BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

“LỜI THA THỨ LÀM RÚNG ĐỘNG NƯỚC MỸ” - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


     


“LỜI THA THỨ LÀM RÚNG ĐỘNG NƯỚC MỸ”

LỜI Người thiện cảm trổ ngàn hoa
THA kẻ sát nhân tỏ thuận hòa
THỨ lỗi Yêu người luôn chúc phúc
LÀM điều Mến Chúa đã truyền xa
RÚNG toàn thế giới vui thiên địa
ĐỘNG cả lương tri thắm hải hà
NƯỚC mắt ăn năn và hối cải…
MĨ tình - Bác ái nở ngời hoa…

Đức Hạnh
13 10 2019


BÀI HỌA

MỸ CẢNH TRẦN GIAN

LỜI tỏ nhân từ mãi ngát hoa
THA đi kẻ hại…giữ nhơn hòa
THỨ tha bác ái tình vươn nở
LÀM việc nhân từ nghĩa tiến xa
RÚNG cả tâm hồn ngời đạo lý
ĐỘNG luôn thế giới đẹp thiên hà
NƯỚC Trời thể hiện đường Chân lý
MỸ cảnh gian trần đượm sắc hoa.

Hồng Xuyến
13 10 2019

LƯƠNG SƠN HÀNH - Thơ Bùi Chí Vinh

Nguồn:


LƯƠNG SƠN HÀNH là một bài thơ uống rượu để đời. Quán Lương Sơn hay còn gọi là "Quán Ông Thầy" nằm trên biển Cần Giờ, các hảo hán phải dùng xuồng chèo mới có thể trèo lên quán đối tửu. Hồi đó mỗi lần tôi đọc xong một khổ thơ là tất cả bằng hữu trong bàn đều phải cạn chén hoặc cạn ly. Mỗi khổ thơ nói về một anh hùng Lương Sơn Bạc. Mới đọc chừng chục anh hùng Thủy Hử là cả bàn gục xuống không còn ai sống sót...
                                                                                    Bùi Chí Vinh


              Bùi Chí Vinh đối tửu Bùi Giáng (tranh sơn dầu Bùi Chí Vinh khổ 80x120cm)


LƯƠNG SƠN HÀNH

Lên duyên hải gặp Lương Sơn Bạc
Đứa vác cần câu, đứa kéo chài
Cùng săn cá sấu quanh rừng Sác
Thả xuồng ghé quán nhậu lai rai

Người trung niên ta gọi: anh hai
Xâm con ó bảy màu trên ngực
Gió biển nhiều sao ó chưa bay
Còn đậu chiều nay trong quán cóc
Hay con ó sợ bầy chim cắt
Mài cựa quanh năm móng vuốt dài
Hay rượu làm anh hai xếp cánh
Công hầu thua một chén đưa cay
Thảo nào hồi đó huynh Tiều Cái
Tống tửu vài chung đã rớt đài

Anh hai giới thiệu bạn vãng lai
Đầu trọc như nhà sư họ Lỗ
Xưa Trí Thâm không chơi rắn hổ
Tu mười năm chỉ nhớ thịt cầy
Nay anh tu ba chùa mãi lộ
Rắn mãng xà quàng vắt trên vai
Hà tất phải khà như phun nọc
Để chạnh lòng đám rắn hổ mây
Đệ dù sao cũng giòng phàm tục
Mời tam ca một chén rượu đầy

Rượu đầy nào phải là sóng dữ
Mà biển gầm lên tưởng nứt quầy
Anh bốn đi quyền quên luật rượu
Chém ba đao thua một dao gài
Lý Quỳ còn cả thời ngang dọc
Lẽ nào anh bốn sớm chồn tay
Đệ dân thành phố chưa quen sóng
Cũng tiếp tứ ca đủ chục bài

Mà chục bài huynh múa chưa hay
Quyền Mai Hoa thiếu gái cũng hoài
Coi kìa tỳ nữ cười khiêu khích
Chăn gối cần chi phải mập gầy
Nữ tỳ thừa biết khi lên ngựa
Anh hùng lỏng gối chẳng hơn ai
Võ Tòng bất lực nên sát tẩu
Tội Kim Liên chết uổng tuyền đài
Phải giống Yến Thanh vào hắc điếm
Thường động phòng nương tử mới hay
Nếu cha mẹ không ghiền tửu sắc
Làm gì có đệ có huynh đây!

Mà đệ gặp huynh mới chục chai
Chưa đáng mặt mà xưng hảo hán
Con voi khi sa xuống đầm lầy
Giọt lệ ngàn năm còn uất hận
Chúng ta những ông thần nước mặn
Vốn khinh thường áo mão cân đai
Vốn ghét công hầu như ghét cứt
Muốn trèo mây như Lý Thiết Quài
Muốn đạp gió như Tôn Hành Giả
Lương Sơn trăm lẻ tám thiên tài

Hôm nay góp gió làm giông bão
Thêu cờ "trăm lẻ tám thiên tai"

                           Bùi Chí Vinh

TÌNH THU… - Thơ Quang Tuyết


    


TÌNH THU…

Em về nhặt lá thu sang
Nghe trong sương lạnh ngỡ ngàng tiếng thơ
Giọt buồn nhỏ xuống trăng mờ
Rơi từ kẻ lá đọng tơ trong lòng
Từ muôn lối rẽ đường vòng
Em về bến cũ tìm dòng sông xưa
Rêu mòn phiến đá lau thưa
Dùng dằng kéo vạt... gió đùa áo phai
Em về người đã cùng ai
Kết hoa thắp nến kề vai vội vàng
Cuối thu lá rụng bàng hoàng
Đành lòng khép cánh cửa ngàn ngăn đôi.

                                           Quang Tuyết

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

CÓ NHỮNG ĐIỀU... - Thơ Trần Mai Ngân


   
                            Nhà thơ Trần Mai Ngân


CÓ NHỮNG ĐIỀU...

Có những điều cố tình anh không biết
Rằng hôm qua và cả hôm nay
Trái tim em khắc khoải vì ai
Anh mai mỉa “cô ta dại quá!”

Có những điều cố tình gây oan trái
Rồi đổ thừa tại số không duyên
Em khuyên em cất giấu ưu phiền
Sá gì nữa... người không tim óc...

Có những điều em như thật ngốc
Nói thuỷ chung... gạch ngói vô tình
Trơ ra đó nào đâu biết thở
Mà nồng nàn... mà lắm yêu đương...

Có những điều sâu thẳm tình thương
Và cao quý và đây thánh thiện
Anh đâu biết những điều em nguyện
Tim rung lên lặng lẽ thinh không...

Có những điều thôi chẳng đợi mong
Là đau buốt phong ba cách trở
Thôi hợp phố... tìm nhau thêm bỡ ngỡ
Sớm muộn gì... ta cũng đã chia xa...

                               Trần Mai Ngân

LÊ MẠNH THÁT VÀ THÍCH TUỆ SĨ, HAI VỊ THIỀN SƯ – Phạm Công Thiện


       
               Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện (1941 – 2011)


    LÊ MẠNH THÁT VÀ THÍCH TUỆ SĨ - HAI VỊ THIỀN SƯ 
                                                                             Phạm Công Thiện

Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ hai vị đã được 45 tuổi (cả hai đều sinh năm 1943).
Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc của Lịch Sử Việt nam hiện đại. 

NHÓM THẦY GIÁO TRƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC (1972 – 1975) – Lê Hữu Thăng


            
                                 Thầy cô Lê Hữu Thăng


NHÓM THẦY GIÁO TRƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC (1972 – 1975)
                                                                            Lê Hữu Thăng
           
Hiệp định Geneve năm 1954, sông Hiền Lương chia đôi đất nước để một số bà con quận Vĩnh Linh rời bỏ quê hương lánh nạn. Vết thương chưa hàn gắn được, nỗi đau xót chưa nguôi phai rồi mười tám năm sau, năm 1973, hiệp định Paris lại chia đất mẹ Quảng Trị thêm một lần nữa. Sông Thạch Hãn cùng với sông Hiền Lương đi vào những trang sử bi thảm của dân tộc, hòa với những nỗi khổ đau nghiệt ngã của người dân Quảng Trị. Trận chiến mùa hè năm 1972, hơn ba trăm ngàn người dân Quảng Trị phải di tản trong những tình huống vô cùng gian lao, nguy khốn để đến và tạm cư tại Đà Nẵng.
Những căn cứ, doanh trại của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng được tổ chức thành 32 Trại tạm cư, chia làm 2 khu vực tả ngạn và hữu ngạn của sông Hàn (khu Non Nước và khu Hòa Khánh). Chỉ một tuần lễ sau, người dân đã có nếp sống tương đối ổn định, phối trí chỗ ở, trợ cấp thực phẩm (mỗi ngày 500g gạo/người), nước uống… chương trình giọt sữa cho trẻ con và bánh mì buổi sáng cho người lớn. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà chính quyền chưa giải quyết được: việc học hành cho học sinh.

VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ: NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA CỐT TRUYỆN: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH (TRUYỆN KIỀU) CỦA NGUYỄN DU - Lê Nghị


             
                                Tác giả Lê Nghị


VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ: NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA CỐT TRUYỆN: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH (TRUYỆN KIỀU) CỦA NGUYỄN DU 

                                                                                            Lê Nghị

Bài này tôi viết nhân một nhóm bạn trẻ Hà Nội vừa thành lập trang Yêu Truyện Kiều, có mời tôi viết một bài về nguồn gốc truyện Kiều. Đối với người biên soạn văn học sử thì đó là tin vui. Xin phép trang Thăng Long- Hà Nội Ký, đăng lại toàn văn, thay cho một bài văn học sử trên cơ sở tiếp nối ý của Thượng Chi- Phạm Quỳnh.

***

Thân gửi: Yêu Truyện Kiều

Khảo sát sự phát triển của truyện bà Vương Thuý Kiều chính sử, gốc là từ Minh sử. Sử nhà Minh ghi nhận có sự kiện Từ Hải cùng 2 người vợ nhảy sông tự vận do bị Hồ Tôn Hiến lừa năm 1556.
- Tiếp đến là ghi chép của Mao Khôn (1525-1601), người dưới trướng Hồ Tôn Hiến: “Kỷ Từ Hải tiểu trừ bản mạt”. Trong ghi chép mang tính sử liệu này vai trò của Mã Kiều vợ Từ Hải mờ nhạt. Hai nhân vật chính là Từ Hải và Hồ Tôn Hiến.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

MẤY DÒNG TÂM TƯ - Thơ Tịnh Đàm


      
                       Nhà thơ Tịnh Đàm


        MẤY DÒNG TÂM TƯ

1.
Sáng tôi
Một cốc chè xanh
Chút riêng tư ấy... quẩn quanh góc đời.

Buồn vui
Năm tháng đầy vơi
Cái tình ấp ủ... trong lời thơ ngâm !

2.
Ngày buồn
Chỉ muốn ngủ thôi
Để quên giây phút... cái tôi muộn phiền !

Yêu thương
Giờ cách đôi miền
Vời trông...
Cùng nỗi niềm riêng. Chạnh lòng !

                                 TỊNH ĐÀM

TRẢ EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến


        
      Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến


TRẢ EM

Đứng trước em anh thành người rất lạ
Thả rông hồn đắm đuối mắt em
Em rất gần
Nhưng cũng thật xa xăm
Em hời hợt để anh thèm vị biển
Em hoang sơ để anh khát đại ngàn.

Anh ngợp mình trong ảo vọng ái ân
Mải lặn ngụp xây lâu đài trên cát
Giấu niềm riêng em thản nhiên bỡn cợt
Kéo mùa đông giá lạnh nhích gần
Anh đốt mình cháy bỏng si mê
Thổn thức mãi miền yêu không thể.

Anh biết thế
Và anh không thế
Sánh vai em dạo bước song hành
Gió đại ngàn khắc khoải rừng xanh
Sao phải lén mơ nơi xa lắm
Trả lại em niềm đau đằm thắm
Trả đêm hoang vật vã rã rời
Câu thơ tình viết vội gãy đôi
Nhịp yêu ấy anh đành lỡ dở
Chân nhẹ bước. Tim yêu bỏ ngỏ
Khép nụ cười héo hắt nửa đời trai.

             Hà Nội, ngày 23.10.2013
             ĐẶNG XUÂN XUYẾN

KHÚC TÌNH HOÀI - Thơ Nguyên Lạc


     
                         Nhà thơ Du Tử Lê


KHÚC TÌNH HOÀI
(Tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê)

Riêng đời "cọc nhọn trăm năm"
Ta "chim bói cá" trên ngàn viễn bay
"Thụy du" một khúc tình hoài
Ta không còn nữa lệ ai khóc người?

"Sẽ mang theo được những gì?"
"Bên kia thế giới" Thụy ơi nghìn trùng!

                                         Nguyên Lạc
………

"..." Lời thơ Du Tử Lê

CHÙM THƠ ÁI NHÂN



ÁI NHÂN
Tên thật Bùi Cao Thế
Đt:0984470914
139- 399- Ngọc lâm – Long biên –Hà nội
TK Bùi cao Thế 10524096395016 Techcombank
Chi nhánh Chương dương – HN



NẾU KHÔNG ĐÀN BÀ

Nếu nhân gian không có đàn bà
Thì thế giới đàn ông buồn thảm lắm
Chẳng khát khao, chẳng còn mơ mộng
Và loài người chắc chắn sẽ diệt vong!

Nếu Bóng đàn bà thế gian không còn nữa
Thì thơ ta viết chẳng để làm gì
Ta bẻ bút, xé thơ, trau dồi võ
Để phòng thân giữa thế giới…kẻ khùng!

Nếu đàn bà bỗng nhiên chết hết
Đêm nuối tiếc viết thêm bài li  biệt
Thay điếu văn ta khóc cả loài người
Rồi châm lửa đốt mình, thơ… tất cả!

Nếu nhân gian…nếu mà có thể
Xin triệu triệu lần đừng nếu thế trời ơi!

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

MỘT THẾ - KỶ MẤY VẦN THƠ - Thơ Truy Phong

Nguyễn Thanh - Nhà thơ Truy Phong hay T.P (1925-2005) là bút danh của Dương Tấn Huấn, người tỉnh Vĩnh Long. Ông là nhà thơ kháng chiến hai thời kỳ, thuộc thế hệ các văn nghệ sĩ : Kiên Giang (1920-2014), Sơn Nam (1926-2008), Nguyễn Bính (1918-1966), Viễn Phương (1928-2005), … là tác giả bài thơ “Một thế kỷ – mấy vần thơ”, đã làm dậy sóng văn đàn, đăng trên nhật báo Tiến Thủ (Sài Gòn) ngày 27.04.1956 do ký giả Việt Tha (Lê Văn Thử) làm chủ bút.
“Một thế kỷ – mấy vần thơ” là một bài thơ mới dài như một trường ca, có đủ tính cách biền ngẫu ở bài văn tế và tính mộc mạc của thơ nhiên nhưng sâu đậm, giản dị mà không tầm thường ghi lại được một thời điểm lịch sử – Pháp rút quân khỏi Việt Nam – bi hùng của dân tộc. 




   MỘT THẾ - KỶ MẤY VẦN THƠ 
                                                                           
   * Tiễn chân quân viễn chinh Pháp                     
   * Kỷ niệm 100 năm Việt Nam đau khổ     
            
    Ánh hồng chói rạng chân trời mới                   
    Ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi.                   
    Có kẻ chiều nay về cố quán,                     
    Âm thầm, không biết hận hay vui ?!                 

    Chiều nay,                    
    Kèn kêu tức tưởi nghẹn lời                   
    Tiếng ngân xúc động dạ người viễn chinh !                   
    Chiều nay trên nghĩa địa                   
    Có một đoàn tinh binh                   
    Cờ rủ và súng xếp                      
    Cúi đầu và lặng thinh.                   
    Nghẹn ngào giã biệt người thiên cổ                     
    Đất lạ trời xa sớm bỏ mình.                     
    Thịt nát, xương tan, hồn thảm bại                     
    Nghìn năm ôm hận cõi u minh !                   
    Những ai làm lính viễn chinh,                     
    Chiều nay bước xuống tàu binh trở về.                     
    Tàu  xúp - lê !                       
    Tàu xúp - lê !                   
    Cửa Hàm Tử lao xao sóng gợn                     
    Bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê …                     
    Bước đi những bước nặng nề                     
    Ngày đi chẳng biết, ngày về chẳng hay !                    
    Một ngàn chín trăm năm sáu (1956)                     
    Một ngàn tám trăm sáu hai (1862)                     
    Giật mình bấm đốt ngón tay,                     
    Trăm năm một giấc mộng dài hãi kinh !                 

CHỐN VỀ - Thơ Lê Văn Trung


       


CHỐN VỀ

Rồi một hôm bên vực bờ sinh tử
Anh lắng nghe lời hát của trăng sao
Ôi cung bậc của ngàn năm thiên cổ
Như âm hao của lệ máu tuôn trào

Anh lắng nghe lời sương mây nức nở
Lời chia xa - lời trùng ngộ - phù vân
Ôi cánh cửa tồn sinh còn để mở
Anh trở về thất lạc cả tiền thân

Xin em thắp giùm đôi hàng nến đỏ
Dẫn soi đường khai mở cuộc tồn sinh
Ôi trái đất cũng vô cùng bé nhỏ
Hạt bụi nào chứng giải được vô biên?

Xin em mở hết cung lòng vi diệu
Cho hồn thơ anh lắng đọng kinh chiều
Ánh trăng nào soi hoàng hôn du tử
Và thuyền anh thôi đậu bến cô liêu.

                                 Lê Văn Trung

HOÀI NIỆM - Thơ Ngô Văn Ánh


        
              Nhà thơ Ngô Văn Ánh


HOÀI NIỆM
(Gởi cố nhân Quốc Học khóa 1972-1975)

Ta như cánh én lạc loài
Mịt mù giông bão, ưu hoài nắng xuân.
Hỡi cố nhân, hỡi tri âm,
Vó câu chiếc bách hoa râm mái đầu !
Máy tạo hóa trước sau vẫn thế,
Vòng càn khôn ai dễ đổi thay.
Tà huy lụy góc trời tây,
Hồn xưa trường cũ đong đầy trinh nguyên.
Người đi vào cõi thần tiên
Xiêm y phóng tẩy nhập miền thiên thai.
Có còn ai ? Biết còn ai ?
Trăng thu viễn xứ dặm dài cố hương.
Ngày hội ngộ rèm sương ánh lệ,
Buổi tương phùng nhân thế, thế nhân.
Hương trà, men rượu bâng khuâng
Phong ba yên nguyệt tím dần thời gian.
Tang điền thương hải đa đoan!

                                   Ngô Văn Ánh
                              (Ban C Quốc Học)

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

CHÙM THƠ TIỄN CON ĐI - Thơ Phạm Ngọc Thái


        
                          Phạm Ngọc Bảo
                   (7.3.1992 - 22.7.2019)


TIỄN CON

Con đi ! Nhớ giữ gìn. Ta sang trang đời khác
Thế giới ấy đẹp hơn, cha còn chút việc vẫn dở dang
Hãy mang theo Hà Nội vào tim !
Cha gửi lời thăm Bà Quan Âm và các thánh...

Năm tháng sống với mẹ, cha... trở thành kỷ niệm
Ai rồi cũng đi ! Kẻ xuống âm phủ, người lên tiên
Cha, mẹ dưới trần sẽ cầu nguyện cho con
Nói với Đức Như Lai, cha nhớ ông nhiều lắm !

Hồn thi nhân cha lãng đãng trôi, với bầu trời xanh vắng
Không có bóng con...  day dứt ngày, đêm...
Cha không viết thơ tình nữa, đâu con !
Thơ con xong rồi, cha viết sang tiểu thuyết

Nhớ những lúc, con lo cho cha chiếc máy tính làm văn học
Giờ ? Cha đành nhờ người khác sửa thay con
Công việc bộn bề... lòng già vẫn héo hon...
Nỗi nhớ thương có phút nào nguôi được ?

Thỉnh thoảng cưỡi gió mây... về thăm mẹ, cha một lúc
Rồi con đi ! Cha chẳng giữ con lâu
Khi nhớ nhà... lấy đàn ra gẩy giữa đêm thâu...
Ở hạ giới cha nghe, biết tiếng đàn con vọng đến

Nam mô a di đà Phật ! Con trai yêu mến
Theo áng thơ cha... mà bay khắp trần ai...
Không chỉ đất Nam, sang cả trời Tây
Hỡi nhân thế ! Con tôi, cháu thiêng lắm đó !

Gặp Chúa Jê Su ? Xin cho cha cây thánh giá
Nhớ đừng quên tới Tòa thánh Va Ti Căng
Chúa trời sẽ phù hộ cho con
Người cũng phúc, hiền... như Đức Như Lai, con ạ !

Cha viết những dòng thơ từ quê hương, nơi mẹ con sinh nở
Chốn chôn rau, cắt rốn... của con
Hà Nội mùa này sắp bước vào đông
Thôi con nhé ! Chẳng qua con chỉ ngủ quên, không thức...

                                                                 Phạm Ngọc Thái
                                                                       14.8.2019

TA CÒN TA - Thơ Trần Mai Ngân


    
                           Nhà thơ Trần Mai Ngân


TA CÒN TA

Thiêm thiếp đêm
Và thiêm thiếp trăng...
Bẫy tình giăng giam chặt
Mù rối những dây tơ oan nghiệt
Trói đời mình cùng cạn kiệt hôm qua...

Hấp hối mùa xưa
Hấp hối ngày
Tỉnh mộng tàn phai ta đóng kịch
Nói cười giả tạo vai tình nhân
Hạnh phúc gãy đôi đời lận đận!

Cuộc hồi sinh... bất tận
Gom hết hương hoa đời
Mặc kệ ta rong chơi
Nợ duyên thôi trả hết
Buông trôi đi... buồn gì...
Ta còn ta hôm nay!

            Trần Mai Ngân