BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

LÀNG CÁ BÈ LA NGÀ – Thoi Le van


Hai vợ chồng Thoi Le van


Theo dòng lịch sử, vào những năm 1989 – 1990, bà con Việt kiều từ Campuchia trở lại quê hương đã tập trung nhau ở dòng sông La Ngà và hình thành nên làng cá nổi đến ngày nay. Những người từ Campuchia trước đây đều sống cuộc sống trôi nổi, lênh đênh trên biển hồ nên họ quen với lối sống đó, tiếp tục cuộc sống trên bè với nghề nuôi cá khi về quê hương.




Đến nay, dọc dòng sông La Ngà đã có đến gần 200 hộ sinh sống với hơn 500 lồng bè. Những người dân sống tại làng bè sống theo hình thức cha truyền, con nối, nhờ đó mà giữ được làng nghề cho đến hôm nay.
 
Kiểu thiết kế của từng chiếc bè là kiểu “thượng gia hạ lồng”, được hiểu là bên trên là phần nhà ở làm bằng ván còn bên dưới là lồng nuôi cá, có nước trung bình từ 1.5m. Gỗ được dùng để làm bè cũng phải là loại gỗ có chọn lọc, có sức bền chịu được nước trong thời gian dài. Mỗi bè cá ở làng La Ngà thường không được cắm cố định mà sẽ di chuyển theo tình hình thời tiết, nếu những ngày nước cạn thì bè sẽ phải ra giữa dòng sông. 

 


Đứng trên cầu La Ngà, bạn sẽ có thể có cái nhìn tổng quát toàn cảnh cả Làng Cá Bè trên sông La Ngà.

Hai thời điểm thích hợp để đến với Làng Cá Bè La Ngà là lúc bình minh và lúc hoàng hôn Cảnh trí sẽ vô cùng tuyệt diệu và đầy màu sắc. Vùng sông nước bao giờ cũng thật đẹp khi được ánh mặt trời chiếu rọi.
 
Đến với bè cá La Ngà, bạn còn có thể trải nghiệm câu cá, đây là một trải nghiệm đòi hỏi sự kiên nhẫn cao nên bạn có thể thư giãn mình, giải tỏa stress rất hiệu quả. Tạm rời xa khói bụi của thành phố, về vùng quê yên bình và tự mình câu cá, thưởng thức những món ăn đặc sản từ cá là điều tuyệt vời. Bạn có thể tự chế biến hoặc nhờ ngư dân ở đây chế biến cho bạn đặc sản của vùng sông nước này. 
 
LÀNG CÁ BÈ
 
Nơi đây, cuộc sống quả khác đời,
Mặt nước, eo sèo, lững lờ xuôi,
Ẩn dưới, lồng bè, nuôi đầy cá,
Bên trên, nhà cửa, dưỡng bao người,
Sông nước, an lành, thuyền ghe lướt,
Trời mây, thoáng đạt, lục bình trôi,
Làng bè, lạc cảnh như tranh vẽ,
Lữ khách, chôn chân, ngẩn ngơ người.
 
                                           Lê Châu
 
                                                                                      Thoi Le van

ĐƯỜNG VỀ QUÊ NGOẠI MIỀN TÂY… - Tranh của Lê Sa Long

…Nước mắt rơi trên đường đã dài
Nước mắt đưa chân về cội đời
Giọt lệ vàng không mùi
ngược trôi về với đơn côi.
Nước mắt êm đi vào tuổi trời
Nước mắt khô âm thầm không lời
(Nước Mắt Rơi- NS Phạm Duy)
 
 
Tranh “ĐƯỜNG VỀ QUÊ NGOẠI MIỀN TÂY…”
KT 77x 77 cm
 

Vị cựu Đại tá- thủ trưởng ngày xưa của tôi tâm tư:
“Khi quyết định mở cửa, nới lỏng giãn cách thì Các vị LĐ địa phương, và Viện Kinh tế, KHXH… lẽ ra đã phải hình dung dự báo trước và tham mưu cho CP rằng: nhiều công nhân và gia đình họ vốn quê ở các tỉnh, bốn tháng vừa rồi bị kẹt tại chỗ nay vừa cạn tiền vì không có việc làm, người dân lao động sẽ tìm cách rời thành phố ngay khi được nới lỏng.
Họ về sẽ rất khó cản ngăn, vì lòng đã quyết! Nhưng tôi tin họ về rồi họ sẽ quay lại, vì cuộc sống của chính họ!
 
Nếu dự đoán như vậy thì CQ phải sắp xếp, tạo điều kiện cho họ về rồi quay trở lại êm thắm thay vì tìm cách ngăn cản, buộc họ quay đầu, hay tạo ra các khu vực có chính sách riêng…
Qua đây, tôi thấy công việc dự báo, liên quan đến chủ trương chính sách để mỗi chính sách ban hành có được sự nhất quán, thấu đáo - đang có vấn đề. Mong các vị công bộc nào có thẩm quyền, có dịp “điền dã” ở nhà trọ chật chội 3 ngày cùng đồng bào; hay đi cùng bà mẹ trẻ giữa đêm nhói lòng vì con khát sữa, đứng chờ bên lề đường ru con ngủ, kiên nhẫn bám trụ chờ thông chốt để về quê ngoại miền Tây, thì sẽ hiểu DÂN và ra những quyết định phù hợp ĐỒNG BÀO…”
 
*
 
NHÓI LÒNG
 
Tôi vẽ xong tranh này vào lúc 2h ngày 5-10. Trời chuyển về sáng!
Chợt nhớ cũng vào thời gian ấy ngày 30 -9 rạng sáng ngày 1-10 (ngày mà mọi người nói vui là “Tết”) đã có hàng ngàn đồng bào chờ thông chốt, sau cùng may mà có quyết định ở trên cho đi. CQ bố trí xe đưa đón bà con, lực lượng Công an và quân đội hỗ trợ phương tiện vận tải đưa xe máy người dân về quê nhà…
 
Đường về quê ngoại miền Tây
Xa lơ xa lắc, mắt cay bụi trần...
 
- Tranh này Long sử dụng bố cục tròn như các HS thời Phục hưng (như Raphael, Leonardo da Vinci... ) hay các HS chuyên về tranh nhà Thờ hay vẽ. Dụng ý chỉ sự tuần hoàn của thiên nhiên, con người… Xuân hạ thu đông, vui buồn tuyệt vọng, ra đời và chết đi…
- Với dân tộc Việt: là những chuỗi di dân- hồi hương. Ngoài ra nói sự bế tắc, đi vòng vòng “con kiến mà leo cành đa”…)
- Tranh nhấn mạnh 3 điểm chính tạo bố cục tam giác nhỏ trong vòng tròn: Bảng cấm đỏ QL 1 - Ánh mắt khắc khoải vô định ngơ ngác của người mẹ trẻ - khuôn mặt say ngủ sau chặng đường dài của bé.
- Bầu trời vần vũ như sắp mưa bão
(Quả thật tối ngày 2 và 3/10 có mưa - bà con vẫn đội mưa về quê). 

                                                                                      Lê Sa Long

ĐÔI MẮT – Thơ Đặng Tiến

Cảm tác trước bức tranh xúc động ghi lại đôi mắt người mẹ ánh lên một cách kỳ lạ khi rời TP.HCM về quê ngày 30.9. (Bức tranh: ngủ ngon A Kai ơi của hs Lê Sa Long). Nhà thơ Đặng Tiến đã viết bài thơ

 
   


ĐÔI MẮT
 
"Nàng Tô Thị bồng con đợi chồng hóa đá
Ai nhìn ra đầu tiên mỏm núi vô tri thành "Vọng phu"?
Người mẹ trẻ tóc rối bù trong mùa đại dịch
Ôm con trở lại quê nhà
 
Hoàng hôn hiện sắc màu ma quái
Ẩn hiện trong bóng chiều nhợt nhạt
Những bóng người ủ dột
Những hình người tả tơi
Những dáng người vặt vẹo
Người mẹ vươn người đứng thẳng
Ôm con thơ trong lòng
Bé em đôi mắt nhắm
Miệng hé mở chừng như đói lả
Người đàn bà mắt mở to nhìn thẳng
Phía trước kia là quê cũ...
 
Chùm khế chua
Sông cạn trơ ngầu đục
Làng quê vắng lặng
Chốt chặn
Chốt chặn...
 
Người đàn bà bơ vơ
Ôm con trông đợi ai
Trời thì cao
Đất thì dày
Ù lì, câm điếc"
 
Đặng Tiến

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

HÀNH ĐỘNG CAO ĐẸP CỦA TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG NHẬT BẢN GÂY XÚC ĐỘNG

Nguồn:
http://www.tapchigiaothong.vn/hanh-khach-om-hu-tro-cot-vo-bat-khoc-vi-hanh-dong-cua-tiep-vien-d46407.html
 


 Mới đây, một tài khoản trên Twitter đã đăng tải bài báo mà bố của anh ta chia sẻ về hành trình đưa tro cốt vợ về nơi an nghỉ cuối cùng của một người bạn. Trong khoảng thời gian ngắn, câu chuyện này đã chạm đến trái tim của hàng trăm nghìn người trên mạng xã hội, khiến người ta không khỏi cầm lòng trước hành động tuyệt vời của tiếp viên hàng không.

Câu chuyện kể rằng người đàn ông ấy và vợ cùng chung sống với nhau hơn nửa thế kỷ.
Họ sinh sống ở Yokohama nhưng quê nhà của họ thì ở Saga, Kyushu. Khi vợ mất ông đã quyết định đem tro cốt của bà về với quê cha đất tổ. Ông biết việc vận chuyển tro cốt của người đã khuất phải làm thủ tục đặc biệt với hàng không. Ông bỏ hũ tro vào một cái hộp nhỏ rất chắc chắn và cũng rất xinh đẹp, và khi làm thủ tục ông cũng trình bày rất rõ ràng với nhân viên hàng không. Ðội ngũ nhân viên sân bay đã đồng ý cho ông mang hộp đựng bình tro cốt lên máy bay, nhưng với điều kiện họ phải được phép giữ và bảo quản kỹ càng chiếc hộp trong suốt chuyến bay. Ông đồng ý ngay. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi ông ngồi xuống ghế của mình.

Một cô tiếp viên hàng không bỗng đi đến gần ông và hỏi một câu nhẹ nhàng:
- "Thưa ông, Chúng tôi đã sắp xếp một chỗ ngồi cho bà. Ông cho phép tôi chuyển bà ngồi cạnh ông nhé".


Cô tiếp viên hỏi xong, trong lúc ông vẫn còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì cô tiếp viên đã nhẹ nhàng đặt chiếc hộp đựng hũ đựng tro cốt lên chiếc ghế cạnh ông. Cô còn nhẹ nhàng cài đặt dây an toàn cho cả chiếc hộp như cài dây cho một hành khách. Xong cô cúi đầu nói: "Xin chào hai quý khách!".

Hành động nhỏ mà vô cùng cao đẹp này của người tiếp viên và phi hành đoàn đã thắp sáng hạnh phúc tưởng chừng như tắt lụi của người đàn ông kia. Vậy là ông vẫn còn được bay cùng bà chung 1 chuyến về thăm quê nhà.

Khi câu chuyện được chia sẻ, mọi người đều có ấn tượng tốt đẹp với cách sắp xếp và cư xử tâm lý của phi hành đoàn. Cư dân mạng không khỏi xúc động khi bình luận rằng:

- "Họ đã thật sự cho ông ấy một chuyến đi ý nghĩa nhất cuộc đời”
- "Tôi thật sự không thể cầm được nước mắt khi đọc câu chuyện này”
- "Nước mắt của tôi sao nó cứ rơi, nhưng không phải vì buồn mà vì hạnh phúc thay cho ông ấy”.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

TRANH HIẾM CỦA NHÀ VĂN NHẤT LINH ĐƯỢC ĐẤU GIÁ THÀNH CÔNG TRÊN SÀN QUỐC TẾ - Ngô Kim Khôi

Nguồn:
https://www.facebook.com/ngo.kimkhoi/posts/10222583493510254
 
La Tonkinoise Et La Vieille Sage của Nguyễn Tường Tam (1905 - 1963) 
 Ảnh: AGUTTES. Khoảng 1927. Tranh khắc gỗ.
 
 
Mộc của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bên phải dưới, 
có lời đề tặng và chữ ký của Victor Tardieu.
 
Sau nhiều lần đấu giá không thành công, bức tranh khắc gỗ của Nguyễn Tường Tam đã được gõ búa trong phiên đấu Aguttes 30/9/2021 ở mức 8.000€, thêm 29% phí và thuế, giá thành tương đương khoảng 270 triệu VND. Tôi cho rằng mức giá này quá hời đối với sự quý hiếm của bức tranh.

ĐÊM THU – Tùy bút của Trần Mai Ngân




ĐÊM THU
 
Đêm Thu
   Một dải Ngân Hà lấp lánh vây lấy vầng Trăng đầy tròn khi màu xanh, khi màu vàng. Loáng thoáng trên trăng có dáng của Hằng Nga trăm năm diệu vợi... không biết vui buồn. Cứ mãi khuôn trăng đầy đặn, nụ cười hiển nhiên xa vắng...
 
Đêm Thu
    Một và nhiều kỷ niệm kéo về... Nào là khăn voan áo cưới, xác pháo và hoa Giấy rơi rơi... Nào là hụt hẫng hoang mang khi qua đi thời thiếu nữ...
    Lâu ngày, nhiều tháng, qua năm... qua năm tất cả trở nên im ắng như đám mây nhiệm vụ là phải trôi đi theo gió!
 
Đêm Thu
     Một trái tim thức giấc và thấy nó vẫn còn đập. Đập để nuôi nhịp thở sáng, trưa, chiều, tối...
     Lắm lúc trái tim buốt đau khi chợt nhận ra nó đã phai úa và chẳng còn bao lâu nữa!
 
Đêm Thu
     Có những hội ngộ, có những chia tay. Đôi khi chỉ là tạm biệt, nhiều khi là vĩnh viễn. Con người ta hay rơi lệ khóc người, khóc mình...
     Sắc không hư ảo . Rồi cũng quên và quen thôi!
 
Đêm Thu
      Thiền! Quạnh vắng lắm âm thanh đêm thật thà yên lặng... Thở, thở... nghĩ đến một điều hay một người duy nhất luôn canh cánh bên lòng...
     Thiền ! Thở và nghĩ. Thở và nghĩ. Đêm Thu.
                              
                                                                                   Trần Mai Ngân

HẠNH PHÚC, HÃY BẮT ĐẦU CUỘC RONG CHƠI NGẬM NGÙI, HÃY ĐẮP GIÙM TÔI MỘT LÁ CỜ, HÃY MANG GIÙM TA NHẸ BỔNG MỘT TRÁI TIM – Thơ Lê Văn Trung


   

         
HẠNH PHÚC
 
Nếu có thật một lần thôi Hạnh phúc
Anh và em và cây cỏ chim muông
Về tụ hội nơi bắt đầu sự sống
Nhìn lại mình từ nguồn cội đau thương.
 
 
HẤP HỐI
 
Khi kiệt sức nơi cuối đường sinh tử
Em bỗng nhiên thành Bụt rất từ bi
Ta hấp hối chắc chiu từng hơi thở
Nguyện yêu người bất tuyệt lửa cuồng si.
 
                              (Cát bụi phận người)
 

PHẠM DUY CÒN ĐÓ MUÔN ĐỜI - Trần Mạnh Hảo

Nguồn:
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/2837875883151264
 
Ca sĩ Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy.
(Nhân 99 năm ngày sinh Phạm Duy 5-10-1921 -- 5-10-2020)

 
“Thơ hay có thể bị vua bắt
Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà”
(Trích bài thơ “LÝ BẠCH” của Trần Mạnh Hảo)

Chúng tôi (TMH) xin mượn tên cuốn sách: “Phạm Duy” còn đó nỗi buồn” của họa sĩ, nhà văn Tạ Tỵ làm tiêu đề cho bài viết về nhạc sĩ Phạm Duy của mình.
Phạm Duy - (từng là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam, từng là giáo sư dạy trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, một nhà nghiên cứu âm nhạc xuất sắc, một nhà văn, nhà báo có phong cách riêng khi viết báo, viết hồi ký) - kể từ bài hát đầu tiên phổ thơ Nguyễn Bính, bài “Cô hái mơ” viết năm 1942 đến nay, đã có hàng mấy trăm bài hát (có người còn cho ông đã viết đến con số trên dưới 1000 bài?) làm xúc động lòng người Việt Nam suốt hơn 70 năm nay. Phạm Duy không chỉ là một hiện tượng âm nhạc vắt qua hai thế kỷ; hơn nữa, ông còn là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng văn hóa, một hiện tượng lịch sử, cần phải có nhiều nhà Phạm Duy học mai sau nghiên cứu về ông.

CHUYỆN VỀ 3 LẦN XEM TƯỚNG TAY QUA ẢNH – Đặng Xuân Xuyến




Tầm gần 11 giờ trưa ngày 26 Tháng 8 năm 2021, dạo facebook, tôi bị hút hồn bởi ảnh bàn tay minh họa cho status của họa sĩ, nhà giáo Nguyễn Duy Chuẩn:
 
KHÓC NGÓN TAY             
 
Đang vẽ tự dưng đau ngón tay
Cứ tưởng ngày xưa con muỗi đốt
Mải làm một tí sẽ quên ngay
Nào ngờ đã uống mươi ngày thuốc
Không đỡ thì thôi vẫn cố đau
Quanh quẩn tìm phương như chống giặc
Đủ điều trong ấy đã yên chưa?
...
Giận mình mới vậy mà than khóc
Khóc người không khóc khóc ngón tay?”
 

TRAO NẮNG THÁNG MƯỜI... – Thơ Tịnh Bình


    
           Nhà thơ Tịnh Bình

 
TRAO NẮNG THÁNG MƯỜI...
 
Khẽ bước gió ngập ngừng trên ngói cũ
Thu chưa phai khắc khoải tháng Mười sang
Ta ngắm trộm ban mai bầy sẻ nhỏ
Chíu chít mừng vui trên tán lá vàng
 
Thu chênh chao giọt trăng vàng bỏ ngỏ
Thoáng dư âm hờ hững phím dương cầm
Mơ suối tóc gót hài qua lối nhỏ
Dịu dàng ơi sao cứ mãi bâng khuâng...
 
Khua lối nắng cánh chuồn như lơ đãng
Đậu cành khô ngẫm ngợi vẻ mông lung
Mùa phong tỏa làn hương không chạm tới
Thăm thẳm xa môi mắt ấy thẹn thùng...
 
Xao xác phố lá rơi như hờn dỗi
Tím heo may trên lối cúc u hoài
Thu bẽn lẽn viết tình thư gửi gió
Trao tháng Mười vạt nắng mới cầm tay...
 
                                         TỊNH BÌNH
                                           (Tây Ninh)

VĨNH HẰNG VỰC SÂU KHÔNG ĐÁY – Thơ Khaly Chàm


   


vĩnh hằng vực sâu không đáy
 
ánh sáng kích hoạt thần kinh thị giác
gam màu xám tương thích giọng lưỡi khải huyền
hàng triệu năm quá vãng không dư vang tiếng chuông
 
tro bụi tạo gạch nối qua duy lý đồng thuận
khoảng cách hai bên đều nhú mầm tái sinh không tưởng
trong rỗng trắng hồn nhiên việc giao phối khái niệm
vô số ngẫu tượng trần truồng khắp cùng ba ngàn thế giới
 
vải liệm cuộn thân nằm ngủ mơ trong hang đá
lũ ấu trùng quẫy mình bơi ngược vào bóng tối
tử cung thiên đàng nuôi dưỡng quán tính cụt đuôi
vác thập tự đi hoang rối loạn ảo giác nhòe nhoẹt chân lý
 
còm nhom hành giả kiết già ngậm khí âm dương
pháp môn tịnh thiền vón cục sượng sần
thượng tần cảnh giới niết bàn chơn hồn bị chột mắt
 
cư dân hiện hữu nhũn não bú mớm niềm tin láu cá
chúng ta âm thầm trải nghiệm sự sống chết như một trò đùa
chẳng ai cần quan tâm cho một mệnh đề tồn tại
con mắt tiểu sành hun hút vực sâu không đáy
 
                                                                        khaly chàm
                                                                    tptayninh 9/2021

THƠ ĐƯƠNG THÌ CON GÁI – Trần Mai Ngân


   


THƠ ĐƯƠNG THÌ CON GÁI
 
Thơ đương thì con gái
Là lúc em yêu anh
Nụ tình treo rất xanh
Chờ kết thành trái chín…
 
Thơ ghi hôm luýnh quýnh
Anh ngỡ ngàng nhìn em
Đôi mắt huyền mi cong
Dáng hoa người trong mộng
 
Thơ say mê đồng vọng
Tả không hết chuyện mình
Một đôi rất đẹp xinh
Như trời ban trao tặng…
 
Anh nhiều lần căn dặn
Những phản trắc lòng người
Ngày sau ai biết được
Nên em hãy mỉm cười
 
Yêu anh em làm thơ
Trăm nghìn bài như một
Chỉ tình yêu ngu ngơ
Quên hết lời anh dặn…
 
Nước mắt rơi giọt mặn
Thơ chín cả trái sầu
Giờ biết phải tìm đâu
Thơ đương thì con gái…
 
           Trần Mai Ngân
 

   

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

NGUYỄN LINH KHIẾU, NẾU TA CÓ MỘT NẮM ĐẤT - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
 

Thơ Nguyễn Linh Khiếu là dòng thơ trữ tình mới. Anh tin vào khả năng của ngôn ngữ trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, mang đi ý niệm truyền sinh, phồn thực, ca ngợi thiên nhiên, trong khi vẫn thường xuyên tra hỏi các vấn nạn lịch sử. Đó là kết hợp giữa tự sự sinh thái và trữ tình xã hội. Những điều ấy được thực hiện trong thể thơ tự do, với những câu dài, kỹ thuật trùng điệp, với các nút thắt mở của trường ca. Nguyễn Linh Khiếu cần thơ trữ tình để vượt qua các khoảng cách, kết nối sự vật trong không gian và thời gian. Anh cũng vượt qua các tập quán, thiết chế, điển lễ, các rào cản xã hội, bằng cách đối thoại với thiên nhiên; và tôi cho rằng đó là chọn lựa thích hợp. Thơ của anh mở ra từng đợt như sóng, nhiều bài nối tiếp nhau, ngay cả những bài ngắn, độc lập, cũng dễ dàng được đặt vào giữa các bài khác, thành những chuỗi, thành chủ đề.
 
nếu ta có một nắm đất
ta sẽ vùi hạt hạnh vào trong
cầm trên tay đợi khi mùa xuân tới
hạt hạnh trong tay sẽ lặng lẽ nảy mầm
nếu ta có một cánh đồng
ta sẽ cày bừa xới vun đất đai màu mỡ
trên cánh đồng ta chỉ trồng hoa hạnh
ai đi qua cũng trầm trồ cánh đồng hoa hạnh của nhà thơ
nếu ta có một quốc gia
trên lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh
người yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng
thiên đường hoa hạnh của thi nhân.
 

AI CŨNG CÓ MỘT LẦN – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Nguyễn Hữu Tân

  
  
                             Nhà thơ Quách Như Nguyệt


AI CŨNG CÓ MỘT LẦN
 
Ai cũng có một lần
Trái tim quên đóng cửa
Cũng một lần, để tâm trí u mê
Em cũng có một lần
Yêu anh trong mù quáng
Tim lang thang không tìm thấy đường về!
 
Ai cũng có một lần
Bỏ mặc lời răn Chúa,
Phật từ bi chỉ năm giới rành rành
Lú lẩn, vô minh… Trái cấm quá ngon lành!
Mộng muốn thành nên phạm tội, buông lơi!
 
Trái cấm chín trên cao quyến rũ gọi mời
Con rắn độc chuyển mình lời ru ngủ
Con sâu khờ đục khoét tưởng nghìn thu
Ai ngờ khổ, khổ đau còn dai dẵng
 
Ai cũng có một lần… yêu khắc khoải
Yêu điên cuồng và nhớ đến quắt quay
Em yêu anh hơn ma túy, rượu say
Một lần thôi, xin một lần rồi thôi!
 
Ai cũng có một quãng đời rạng rỡ
Yêu một thời mà cứ ngỡ thiên thu
Ngỡ là yêu đâu ngờ là sám hối!
Yêu một thời rồi suốt kiếp đơn côi
 
Trái yêu đương ôi ngọt ngào vẫy gọi…
Càng trên cao, càng thấy khát khao nhiều!
 
Em có Anh, tưởng thiên đường rộng mở
Có đâu ngờ, vào địa ngục, như mơ…
 
                                  Quách Như Nguyệt


     

Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân

THƯƠNG BẠC – Thơ Lê Bá Lư




 
THƯƠNG BẠC
 
Trung thu xứ Huế trời trong sáng
Trên chiếc thuyền neo trên sông Hương
Khách với giai nhân ngồi đối ẩm
Kề vai kể những chuyện hoang đường
 
Suốt dải Hương Giang trăng trải đầy
Ngạt ngào Thương Bạc phấn hương bay
Chen trong tiếng sóng êm êm vỗ
Đàn, sáo ngân nga giọng tỉnh say
Mời khách cùng em bước xuống thuyền
 
Đôi ta bơi lạc xứ thần tiên
Đêm nay thức trọn vui ân ái
Quên hết nhân gian lắm muộn phiền!
 
Lời nàng thương nữ êm như nhạc
Lấp lánh nước trời muôn mảnh trăng
Son phấn bay lừng làn tóc rối
Khách hồn như nhẹ thoát lâng lâng
 
Khách bước xuống thuyền ra biển ngây
Cùng nàng kỹ nữ suốt đêm say
Say trăng, say rượu, say tâm sự
Say nhạc, say tình, say mãi say...
 
Trời vừa hửng sáng khách từ giã
Lòng khách vô tình như mây qua
Mà có biết đâu lòng thương nữ
Nỗi buồn dâng ngập thật bao la!
 
                          Lê Bá Lư
               (Sân Thượng Nhà Em)