TẾT NGUYÊN TIÊU
Hình ảnh và
nội dung tết Nguyên tiêu vẫn còn là một khái niệm tương đối xa lạ với phần đông
người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ, nhất là người Việt tại hải ngoại.
Vậy sau tết Nguyên Đán thì tết Nguyên
Tiêu là gì?
Tết Nguyên
Tiêu - Rằm tháng Giêng Âm lịch - là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc và là
tết Thượng Nguyên tại Việt Nam. Lễ hội trăng rằm từ giữa đêm 14 trọn ngày 15 và
kéo dài cho đến nửa đêm 15 ( có trăng Rằm vằng vặc) vào tháng giêng âm lịch.
Ở Việt Nam,
ngày rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, cầu nguyện điều
lành; mặc dầu tín lý nhà Phật không nói đến. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư
với sự quy tụ quần chúng Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới
được an lành.
Lễ hội đêm
trăng rằm hiện được nhiều nơi Việt Nam khôi phục truyền thống văn hóa cổ, tổ chức
đêm Nguyên tiêu của Ngày Thơ Việt Nam. Cho đến nay tinh thần “Thơ Nguyên Tiêu
Việt Nam” đã thành nếp sinh hoạt văn nghệ rất đẹp ở nhiều địa phương.
Đặc biệt tại
Huế, tết Nguyên tiêu vẫn được duy trì và tổ chức dưới hình thức lễ hội như một
ngày truyền thống đầu năm. Hầu hết các chùa đều có có mở Đàn Tràng Dược Sư để cầu
an và cầu nguyện sự an vui trong năm mới.
Những năm về
sau này, tết Nguyên tiêu ở Huế đã trở thành một lễ hội mang tính nghệ thuật đầy
thú vị trong đại chúng. Địa điểm được chọn là núi Ngự Bình. Đêm rằm Nguyên
tiêu, thường có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ văn nghệ Huế, hẹn nhau
lên núi Ngự Bình để uống rượu thưởng trăng trên núi Ngự Bình mà người ta thường
cho rằng đây là hình ảnh mặt trăng treo trên bầu trời trong sáng và đẹp nhất
trong năm. Những hình thức và tục lệ khả ái, mỹ thuật như làm thơ, ngâm thơ, vịnh
thơ, bình thơ, thả thơ... cũng được nhiệt tình hưởng ứng.
Theo truyền
thống Thả Thơ tại Trung Quốc trong dịp Nguyên tiêu thì phổ thông nhất là thể
thơ Đường luật được sáng tác, ngâm vịnh, họa thơ, bình thơ và thả thơ. Thơ được
làm ra viết trên giấy thả theo dòng nước hay là thả bay tung lên không gian qua
nhiều hình thức khác nhau.
Các vị sính
thơ tại Việt Nam thì thường dùng ba hình thức thơ phổ biến nhất là: Thất ngôn
Bát cú, Song thất Lục bát và Lục bát. Vẫn có hình thức thơ tự do nhưng còn hiếm.
Sau đây, người
viết những dòng này xin thả thơ với một bài Thất ngôn Bát cú “Con Cóc” như sau:
CÓC DẠ NGUYÊN TIÊU
Đêm trăng vằng vặc Tết
Nguyên Tiêu,
Cóc nhớ Hằng Nga phải
đánh liều.
Ra khỏi hang sâu trăng
sáng quá,
Trở về chốn cũ bóng cô
liêu.
Da cóc quản chi đời ấm
lạnh,
Tâm trong chẳng ngại cảnh
tiêu điều.
Cóc dạ Nguyên tiêu nhìn
bốn hướng,
Thả thơ tặng bạn với
thân yêu.
Tại Hoa Kỳ,
California, nơi chúng tôi đang định cư trên 35 năm nay, tục lệ tết Nguyên tiêu
thường được tổ chức trong các chùa theo môn phái Đại thừa Tịnh Độ mà các tăng
ni chủ trì phần lớn xuất thân từ Huế.
Tết Nguyên
tiêu năm nay, tôi được tham dự lễ hội tại chùa Kim Quang. Đây là một trong những
ngôi chùa đầu tiên của người Việt Nam tại Mỹ được xây dựng sau 1975. Và theo
truyền thống “Đông Tây đề huề” thì bất cứ lễ hội nào, dẫu quan trọng đến đâu tại
các nước Âu Mỹ cũng phải tổ chức vào dịp Weekend - cuối tuần, nên “Nguyên Tiêu”
năm nay là ngày Chủ Nhật, dẫu mới là ngày 13 tháng giêng Âm lịch.
Sau ba ngày
hành lễ Đàn tràng Dược sư, Tết Nguyên tiêu kết thúc với một chương trình văn
nghệ đặc biệt của Gia đình Phật tử Kim Quang với hơn 200 đoàn sinh tập luyện
công phu từ nhiều tháng trước. Các cháu đã trình diễn khá xuất sắc, thu hút và
tạo được sự hưởng ứng, cổ võ nồng nhiệt của đông đảo khán giả ngồi chật sân
chùa.
Chào hội
Nguyên tiêu và xin chúc mọi người tiếp tục hưởng một Năm Mới Kỷ Hợi 2019 sức khỏe
và an vui.
Sacramento,
Nguyên tiêu 2019
Trần Kiêm Đoàn