Thơ Hoàng Cầm cao quý. Thơ ông tưởng xa mà gần. Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng tìm cách trò chuyện với người đọc, ngay cả khi đó không phải là ý định của người viết. Không phải nhà thơ nào cũng chủ trương mời gọi người đọc đi vào bài thơ của mình. Các nhà thơ siêu thực ở phương Tây có ngôn ngữ khó hiểu, cánh cửa vào bài thơ của họ không mở rộng. Bài thơ của Hoàng Cầm không nói với chúng ta, người đọc, mà trò chuyện với nhân vật của mình, trong thế giới riêng lẻ của mình. Một bài thơ thành công là khi những xúc cảm, thông qua ngôn ngữ, thiết lập được mối quan hệ với người đọc, khiến cho họ có thể tham dự vào quá trình sáng tạo. Việc đọc ngày càng nâng cao thì một ngôn ngữ chất phác trong thơ ngày càng bị loại bỏ. Những bài thơ của Hoàng Cầm viết sau Về Kinh Bắc rơi vào tình trạng hiện thực mộc mạc ấy. Cái còn lại của ông, cao điểm nhất của tài năng Hoàng Cầm, vẫn nằm ở tập Về Kinh Bắc, và cả Mưa Thuận Thành, một ngôn ngữ bàng hoàng siêu thực, mặc dù nhà thơ có thể không có chủ ý. Đó là chủ nghĩa siêu thực tự phát, hay như Hoàng Cầm nói, có tính tâm linh, từ giấc mơ. Khác với Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam, có ý thức, cùng thời, nhưng xuất bản công khai, với sự tiếp nhận dè dặt của công chúng. Cố gắng của ông không phải là làm mới ngôn ngữ, và về phương diện này Hoàng Cầm đi sau Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, nhưng trong các nhà thơ thuộc nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm, thành tựu trước mắt của ông có lẽ lớn nhất, không phải chỉ vì thơ ông phổ biến, được nhiều người yêu mến, mà vì Hoàng Cầm thực sự làm mới những xúc cảm của sự đọc. Ngay từ trước tập Về Kinh Bắc:
Xanh xanh bãi mía bờ dâuNgô khoai biêng biếcĐứng bên này sông sao nhớ tiếcSao xót xa như rụng bàn tay
Là ẩn dụ mới. Và do đó, câu thơ mới, đặc trưng của Hoàng Cầm, một ngôn ngữ hình ảnh. Hình ảnh trong thơ Hoàng Cầm có thể xuất hiện như ẩn dụ trong một câu thơ, cũng có thể là hình ảnh trung tâm của toàn bài thơ. Những hình ảnh ấy không phải chỉ là sự trang trí, có thì đẹp lên, không có thì câu thơ vẫn tồn tại, trái lại hình ảnh trung tâm ấy, cái mà người xưa gọi là tứ thơ, quyết định toàn bộ giá trị hay phần lớn giá trị của một bài.
Chị đưa Em đến bến nàyCheo leo mỏm đáTrước vực, sau kheThòng lọng tơ gì cuốn gót