BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

MẦM LY BIỆT - Thơ Trần Mai Ngân


   
                                    Nhà thơ Trần Mai Ngân 


MẦM LY BIỆT

Mầm ly biệt đã gieo khi gặp gỡ
Em và tôi nào có thuộc về nhau
Tình chỉ là phút chốc thoáng chênh chao
Em quay gót, tôi bình tâm đứng lại

Mầm ly biệt lớn nhanh cành nghi ngại
Em là em và tôi chỉ là thơ
Một bài thơ có đoạn kết bất ngờ
Không nước mắt cớ sao cùng đau buốt...

Mầm ly biệt thánh thiện màu trong suốt
Không gợn hờn, không trách oán chi ai
Chỉ là xum xuê hoa trái phôi phai
Trên cây đời đã xanh mùa chia cắt

Em đã gieo và tôi người hái gặt
Trái chia ly ôi ảo não muộn phiền
Lắm lúc lòng như bão tố cuồng điên
Muốn níu giữ tình ai hoài vọng quá !

Đã đến lúc... vội vàng quên tất cả
Cây chia ly, hoa nhánh đã đơm cành
Ta xa nhau lòng dẫu nói không đành
Nhưng vẫn phải bởi mầm gieo ly biệt...

                                 Trần Mai Ngân
                                   11-5-2019

“THU VÀNG” CỦA ÁI THI (LÊ ĐÌNH KHOA): MỘT BÀI THƠ HAI BỨC TRANH ĐẸP - Châu Thạch


                 
                         Nhà bình thơ Châu Thạch


“THU VÀNG” CỦA ÁI THI (LÊ ĐÌNH KHOA): MỘT BÀI THƠ HAI BỨC TRANH ĐẸP 
                                                                                Châu Thạch

Hôm nay mới trung tuần tháng tư âm lịch mà thời tiết miền trung đã quá nóng . Trong cái oi bức đầu hè, đọc bài thơ “Thu vàng” của Ái Thi, những bức tranh mùa thu tuyệt đẹp trong thơ như hiển hiện cho tôi những cảm xúc về thu, làm dịu mát tâm hồn.
Đọc khổ thơ thứ nhất của bài thơ:  Lá bay rợp cả khung trời. nhuộm vàng cả khung cảnh. Một bức tranh thu toàn cảnh, với một màu vàng như hiển hiện trước mắt, cho ta hình dung vẽ đẹp bao la của thu:

                Thu về... lá vàng rơi !
                Thu nhuộm kín phương trời ...
                Lá cuốn theo chiều gió...
                Mang sầu gieo muôn nơi !

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

SỢ ! - Thơ Tịnh Đàm


        
                           Nhà thơ Tịnh Đàm


SỢ !

Muốn yêu
Nhưng sợ thất tình
Muốn không yêu
Lại sợ mình cô đơn !

Muốn đi
Vì sợ nỗi buồn .
Mỗi khi nắng xế
Chiều buông...
Tím lòng !

Sợ đời cô quạnh
Chờ mong !
Sợ thu lá úa
Sợ đông lạnh nhiều !


Thôi đành
Ươm chút thương yêu
Cho xanh cái tuổi xế chiều...
Được vui.

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

CẦU VÀM CỐNG, CẦU DÂY VĂNG THỨ HAI BẮC QUA SÔNG HẬU CHÍNH THỨC THÔNG XE - Trương Hữu Danh



CẦU VÀM CỐNG, CẦU DÂY VĂNG THỨ HAI BẮC QUA SÔNG HẬU CHÍNH THỨC THÔNG XE   
                                                                              Trương Hữu Danh
Nguồn: dcvonline.net

Sáng ngày 19/5, cầu Vàm Cống, cây cầu dây văng thứ 2 bắc qua sông Hậu đã chính thức được thông xe. Sau cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Cao Lãnh thì cầu Vàm Cống là một “mắc xích” quan trọng kết nối vùng nam sông Hậu hòa quyện trọn vẹn với cả vùng ĐBSCL, góp phần đưa vùng châu thổ giàu tiềm năng này vươn lên, cất cánh. Còn người dân đã trút được sự phiền toái bao đời, qua sông phải lụy phà.

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

VẪN MÀU TÍM XƯA - Thơ Nguyên Lạc


        
                               Nhà thơ Nguyên Lạc         
                             
VẪN MÀU TÍM XƯA

Tím chi. tím đến nôn nao!
Tím ai. trọn giấc chiêm bao. đêm nằm!
Tím em mắt biếc. môi hồng
Tím em. điếng mộng. xô hồn tôi xiêu!
Tím thêm em nhé. tím nhiều!
Tim tôi mở cửa. đón chào tím ai

Bằng lăng hoa tím bay bay
Gió ơi. sao thổi tình ai bay vèo!
Có người. phố cũ đường nao
Tìm ai áo tím. sầu sao đoạn trường!

Trường xưa. đâu dấu yêu thương?
Tình xưa. sương khói!
Tan phương trời nào?
Thời gian tàn nhẫn. vội mau
Để người tuyết điểm!
khóc màu tím xưa!

         Nguyên Lạc

CHÙM TỨ TUYỆT - THÁNG 5- 2019 – Thơ Nguyễn Khôi


        
                Nhà thơ Nguyễn Khôi 


CHÙM TỨ TUYỆT - THÁNG 5- 2019 
                     
“Ai xui con Cuốc gọi vào hè
Cái nắng nung người nóng nóng ghê”
                                               
*1- Tháng 5 này thực mùa hè rực lửa
39 -0C Hà Nội sém mặt mày
Bác Trọng mệt...phục hồi sau một tháng
"Lò" Bắc, Nam lửa lại bốc lên ngay...
                       
*2- Mỹ- Trung Cộng “bán buôn” đang kịch chiến
Trời sinh Trump báo hại Tập Cận Bình
Putin khoái “tọa sơn quan Hổ đấu”
Mồng 9 tháng 5 : hoành tráng Duyệt binh...
                       
*3- Đô thị mới toàn bê tông, cốt thép
Cửa kính sáng choang cứ ngỡ sang Tây
-May : đủ điện, không thì khô như tép
Những cái đầu sùng ngoại liệu có hay ?
                         
*4- Dân khó bảo : Chăn nuôi vô luật lệ
Chết Triệu con “Dịch tả Lợn Châu Phi” !
Sẽ lãnh đủ cả môi trường ô nhiễm
Mình tự giết mình cứ nốc đẫy Rượu bia...
                        
*5- Mừng : Kinh tế Nước nhà đang tiến tới
Buồn : Chùa cứ xây to tướng để Kinh doanh !
- Mong Bác Trọng bình tâm có tầm nhìn soi rọi :
Diệt những thằng Tham nhũng cả Thần linh.

                                            Nguyễn Khôi
                                        Hà Nội, 19-5-2019

BÍ MẬT CHỮ “KÝ” Ở NHỮNG TIỆM MÌ TÀU DANH TIẾNG - Hoài Nhân


       Chữ “Ký” xuất hiện trong hầu hết những biển hiệu quán mì người Hoa - Ảnh: NVCC

BÍ MẬT CHỮ “KÝ” Ở NHỮNG TIỆM MÌ TÀU DANH TIẾNG 
                                                                          Hoài Nhân

Nhiều người vẫn thắc mắc, “Ký” trong “Hải Ký Mì Gia”, “Lương Ký Mì Gia”, “Bồi Ký Mì Gia”,... có nghĩa gì? Vì sao 10 quán ăn gốc Hoa bắt gặp ở TP. Hồ đã có... 9 quán đề chữ “Ký” trong biển hiệu?

“Ký” có phải là ghi chép?

          Trước năm 1975, không riêng gì đất Sài Gòn, ẩm thực người Hoa gần như có mặt khắp các đô thị miền Nam. Nhiều trong số đó là món mì Tàu trứ danh. Trước món bánh mì du nhập từ xứ Tây, do gốc dân ta không có các loại thực phẩm chế biến từ bột mì, nên việc thưởng thức sợi mì Tàu thơm ngon sớm trở thành thói quen.

          Tạm bỏ qua chuyện công thức làm sợi mì bí truyền của từng hiệu mì đã được bàn luận nhiều, còn một chuyện vẫn khiến rất nhiều người thắc mắc: Vì sao 10 tiệm mì gốc Hoa đã có 9 tiệm lấy chữ “Ký” đặt trên bảng hiệu của mình?

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

HƠI THỞ CỦA HUẾ TRONG “VỀ LẠI HUẾ” THƠ BÍCH LIÊN NGUYỄN - Châu Thạch


             
                   Nhà bình thơ Châu Thạch


HƠI THỞ CỦA HUẾ TRONG “VỀ LẠI HUẾ” THƠ BÍCH LIÊN NGUYỄN
                                                                               Châu Thạch

Bích Liên Nguyễn không làm thơ, đây có lẽ là một trong vài bài thơ cảm tác bất ngờ trong đời chị. Chị là chị họ của vợ tôi và phu nhân của người bạn cùng học với tôi tại trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Anh Nguyễn Bá Trình chồng chị, là một thầy giáo tài hoa, tài hoa vì ngoài nhà mô phạm ra, anh còn là một văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ  đã xuất bản nhiều sách, vẽ nhiều tranh được mến mộ. Cặp vợ chồng nầy thì đồng môn Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn không mấy ai không biết vì là họ sinh hoạt thường xuyên với hội, phong cách hiền hòa, tao nhã, vui vẽ và hào hoa. Những bữa cơm của Liên Trình chiêu đãi đồng môn chỉ  đơn sơ ba hoặc bốn mốn thôi, nhưng ăn vào thì nhớ, mà nhớ thì muốn quay lại thưởng thức tài nấu nướng tinh hoa mang đậm “bản sắc quê nhà” của chị. Bởi thế nhà Liên Trình luôn có khách. Học trò cũ, bạn đồng môn, văn thi hữu, ai đến nhà Liên Trình, khi ra về cũng thấy lòng vui và tâm hồn thư thái.
Đọc “Về Lại Huế”, tôi vui thấy bà chị mình cũng biết làm thơ, vì vậy ai có nói “mèo khen mèo dài đuôi” thì chắc chị ấy và tôi cũng vui lòng mà công nhận. Thế nhưng thử để ý xem, cái đuôi nầy cũng lung linh đẹp và dễ thương lắm chứ!

ĐỌC “TÌNH MỘNG” THƠ PHAN QUỲ - Châu Thạch


             
                   Nhà bình thơ Châu Thạch


              ĐỌC “TÌNH MỘNG” THƠ PHAN QUỲ 
                                                                Châu Thạch

Lạ thật, bài thơ nào viết về Quảng Trị thì tôi đều thấy yêu quý, vì nó đem tôi trở về thị xã mà tôi đã sống một thời thanh xuân ở đó, nhất là thơ của phái nữ. Cũng lạ thật, hôm nay tôi đọc một bài thơ không thấy nói về Quảng Trị, thế mà làm sao tôi lại, đọc đến đâu nhớ về Quảng Trị đến đó. Chắc có lẽ vì bài thơ đăng trên dòng thơi gian facebook của Đồng Môn một ngôi trường tại thị xã năm xưa tôi sống chăng? ngôi trường đó có tên là Nguyễn Hoàng, đã tan vào cõi mộng, chỉ còn trong ký ức biết bao người. Chắc có lẽ vì tác giả là một người đẹp nữ sinh trường Nguyễn Hoàng chăng? Vâng, chắc có lẽ vì hai điều đó, nhưng trên hết là vì, bài thơ gây cho tôi những cảm xúc thăng hoa về những trìu mến, êm đềm và quyến luyến của thơ. “Tình Mộng” của  tác giả Phan Quỳ đã đưa tôi vào một cõi mộng đã từng có thật trong đời:

Tôi muốn viết, viết đôi dòng nhỏ bé
Gió cuốn đi lên mấy cõi mây trời
Tôi muốn nói, nói mấy lời nhỏ nhẹ
Đến với đời, với người thương mến tôi.

TÌM MÃI MÙA XUÂN NĂM CŨ - Thơ Trần Mai Ngân


    
 

TÌM MÃI MÙA XUÂN NĂM CŨ

Hôm nay mặc lại chiếc áo cũ
Chiếc áo hẹn hò đầu tiên - anh
Em nhớ trưa ấy trời rất xanh
Và em biết chênh chao hồi hộp...

Mình gặp nhau nồng nàn choáng ngộp
Nếm vị yêu trăn trở từ lâu
Có ngọt ngào cả lẫn sầu đau
Bởi vĩnh viễn chúng mình không thể ...

Miết chặt đê mê dù biết thế
Kề sát nhau trượt vận chia xa
Chiếc cúc áo rơi phía góc nhà
Gian phòng đó chiều qua hối hả

Mây ngoài kia treo tình nghiêng ngã
Che nơi này trú ẩn trong nhau
Lặng im nghe tiếng gió thì thào
Trời xanh lắm dường đang vào hạ

Đời không giữ... ta thành xa lạ
Đầy phong ba hai ngã mình đi
Anh phương trời... em cánh chim Di
Để tìm mãi mùa xuân năm cũ...

                     Trần Mai Ngân
                        15-5-2019

THÂN PHẬN CON RÙA - Ugno Vn


         
                                   Tác giả Ugno Vn


           THÂN PHẬN CON RÙA

Văn chương dân gian lúc nào cũng là tiếng nói bày tỏ tâm tình, thái độ của quần chúng. Ngày xưa, người dân đen thấp cổ bé miệng, ở đâu cũng bị chèn ép, áp bức, phải phục vụ cho bọn ăn trên ngồi trước. Người nghệ sĩ nhân dân đã mượn hình tượng con rùa để nói lên tiếng nói tập thể cảm thông cho số phận của đại đa số quần chúng trong vòng khổ lụy trần ai:

Cám thương thân phận con rùa
Ở đình đội hạc, lên chùa đội bia.

“HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” CỦA NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH - Võ Văn Cẩm

Nguồn:
https://nld.com.vn/van-nghe/hoai-niem-thay-co-giao-cua-nguoi-thay-dang-kinh-20190517211914028.htm

                     
                                   Tác giả Võ Văn Cẩm 


              “HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO” 
               CỦA NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

19 năm cặm cụi đèn sách, chúng ta có biết bao nhiêu người thầy truyền đạt kiến thức, tạo nên vóc dáng cho một con người đủ kiến thức căn bản bước vào đời.
Ngoái nhìn lại, có bao nhiêu học trò ghi lại công đức của người dạy dỗ mình? Dù rằng mỗi người vào đời bằng những con đường khác nhau, thời gian cắp sách cũng tùy vào hoàn cảnh từng người và rất nhiều thầy dạy nhưng mối quan hệ mỗi thầy cô mỗi khác, cho nên chúng ta hiếm hoi bắt gặp những trang sách học trò viết về thầy mình.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA - Nguyên Lạc


        
                               Nhà thơ Nguyên Lạc         
                             

        NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA
                                                            Nguyên Lạc

Lời nói đầu:
Xuân về hoa Mai nở, thấy hoa Mai nở ta biết Xuân về. Mùa Xuân và hoa Mai liên hệ thấm thiết với nhau. Ai mà không biết hai câu này của Thiền Sư Mãn Giác trong bài kệ Cáo tật thị chúng của Ngài:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
            (Thiền sư Mãn Giác)

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
               (Thích Thanh Từ dịch thơ)

Nhân bàn về hoa MAI, Nguyên Lạc tôi xin tặng độc giả vài nụ cười có liên quan đến MAI

KỂ THÊM VÀI CHUYỆN... CỦA TÔI - Đặng Xuân Xuyến


            
                          Tác giả Đặng Xuân Xuyến


                 KỂ THÊM VÀI CHUYỆN... CỦA TÔI

Sáng 11 tháng 05 năm 2019, vào viện thăm người ốm, thằng em (xã hội) than thở: - Năm ngoái mẹ em đi xem, thầy nói năm 2019 đề phòng hao tổn nhân mạng. Về nhà mẹ cứ rầu rĩ, lo mẹ có mệnh hệ gì thì em sẽ khổ. Em càu nhàu là mẹ mê tín vớ vẩn. Giờ nhìn mẹ nằm một chỗ, đến cả em mẹ cũng không nhận ra... Em xót xa lắm.
An ủi thằng em vài câu rồi về. Định đến thăm cậu (họ) cũng đang trị bệnh ở bệnh viện Bạch Mai nhưng sợ cái lưng trở chứng nên về nhà, để chiều hoặc tối đến thăm vậy.
Dù bác sĩ dặn phải thật hạn chế ngồi, hạn chế vận động để dưỡng lưng, nhưng hôm nay, cũng cố ngồi lạch cạch bàn phím kể vài chuyện “người thực việc thực” có liên quan tới tôi về “thuyết Thiên Mệnh”, không phải để “tuyên truyền” mê tín dị đoan mà chỉ để củng cố niềm tin tín ngưỡng trong tôi: CON NGƯỜI CÓ SỐ PHẬN.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

NHỚ SUÔNG - Thơ Lê Kim Thượng


        
            Nhà thơ Lê Kim Thượng


NHỚ SUÔNG

Đón đưa… Đưa đón chung tình
Chiều mưa khuất bóng Chợ Dinh nhạt nhòa
Em đi… đi tới Ngã Ba
Bước thêm bước nữa… hay là…chờ nhau?… 

Em đi, ngày ấy Mưa Ngâu
“Ngưu Lang -  Chức Nữ…” qua cầu trong mơ
Em đi, nhẹ bước vào thơ
Gót hài phiêu lãng, mờ mờ, chơi vơi
Em đi, lá rụng đầy trời
Heo May thổi nhẹ, áo người gió lay
Em đi, để áo lại đây
Mùi hương mê muội, đắm say tình đầu…
                         
Em đi, ngả nón trông cầu
Lục Bình tím ngắt, một màu thê lương
Em đi, gió thổi muôn phương
Cho khô ráo hết, nhớ thương trong lòng
Em đi, biết mấy chờ mong
Tóc thề ngày cũ, theo chồng sang ngang
Em đi, tính chuyện đá vàng
Để tình “Gãy gánh giữa đàng…” mà đau
Em đi, không biết về đâu
Bóng chim, tăm cá... nỗi sầu xa khơi…        

Em đi, góc biển chân trời
Thơ tình đã cũ… một thời đã qua
Em bây giờ… của người ta…
Nhớ nhau thì cũng chỉ là… nhớ suông!…

                   Nha Trang, tháng 05. 2019
                         LÊ KIM THƯỢNG
 
“...” Ca dao

EM BIẾT... - Thơ Trần Mai Ngân


    


EM BIẾT...

Điều đó chẳng thuộc về em ...
Em biết .
Căn nhà màu hồng - riêng vầng Trăng lẻ khuyết
Biển lạnh lùng - con sóng vỗ tình nghiêng

Điều đó chẳng thuộc về em ...
Em biết !

                                                 Trần Mai Ngân

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

HƯƠNG THU - Đức Hạnh và Thi Hữu


    


HƯƠNG THU
“Dĩ đề, Chiết tự, Khoán thủ”

Hương yêu suối mộng nở hoa tình
Ướp cánh Thu vàng cảnh đẹp xinh
Ơn bạn hòa lưu ngời biển nước
Nghĩa thơ xướng họa thắm duyên mình
Gió luôn ước vọng trao nguồn sống
Trăng vẫn yêu đời thắp vệ tinh
Hớn hở non ngàn khoe áo mới
Ung dung đất Mẹ sẽ an bình..!

Đức Hạnh
03 05 2019

THƯƠNG NHỚ MẸ - Thơ Quách Như Nguyệt



THƯƠNG NHỚ MẸ 

Bao nhiêu bài thơ con làm
Chưa bài nào con làm cho mẹ
Hôm nay đọc những bài thơ về mẹ,
của bạn bè, con cảm thấy xót xa
Đúng quá đúng những bài thơ ngợi ca
Nước mắt con tuôn trào
Thấy thổn thức, thấy nhớ thương vật vã!

Hai mươi năm kể từ ngày mẹ mất
Con lạc loài, hụt hẫng lắm mẹ ơi!
Không còn mẹ, ai dậy dỗ trên đời
Những lúc khổ chẳng còn ai tâm sự
Ai khuyến khích, ai mừng con khá giả
Ai nghe con chia sẻ chuyện âu sầu..

Khi quấn khăn tang mầu buồn trắng lên đầu,
dẫu vẫn biết..
từ đây mình mất mát
Đâu ngờ rằng mất nhiều quá mẹ ơi!

Không có ai hiểu con bằng mẹ hiểu
Mất mẹ rồi, trống vắng biết bao nhiêu
Thèm mẹ mắng, nghe mẹ cười hớn hở
Mất thật rồi… ai nâng đỡ, thương yêu
Mẹ thương con, tình thương vô điều kiện
Mẹ thương con tình mẹ chẳng bến bờ

Bao nhiêu tuổi vẫn là con của mẹ
Mẹ mất rồi con bé bỏng với ai
Bao nhiêu tuổi vẫn là con gái mẹ
Thèm dụi đầu vào nách mẹ, ôm vai

Hoa hồng trắng con ngậm ngùi cài áo
Cài hàng năm vào ngày lễ Vu Lan
Nhớ mẹ yêu con đã khóc nghẹn ngào
Tháng Bẩy ta mùa Vu Lan báo hiếu
Mẹ còn đâu mà đền trả, mẹ yêu…

Mẹ yêu ơi hôm nay con nhớ quá
Nhớ mẹ hiền, con nhớ quá mẹ ơi?
Ngày hiền mẫu không còn mẹ trên đời
Thương nhớ mẹ, mẹ của con, mẹ hỡi…

                           Quách Như Nguyệt
                          

       

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

LƯƠNG CHÂU TỪ - RƯỢU VÀ NỖI SẦU CHINH CHIẾN - Phạm Đức Nhì


          
                       Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


LƯƠNG CHÂU TỪ - RƯỢU VÀ NỖI SẦU CHINH CHIẾN

“Lương Châu” Và “Từ” 

Lương Châu nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. Lương Châu Từ là một điệu hát cổ nói về chuyện trận mạc biên ải. Những điệu hát cổ như: Thượng Chi Hồi, Chiến Thành Nam, Thương Tiến Tửu, Quân Mã Hoàng, Viễn Như Kỳ, Hoàng Tước Hành, Lạc Mai Hoa, v.v... được các thi nhân thời trước lấy làm đầu đề để sáng tác. (thivien.net/Vương-Hàn/Lương-Châu-từ-kỳ-1/poem) (1)

Từ, nói chung, là một khúc nhạc. Có rất nhiều điệu Từ. Mỗi điệu có một từ phổ, tác giả phải tìm những chữ thích hợp về thanh âm với công thức từ phổ để điền vào. Sáng tác Từ còn gọi là Điền Từ.
 Như vậy, có thể nói Lương Châu Từ là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, luật bằng, vần bằng được tác giả khéo léo điền vào ăn khớp với một từ phổ của xứ Lương Châu. Đo đó, Lương Châu Từ còn được gọi là Khúc Hát Lương Châu.
Với thơ thất ngôn tứ tuyệt thì “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Tuy nhiên, khi điền từ thì “nhất tam ngũ” nhiều khi cũng không được “bất luận” mà phải “uốn mình” cho hợp với thanh âm của công thức từ phổ.
Đây là bài bình thơ nên tôi chỉ bàn đến khía cạnh văn chương – nghĩa là sẽ đối xử với Lương Châu Từ như một bài thơ. Còn lãnh vực âm nhạc xin mời các cao nhân khác.

LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

                   VƯƠNG HÀN (1)

PHƯỢNG HỒNG TRƯỜNG CŨ, MẮT BIẾC MÔI XƯA - Thơ Nguyên Lạc


        
                               Nhà thơ Nguyên Lạc                                                                                                                                                                                                                      
PHƯỢNG HỒNG TRƯỜNG CŨ

Nhớ chi. chiều nắng tan trường?
Để lòng thờ thẫn. phượng hồng rơi rơi!
Khi. em nở nụ son môi
Thấy. tôi run rẩy. một đời cuồng si!
Yêu chi. dáng mỏng xuân thì?
Tóc mây hờn dỗi?
Trói ghì đời riêng!

Khi em. tình khúc muộn phiền
Hồn tôi. ngày tháng tầm ruồng. ngu ngơ!
Mắt môi. trọn những trang thơ
Đầy đêm chong mắ́t. hoài mơ tình đầu!

Tình giờ sương khói. tan mau!
Để tôi ở lại. tiếc màu thời gian

Phượng hồng. hoa rụng đỏ sân!
Có người. trường cũ. thấy hồn mưa rơi!
Hè. sao nỗi lạnh người ơi?!
Đường xưa
Phố cũ...
Tình tôi đâu rồi?!