BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

TIẾNG VIỆT ÂN TÌNH: MỘT SỐ TỪ CỔ ĐÃ BIẾN MẤT TRONG TIẾNG VIỆT - Theo trang face Bình Thiên Hạ



Ai cũng biết rằng “cổ” là thuộc về quá khứ, ngày xưa; nhưng “ngày xưa” ấy chính xác là lúc nào thì vẫn còn là một ẩn số. Các học giả ít tranh cãi về thời điểm, phải chăng vì ngày hôm nay cũng sẽ trở thành “ngày xưa” trong trăm năm nữa?  Họ nói nhiều hơn về tên gọi, nhưng đến nay vẫn chưa có một cách gọi thống nhất cho những từ tiếng Việt ít hay không còn được sử dụng. Đào Duy Anh gọi rất thơ - “từ xưa”, Hoàng Xuân Hãn gọi “từ ngữ cổ”, còn Nguyễn Ngọc San dùng “từ cổ” hay “từ Việt cổ”. Từ thuần Việt hay có gốc chữ Nôm, chữ Hán đều có thể xếp vào trong khái niệm này
 
Ngày nay, có những từ cổ đã trở nên hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Nhẩm trong đầu mà có ta cảm giác như nhìn qua ô cửa thời gian xa xăm, thấy một người ngâm thơ hay hát câu vè; cũng bằng tiếng mẹ đẻ đấy, mà sao chẳng hiểu gì!  Tuy vậy, cũng có những từ đã ẩn mình trong phương ngữ, thành ngữ hay ca dao, tục ngữ, quyện hoà cùng dòng chảy ngôn ngữ hiện đại. Những từ ngữ ấy sinh sôi trong một thời đại đã xa, nhưng lại có được sức sống mới nhờ vào sự đa dạng, phát triển không ngừng của tiếng Việt.
 
Mời các bạn cùng khám phá một số từ ngữ quen-mà-lạ, lạ-mà-quen trong từ điển đầu tiên của Việt Nam - “Đại Nam quốc âm tự vị”.
- Từ cổ mất một phần nghĩa khi đứng riêng lẻ, nhưng trở thành thành tố cấu tạo trong các từ khác
 
Có những từ ghép mà khi tách đơn lẻ, ta ít khi hiểu được nghĩa của từng thành tố bởi vì các thành tố ấy là từ cổ đã không còn được sử dụng. Nếu nói “lãm” hay “vầy” thì ít ai hiểu, nhưng nếu nói “thưởng lãm” hay “sum vầy” thì rõ nghĩa ngay, trong đó:

Lãm: xem, coi (như thưởng lãm)
Vầy: nhóm họp, xúm xít
(như hiệp vầy, vầy lại, sum vầy)
 
- Từ cổ đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng tiếng Việt hiện đại
 
Có những từ ngữ đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại như:

Diềm dà: xanh tươi, rậm rạp
Nhớn đàm: nói chuyện chơi
Đằng đãi: chờ đợi
 
Điều thú vị là có một số từ hay ngữ nghĩa được phân loại vào mục này được “tái sinh”, nghĩa là sau một thời gian biến mất lại được người Việt sử dụng, chẳng hạn như “chùng” với nghĩa lén lút (ăn chùng, làm chùng), hay “bẩn” ý chỉ những người bản tính hẹp hòi.
 
- Từ cổ xuất hiện trong phương ngữ
 
“Ngó ra ngoài biển minh mông
Thấy chiếc thuyền rồng cất mái chèo đua.”
(Minh là mênh theo cách phát âm Nam Bộ)
 
“Tưởng là đàng vắng hát chơi
Hay đâu đàng vắng có người vãng lai.”
(Đàng là đường theo cách phát âm Nam Bộ)
 
-Từ cổ được dùng hạn chế
 
Theo sự biến âm, biến nghĩa của tiếng Việt, một số từ cổ dần được thay thế bằng các từ có phát âm gần giống, như câu “chân nam đá chân chiêu” nguyên bản là “chân đăm đá chân chiêu” (đăm, chiêu: trái, phải). Trong đó đăm, chiêu nghĩa là trái, phải
hay:
 
“Một miếng khi đói bằng một đọi khi no”
Đọi: chén bát
 
Còn thiếu từ nào nữa hong? Comment cho mình với nha!

                                                         Theo trang face Bình Thiên Hạ

TẢN VĂN MIÊN MAN – Trần Mai Ngân



Có những ngày qua đi cùng nắng gió, đôi khi là bão giông em vẫn lặng im ở nơi này - nhớ N đầy tràn nhưng vẫn không gọi, không nói… Và cứ thế thời gian trôi đi, trôi đi từ những tháng năm đó.
 
Mùa Thu đã qua. Những con lũ tràn mênh mông về thành phố nhỏ xíu này cũng đã hết, trả lại những sinh hoạt bình thường, trả lại mặt đường khô ráo lặng câm.
 
Dạo này em không làm thơ được. Có lẽ khi quá mức của buồn thương, của nỗi nhớ thì ngòi bút bất lực không miêu tả được, không thành tứ thơ được.
 
Người ta bảo bình thản được trước bão giông là đã đạt được lẽ sống. Em không mạnh mẽ thế đâu. Em nấp vào tường vách kỉ niệm để trốn bão. Ở đó em thấy phẳng lặng và bình yên.
 
Ở đó có tuổi mới lớn đẹp và tinh khôi như trang giấy mới thơm ngày thần tiên.
Đôi lúc, em ước chi được thay đổi. Và em không như em của bây giờ, cũng không gặp N, đừng phải gặp N… Nhưng đã gọi là điều ước thì mấy khi thành hiện thực.
 
Bây giờ, cuộc sống đang thu ngắn lại sau mỗi ngày thức dậy. Em bỗng muốn viết, viết về N, về em về cuộc đời. Viết và để lại mai sau này như một dấu tích chúng ta đã đến cuộc đời này và đã gặp nhau. Em không viết hay như nhà văn nữ Marguerite Duras trong tác phẩm Người Tình - vì em không dám viết hết sự thật ẩn sâu trong trái tim mình. Em sẽ bị lên án chăng hay sẽ được yêu thương thấu hiểu.
 
Thôi, không cần đâu.
Chỉ cần một vài nét phác họa, một vài câu nói thể hiện trong văn phong tự sự đơn giản này N đọc được và thấu đáo được.
 
Hiểu rằng, N quan trọng biết chừng nào.
N giống như một câu kinh thánh “lúc hạnh phúc hay đau khổ, lúc mạnh khỏe hay lúc ốm đau bệnh tật…”  em đều nghĩ đến N, gọi N. Em là một con chiên ngoan đạo nhưng bị Chúa bỏ quên và không cứu rỗi. Em không oán trách Chúa Phật, cũng không oán trách số phận trớ trêu của mình.
Em bằng lòng và trân quý những khoảnh khắc đã có, rất thật và rất đẹp của chúng ta.
 
Trời đã sáng rồi đó N. Em thức giấc và nghĩ và viết những dòng này như một người đang mộng du.
N nơi đó chắc cũng vừa dậy để chuẩn bị cho một ngày mới đã lâu không có em…
 
Mai mốt em sẽ viết tiếp về biển, về những dấu chân chúng ta đã in sâu trên đó…lâu lắm rồi, sóng làm trôi đi không thể tìm và nhớ chính xác ở đâu.
Khi em kể lại, N hãy cố nhớ và nhắc em nha… Chiều hoàng hôn và sóng!
 
Còn bây giờ, em thức dậy đây. Bắt đầu cho ngày mới với những bổn phận và trách nhiệm phải vuông tròn - không vướng bận và nghĩ về N! 
                                                                                    Trần Mai Ngân

TRƯỚC SÂN – Thơ Lê Phước Sinh


 

Người già ngồi phơi nắng
Nắng mới mọc, còn tươi
Sợi vuốt ve an ủi
rồi thủng thẳng lên đồi...
 
            Lê Phước Sinh

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

“QUÊ NGHÈO” - NGHÈO ĐẾN XÓT XA CÕI LÒNG – Nguyễn Bàng




QUÊ NGHÈO
 
Quê tôi nghèo lắm
Vẫn lác đác nhà tranh
Vẫn tiếng thở dài những chiều giáp hạt
Vẫn bát cơm chan mồ hôi mặn chát
Cha cả đời lam lũ
Mẹ một đời chắt chiu
Khoai sắn vẫn len vào giấc ngủ
Tuổi thơ tôi đói ngủ
Thương cánh cò bấu bíu lời ru.
 
Quê tôi nghèo lắm
Phiên chợ còn èo ợt nghèo hơn
Dăm ba nải chuối
Vài mớ rau tươi
Mẹt sắn, mẹt ngô
Í ới mời chào cao hơn mời cỗ
Lèo tèo dăm người bán
Lẻ tẻ mấy người mua
Ế bán
Chán mua
Phiên chợ quê xác xơ già cỗi.
 
Quê tôi nghèo lắm
Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc
Thương con cò con vạc
Mỏi cổ chồn chân trên đồng đất của mình.
 
Quê tôi nghèo lắm
Nước mắt rơi từ thời chị Dậu
Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ
Âm ỉ bủa quanh
Bám đeo đặc quánh
Chiếc cổng làng dựng lên thật đẹp
Sừng sững bê tông cốt thép
Ngạo nghễ tượng đài
Ngạo nghễ trần ai
Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
 
Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...
*.
Hưng Yên, chiều 29 tháng 12 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 *
 
“QUÊ NGHÈO” - NGHÈO ĐẾN XÓT XA CÕI LÒNG 
                                                                       Nguyễn Bàng
 
Hơn 60 năm trước, khi trọ học ở Hà Nội, tôi thường được ông chủ nhà cho cùng ông nghe buổi phát thanh ca nhạc của Đài phát thanh Pháp Á. Vì vậy, dần dà, tôi đã thuộc được lời và âm điệu của những bài ca mà tôi yêu thích, trong đó có bài “Quê  nghèo” của Phạm Duy mà tôi có cảm giác như cái quê nghèo trong bản nhạc ấy cũng chính là quê mình, cũng “không xa kinh kỳ sáng chói”, cũng “có lũy tre còm tả tơi”
 

TÌNH THU YẾU ĐUỐI - Nhạc Khê Kinh Kha, ca sĩ Ý Lan trình bày

            

      

TÌNH THU YẾU ĐUỐI
 
trời vào thu em ơi
quanh đây đầy lá úa
tình buồn theo mưa rơi
lòng sầu đầy thương nhớ
trong sương mờ
anh đợi chờ
đợi tình em mong manh
thương em bờ tóc ngắn
từng mùa thu không em
từng ngày từng tiếc nuối
trong tim này
thu chết em ơi
một mùa thu chưa say
một đời chưa quen hơi
tình nồng sao phôi phai
để hồn thu yếu đuối
từng mùa thu xa em
tim đau bao nỗi niềm
từng ngày ta yêu em
một đời đêm tối vây quanh
tình mùa thu không em
không em cười trong nắng
một mình anh bâng khuâng
nhặt từng giọt nắng ấm
anh ngỡ rằng
môi em nồng
từng mùa thu xa em
xa bao tình yêu mến
thèm bờ môi em ngoan
lòng này còn hoang vắng
ôm lá vàng
anh khóc tình em
 
khekinhkha
(1969-Michigan)

EM ƠI NHẮM CON MẮT MÀU XANH CỨT NGỰA XƯA – Trần Vấn Lệ



Hồi thuở anh làm Lính, mặc quần áo màu xanh.  Em!  Em đừng la anh, "Xanh, xanh-màu-cứt-ngựa"!
 
Xanh!  Xanh chi lạ rứa?  Chẳng phải xanh mộng mơ... màu của đám ruộng trơ sau mùa gặt còn rạ!
 
Màu xanh đó buồn quá!  Đồng bào không ai ưa... nhưng mà vì "phe ta" nên mong sao hết giặc...
 
"Giặc" không "nói" tôi Bắc... mà nói là người mình, cũng dáng dấp xinh xinh, nói năng rất... lễ độ.
 
Quân ta thật là khó!  Không biết tính làm sao? Mình không làm mình đau.  Đồng bào cũng đâu muốn...
 
Màu xanh khoác, không sướng.  Màu xanh cây lá rừng.  Mình đánh giặc ngập ngừng.  Mình thua giặc, ai biểu!
 
*
Tháng Bốn Bảy Lăm thiếu, phe ta lệnh đầu hàng.  Lính Bắc rất nghênh ngang lùa lính Nam ra Bắc!
 
Tự dưng mình thành giặc!  Áo quần xanh chó tha.  Từng cánh đồng đi qua, xe lửa, lính nhìn xuống...
 
Sông Bến Hải phiền muộn lửng lờ trôi trôi trôi!  Ta với Giặc, đều người, nụ cười nham hiểm thật!
 
Em ơi... nhắm con mắt... màu xanh cứt ngựa xưa!
 
                                                                                    Trần Vấn Lệ

DANH CA LỆ THU – Theo Câu Chuyện Âm Nhạc



Sinh năm 1943 với tên thật là Bùi Thị Oanh, danh ca Lệ Thu đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong làng nhạc Việt. Bà là một trong những giọng ca vàng của nền tân nhạc Việt Nam với chất giọng ngọt ngào truyền cảm, đã thể hiện sống động hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn. Tiếng hát của Lệ Thu gắn liền với nhiều giai điệu bất hủ, trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt. Mỗi người một vẻ, mỗi người một chất giọng nhưng cả ba ca sĩ Khánh Ly, Thái Khanh, Lệ Thu thời đó đều sở hữu một sức hút đặc biệt.
 

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

HÀNH TRÌNH ĐẾN MỸ CỦA “TÀI TỬ ĐIỆN ẢNH” LA THOẠI TÂN



La Thoại Tân sinh năm 1937 tại Sài Gòn với tên thật Phạm Văn Tần, là một nghệ sĩ đa tài trước năm 1975. Ông không chỉ được yêu mến qua các vai diễn điện ảnh và kịch nghệ mà còn gây ấn tượng trong lĩnh vực ca hát, báo chí, dẫn chương trình và cả đạo diễn phim. Với vẻ ngoài điển trai, ông nổi danh là “kép đẹp” của làng điện ảnh miền Nam, đặc biệt ăn ý khi diễn cùng nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng làm xiêu lòng biết bao khán giả nữ. Cùng với bạn diễn ăn ý khác là Vân Hùng, họ đã tạo nên một cặp đôi hoàn hảo được khán giả nhiệt liệt yêu mến.
 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH & TRANH VẼ QUÂN ĐỘI NHÀ NGUYỄN - Doan Huy





Quân đội nhà Nguyễn có cơ cấu tổ chức như các Triều đại trước nó, gồm các lực lượng: bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh, pháo binh. Cơ cấu tổ chức và hệ thống chỉ huy khá hoàn chỉnh.
 

                         

                 

                  

                  

                 

                 

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

TRÀ HAY CHÈ? - Pham Tuan Anh



Tại sao cùng là trà có nguồn gốc từ Trung Quốc lại có hai kiểu phát âm khác nhau trên thế giới?
 
Trà có tên gọi khác nhau trên thế giới chủ yếu do nguồn gốc ngôn ngữ và con đường giao thương mà trà được đưa đến các quốc gia khác nhau. Hai từ chính để chỉ trà là “tea”“cha”, mỗi từ phản ánh một lịch sử thương mại và văn hóa riêng.

 •“Tea”: Từ này có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, cụ thể là từ chữ (chà), nhưng phát âm là “te” trong phương ngữ Mân Nam, đặc biệt là ở tỉnh Phúc Kiến. Khi trà được đưa vào châu Âu qua các thuyền buôn của thương nhân Hà Lan vào thế kỷ 17, họ đã mang theo cách phát âm này. Từ đó, “tea” đã trở thành từ phổ biến trong nhiều ngôn ngữ châu Âu như tiếng Anh (tea), tiếng Pháp (thé), tiếng Đức (Tee), tiếng Ý (tè) và tiếng Tây Ban Nha (té).
 
 •“Cha”: Ngược lại, từ “cha” bắt nguồn từ cách phát âm chữ trong tiếng Quan Thoại (Mandarin) và được sử dụng ở các quốc gia mà trà được nhập khẩu qua các con đường bộ như Con đường Tơ lụa. Các từ tương tự như “trà” trong tiếng Việt, “ocha” trong tiếng Nhật, “cha” trong tiếng Hàn, “chai” trong tiếng Hindi, “shai” trong tiếng Ả Rập và “chai” trong tiếng Nga đều xuất phát từ cách phát âm này.

                                                                                  Pham Tuan Anh

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

CA SĨ THANH LAN VÀ NHỮNG SCANDAL TÌNH ÁI CHƯA ĐƯỢC GIẢI MÃ - Theo Dòng Đời

Trước 1975, ở Sài Gòn, ca sĩ Thanh Lan nổi lên như một hiện tượng trong làng ca nhạc. Cô ca sĩ xuất thân từ trường Tây này không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, trên phim ảnh mà còn nổi tiếng trên tình trường.


Khi mới vào nghề ca hát, Thanh Lan vốn là một cô gái xinh đẹp, giọng hát trong trẻo, phong cách rất Tây, đôi mắt gợi tình hồn nhiên, gương mặt nhí nhảnh nên được tặng biệt danh “Tiếng hát học trò”. Nhưng cũng vì sớm nổi tiếng, sớm thành người của công chúng nên Thanh Lan cũng sớm vướng những chuyện thị phi khó đỡ. Đúng là hồng nhan đa truân, tạo hóa đã sắp bày cho cô gái xinh đẹp, tài hoa này một số phận nghiệt ngã.
 

BÀI THƠ MỚI NHẤT TÓC ƠI TÌNH YÊU – Trần Vấn Lệ



Em nói dễ thương:  "Đà Lạt lạnh lắm!". Em đưa tay nắm, ôi bàn tay thương!
 
Anh xa, dễ thường ba mươi năm nhỉ?  Về, em thủ thỉ... Đà Lạt vẫn xưa...
 
Em vẫn là Thơ!  Từng câu em nói.  Lang Bian vời vợi, mình lên đó nha?
 
Em thấy Nước Nhà, ngàn thông, con suối... Hai chân em duỗi, hai gót chân ơi!
 
Hai chân một đôi, mình là hai đứa, trời mưa nho nhỏ, hai đứa một ô...
 
Anh hái hoa mơ, hoa sim ngày cũ... Khi không anh rủ em vào chiêm bao...
 
Tôi đang thao thao những lời mộng mị... Bạn ơi Thế Kỷ:  Hai Thế Kỷ Rồi!
 
Một giọt lệ rơi.  Một nước thống nhất.  Con ong làm mật, cái tổ nó đâu?
 
Người ở giang đầu, người thì hải giác... Mây bay gió dạt... Đà Lạt lạnh hoài...
 
Em nói bên tai: "Đà Lạt lạnh lắm!".  Em đưa tay nắm.  Áo ấm mưa sa!
 
*
Trường cũ mình qua.  Cái cổng đứng ngó.  Em không còn nhỏ.  Anh cũng tàn phai...
 
Mình còn bờ vai...
Vào nha?  Quán gió... Nhìn ra cửa sổ:  mưa trời bay mưa!
 
Em nhắm mắt chờ cái hôn rất nhẹ...
Rồi em, giọt lệ.  Mưa ơi bài thơ...
 
Vậy là đủ chưa?  Bài thơ mới nhất!  Tóc em phơ phất, tóc ơi Tình Yêu!
 
                                                                                     Trần Vấn Lệ

CHÙA HÀ, LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN – Đặng Xuân Xuyến



Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước kia thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
 
Có hai truyền thuyết về chùa Hà.
 
Truyền thuyết thứ nhất:
 
Vào thời Lý, khi vua Lý Thánh Tông trị vì, lúc đã 42 tuổi mà vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này (chùa Hà) còn có tên là Thánh Đức tự.
 
Truyền thuyết thứ hai:
 
Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phế bỏ Lê Nghi Dân để phò tá ông lên ngôi vua vào năm 1460.

VÌ SAO LẠI CÓ MÓN BẠC XỈU? – Theo Sài Gòn Vi Vu


Hình ảnh Quỳnh Trân.
 
Bạc xỉu 白少 hay bạc sỉu là từ của tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ người Hoa dùng phổ biến tại khu buôn bán ở Sài Gòn - Chợ Lớn thời bấy giờ. BẠC XỈU được gọi đầy đủ là "BẠC TẨY XỈU PHÉ"

BẠC/BẠCH() là màu trắng.
TẨY/ĐỂ () là cái ly.
XỈU/ /THIỂU (,) là một chút.

PHÉ (, phi viết tắt của 咖啡 gia phi) là cà phê, ý nói món đồ uống từ sữa nóng, pha thêm chút cà phê.
 
Là món đồ uống có nguồn gốc từ người Hoa sống ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn những năm thập niên 1950-1960 và là món thức uống phổ biến ở khu vực này và các vùng xung quanh. Bạc xỉu khá giống với cà phê sữa nhưng chỉ khác ở chỗ, cà phê sữa thì phần cà phê nhiều hơn phần sữa, còn bạc xỉu lại ngược lại là phần sữa nhiều hơn phần cà phê, vì vậy bạc xỉu còn được gọi là cà phê trắng.
 
Có thể nói Bạc Xỉu là món nước uống pha trộn của ba nền văn hóa Hoa-Việt-Pháp. Trong thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam 1858-1954, cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn có lẽ đi sớm hơn người Việt trong kinh doanh hàng quán, trong đó có cà phê. Vào thời gian đầu, cà phê đen cùng với cà phê sữa vẫn rất khó uống đối với phụ nữ và trẻ con vì họ không quen vị đắng của cà phê, nhưng mùi và vị của cà phê rất cuốn hút. Sau này công thức pha cà phê sữa ở Sài Gòn được người Hoa biến đổi theo cách giảm tỷ lệ cà phê, tăng sữa trong ly thức uống để những người khó uống cà phê nhất vẫn thấy thích thú.
 
Nhiều người Sài Gòn còn quả quyết, bạc xỉu ra đời để dành cho đám trẻ theo ba, hay phụ nữ theo chân bạn bè (là đàn ông) tới quán cà phê. Trẻ em hay phụ nữ không quen với vị đắng gắt của cà phê đen, nhưng cũng không thể hững hờ với mùi hương quyến rũ, bạc xỉu kết nối họ lại. Bạc xỉu có thể vừa uống nóng và vừa uống lạnh tuy nhiên nếu uống nóng thì mùi hương sẽ tuyệt vời và ngon hơn. Bạc xỉu cũng rất thích hợp khi thưởng thức chung với bánh tiêu và giò cháo quẩy.
 
Postscard bài thơ SAIGON tác giả Y VÂN của Sài Gòn Vi Vu trong triển lãm đầu tiên "Sài Gòn Vi Vu - Vi Vu đến những điều xưa nhất" năm 2016.

                                                                            IG:SAIGONVIVU.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

QUỐC DŨNG, NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA NHƯNG HÔN NHÂN ĐẦY SÓNG GIÓ - Câu Chuyện Âm Nhạc



Nhạc sĩ Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan, theo gia đình về Việt Nam năm 3 tuổi. Ông là người có năng khiếu nghệ thuật và bộc lộ tài năng từ bé: 11 tuổi viết bản nhạc không lời đầu tiên; 15 tuổi tốt nghiệp thủ khoa Nhạc pháp Tây Phương Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, về làm việc tại một đài truyền hình, chơi nhạc 'như sàng gạo'; 17 tuổi rời đài hoạt động độc lập và trình làng ca khúc đầu tay.
Nhạc sĩ Quốc Dũng là tác giả của nhiều ca khúc đình đám như: Bài ca Tết cho em, Điệp khúc mùa xuân, Biển mộng, Thư tình không gửi, Ru tôi giấc mộng, Trái tim tội lỗi, Kẻ đau tình, Chuyện hợp tan... Các sáng tác của Quốc Dũng đa dạng về phong cách, đẹp cả về ca từ và giai điệu, khẳng định sức sáng tạo dồi dào và tư duy âm nhạc tiên tiến, hiện đại.

CẶP ĐÔI ÂM NHẠC: QUỐC DŨNG & THANH MAI - Câu Chuyện Âm Nhạc



Năm 1971, khi nhạc sĩ Quốc Dũng 20 tuổi đã sáng tác một ca khúc mà sau đó đã rất nổi tiếng, đặc biệt là đạt giải Kim Khánh năm 1973, đó là bài “Mai”. Một năm sau, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã kết nối Quốc Dũng với học trò của mình là ca sĩ Thanh Mai để trở thành đôi song ca nhạc trẻ rất được yêu thích một thời.  Họ song ca những ca khúc tươi trẻ của Quốc Dũng tự sáng tác như “Quê hương và mộng ước”, “Bên nhau ngày vui”.
 
Nhiều người cho rằng, "Mai" là ca khúc nhạc sĩ viết tặng Thanh Mai nhưng nữ ca sĩ cho biết 2 người quen nhau năm 1972 trong khi ca khúc ra đời năm 1971. Nhạc sĩ Quốc Dũng cho biết, thời điểm ông sáng tác "Mai" ông quen nhiều cô tên Mai và 1 người trong đó đã để lại cho ông niềm rung động để sáng tác thành ca khúc đã gắn liền với sự nghiệp của mình. Và trong ca khúc này, tình yêu không có hậu nên ông không muốn nhắc tới tên người đó.

"Mai! Anh đã quen em một ngày
 Anh đã yêu em một ngày
 Một tình yêu quá không may
 Mai! Anh nhớ môi em miệng cười
 Anh nhớ môi em ngọt lời
 Dù lời yêu thương chưa nói…"
 
“Chuyện tình khó quên” của nhạc sĩ Quốc Dũng có vương vấn với nhiều bóng hồng. Trong đó, có hai mỹ nhân nức danh tài sắc là ca sĩ Thanh Mai và ca sĩ Bảo Yến.
 
Ca sĩ Thanh Mai cũng là người “đặt hàng” và là người đầu tiên hát ca khúc “Cơn gió thoảng” của nhạc sĩ Quốc Dũng vào năm 1973. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ca khúc “Cơn gió thoảng” tiếp tục bồi đắp rạo rực cho những “chuyện tình khó quên” khác ở những đôi lứa yêu nhau: “Ngày nào em đến, áo trắng ướt đẫm hơi sương chiều rơi/ Tưởng là phút vui, ôi như cơn mơ, nỗi đau nghẹn lời/ Buồn theo cơn gió, những cánh lá rơi, cuốn trôi về đâu/ Nắng đã chìm sâu, biết ta còn nhau/ Người còn đi mãi, biết có đến chốn không gian mù xa/ Một ngày thoáng qua, xin trong hư vô nhớ thương nhạt nhòa”.
 
                                                                      Câu Chuyện Âm Nhạc

KIẾP SAU XIN CHỚ LÀM NGƯỜI LÀM CÂY KHUYNH DIỆP TRƯỜNG BÙI THỊ XUÂN – Thơ Trần Vấn Lệ


   
 

Hàng cây khuynh diệp của tôi ơi!
Tôi đứng đây, đâu?  Ở cuối trời?
Tôi nhớ về đâu?  Đầu đất nước...
Này đây là biển, nọ nương dâu...
 
Này đây mái ngói nhà xanh, đỏ
Không thấy nhà tôle, không mái tranh
Có những mái bằng chim chẳng đậu
(người ta gài đinh, không thích chim!)
 
Tôi đi trong phố, đời chen chúc...
Tôi ra ngoài đồng nhìn cò bay.
Tôi đứng chỗ nào?  Trên vũng nước?
Tự nhiên.  Gió thổi.  Tóc bay bay...
 
Tôi thương, tôi nhớ ngôi trường nữ,
Nhớ hàng khuynh diệp, chỉ vài cây
mà sao thăm thẳm đường muôn dặm
Tôi mất đâu rồi tuổi-thuở-trai?
 
Tôi chẳng còn ai bè bạn nữa,
Em học trò xinh xắn "Thầy ơi",
Thưa Thầy:... "Em, một Thuyền Nhân, nhé,
gặp lại Thầy, thương quá cõi đời!".
 
Chuyện kể, ngẩn ngơ, ngày hội ngộ.
Hình em:  Khuynh diệp lá đong đưa...
Bao nhiêu năm nhỉ mình xa cách?
Gió lạnh... Hình như gió buổi trưa...
*
Bạn thấy:  bài thơ tôi đứt đoạn,
"Đoạn Trường" vô tận hóa vô thanh...
Thầy Trò chạm mặt câu chào hỏi,
Trong gió...Em còn vạt áo xanh!
 
Ôi đó... dễ thương, khuynh diệp biếc
nhành cong, chim đậu tiếng xa xưa.
Trong tôi, bỗng giọt trời xanh ngắt...
"Em nhỉ, đời như một giấc mơ"?
 
                                  Trần Vấn Lệ