BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

CHỢT THẤY ĐỜI HƯ HAO – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Ngô Bảo Quốc, Tâm Thư trình bày

  
        

     Thơ: Quách Như Nguyệt.
     Nhạc: Ngô Bảo Quốc.
    Trình bày: Tâm Thư.

NỢ NHAU – Thơ Lê Kim Thượng


   
             Nhà thơ Lê Kim Thượng
 
 
NỢ NHAU  
 
1.
Tình đầu em tặng cho tôi
Còn nguyên vẹn nụ hoa môi ngọt hiền
Nụ hôn ngày ấy thần tiên
Em trao tôi cả một miền nguyên trinh
Tôi gieo luống nhớ, hạt tình
Nghe trong tiếng đất:  “…Chúng mình đẹp đôi…”
Một chút em… Một chút tôi
Mối tình thơ trẻ tinh khôi, thật thà
Em bay áo gió cánh tà
Nụ cười chúm chím, lời ca trữ tình
Áo dài hoa nắng lung linh
Đôi bờ tóc rẽ xinh xinh hai miền
Trên bờ ngực nhỏ hồn nhiên
Bó tròn vóc lụa dịu hiền, non tơ
Bước chân nhè nhẹ vào thơ
Nghiêng nghiêng nón lá, khép hờ mắt môi
Một lần thôi… Một lần thôi
Tình đầu ngày ấy, bồi hồi ngày sau
Đưa tay ngắt một lá trầu
Tặng em gìn giữ… ngày sau chúng mình…
 
2.
Câu thơ Lục Bát đa tình
Gửi em ngày ấy, đinh ninh một lòng
Tôi đi tìm “Lá - Diêu – Bông”
Chân trời, góc biển hoài công chưa vừa
Cuộc tình dang dở đò đưa
Tôi vùa đến bến… Em vừa sang sông
Còn gì để nhớ, để mong
Thả câu thơ lạc, giữa dòng đò ngang
Em xa, tình lỡ muộn màng
Mới Xuân buổi sáng… chiều sang Thu rồi
Vẫn là “Anh của em…”  thôi
Dẫu tình chia cách, “Em – Tôi” vẫn là…
Em đi về phía người ta
Nặng lòng câu hỏi:  “Ai là của nhau?…”
Còn nguyên vẹn mối tình đầu
Còn trầu xanh lá… Còn cau sai buồng
Tóc mây giờ vẫn còn buông
Mà trong ánh mắt nỗi buồn khôn nguôi
Nợ em, nợ cả khóc cười
“Cõi – Người – Ta” có hai người… nợ nhau…
       
Nha Trang, tháng 08. 2023
Lê Kim Thượng
 

VÁ LƯỚI – Thơ Lê Phước Sinh


 

 
VÁ LƯỚI
 
Con Cá quẫy mạnh
vướng,mắt bục toang
san hô lơ lửng
sắc bén vô thường.
 
Tay Em thoăn thoắt
kéo tìm khổ nhân
nơi đâu kia đó
Kim nhựa xoay dần.
 
Cùng ghe "Đi bạn"
Vợ chú xóm bên
ngồi nhau vá lưới
chuyện trò luyên thuyên.
 
Như là bọt trắng,
rãi sợi chung tình
Trời xanh Biển rộng
mưu sự bình yên.
 
Vũ điệu Vá lưới,
xoay vòng lần quanh...
 
Lê Phước Sinh
 

MỘT BÀI THƠ HAI CÂU GÂY NHIỀU XÚC CẢM - Châu Thạch



Có những bài thơ rất dài nhưng đọc xong không để lại trong lòng ta gì cả. Ngược lại, có những bài thơ chỉ có 2 câu nhưng đọc xong để lại trong lòng ta nhiều cảm xúc bâng khuâng, khiến ta cứ suy tư mãi.
Sáng nay tôi đọc được bài thơ có 2 câu như thế trên trang facebook của Khúc Thụy Du tức nữ sĩ Trần Mai Ngân. Hai câu thơ kèm tấm ảnh dẹp của tác giả. Bài thơ có hai câu thơ như sau:
 
CỜ TƯỚNG
Như con Tốt thí qua sông
Tiến, ngang đi mãi hư không chẳng về!
 
Trong cờ tướng, Tốt là quân cờ có ít khả năng di chuyển nhất. Con tốt trong cờ tướng đại diện cho một chiến binh sẵn sàng xông pha hi sinh thân mình vì thế trận. Khi con tốt qua sông, nó trở nên mạnh hơn và mở rộng khả năng di chuyển về cả phía trước và hai bên. Điều này cho phép nó có sức ép với nhiều quân của đối phương nên có khi trở nên quan trọng. Người đánh cờ thường “cờ bí thí Tốt”, nghĩa là khi thất thế trên bàn cờ thì họ bỏ con Tốt  không thương tiếc. Họ cho đối phương ăn con tốt để hoản binh thế cờ, hay để họ tạo một nước cờ khác công mạnh hơn, thủ chắc hơn.


Với câu thơ “Như con Tốt thí qua sông” nhà thơ Trần Mai Ngân phản ảnh, tố cáo hành vi xấu của con người, đẩy những thân phận yếu đuối đi vào chổ hiểm nguy, chổ chết, hy sinh họ cho lợi ích của mình. Câu thơ thứ hai “Tiến, ngang đi mãi hư không chẳng về” mới khơi gợi cảm xúc trong lòng ta về sự phủ phàng của những thân phận làm Tốt.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN MỚI NHẤT


   


CHIA LY
 
Em một đầu
Anh một đầu
Hai phía cùng khiêng
Em đi trước
Anh đi sau
Tình yêu nằm phủ mặt trên cáng
chết ngắt từ lâu
không vòng hoa tang
không kèn trống
Hai ngườì âm thầm khiêng
đến nghĩa trang
tình yêu vĩnh viễn nằm đó
muôn đời
không cần chia tay
từ giã
đường ai nấy đi ?

HOA DẠI VÀ TÂM THẾ CỦA THI SĨ – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


HOA DẠI
(Tâm sự một nhà thơ)
 
Tôi là loài hoa dại
mọc bên đường
tỏa sắc hương
dịu lòng những ông bố
trên đường đến xưởng
những bà mẹ
đi thăm ruộng trở về
 
Tôi thêm nét vui tươi
cho cô gái quê
xách làn đi chợ
 
Các cô cậu học trò
mặt mày hớn hở
cười với tôi mỗi buổi đến trường
 
Tôi đứng đây
mở lòng đón gió bốn phương
để thêm sắc thêm hương
cho người đời thêm đẹp dạ
 
Bạn đừng tưởng đời tôi êm ả
như mặt nước hồ
tôi đã bao phen nghiêng ngả
trước những trận gió to
 
Có lúc thân tôi xác xơ
tả tơi từng cánh
lá rụng phấn bay
lịm dần trong đêm lạnh
nhưng nghĩ đến ngày mai
tôi gượng dậy mỉm cười
 
Tuy nhiên
nếu lúc này bạn ngỏ ý mời tôi
đến một ngôi nhà sang trọng
dành cho tôi
chỗ ngồi ấm cúng
có kẻ chăm lo trẩy lá tỉa cành
tôi vẫn lắc đầu
nhìn dưới chân mình
mảnh đất nhỏ
tôi vô cùng yêu mến
 
Tôi sống
không phải để riêng ai âu yếm
sắc hương này
tôi muốn sẻ chia
cho tất cả mọi người
từ em bé ngây thơ
đến các cụ già trăm tuổi
 
Và nếu nơi đây
nước dâng bão nổi
tấm thân này
tan nát cuốn muôn nơi
tôi vẫn vui
bởi phấn nhụy của tôi
sẽ mọc lên                                                      
trăm ngàn cây hoa mới

          (Phạm Đức Nhì)
 
Thơ tôi viết có một phần khá lớn sử dụng phép ẩn dụ trong đó có gần hai chục bài bàn về Lý Thuyết Thơ được bạn bè xếp vào loại “Những Bài Thơ Về Thơ”. Hoa Dại là bài thơ thuộc loại này.
Tứ: Tác giả nói lên tâm sự của một loài hoa dại.
Ý: Bóng gió nói đến tâm sự của chính tác giả - một nhà thơ
 
Giải Thích Thêm Về “Tứ Thơ”
 
Khi nghe nói hoa dại người đọc sẽ có thể nghĩ đến một loại hoa khác với loại “hoa nhà” được con người trồng, như một cách trang trí, ở trong nhà hay ngoài vườn.
 
Nếu đem so sánh sẽ có một số khác biệt như sau:
1/ Môi Trường
     a/ Hoa Dại: Mọc ở môi trường tự nhiên, ven đường, ven rừng, chịu đựng nắng mưa, sương gió, có khi cả bão lụt - bất trắc xảy đến bất cứ lúc nào.
     b/ Hoa Nhà: Được con người trồng trong vườn hoặc ở trong nhà, được lên luống, chăm bón, tưới tắm, bắt sâu, tỉa lá, bẻ cành, trong một môi trường được kiểm soát, “nuông chiều” và dĩ nhiên, an toàn.
2/ Tự Do
     a/ Hoa Dại: Gió thổi hạt đến đâu có thể mọc cây ở đó, cảnh quan trước mắt rộng rãi, thoáng đãng, tầm nhìn bao la.
     b/ Hoa Nhà: Chỉ được trồng hoặc trưng bày ở nơi người chủ nhà muốn, bị tù túng trong khung cảnh chật hẹp.
3/ Đối Tượng Phục Vụ:
     a/ Hoa Dại: Phục vụ tất cả những người qua lại
     b/ Hoa Nhà: Phục vụ những người trong gia đình chủ nhà và khách khứa, bạn bè của họ

MÙA THU HƯƠNG PHẤN – Thơ Khê Kinh Kha


  


MÙA THU HƯƠNG PHẤN
(Cho DP)
 
trong mắt em mùa thu vừa đến vội
gió lạnh đầy trong nỗi nhớ chơi vơi
anh chợt biết vì sao thu yếu đuối
bởi vì em gửi nhớ đến bên tôi
 
này em hỡi thu này mình xa cách
nên lá vàng rưng rức theo gió lay
nên chiều nay mình anh ôm lá khóc
mà ngỡ hồn mình trên cánh lá bay
 
anh sẽ mượn con gió trên cành lá
và cánh chim lãng đãng giữa chiều tà
để anh gửi về em nụ hôn ấm
ấm trong mặn mà- ấm trong tình ta
 
anh sẽ góp ánh trăng vào ước vọng
và giọt sương long lanh như mắt em
đề ấp ủ trong tháng ngày xa vắng
cho tình mình dịu ngọt đến dễ thương
 
anh sẽ nhặt nắng hồng rơi trên lá
và nhẹ hôn để nhớ môi em nồng
anh sẽ kết mây trời thành tóc xõa
anh sẽ ôm – tựa má vào mây mềm
và sẽ thở vào mây lời yêu mến
 
anh sẽ hái vạn ngàn cánh sao băng
và sẽ nguyện xin Chúa tình em ngoan
để mùa thu trong anh đầy hương phấn
hương phấn tình mình – hương phấn yêu đương
 
                                                       khê kinh kha
 

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

NƠI VẠN AN TỰ - Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện



Ba vị đại hiệp là giáo chủ Trương Vô Kỵ, tả sứ Dương Tiêu và Vi Nhất Tiếu nhắm ngay Vạn An Tự xuất phát, ngôi chùa này ở trước một khu rừng nhỏ, gồm có một dẫy nhà cao bốn tầng, phía sau có một bảo tháp cao 13 tầng, so với diện tích chùa Thiếu Lâm ở Hà Nam thì cũng không nhỏ hơn, và cũng là một thắng tích nổi tiếng cuả đại đô thời đó, vì quá rộng nên ba người cứ men theo gốc cây đại thụ mà tiến vào, không gặp một trở ngại nào cả, cứ thấy quân tuần tiễu đi tới thì nhẩy lên nóc nhà để tránh. Thấy mọi căn phòng trong trang viện đều không có đèn, duy nhất ở tầng thứ sáu trên bảo tháp sáng mà thôi. 

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

BÙA YÊU – Thơ Lý Hạ Liên


  
                 Nhà thơ Lý Hạ Liên


BÙA YÊU
 
Khi qua nhau
Khoảng đời ta mưa gió gào
Nụ hôn buồn héo hắt
Mặc bên đời ai xéo sắc
Em chỉ muốn anh ở lại không về
 
Một ngày mùa réo gọi cơn mê
Tấm bùa yêu trúng tim đen tơi tả
Như đã từng hối hả
Lao vào anh giải hạn em
 
Thường ta đưa nhau về lúc trời chiều nhá nhem
Em không nhìn anh rõ
Chỉ cảm nhận mùi quen
Thì thầm to nhỏ
Hạnh phúc không anh ?
Em ước thời gian ngừng trôi
 
Mùa này thường trời mây xám xa xôi
Ai đứng đợi ai hoài trên phố
Sợ lạc mất ân tình chỉ còn trơ ái ố
Thế gian bao lắc lẻo gập ghềnh
 
Khi chạm vào anh trái tim em mách bảo
Khẽ khàng thôi dù gió gào mưa bão
Phố nghiêng chiều mặc kệ đừng nôn
Ta đợi người giải cứu nụ hôn
Bùa yêu cười mỉm
 
Ngước lên trời xa
Bảy sắc cầu vồng xanh tím
Nụ tình yêu ngọt lịm
Bao trọn trái tim ta
Gừng cay muối mặn ai nỡ lìa xa
Ngàn năm mãi đợi
 
                               Lý Hạ Liên
                              19.12.2022

LAN MAN ĐẦU THÁNG 8 NĂM 2023 – Đặng Xuân Xuyến



Sáng nay, 08 tháng 08-2023, đọc lại bài thơ "TÔI NGHE" viết ngày 21 tháng 09 năm 2016, có đoạn nhắc đến vụ nổ súng của ông Đỗ Cường Minh (nghi can và cũng là nạn nhân) sáng ngày 18 tháng 8 năm 2016, bắn chết ông Phạm Duy Cường (Bí thư tỉnh Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái):
 
"Tôi nghe...
Quan đầu tỉnh xứ Bái khử nhau
Hệt như phim hình sự
Vì ân oán tư thù?
Vì ăn chia không đủ?
Vì lật lọng bảo kê ghế ngồi cơ cấu?
Tháng Tám mùa thu
Tám phát giang hồ
Khô khốc nổ
Niềm tin gục đổ
Náo loạn lòng người
Choáng váng tình đồng chí."
(TÔI NGHE - Đặng Xuân Xuyến)
 
Tò mò tra google về tiểu sử 3 nạn nhân trong vụ án này, tôi giật mình phát hiện điều trùng hợp khá kỳ lạ về những con số: 8, 18 với nạn nhân Ngô Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016-2021.
1. Số 18:
- Là ngày sinh cũng là ngày ông Ngô Ngọc Tuấn bị ám sát.
- Là khóa cuối cùng (khóa 18) ông Ngô Ngọc Tuấn tham gia với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hộ đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.
2. Số 8:
- Là tháng sinh cũng là tháng ông Ngô Ngọc Tuấn bị ám sát.
- Là thời điểm ông Ngô Ngọc Tuấn bị ám sát: 8 giờ kém 15 phút.
Điều kỳ lạ nữa là thời gian tại nhiệm khóa 18 của ông Ngô Ngọc Tuấn được 49 ngày thì bị ám sát vào đúng tuổi âm lịch là 53, ứng với câu "49 chưa qua 53 đã tới" trong tín ngưỡng dân gian.
Đó có thể là những trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là sự sắp đặt sẵn của số phận?! Hỏi chỉ để hỏi thế thôi chứ giờ trắng đen lẫn lộn, đúng sai lộn tùng phèo, nhiều chuyện chỉ biết ngửa mặt lên trời mà phẫn uất nuốt lệ, chả biết bấu bíu niềm tin vào đâu nên đành cắn răng mà an ủi nhau chắc tại số phận nó vậy...
 

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

KHÔNG BÀY TỎ - Thơ Trần Mai Ngân


   


KHÔNG BÀY TỎ
 
Tôi đến đây tìm trên ô cửa cũ
Dấu vân tay mình đã bấu thật sâu
Phút phù hoa thần thánh như tình đầu
Chân khuỵu giữa mênh mông trời vô vọng
 
Tôi trở về lạ xa từ giấc mộng
Cây Sầu Đông cũng lặng lẽ buồn theo
Tuổi úa vàng dấu heo may trên mắt
Có dõi theo cũng mù loá phương trời
 
Bốn mùa đi rồi đến vẫn im hơi
Cuồng quay bởi những lời không bày tỏ!
 
Trần Mai Ngân

VỚI BÔNG HOA THẤT SỦNG – Thơ Tịnh Bình


 


VỚI BÔNG HOA THẤT SỦNG
 
Đôi khi thèm làm cánh gió vô hình
Dan díu với muôn phương
Khu vườn buổi sớm giả đò đánh rơi làn hương của một bông hoa vờ giấu mặt
Gió chưa kịp mang đi
Tiếng chim đầu ngày chiu chít trên hàng rào thép gai
Sương vùi vào chăn lá
Khép giấc nồng say
 
Đôi khi khát khao màu diệp lục
Lục lọi trong tầng tầng lá thu
Chạm ẩm ướt và rong rêu
Tiếng côn trùng cợt nhả
Đành bày biện mùa xuân trong căn phòng hoang tưởng
 
Đôi khi thèm cảm giác trở lại ngôi nhà nhỏ ngày xưa
Tận hưởng những buổi sáng cũ kỹ
Sóng sánh ly cà phê đong đưa theo bản nhạc hoài niệm
Miên man màu hoa cúc vàng
 
Đôi khi muốn kéo dài mãi cơn mưa trầm cảm
Ta có cớ để trầm ngâm
Và ai đó không thèm lau khô dòng nước mắt
Những nỗi buồn không cần giãn cách
Trong lặng im tột cùng
Sự cô đơn thần thánh
 
Đôi khi những buổi mai không thèm ngủ nướng
Tôi mang giấc mơ ra khu vườn
Bầy gió sớm vụng về làm rơi làn hương tung tóe
Mặc lũ ong bướm vô tình
Tôi khẽ hôn lên một đóa hoa nguyên trinh
Dẫu bị thất sủng trong khu vườn muôn sắc
Lặng lẽ điềm nhiên nở và tàn...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

GIÓ BIỂN – Thơ Lê Phước Sinh


   
                   Nhà thơ Lê Phước Sinh

 
GIÓ BIỂN 
 
Mặn
Rát
những tinh thể Muối
cứa vào da thịt
ướp thấm 
nỗi buồn.
Vòng rau muống biển tựa con rắn trườn dài,
bầy còng bò ngang bãi cát
đẫm.
Rạn san hô tầm xa
với tay bơi sải.
Thời gian lặng lẽ trôi,
những móc ngoặc lưỡi câu giăng thả
Ngư dân
vướng vào ghềnh đá
lạnh lùng.
 
Lê Phước Sinh

ĐỌC TẬP “THƠ ZULU DC”, PHẦN I - Châu Thạch



Nhà thơ ZuLu DC tên thật Cao Duyến, sinh quán Trà Liên, Triệu Phong, Quảng Trị, tốt nghiệp Hàng Hải Thương Thuyền, Đại học bách Khoa Phú Thọ - Sài Gòn, hiện trú tại California, Hoa Kỳ. 
  
Thật tình, tôi không hiểu vì sao nhà thơ dùng bút hiệu là ZuLu DC. DC có thể Là Cao Duyến tên ông, còn ZuLu nghĩa là gì? Tra cứu trên goole tôi thấy ZuLu là một dân tộc ở Nam Phi. ZuLu theo ngôn ngữ bản xứ có nghĩa là một Thiên Đường. Người ZuLu xem quê hương mình như một Thiên Đường trên trái đất, họ xem trọng trinh tiết cả nam và nữ. Như vậy có thể phỏng đoán Cao Duyến lấy bút hiệu của mình là ZuLu DC để bày tỏ một hoài bảo về những điều tốt đẹp xảy ra trên trái đất nầy, cũng như bày tỏ cả tấm lòng trinh nguyên của ông luôn trung thành với lý tưởng đó.

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

ĐEO KÍNH – Thơ Trần Mai Ngân


    

 
ĐEO KÍNH
 
Cái bóng của chiếc kính
Hằn khuôn mặt đa đoan…
Gió trêu chi cành lá
Để rụng chiếc đầu Thu
Cung tình yêu vốn mù
Bắn tim người không tội!
 
              Trần Mai Ngân
 
* Chỉ việc cái kính in bóng trên mặt mà viết ra vậy. Bởi, bạn tôi nói nhà thơ hay thương mây khóc gió…


Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (3) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện

 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN
 
Những điều Phạm Công Thiện đã viết:
 
1.
“Xã hội gồm có hai hạng người chính: hạng người có đầu óc bình thường (normal) và hạng người có đầu óc thác loạn, điên loạn, bất quân bình (neurotic).
 
Trong một cuộc chạm mặt giữa hai hạng người trên, thường thường người bình thường hay có thái độ chiếu cố từ trên nhìn xuống hoặc tỏ lòng thương hại hoặc tỏ lòng khinh bỉ: “anh chỉ là thằng điên”. Tất nhiên dù thương hại hay khinh bỉ, người có trí óc bình thường đều tỏ thái độ rõ rệt rằng người bình thường cao hơn người điên, giá trị hơn người điên.
 
Đó là một sự lầm lẫn lớn lao mà hầu hết mọi người đều không ý thức. Chúng ta không được quyền thương hại hoặc khinh bỉ người điên, trái lại, chúng ta bị bắt buộc phải kính trọng người điên vì người điên cao hơn người bình thường trong bảng giá trị nhân bản. Hầu hết những nhà y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học đều không nghĩ như trên. Hầu hết những y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học hay nhiều người đều bênh vực cơ cấu xã hội và cho rằng bất cứ người nào không thể thích nghi, thích ứng với xã hội thì không đáng sống ở đời, tức là không còn giữ được giá trị con người nữa. Con người bình thường là con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội; còn con người điên loạn không thể nào sống thích nghi thích ứng với xã hội được.
 
Xét cho tận cùng, ta thấy con người thích ứng chỉ có thể thích ứng được là vì họ đã chối bỏ bản ngã, họ đã hy sinh bán mất tâm hồn họ để đổi lấy sự thích ứng trên; vì vậy, cái tính chất thực thụ và lòng hồn nhiên tự nhiên của họ đã bị đánh mất.
 
Họ không còn là họ; họ mang mặt nạ. Họ đầu hàng trước những công thức; vì thế họ không còn hồn nhiên bỡ ngỡ trước cuộc đời; họ không khác gì một lưỡi dao cùn; họ có những phản ứng giả tạo hoặc máy móc; họ dễ bị lôi đi; họ không còn tinh thần sáng tạo; chính những người như họ đã đưa nhân loại đến những thảm trạng hãi hùng nhất hiện nay.
 
Trái lại, người điên loạn là con người không chịu đầu hàng; họ điên là vì họ không chịu chấp nhận công thức xã hội; họ muốn cứu giữ bản ngã nhưng họ thất bại; và họ tìm giải thoát trong điên loạn, rút lui vào một thế giới ảo hoặc kỳ lạ. Vì thế đứng trên quan điểm giá trị nhân bản, người điên ít bại hoại hơn là hạng người đánh mất trọn cả tính tình.
 
Hiển nhiên, ngoài hạng người (điên loạn và bình thường), cũng có một hạng người khác rất ít thấy, đó là hạng người không điên loạn mà vẫn có thể giữ được cá tính mình trong khi thích ứng thích nghi với những đòi hỏi của xã hội.”
(Ý thức khước từ – Con người chạy trốn và phân tâm học nhân bản của Erich Fromm – Phạm Công Thiện)