Khi đọc, và nghiên cứu văn học sử Việt Nam có hai người đặc biệt làm cho tôi ám ảnh. Đó là nhà văn Nguyên Hồng, và thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn (Sơn Núi) ở hai đầu của đất nước. Sự ám ảnh ấy, không hẳn bởi văn thơ, mà vì tư tưởng, cũng như cuộc sống của họ. Tuy ở hai thế hệ, cách nhau bằng một cuộc nội chiến hai mươi năm, song cuộc sống Nguyên Hồng và Nguyễn Ðức Sơn có sự trùng hợp ngẫu nhiên, mang đến nhiều điều thú vị, chất chứa nỗi buồn day dứt cho người đọc.
Nếu sự chối bỏ Hà Nội đến với núi rừng Bắc Giang sau 1954 của Nguyên Hồng làm sửng sốt giới văn nghệ sĩ, người đọc ở miền Bắc, thì sau 1975 Nguyễn Ðức Sơn chán chường vứt bỏ Saigon, trèo lên đỉnh Cao nguyên Bảo Lộc còn làm cho mọi giới, trên toàn đất Việt phải giật mình hơn nữa: “về đây với tiếng trăng ngàn/ phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em/ trăm năm bóng lửng qua thềm/ nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”. Vâng, tôi nghĩ: Buổi chiều êm biến rồi, không phải tâm trạng, nỗi đau riêng của Nguyễn Ðức Sơn lúc đó.