BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

PHÂN BIỆT CÁC MÓN ĂN "SỦI CẢO, HÁ CẢO VÀ HOÀNH THÁNH" CỦA NGƯỜI HOA - La Thụy sưu tầm và biên tập



Sủi cảo, há cảo và hoành thánh là những món ăn người Hoa khá phổ biến và được yêu thích ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn cho rằng chúng chỉ là một loại nhưng có nhiều tên gọi đó thôi. Thực sự, sủi cảo, há cảo và hoành thánh là những món ăn khác nhau có thể phân biệt được.
 
1/ SỦI CẢO
 
Theo Wikipedia:
Sủi cảo 水餃 có âm Hán-Việt là thủy giáo
Nghĩa đen: bánh bột nước, còn gọi là bánh tai hay bánh chẻo ("chẻo" bắt nguồn từ tiếng phổ thông Trung Quốc  jiǎozǐ 餃子" âm Hán Việt: giáo tử) là một loại bánh hấp của Trung Quốc phổ biến ở khu vực Đông Á. Đây là một trong những món ăn chính trong dịp Tết nguyên đán cũng như là món ăn quanh năm tại các tỉnh phía Bắc Trung Quốc. Được coi là một phần của ẩm thực Trung Hoa, sủi cảo còn phổ biến ở nhiều khu vực khác của Châu Á và các nước phương Tây.
Sủi cảo thường bao gồm thịt lợn xay hoặc rau băm nhuyễn làm nhân và cuốn trong một miếng bột bánh mỏng, sau đó được ép chặt lại bằng cách nhấn mạnh các góc bánh vào nhau hoặc xếp thành nếp.


Các loại SỦI CẢO
 
Sủi cảo được chia làm bốn loại khác nhau tùy thuộc vào cách nấu bánh:
- Sủi cảo luộc shuǐjiǎo 水餃 (âm Hán Việt thủy giáo).
- Sủi cảo hấp zhēngjiǎo 蒸餃 (âm Hán Việt: chưng giáo).
- Sủi cảo chiên trong nồi (tiếng Trung: 鍋貼; bính âm: guōtiē; âm Hán Việt oa thiếp, hay còn được gọi là sủi cảo chiên khô (tiếng Trung: 煎餃; bính âm: jiānjiǎo).
- Sủi cảo sử dụng trứng thay cho bột để bọc bánh được gọi là "Sủi cảo trứng".

Một đĩa sủi cảo luộc và nước xốt.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

LA SÁT PHU NHÂN – Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly



Thôn Lạc An có một thanh niên họ Nhậm từ Lac Dương đến. Tên thật của Nhậm là gì cả người lân cận cũng không nhớ, họ thấy Nhậm uống rượu tối ngày nên cùng gọi là Tửu Lang! Dù là đệ tử lưu linh, nhưng Nhậm luôn ứng xử phải phép nên được lòng mọi người. Tánh tình lại phóng khoáng, lòng ngay như trúc, thêm có văn tài, chữ viết đẹp như hoa bướm, nên dù mái dột cột xiêu mà bằng hữu sáng chiều đẩy nhà chật ngõ.

BÀI CA CỦA NGƯỜI DU TỬ - Truyện ngắn của Đoàn Dự

Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
 
Nào ai dám nói một tấc lòng của cỏ
Có thể báo đáp được ánh dương của ba tháng xuân
                                                      (Thơ Mạnh Giao)


Tôi đậu Cử nhân Luật năm 1971, ít lâu sau thì xin được vào tập sự tại văn phòng của một vị luật sư nổi tiếng, bạn thân với bố vợ tôi. Làm luật sư tập sự thì nhàn, đồng lương tương đối cũng khá. Hàng tuần, đi làm về tôi thường tới Trung tâm văn hóa Nhật ở đường Phan Đình Phùng học thêm tiếng Nhật. Học cho biết vậy thôi, nghề luật sư không đòi hỏi phải biết tiếng Nhật.
 
Sau ba năm tập sự, tôi thi đậu và được Luật sư đoàn công nhận là luật sư chính thức, được phép treo bảng đồng, lập văn phòng riêng.
Chưa đầy một năm sau thì "giải phóng", tôi thôi không làm luật sư nữa mà cũng thôi không đi học tiếng Nhật, bởi vì các trung tâm ngoại ngữ đã đóng cửa. Tôi ở nhà trông nom con cái cho vợ tôi đi dạy, thỉnh thoảng cũng kiếm ăn được chút đỉnh do liên lạc với các trung tâm dịch vụ pháp lý. Người ta đưa các đơn từ, giấy má tiếng Nhật hoặc tiếng Anh đến cho chúng tôi dịch. Tiền bạc trung tâm trả rất sòng phẳng nhưng chẳng được bao nhiêu vì cũng có ít người thuê dịch.
 

CA SĨ THÁI THANH, NGỌN HẢI ĐĂNG ĐÃ TẮT - Khánh Ly


Hình ảnh Khánh Ly và chị Lệ Thu chụp cùng bà Thái Thanh tại Sài Gòn 1969

Đến thăm bà, tôi cứ im lặng ngồi. Chuyện của tôi cả Sài Gòn đã biết. Bà đưa cho tôi một gói tâm sen bảo uống đi, uống cái này có thể ngủ được, đừng dùng thuốc ngủ nữa. Tôi chảy nước mắt nghe ra niềm thương cảm bà dành cho tôi.
 
Thật chẳng bao giờ bà kêu bọn chúng tôi lại nhà một chốn rất riêng của bà không phải ai muốn đến cũng được. Bà thương tôi! Năm 1969, tôi làm cái phòng trà QueenBee. Bà đóng đô Đêm Màu Hồng để bắt đầu cuộc đời làm bầu mà tôi không biết không có chút kinh nghiệm nào. Tôi rất trân trọng mời bà về làm điểm chính của chương trình, bà là chính chứ không phải là tôi hay ai khác.

BÙI GIÁNG “NGƯỜI VIẾT SÁCH VỚI TỐC ĐỘ KINH HỒN” - Lê Hồng Thiện

Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), quê Quảng Nam. Suốt hơn bốn thập kỷ sống cuộc đời giang hồ, chân đất túi vải, rong chơi mọi nẻo phố đường quê, nghêu ngao ca hát, làm thơ, vẽ tranh, ứng xử với đời như một thiên tài và cả như một... kẻ khùng!


Có lần, Bùi Giáng tự họa chân dung mình, qua mấy nét:
 
"Nhe răng cười trong bóng tối
Không bao giờ bắt chuồn chuồn, mà cứ bảo rằng mình luôn bắt chuồn chuồn
Không thiết chi đọc sách, mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài..."
 
Ông được mệnh danh là "Người viết sách với tốc độ kinh hồn" và suốt đời cặm cụi đọc sách hoài. Đúng thế, đời Bùi Giáng đã lắm phen bị sách vở "thôi miên". Nghe kể lại, vào thời trên đường Đặng Thị Nhu còn có một chợ sách cũ, ông hay lang thang ở đó, xem sách và uống cà phê.
 

MÀY VỚI TAO UỐNG BIA – Trần Vấn Lệ



Sau cái ngày Hạ Chí, Cali là... Mùa Hè!  Triệu người đi chưa về / thấy lại trời Cố Quận!
 
Nóng là bởi vì nắng.  Tháng Sáu trời không mưa.  Những ánh mắt dại khờ... nhìn nhau thương nhau quá!
 
Nắng làm mềm cả lá.  Nắng tơi tả cả hoa.  Nắng đứa bé khóc òa, mẹ cha ôm con dỗ...
 
Mừng:  thuyền có bến đỗ.  Buồn vì phận Tha Hương!  Nín đi con đi con!  Người Mỹ nghe... ngơ ngác!
 
Triệu triệu người đi lạc... thà vậy, vẫn yên tâm:  chi cũng có chỗ nằm, một biển, hai bình đất!
 
Nắng... mà run bần bật!
Bạn ơi, bài thơ này...
 
*
Bốn chín năm, ô hay!  Nửa Thế Kỷ rồi nhỉ?  Người ở Pháp, ở Mỹ... mùa Hè, nóng giống nhau.
 
Chỉ ai ở Úc Châu, tháng Sáu:  mùa lạnh buốt!  Ở đâu chân cũng bước, ở đâu lòng cũng tê!
 
Bạn rót hết chai bia vào ly hai đứa uống.  Ngày ở Mỹ tắt muộn... khi nó gần nửa đêm!
 
Tôi hỏi bạn:  "Uống thêm?".  Bạn cười:  "Không ai cấm".  Màu bia vẫn đen sẫm.  Tóc bạn trắng như mây...
 
"Ly khách! Ly khách!  Con đường nhỏ!  Chí lớn không về bàn tay không!" (*) Đừng nghe mà nhói lòng!  Đừng nghe mà trách móc...
 
Danh Dự - Trách Nhiệm - Tổ Quốc.  Uống bia hay uống nhục?  Mày với tao hai thằng... Sĩ Quan!
 
                                                                                  Trần Vấn Lệ
 
(*) Thơ Thâm Tâm, bài Tống Biệt Hành.

CÓ THẬT LÒNG YÊU DI SẢN? - Nguyễn Xuân Diện


Võ miếu (Huế)

Năm 2009, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một chuyến điền dã nghiên cứu sưu tầm với quy mô lớn tại Thừa Thiên Huế. Ngoài thành phố Huế, còn đi khắp các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà,...
 
Chiều cuối năm 2009, tôi ngồi viết bài "2009 - Chiều cuối năm nhìn lại", đoạn 10 trong bài đó như sau:
 
"Chúng ta có yêu văn hóa của ông cha thật không? Hay là chỉ yêu các dự án đó? Lập các dự án về văn hóa có bao nhiêu phần trăm vì văn hóa thật sự, hay là vì sự chấm mút?
Ngay như Huế, đồn rằng biết giữ lắm, vậy mà hình như chỗ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế của ông Phùng Phu, ông Phan Thanh Hải cũng chỉ chăm chú thu tiền thôi!
Đoàn làm phim truyện đến quay bối cảnh là lăng Đồng Khánh, em cứ xin bác 20 triệu một ngày, quay bao lâu thì quay, cứ thế trả tiền.
Đoàn cán bộ Viện Hán Nôm có công văn đề nghị in rập văn bia để lưu trữ và nghiên cứu, mà họ khăng khăng không cho rập để bảo vệ văn bia, mặc dù đã nhờ đến Phó Chủ tịch tỉnh, kêu đến Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng, rồi ông Chủ tịch UB quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu. Thế mới biết ông Phu ông Hải chả khác gì ông vua con!
Ấy vậy mà bia đá Thơ ngự chế của vua Thiệu Trị thì sắp lộn cổ xuống Ngã Ba Tuần, còn phế tích Võ Miếu (Võ Thánh) thì chỉ còn năm tấm bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt “đã không kẻ đoái người hoài”, “lại không cho cắm một vài nén nhang”!
 
Văn Miếu Huế cũng vậy, những cọc bê tông giơ sợi sắt nghều ngào như cào vào trời chiều Hương Giang ứa lệ.
Nghệ nhân nghệ sỹ Huế lão thành đang thoi thóp xếp hàng đi xuống ga Hoàng Tuyền, mà cũng chẳng ai đoái tưởng.
Huế có yêu Huế thật lòng chăng?”
                                                                                  30/12/2009.
                                                                           Nguyễn Xuân Diện
 
(Bài còn lưu tại: http://trannhuong.net/.../2009---chieu-cuoi-nam-nhin-lai...)
 

CAO HUY THUẦN BIẾT BAO GIỜ CÓ LẠI – Trần Kiêm Đoàn



 Tin anh Cao Huy Thuần vừa ra đi, đột ngột và xót xa quá!
 Nhớ mới tuần trước, chia sẻ tin thầy Thích Chân Trí, trụ trì chùa Phước Điền vừa tạ thế ở Huế, anh Cao Huy Thuần viết email chia sẻ:

"CHT thăm và rất nhớ TKĐ. Tôi cũng xúc động. Hồi Đệ ngũ hay Đệ lục gì đó, tôi sinh hoạt GĐPT với thầy Thiên Ân ở chùa Quan Âm gần Phước Điền. Còn thầy Đức Tâm, ôi thầy Đức Tâm thương quý, năm 1980 tôi về gặp thầy sau 16 năm biệt xứ, hai thầy trò ôm nhau, tưởng chừng 16 năm chỉ là hôm qua. Những ông Thầy… những ông Thầy… mất đi, mất dần, cả một thế hệ mất dần, mất đi, chúng ta cũng thế, một thế hệ trong sáng, nhiệm mầu, biết bao giờ có lại. "

                                                                                Cao Huy Thuần
 

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

NÊN CƯỜI HAY NÊN MẾU ? – Trần Thị Hồng

Xung quanh một số thông tin chưa chuẩn xác về nhà văn Nam Cao và gia đình ông.


Tôi là con gái nhà văn Nam Cao. Nhân dịp cuối năm, xin có mấy dòng tâm sự xung quanh một số bài viết liên quan đến gia đình tôi hoặc đến chính cha tôi. Mong sao, năm cũ qua đi, mọi sự sẽ tốt đẹp hơn.
 
Một lần, tôi đọc được bài báo: "Nhà văn Vũ Bằng từng lật tẩy ‘con trai rởm" của Vũ Trọng Phụng’ đăng trên tờ Tiền Phong số ra ngày 12/5/2009. Khi nhìn bức ảnh in kèm bài mà tác giả ghi là "nhà văn Vũ Bằng", tôi không sao nhịn được cười, bởi người trong ảnh chính là cha tôi.
 

NHỮNG VẤN ĐỀ XUNG QUANH QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU VÀ TU HÀNH CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN QUANG (VƯƠNG TẤN VIỆT) - Nguyễn Mạnh Hà



Ngày 19/6, Thượng tọa Thích Chân Quang bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức, không được chủ trì tổ chức sự kiện tập trung đông người trong 2 năm và phải gỡ bỏ tất cả các bài giảng gây hoang mang trên mạng xã hội. Giáo hội cũng yêu cầu thu hồi tất cả phái quy y Tam bảo trong đó Thượng tọa kiêm tiến sĩ luật đã tự tiện thay đổi nội dung không đúng với Ngũ giới Đức Phật đã quy định.
 

"CÂY TÁO ÔNG LÀNH" CỦA HOÀNG CÁT – Sương Nguyệt Minh


Nhà thơ Hoàng Cát
 
Nhà thơ Hoàng Cát mất lúc 16h15 ngày 1/7, sau thời gian dài chống chọi căn bệnh ung thư.
Lễ tang của nhà thơ được tổ chức lúc 10h30 ngày 4/7, tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn. 12h cùng ngày, gia đình tổ chức truy điệu và đưa tang ông. Nhà thơ được an táng tại nghĩa trang Quán Dền, Hà Nội.

 *
CÂY TÁO ÔNG LÀNH từ nửa thế kỷ trước bị người ta suy diễn cho là viết ám chỉ một ông lớn lãnh đạo văn nghệ.
Nhà thơ Hoàng Cát - tác giả của truyện ngắn này một thời khốn khổ. Nhà thơ Vương Trọng viết: “Mấy anh đồng hương xứ Nghệ  làm câu đối: "Thằng Cát viết điều hung / Ông Lành làm việc dữ", nhưng sau sửa lại để  thay cho một lời phát biểu với cấp trên: "Thằng Cát không viết điều hung / Ông Lành đừng làm việc dữ". Nhưng có lẽ cấp trên không thấu nên "việc dữ" cứ đến với Hoàng Cát, mà cái đòn đầu tiên là nhà máy cho về mất sức”.
 
Chưa hết, sau đó Hoàng Cát bị treo bút, đời sống rất khó khăn... Trước đó, ông là lính trận ở chiến trường, bỏ lại một cái chân ở Mặt trận Quảng Đà, đi viện rồi ra quân. Là thương binh nặng, cụt chân trái phải lắp chân giả, tay cũng bị thương, nhưng chả hiểu sao bị xếp hạng nhẹ nhất trong thứ bậc thương binh, cho nên nỗi nhọc nhằn nhân lên gấp đôi, gấp ba. Khổ! Giá như viết là "Cây táo ông Hiền", hay "Cây táo ông Ngoan" thì chắc chẳng bị lên bờ xuống ruộng.
 
Theo bài viết "Hoàng Cát và cây táo ông Lành" của nhà thơ Đặng Vương Hưng in trên báo An Ninh Thế Giới cuối tháng, số 23 tháng 7.2003 thì: "Một hôm, Xuân Diệu nói với Hoàng Cát rằng ông vừa nghe được một nguồn tin chính xác là có một vị cán bộ ở Viện Nghiên cứu Văn học muốn mở một chiến dịch lớn để phê phán truyện Cây táo ông Lành. Nhà thơ Tố Hữu biết chuyện. Ông đã trực tiếp gọi đến thoại cho anh cán bộ kia: “Thực ra, thằng Cát (cách gọi thân mật của Tố Hữu) nó viết Cây táo ông Lành là để khen mình đấy chứ! Mình đã có ý kiến gì đâu mà các cậu cứ làm ồn lên! Sư việc rất đơn giản, các cậu đừng “đao to búa lớn” làm gì cho phức tạp thêm vấn đề...”
 Hoàng Cát mừng lắm, anh nảy ra ý định xin được gặp Tố Hữu tại nhà riêng. Nhưng hồi ấy, việc gặp đồng chí Tố Hữu đâu phải chuyện dễ, bởi những trọng trách mà ông đang đảm nhiệm." 
 
Gần cuối bài viết này lại là thông tin:
"Phải đợi đến khi không khí văn nghệ đã mở, Phùng Quán in ở báo Tiền Phong Ngày Tết xông đất nhà thơ Tố Hữu... Hoàng Cát mới quyết định đến gặp Tố Hữu. Đó là một ngày đầu xuân, Tố Hữu tiếp đón Hoàng Cát rất thân tình... Hai người gặp nhau chừng hơn một giờ đồng hồ, nói chuyện chân tình. Hoàng Cát nhắc lời một thành ngữ của Pháp: “Hiểu biết hết là tha thứ hết” (Tout comprendre est tout pardonner). Tố Hữu gật đầu cười rồi bảo rằng hồi đó ông bận việc, không hề biết người ta đã ngấm ngầm thành kiến Hoàng Cát nặng nề đến vậy. Rồi họ cùng đàm đạo chuyện văn chương và nhiều chuyện đời lý thú."
 
"Cây táo ông Lành" là truyện viết cho thiếu nhi, ca ngợi người tốt và việc tốt một cách chân thật, dung dị và xúc động. Nó chẳng ám chỉ ai, và nội dung tốt đẹp, nhân văn quá.
 
Dạo anh Min còn làm ở Tạp chí VNQĐ, thỉnh thoảng ngồi chầu rìa xem nhà thơ Hoàng Cát đánh cờ với nhà thơ Vương Trọng. Kỉ niệm về ông nay vẫn còn tươi mới.
 
                                                                           Sương Nguyệt Minh
*
Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Cây táo ông Lành" với bạn đọc. Ai chưa đọc thì nên đọc để biết một thời văn nghệ nước nhà có cách hiểu văn chương bất thường ngoài văn chương như thế, và cũng thêm một lần tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cát vừa mới đi vào cõi vĩnh hằng.
 
TRUYỆN NGẮN “CÂY TÁO ÔNG LÀNH” - Hoàng Cát
 
https://phudoanlagi.blogspot.com/2019/12/truyen-ngan-cay-tao-ong-lanh-hoang-cat.html

MỖI LẦN GẶP - Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Phan Đê, ca sĩ Hà Thảo trình bày


          

THÁNG SÁU NỬA NĂM – Trần Vấn Lệ



Tháng 6, nửa năm, còn một ngày...mà trời không gợn chút nào mây!  Nếu đêm có nắng... thì không lạ!  Nóng quá, lá vàng trong gió bay!
 
Nóng quá, bé thơ quăng cái nón, ôm chầm chân Mẹ lại buông ra!  Mồ hôi ráo được vài ba giọt, cái miệng hồng như một nụ hoa...
 
Có lúc cũng quên Trời, Chúa, Phật... Nhiều khi chỉ nhớ... Tổng Bí Thư.  Mà...Ngài như một người đang bệnh, ánh mắt như chìm trong giấc mơ?
 
Nam Bắc giang sơn liền một cõi, rừng càng quang đãng, núi mòn thêm.  Dân từ bốn chục lên trăm triệu, hòa hợp quên rồi anh với em!
 
*
Ba que nhang thắp... đời thơm ngát.  Từng bát cơm đầy gạo Sóc Trăng!  Mà ngộ ghê nha:  Sao chỉ một, sáng ngời hơn cả tỉ vầng trăng! 
 
Đứa bé thơ rời chân của Mẹ, chạy vào bụi cỏ... giống con nai.  Nó đưa tay giụi hai con mắt.  Mẹ gọi con ơi...tiếng thật dài!
 
Ai cũng thắp nhang, mình thắp tạ (*)!  Nhớ Tô Thùy Yên!  Thương Tô Thùy Yên!  Người về một bóng con đường lớn...Đại Lộ Trần Gian Không Bảng Tên!
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ
 

BẠCH THI - Thơ Nhã My, nhạc Phan Ni Tấn, ca sĩ Ngọc Quy trình bày


Nhà thơ Nhã My


               

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

TAO NÊN VỀ HỌP LỚP VỚI MÀY KHÔNG? - Thơ Lê Thị Thu Hà




TAO NÊN VỀ HỌP LỚP VỚI MÀY KHÔNG?
 
Tao nên về họp lớp với mày không?
Dẫu quắt quay nhớ phượng hồng, áo trắng
Nhưng tao nghèo, đời dầm mưa dãi nắng
Đôi vé tàu về hết hẳn tháng lương!
Ai chẳng muốn về một thuở yêu thương?
Ríu rít, líu lo má hường, môi thắm
Chúng mình bây giờ khác xưa nhiều lắm
Đâu ngang hàng như thuở tắm mưa chung?
Mày rủ tao về tìm lại thanh xuân
Nhưng Bá Kiến muốn ngồi cùng Nghị Quế
Thị Nở, Chí Phèo nhìn nhau, biết thế
Lủi thủi, ngậm ngùi bên gốc phượng xa
Có những nỗi lòng không dễ nói ra
Có những cuộc vui đọng buồn đáy mắt
Có những chia ly từ khi gặp mặt
 
                                    Lê Thị Thu Hà

BẰNG PHẬT HỌC – Đạo Bút Làng Mai

(Câu chuyện về thời gian học tại ĐH Princeton và Columbia trên đất Mỹ của thầy Thích Nhất Hạnh, 1961-1963)

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cùng các bạn học của ông tại Princeton.

Năm 1961, Thầy được chương trình Fulbright Fellowship cấp học bổng sang Hoa Kỳ học nghành Tôn Giáo Tỷ Giáo tại trường đại học Princeton từ năm 1961 đến năm 1962. Trước khi đi, Thầy thăm Phương Bối lần cuối cùng để chia tay với Thầy Thanh Từ, người cuối cùng còn lưu lại Phương Bối.
Tại Princeton, Thầy theo các khóa học về Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và đạo Bụt Trung Quốc. Thời gian ở Princeton đã đem đến cho Thầy rất nhiều cảm hứng, sự chiêm nghiệm và trị liệu bởi vì không khí bình an trong khuôn viên của trường không khác gì trong một tu viện.

XIẾT” VÀ “SIẾT” - Nguyễn Hoàng Tuân



Đây là từ thường bị dùng nhầm lẫn, vậy làm sao để phân biệt chúng?
Trước hết, ta quay về định nghĩa:
“Siết” là một động từ, thường để chỉ sự vây lấy và thắt chặt (siết cổ, ôm siết con vào lòng, siết ốc vít…)
“Xiết” thì có nhiều nghĩa hơn, mà nghĩa thông dụng nhất là “cho đến cùng, không thể diễn tả được” (gặp lại nhau vui mừng khôn xiết”, “tình mẹ không sao kể xiết”, “đẹp không tả xiết”…). Bên cạnh đó, từ này còn mô tả một trạng thái chuyển động mạnh nhưng nhanh, mỏng mà lại áp sát vào một vật khác hoặc bề mặt, như trong câu nói: má phanh xiết vào bánh xe (cũng có thể nói má phanh siết vào bánh xe), lưỡi dao mài xiết trên phiến đá…
 
Như vậy, nói “siết nợ” hay “xiết nợ” thì đúng?
 
Căn cứ vào định nghĩa như trên, ta thấy dùng “siết nợ” sẽ hợp lý hơn vì đây là hành vi làm trói buộc, ép chặt con nợ. Hay hiểu theo nghĩa đen thì, khi đến nhà con nợ mà thấy của cải thì cột chặt lại, quản lý thật chặt, không để tẩu tán, sang tay cho người khác nên phải dùng “siết”.
Tuy nhiên hiện nay, “xiết nợ” do được dùng quá phổ biến nên cũng đang dần được chấp nhận.
 
                                                                           Nguyễn Hoàng Tuân

*
Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp

KHI GẶP MỘT BÀI THƠ HAY – Thơ Trần Vấn Lệ


  


KHI GẶP MỘT BÀI THƠ HAY
 
Khi mình gặp được bài thơ Hay, không nói thì vơi hết cả ngày!  
Ai đó, cho tôi tình trọn vẹn, gặp bài thơ Đẹp thật Duyên may...
 
"Em ngồi hóa đá thành thơ,
trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu.
Em ngồi hóa đá thành chiều,
trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa.
Em ngồi hóa đá thành mưa,
trả anh cái phút anh đưa qua cầu.
Xa nào... anh có hay đâu
Đá từ lúc ấy... bắt đầu hóa em!" (*)
 
Bài thơ, không thể nào thêm,
đọc nghe rất nhẹ, thổi mềm như mây,
mà đành người đó, ta đây,
ngó sương lá rụng, nhìn cây, cây vàng...
nhắm hai con mắt, mơ màng
Bài Thơ thật Đẹp hình Nàng trong tranh!
 
 
Rồi... nguyên vẹn đấy bài thơ Đẹp.
Đã đẹp còn Hay đến lạ lùng.
Có thể Tình Yêu trong trí tưởng
Ngàn năm duy nhất vẫn Non Sông!
 
Cho anh quỳ xuống hôn đầu gối,
hôn cả bàn chân ngón Út nha!
 
                                   Trần Vấn Lệ
 
(*) Tác giả Thu Nguyệt, thấy trong cuốn Thơ Tình Việt Nam Hiện Đại, nxb Đồng Nai 1997.

MƯA NGOÀI HIÊN SÂN – Thơ Tịnh Bình


  


MƯA NGOÀI HIÊN SÂN...
 
Vẫn mưa nào có khác xưa
Nhớ ta ngày cũ dưới mưa nô đùa
Trò chơi trận giả thắng thua
Bận chi vinh nhục tạnh mưa tan rồi...
 
Ngắm mưa sao cứ bồi hồi
Tiếng cười lảnh lót xa xôi vọng về
Giọt mưa có phải giọt mê
Lạnh không sao chẳng chán chê lại cười?
 
Mưa đâu phải lệ từ trời
Đêm nằm thao thức ngỡ lời riêng ai
Mưa rơi... Tôi ước mưa hoài
Ngỡ mình bầy trẻ chơi ngoài hiên sân...
 
                                           Tịnh Bình
                                           (Tây Ninh)

BẾN MÙ SƯƠNG – Thơ Lê Phước Sinh


  

 
BẾN MÙ SƯƠNG
 
Chim hót giọng khan đi vì nắng hạn,
sáng hôm nay vừa dạo nhạc chương đầu.
 
Hoa hé nở thập thò giấu bệnh,
vẫn xanh xao sợ gió chướng lạ luồng.
 
Đừng nghĩ ngợi đường xa hay gần,
dẫu tròn trăng hay liềm khuyết
ngáng chân
ngã sõng soãi.
Mặc kệ.
 
                                   Lê Phước Sinh

MỘT VỤ ĐẠO KINH BI HÀI - Thơ Bùi Chí Vinh


  

MỘT VỤ ĐẠO KINH BI HÀI
 
Kinh Hòa Bình của đạo Công Giáo
Sao lấy làm của mình
Lại còn ghi chú là "lời Phật dạy"
Chúa chắc thêm lần nữa bị đóng đinh
Nhưng Giê Su vốn dĩ nhân lành
Ai tát vào má phải, ta chìa thêm má trái
Con người trên trái đất này đều là anh em
Cho nên Chúa chẳng có gì ái ngại
Chính lúc quên mình là lúc bản thân ta tìm thấy
Tiếng chuông ngân hay tiếng gõ mõ đều buồn
Chúa và Phật từng bị đời lăng nhục
Kinh Chúa có thành kinh chùa vẫn chan chứa yêu thương !
 
                                                                            6-7-2024
                                                                        Bùi Chí Vinh
*
Phụ bản:
 
KINH HÒA BÌNH
 
Bản Tiếng Việt:
 
Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thưong vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi th tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống
Những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
 

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

THÁNG SÁU THÁNG KHÔNG CÓ MƯA - Trần Vấn Lệ



Tháng Sáu tháng không có mưa, chỉ có nắng gió, cây dừa xiêu xiêu... Nắng tinh sương, nắng tới chiều, chim không hót nổi mà kêu thì thào...
 
Bốn mùa không thể giống nhau, trời sinh ra thế:  Cái Màu Thời Gian!  Coi kìa, Bến Hải - Hiền Lương, nửa bên đỏ, nửa bên vàng, thấy chưa?
 
Xe bus vàng chở học trò, tháng Sáu không chạy, bây giờ ngủ đi!  Có hai đứa bé thầm thì, đợi xe bus khách mình về công viên!
 
Hai đứa bé và bầy chim cùng nhau tránh nóng đi nhìn cỏ hoa...Ở đâu còn chút sương nhòa, còn thương yêu nhé, còn ta còn mình...
 
Trời ơi ai khiến tôi nhìn cái Duyên mùa Hạ, cái Tình mùa Xuân?  Cái gì Có cũng là Không, nhà Sư Minh Tuệ  có lòng Tỉnh Mê!
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

LÊ - MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P1) – Hồ Bạch Thảo



Trong giai đoạn này, Lê, Mạc tiếp tục tương tranh. Phía Lê tướng Trịnh Kiểm chết, hai con Cối, Tùng tranh quyền. Rốt cuộc, Cối hàng Mạc, riêng Trịnh Tùng vẫn giữ vững cơ đồ cho nhà Lê.
 
Mạc Phúc Nguyên mất, con là Mạc Mậu Hợp nối ngôi, trị vì 32 năm, lần lượt dùng 6 niên hiệu: Thuần Phúc [1562-1565], Sùng Khang [1566-1577], Diên Thành [1578-1585], Đoan Thái [1586-1587], Hưng Trị [1588-1590] Hồng Ninh [1591-1593].
 
Tháng Giêng năm Thuần Phúc năm thứ 1 [4/2-4/3/1562], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 5, Minh Gia Tĩnh năm thứ 41, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, Nhập nội phụ chính Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng ẵm Mậu Hợp ra coi chầu. Tôn ông chú là Khiêm Vương Mạc Kính Điển là Khiêm Đại Vương, Hoa quận công làm chưởng Triều Đông vệ, Phò mã đô uý Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn chưởng Phù Tây vệ, Thạch quận công Nguyễn Quyện chưởng Phù Nam vệ, Phò mã tông chính thái bảo Ninh quận công chưởng An Bắc vệ.