cấp. Ông cũng là một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc như một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ…
 
                                                                   Nhà xuất bản Thạch Ngữ

*
Đây không chỉ thuần là một tập hồi ức, mà còn là những trang tư liệu rất quý về gia đình nhà văn Thạch Lam và tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh rất giỏi và trong sạch của Quân lực VNCH, được thuộc cấp nế phục. Và riêng tôi cũng rất kính phục và ngưỡng mộ từ đã rất lâu… Tác giả tuy là vợ tướng lãnh một vùng, nhưng bà sống rất giản dị, bình dân, lo cho chồng, cho con, biết thông cảm với mọi người. Những đoạn viết về thời tuổi trẻ quá cơ cực của bà dễ làm độc giả chảy nước mắt…
 
                                                             Nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai
 
https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2022/01/14/thang-ngay-qua-hoi-uc-cua-nguyen-tuong-nhung/

*

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ: HẠNH, HÀNH, HÃNG, ĐỨC, NHIÊN – Tạp ghi và phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


HẠNH      HÀNG     HÃNG

                                         
Chim chích mà đậu cành tre...
            
Đó là một vế trong CHỮ NHO... DỄ HỌC nói về bộ Xích, theo thứ tự trong 214 Bộ Thủ của chữ Nho như sau:
 
XÍCH: là Bước Chân Trái. Cũng có nghĩa là Bước Chậm rãi. XÍCH vừa là Bộ vừa là Chữ. Khi là Bộ, thường đứng bên trái và được gọi là "Song Nhân Bàng 雙人旁". Có nghĩa là Bộ gồm có 2 chữ Nhân chồng lên nhau . Những chữ được ghép bởi Bộ XÍCH thường chỉ về Đi Đứng, Đường xá, Hành vi của con người.
Ta còn có một biến dạng của bộ XÍCH là chữ SÁCH (còn đọc là XÚC) là Bước chân phải, nên XÍCH SÁCH 彳亍 : Bước chân trái một cái, bước chân phải một cái là đi Tản bộ, là đi Bách bộ, đi chầm chậm, như trong bai câu thơ của Lý Chí đời Minh:
 
踟蹰横渡口,    Trì trù hoành độ khẩu,            
彳亍上灘舟。 XÍCH SÁCH thướng than chu.
 
Có nghĩa:                   
 
Chần chừ trước bến đò ngang,             
NGẦN NGỪ bước xuống thuyền sang bến bờ.


Chim chích mà đậu cành tre...
 

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

HỮU LOAN – TÀI NĂNG VÀ SỰ MÂU THUẪN TRONG TƯ TƯỞNG CŨNG NHƯ THI CA - Đỗ Trường

(Viết nhân 10 năm ngày mất của thi sĩ Hữu Loan)
 
 
Nhà thơ Hữu Loan

Thế hệ tôi ở miền Bắc trước 1975, dường như rất ít người biết đến nhà thơ Hữu Loan. Bởi, thơ ông không được in ấn, nhắc nhở đến. Nếu không có văn học, âm nhạc miền Nam, và sự cởi trói cho các văn nghệ sỹ vào những năm cuối của thập niên tám mươi, thì thơ văn, cũng như con người Hữu Loan vẫn còn nằm đó, hóa thạch với thời gian. Hữu Loan viết không nhiều. Và cùng Trần Dần, Lê Đạt… ông là người tiên phong trong việc cách tân thơ Việt ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Do vậy, tính mộc mạc, dân dã trong thơ Hữu Loan đã được mọi tầng lớp người đọc yêu mến, đón nhận. Song giống như các nhà thơ cùng thời, không phải bài thơ nào của Hữu Loan cũng đạt được những điều mong muốn. Tuy nhiên có thể nói, Hữu Loan là một trong những linh hồn và nhà thơ có sức sống lâu dài nhất của thi ca kháng chiến (ở giai đoạn 1946 -1954).
 

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

CHÂU THẠCH TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M. Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện


Nhà thơ Châu Thạch


Châu Thạch tên thật là Trương Văn Trạn.
Sanh ngày 15.7.1943 [tuổi Quý Mùi].
Chánh quán xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Thơ và Bình Thơ đã được đăng trên một số web & blog VHNT trong và ngoài nước.
Tác phẩm đã xuất bản: “Tuyển Tập Thơ Văn Một Thời Để Nhớ” chung với 14 tác giả. “Tuyển Tập Bình Thơ (A và B)”

*

Nhà Thơ Châu Thạch cũng đã bước vào cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, đó là quan niệm thời Trung cổ, bây chừ thế kỷ 21, tuổi 70 cũng chỉ là thanh niên. Mới đây vài năm, Đại Họa sĩ Trịnh Cung [tức nhà thơ Thương Nguyệt hồi 1960] cũng vào tuổi này. Gọi anh là Đại Họa sĩ có nghĩa là anh cao hơn các Họa sĩ thường một bực. Năm 67, anh được giải Huy chương Bạc, triển lãm hội họa Quốc Tế ở Pháp, nên anh thường bỏ hai tay vào túi quần, không bao giờ bắt tay với những họa sĩ nội địa. Phu nhân của anh phiêu diêu miền cực lạc, anh mới lập gia đình với một giai nhân tuổi chừng 20, và sau đó anh có thêm một đứa con nhỏ, cả nước ăn mừng “và hải ngoại cũng ăn mừng luôn”.
 
Anh cứ mơ về thời quá khứ
mái trường xưa thành gạch vụn lâu rồi
áo trắng xưa bay về phương trời áo trắng
bờ Cổ Thành loang lổ một vầng trăng
 
Anh cứ mơ về thời quá khứ
bụi cỏ xôn xao dưới gót ngọc sân trường
áo trắng bồng bềnh phố nhỏ mờ sương
em cứ đi đi về phương trời áo trắng
                (Phương áo trắng, trang 142)
 

GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG, NẮNG CÓ NHƯ XUÂN, MÙA XUÂN GỌI - Thơ Hoàng Chẩm


 
                   Nhà thơ Hoàng Chẩm


GIẤU NHAU MỘT CÕI RIÊNG
 
Em giấu hạt mưa trong mắt
Mong manh lòng nhớ hương xưa
Người xa... Bao lần hiu hắt
Buồn ơi biết mấy cho vừa
 
Em giấu chiều vàng trong áo
Sớm chiều sóng lụa thênh thang
Tóc chưa phai hồn dã thảo
Yêu thương ngày đã muộn màng
 
Giấu ngày xưa vào chốn cũ
Thời yêu nung nấu giấc mơ
Em qua từng mùa lá đổ
Tương tư về tới... ngẩn ngơ
 
Giấu giọt đông về qua ngõ
Bình yên nghe tiếng tình ru
Lời thương thơm lừng hương cỏ
Dường như em biết ngơ ngu.
 

“ĐÊM UKRAINE” TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN MARCI SHORE - Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu



Lời giới thiệu của dịch giả:
 
Đêm Ukraine là tuyển tập của nhà văn Marci Shore, viết về cuộc cách mạng Ukraine tháng Hai, 2014, còn gọi là cuộc cách mạng Maidan. Sự kiện này đã lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, cuộc chiếm đóng Crimea và sự hình thành hai vùng tự trị Donetsk và Luhansk.
Tám năm sau, tháng Hai năm 2022, lịch sử lặp lại trên quy mô thảm khốc hơn.
Dưới ngòi bút của Marci Shore, đó không phải chỉ là một cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh, không chỉ là những sự kiện, mặc dù chúng được mô tả chi tiết, kết quả của một quá trình điều tra tường tận, mà chính yếu là câu chuyện của những cá nhân, cuộc chiến đấu của họ, số phận riêng tư, tình yêu và cái chết của họ.
Shore sinh năm 1972, giảng dạy ở trường đại học Yale, Hoa Kỳ. Bà nghiên cứu về lịch sử văn học, khía cạnh chính trị của văn chương, hiện tượng học và chủ nghĩa Mác. Shore bám sát các vấn đề thời sự của Đông Âu, Ba Lan, Ukraine, và các nước lân cận. Nhà văn gốc Do Thái này còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác, như Mùi vị của tro tàn (The taste of ashes).
Cám ơn nhà văn Đinh Từ Bích Thúy và nhà văn Đặng Thơ Thơ đã giới thiệu văn chương Ukraine và văn chương viết về Ukraine cho tôi. Trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến tranh xâm lược do Putin gây ra, 2022, mời bạn đọc bốn truyện ngắn hay bút ký sau đây, để hiểu thêm phần nào một dân tộc anh hùng và đau khổ, một vùng đất xinh đẹp đang chìm trong lửa đạn, và tất nhiên, những con người tự do rất đáng yêu.
Tôi nghĩ, văn học không làm thay đổi được lịch sử, nhưng có lẽ nó giúp cho người đọc hiểu hơn những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và giúp họ trong các chọn lựa riêng tư, khó khăn, của mình.
 
                                                                             Nguyễn Đức Tùng
                                                                                     3. 2022
 
1. ĐẤT CỦA GOGOL
 
Vào tối thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014, nhà nghiên cứu chính trị và trí thức nổi tiếng người Ukraine Mykola Riabchuk thuyết trình trước một căn phòng đông đúc ở Vienna. Mykola nói một cách bình tĩnh, trầm tư. Dù không lạc quan nhưng ông vẫn hy vọng. Ông hoàn toàn tin rằng cuộc chiến giành tự do ở Ukraine sẽ tiếp tục. Có lẽ lần này cuộc chiến sẽ không thành công; nhưng Mykola chắc chắn rằng, nếu không phải là lúc này, thì một ngày nào đó nó sẽ thành công.
Ông trả lời tất cả các câu hỏi một cách cởi mở. Ông không hề nói gì với khán giả, rằng vợ ông và đứa con trai hai mươi sáu tuổi của họ, đang ở Kiev, và đứa con trai Yuri, đã trở về nhà lúc 4 giờ sáng hôm ấy và bây giờ lại có mặt trên Maidan, một lần nữa, rằng Mykola không biết liệu Yuri có bị sát hại vào đêm hôm ấy hay không, hay có lẽ bây giờ chàng trai ấy đang đứng nói chuyện trong thư viện của Viện Khoa học Nhân văn.
(Cha mẹ của anh không bao giờ yêu cầu anh ở nhà, Yuri nói với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau sau đó ở Kiev. “Bạn vượt qua ranh giới…,” anh nói thế.
“Bạn có nghĩ rằng bạn có thể bị giết hại?” Tôi hỏi anh.
“Vâng, tôi đã sợ thế.”)
“Chúng ta có thể làm gì?” một phụ nữ Ba Lan trẻ tuổi trong số khán giả lên tiếng hỏi.
Đáp lại, Mykola mô tả một cảnh trong vở kịch của Nikolai Gogol, vở Quan thanh tra. Vào cuối vở kịch, một người chủ nông trại tên Piotr Ivanovich Bobchinsky tiến lại gần quan thanh tra đến từ thủ đô Saint Petersburg với một lời “yêu cầu khiêm tốn,” anh ấy cầu xin vị quan của mình một cách hết sức cung kính, khi ông ta trở lại Saint Petersburg, xin làm ơn nói với sa hoàng rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky đang sống ở thị trấn này.
Chỉ thế thôi, đơn giản xin nhớ rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky, thế thôi.
“Chỉ cần nhớ,” Mykola trả lời người phụ nữ trẻ, rằng “Có một đất nước tên là Ukraine.”
 
(Nguyên tác: The Land of Gogol, The Ukrainian Night)