BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

NHỮNG THẮC MẮC VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI - Đặng Xuân Xuyến




       NHỮNG THẮC MẮC VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

(Trích trong HỎI ĐÁP VỀ CHUYỆN KÍN CỦA ĐÀN ÔNG của Đặng Xuân Xuyến; xuất bản năm 2008)

Thắc mắc:
 - Tôi đọc báo, thấy các thuật ngữ như khuynh hướng tình dục đồng giới, quan hệ tình dục đồng giới hoặc hành động đồng tính... Tôi thật sự không rõ các thuật ngữ đó có sự khác biệt gì không? Rất mong anh giải thích giúp.

Giải đáp:
Thuật ngữ khuynh hướng tình dục đồng tính được dùng để chỉ những người có thái độ, tình cảm thân thiện "đặc biệt khác lạ" với những người cùng giới do sự cuốn hút của những ngưòi mà họ "yêu thích", kiểu gần giống như tình cảm trai gái, hoặc có ham muốn quan hệ sinh lý với người cùng giới nhưng không biểu hiện bằng hành động cụ thể mà chỉ "âm thầm" trong suy nghĩ, tình cảm.

Các nhà tâm sinh lý tình dục trên thế giới khẳng định có số lượng lớn người như vậy nhưng không bao giờ họ thừa nhận điều đó.

Còn người đồng tính là người có khuynh hướng tình dục đồng giới và có ham muốn quan hệ tình cảm, sinh lý với người cùng giới bằng hành động cụ thể.

VĨNH BIỆT THÁI THANH - Thơ Nguyên Lạc





VĨNH BIỆT THÁI THANH

"Người Về" hay người đã ra đi?
Đi. Về. người hỡi cũng "Biệt Ly" *
"Dòng Sông Xanh" biếc "Thuyền Viễn Xứ"
"Con Thuyền Không Bến", "... Ngàn Dặm Ra Đi"

"Ngậm Ngùi", "Hoài Cảm" thương tiếc người đi
"Nghìn Trùng Xa Cách" biết nói năng chi?
"Mùa Thu Chết" rồi, "Ngàn Thu Áo Tím"
"Bài Hương Ca Vô Tận" hạt lệ phân kỳ

"Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi"
"Còn gì đâu nữa ..." người của một thời!
Người đi "Còn Chút Gì Để Nhớ"
Một chút này thôi mãi muôn đời

"Đường Xưa Lối Cũ" tìm đâu thấy
Lên non tôi tìm "Động Hoa Vàng"
"Đôi Mắt Người Sơn Tây" thăm thẳm
Tiễn người buồn như người ấy "Sang Ngang"

"Mơ Giấc Mộng Dài", "Bên Cầu Biên Giới"
"Mộng Du", "Dạ Khúc" riêng nhớ tưởng người
Muôn trùng miên viễn an bình nhé!
Vĩnh biệt! Lời buồn tiễn ... Thơ tôi!

                                                      Nguyên Lạc
……

* Dùng tên một số bài nhạc Thái Thanh đã hát

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ LỄ ĐĂNG CƠ CỦA VUA LÊ THẦN TÔNG - Nguyễn Thanh Điệp

Lễ lên ngôi của hoàng đế ngày xưa là ngày trọng đại của quốc gia. Nó diễn ra như thế nào trong lịch sử?

                                   Tranh minh họa lễ đăng cơ của hoàng đế ngày xưa.

Người xưa thường nói “nước không thể một ngày không có vua”. Ngay sau khi vua băng hà, triều thần ngay lập tức bắt tay vào việc tôn lập hoàng đế mới. Người được vua cha hoặc quần thần chọn sẽ được thông báo thời gian lên ngôi.

Câu chuyện về lễ đăng cơ của Lê Thần Tông (1619-1643) - vị vua thứ sáu của thời Lê Trung hưng - được ghi chép trong sách Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII của tác giả Nguyễn Trọng Phấn, phần nào giúp hiểu hơn về lễ đăng cơ.

NHỚ PHẠM CÔNG THIỆN – Khánh Trường

Khánh Trường, sinh năm 1948 ở Quảng Nam. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1988. Sự đóng góp của anh vào văn học Việt Nam hải ngoại không nhỏ vì ngoài vẽ tranh, triển lãm tranh, anh cũng là một nhà văn tên tuổi, viết với vài bút hiệu khác như Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Khánh Trường đã xuất bản nhiều tác phẩm và từng là chủ biên của tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2005. Xin giới thiệu một bài viết của anh về Phạm Công Thiện.


      
                      Nhà văn, họa sĩ Khánh Trường (Đinh Cường vẽ)


         NHỚ PHẠM CÔNG THIỆN 
                                                                          Khánh Trường

Tuần trước, Dung, vợ Phan Tấn Hải, chị Loan, vợ cũ Phạm Công Thiện, và vợ tôi, Thu Oanh, cùng đi tham dự buổi ra mắt hai cuốn sách viết về Bồ Tát Long Thọ của Vũ Thế Ngọc (16 năm nay, sau ngày bị tai biến, tôi gần như đoạn tuyệt với giới văn nghệ, không liên hệ cũng như từ chối mọi lời mời tham dự những buổi ra mắt sách, vốn thường xuyên tại quận Cam. Vợ tôi thỉnh thoảng thay tôi đi dự, nếu tác giả quá thân quen).

TÌM LẠI NƠI PHÁT TÍCH NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - Trần Trung Sáng

“Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì (đường Lê Quý Đôn, cạnh di tích Khổng Miếu, TP.Hội An) được xây dựng sau và kiến trúc cũng không thể sánh bằng nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (dựng năm 1806), ở xóm Dinh (8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Hội An). Nhà thờ phái nhì tuy còn lưu giữ nhiều thư tịch quý giá, gắn liền với danh thần Nguyễn Tường Phổ cùng 3 nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng), nhưng không phải là điểm tham quan chính thức như nhà thờ Nguyễn Tường phái nhất hiện nay”. Nghe nói như vậy, nhưng tôi vẫn bước qua cánh cổng nhà thờ trước mắt rảo nhìn toàn cảnh.

          
                          Tác giả bên tủ sách của nhóm Tự Lực văn đoàn
                      được lưu giữ tại từ đường Nguyễn Tường phái nhất.


    TÌM LẠI NƠI PHÁT TÍCH NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
                                                                             Trần Trung Sáng

Chủ nhà đi vắng, hoặc sinh hoạt gia đình ở khuất phía sau, nên không gian khu nhà vườn trông thật trầm lắng, u tịch, gần giống cái cảm giác nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã từng miêu tả khi ông đến nơi này vào một ngày đầu xuân 47 năm về trước: “...con đường màu đỏ nhạt, đọng nước với những khu vườn vẫn gợi cho tôi nhớ ở đâu đây, trong các truyện của Thạch Lam, một cảm giác lâng lâng, dịu dàng theo bóng nắng qua các chòm lá cây, rải trên mặt đường…”.  Cũng trong bài viết này, Nguyễn Văn Xuân có đoạn: “Ông Cụ Cố ông Nhất Linh xưa kia được phong tiết Việt (?), tới đâu đem cắm là có quyền nhận lãnh năm mẫu đất ở vùng đó”. Sự đó có đúng không? Nếu như thế thì cả khu vực mênh mông từ nhà thờ lớn (ở xóm Dinh) ra tới đây đều nằm trong vùng sở hữu của họ Nguyễn Tường cả hay sao? Chuyện đó, có cơ hội, tôi sẽ hỏi lại một nhân vật lão thành trong gia đình Nguyễn Tường” (“Năm mới đi viếng nhà thờ Nhất-Linh Nguyễn-Tường-Tam” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Bách Khoa, 1973).

KHÔNG LÀM THƠ, LÀM GÌ? - Thơ Nguyên Lạc


   


KHÔNG LÀM THƠ, LÀM GÌ?

Buồn, buột miệng bạn hỏi:
- "Làm thơ để làm chi?"
Không làm thơ, làm gì?
Bạn trả lời tôi đi

Thâm Tâm buồn ly khách
Chí lớn bàn tay không
Chúng ta cùng "một lứa" [1]
"Lận đận" đời lưu vong

Tha phương buồn không bạn?
Áo cơm nợ tháng năm
Sờ đầu dài tóc trắng
Không làm thơ, làm gì?

Làm thơ nhớ quê hương
Quê hương tôi Việt Nam
Lập quốc đã ngàn năm
"... định phận tại Thiên Thư!" [2]

Giọt cà phê ưu tư
Khói vương mắt lệ mờ
Hồn thống trầm lính cũ
Không làm thơ, làm gì?

Tôi cầm ly cà- phê
Quá khứ đọng đáy ly
Không làm thơ, làm gì?
Bạn trả lời tôi đi?

Không làm thơ, làm gì?
Chẳng lẽ bóp nát ly?

                Nguyên Lạc

……….........

[1] Đồng thị thiên nhai lưu lạc nhân/Cùng một lứa bên trời lận đấm- Bạch Cư Dị/ Phan Huy Vịnh
[2] Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. (Nam quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt)

ĐÊM DỐI TRÁ... - Thơ Trần Mai Ngân


   


ĐÊM DỐI TRÁ...

Đêm...
Hai đứa trần truồng giữa sự thật
Phơi bày những đường cong dối trá
Những ngón tay ngại ngần... nấn ná
Ve vuốt, vỗ về đêm... Mình ơi!

Ánh trăng...
Trắng nõn nà thịt da thơm ngát
Môi ngập ngừng... thề thốt trăm năm
Hụt hẫng chân... trượt xuống xa xăm
Huỷ diệt nhau bởi không là thật!

Hình như
Lũ côn trùng rủ nhau hoà tấu
Khúc yêu đương hỏi có mặn nồng
Căn phòng lạnh phủ drap màu hồng
Đâu sự thật và đâu vở kịch...

Tội nghiệp
Trái tim vẫn đập nhanh dồn dập
Hổn hển...
Đêm phơi bày đường cong dối trá!

                            Trần Mai Ngân
                           Đêm 19-3-2020

CÒN ĐÂY ÂM HƯỞNG THÁI THANH ! - Thơ Hạ Thái


                          

CÒN ĐÂY ÂM HƯỞNG THÁI THANH !

Chị đã đi rồi thật vậy sao!
Vẫn nghe trong gió tiếng thì thào
“Ngày Xưa Hoàng Thị” chân chưa mỏi!
“Bến Cũ”, “Biệt Ly” sóng dạt dào...

Lời vọng âm vang bờ thế kỷ...
Giọng huyền ảo chuyển tận ngàn sao
Người đời tặng Chị danh... “bất tử”
Chị mãi còn đây / có đi đâu...(?)

Nao nao trong nỗi buồn xa vắng...
“Đệ Nhất Danh Ca” suốt một thời
Dẫu muốn tách phần riêng... hải ngoại
Di sản chung là Việt Nam... tôi.

Oanh vũ một thời không được hót !
Quẩn quanh mò mẫm phiếm dương cầm
Cánh bằng khi cất cao trời lộng
Âm chất nghẹn đầy trào vút dâng...

Sài Gòn ngoái lại buồn vô tận...
Như Hà Nội xưa luống một lần
Đá sỏi còn lưu trên dấu ấn...
Bám theo đời khổ nạn trầm luân!

Chờ “Hội Trùng Dương” ngày trở lại...
“Hẹn Hò” năm tháng vẫn không quên
“Người Về” vương vấn bàn chân mỏng
“Dòng Sông Xanh” lạnh buốt con thuyền!

Vần thơ tiễn biệt bằng chân cảm
Hòa khúc ngũ cung Chị giải bày
Làm sao tỏ hết niềm thương tiếc
Bóng phượng về trời lướt cánh bay !...

                        Hạ Thái
                    Mar/19/2020
(Từ Thung Lũng Hoa Vàng, Cali.USA.)


…….

“...” Tên vài bài hát nổi bật của Thái Thanh, nhiều lắm!
Tôi thích nhất là nghe chị hát bài : “Chuyện Tình Buồn” thơ Pham Văn Bình, Phạm Dụy phổ nhạc và “Đưa Em tìm Động Hoa Vàng” thơ Phạm Thiên Thư cũng Phạm Duy phổ nhạc.

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

QUA SÔNG DÌM ĐÒ - Đặng Xuân Xuyến


           


           QUA SÔNG DÌM ĐÒ

(Trích trong MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG của Đặng Xuân Xuyến, xuất bản lần đầu năm 1998)

Những người có kinh nghiệm, khi đi xa không bao giờ lại coi chuyến đi cứ phải tay mang vai vác để đèo thêm vất vả; họ biết mang theo cái gì để chuyến đi gọn gàng, nhanh chóng mà mục đích chuyến đi vẫn hoàn mỹ. Những thứ không còn tác dụng, giữ lại vừa chiếm chỗ, vừa mất công sức bảo quản, vừa chịu những chi phí không đáng có mà lại trở thành gánh nặng tinh thần, tâm lý thì quả là không có lợi ích gì. Thương trường cũng vậy, tất cả mọi sự ôm đồm, sự quá tải đều đem đến thất bại, tạo thêm những cản trở trên bước đường đi tới thành công.

KHÔNG MONG ĐỢI - Thơ Văn Thiên Tùng


      


KHÔNG MONG ĐỢI

Trước thềm xuân đất trời khai tiết
Kỷ Hợi chào đông kết mùa giao
Nắng hừng khí lạnh lệch xao
Sương là đà thoảng bấc xào xạc se

Khắp đây đó hoa khoe hương sắc
Nụ mầm vươn mẩy chắc ngời xanh
Xuân sang lộc ứ đầy cành
Đợi xuân Canh Tý điềm lành hỷ an

Mong luật nước soạn bàn dân chủ
Bốn chấm không ước sớm thực thi
Qua rồi một ngũ niên kỳ
Năm năm tới cố loại đi gian thần

Hiền tài trọng quần dân mong đợi
Cuộc chấn hưng đổi mới đừng quên
Hãy cùng vạch mặt chỉ tên
Loại bầy sâu mọt chớ nên chần chừ

Luật một trăm nay như hiệu lực
Có độ cồn,… lập tức xử ngay
Bấy lâu bởi vấn nạn này
Gây bao nhiêu nổi bi ai khôn lường

Lắm cảnh ngộ thảm thương tại bởi
Đã uống rồi cứ cỡi xe lao
Trên đường chẳng sợ chi nào
Điều không mong muốn đến bao nhiêu người

Còn chất cấm mười mươi nguy hại
Cho nước nhà chẳng phải riêng ai
Chúng gây đầy rẫy nạn tai
Luật ban nghiêm khắc chặn ngay nguy này

Dịch cúm mới đêm ngày cấp báo
Cô-rô-na làm náo loạn lên
Từ bên Vũ Hán Trung hoa
Cứ đà lan nhiễm vượt qua toàn cầu…

Đúng thảm họa khởi đầu năm mới
Loài người đang chống chọi đảo điên
Khoanh vùng có dịch dập liền
Chung tay hợp sức vùng miền chẳng phân…

Dịch bệnh vốn gây nên thảm cảnh
Thiên tai còn giáng đánh muôn nơ
Úc Châu lửa khói ngút trời
Mỹ - Âu - In… cũng bời bời cháy thiêu

Khắp gần xa bao điều thiên họa
Đất nước mình hạn đọa đày dân
Mặn xâm Nam bộ đã đàn
Bắc-Trung trung bộ khô hanh kiệt nguồn

Nông sản phẩm cũng muôn điều khổ
Dịch bệnh nên phong tỏa giao thương
Châu Phi dịch lợn khốn cùng
Cô-rô-na tiếp cùng chung họa đày

Hàng ứ đọng đó đây hỏng vất
Bán như cho vốn mất công toi
Bao nhiêu hoạt động ngấp ngoi 
Cùng đồng trì trệ than ôi não nề

Gần hết quý bộn bề tai giáng
Mong xuân qua trời sáng hẳn lên
Xua tan bảo nổi muộn phiền
Thế nhân chuốc phải đảo điên xuân rồi...

  Quảng Trị, xuân CanhTý (05/3/2020)
            Mai Vân Văn Thiên Tùng

BA MƯƠI NĂM VẪN... - Thơ Nguyên Lạc


        
                        Nhà thơ Nguyên Lạc


BA MƯƠI NĂM VẪN...

Ba mươi năm vẫn còn thương
Ngây thơ ngày đó còn vương tới giờ

1.
Tới giờ em vẫn còn thơ
Trong anh em vẫn dáng xưa nhu mì
Gió nào cuốn được bay đi?
Ba mươi năm vẫn mê si tình nàng

Tan trường tha thướt áo sương
Ba mươi năm đó còn thương tới giờ
Em mười sáu tuổi ngây thơ
Anh hai mươi tuổi ngẩn ngơ tóc thề

2.
Đổi thay dâu bể não nề
Đau thương nhân thế bốn bề điêu linh
Ba mươi năm vẫn bóng hình
Thướt tha áo lụa tan trường ngày xưa

Em mười sáu tuổi ngây thơ
Anh hai mươi tuổi ngẩn ngơ phượng hè
Viễn phương lữ khách nhớ về
Ba mươi năm vẫn si mê một người

3.
Mong manh như hạt sương mai
Ba mươi năm vẫn trong tôi thuở nào
Trường xưa dài áo lụa đào
Mùa hè phượng đỏ tình nào tôi say!

Ba mươi năm vẫn không thôi
Em mười sáu tuổi và tôi dại khờ
Hai mươi tôi vẫn ngu ngơ
Dĩ nhiên tình đó... vần thơ ưu hoài!

                                   Nguyên Lạc

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

XUÂN NÀY CHÙA HƯƠNG KHÔNG LỄ HỘI - Thơ Nguyễn Khôi


       
                          Nhà thơ Nguyễn Khôi     


XUÂN NÀY CHÙA HƯƠNG KHÔNG LỄ HỘI                              (Tặng : Nhà văn Lại Như Bằng - Paris) (*)
                           
Đang khấp khởi đi Chùa Hương, Yên Tử
Thì phát ho - cảm lạnh cái "cúm Tàu"
Ngọn gió độc thổi từ sông Dương Tử
Corona bủa kín Hoàng Hạc Lâu.
                            
Vũ Hán "chết"... đến Nhật, Hàn đóng cửa
Qua Iran "lưỡi hái" tới Roma
Rồi Âu, Mỹ... cả đất trời phong tỏa
"Dịch Cúm Tàu" vượt Thế chiến thứ ba ?
                            
Buồn ngồi nhà... Chùa Hương không lễ hội
Thế giới lên ngôi là cái "khẩu trang"
Mừng Hà Nội vẫn an toàn (đang gồng mình) chống Dịch
Chim Việt bốn phương bay về đậu Cành Nam.

                                                            Hà Nội 18-3-2020
                                                            NGUYỄN KHÔI
---------
(*) Chủ bút Tạp chí " Chim Việt cành Nam"
                 

GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ - Đặng Xuân Xuyến


         


            GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ

(Trích trong MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG của Đặng Xuân Xuyến, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản lần đầu năm 1998, Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2000 và 2002)

Điều tiếp theo tôi muốn lưu ý bạn là đừng bao giờ bực tức, đố kỵ trước thành đạt của người khác. Thói xấu ấy sẽ làm cho bạn trở thành nhỏ mọn, tầm thường và sẽ nảy sinh những thói xấu khác biến bạn thành kẻ lố bịch trước con mắt của người đời.
Mỗi người có một khả năng để tự khẳng định mình, tạo dựng sự nghiệp cho mình và người ta chỉ làm được điều đó khi cố gắng, mang hết khả năng, sức lực và trí tuệ dồn cho công việc.

TÔI KHÓC EM TÔI - Thơ Phạm Ngọc Thái




TÔI KHÓC EM TÔI

Tặng Đỗ Thị Ánh Tuyết
 (Tôi viết bài thơ này khi em nói với tôi rằng: Em sắp đi...)

Rồi một ngày
Em mang tình anh về nơi khuất núi
Có hoa thơm cùng bướm vờn, gió thổi
Hai linh hồn mưa nắng quấn bên nhau
Quên hết nỗi đau đời. Chỉ biết thương yêu !

Hỡi con phà với sông nước trắng phau
Có nhớ bóng dáng người thôn nữ
Ngày hai buổi đến trường qua đó
Cõi hồn thơm ngát hương hoa

Anh đã cùng em ngày tháng đón đưa
Dẫu không thể lấy em làm vợ
Nhưng lòng thương thì giàu tựa bể
Lệ nhân tình rơi đẫm cả trang thơ...

Đau xé tim anh. Trời đổ sập gió mưa.
Cầu thượng đế hãy giữ em tôi lại
Em còn trẻ vẫn đang mùa tình ái
Cuộc đời vừa mới được yêu thôi !

Anh bế em lên... trong phút cuối cuộc đời...
Như nhân thế từng ẵm chàng Hăm Lét (*)
Bởi em là hoa, là chim, những gì đẹp nhất... của non sông nước Việt
Người thiếu phụ hiền lành, khắc mãi tên em !

Hỡi Xứ Sở thiêng liêng và Đất Mẹ nghìn năm
Đừng nỡ cho em xa cõi người sớm thế !?
Bài thơ này muốn sưởi ấm lòng em đó
Anh không viết tiễn em đi...

Hoa nở bốn mùa... Ai nỡ lại chia ly ?
Tình quê hương, người thân còn bên em sớm tối
Con chim chích ríu rít trời xanh: Em ơi, đừng đi vội !
Anh run rẩy trong lòng, chạy đến để... hôn em...

                                                       12.6.2019
                                               PHẠM NGỌC THÁI

(Trích " TUYỂN THƠ CHỌN LỌC Phạm Ngọc Thái ", Nxb Hồng Đức 2019)

(*) Hoàng tử Hăm Lét trong vở kịch của Sếch-xpia vĩ đại.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

VỀ CÂU CHÚC MỪNG CÔ DÂU CHÚ RỂ “SẮT CẦM HẢO HỢP” 瑟琴好合 – La Thụy sưu tầm và biên tập


                                           BÁCH NIÊN HẢO HỢP

  VỀ CÂU CHÚC MỪNG CÔ DÂU CHÚ RỂ “SẮT CẦM HẢO HỢP”
                                                                                            La Thụy

Trong một lần ngồi ở một quán ăn (vừa mở cửa lại sau khi tổ chức đám cưới cho con họ), chợt thấy trên vách trang trí câu “Sắt cầm hảo hợp”, một người bạn của tôi buột miệng: “phải là SẮC cầm… mới đúng chứ”. Bạn ấy cho phải là “sắc”, trong từ “nhan sắc”. Có lẽ bạn ấy nghĩ rằng SẮC cầm hảo hợp có ý nghĩa tương tự với tài sắc song toànTôi thử giải thích nhưng xem ra bạn ấy không đồng ý.

Hôm nay, khá rảnh nên tôi ghi lại ít dòng bàn qua về câu chúc tụng bằng chữ Hán (hoặc âm Hán Việt) này

 Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc có câu:
 “Sắt cầm gượng gảy tiếng đàn,
Dây uyên kinh dứt phím loan ngại chùng”

Đoạn trường tân thanh có câu:  
“Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm”

“Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì”

Truyện Hoa tiên có câu:
“Chưa cầm sắt cũng tao khang”

CHẬP CHÙNG - Thơ Trần Mai Ngân


   
                           Nhà thơ Trần Mai Ngân


CHẬP CHÙNG

Chập chùng ôi là buồn
Nghe nhịp đời vỡ tuôn
Hoàng hôn vàng trên tóc
Ai khóc tiễn chiều đi

Chập chùng lối thiên di
Bập bềnh con sóng vỗ
Tha thiết chuyện ngày xưa
Lòng hỏi lòng quên chưa

Chập chùng đám rong rêu
Đang xếp hàng xưng tội
Lời kinh thánh bồi hồi
Tiếng chuông nào xa xôi

Chập chùng ôi chập chùng
Giam tôi vào bóng tối
Mộng cách nhau đôi bờ
Chìm khuất mờ hư không !

                  Trần Mai Ngân