ĐỌC BÀI THƠ MẸ CỦA HỒNG KIỂM
(Tặng Vũ Kiệt và Trần Bách)
Nguyễn Khôi
Thơ xưa và nay viết về MẸ (mẫu thân) không nhiều và cũng hiếm bài HAY, nhất là các bài thơ ngắn (6 câu, 4 câu). Cách nay 1200 năm có Mạnh Giao (751-814), thi sĩ đời nhà Đường có một bài cổ thi về Mẹ với tình ý sâu sắc bằng những lời giản dị :
Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng tri tri quy.
Thùy ngôn thốn thảo tâm,
Báo đáp tam xuân huy.
(Du tử ngâm)
Trần Trọng Kim dịch :
Mẹ từ sợi chỉ trong tay
Trên mình Du tử áo may vội vàng
Sắp đi mũi chỉ kỹ càng
Sợ con đi đó, nhỡ nhàng trễ lâu
Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho vừa.
(Khúc ngâm đứa con đi chơi xa)
Thời chiến tranh - Bắc Nam chia cắt (1955-1975), nhà thơ Chế Lan Viên có 2 bài tứ tuyệt về Mẹ, đạt nghệ thuật siêu đẳng :
* Xa mẹ mười năm đi khắp nước,
Trăm quê chưa dễ thực quê nhà.
Sáng nay mới thực về quê nhỉ :
Bóng mẹ già ai giống mẹ ta.
(Mẹ)
* Gốc nhãn vườn xưa, cao, khó hái
Tám mươi, nay mẹ hẳn lưng còng.
Chắp đường Nam Bắc con thăm mẹ,
Hái một chùm ngon dâng mẹ ăn.
(Gốc nhãn cao)
Cùng thời với Thi sĩ cây đa, cây đề số 1 việt Nam đương đại ở trên, có một cựu chiến sĩ đặc công (Việt cộng) Nguyễn Hồng Kiểm yêu thơ & hay làm thơ (sinh năm 1933 ở Thuận Thành - Bắc Ninh, quê ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh,huyện Thanh Trì - Hà Nội) có cả một đời trận mạc anh dũng, hiểm nguy, rồi về đi xây những ngôi nhà mới của Thủ Đô vừa bị B.52 Mỹ tàn phá... Quê hương đã sạch bóng giặc trời, con cháu đề huề thì Mẹ không còn! Rồi bất giác khi "gió đầu mùa" thổi về nơi đồng quê, xóm cũ đã làm thức dậy trong lòng người cựu chiến binh một tứ thơ kiểu "ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa" thật trầm lắng :
MẸ
Chim Ngói bay ra gió lạnh se
Lúa vàng trải khắp cánh đồng quê
Tàu Tiêu xào xạc trong đêm vắng
Mắt nghé qua song ngỡ Mẹ về.
HỒNG KIỂM
Đây là một "Bức tranh quê" (sau nữ sĩ Anh Thơ hơn nửa thế kỷ) rất ĐẸP tả thực với hình tượng thơ đượm tình người một cách sâu sắc ,nó điển hình cho một làng quê đồng bằng sông Hồng : "chim Ngói/ cơm mới", cái no ấm tràn về, tàu Tiêu (chuối trong vườn) xào xạc", mùa đông đang tới, đêm khuya vắng vẻ..., cảnh & tình giữa thực & mơ, anh như thấy (bóng ma) Mẹ (hiện) về...
Làm được "Thơ tứ tuyệt" HAY, phải là một tay thợ thơ có tay nghề cao ? Chỉ 4 câu, 28 chữ mà chưa đủ cả tình - cảnh - sự... ở bài thơ MẸ của Hồng Kiểm đã chứng minh : tuy anh chỉ là "Người lính" làm thơ nghiệp dư (chủ nhiệm CLB thơ làng xã) nhưng đã đạt mức "tay nghề (thơ) cao"... mà ở câu 4 thì cái chữ NGỠ (chữ mắt - nhãn tự") đã đặt đúng chỗ (đắc địa) quả là tài tình đã tạo ra một hình tượng thơ sống động găm vào lòng người đọc. ?.
Chao ôi, "bình thơ" là khen / chê thế nào đây cho đúng mực" ? Cụ Lê Quý Đôn xưa đã từng răn dạy :
"Văn chương là của chung thiên hạ
Ý mỗi người mỗi khác
Phân tích thì được
Chứ không nên chê mắng".
Quả vậy, cái HAY của bài thơ MẸ của Hồng Kiểm là ở chỗ : Ý tuy không mới, ngôn ngữ thơ cũng không mới, nhưng được cái HỒN (tiếng lòng chân thực) ẩn giấu vào từng con chữ qua sự ngấm trải cuộc đời của Thi nhân...thật đúng là : Nghệ thuật (có tay nghề cao) đã làm nên bài thơ và trái tim rung động hoài niệm kia đã đưa Hồng Kiểm lên tầm thi sĩ nơi thôn dã với bài tứ tuyệt MẸ để đời cho con cháu...
Góc thành nam H à Nội 30-5-2014
NGUYỄN KHÔI
(Nhà văn Hà Nội)