BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT, PHẦN III : THƠ NÓI LÁI - La Thụy sưu tầm và biên tập

Sau khi giới thiệu dạng thơ bình thanh, dạng thơ đọc nhiều cách và dạng thơ Việt đệm ngoại ngữ đến quý bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi mời quý bạn đọc thưởng thức thêm một dạng thơ Việt Nam đặc biệt nữa, đó là dạng thơ nói lái     

         
                              La Thụy

     NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT - PHẦN III :
                                       THƠ NÓI LÁI

Những nhà thơ chuyên viết dạng thơ nói lái là nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, nhà thơ Võ Quê.

Đọc thơ HỒ XUÂN HƯƠNG, chúng ta thấy bà nói lái thật dí dỏm:

     Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
     Trái gió cho nên phải lộn lèo. 
                          (Kiếp Tu Hành)

     Quán sứ sao mà cảnh vắng teo
     Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo.
     Chày kình, tiểu để suông không đấm,
     Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo. 
                           (Chùa Quán Sứ)

     Đang cơn nắng cực chửa mưa hè,
     Rủ chị em ra tát nước khe. 
                             (Tát nước)

     Thú vui quên cả niềm lo cũ
     Kìa cái diều ai nó lộn lèo. 
                        (Quán Khách)  


Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT PHẦN II : THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH, THƠ VIỆT ĐỆM NGOẠI NGỮ - La Thụy sưu tầm


                    
                           La Thụy


 NHỮNG DẠNG THƠ VIỆT NAM ĐẶC BIỆT PHẦN II : 
 THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH, THƠ VIỆT ĐỆM NGOẠI NGỮ

 Ngoài DẠNG THƠ BÌNH THANH đã đăng :

  a/ http://www.art2all.net/tho/lathuy/dangthobinhthanh.htm
  b/ http://phudoanlagi.blogspot.com/2011/09/dang-tho-binh-thanh_21.html

Sau đây, mời các bạn đọc một số dạng thơ đặc biệt khác.


   I - THƠ ĐỌC NHIỀU CÁCH 

      1. Đọc theo 2 cách: 
 
       ĐỀ TRANH MỸ NỮ
        (Thuận nghịch độc) 

       Đọc xuôi:  
         
       Hương tiên gác vắng nhặt ca oanh            
       Bận mối sầu khêu gượng khúc tranh                      
       Sương đỉnh trướng gieo từng dục mộng,                            
       Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình.                      
       Vàng thưa thớt cúc tan hơi dạm,                            
       Lục phất phơ sen đọ rạng thanh                          
       Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm                              
       Phòng tiêu lạnh lẽo khoá xuân xanh.
                                             
       Đọc ngược (theo âm Hán Việt):
                             
      Thanh xuân toả liễu lãnh tiêu phòng                          
      Cẩm trục đình châm ngại điểm trang.                          
      Thanh rạng độ liên phi phất lục,                            
      Đạm hi tan cúc thát sơ hoàng.                                
      Tình si dị tố liêm biên nguyệt,                            
      Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương.                              
      Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bận,                            
      Oanh ca nhật vĩnh các tiên hương                
                                     PHẠM THÁI

      2. Đọc theo 6 cách:

      CỬA SỔ ĐÊM KHUYA

      Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
      Lạ cảnh thêm buồn nợ vấn vương
      Tha thiết liễu in hồ gợn bóng
      Hững hờ mai thoáng gió đưa hương
      Xa người nhớ cảnh tình lai láng
      Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
      Qua lại yến ngàn dâu ủ lá                    
      Hòa đàn sẵn có dế bên tường                        
                        HÀN MẶC TỬ

     Cách đọc 1:   Đọc xuôi
     Cách đọc 2 :  Đọc ngược
     Cách đọc 3 :  Bỏ 2 chữ đầu  ở mỗi câu đọc xuôi
     Cách đọc 4:   Bỏ 2 chữ sau ở mỗi câu đọc xuôi
     Cách đọc 5 :  Bỏ 2 chữ đầu ở mỗi câu đọc ngược
     Cách đọc 6 :  Bỏ 2 chữ sau ở mỗi câu đọc ngược  

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

NGÀY SINH NHẬT HẠNH – Đức Hạnh cùng thi hữu





    NGÀY SINH NHẬT HẠNH

    Ngày tháng Tám đường trần mộng ước
    Gửi tâm tình Ngựa lướt thời gian
    Ái ân mở cửa Thiên đàng
    Yêu em đã mấy thu vàng hỡi trăng ?

    Sinh Nhật đến vườn hoa nở thắm
    In dòng đời nhớ lắm trăng sao
    Nguyệt thường trải ngọc vẫy chào
    Hỏi thăm và chúc vườn đào nở hoa

    Ngày Thu đến nai vàng có nhựng
    Hỡi Anh yêu ngựa chứng về đâu ?
    Ân đời đã nhuộm mái đầu
    Tứ thơ vẫn nở qua cầu ái ân

    Hoa hạnh phúc tình yêu mãi nở
    Ánh mắt nàng muôn thuở vấn vương
    Ngày tươi thắm chúc Bạn đường
    Hương tình ấp áp cảnh vườn thắm xuân.

                                             Đức Hạnh
                                            10.08.2017

    HỌA


Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

GIAO MÙA - La Thụy cùng thi hữu




    
    GIAO MÙA

    Heo may xào xạc lá vàng rơi
    Vạt nắng vàng hanh nhuộm góc trời
    Chao cánh đùa mây bầy hải yến
    Nghiêng đầu hé nụ đóa mân côi *
    Niềm đau hạ cũ dường đang cạn
    Nỗi nhớ thu xưa tựa đã vơi
    Cốm nếp đầu mùa hương nhẹ thoảng
    Phím đàn ngân vọng nhạc lòng rơi
                                             La Thuỵ
   * Mân côi (hoặc mai khôi): Hoa hồng 

    HỌA:

   ĐỌC GIAO MÙA NHỚ CỤ ĐỒ YÊN ĐỖ
   Giao mùa vẫy gọi lá thu rơi
   Chạnh nhớ Tam Nguyên ngự cuối trời
   Cần trúc bơ vơ miền quạnh quẽ
   Chiếc thuyền thấp thoáng bến mồ côi
   Vui khi sách bút dăm bồ khẳm
   Xót buổi viên điền nửa gánh vơi
   Nước cũ hồ xưa lưu thế nghiệp
   Nhạc chiều hoài niệm giọt vàng rơi !
                           Trương Đình Đăng
                                11/8/2015

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH - La Thụy cùng thi hữu





    NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH

    Sáu ba sắp tới : chửa phai xuân
    Tàn cuộc chơi rồi mới tỏ phân
    Thơ túi rượu bầu bay bướm mãi
    Cờ bàn sách kệ thảnh thơi dần
    "Trồng người" một thuở đang nhìn quả
    "Gieo hạt" bao năm đã chọn nhân
    Quá nửa đời a! Còn xanh mộng
    "Vô vi" đỡ nhọc đến phàm thân

                                    La Thuỵ

    HỌA:

    CỰC THÂN GIÀ

    Bảy lăm sắp mãn: úa tàn xuân
    Mở ngón lần tay: ấy rõ phân
    Tóc trắng thân gầy đau mỏi mãi
    Da nhăn má hóp rệu long dần
    U mê một thuở đang thành quả
    Uế tục bao thời đã tạo nhân
    Đã hết đời ư ! Tàn cuộc mộng
    Đêm nghe chuyển tiết cực già thân

                               05.8.2017
                        Hương Thềm Mây
                   (GM.Nguyễn Đình Diệm)

PHỞ NƯỚC HÀ THÀNH - Thơ Nguyễn Khôi


    


        PHỞ NƯỚC HÀ THÀNH 
        (Tặng Phú Đoàn và các bạn thơ)

        Đến Hà thành
        chưa ăn "phở nước" (1)
        chưa phải đến Thủ Đô...
        Ngon ơi là ngon
        "Bát phở nóng sớm mùa đông bốc khói"
        Xuýt xoa xơi
        Húp miếng "nước dùng"
        thế mới đã
        mới là Người Hà Nội
        Ngồi chen nhau
        ấm cúng vô cùng...

        Ừ sang Pháp (Quận 13)
        Xơi chậu "phở Hà Nội"
        ngỡ là bơi trên món xáo Bò ?
        Sang Lon don xơi tô "phở Hà Nội"
        có chút như vị "ngọt" Sài Gòn ?
        Ồ, sang Nga xơi "phở Việt cộng"
        đích thị dân Hà Nội chợ Vòm.

       Ôi, phở nước Bò, gà / chín, tái
       Phở Hà thành chính hiệu:
       - Nước "dùng" trong veo, không váng, không ngầu
       sợi bánh mảnh, dai dai, mềm mại
       "Bò tái " ư ?
       "Ngon" thứ thiệt "phở Bồ" (2)

                                    Hà Nội 5/8/2017
                                      Nguyễn Khôi

----
(1) Các loại phở: phở nước, phở xào mềm, phở xào giòn, phở áp chảo...
(2) Tục ngữ mới: cơm vợ/ phở Bồ ...câu này có ý nghĩa rất thú vị : ăn cơm do vợ nấu ngày lại ngày mãi cũng nhàm...còn (ngày trước) : Phở là món ăn quà sáng cao cấp, được ví như đi cặp Bồ (ngoại tình) / ngoài luồng: mà ở trên Đời này thì cái gì vụng trộm mà chả "sướng". chả "ngon" hở các bạn ...?

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

THÁC LỜI NGƯỜI NẰM DƯỚI HUYỆT - Lời tâm sự của Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa (nhà thơ Xuân Ly Băng)

Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa (nhà thơ Xuân Ly Băng) đã về cõi miên viễn ngày thứ tư 19/7/2017 vừa qua. Nhớ lại lời tâm sự của Đức Ông cách đây 9 năm.


         
                         Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa 
                            (nhà thơ Xuân Ly Băng)

         THÁC LỜI NGƯỜI NẰM DƯỚI HUYỆT
 Lời tâm sự của Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa (nhà thơ Xuân Ly Băng)

Các anh thân ái,
Sáng nay các anh dẫn tôi đến đây với một đoàn xe và một đoàn người rất hùng hậu. Xe đủ loại và treo cờ xí thật nhiều, hầu hết là màu tím.
Tím là màu buồn phải không các anh? Các anh hát những bài cầu hồn thật cảm động, cũng buồn như màu tím vậy.
Hơn một giờ sau, các anh dẫn tôi ra nghĩa trang. Rồi người ta thỏng tôi xuống huyệt sâu. Trong giây phút này òa lên một tiếng khóc thật thảm thiết. Sau đó là những tiếng sụt sùi của mấy phụ nữ. Đám đông chen lấn nhau trên miệng huyệt khiến các anh không nhìn được tôi khi tôi vừa chạm đáy huyệt. Nếu không, các anh đã quăng cho tôi một vài nắm đất hay một cành hoa tươi, rồi các anh phủi tay ra về. Rả đám. Tôi nghe tiếng chân các anh rút lui mệt nhọc nhưng bước chân vẫn thoải mái và nhanh hơn. Tôi nghe tiếng chân xa dần, xa dần rồi tắt hẳn. Nhưng chen vào đó cũng có tiếng mấy anh rì rầm đánh giá và nhận định về đám tang của tôi. Có anh nói: “đám tang có lớn cỡ nào thì cũng là đám tang người chết”. Tôi không đồng ý vì tôi có chết mãi đâu. Tôi sẽ chỗi dậy từ đám bụi đất trong ngày sau hết. Các anh ra về, đám âm công và những người thân quen của tôi cũng ra về. Giờ đây chỉ còn lại một mình tôi.
Tôi biết bầu trời Vinh An vẫn cao vẫn rộng. Có vài đám mây tán tụ bất thường, thi thoảng cũng dừng lại nhìn tôi. Gió trưa thổi mạnh hơn và mấy hàng phi lao vẫn trút lá buồn buồn.
Các anh có biết không?
Rồi đây sẽ có những đêm mưa gió lạnh lùng hiu quạnh, trong không gian vắng lặng này. Tôi nhớ các anh! Tôi nhớ chân trời cũ. Bên cạnh tôi có khá đông anh em xếp hàng ngay ngắn. Nhưng trong thế giới thinh lặng này mọi người đều im lặng. Sự thinh lặng không trống rỗng nhưng thật lạnh lùng.
Mảnh đất tôi nằm không xa quốc lộ 1A bao nhiêu, chỉ hơn kém cây số thôi. Chắc chắn giữa sự vắng lặng này, nhất là vào đêm khuya, tôi sẽ nghe được tiếng kèn xe của các anh lưu thông trên đường…Tôi nhớ các anh, không biết các anh có nhớ tôi không? Xin các anh cúi đầu ghi một Dấu Thánh Giá trên mình, thương nhớ nhau giữa trời đất bao la. Tôi còn chờ đợi các anh.

                                                                       Phan Thiết,19/8/2008
                                                                          XUÂN LY BĂNG

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

NHỚ MÙA XUÂN LI-BĂNG, VỌNG CỐ HƯƠNG - Thơ Mặc Trầm Cung, Hoàng Công Nga


 
                      Nhà thơ Xuân Ly Băng


     NHỚ MÙA XUÂN LI-BĂNG
     (Thương nhớ Đức Ông J.B Lê Xuân Hoa / Thi sĩ Xuân Li-Băng,
     một cánh én đầu đàn của Làng Thi ca Công giáo Việt Nam)

     Một Cánh Én tung bay, báo mùa xuân đất trời,
     Mặc bão tố phong ba, vững lòng luôn vươn tới.
     Dù nắng gắt mưa sa, chữ tình luôn tươi sáng,
     Nhạc lòng tiến ra khơi, tung lưới tình muôn nơi.

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

THI CA THI NHÂN: LA THỤY - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện giới thiệu

        
    

   
          TIỂU SỬ TÁC GIẢ
          Bút hiệu : LA THUỴ          
          Tên thật :  Đoàn Minh Phú.
          Hội viên Hội VHNT Bình Thuận
          Email : phudoan56@gmail.com


           THI CA THI NHÂN: LA THỤY 
            M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện


      

          Quảng Trị đường xưa ươm kỷ niệm
          La Gi phố mới vắng tâm giao
          Ly hương khắc khoải thương mưa Bấc
          Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào ?
                                  (Vọng Cố Hương)

Chỉ cần 4 câu thơ thôi, cũng là một trường ca bi thương thống khổ! Năm 1972 ở Quảng Trị thành phố địa đầu của miền Nam và mùa hè đỏ lửa, bà con cô bác dân Quảng Trị, ai còn may mắn sồng sót lặng lẽ ra đi, đi nhiều nơi nhiều xứ, có nghĩa là bất cứ nơi nào "đất lành chim đậu" chả khác nào bài hát của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ:

          Tôi lớn lên bởi Tam Giang nước mặn
          Những chiều không mây trắng lững lờ trôi
          Rồi xuôi ngược theo dòng đời năm tháng
          Ơn quê người mà chẳng nhớ quê tôi
          Quê tôi từ thủa nào
          Tháng ngày đời gieo neo
          Con chim kêu chiều chiểu
          Nghe vời vợi hắt hiu
          Câu hò sâu lắng
          Ru đời mình nghĩa nặng
          Ơi hò, ơi ơi hò!
                             (Hai Quê)


Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

THI CA THI NHÂN: PHAN PHỤNG THẠCH - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện giới thiệu


          
          Nhà thơ Phan Phụng Thạch


       THI CA THI  NHÂN: PHAN PHỤNG THẠCH
                            M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện

Phan Phụng Thạch tên thật là Phan Ngọc Thạch sanh năm 1942 tại làng Đạo Đầu, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất vào ngày 24 tháng 2 năm 1973 tại bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng. Học ban Sử Địa Văn Khoa Huế. Tốt nghiệp khoa Khả Năng Sư Phạm tại Sài gòn. Dạy học và làm Quản thủ thư viện tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Nghệ Thuật từ năm 1964 đến 1973. Viết báo ký tên Phan Thu Hạ. 


TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

- Lưu Bút mùa hạ, nhà xuất bản Hạnh Nhơn 1973.
- Thơ Tình tuổi 30.
- Di  Cảo Thơ, nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2014.
- Mơ hồ sương khói (bản thảo bị thất lạc).

        
         Nhà thơ Chu Vương Miện

 
       Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
       Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương 
       Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
       Mắt rưng buồn mà hồn cũng mù sương
                                    (Lưu Bút Mùa Hạ)

       Lòng ta đó như sân trường tháng hạ
       Có các em chân nhỏ bước tung tăng
       Nếu ngày mai thầy trò người mỗi ngả
       Ta chia lòng theo muôn hướng xa xăm
                                  (Nắng hạ tình phai)  


Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

“VỌNG KHÚC CHIỀU”, THƠ LƯƠNG MINH VŨ: TIẾNG HÁT TRÔI VỀ QUÁ KHỨ BƠ VƠ - Châu Thạch


                         
                          Nhà bình thơ Châu Thạch


         VỌNG KHÚC CHIỀU”, THƠ LƯƠNG MINH VŨ: 
                 TIẾNG HÁT TRÔI VỀ QUÁ KHỨ BƠ VƠ
                                                                    Châu Thạch

Đêm nay tôi không làm được gì ngoài việc đọc bài thơ “Vọng Khúc Chiều” của Lương Minh Vũ rồi nghe đi nghe lại bản nhạc “Hát Bên Bờ Suối” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mai phổ nhạc từ bài thơ nầy qua giọng hát của ca sĩ Huỳnh Lợi. Cả ba người nầy tôi không hề biết nhưng sao tôi thấy mình quá gần với họ. Thấy quá gần với họ vì cả ba (thơ, nhạc và tiếng ca) khiến hồn tôi dậy lên biết bao cảm xúc. Bài thơ đã hay, bài hát xáo từng câu rồi ghép lại, phối thành âm thanh tuyệt vời, và giọng ca thì vang vọng như tiếng gió trong rừng vi vu bao lời kể lể. Tôi không rành âm nhạc, chỉ biết nghe, không biết phân tích nên xin chỉ nói về thơ, cảm ơn thơ đã đưa tôi vào hưởng thụ những hương hoa của nhạc.
Đầu đề bài thơ là “Vọng Khúc Chiều” đã được nhạc sĩ phổ vào bản nhạc có tên là “Hát bên Bờ Suối”. Tôi thích đầu đề nầy hơn vì chỉ nghe cái cụm từ nầy ta đã thấy ngay tính cách lãng mạn và nên thơ của nó.
Khổ thơ đầu đẹp làm sao khi cho ta hình ảnh một người ngồi hát bên bờ suối:

           Ta ngồi hát bên bờ suối
           Rừng đổ chiều cây lá ngủ mang mang
           Ngày buông cánh, chim về non bạt gió
           Bài ca buồn từng phiên khúc gian nan

THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG - Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử


   


       THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG 
               Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử

Nhà thơ Xuân Lý Băng hay Đức Ông LM JB Lê Xuân Hoa hiện đã về hưu dưỡng ở Tòa Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Ông tên thật là Lê Xuân Hoa, sinh ngày 23 tháng 4 năm 1926 tại Diễn Châu tỉnh Nghệ An, ông thường theo học ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Hà Nội, Sài Gòn, Gia Định. Ông được thụ phong chức Linh Mục vào ngày 19-7-1959.
Đến ngày 25-1-1998 được phong Giám Chức danh dự của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị
Các tác phẩm đã xuất bản :
    1- Nỗi Niềm
    2- Hoa Vàng Sa Mạc
    3- Thơ Kinh
    4- Hương Kinh
    5- Hình Thơ
    6- Xin Một mảng chiều
    7- Kinh Trong thời gian
    8- Sẽ như thế nào
    9- Sử thi
   10- Thơ từ chuỗi ngọc
   11- Tuyển Tập thơ  Xuân Lý Băng

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

KHI CON HẾT CẦU NGUYỆN - Thơ Xuân Ly Băng


    
                         Nhà thơ Xuân Ly Băng


       KHI CON HẾT CẦU NGUYỆN

       Khi con hết cầu nguyện
       Cặp mắt sẽ ráo khô, không bao giờ nhỏ lệ
       Biết than khóc tội tình
       của hôm qua, hôm nay và ngày mai
       của bản thân mình và xã hội chung quanh

       Khi con hết cầu nguyện
       Tim sẽ lạnh lùng, không biết yêu thương, không màng chia sẻ
       Tim sẽ thành sắt đá trước bể khổ mênh mang
       của đại dương nghèo đói
       tội ác và bạo lực.

       Khi con hết cầu nguyện
       con sẽ không đọc nổi bức thư tình
       từng câu từng chữ trong Thánh Kinh
       là bức thư vĩ đại, bức thư tuyệt vời
       Từ Trời cao Chúa gởi cho nhân loại
       Cho mọi người, cho con yêu.

       Khi con hết cầu nguyện
       Chẳng biết nói gì thêm
       chẳng còn biết nói gì thêm
       Vì máu đã cạn trong tim, như trẻ con hết bầu sữa mẹ
       con ơi !

       Khi con hết cầu nguyện
       Đất trời sẽ rùng mình
       con ơi, thuyền không lái chao đảo giữa biển xanh
       biết đâu là bến bãi, đâu đâu cũng đá ngầm.
       thuyền sẽ tan từng mãnh.

                                                     Xuân Ly Băng


Trích Chùm thơ cầu nguyện - Linh Mục nhà thơ Xuân Ly Băng

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

SAO EM KHÔNG LẦN CHUỖI - Thơ Xuân Ly Băng


            
                            Nhà thơ Xuân Ly Băng


            SAO EM KHÔNG LẦN CHUỖI

            Sao em không lần chuỗi ?
            Những lúc trời gió mưa,
            Khi đêm về tăm tối,
            Khi lá rụng vườn trưa.

           Sao em không lần chuỗi?
           Khi trời mới rạng đông,
           Khi sương mai ngọt bùi,
           Tỏa ngát trên ruộng đồng.

           Sao em không lần chuỗi?
           Cảm tạ MẸ nhân lành
           Ơn MẸ như mưa tưới,
           Hồn em cánh đồng xanh.

           Sao không lần chuỗi?
           Sao không lần chuỗi?
           Bước đường em đi tới,
           Lần chuỗi nhé em ơi!

           Sao em không lần chuỗi?
           Mái tóc thề chấm vai,
           Bâng khâng ngày dong duổi
           Nhung nhớ bóng hình ai.

           Sao em không lần chuỗi?
           Khi lặng ngắm chiều buông,
           Trong cô đơn ngậm ngùi,
           Lệ đắng chảy vào hồn.

           Sao em không lần chuỗi?
           Cảm tạ MẸ nhân lành
           Ơn MẸ như mưa tưới,
           Hồn em cánh đồng xanh.

           Sao không lần chuỗi?
           Khi trái gió trở trời,
           Em mong manh yếu đuối,
           Đến cùng MẸ em ơi.

                         Xuân Ly Băng


         
       
                                Thơ: Xuân Ly Băng
                                Nhạc: Thông Vi Vu
                                Tiếng hát: Xuân Trường


Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

VÀI LỜI TẢN MẠN VỀ CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI - Nguyễn Đăng Hành


          
               Nhà thơ Nguyễn Khôi


  VÀI LỜI TẢN MẠN 
  VỀ CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Tôi từng đọc chân dung các nhà văn đương đại của Xuân Sách, Đỗ Hoàng, Trần Nhương, Hồ Bá Thâm… Con số có tới hàng ngàn, nghe đâu trên ba ngàn khuôn mặt “danh giá” đã được ra lò, trong lúc hiện nay Hội nhà văn Việt Nam tổng thể chỉ có hơn ngàn.
Nay lại được chiêm ngưỡng 99 chân dung nhà văn Việt Nam đương đại của Nguyễn Khôi. Chà chà… Văn tài như “lá rụng mùa thu”, phen này đất Việt Văn Hiến lại bùng nổ nhân tài “đặc biệt” kỳ vĩ đây. Mỗi người mỗi vẻ: Xuân Sách quả là chín rưng rức, tràn trề thăm thẳm, góc cạnh sắc sảo, uyên thâm, uyên bác; Đỗ Hoàng đa năng táo bạo, giọng điệu sàng xê bay nhảy thủy hỏa tương giao; Hồ Bá Thâm dò dẫm dàn dựng, gắng gượng đưa đẩy; Trần Ngọc Sơn đều đều cần mẫn trơn tru tuồn tuột; Trần Nhương tự tin khôn khéo dụng công trau chuốt, công năng dàn trải,… Mỗi ông đều là những vị thủ kho mẫn cán, thu thập hồ sơ tên tuổi tác phẩm quá khứ hiện tại rồi lắp ghép, sắp đặt thành chân dung, thoáng đọc thoảng nghe cũng thỏa mãn cái tò mò, bức xúc nhưng xem kỹ đọc nhiều thì nhàm nhạt, ngấy ngộ... Theo tôi, đã là chân dung thì phải lột tả, phác thảo, khắc họa khuôn mẫu, cũng như thợ vẽ thợ ảnh phải đứng ở góc độ, chớp đúng thời cơ mà vẽ, mà chụp cái thần sắc để thành ảnh sống động, khí sắc thăng hoa, rồi mà treo ngắm, thưởng lãm... Còn bác Nguyễn Khôi nhà ta thì sao? Rất tốc độ, thật lòng, thật sự ra công cố sức đôi khi nín thở, dồn hơi, gắng bứt vượt, cố đèo bòng... Có lẽ bởi cái bóng cái tán của Xuân Sách, cái áp lực của 200 công trình bài bản kỳ khu của Trần Nhương... Và thêm phần tuổi tác sức khỏe nên tác phẩm của bác phần nhiều viết bằng chí năng nên phần dương khí cương cường lộ liễu, nhiều câu na ná, công thức bài bản, xem mặt kể tên, lấy sự kiện sự việc, sự thật các câu chữ số phận của mỗi “nhà” rồi sắp đặt lắp ghép thành “chân dung” nên cứ na ná, trùng lẫn. Ngay cái tít Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại đã thấy rầm rộ hoành tráng quá, giá tác giả hạ bút đặt tên Thoáng nét người văn tôi tâm ý hoặc chẳng cần quốc hiệu đương thời bảo lãnh thì sẽ nhẹ nhàng dễ gần dễ cảm hơn. Dù sao tôi cũng vô cùng cảm phục lão thi sĩ, lý do đầu là ở cái tuổi lẽ ra cụ cứ ngự lãm khề khà trà rượu, cháu chắt hầu hạ kính cẩn ấy thế mà cụ vẫn cố dồn công lực phát tiết nội sinh làm nên tác phẩm lưu danh hậu thế. Thứ hai là cụ đã hùng dũng thẳng thắn, khảng khái không kiêng sợ các “đền đài thần thánh” một thời thiêng liêng ngự trị. Thứ ba là từ trái tim nhân hậu, tâm hồn khoáng đạt và sự từng trải, tác giả đủ bản lĩnh dũng cảm dám lên tiếng bảo vệ nhân văn, nhân quyền, nhân phẩm, sự thật và dân chủ. (Đúng ra là phải dẫn chứng cụ thể nhưng vì khuôn khổ bài viết vậy mời bạn đọc tìm đọc tác phẩm của Nguyễn Khôi sẽ rõ:/chan-dung-99-nha-van-viet-nam-uong-ai.html.) Thứ tư, tác giả nhân ái, công tâm, giàu tin đỡ lớp trẻ, người chưa có điều kiện, tác phẩm mới lấp ló cánh cửa văn chương hoặc chưa nổi bật, chưa khác biệt đặc biệt… mà viết chân dung văn học thì tiêu chuẩn đầu tiên là phải tìm kiếm, điểm danh, lựa chọn, tuyển chọn những gương mặt đặc biệt khác biệt, hữu danh tài đức, đã có tác phẩm vang dội, gây ảnh hưởng lớn trong xã hội... Mọi sự so sánh đều khập khiễng, soi mói, dòm ngó chê bai thì “chó nó cũng làm được”. Thôi, có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa, chúng ta hãy chúc mừng tác phẩm đã mẹ tròn con vuông, đã thành sách truyền bá, xin “Kính tích tự chỉ.”.

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

NGẪM MÀ HỔ THẸN VỚI "CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI" CỦA NGUYỄN KHÔI - Lê Mai


           
                    Nhà văn Lê Mai


NGẪM MÀ HỔ THẸN VỚI "CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI" CỦA NGUYỄN KHÔI

 Chẳng hiểu sao, đột nhiên trên "mạng" @ và trong xã hội hồi này lại ồn ĩ lên chuyện "Chân dung các Nhà văn"... hết Xuân Sách, đến Trần Nhương, Đỗ Hoàng rồi lại Nguyễn Khôi... Lê Mai tôi thấy có cái gì đó bức xúc, không bình thường trong đời sống xã hội, mà cụ thể là trên Văn đàn đương đại của ta  hôm nay. Đó là ngẫu nhiên hay tất nhiên của dòng chảy lịch sử ? Thiển nghĩ, văn chương của cái thời minh họa - trại lính- "tố cáo", "nâng bi" lừa mị đến trơ trẽn... thứ văn chương đó đã đóng góp được gì cho Nhân dân, cho Tổ Quốc ?có xứng đáng cho người đời khắc họa Chân dung các Nhà văn. Phải chăng đó là hiện tượng "tự sướng", đầy ngộ nhận của các Văn nghệ sĩ?
  Tuy nhiên,  khi ta đọc Xuân Sách và Nguyễn Khôi (cách nhau 25 năm,mỗi người một vẻ) thì tưởng vậy mà không phải vậy!

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

NGÀY MAI XA PHỐ - Thơ Phạm Tường Đại

Tưởng nhớ nhà thơ niên trưởng Phạm Tường Đại nhân ngày giỗ của ông.

    
               Nhà thơ Phạm Tường Đại 
                        (1930 - 2008)

         NGÀY MAI XA PHỐ
         (Tặng Nguyễn Hiền và các đồng nghiệp tôi)

         Ngày mai xa phố xa phường
         Phượng hồng ở lại sân trường buồn không?
         Tắc kè bỏ lớp đi rông
         Lục bình ép xác bờ nông rã hè.
         Trường tan ngã bóng hàng me
         Ríu ran chân sáo đi về còn đâu
         Bao năm thắp ngọn đèn dầu
         Chia nhau từng mẩu phấn màu mà vui.
         Ngày mai xa phố xa người
         Nhòe trong nỗi nhớ nụ cười trẻ thơ
         Nụ cười xanh thắm ước mơ
         Nối vòng tay rộng bài thơ cuộc đời.
         Cánh chim bay nhớ khoảng trời
         Ngày mai xa phố nhớ người phố xa.

                           PHẠM TƯỜNG ĐẠI
                                       1998

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

BIÊN CƯƠNG HÀNH - Thơ của Phạm Ngọc Lư và cảm nhận của Huỳnh Xuân Sơn

Anh Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vĩnh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên. Ngụ cư Đà Nẵng từ 1994. 
Cựu sinh viên Hán Học Viện và Đại học Văn khoa Huế. 
Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn.
Bước vào con đường văn chương (viết trên các tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Bách Khoa) trong những năm sống và dạy học ở Tuy Hòa trước năm 1975.
Anh vừa mới đi về miền miên viễn ngày 27-5-2017 tại Đà Nẵng.

            
           
                 BIÊN CƯƠNG HÀNH

                 Biên cương biên cương chào biên cương
                 Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
                 Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
                 Núi chập chùng như dãy mồ chôn
                 Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
                 Thổi lấp rừng già bạt núi non
                 Mùa khô tới theo chân thù địch
                 Ta về theo cho rậm chiến trường
                 Chiến trường ném bẹp núi
                 Núi mang cao điểm binh như vãi đậu
                 Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
                 Lớp lớp chồm lên đè ngút oan hờn
                 Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
                 Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
                 Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
                 Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
                 Biên cương biên cương đi biền biệt
                 Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
                 Trông núi có khi lầm bóng vợ
                 Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
                 Thôi em, sá chi ta mà đợi
                 Sá chi hạt cát giữa sa trường
                 Sa trường anh hùng còn vùi dập
                 Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
                 Đây biên cương, ghê thay biên cương !
                 Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
                 Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
                 Mùa mưa về báo hiệu tai ương
                 Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
                 Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
                 Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
                 Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
                 Cô hồn một lũ nơi quan tái
                 Có khi đã hóa thành thú muông
                 Cô hồn một lũ nơi đất trích
                 Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
                 Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
                 Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

                 Đây biên cương, ghê thay biên cương!
                 Tử khí bốc lên dày như sương
                 Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
                 Rừng núi ơi ta đến chia buồn
                 Buồn quá giả làm con vượn hú
                 Nào ngờ ta con thú bị thương
                 Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
                 Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
                 Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
                 Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
                 Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
                 Hồn theo mây trắng ra biên cương
                 Thôi em, yêu chi ta thêm tội
                 Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
                 Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
                 Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
                 Thôi em, chớ liều thân cô phụ
                 Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
                 Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
                 Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
                 Há một mình ta xuôi biên tái
                 “Nhất khứ bất phục phản” là thường!

                Thôi em, còn chi ta mà đợi
                Ngày về: thân cạn máu khô xương
                Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
                Hề chi! Buổi chinh chiến tang thương
                Hề chi! Kiếp cây rừng đá núi
                Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

                                           PHẠM NGỌC LƯ
                                             Tháng 5. 1972  

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

SỰ THẬT VỀ TÁC GIẢ CỦA VỞ KỊCH THƠ “BÓNG GIAI NHÂN” - Hoàng Cầm

           Gửi Yến Lan, một nỗi nhớ, một niềm thương
           Ký tên Hoàng Cầm

                 
                           Nhà thơ Hoàng Cầm

SỰ THẬT VỀ TÁC GIẢ 
CỦA VỞ KỊCH THƠ “BÓNG GIAI NHÂN”
(Ai là tác giả của vở kịch thơ Bóng giai nhân - Hoàng Cầm)
                             Lâm Bích Thủy sưu tầm và giới thiệu

 “Trong lịch sử văn học và nghệ thuật của loài người, ngay từ những thế kỷ đầu trước và sau Công Nguyên, hầu như ở dân tộc nào cũng đôi khi xảy ra vài ba chuyện nhầm lẫn ở bộ môn này, bộ  môn khác  mà về sau các nhà làm văn hóa sử thường vấp phải những điều khó bình luận, khó phân giải. Rồi họ thấy tiếc, tiếc rằng đã không biết rõ sự thật về một bức tranh, một bài thơ, một câu chuyện kể, càng tiếc hơn khi không biết thật đúng về đời sống và tác phẩm của một thi hảo, một danh họa nào đó. Ở ta chỉ mới vài trăm năm , trường hợp Hồ Xuân Hương là một ví dụ
Đến thời đại chúng ta, nếu những người đương thời với một số văn nghệ sĩ lại làm ngơ trước một vài sự thật bị nhầm lẫn (trong khi mọi mặt thong tin đã có nhiều điều kiện khoa học tân tiến để xác minh bất cứ một vấn đề to nhỏ nào trong đời sống v8n hóa của một dân tộc, một đất nước, thì tôi nghĩ đấy có thể trở thành một tội lỗi đối với những thế hệ mai sau. Vì bản chất loài người là luôn luôn khao khát được biết, được hiểu những sự thật lịch sử của riêng từng dân tộc.

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI - Thơ Nguyễn Khôi

Lời thưa: Được nhà văn Lê Xuân Quang (Berlin) khuyến khích, theo gót nhà văn Xuân Sách, nhà thơ Đỗ Hoàng, nhà thơ Trần Nhương, với tiêu chí “văn là người”, Nguyễn Khôi tôi dùng thơ 4 câu phác họa chân dung 99 nhà văn mà mình mến mộ. Xin được chia sẻ cùng các bạn thơ.

            
                   Nhà thơ Nguyễn Khôi

CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
                                                                         
           1. TỐ HỮU
           Tự nhận mình là Lành
           Mọi người thấy rất dữ
           mác lê bọc bằng Thơ
           Đã đâm chỉ có “tử”.

           Tung hoa máu xung trận
           là Hịch chống xâm lăng
           lời Thề với Đảng, Bác
          “Từ ấy”, “Sáng tháng Năm”

            2. CHẾ LAN VIÊN
            Tài thơ đến như  Chế
            Đời  thật khó khen chê
            Bẻ cành phong lan bể
           “Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”.

            Bắn pháo hoa Tư tưởng
            Vờ khóc nước non Hời
            Tháp Bay On bốn mặt
            Giấu đi mặt ma trơi.

            3. SÓNG HỒNG
            Thơ văn là bom đạn
            Lật đổ/ phá cường quyền
           “Đổi mới” phải sự thật
            Đọc Ức Trai đêm đêm.

            4. LÊ ĐỨC THỌ
            Thơ: mực hòa máu viết
            Người hùng - quyền thứ hai
            Giải Nô ben thứ thiệt
            Ai thấy cũng bye bye. (bai bai)

            5. HOÀNG VĂN HOAN
            Anh Ba quy: Việt gian
            Sang nương vây lão Đặng
            Xuống địa phủ viết văn
            Gặp cụ Hồ đặng đặng?

            6. XUÂN THỦY
            Trùm đàm phán Paris
            Lịch lãm và trí thức
            Bị “nạn” thì làm thơ
           “Không giam được trí óc”

            7. TRẦN ĐĨNH
            Chính sự theo “đèn cù”
            “Bất khuất” nên bị thiến
            Đang diễn hề hầu vua
            Hí trường đột tai biến!

           8. VIỆT PHƯƠNG
           “Cửa mở” hở hậu cung
           “Lụy” mấy ông xuất bản
           - Ta cái gì cũng Hồng
           - Địch cái gì cũng Xám
           - Trảm!

           9. HỮU THỈNH
           “Thư mùa đông” cho lính
           Thơ xoàng xĩnh lên ngôi
           Điếu văn “hot” tới đỉnh
           Trơ ghế cao anh ngồi.

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

MẸ - Thơ La Thụy


                   

            MẸ

            Dù thân thấm đẫm bụi đời
            Và tóc con chớm điểm màu sương
            Nhưng với mẹ,
            Con vẫn còn thơ trẻ
            Dù vóc hạc hao mòn theo từng tia nắng xế
            Mẹ luôn là bóng cả,
                                           ân cần rợp tỏa
            Trìu mến ủ che
            Dắt dìu con lìa thoát bến mê

                                            La Thuỵ

TỈNH SAY - Thơ Tuan Nguyen và Đức Hạnh


       


                           TỈNH SAY
           Cảm tác: "Đêm Say Cùng La Thụy"
                              (Tứ đối)
          - Men cay để thấy hồn luôn tỉnh
          Chén đắng nghe chừng tóc đã say!
          - Rượu có xỉn nhưng lòng vẫn tỉnh
          Tình vừa thức để nghĩa hằng say..!
          - Phù sinh lác đác ngày ru tỉnh ,
          Cõi tạm vô cùng khắc diễn say !
          - Vũ trụ quay cuồng đời chửa tỉnh...
          Nhân trần nghiêng ngã mộng còn say...

                        Tuan Nguyen &  Đức Hạnh
                                   08.05.2017


       

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

NHỚ MỘT NGƯỜI THÔI - Thơ Vĩnh Thuyên, nhạc Trần Quang Khen


     

            Thơ: Vĩnh Thuyên.
            Phổ nhạc: Trần Quang Khen.
            Ca sĩ trình bày: Lâm Trí Tú. 
            Video clip: Phú Đoàn.


    NHỚ MỘT NGƯỜI THÔI
          (Tặng Kha Tiệm Ly)

    Nhớ em muốn chết cho rồi !
    Uống say nằm ngủ,
                   thức ngồi nhớ em

    Xin gởi gió nụ hôn lên tóc
    Vì má môi là của người rồi
    Gió từ chối đông về bấc lạnh
    Chờ hạ sang lâu lắm gió ơi !

    Mấy mươi năm một lần lầm lỡ
    Lỡ một lần nghìn xót ngàn xa
    Đêm trở giấc vòng quanh phố chợ
    Chợ vắng người phố chẳng ai qua

    Nhớ em nhớ đủ trăm bề
    Bỏ đi trăm thứ muốn về thăm em

                                     Vĩnh Thuyên

 

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, THƠ XUÂN LY BĂNG - Châu Thạch


                  
                   Nhà bình thơ Châu Thạch

CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, THƠ XUÂN LY BĂNG

                                                              Cảm nhận của Châu Thạch

Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã được xem  là nhà thơ của đạo Thiên Chúa vì thơ ông chính là “nguồn trong trẻo vô biên” phát ra từ sự cảm xúc bởi đức tin trong tim. Nhà thơ không chủ ý sáng tác để tôn thờ Thiên Chúa hay để truyền bá Phúc âm nhưng Thiên Chúa đã chiếm ngự linh hồn ông, nên thơ ông tự nhiên đầy dẫy Thánh Linh. Tôi tìm được người thứ hai có phong cách như thế trong bài thơ “Im Lặng” của nhà thơ Xuân Ly Băng. Im lặng theo định nghĩa của từ điển là không có lời nói, không có tiếng động nào. Sự im lặng nầy chỉ xảy ra ở bên ngoài nhưng trong tâm vẫn còn xao động bởi muôn vàn hỷ nộ, ái ố của chính mình.  Im lặng theo triết lý Phật giáo là “tỉnh lặng như chánh pháp”, nghĩa là tâm thức vẫn hoạt động nhưng tự mình hướng cho tâm thức quay về nẻo thiện, tránh nỗi đau và tìm sự an lạc.
Bây giờ hãy đi vào thế giới “Im Lặng” của Xuân Ly băng:

                 Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
                 Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
                 Đường vào im lặng mê ly quá
                 Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên  
   

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

VỊNH LẠI THƠ TIÊU TƯƠNG BÁT CẢNH - Thơ Nguyễn Khôi


          
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi

Thân gửi : Nhà thơ La Thụy ,
 Nhã My là nữ thi sĩ  miền Nam Việt Nam, hiện định cư ở Hoa Kỳ, nàng có một series Thơ về Sông Tương... mà Nguyễn Khôi đọc như tìm thấy "Người Tình trong mộng". Sông Tương tuy ở bên Trung Hoa nhưng đã đi vào hồn thơ Hán Việt trên 1000 năm (do giao lưu văn hóa) Nhạc sĩ Văn Giảng (Huế) đã có một bài hát bất hủ về sông Tương... ở làng quê NK (Bắc Ninh )cũng có một dòng sông cổ tích: sông Tiêu Tương trước mặt chảy lặng thầm, gắn với sự tích Trương Chi- Mỵ Nương, đã được Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài hát "Trương Chi" tuyệt hay... là Trai Đình Bảng/ Nguyễn Khôi nhiều lúc thơ thẩn bên dòng Tiêu Tương mộng mơ, cất lên tiếng Sáo vẩn vơ... nay là Thơ gửi tặng Nhã My / Người  tình trong mộng ở bên kia bờ Đại dương... vô vọng... xin được chia sẻ cùng các bạn thơ :
1)- Sơn thị tình lam: hơi mù sương buổi trời tạnh nơi chợ núi.
2)-Ngư thôn tịch chiếu:bóng chiều rọi thôn chài.
3)-Giang thiên mộ tuyết: tuyết chiều trên sông.
4)-Yến sự văn chung: chuông chiều ở chùa cao trong mây.
5)- Bình sa lạc nhạn:Nhạn sa bãi cát phẳng.
6)-Viễn phố quy phàm: thuyền dong buồm về bến xa.
7)-Tiêu Tương dạ vũ: nửa đêm trên sông Tiêu Tương.
8)-Động Đình thu nguyệt: trăng thu trên hồ Động Đình.

       
                      Nhà thơ Nhã My

              VỊNH LẠI THƠ TIÊU TƯƠNG BÁT CẢNH
                            (Tặng Nhã My)             

              *Người đi xa lắm
               Tôi chờ
               Tiêu Tương một dải
               bơ sờ tóc sương.
               *Người đi xa lắm
               Tôi thương
               "Tình lam / sơn thị" chợ cồn núi xa.
               *Người đi xa lắm
               Tôi ca
               "Ngư thôn tịch chiếu" chiều sa thôn chài.
               *Người đi xa lắm
                nguôi ngoai
               "Giang thiên mộ tuyết" tôi hoài hoài mong.
               *Người đi xa lắm
               Tôi trông
               "Văn chung/ yến sự" mấy tầng chuông mây.
               * Người đi xa lắm
               Tôi say
               "Bình sa lạc nhạn" cát đầy mắt chim.
               * Người đi xa lắm
               Tôi nhìn
               "Quy phàm / viễn phố" cánh buồm tít xa.
               *Người đi xa lắm
               Tôi mơ
               "Tiêu Tương dạ vũ" thẫn thờ riêng tôi.
               * Người đi xa lắm
               bên Trời
               "Động Đình thu nguyệt" trăng rơi đáy hồ.
               * Người đi xa lắm
               Tôi thơ
               "Tiêu Tương bát cảnh" ỡm ờ với ai ?
           
                          Quê Bắc Ninh 21-7-2014
                                NGUYỄN KHÔI

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

NGƯỜI BẠN LẠ ĐỜI - Kha Tiệm Ly


         
                   Nhà văn Kha Tiệm Ly


NGƯỜI BẠN LẠ ĐỜI

Tôi với nó bản tính khác nhau một trời một vực, như đen với trắng. Thế mà định mệnh lại xui khiến tôi phải là bạn thân với nó suốt hơn mười năm trời, kể từ những năm đầu tiểu học, cho đến ngày ghi danh vào đại học. Bản tính khác nhau, chơi nhau là khó. Đàng nầy tôi và nó lại là đôi bạn thân suốt một thời gian dài, nghĩ cũng lạ.
Tôi thì chăm chỉ, cần mẫn; nó thì lưòi biếng, cẩu thả. Tôi thì keo kiệt, nhút nhát; nó thì rộng rãi, gan dạ. Tôi thì ưa câu mâu những chuyện nhỏ nhặt, còn nó thì không để ý những điều tiểu tiết. Nói chung, hai đứa không có cái gì hạp nhau, mà lại rất thân nhau, “biết” nhau, rõ thật lạ đời!
Tôi chưa thấy nó học bài ở nhà bao giờ. Khi thầy kêu trả bài, thì nó… mới bắt đầu học! Nhìn vẻ mặt khẩn trương của nó lúc nầy thật tội nghiệp. Nếu nó xui xẻo mà bị thầy kêu lên lần đầu tiên, thì “ăn trứng vịt” là cái chắc; nhưng nếu thầy kêu nó sau vài ba bạn thì nó đọc cũng khá xuôi tai! Dù thế nào, vẻ mặt thầy cũng tạm hài lòng với đứa học trò “siêng năng” nầy, bởi những con muỗi mà nó đập và kẹp vào tập mỗi tối, đã đủ chứng minh rằng nó đã có học bài!

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

THỜI NHÀ SÀN - Thơ Chu Vương Miện


      
         Chu Vương Miện


       THỜI NHÀ SÀN
  
       sống mọi cà lơ
       du canh du cư vài năm rồi bỏ
       vào tuốt rừng sâu chặt cây vạt cỏ
       dựng túp nhà sàn ở tạm dăm năm
       có khỉ dòm nhà có chó leo thang
       trâu gõ mõ chim bắt cô trói cột
       nương bắp nương khoai ăn bằng muối hột
       hết mỡ mầu cuốn gói ra đi
       bây giờ tắm xong cùng biệt cùng ly
       duyên đã tận tình chia hai ngả
       con thuyền ra khơi chả gì non nả

       mừng cho nhau ngày hai đứa lâm hành

                              CHU VƯƠNG MIỆN

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

NÍU, BUÔNG, XẢ... - Thơ La Thụy


     
                        Tác giả La Thụy


       NÍU
       Níu mây dừng bước phiêu linh
       Níu trời hẹp bớt mông mênh tình sầu
       Níu trăng ngơ ngẩn đêm sâu
       Níu tình huyền mộng bên cầu sắc không

       BUÔNG
       Buông thân đẫm bụi ta bà
       Buông tình sóng cuộn hải hà giận yêu
       Buông hồn theo gió phong phiêu
       Trí buông xuôi nốt tàn chiều vô ngôn

       NÍU BUÔNG
       Níu, buông… mòn mỏi dặm về
       Níu: còn nuối tiếc cơn mê
       Buông sao rời rã mệt mề tình xa
       Ừ thì tin nhạn la đà
       Níu buông, buông níu… yên hà huyễn hư

       XẢ
       Xả lòng vơi nhẹ tục căn
       Suối nguồn xả gột trần tâm não phiền
       Xả tình hồn trí an nhiên
       Xả hương tục lụy xuôi miền vô ưu


                                         LA THỤY

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

CÁT VÀ ĐÁ - Thơ 4 Sinh Ngữ Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha của Phước Tuyền Ngô Quang Huynh



              

Bài thơ nầy dựa vào Youtube "Câu chuyện Cát và Đá" được tóm tắt như sau: Hai chàng thanh niên đi trên sa mạc, ban đầu vui vẻ trò truyện, nhưng sau đó, không biết ly do gì sinh ra cãi vã, rồi chàng A tức giận đánh chàng B... Chàng B không nói gì, vội viết ngay trên cát sự cố vừa xảy ra.
Hai chàng vẫn tiếp tục cuộc hành trình... và gặp một hồ nước, chàng B liền xuống khoát nước rửa mặt cho đỡ nóng, chẳng may trượt chân té xuống hồ sâu... Chàng A vội nhảy xuống cứu bạn mình... Sau khi lên bờ, chàng B liền lấy dao khắc trên đá hành động cứu người của bạn mình... Chàng A ngạc nhiên hỏi chàng B lý do nào khi thì viết trên cát lúc lại khắc trên đá...


                                CÁT VÀ ĐÁ
     Thơ 4 Sinh Ngữ  (Việt - Anh - Pháp -Tây Ban Nha)

     1. Cát và Đá. (Việt nam)
     2. Sand and Rock. (English)
     3. Sable et Pierre. (Français)
     4. Arena y Roca. (Español)



     CÁT VÀ ĐÁ

     Bạn đánh tôi rồi, đau đớn thay !
     Tôi ghi trên cát phút giây nầy,
     Để đừng nhớ lại hành vi ấy,
     Thời điểm đau buồn dễ vụt bay..

     Bạn giúp vài điều, tôi cũng ghi,
     Ghi giờ ghi phút bất cứ gì,
     Phen nầy tôi lại khắc trên đá
     Để nó đừng phai, gió cuốn đi..

     Bạn làm mỗi chuyện, tôi chép luôn,
     Ghi cả hân hoan lẫn khổ buồn,
     Hầu nhở nhắc tôi ngày tháng lại,
     Nhưng tùy nơi viết dễ nhìn trông.

     Lâu nay bạn đã giúp tôi nhiều,
     Thoải mái tuổi già lúc quạnh hiu.
     Trao đổi tâm tình như ruột thịt,
     Ân cần thăm hỏi sớm hay chiều.

     Chiều nay tôi định ra biển ngồi,
     Viết hết nỗi lòng trên bãi thôi.
     Để sóng dồn lên hay gió thổi,
     Những gì không đẹp cuốn nhanh trôi.

     Phước Tuyền Ngô Quang Huynh
                   (Feb. 4, 2009)