BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

DẪU LÌA NGÓ Ý – Ngô Hương Thủy


           
                          Tác giả Ngô Hương Thủy


     DẪU LÌA NGÓ Ý 
                           
     “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
     (câu 2242 trong Đoạn Trường Tân Thanh)

Nhà thơ ngụ ngôn người Pháp La Fontaine đã nói một câu rất hay về tình bạn: “Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”.
Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
Chúng tôi thân nhau từ thuở nhỏ, lúc còn học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội. Hai đứa cứ thế lớn dần lên, lần lượt qua bên kia sông Hương học Đồng Khánh rồi Văn Khoa…
Nhà Cát Đằng nằm ở một góc nhỏ trên đường Mai Thúc Loan. Căn nhà cổ xưa như cuộc sống quan cách của gia đình. Ba Cát Đằng làm công chức cao cấp của Ty Ngân khố Thành phố. Ông đặt cho con những cái tên thật đẹp của các loài hoa : Cát Đằng, Đỗ Quyên, Hoàng Lan… Mấy chị em sống khép kín như những con ốc trong bốn bức tường rêu.

TÌNH BỖNG NHỚ, BỖNG QUÊN - Phan Quỳ


    
                 Nhà thơ Phan Quỳ


TÌNH BỖNG NHỚ, BỖNG QUÊN

Người đi. Tình bỗng nhớ.
Người về. Tình bỗng quên.
Ta chào nhau giữa phố.
Phôi pha những êm đềm.

Ơi tia nắng vừa lên.
Ơi cơn mưa chợt xuống
Ơi mùi hương cỏ mật
Ơi tóc đẫm sương đêm.

Có cồn cào hiển hiện
Có sâu lắng trong tim
Có im lìm bão nổi
Có ồn ào, dịu êm?

Biết bao lần ta hỏi
Con sóng nào qua mau
Cuốn trôi về tất cả
Xô dạt lòng biển sâu?

Có hay lòng ta đau
Cơn mưa dài nỗi nhớ
Cơn nắng đẫm chờ mong
Ngày đìu hiu im vắng
Đêm quạnh quẽ bên song
Đêm chìm lắng mênh mông
Đêm
trăng tàn nguyệt tận
Đêm
hun hút vô cùng...

          Phan Quỳ

GẶP DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA - Võ Cẩm


        
                 Đỗ tư Nghĩa và Võ văn Cẩm tại Đà Lạt 14/6/2019


           GẶP DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA

Đỗ tư Nghĩa em ruột Đỗ tư Nhơn thầy giáo trường Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Đỗ tư Nghĩa là một trong số học trò xuất sắc thế hệ NH 60/67, cùng lớp với Đoàn Đức, Nguyễn Thắng, Lê mậu Minh, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Văn Quang...
Cô Nguyễn Thị Nhã giáo viên chủ nhiệm gọi Đức - Nghĩa - Thắng là “3 anh em kết nghĩa sân chơi Nguyễn Hoàng Quảng Trị”.
Đoàn Đức kể: Khi học lớp 12C, Nghĩa xin nghỉ học, không đến lớp. Chỉ dự vài giờ Triết của thầy Lê mậu Tâm. Nghĩa vẫn đậu Toàn phần loại cao năm ấy. Học giỏi đến như vậy là cùng.
Nghĩa học Văn Khoa Đại học Huế, tốt nghiệp cử nhân Triết, có những lúc thầy Tâm bận việc thường nhờ nghĩa đứng lớp thay thế thầy.
Nghĩa rất giỏi Anh, Pháp. Nhiều năm dạy học ở Đà Lạt. Sau 1975 Nghĩa nghỉ dạy, chuyên dịch sách đặc biệt là loại sách Triết học, những tác phẩm nổi tiếng của những nhà văn tên tuổi. Nghĩa dịch nhiều tác phẩm của Tolstoy và cuộc đời tác giả “Chiến tranh và Hòa bình”
Cách đây hơn 10 năm gia đình Nghĩa được định cư ở Mỹ. Vợ con đi nhưng Nghĩa ở lại Việt Nam sống một mình tại Đà Lạt với cuộc sống hết sức đơn giản. Đơn giản đến mức tôi phải chịu thua. Con gái của Nghĩa tốt nghiệp Đại học ở Mỹ đang về làm việc ở Việt Nam, quản lý tập đoàn Grab tại Sài Gòn. Hàng tháng cháu lên thăm bố hai lần. Già, bệnh nhưng Nghĩa ăn uống hoàn toàn tự túc. Nghĩa đã ăn trường trai nhiều năm. Riêng khoản này tôi cũng thua.
Ai về Đà Lạt, Nghĩa thường tặng sách mà anh là dịch giả. Lúc cô Nguyễn Thị Nhã còn sống, lên thăm con gái là bác sĩ, cô trò thường gặp nhau. Không lần nào lên Đà Lạt mà tôi không gặp Nghĩa. 

                                                                                   Võ văn Cẩm

TỰ TÌNH THÁNG SÁU - Thơ Hoàng Chẩm


       
                        Nhà thơ Hoàng Chẩm



TỰ TÌNH THÁNG SÁU

Tháng sáu ơi ngọn ngành xanh vườn cũ
Sông nước chiều xưa mở lối nhớ tình xa
Tay trong nhịp thở nghe tiếng buồn rơi rụng
Bến nước ân tình sâu lắng một mùa hoa

Ta trở lại bên sông tìm giọt nắng
Tháng sáu thì thầm khúc hát gửi lòng ai
Mặt mày xưa ngó nhau buồn không nói
Sợi tóc nào bay vẻ nét tàn phai

Lưng chừng con nước như dòng đời lặng lẽ
Nhớ ngày về theo dấu nụ hồng xưa
Em đong đếm hương nồng mùa hạ trắng
Chén hương cay môi thắm như cơn mưa

Bây chừ một chỗ ngồi còn trống trải
Còn đó ngày sang sông đi ngược đường tơ
Như bắt giữ bóng đời nhau qua dâu bể
Thì thầm âm xưa vọng tiếng đôi bờ.

Đợi vầng trăng khuất mượn màu hoa tím
Thuở đi về chải chuốt một giấc mơ
Tháng sáu có nhau trong từng hơi thở
Khéo tay buộc nối em giữ kín dòng thơ.

Nước không cạn bởi mùa hoa tháng sáu
Ngậm ngùi tôi một thoáng với tóc mây
Nụ hôn muộn màng đầu đời cất tiếng
Tình ơi!
Còn tuổi nào nghe ngóng giữa vòng vây.

                Viết giữa mùa bằng lăng tím
                            Hoàng Chẩm

GIÓ BẤC - Hoàng Long Hải


               
                      Tác giả Hoàng Long Hải


              GIÓ BẤC

               “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam”
                                                          (Tục ngữ)

      Chẳng ai lấy vợ đàn… ông. Cũng có nghĩa rằng chẳng ai làm nhà quay về hướng khác, nhất là hướng bắc, mà nhà thì phải quay về hướng nam.
      Hướng bắc là hướng gió Bấc thổi, lạnh lắm, nên muốn tránh cái lạnh của gió Bấc người ta phải quay mặt nhà về hướng nam.
     Câu tục ngữ nói trên là của đồng bào miền Bắc Việt Nam.
Đó cũng là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm dựng nhà của người ngoài đó. Nhà đã quay về hướng nam, cửa chính cũng không làm rộng, cửa sổ đã nhỏ lại nằm trên cao. Dĩ nhiên, đó là những nhà tranh thuộc các gia đình trung lưu hay nghèo khó, là những nét đặc biệt của lối kiến trúc người Bắc, vừa ngăn cái lạnh của gió Bấc, vừa giữ trộm cắp, nhà lại kín đáo. Người ta thường dấu cái nghèo của mình, cháo thay cơm, hay ăn sắn khoai trừ bữa cũng không ai hay.
      Mái nhà xuống thấp, trùm kín phần trên vách để che mưa. Hơn nữa, cửa chính nhỏ và hẹp, cửa sổ nhỏ và cao để việc sinh hoạt trong nhà được kín đáo nên trong nhà thiếu ánh sáng tự nhiên.
Làm nhà hướng về phía nam có thể đón gió nồm thổi mát vào mùa hè. Hai chái phụ ở hai đầu, một hướng đông, một hướng tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều.
Trước nhà trồng cau (để đón gió nam mát) sau nhà trồng chuối (lá chuối ngăn bớt gió bấc lạnh mùa đông).
Người đàn bà vắng chồng, đêm đêm ôm con, nghe tàu lá chuối bị gió đập phía sau hè, lòng buồn lắm. Đó là nguồn hứng khởi của câu ca dao:

      “Gió đưa bụi chuối sau hè
       Anh nghe vợ bé, bỏ bè con thơ.”
     
Người giàu làm nhà ngói, nhà cao cửa rộng, tác giả không bàn ở đây.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

MỘT SỐ THƠ NHẠC THỦ BÚT CỦA THI SĨ PHẠM VĂN BÌNH - Hoàng Gia Độ

Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc về  một số thơ, nhạc qua thủ bút của nhà thơ Phạm Văn Bình (đồng tác giả với nhạc sĩ Phạm Duy của các bản nhạc CHUYỆN TÌNH BUỒN, MƯỜI HAI THÁNG ANH ĐI). Anh Hoàng Gia Độ vừa gửi email đến chúng tôi:

Anh Đoàn Phú thân,
Đây là những bài thơ chính anh Phạm Văn Bình lúc trước đã tự viết tay tặng tôi làm kỷ niệm. Sắp đến giỗ đầu của Phạm Văn Bình, tôi gởi anh để có thêm chút tài liệu giới thiệu cho đồng hương, đồng môn biết qua trang web của anh.
                                                                             Chúc anh an lành.
                                                                               Hoàng Gia Độ


     

     


     

     

     

     

     

     

     

              
                      Tang lễ nhà thơ Phạm Văn Bình tại CA - USA

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

NGHỀ THẦY XƯA VÀ NAY - Hồ Ngọc Thanh


            
                     Thầy Hồ Ngọc Thanh


NGHỀ THẦY XƯA VÀ NAY

Sự nghiệp giáo dục nước Việt Nam ta bắt đầu hình thành và phát triển từ thời nhà Lý, khi việc học được coi trọng, được đặt làm nền tảng cho việc tuyển chọn nhân tài để kinh – bang – tế - thế. Triều đình đã cho lập Quốc tử giám để đào tạo, mở khoa thi tam trường để chọn người chăm lo việc nước, việc dân. Nối tiếp nhà Lý, các đời vua Trần, Lê, Nguyễn đã lập Văn Miếu, Văn Thánh,... ở kinh đô của các triều đại như Hà Nội, Huế để dựng bia đá khắc tên nhằm tôn vinh hiền tài, khuyến khích việc học và lưu danh hậu thế.

ĐỘC THOẠI - Thơ Phan Quỳ


       
                   Tác giả Phan Quỳ


ĐỘC THOẠI

Vì ta đợi mong
Nên người không đến.
Vì lá úa màu.
Nên xuân chẳng tươi.
Vô niệm vô cầu.
Thì duyên về đâu
Bao giờ sẽ khởi
Lúc nào tan mau???
....
Vô thủy vô chung
Ta, người thơ thẩn
Giữa cõi nhân gian
Mơ chốn địa đàng
Về trong cơn mộng
Kiếp nào vạn trước
Kiếp nào muôn sau
Bao giờ có nhau
Mái lầu phong nguyệt
Hoa bướm nghiêng chao???

                       Phan Quỳ


THẦM LẶNG - Lê Nguyên Tuấn

Bài viết này như những lời tâm sự của tôi dành cho người mẹ thân yêu của mình, không trau chuốt văn chương vì tôi không có năng khiếu đó. Tôi chỉ biết viết bằng con tim của một người con yêu thương mẹ.
Hôm nay khi cơn bệnh alzheimer quái ác đang làm cho mẹ mất đi nhiều trí nhớ, tôi chỉ ước mong khi nghe hay đọc bài nầy mẹ sẽ cảm nhận được một phần trong những gì tôi ấp ủ là tôi thật sự hạnh phúc lắm rồi.
                                                                                 Lê Nguyên Tuấn




THẦM LẶNG

Người ta hay cảm tác thơ chứ ít ai cảm tác đoạn văn hay là bút ký, nay tôi lại làm chuyện lạ lùng đó .Chung quy là tôi đang “feeling”, đang cảm nhận rất sâu lắng từ bài viết của người con gái nhà văn Doãn Quốc Sĩ viết về mẹ mình.
Thật là một sự khập khiễng khi so sánh với sự nghiệp của nhà văn Doãn Quốc Sĩ, nhưng ba mẹ tôi vẫn có những sáng ngời trong nhân cách sống và dấn thân với xã hội.
Tôi viết bài này để dâng tặng người mẹ yêu thương của tôi, đồng thời thể hiện sự đồng cảm với con gái của nhà văn Doãn Quốc Sĩ khi cả hai bà đang lâm vào căn bệnh alzheimer quái ác. Hôm nay, tôi viết với tất cả thổn thức, đau nhói trong trái tim và cay xè trên đôi mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra khi những kỷ niệm của hàng chục năm về trước chợt tràn về.


Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC – Nguyễn Văn Quang


       
                 Tác giả Nguyễn Văn Quang


         ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC 
                     
Quê tôi - làng An cư, là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Triệu Phước. Làng nằm cạnh một dòng sông, đoạn cuối của hợp lưu hai sông Thạch Hãn và sông Hiếu đổ ra cửa Việt. Tên làng, tên xã nghe thì bình yên, hạnh phúc thế, nhưng quả thực dân chẳng an cư và chẳng được phước lộc là bao!
Sống nơi nước mặn đồng chua, dân thuần nông không đủ gạo ăn, phải đi làm thuê khắp bốn phương trời. Nghe câu hát của Duy Khánh (một người con của làng) thì đủ thông cảm:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!

Nhà tôi không đến nỗi ba đời ăn củ chuối nhưng cũng ba đời đi ở đợ, làm thuê! Ông nội tôi lên làm thuê tận trên vùng sơn cước, Cha tôi và hai chú tôi phải đi ở giữ trâu, phụ cày cho nhà giàu tại ba xã khác nhau; tôi mồ côi cha lúc bảy tuổi, hai em tôi chết từ nhỏ vì thiếu ăn và bệnh tật không có thuốc chữa. Mẹ tôi đi làm thuê, tôi đi mót lúa, mót khoai để nuôi nhau sống qua ngày! Thế nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn ước ao được đi học!

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

KÝ ỨC THÁNG NĂM - Thơ Văn Thiên Tùng


   

   


KÝ ỨC THÁNG NĂM

Tết Đoan Ngọ - Mồng Năm hằng lưu dấu
Tuổi thơ mình với tục lệ xưa từng
Tàn canh tư tay liềm lủi vô rừng
Bứt cây- lá phơi khô dành nấu uống

- Lá mồng Năm ắp đầy công năng sống
Là tinh hoa trời đất cấp dưỡng cây
Sau một đêm sinh khí tụ tích đầy
Làm lá mát uống tựa y thần dược…

Tiệc cộ bày dẫu ngày sau hay trước
Nồi bánh đúc đặc sản khéo khắt dằm
Rượu nếp chưng truyền thống tự ngàn năm
Xôi đậu nếp - chè kê đặc quánh đũa

Nồi xáo vịt - bún quê hương ném tỏa
Thịt heo phay - nước mắm chấm pha gừng
Cá nục tươi - hấp cuốn quả béo lừng
Nuốt một đĩa - rau thơm cùng vả... chát

Mâm cổ lắm vị sắc quy tính mát
Dâng tổ tiên báo hỷ vụ mùa xong
Sau cộ này tất bật việc ruộng đồng
Lo vụ tới với lưng còng nắng xát

Đời nông dân công việc đồng tất bật
Chiếc áo tơi - đường đọi vốn theo mình
Thêm bù* nước bên hông đậm ý tình
Tăng sức lực để cày sâu cuốc bẩm …

Ai cũng biết ! sau tiết trời Tiểu Mãn
Là lúc vào đỉnh điểm hạ nóng sao
Với tháng năm hiếm có giọt mưa nào
Nẳng xém da - gió Lào xua rát rạt…

Tuổi thơ ai… cũng đã từng nếm trải
Hương vị quê… mặn chát - ấm - cay nồng
Năm tháng qua luân mùa chuyển chất chồng
Làm chất liệu
                      điểm- sắc màu
                                              cuộc sống…

                                 Quảng Trị, 30.5.2017
                             Mai Vân Văn Thiên Tùng

* Ngày xưa dân gian thường lấy quả bù eo, cắt bỏ ruột rồi phơi khô, dùng làm bình đựng nước uống khi đi ra ngoài.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

NẮNG LỬA - Thơ Phan Quỳ


   


        NẮNG LỬA

        Nắng như thắp lửa
        Cháy cả khung trời
Nắng đầy trên cao
Nắng tràn xuống thấp
Nắng nhoà trong mắt
Nắng rát đôi tay
Người qua phố nhỏ
Hối hả cuối ngày
...
Nắng như cơn say
Qua chiều ngày hạ
Thiêu đốt lòng nầy
Thảng thốt trời mây.
Người qua phố nhỏ
Nghe lòng nhớ thương
Mưa xuân mùa cũ
Ướt mềm tóc sương.
...
Nắng ơi đừng nữa
Thắp lửa cả trời
Bỏng rát lòng tôi...

           Phan Quỳ

NĂM, MƯỜI, MƯỜI LĂM, HAI MƯƠI…- Thơ Phan Thạch Nhân


   


NĂM, MƯỜI, MƯỜI LĂM, HAI MƯƠI…

Em trốn biệt đi đâu?
Giữa dòng đời xuôi ngược
Chiều tàn thu, tôi bước
Bên đời... Rơi lá bay

Qua xóm đạo chiều nay
Chuông giáo đường lung lay
Mưa buồn bay khắp lối
Chúa buồn giăng hai tay

Em ở đâu chiều nay?
Hỡi cô em vai gầy
Trò chơi tôi giữ lấy
Tìm em giữa đời này

Giáo đường mưa bay bay
Chiều thu buồn tôi ghé
Chúa có buồn cho kẻ
Si tình đi lang thang

Giờ này em ở đâu?
Năm mười tôi đếm đủ
Làm gã khờ một thuở
Nắng phủ gốc mù u

Em trốn biệt đi đâu?
Dòng đời trôi vội vã
Chen chân tìm mọi ngả
Ngả nào đây?
Em ơi!

       Phan Thạch Nhân
        Tháng10 / 2017

THƯ GỬI NGƯỜI CHỊ ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG - Khang Hồ


           
                                Tác giả Khang Hồ


THƯ GỬI NGƯỜI CHỊ ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG
                                                                                            Khang Hồ

Chị Thùy.
Tôi biết chị, khi tình cờ đọc một truyện ngắn do chị viết. Rồi thông qua Đồng môn Nguyễn Hoàng tôi càng biết chị nhiều hơn.
Quảng Trị của tôi, vốn là một tỉnh nhỏ, rất nhỏ nữa là đằng khác, cho nên mỗi con người xứ này thấy gần gũi lạ. Sự gần gũi đó có lý do của nó, vì đây là một vùng đất đã hoang tàn do bom đạn chiến tranh. Mọi người đều giống nhau một điểm là mất mát, từ vật chất của cải cho tới tình cảm, người thân.


CHUYỆN MIỀN TÂY... – Ngô Hương Thủy




    CHUYỆN MIỀN TÂY... 
              Ngô Hương Thủy


Mùa Xuân này tôi quyết định về miền Tây ăn Tết theo lời mời của một người bạn văn chương. Chuyến xe khởi hành sáng sớm ngày hai mươi bảy tháng chạp mang theo không khí vui tươi của những ngày cuối năm. Khoang hành lý đầy ắp bánh mứt, những bó hoa giấy màu sắc rực rỡ, sự náo nức của những người con xa quê được trở về nhà thể hiện rõ trên gương mặt hành khách.

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

THÁNG SÁU MƯA,TRÚ MƯA, THÁNG SÁU - Thơ Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân,Nguyễn Thị Liên Hưng


   


THÁNG SÁU MƯA

Chiều lạc bước liêu xiêu nhìn lá đổ
Lối xưa mờ vết bụi của tháng năm
Thôi còn đâu dấu chân in góc phố
Gió mây về cho bất chợt mưa giăng

Bi khúc miên man ký ức réo gọi
Tháng sáu mưa – Mưa tí tách vương thềm
Bên quán vắng, ly cafe nhỏ giọt
Chờ mong ai mà nghe đắng môi mềm

Mưa. Mưa theo tiếng nhạc sầu da diết
Mưa thấm lạnh hồn thê thiết một đời đau
Tháng sáu mưa. Gió lùa khóc lá biếc
Dòng thơ xưa đã lỡ một nhịp cầu

Ôi Tháng Sáu! Quờ tay ôm kỷ niệm
Lòng chênh vênh như cánh phượng lưng trời
Tháng Sáu mưa. Chuông thời gian chợt điểm
Bất chợt tạnh mưa rồi,
Hỏi nắng có chơi vơi?

                              Nguyễn Thị Vĩnh Phước

TA CÒN NỢ EM - Thơ Lương Mùi


     
                    Tác giả Lương Mùi


TA CÒN NỢ EM

Một buồng cau vàng
Một nhánh trầu cay
Một gói vôi trắng
Một mâm rượu nồng

Nợ em cặp nhẩn, đôi bông
Dây chuyền đeo cổ vàng vòng đeo tay
Ngày xưa còn khổ ai hay???
Gạo thì chưa đủ, qua ngày lất lây

Lấy mô mà sắm sửa đây?
Đồng lòng hai đứa chung tay thành nhà
Vui buồn sướng khổ mặn mà
Quanh đi ngoảnh lại: con ta một bầy

Nuôi con khôn lớn đêm ngày
Vừa bồng vừa bế, quá tày vú em
Nhờ ơn, con đã lớn thêm
Đứa vừa dựng vợ, đứa bèn đẻ con

Đến nay cháu chắt vuông tròn
Thời gian rắc muối, trắng sương tóc huyền
Sáu lăm, anh vẫn nợ em
Xin cho kiếp nữa mình đền nợ nhau

                                 Lương Mùi
                          20h ngày 2/6/2019